TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (2)
Tác giả: Dương thu Hương
Một người chồng tình nghĩa như vậy quả là không dễ kiếm, một người cha thương con đến như thế cũng là chuyện hiếm trên đời. Khi ông đô Vàng chết, cô Vui làm ma cho bố ba ngày liền, dù cô là bí thư chi đoàn và chính quyền vốn ngăn cấm dân chúng tiêu xài lãng phí trong những dịp lễ lạt hay ma chay. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng dành cho một số người quyền ngoại lệ. Bởi vì ngoài lề luật của thế tục, bao giờ cũng có những thứ lề luật mà con người tự hiểu với nhau, không cần đến giấy trắng mực đen. Như vậy là ba ngày liền, kèn trống vang vọng khắp xóm cùng thôn, tiếng hát đưa vong miên man như suối chảy. Ba ngày liền, hết bò lại gà lợn bị vật chết trong mảnh sân lát gạch thênh thang. Dân làng, từ già đến trẻ, từ chức sắc đến cùng đinh cứ việc thoả sức đánh chén. Thành ra cái chết của ông đô Vàng từa tựa như một dịp hội hè tuy người ta không tiện nói ra. Chẳng cứ dân Xóm Tiều Phu, dân quê ở bất cứ nơi nào cũng vậy, trong một cuộc sống chật vật và buồn tẻ, người ta khó từ chối những dịp được nâng chén rượu lên hạ chén rượu xuống, và được ăn thoả sức những thứ vốn ít ỏi trong những bữa cơm thường.
Cô Vui, từ sau đám ma bố, bỗng nhiên có một thứ quyền lực không định danh. Trước đây, là bí thư chi đoàn, cô chỉ là xếp sòng của đám thanh niên và con nít. Sau cái thời điểm mà người ta chứng kiến lòng hiếu thảo tận tuỵ của cô, cũng như sự hào phóng chưa từng thấy nơi một người đàn bà, cái nhìn của dân làng hướng về cô hoàn toàn thay đổi. Thế là, từ một cô gái lỡ thì, đề tài vô tận cho các cuộc kháo chuyện tục tĩu của cánh đàn ông, cô đã trở nên một chức sắc tự phong, điềm nhiên tham gia vào mọi sự việc trọng đại trong làng, với vai trò của một bậc nam nhi hơn là của một trang nữ tú. Người ta không mời cô khi có một cặp vợ chồng cãi cọ, vì đấy là việc của mấy bà cán bộ phụ nữ trong tổ hoà giải, nhưng họ mời cô khi mưa lũ làm sụt lở đường, khi xảy ra chuyện tranh chấp nương vườn với xã bên, khi cần phải xây trường học và nhà hộ sinh cho xã, khi cần phải khiếu kiện với cấp huyện về vấn đề phân phối máy xay máy sát và lương thực. Tóm lại, thuần những việc trọng đại thiết cốt tới đời sống và tương lai của dân chúng. Mùa đông năm ấy, lần đầu tiên, gian bếp nhà cô Vui thay thế gian bếp lạnh của vợ chồng ông Quảng.
Dân làng, nhất là những người đàn bà làm quen rất nhanh với những gian nhà kho của cô. Bởi cô không có đến mười gian nhà ngang rộng rãi như ông Quảng. Giàu có đã lâu nên cơ ngơi nhà ông gây dựng theo hình mẫu cổ, ba toà nhà châu tụ hình chữ môn quanh mảnh sân vuông lát đá, tòa nào cũng năm gian thênh thang, ngói dày, tường cao, gỗ cửa bóng lọng như gương. Năm nhà ngang bên trái ông dự định dành cho cậu út Quỳnh sau này lấy vợ và sinh con. Năm gian nhà ngang bên phải là nơi chứa lương thực, thực phẩm và mọi thứ đồ nghề. Nếu ai có hỏi phần của cậu Quyết cậu Quyến ở đâu thì ông bảo :
« Hai thằng này có số đi ở rể. Bảy lượt đi xem tướng các thầy đều bảo thế. »
Cô Vui không chồng không con nên ngôi nhà năm gian ông đô Vàng xây đã là quá rộng. Vì thế, cô chủ trương biến ba gian thành kho chứa đồ theo kiểu dân thành phố. Trong ba gian nhà kho của cô, mọi thứ xếp thành hàng thành lối , đều tăm tắp như các đội quân, dù là dụng cụ làm vườn, đồ nghề làm mộc, sao chè, đổ miến hay các đõ ong, các thùng lương thực ...tất thảy đều đánh số, ngăn nắp và sạch sẽ một cách đáng thán phục. Nhưng vì thói quen sạch sẽ thái quá của người không chồng, cô Vui chỉ định cho các vị khách những món ăn mà theo cô, không gây ra quá nhiều thứ rườm rà. Thành thử, dân làng chỉ có thể được cô thết một vài món chủ yếu là xôi đậu, bánh chè lam, ngũ vị hoặc bánh rán nhân mặn. Đừng mơ tưởng tới xôi gà hấp, xôi gà nướng hoặc những món cầu kì khác. Cô vốn sợ lông gà và lòng gà vương vãi trên mảnh sân gạch bóng lộn của mình. Trừ những ngày lễ tết, ma chay, thường ít khi cô thịt gà mà chỉ ăn trứng. Còn thịt lợn, thịt bò cô mua nơi nhà khác. Trong sân nhà cô, gà không được thả rông mà quây trong khu rào thép mắt cáo. Bờ dậu quanh vườn cũng chắn thép mắt cáo sát đất để ngăn gà vịt, ngan ngỗng láng giềng đột nhập. Sống nơi thôn dã mà sạch sẽ đến như thế kể cũng là chuyện lạ kì. Nhưng tục ngữ đã dạy :
« Đáo giang tuỳ khúc, nhập gia tuỳ tục. »
Dân làng chấp thuận rất nhanh những điều luật trong ngôi nhà của cô chủ không chồng ...Dù trong tâm can, họ có nuối tiếc gian bếp tưng bừng niềm nở nhà ông Quảng như một thiên đường đã mất thì con mắt thực tế buộc họ phải coi bếp lửa nhà cô Vui như một quán trọ đẹp mắt đối với kẻ lữ hành mỏi gối chân chồn. Mùi thơm của chè lam ngũ vị dẫu không hấp dẫn như món xôi gà nhưng cũng đủ làm rạo rực dạ dầy trong những ngày giá rét. Mà năm ấy rét thật hãi hùng. Chưa ai chứng kiến một mùa đông rét ghê rét gớm như vậy. Người ta nói không ngoa : Rét quắt cả tai. Rét buốt đến tận óc. Rét đến nỗi hơi thở đặc quánh trong hai lỗ mũi. Tháng mười, tháng một rồi cho đến tháng chạp, những cơn rét kéo không nguôi. Dường như không có lấy một ngày trời hửng nắng. Nhìn lên đỉnh Lan Vu chẳng thấy một đốm xanh của cây rừng hoặc mỏm đá. Không phải tuyết nhưng những cánh đồng mây chồng chất tầng tầng lớp lớp tạo thành một cõi trời mênh mông trắng buốt và mỗi khi gió nổi, những cánh đồng mây trắng đó xô đuổi nhau, xao động, bồng bềnh hắt lên những luồng sáng bạc lạnh lẽo. Hiếm hoi lắm, mặt trời mới trồi lên, nhợt nhạt héo hon như trái cam bị sâu đục, rồi một hai giờ sau, lại biến đi vô tăm tích. Năm ấy, nói một cách chính xác không còn là một mùa đông mà là hai mùa đông tiếp nối, không đứt quãng. Cái Tết Nguyên Đán qua đi vội vàng, cũng gần như không ai nhớ vì mưa rét. Chẳng ai dám trẩy hội. Không có trống chèo, cũng không có trống hội vật. Không có cảnh đáo cù, cờ bãi. Không có chọi gà chọi trâu. Cũng không cả trò thi thả chim, thả cá. Không ai cho trẻ con ra đường. Mọi hoạt động chỉ còn thu lại quanh bếp lửa. Quanh bếp lửa, người ta gói bánh chưng, bánh nếp, làm các loại chè lam ngũ vị. Quanh bếp, người ta nấu nướng, ăn uống rồi sau đó, những người già ngủ ngay quanh đống lửa còn trẻ con và người lớn phải đem chăn hơ cho nóng trước khi lên giường. Sau tết, trời lại đổ mưa. Lại tiếp tục rét. Như thế là mùa đông tiếp nối mùa đông !
...Vào một ngày cuối tháng hai, lẽ ra đã là thời khắc cây cối đâm chồi nảy lộc nhưng vì rét muộn nên các cành cây vẫn hoàn toàn trơ trụi, dân làng tụ tập trong gian bếp nhà cô Vui. Hôm ấy, chủ nhân đem ra sáu quả gấc nếp với hai cân đường đãi khách. Mấy ngày Tết, có một mình nên cô không muốn làm xôi gấc mà giàn gấc trên bể nước lại lần lượt chín đỏ như son. Hơn nữa, trong bếp cô còn hai liễn mỡ gà, thứ mỡ tuyệt hảo chỉ dành riêng để làm các loại xôi ngọt như xôi dừa, xôi vừng, xôi gấc. Ý định của cô được mọi người hoan hỉ đón nhận. Ngay tức khắc, các bà nhộn nhạo bắt tay vào hông đỗ, vớt gạo ngâm, rửa chõ đồ xôi dưới bếp trong khi ở gian nhà trên đám đàn ông ngồi hút thuốc, nhấm nhá bánh ngũ vị quanh lò than. Ngoài sân, trời vẫn không ngừng mưa. Thứ mưa nặng hạt như mưa giông lại kèm theo gió bấc. Thứ mưa đó buốt tới xương, thứ mưa đó ngăn người ra đi còn còn mạnh hơn cả dây quấn của những cánh tay ân ái. Vậy mà khi các chõ xôi gấc vừa lên hơi thơm nức, người ta thấy bà Quảng lù lù khoác áo mưa tiến vào giữa sân. Thoạt tiên, mọi người chưa kịp nhận ra mặt khách. Đường từ thôn Thượng xuống thôn Trung phải qua mấy lượt đồi. Trời lại mưa gió dầm dề, rét như cắn da cắn thịt. Không ai nghĩ một bà lão sáu mươi tuổi vượt qua quãng đường như thế để đến nơi đây. Nhưng khi bà Quảng gỡ nón, cởi chiếc áo mưa bằng ni-lông xanh nhạt, người ta chợt hiểu ra bà tìm đến căn bếp đỏ lửa này vì căn bếp nhà bà đã trở nên hoang lạnh. Một thằng bé mười sáu tuổi không thể nào nấu nướng săn sóc chu đáo một con bệnh đói như bà, nhất là khi nó vốn quen ăn sẵn.
Chủ nhân, chính là người đầu tiên nhận ra vị khách không mời. Cô Vui đang nói chuyện với đám đàn ông trên nhà, vội vàng vớ chiếc mũ của ông khách nào đó che đầu, rồi chạy xuống sân đón bà Quảng. Cô niềm nở vồn vã mời bà lên nhà trên, sự niềm nở có vẻ đặc biệt vì cô ý thức được rằng mới mùa đông năm trước, bà còn là chủ của bếp lửa lớn nhất xã, rằng thực khách nhà bà rải khắp ba thôn và đã hơn ba thập kỉ tên vợ chồng ông Quảng lừng danh khắp huyện vì sự giàu sang và lòng hiếu khách.
Bà Quảng chào tất thảy mọi người một cách chậm rãi, một cái chào chung vì bà không gọi tên bất cứ ai. Rồi bà ngồi xuống góc phản mà cô Vui vừa sửa soạn cho mình, đưa mắt nhìn ra ngoài sân, nơi những cơn mưa xiên xiên không ngừng táp.
Cô Vui, sau khi rót nước mời vị khách mới, chạy xuống bếp báo động. Người ta phải mở kho tức khắc, đong gạo nếp tức khắc để nấu thêm một nồi cơm nếp ăn với thịt lợn kho. Dân làng kháo nhau rằng càng ngày bà Quảng càng ăn mặn. Bữa cơm nào cũng phải có thịt có cá. Bà không thể vừa lòng với các loại xôi ngọt như mọi người. Cả chủ nhân lẫn đám đàn bà thôn Trung chuẩn bị mọi sự với một nỗi háo hức không che giấu. Đây là cơ hội hiếm hoi để họ có thể quan sát một căn bệnh thần bí mà cả vùng nghi nghi hoặc hoặc bởi từ sau ngày rằm tháng tám, bà Quảng không còn đặt chân ra ngõ. Cùng với căn bệnh ma đói, bà mất thói quen làm việc cũng như mất khả năng giao tiếp bình thường với xóm giềng. Bà không nhúc nhắc chân tay, không đụng chạm tới bất cứ một thứ gì, dẫu là săn sóc vườn cây, chăm nuôi gà lợn hay quét tước sân ngõ. Bà chỉ làm những món ăn cho riêng mình. Bà quên cả những quan tâm thông thường nhất đối với chồng con. Bà cũng chẳng còn nhớ rành mạch tên tuổi những người cùng chòm xóm. Như thế, căn bệnh quái quỷ này kèm theo cả chứng mất trí nhớ. Và như thế, từ lâu bà Quảng sống gần như cách biệt với mọi người. Hai cánh cổng gỗ to đùng luôn gài chặt. Người ta chỉ loáng thoáng nhìn thấy bà đi qua sân khi cậu út Quỳnh trở về nhà lo cơm nước cho mẹ hoặc di chuyển các đõ ong. Dân làng nhìn bà với con mắt tò mò thầm lén như người ta nhìn một con bệnh tâm thần đặc biệt. Vì vậy, chẳng có gì đáng kinh ngạc khi thấy đám đông xúm lại quanh bà hỏi han, chuyện trò, ngay từ lúc bà vừa ghé mông ngồi xuống tấm phản lim mênh mông nhà cô Vui. Đàn ông cũng như đàn bà, không che giấu nổi cơn tò mò ngứa ngáy. Nhưng dường như bà Quảng không nhớ rằng bà đang ngồi ở đâu, ai hỏi bà cũng chỉ ừ hữ cho qua rồi bà ngoảnh mặt nhìn ra sân, cười một nụ cười đờ dại. Cho đến khi người ta bê lên một mâm đầy, nào cơm nếp trắng với thịt kho, nào xôi gấc, nào xôi vừng với mật ...bà điềm nhiên cầm đũa, nói :
- Mời các ông các bà.
Nói xong, không đợi ai trả lời, bà bắt đầu ăn mải mốt. Người ta tản ra các mâm khác, nhưng vừa ăn, vừa theo rõi bà. Chủ nhân chạy lên, chạy xuống, lúc ở trên nhà khi ngồi dưới bếp, rõ ra vẻ quán xuyến, nhưng con mắt không lúc nào ngừng quan sát người bệnh . Thành ra mọi cuộc chuyện trò, mọi cuộc đối thoại diễn ra giống như màn kịch chỉ để lừa một người là bà Quảng, trong khi chính bà không mảy may ý thức về điều ấy. Bà ăn hết hai đĩa cơm nếp đầy ụ với thịt kho mà những người xung quanh chẳng dám xen đũa. Rồi bà tiếp tục kéo đĩa xôi vừng về phía mình. Những người đàn ông khác cúi mặt làm ra vẻ không để ý, nhưng những ánh mắt hãi hùng của họ thầm lén giao nhau. Cứ như thế, bà lại vét gọn đĩa xôi vừng, đoạn đưa mắt nhìn sang đĩa xôi gấc đang còn quá nửa ở góc bên kia mâm. Cô Vui đứng sau lưng bà, hốt hoảng gọi :
- Nhà bếp cho xin đĩa xôi gấc mới.
- Có ngay đây.
Các bà dạ ran bên dưới, rồi một người nhanh chân chạy lên hai tay bê hai đĩa xôi đỏ như son :
- Mời bà !Hai đĩa chứ không phải một đĩa.
Không ai bảo ai nhưng mọi người đều hiểu rằng khi bà đã đụng đũa vào đĩa nào, đĩa ấy coi như chứa một thứ vi trùng còn nguy hiểm hơn vi trùng thương hàn hay kiết lị. Sẽ không một ai dám thò đũa vào nữa. Những người buộc phải ngồi chung mâm với bà vừa rón rén ăn vừa run. Một nỗi sợ không cắt nghĩa được hù doạ họ. Dù rằng, cùng với nỗi sợ ấy là một sự bù đắp thoả đáng : họ được hoàn toàn thoả mãn cơn tò mò.
Khi bốn người đàn ông cùng mâm chia nhau những miếng cuối cùng trên đĩa xôi của họ, cũng là lúc bà Quảng vét gọn cả hai đĩa xôi gấc phần bà. Như thế là một mình bà táng hết năm đĩa xôi với một bát tộ thịt kho. Bốn vị khách nam nhi vội vã rút khỏi chiến trường tìm nơi hút thuốc. Họ run sợ ra mặt. Họ sợ bị lây căn bệnh quái quỷ của bà. Chủ nhân cũng không chạy trốn được nỗi sợ hãi ấy, cô nói thầm vào tai đứa cháu :
- Bưng cái mâm này ra sau vườn rồi đem chôn, càng sâu càng tốt.
Trong khi đó, bà Quảng đã đứng lên, nói bâng quơ giữa nhà:
- Cảm ơn cô chủ nhá. Chào các ông các bà ở lại, tôi về.
Không chờ chủ nhân, bà tự khoác áo mưa, đội nón ra sân. Khi cô Vui từ trong bếp chạy ra định tiễn bà thì bà đã đi khuất ngõ. Chỉ còn thấy vạt áo mưa xanh nhạt lấp ló sau góc tường nhà bếp mà thôi.
***
Hai mươi bốn giờ sau, cả Xóm tiều phu nghe loan tin bà chết.
Bà chết ngay trên đường trở về, ở đoạn rừng trúc giữa thôn Trung và thôn Thượng. Bà ngồi ở vệ đường, lưng tựa vào tảng đá, nón úp xuống mặt. Rủi ro là đêm hôm ấy, cậu con út sang nhà bạn chơi, vui chuyện ngủ lại xã bên.Trời mưa rét lại xế chiều chẳng còn ai đi lại. Vì thế, phải đến non trưa hôm sau, mới có người qua đường, nhìn thấy một bà lão ngủ ngồi dưới mưa rét, sinh nghi bước tới lật nón lên xem. Bà đã cứng ngắc như đá. Bà lại là mẹ chủ tịch xã nên chẳng thiếu người ba chân bốn cẳng chạy tới uỷ ban đóng ở thôn Thượng thông báo. Quý tức tốc cho người xuống tỉnh gọi ông Quảng. Còn anh ta với các chức sắc xã lo việc tang điếu .
Thời nào cũng thế, là bậc mẫu nghi của kẻ có quyền có chức đương nhiên phải được hưởng phần lễ tiết sang trọng hơn hẳn thứ dân. Dẫu sao, con trai bà cũng là chủ tịch xã. Chưa có ai pha nước, têm trầu, mua thuốc lào thuốc lá, đội kèn trống đã tức khắc đến nhà và tiếng nhạc đưa vong cất lên vang dội khắp xóm cùng thôn. Nếu chẳng phải là mẹ ông chủ tịch xã, gia chủ phải lo đủ cỗ bàn, trầu thuốc lẫn tiền phong bao rồi mới dám lên tiếng mời đội kèn trống nhà đám. Bởi khắp huyện, chỉ có một đội nhạc tang. Mà lại toàn những người có nghề từ nhiều đời tụ tập lại. Từ tay kèn, tay nhị cho đến tay đánh trống hát đưa vong ...thuần là những người theo đuổi nghề nghiệp từ thuở thò lò mũi xanh, mà cũng kiên trì giữ nghề sau bao nhiêu đợt càn đi quét lại của chính quyền cách mạng. Đã có những năm tháng dài họ phải cất giấu nhạc cụ, vờ vĩnh giải thể. Ai nấy cắm cúi sắm vai kẻ tuỳ thời, một lòng một dạ tuân theo các chỉ thị của huyện uỷ lẫn xã uỷ :
« Toàn đảng toàn dân đồng lòng thực hiện chủ trương xây dựng con người mới, con người xã hội chủ nghĩa . »
Theo tiêu chuẩn này, đám cưới chỉ được quyền uống nước chè xanh và ăn bánh kẹo. Để tiết kiệm, người ta thay pháo nổ bằng những tràng vỗ tay. Còn đám ma thì tuyệt đối cấm kèn trống cũng không cỗ bàn, không xe đòn, không cả đám rước cờ rước phướn. Lại càng không được mời sư sãi tụng kinh.Vì tất thảy những cổ tục đó là phản cách mạng, đồi truỵ hoá tư tưởng dân chúng và gây tổn hại tinh thần cho xã hội ....
Nhưng rồi năm tháng qua. Dần dà nỗi tiếc thương những người nằm xuống khiến dân chúng không còn quá sợ hãi chính quyền. Ai cũng tự đặt câu hỏi :
- Ngộ dưới âm phủ không có chính quyền xã hội chủ nghĩa thì sao ? ...Không cúng bái đầy đủ tổ tiên chúng ta sẽ trở thành ma đói ...Người nơi chín suối là ma đói thì kẻ sống nơi dương gian làm sao mở mặt mở mày ra được ? ...
- Không kèn không trống, không nghe câu hát đưa vong, người chết làm sao biết đường biết lối mà đi về cõi trời ? ...Không vào được cõi trời, chỉ có cách sa xuống địa ngục làm mồi cho ngạ quỷ ...Như thế hoá ra con cháu lại chính là những kẻ làm hại cha ông, xô đẩy người máu mủ ruột rà vào nơi hang hùm, miệng rắn.
- Chao ôi, cách mạng mới có mấy chục năm, còn tổ tiên chúng ta đã sống mấy ngàn năm có lẻ ... Nào ai biết đâu là nẻo đường xuôi, đâu là con đường ngược ...Vậy muốn cho chắc ăn, cứ làm theo cách của các cụ từ xưa ....
Những cuộc chuyện trò thầm lén như thế thoạt tiên chỉ ủ ấp trong mỗi căn nhà, dấu giếm sau những bức tường và các khuôn cửa đóng im ỉm, nhưng dần dần chúng lan đến những buổi tụ tập quanh ấm chè, mâm rượu , và sau cùng, chúng theo đám dân cày cuốc lên nương, xuống vườn, thổi một ngọn lửa nóng bỏng trong lòng thôn ấp.
Thế rồi, việc gì đến, sẽ phải đến. Một đợt phản công dữ dội của dân làng bùng nổ khi công an xã đến trấn áp gia đình đầu tiên dám kêu gọi đội kèn đám quay lại nghề cũ. Gia chủ đã trả một món tiền phong bao đặc biệt, vượt qua mọi mơ ước của các nhạc công khiến họ đủ gan liều mạng. Tuy nhiên, ông ta cũng không dám đơn thương độc mã đương đầu với chính quyền. Ngay từ khi ông bố già còn đang nằm trên giường hấp hối, ông ta đã thầm lén đến từng nhà, kêu gọi mọi người cùng đứng lên hành động. Bởi nhà nào cũng có cha già mẹ yếu, mối lo tang sự là mối lo rường cột của tất thảy các gia đình nên mọi người đồng lòng hưởng ứng. Cuộc vận động diễn ra êm ả trong bóng tối. Chính quyền xã hoàn toàn không hay biết nên đã ập đến gia đình tang chủ một cách hống hách, kiêu căng. Không ngờ dân chúng chuẩn bị ứng phó. Vừa thấy chủ tịch và công an xã bước qua cổng nhà đám, người ta liền nổi trống ầm ầm. Các bô lão nghe hiệu lệnh kéo tới quây kín sân. Gần bốn trăm mái đầu hoa râm lẫn đầu bạc. Thêm nữa, đàn bà trẻ con đứng vòng trong vòng ngoài như đội quân ứng chiến. Tình thế lạ lùng khiến các chức sắc run chân. Họ đành xuống giọng :
- Nếu các ông các bà muốn quay lại hủ tục, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chúng tôi đến đây chỉ để nhắc nhở mọi người.
- Chúng tôi không coi việc tang ma là hủ tục. Chúng tôi coi đây là việc hiếu nghĩa. Các anh nói hủ tục nghĩa là từ ngàn xưa đến nay cha ông chúng ta toàn phường ngu dốt, chuyên làm những việc xằng bậy hay sao ?
- Chúng tôi không định nói thế.
- Hủ tục ? Vậy các anh muốn nói gì. Yêu cầu trả lời rành mạch trước toàn thể dân chúng. Ở đây, sớm hay muộn, muốn hay không, mọi gia đình đều phải lo việc hiếu việc hỷ. Không ai tránh được sự bắt buộc của kiếp làm người.
- Chỉ thị của cấp trên đã nói rõ : việc kèn trống theo lối cũ là hủ tục. Chúng tôi chỉ có phận sự thi hành. Chúng tôi không thể giải đáp.
- Thế ngày mai huyện uỷ ra lệnh cho các anh đào mồ đào mả tổ tiên lên các anh cũng cứ nhắm mắt làm, không cần hiểu đúng hay sai.
- Các ông đừng quá lời, đảng không thể ra lệnh làm những điều phi lý, phi nhân như vậy.
- Có đấy !....các anh quên nhưng chúng tôi chưa quên : Năm con gà, cấp trên của các anh đã ra lệnh triệt hạ chùa Lan Vu và biến hai ngôi chùa dưới núi thành lớp bình dân học vụ. Các lão làng phải kéo lên tỉnh uỷ kêu cầu ông Lợi Đen, họ mới tha cho. May là ông Lợi Đen đã từng ăn nhờ ở đậu ; bốc cơm nguội, húp nước dưa nhà chúng tôi nhẵn miệng trong những năm đen tối.
Chính lúc ấy, trưởng công an xã xuống giọng trước :
- Thôi được, nếu các ông các bà thích tuân theo cổ tục thì cứ lẳng lặng mà làm. Chỉ có điều chúng tôi hoàn toàn đứng bên ngoài sự việc ...
Nói xong, anh ta bấm chủ tịch xã chuồn. Hai người vừa ra khỏi ngõ, tiếng kèn trống lập tức nổi lên ầm ĩ, nửa như thị uy, nửa như khiêu khích. Công an xã ghé tai chủ tịch, nói thầm :
- Đừng có lơ mơ. Người xưa đã bảo rằng:
― Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết ― ...
Chủ tịch xã lòng dạ hoang mang không biết nói năng sao vì thấy gã đàn ông nổi tiếng sắt đá hung dữ bỗng nhiên tòng phục đám đông một cách dễ dàng như vậy ...Ba tháng sau, ông bố già của xã trưởng công an chết, đội kèn trống được mời đến ngay tức khắc. Đích danh anh ta mang trầu thuốc lẫn tiền phong bao ra biếu các nhạc công ....
Từ ngày ấy đến nay, bao nhiêu đời chủ tịch và xã trưởng công an thay đổi. Nhưng việc hiếu hỷ ở Xóm Tiều Phu không ai còn bàn. Người ta tuân theo phong tục của tổ tiên như một sự nghiễm nhiên. Chính quyền cấp tỉnh lẫn cấp huyện giả đò như không nghe, không thấy.
Nhờ vậy cái chết của bà Quảng được hưởng đủ mọi lễ nghi. Kèn trống, xe tang, cờ phướn, hương hoa linh đình. Nhà cửa sạch banh sau hai mùa bị tàn phá bởi căn bệnh ma đói nhưng ông Quảng đã vay ba con bò, năm tạ thịt lợn để làm ma cho vợ. Thiên hạ rùng mình :
- Nợ đến thế trả bao giờ cho xong ?
Người độc miệng hơn thì bảo :
- Bà này đúng là quỷ đói. Chết rồi vẫn còn đòi mâm cao, cỗ đầy. Chắc ông chồng phải lo cho đủ vì sợ bà ấy quay về ám ...
Nhưng dẫu sao thì cả Xóm Núi cũng phải cúi đầu kính nể một ông chồng như thế.
Ông Quảng ở lại nhà đúng bẩy tuần lễ. Ông mời sư về đọc kinh cho vợ vào ngày cúng trả vong, tên gọi thông thường để chỉ ngày thứ bốn mươi chín sau cái chết. Lần này, thay vì tiếng nhạc là tiếng tụng kinh gõ mõ suốt đêm trường. Ông ngả ba mươi mâm cỗ chiêu đãi bà con, láng giềng rồi sớm hôm sau, đánh xe ngựa xuống tỉnh từ lúc trời còn tối đen như mực. Láng giềng nghe tiếng ngựa gõ móng trên sân và thấy ngọn đèn bão nhà ông treo lúc lắc nơi càng xe rọi sáng đám sương mù :
- Ông ấy đang làm cai cho công trường tỉnh sao lại còn đánh xe ngựa theo ? ...Chẳng lẽ vừa xây nhà vừa buôn đường dài ?
- Có trời mà biết. Người lắm bạn nhiều bè như ông ấy làm gì chẳng nổi. Bây giờ nợ nần ngập đầu ngập cổ, ông ấy phải lo cách kiếm tiền chứ.
- Đúng là chữ tài đi với chữ tai ...trời cho cách kiếm tiền, trời lại bắt cõng một con vợ nhập hồn quỷ đói.
- Nói phỉ thui chứ giá như quỷ đói mà rơi vào nhà chúng ta chắc chỉ có cách đem chôn sống.
- Cái ông này nói ghê cả tai. Nhưng của đáng tội, đúng là kinh hồn táng đởm . Từ thuở sơ sinh tới giờ chưa nhìn từng thấy cảnh như thế. Chỉ nghĩ đến thôi, đã đủ sởn da gà ...
Láng giềng bàn tán, và sau mỗi lần bàn tán như vậy, họ cảm thấy hài lòng với mái nhà mình, với cái hạnh phúc nhỏ bé vừa tầm tay của mình, với những gì số phận đã an bài cho họ . Họ theo rõi ông từ xa, từ nơi Xóm Tiều Phu heo hút ấy, vừa tò mò vừa khắc khoải ...
Mùa xuân lạnh lẽo năm ấy qua đi như cơn ác mộng. Tiếp đến mùa hè oi nồng đột ngột và chứa chất giông bão, thứ giông bão của mùa thu đến sớm. Những cơn mưa lũ tháng sáu tháng bẩy dồn lên ngay giữa tháng tư khiến các con suối cuốn ào ào làm nhiều đoạn đường sụt lở. Việc dọn lũ, đắp đường tiêu phí biết bao tiền của lẫn nhân công. Ve đẻ như sung vào cuối hè, tiếng ve kêu inh ỏi cả ngày lẫn đêm khiến những người già không ngủ được. Trẻ con bị hết dịch cúm lại đến sốt bạch hầu. Tiếng trẻ khóc như xé vải khiến không gian càng nhôi nhoai, ngột ngạt. Thời tiết thay đổi bất thường, cuộc sống cũng đảo lộn một cách bất thường. Những nỗi lo âu xưa cổ lại quay về , kêu ra rả như tiếng ve trong tâm hồn phập phồng hoang mang của người dân. Mặc cho chính quyền lẫn các đoàn thể hội họp, răn đe, dân làng quyết định mời các nhà sư trên chùa Lan Vu lẫn hai ngôi chùa dưới chân núi đọc kinh giải hạn trong ngày lễ ra hè. Thông thường, lễ ra hè chỉ làm trong một ngày, nhưng năm ấy, do quá nhiều sự bất thường trong trời đất cũng như trong cuộc sống, người ta làm lễ ba ngày liền, cờ phướn treo rợp sân chùa, dân làng từ già tới trẻ ngồi sùng kính đọc kinh, hy vọng cơn giận dữ của các bậc quỷ thần sẽ nguôi dịu ....
***
Ông Quảng trở về làng vào ngày cuối cùng của dịp lễ. Chiếc xe ngựa của ông là chiếc xe duy nhất trong Xóm Tiều Phu có mui che, thế nên người ta nhận biết được ngay. Ông có vẻ gầy hơn xưa, đuôi mắt hằn thêm vài nếp nhăn nhưng tiếng cười ngạo nghễ không thay đổi. Một nửa mùa xuân với một mùa hè, ông đã trả đủ nợ, cả gốc lẫn lãi, lại biếu thêm mỗi chủ nợ mươi thước vải làm quà. Xóm giềng nhìn ông như nhìn người lạc từ cung trăng xuống. Người ta thì thầm kháo nhau về mọi cách kiếm tiền của ông. Nhưng những câu hỏi luôn luôn còn là những câu hỏi. Không ai kiểm soát hay dò tìm được đường đi lối lại của con người này. Cuộc sống của ông nằm ngoài trí tưởng tượng của thôn dân. Ông không chỉ dẫn người Xóm Tiều Phu mà còn tuyển dân của các huyện láng giềng xuống làm nề làm mộc nơi công trường thành phố. Một khi đã sắp xếp công việc cho các toán thợ, giao quyền cho đàn em thân tín, ông biến ngay cùng cỗ xe ngựa. Vài tuần sau, ông quay lại kiểm soát chất lượng thi công, bàn bạc, thoả thuận công xá với thượng cấp cũng như với hạ cấp, rồi sau bữa cơm rượu đãi thợ, nâng chén lên hạ chén xuống với mọi người, cười ha hả khi nghe đủ thứ chuyện tiếu lâm,
ông lại mất tăm như người làm trò ảo thuật. Không ai có thể theo rõi ông, nhưng ông lại có biệt tài theo rõi tất thảy mọi người, ngay cả khi ông vắng mặt. Đừng hy vọng lừa đảo ông. Tất nhiên ông cũng chưa từng lừa đảo hay gian dối với ai nhưng đám dân đã theo ông xuống tỉnh kiếm cơm đều biết luật lệ của trò chơi và không kẻ nào dám mạo hiểm vượt mặt con người lõi đời ấy.
Sau khi trả hết nợ nần, ăn một bữa cơm với con cháu, chiếc xe ngựa của ông lại gõ móng lên đường vào một sáng tinh sương. Lần này, người ta nghe tiếng nhạc cất lên từ chiếc đài Sương Mao ông đeo bên mình. Cái thứ máy móc giống như cục gạch đen mà có thể phát ra đủ thứ bài hát, lẫn những giọng nói véo von đang còn là đồ vật huyền bí trước mắt dân quê. Ngay các quan chức huyện cũng chưa thể có được một vật lạ kì như thế. Láng giềng mở cửa, đứng nhìn theo chiếc xe ngựa, và lắng nghe tiếng nhạc xa dần.
- Lão này oách thật !...
Người ta bình phẩm.
- Không oách đã không phải lão Quảng. Có nhà ai dám làm đến ba mươi mâm cỗ vào bốn mươi chín ngày vợ chết đâu. Mà đấy còn là quỷ đói đã ăn tàn phá hại gia tài.
- Nếu bà ấy là người bình thường hiền thảo cho tới phút nhảy vào trong hòm chắc ông ta phải làm đến ba trăm mâm cỗ ?...
- Chả phải nói !...
- Ông ấy bao nhiêu tuổi mà trông còn chắc như cua gạch thế nhỉ ?
- Bà ấy sáu mươi, ông ấy sáu mươi mốt. Họ lấy nhau theo công thức :Gái hơn hai, trai hơn một.
- A ! Sáu mươi rồi thì không còn phải nghĩ đến chuyện tái hôn. Từ nay về sau, ông ấy chỉ còn việc nhặt tiền bỏ vào túi !
Đó là ý nghĩ phổ biến của dân Xóm Tiều Phu. Họ muốn rằng một người chồng tận tình tận nghĩa như ông ắt hẳn sẽ ở goá đến cuối đời để hoàn thiện hình ảnh của một lý tưởng đạo đức. Bởi con người luôn luôn có nhu cầu hướng về một lý tưởng đạo đức, miễn là cái lý tưởng ấy đừng hoá thân vào chính họ. Thế mà cuối mùa đông năm ấy, nói cho thật chính xác là ngày hai mươi lăm tháng chạp ông Quảng lại đùng đùng dẫn về một cô vợ trẻ. Một cô gái mẩy da mẩy thịt, cặp mắt lúng liếng sắc như dao cau, đôi mày dài qua thái dương quết đến tận chân tóc. Ngày đầu, cô ngồi trên càng xe đi qua đường làng, vừa trò chuyện với ông vừa đong đưa đôi chân và cười như nắc nẻ, nhiều người tưởng lầm là con gái nhà Quý :
- Ủa con cái Mơ sao bỗng nhiên nảy da nảy thịt nhanh thế nhỉ ?
- Chắc mắt ông có nhài, con Mơ nào mà to lớn đến thế được ? Nó chỉ nặng một xách tay chứ mấy.
- Chẳng lẽ lại là con Mận ? Con bé mới mười lăm. Nghe giọng cười lạ hoắc, rắn đanh. Tôi chắc không phải nó.
Họ không cần chờ đợi lâu. Ngay tối hôm ấy, sân nhà ông đã chộn rộn láng giềng. Đèn măng-xông treo giữa sân, soi sáng đến tận vườn trước, vườn sau. Người ta uống nước chè, ăn đủ loại bánh kẹo và nghe ông giới thiệu một cách vắn tắt :
- Đây là cô vợ mới của tôi. Cô ấy tên là Ngân.
Mọi người chưa kịp nói câu nào, cô gái đã tiến lên, nhoẻn miệng cười :
- Em chào các bác. Cảm ơn các bác tới mừng cho chúng em. Ngày mốt ngày hai chúng ta sẽ là những láng giềng.
Dân làng gần như á khẩu. Giấc mơ về người chồng lý tưởng sập đổ, tan như vôi vữa một ngôi nhà bị vùi trong cơn núi lở. Hơn thế nữa, cô dâu trẻ quá, lại đẹp quá, đến nỗi mọi người muốn tắc thở. Cô ấy mặc chiếc áo cánh lụa xanh, cặp vú nảy cồn cộn, ngon lành như hai bát xôi nén nặng tay. Cặp mông cong lượn một đường ngoạn mục dưới lớp sa-tanh đen nhánh. Bộ đùi cũng vậy, chúng hằn lên mỗi khi cô bước, đặc biệt gợi bao nhiêu điều háo hức cho cánh đàn ông khi gió thổi ngược chiều. Mắt cô cũng đen nhánh như sa-tanh, nhưng lại bắn ra những tia lửa lúng liếng khiến tim người loạn nhịp.
Chắc chắn ông Quảng đã hiểu thấu gan ruột của đám đàn ông, nên cao giọng nửa đùa nửa thật :
- Ở thành phố toàn những người đẹp như vợ tôi trở lên, ông nào muốn, tôi giới thiệu cho tức khắc ;
Cánh đàn ông như được rút lưỡi, nhao nhao :
- Muốn thì cũng muốn, nhưng túi không xu, gái nào thèm.
- Lòng vả cũng như lòng sung, tôi cũng đang mót lắm đây ...Ông mà kéo được cho tôi một cô đẹp bằng nửa vợ ông, tôi xin làm quản gia, coi sóc nương vườn không công cho ông cho đến chết.
- Đừng tin mồm mép lão ấy, cái quân chuyên vay lường mướn quỵt. Xưa nay những người cho lão vay nợ chưa ai đòi được một hào. Có giúp thì giúp tôi đây.
- Các ông các bà thấy chưa ? Bạn nối khố đấy ! Động đến gái là chẳng còn tình nghĩa gì.
Câu chuyện râm ran trong khi cô Ngân đã rút xuống bếp để nấu nước chuyên chè và bày tiếp bánh kẹo ra đĩa đãi khách. Người ta ngồi đến quá nửa đêm. Đã hai năm căn nhà thênh thang của ông tối lửa tắt đèn, giờ mới lấy được không khí nồng ấm cũ. Tuy nhiên, dẫu chuyện trò như pháo nổ, láng giềng vẫn đảo mắt tìm những đứa con trai. Quý không thấy mặt. Cả cậu út Quỳnh cũng không. Giá như địa vị người khác thế nào cũng bị dăm ba câu hỏi đểu. Kiểu như :
- Cậu cả cậu út đi đâu chưa về ?
Hoặc là :
- Nhà có thêm nhân khẩu mới mà mọi người lại bỏ đi chơi đâu vậy ?
Hoặc là :
- Hôm nay là ngày nhận diện mẹ kế, đáng lẽ các cậu con trai phải bưng trà bóc thuốc mời dân làng mới phải đạo !...
Đại loại là như thế. Dân quê vốn không thiếu lối cạnh khoé ngoắt ngoéo như vậy. Nhưng có lẽ tại vía ông Quảng lớn, nói trắng ra rằng ông ấy sang cả, đường ăn lối ở đều trên can mọi người, dân nghèo trong thôn mang ơn ông ấy phải tính đến cả trăm chứ không phải đôi ba chục cho nên người ta đành nén những loại lời lẽ ngâm cả dấm lẫn ớt chỉ thiên trong họng.
Đêm ấy, trên đường trở về nhà, họ kháo nhau :
- Thằng cả không thèm đến, thằng út bỏ đi. Nhà này loạn đến nơi.
- Loạn làm sao được với ông Quảng. Cứ nhìn vẻ mặt ông ấy thì biết. Người như thế có cháy nhà cũng không chớp mắt.
- Nói phét !...Có là lòng gang dạ sắt con cái hỗn loạn cũng chẳng và nổi bát cơm.
- Để rồi xem ai có lý ! ...Chẳng cần phải chờ lâu, không mai thì mốt, con tốt phải xuất đầu. Ai cá cược với tôi ?
Không cần cá cược thì sáng hôm sau , mọi người đã thấy chủ tịch Quý đến thăm bố. Anh ta gõ cửa ầm ầm. Ông Quảng gắt giọng hỏi với ra :
- Ai làm rộn lên đấy ?
- Con đây.
- Về đi, tao còn đang ngủ.
- Bố mở cửa, con có chuyện cần nói.
- Chuyện gì cũng không nói lúc bảnh mắt này. Tao mới đi xa về, đang còn muốn nằm cho giãn lưng.
- Bố dậy đi. Con có nhời...
- Đây là nhà tao, tao muốn ngủ đến lúc nào tuỳ ý.
- Nhưng con còn phải lên xã làm việc.
- Lên xã là việc của mày, ngủ là việc của tao.
Chủ tịch Quý đứng hồi lâu trước khuôn cửa gỗ đóng im ỉm, mặt đỏ dừ. Nhưng rồi, anh ta cũng phải bỏ đi.
Láng giềng nín thở nghe cuộc đối thoại giữa hai cha con, không sót nửa câu, nửa chữ. Đàn ông cũng như đàn bà, xồn xồn nạ dòng cũng như năm mươi, sáu mươi, tóc trên đầu trộn cả tiêu lẫn muối, không ai không chú tâm theo rõi cái màn kịch hiếm hoi nơi thôn dã. Cái màn kịch, mà họ biết chắc chắn sẽ còn đi qua rất nhiều lớp lang.
Ngày hôm ấy, láng giềng quanh quẩn làm cỏ vườn, hoặc nhặt đậu, nhặt lạc, sàng ngô ...bất cứ thứ công việc tủn mủn nào, cho phép họ theo rõi được mọi tiếng động xảy ra trong ngôi nhà ông Quảng. Họ nhìn thấy hai cánh cửa mở ra thật trễ tràng : Chín giờ rưỡi, mười giờ hay non trưa ? ...Chắc cũng phải tầm ấy. :
- Lão Quảng bây giờ đã ra dân đô thị ...Người thôn quê không ai dám ngủ muộn thế ...
- Thôn quê hay đô thị cũng chỉ có một đầu hai tay, hai chân với cái chân thứ ba lủng lẳng dưới đám lông đái. Dù khoẻ như hùm cũng đã chính lục tuần. Cặp mông cô vợ trẻ thây lẩy như vậy, rập xong một quắn phải ngủ mười tiếng mới lại hơi.
- Này bà Tám, nghe thằng chồng dê xồm của bà tán chuyện hay chưa kìa ? ...
- Chẳng cứ lão nhà tôi, ông nào nhìn thấy cô Ngân chả nhỏ nước dãi ...Chỉ có điều các ông không thể bì với ông Quảng. Các ông chỉ là phường đũa mốc thôi ...Đã đũa mốc đừng có chòi mâm son.
- Cái nhà bà này. Bà nói thế có nghĩa là bà tự nhận là mâm gỗ mốc à ?
- Tôi nhận quá đi chứ !Tôi không là thứ mâm gỗ mốc đời nào tôi phải chịu suốt đời hứng cái thứ đũa mốc kia.
- Con mụ trời đánh thánh vật ! Đêm nay thì mày biết tay ông !...
Đấy là câu chuyện trong bữa ăn đúng ngọ, khi những người láng giềng vừa xới cơm vừa đưa mắt liếc qua sân nhà bên kia xem ông chủ tịch Quý đã quay lại chưa ...Nhưng ông ta chưa quay lại. Chỉ nghe tiếng gà kêu quang quác, rồi sau đấy là tiếng cười của cô Ngân. Giọng cười đến là lạ, vừa sành sỏi vừa thơ trẻ. Có cái gì đó tươi hơn hớn như hoa mùa xuân trong giọng cười của người đàn bà mới mười tám tuổi này. Rồi tiếng ông Quảng nói trong bếp. Chắc là cả hai đang làm cơm. Chỉ có hai người thôi vì cậu út Quỳnh đã bỏ về nhà bà ngoại dưới thôn Hạ. Chừng nửa tiếng sau thấy cô Ngân bưng mâm đi trước, ông Quảng cầm chai rượu thuốc theo sau , rõ ra là cảnh tuần trăng mật. Họ ăn cơm ở nhà trên chứ không ăn dưới bếp như mọi người. Phú quý sinh lễ nghĩa là thế. Láng giềng phải kiên nhẫn chờ cho tới sát bữa cơm chiều, mới thấy Quý quay về. Lúc ấy, ông Quảng và cô Ngân đang thu dọn năm gian nhà ngang được dùng chứa đồ gia dụng và lương thực. Hai người hì hục khuân ra sân hàng đống bao tải để lựa những chiếc còn có thể đựng thóc ngựa hay cỏ khô. Quý đi ngang sân, mặt hằm hằm :
- Con muốn nói chuyện với bố.
Ông Quảng nhìn con trai, gằn giọng :
- Muốn nói chuyện thì phải vào nhà. Muốn vào nhà phải chào chủ nhân rồi mới được bước qua bậc cửa. Anh là chủ tịch, đứng đầu một xã mà phép ăn phép ở tối thiểu cũng không thông suốt. Anh lãnh đạo ai ?
- Con chào bố rồi.
- Trong nhà này, ngoài tôi ra còn có vợ tôi. Trước đây mẹ anh là vợ tôi. Bây giờ bà ấy mất tôi lấy cô Ngân. Cô ấy là chủ nhà này.
- Con không có thứ mẹ ranh như vậy.
- A ...Anh không muốn thứ mẹ ranh nhưng tôi lại muốn. Tôi lấy vợ cho tôi chứ tôi không lấy cho anh.
- Bố lấy ai cũng được nhưng phải nhìn ngược nhìn xuôi chứ. Đầu bố hai thứ tóc rồi.
- Tôi không cần anh dạy tôi. Tôi làm điều gì tôi thích .
- Nhưng con là con trưởng.
- Con trưởng hay con thứ trong gia đình này cũng vậy thôi. Tất cả đều tay tôi gây dựng. Tôi chưa nhờ vả được đứa nào. Kể từ ngày chúng tôi cưới vợ, dựng nhà cho anh đến lúc mẹ anh mắc bệnh, ăn lở núi lở đồi, là con trưởng anh đã đỡ đần tôi được một đùi bò hay nửa tạ lợn chưa ?
- ....
- Không một đấu gạo, không một đồng xu, không một manh vải ...Đến một viên kẹo mút cũng không ? ...Tôi nói sự thật hay tôi đặt điều cho anh ? ....Tất cả đều tự tay tôi mà ra. Sự tồn tại của mái nhà này là do tôi đổ mồ hôi sôi nước mắt ...Anh chưa báo hiếu nuôi mẹ anh được bữa nào, anh chưa ghé vai đỡ đần tôi được cân thóc nào thì chớ nên vênh mặt lên nhận con trưởng ...Hãy giương mắt nhìn thiên hạ, có thứ con trưởng nào chỉ đào ăn như anh hay không ?
- .....
- Anh cấm khẩu, cứng họng không dám cãi. Vì xưa nay chỉ có chúng tôi bù trì, gieo vãi, chăm lo cho vợ chồng anh còn chưa từng xảy ra chuyện ngược lại. Vậy anh là thứ người chỉ há mồm ra chứ không bao giờ úp tay xuống. Đã thế thì hãy biết thân biết phận. Đừng đem cái thứ trưởng hão ra mà hù doạ tôi. Tốt nhất là bước đi cho khuất mắt !