watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đỉnh cao chói lọi-TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (9) - tác giả Dương thu Hương Dương thu Hương

Dương thu Hương

TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (9)

Tác giả: Dương thu Hương

Cô trả lời, nhận ra giọng nói của mình run rẩy. Chưa kịp hiểu vì sao , cô đã thấy một cơn nghẹn ngào dâng lên họng. Một thứ nghẹn ngào lạ lùng và bất khả kiềm chế như dòng lũ, cuồn cuộn tràn lên cánh đồng tâm hồn cô, cánh đồng mênh mông hoang vắng. Vui sợ hãi thầm nghĩ:
― Hỏng thật, sao bỗng dưng mình lại đổ đốn ra thế này ? „
Cô tự trấn áp một cách dữ dội nhưng không mảy may hiệu lực. Vui vội vã cúi gò lưng xuống sửa chiếc quai hậu của cặp xăng-đan, cố tình dán mắt vào những ngón chân được kì cọ sạch bong nổi bật trên màu nhựa xanh diệp lục:
― Hãy nhìn xem ! Hãy nhìn xem ! Ta không có những bàn chân đen đủi như chân bọn đàn bà, con gái Xóm Tiều Phu „.
Cô thầm lặp đi lặp lại câu nói đó nhiều lần và niềm kiêu hãnh khiến cô dần trở lại bình tĩnh. Chẳng riêng gì đàn bà, con gái Xóm Tiều Phu mà ngay đàn bà, con gái khắp huyện, hoặc khắp tỉnh này cũng không thể có được cặp chân trắng nõn như chân cô. Cho dù là người hay lam hay làm, Vui bảo vệ nước da lẫn đôi bàn chân như thiên hạ giữ con ngươi trong mắt. Bất kể mưa hay nắng, hè cũng như đông, cô đều đi giầy vải đế cao-su và mang tất sợi dày, hoàn toàn giống như người ngoại quốc. Ấy là có lần, một phái đoàn chuyên gia Liên xô về thăm huyện. Vui nhìn thấy nước da trắng nõn lại mỏng như giấy dó của họ. Cô cho rằng sở dĩ họ giữ được nước da như thế một phần là do quanh năm họ mang tất, mang giầy. Ngày ấy Vui mới mười ba tuổi, nhưng ý thức về nhan sắc đã sớm ám ảnh cô. Kể từ đó, cô đòi ông Đô sắm giầy sắm tất cho mình. Cũng từ đó, mang giầy mang tất với cô trở thành thói quen như cơm ăn nước uống. Giữa một xứ sở mà tất thảy dân cày đều đi chân đất hoặc dép mỏng, sự việc một người con gái quanh năm mang tất mang giầy là sự du nhập một phong tục nước ngoài mà thiên hạ cho là quái gở. Bởi mùa hè nhiệt đới kéo rất dài, trong mùa nồng nực ấy, mang giầy cao cổ lẫn tất sợi là một cực hình. Mồ hôi sẽ ngấm rất nhanh vào các loại sợi vải làm bốc lên mùi khó ngửi. Mặt khác, việc đó cũng giống như sự thách thức dư luận mà người khác khó vượt qua. Nhưng Vui bất cần. Vả chăng, tất thảy những dị nghị, những dè bỉu lẫn những sự rườm lời của công chúng cũng giống như lũ ve, chỉ sống trong mùa hè. Tiết thu sang, muốn hay không chúng cũng phải chui vào kén.
Vui nhìn đôi bàn chân trắng như trứng gà bóc của mình, biết đó là sự cứu rỗi. Một chiếc phao cứu hộ đúng vào lúc cô sắp chết chìm. Gài lại chiếc khoá nhôm một cách tỉ mẩn, nhìn lại lần nữa làn da mỏng dính, trắng hơn cả da con gái thị thành, cô tìm lại điểm tựa giống như một đô vật tìm lại được thế đứng thuận lợi trên võ đài. Ngẩng đầu lên, Vui đã có thể cất lời một cách trịnh trọng, giống như những dịp cô khai mạc cuộc họp chi đoàn toàn xã :
- Năm sớm, có cành mai trắng làm quà, tặng vật nhà nghèo, mong ông không chê.
- Cô mà nghèo sao ?
Ông Quảng cười phá lên và cất tiếng hỏi :
- Cô tưởng tôi đi kiếm cơm xứ khác nên chẳng hay biết gì mọi sự trong làng trong xóm ?
- Không ! Tôi không nghĩ như vậy ...
Cô đáp, lúng túng cúi mặt xuống vì hàm răng ông chủ trắng như ngọc, lại đều chằn chặn, chúng loá như ánh chớp khi ông ta cười :
― Phải chăng lão ta không hút thuốc lào, thuốc lá ? Có người đàn ông nào kiêng được thuốc ? Vậy làm cách nào mà lão giữ được hàm răng đẹp như răng bọn trai mười tám đôi mươi ? „.
Ông Quảng tiếp lời :
- Người làng bảo cô sắm máy nổ thượng hạng, rồi cô sắm đèn măng-xông cũng là thứ mới ra lò, tốt hơn hẳn đèn nhà tôi. Nay mai, cô sẽ trở thành người giàu nhất huyện đấy.
- Không dám ...
- Nhưng cô đã có lòng cho cành mai, tôi xin nhận. Đối với tôi, đây chính là lộc đầu xuân. Nhà tôi có chiếc độc bình quai đồng , lát nữa tôi sẽ cắm cành mai vào đó.
Ông rót nước trà. Cô nhìn làn khói bốc lên , bâng khuâng tự hỏi vì sao cô lại không thể là người cắm cành mai kia vào chiếc độc bình cổ quai đồng kia? Vì sao ? Có lẽ trời đất hoặc quỷ thần hai vai đã quên lãng một phận sự cần thiết mà đáng lẽ họ nên làm từ rất lâu mới phải !
Nhưng cơn mơ mộng vụt đi rất nhanh, Vui nhớ lại nhiệm vụ khẩn cấp mà cô phải thực hiện : Gỡ cô ra khỏi tầm ngắm bắn của người đàn ông ngồi trước mặt.
- Đầu xuân, đến chúc tết ông, mừng người mới, hạnh phúc mới. Nhưng cũng lại có chuyện muốn nói. Không rõ ông có vui lòng chấp thuận hay không ?
- Ồ, tôi có phải bí thư huyện đoàn hay tỉnh đoàn đâu mà cô phải đưa đón vòng vo như vậy. Chỗ xóm giềng, trong làng ngoài thôn, chuyện gì mà chẳng thể nói được với nhau ?
- Vậy xin hẹn ông sau năm ngày tết, lúc nào rảnh mời ông ghé qua nhà chơi.
- Được rồi, tôi cũng có nhiệm vụ đến chúc tết lại chứ. Có đi có lại mới toại lòng nhau ...
Chưa kịp cạn chén nước chè, khách đã ầm ầm kéo đến đầy sân. Cô Vui rút lui, nhưng trước khi về không quên ghé vào tận bếp chào cô Ngân với bà Tư bởi hai người đàn bà đã rút lui vào vương quốc của họ. Trong bếp, ngổn ngang những nồi cùng chảo. Mùi xôi dừa lẫn mùi gà tẩm mật ong rán cùng bốc lên, hoà lẫn nhau, cho một mùi thơm ngào ngạt.
Trưa hôm đó, vào bữa cơm chỉ có ba người, cô Ngân bảo chồng :
- Này anh chàng kháu lão, cái nhà cô to đùng đến đầu buổi phải lòng ông đấy. Có biết hay không mà cứ giả bộ ậm ừ ?
- Sao mà tôi biết được ?
- Đúng, việc gì cậu phải biết cơ chứ ? Đông, tây, nam, bắc...bốn phương tám hướng, thiên hạ thiếu gì người ?
Bà Tư chêm vào, rõ ra vẻ hãnh diện. Ông Quảng tò mò nhìn vợ :
- Nhưng vì sao mình lại cho là cô ta mê tớ ?
- Úi chao !
Cô vợ trẻ bĩu dài môi :
- Kiểu mắt nhìn đờ đẫn như say thuốc lào thế ấy chẳng phải kẻ mộng du thì chỉ là mắt mê trai thôi.
- Thật thế sao ?
Ông Quảng hỏi lại và cất tiếng cười ròn rã:
- Này cô mình, nếu chẳng có duyên có phận gặp cô mình tớ cũng có khối người xin vào cửa. Chưa đến nỗi phải đi gánh một cô hộ pháp về để sớm tối đấu võ hay tranh giải đô vật gia đình.
- Đúng rồi !
Bà Tư móm đế vào tức khắc :
- Gần một năm nay , không biết bao nhiêu kẻ gửi trầu cau với bánh đậu, bánh gai Hải Dương biếu cháu. Nhờ lộc cậu, chưa kịp làm bà mối đã no xôi chán chè.
Cô Ngân nhìn hết nhìn chồng lại nhìn bà Tư , đang đong đưa đôi khuyên tai mặt ngọc , ngoác cái miệng móm cười với vẻ hả hê :
- Thôi, tôi chịu thua cả hai cậu cháu rồi ! Rõ thật là một đồng một cốt.
Phần cô Vui, suốt dọc đường về, cô băn khoăn tự hỏi xem ông Quảng đã biết chuyện cô đi đến làng Khoai hay chưa ? Bởi giọng cười của ông, vừa có vẻ khoáng đạt, lại vừa có vẻ riễu cợt mà cô không thể cắt nghĩa. Cái nhìn của ông cũng vậy, khi long lanh nó toát lên sự vui vẻ và độ lượng, khi mờ tối nó lại phản chiếu nỗi chua chát mơ hồ mà cô không biết căn duyên. Thêm nữa, cô tin chắc rằng sau tối mồng một, dân làng đã lại đổ đến nhà ông Quảng, nơi chốn lý tưởng cho truyền thống hiếu khách. Tính hào phóng cũng như cốt cách sang cả của chủ nhân là những phẩm chất bất khả cạnh tranh. Cô hình dung mảnh sân mênh mông ấy, những gian nhà thênh thang bài trí toàn đồ gỗ thượng hạng mà ông đã chuộc lại và mua sắm thêm sau ngày sửa sai cải cách ruộng đất. Những bộ đồ ấm chén bầy trong chiếc tủ chè. Những chiếc đĩa men ngọc cổ và những chiếc lọ sứ bịt đồng mà khắp huyện không gia đình thứ hai nào có được. Và cô hình dung lại dáng vóc vừa vạm vỡ vừa thanh tao trong bộ đồ lụa, tiếng cười sang sảng như ngọc đổ vàng rơi. Cô bỗng cảm thấy cô như một con rối khổng lồ kết bằng giấy bồi, bị sụp đổ, bị bẹp dúm dưới cái nhìn sắc như gươm, bị tan rã bị rút mất linh hồn trước diện mạo của người đàn ông đó.
― Có lẽ lão ta đã biết hết chuyện. Không phải có lẽ, mà chắc chắn lão ta đã biết hết mọi chuyện. Từ hôm qua đến hôm nay, khách khứa nườm nượp như thế, chắc chắn đã có người kể lại mọi sự xẩy ra dưới mái nhà mình. Trong đám khách, có nhà thông gia với em út của ông ta. Vả chăng, khi dân làng đã nhìn mọi sự theo chiều hướng khác, người ta sẽ chẳng ngại ngần mà trở mặt, lật tay. Thói đời xưa nay đâu có lạ ?...
Cô nhớ lại đường nhăn hằn sâu xuống một bên mép khi ông ta cười và giọng nói có phần chớt nhả :
- Tôi có phải bí thư huyện đoàn hay tỉnh đoàn đâu ?
Cái chi tiết sau cùng khiến cô đinh ninh rằng ông Quảng đã biết hết mọi chuyện. Giờ đây, cô chỉ có thể trông vào sự độ lượng của đối thủ mà thôi.
Về đến nhà, Vui mệt rã rời. Nỗi mệt nhọc lạ lùng cô chưa hề biết từ thuở khôn lớn. Buông mình xuống ghế, bất giác cô cúi xuống nhìn đôi bàn chân . Hai bàn chân trắng nõn trong màu nhựa xanh. Quanh năm đi tất đi giầy chỉ để ba ngày tết khoe được làn da trắng. Nhưng hôm nay trời rét, ai cũng thấy rằng cái việc mang đôi xăng-đan nhựa của cô là sự làm dáng cố tình. Người lõi đời như ông Quảng không nói ra nhưng hẳn phải thừa biết. Ôi, đôi bàn chân trắng nõn của cô. Tốn phí biết bao công sức nhưng cũng chỉ gìn giữ được làn da còn chẳng có cách chi thay đổi được hình dáng :
― Ta là con đàn bà mang cỡ giầy bốn mươi ba. Đôi chân này suốt đời chọn giầy dép thửa, đôi chân này bị kết tội vĩnh viễn mang hình dạng của bọn đàn ông. Đôi chân này không thể đẽo gọt, không thể sửa sang. Cũng chẳng có cách chi che giấu.
Nước mắt bỗng trào lên mi, và lần đầu tiên trong đời, cô hướng về phía ông Đô, nói lời oán hận :
- Cha ơi, sinh con ra để làm gì ? Cha sinh con ra làm gì để con phải chịu bao nhiêu đớn đau, khốn khổ ?
Nước mắt che mờ khiến cô không còn nhìn rõ ảnh cha cô nữa. Nhưng lúc ấy, trên bàn thờ, ông Đô cũng rưng rưng lệ.
***

Từ khoảng mồng mười tết cho đến cuối tháng giêng, trời bỗng mưa rào liên tục. Nếu theo thời tiết thông thường những cơn mưa này chỉ có thể đổ xuống vào khoảng đầu tháng tư âm lịch, nghĩa là cuối tháng năm theo lịch phương tây. Những cơn mưa ào ạt, rơi như bão táp trong vòng nửa giờ rồi ngừng lại. Nắng hửng lên, trời bỗng oi nóng một cách khó chịu. Rồi sau đó, gần như một trận tấn công bất ngờ của lũ cướp, mưa lại sầm sập tuôn rơi. Sau những cơn mưa, trời có một màu hồng xám nhợt nhạt, với những vẩn mây bẩn như bụi chì. Người ta ngửa mặt nhìn trời, than:
- Lạ lùng, sao mới tháng giêng đã có mưa rửa đền như vậy ?
- Mưa rửa đền tới sớm, cháo cám cũng chẳng có mà ăn.
- Lạy trời, đừng bắt dân khốn khổ thêm nữa. Vừa mới dịch châu chấu rồi lại sâu rầy .
- Ông không tin vào sức người mà chỉ lạy trời thôi ư ?
- Sức người có hạn, uy trời vô bờ. Mấy ngàn năm tổ tiên chúng ta lạy trời, nay tôi cũng lạy trời.
- Thôi, lạy trời xong cũng phải tìm cách mà dặm lấy ít khoai ...Mưa sớm thế này, lợi dụng làm thêm vài luống khoai trái vụ. Nếu không may mất lúa thì còn có thứ mà bỏ vào dạ dày.
Người ta rủ nhau đi dặm khoai trái vụ. Rồi tiếp đó, người ta rủ nhau lên rừng hái nấm. Mùa này, nấm mọc như sung, mỗi buổi đi gặp may có thể hốt đầy bao dăm, bẩy cân tây hoặc hơn nữa. Nấm tươi xào mỡ lợn xuông cũng ngọt. Nhà nào xôm cho thêm vài lạng thịt bò ướp tỏi và lá ngò gai thái miến thì tuyệt vời, chẳng cần nêm gia vị hay bột ngọt vẫn ăn đứt nấm xào trong khách sạn thủ đô . Đối với những nhà đang còn nuôi con nhỏ, các bà có thể vằm nấm tươi với thịt thăn và hành hoa rồi đem viên theo kiểu viên bún mọc, sau đó nấu cháo hoặc nấu canh rau ngót rừng hay hoa lý. Tuy nhiên, người ta không chỉ hái nấm để ăn mà còn hái nấm để phơi khô, sấy khô đem bán. Quanh năm các cửa hàng ăn thành phố, từ thủ đô cho tới các thị xã miền xuôi lẫn miền ngược đều cần tới nấm khô. Bún mọc, bún thang, bóng nấu tôm, măng nấu sườn....tất thảy những thứ ấy đều phải có dăm cánh nấm mới dậy mùi. Ấy là chưa kể tới các món xào, các món hầm, hoặc món chưng cách thuỷ nơi cao lâu, tửu quán ...Nấm đối với dân vùng này không nhẹ cân hơn lúa, khoai mì và những nguồn thu khác. Như thế, mùa nấm cũng giống mùa gặt lúa dưới châu thổ sông Hồng, vừa là mùa làm ăn vừa là một dịp chính đáng để tụ họp vui vẻ nên mọi người khó bỏ qua.
Mùa nấm năm nay là mùa nấm đầu tiên cô Ngân lên rừng với đám đàn bà Xóm Tiều Phu. Cũng chính là cơ hội đầu tiên để một cô dâu xứ lạ tham gia vào sinh hoạt của cộng đồng. Thoạt tiên, cô đi với bà Tư Móm, vị thần bảo trợ và người thân thiết nhất với cô sau đức lang quân. Rồi khi mối bang giao xóm giềng đã khá mặn nồng, hoặc là làm ra vẻ mặn nồng, cô đi với mấy bà, mấy cô liền dậu. Mỗi tốp như vậy khoảng từ năm đến mười người. Họ cùng nhau mang theo đồ ăn và thuốc phòng rắn độc. Mỗi năm chỉ có một mùa hái nấm chính thức nên đàn bà con gái Xóm Tiều Phu đổ hết lên rừng. Vợ con Quý đương nhiên cũng đi nhưng họ nhập vào tốp khác, và cả hai bên đều tìm cách tránh mặt nhau. Tuy nhiên, dù muốn hay không, cũng vẫn có những cuộc chạm trán. Bởi đường lên rừng buộc phải qua những trảng cỏ hẹp nơi lòng thung hay những con dốc độc đạo. Người ta không có cách chi tránh được những lối đi bắt buộc ấy. Cái sự chạm trán giữa những kẻ cừu thù đương nhiên phải xẩy ra trước mắt láng giềng. Sau mỗi lần, thiên hạ lại trần thuật một cách rộng rãi khắp xóm cùng thôn, giống như cuộc trần thuật những trận bóng đá tranh giải quốc gia hay quốc tế xảy ra tại các câu lạc bộ thành phố. Theo cách đánh giá chung của người làng, vợ con Quý ỷ vào hai thế : Trứơc hết, họ là dân sở tại , mà cái thói :― Ma cũ bắt nạt ma mới vốn là thói quen đã hiện hành hàng nghìn năm. Thứ hai, họ lại là số đông, bởi họ có những ba mẹ con, trong khi đối phương đơn thương độc mã. Thế nhưng, điều oái oăm là cả hai thế mạnh kia đều không chạm tới được lông chân cô nàng áo xanh của ông Quảng. Người ta kể một cách chi tiết rằng, ngay lần chạm trán đầu tiên, vợ Quý chiếu vào mặt cô Ngân một cái nhìn đầy vẻ khiêu khích và phỉ báng , ngay tức khắc cô Ngân cũng quay đầu, giương mắt trừng trừng nhìn lại địch thủ, không lùi một phân. Kể về sức lực cũng như tinh thần thì cô ta uy hiếp hẳn người con dâu của ông chồng, nhỏ bé quắt queo nặng không quá bốn mươi cân, cổ dúm lại như cổ bà lão. Nếu hai đứa con gái nhà Quý nhổ nước bọt một lần, tức khắc cô Ngân nhổ hai lần trả miếng. Những cuộc chạm trán thù địch như vậy thường diễn ra trong sự im lặng của dân làng. Mọi người đếu cúi mặt làm ngơ, chẳng ai dám lên tiếng can ngăn hay hoà giải. Một lần nào đấy, đứa con gái nhỏ của Quý, chanh chua thách thức :
- Giỏi thì chơi ?
Cô Ngân cười khẩy, vênh mặt lên :
- Chớ cậy thứ luật :― Hai chọi một, chẳng chột cũng què. Tao đây, tao chấp cả ba chọi một. Dám hay không ?
Lúc này, chính ba mẹ con nhà Quý lại phải nuốt hận làm thinh vì nhìn tình thế, rõ ra cô thợ quét vôi kia có thể tả xung hữu đột với cây trượng của ông chồng giáng cho họ những đòn chí tử. Và chắc chắn không một người láng giềng nào dám đứng vào bè với họ để đánh lại cái ―con đĩ áo xanh kia. Sân nhà ― Con đĩ áo xanh giờ đây đã trở thành câu lạc bộ của người làng, còn có phần đông vui gấp bội thời bà Quảng còn sống. Người ta đã ăn đã uống, đã vui vẻ chuyện trên trời dưới biển trong ngôi nhà ấy, người ta, dẫu trong lòng có muốn, cũng không thể quay đầu lại đánh gia chủ.
Thời gian này, chẳng thấy chủ tịch Quý đâu. Mọi thứ giấy má của dân xã, đã có ông phó chủ tịch lo liệu. Nghe đâu có đợt tập huấn mười hai ngày dưới huyện dành cho các chủ tịch xã, sau đó tiếp đến cuộc tập huấn mười ngày dành cho các bí thư xã. Quý vừa là chủ tịch vừa kiêm nhiệm phó bí thư. Tập huấn xong bên chính quyền, anh ta ở lại luôn dự đợt tập huấn đảng thay cho ông bí thư ở nhà nuôi vợ đẻ .
Trước khi đi, anh ta rẽ qua nhà cô Vui :
- Ông bố tôi biết chuyện cô về làng Khoai rồi hả ?
- Chứ anh tưởng giấu được ông ấy hay sao ?
- Ông ấy có tra hỏi gì không?
- Anh không hiểu bố anh. Ông ấy chẳng thèm động dạng tới chuyện đó. Ngay một nửa chữ.
- Bố tôi không vừa đâu.
- Anh chẳng phải dạy.
- Thế hai người nói chuyện gì ?
- Chuyện trồng mai, trồng đào phai hay bích đào...Chuyện nuôi ong, thay giống, hớt phấn hoa hay cải tiến kích thước đõ. Thiếu gì việc ông ấy quan tâm.
- Giờ tôi hỏi cô sự này : Cô có chắc hai người ấy đăng kí được ở làng Khoai hay không ? Bởi lão giáo làng Khoai lại là cháu ruột chủ tịch xã ?
- Người ta đoán vậy thôi, chẳng ai chắc. Một mặt, chủ tịch xã không thể phỉ báng cháu ruột mình. Bởi nếu ông ấy công khai làm đăng kí kết hôn cho cô Ngân khác nào dáng cho cậu cháu một cái tát. Nhưng mặt khác ...
- Mặt khác làm sao ?
- Tôi không biết được.
Cô bí thư buông câu nói nửa chừng vì trong óc cô hiện lên những ngôi nhà mà ông Quảng đã ra tay xây dựng. Chủ tịch làng Khoai không được hưởng một cơ ngơi đồ sộ như thế, nhưng ít nhất ông ta cũng đã được thay mái ngói, thay bốn bức tường lồi lõm cong queo thành những bức tường gạch phẳng phiu, trát xi-măng từ ngọn tới gốc, lại quét vôi vàng sáng choé ...Thêm nữa, chân tường cũng chạy diềm sỏi trắng như kiểu nhà công sở, đối với dân làng Khoai, đấy hẳn đã là cách chơi sang. Chưa hết, mảnh sân cũng được lát gạch lá nem và có tường hoa bao quanh. Như thế, nhà ông ta tuy vẫn chỉ một tầng nhưng trông khang trang, lộng lẫy như con công đứng giữa đám gà vịt đói lông cánh xơ xác xung quanh. Rõ ràng là của cải từ túi bà giáo làng Khoai chảy ra để đắp đổi cho ngôi nhà này không phải ít.
Quý sốt ruột trước vẻ ỡm ờ của Vui. Anh ta cau có dằn giọng :
- Cô bảo sao ? Làm gì mà nửa kín nửa hở như vậy ?
- Tôi không biết được.
- Cô không biết thì còn ai biết ? Cô là người duy nhất ở Xóm Tiều Phu đi đến tận làng Khoai.
- Vì thế nên tôi sẽ phải hứng đòn của ông bố anh. Mà anh cũng không thể giơ lưng chịu thay tôi được.
Cô Vui nổi khùng quát trả lại, giương mắt nhìn Quý, hai kẻ a tòng nhanh chóng biến thành thù nghịch sau cái nhìn hờn oán. Rồi sau một tích tắc bất động, cô gái già bất chợt vùng đứng lên xô ghế và vung tay như đuổi gà :
- Tôi đã bảo không biết tức là tôi không biết. Muốn rõ đầu đuôi, anh về làng Khoai mà điều tra.
Quý không nói thêm nửa lời, mặt đen sầm như đám mây trước cơn mưa bão. Anh ta ra cửa, cô Vui quay lưng vào buồng trong, chẳng ai chào ai.
Ở dưới huyện, nhưng gan ruột Quý cồn cào như ăn phải thuốc phiện sống. Giống mảnh vải bị cuốn vào guồng bánh xe, lòng thù hận khiến anh ta quay đảo, khắc khoải không nguôi ...Anh ta không còn nhìn thấy vật gì ngoài ―con đĩ áo xanh. Con đĩ áo xanh, kẻ bất chợt từ trên trời rơi xuống hoặc từ một miền đất lạ gió cuốn tới đây ...
― Con đĩ áo xanh ! Kẻ thù sinh tử của ta ! »
« Con đĩ áo xanh ! »
Nhưng vì đâu mà có lòng căm thù ấy ? Quý không thể tự hỏi vì anh ta không đủ sáng suốt lẫn can đảm để làm điều ấy. Bởi chính anh ta cũng không hiểu vì sao mình căm thù người đàn bà khác xứ kia đến như vậy. Dường như lòng căm thù này là một loại mèo hoang hay chó lạc bỗng dưng từ đâu đó chạy thẳng vào sân nhà cất tiếng gào dã man cất tiếng sủa điên loạn. Hoặc như thứ hạt mầm cay độc cơn gió lang thang bỗng dưng mang tới, cấy vào trái tim con người, ở trong đó, nó nảy mầm, đơm lá, những chùm rễ sinh trưởng mau hơn loài thuỷ tức, lan toả, len lỏi, ăn sâu vào từng tế bào và con người khốn khổ không còn là gì hơn một thứ xác chết vận hành dưới những sợi dây điều khiển của lòng thù oán. Những dòng chữ thường xuyên hiện lên trong óc não, những tiếng nói thường xuyên vang lên bên tai Quý là :
« Con đĩ áo xanh, kẻ sẽ chiếm mái nhà mà ta có quyền thừa tự, kẻ khiến cho gia đình ta tan vỡ, cha con chia lìa và mẹ ta phải ngậm hờn nơi chín suối. »
Tuy nhiên, anh ta chưa bao giờ dám thú nhận với chính mình rằng cái « con đĩ áo xanh kia » còn khiến anh ta mất hoàn toàn thăng bằng mỗi khi gặp mặt. Rằng ngay lần đầu chạm trán cô ta, toàn thân Quý đã hầu như tê liệt, giống như một con cua trong tầm tay vồ của con ếch, co rúm cả tám càng lại chờ phút khai tử, hoặc giống như một con chuột hoàn toàn bị đông cứng tứ chi mất hết khả năng tự vệ trước cặp mắt thôi miên của loài rắn. Khoảnh khắc ấy, toàn thân anh ta lạnh ngắt như tử thi rồi sau đó lại bừng bừng như đám cháy, và những cảm giác tột độ trái chiều như thế cứ lần lượt đổi thay nhau. Ngay lần ấy, anh ta đã cảm thấy sinh mệnh của mình từ nay thuộc về một kẻ khác, và cái thân xác anh ta đang cư trú chẳng qua cũng chỉ còn là vỏ của một con tàu mà bánh lái lẫn những ngọn buồm đã bị điều khiển bởi bàn tay một ác thần vô hình đầy quyền năng. Kể từ ngày ấy, cứ mỗi lần nhìn thấy đôi mắt nhóng nhánh đen huyền của cô ta là máu trong huyết quản Quý lập tức sôi lên. Cái thứ máu sôi sục trong thân xác đó thổi lên trên mặt anh ta một đám cháy, khiến da mặt anh ta bỏng rát trong khi đầu óc quay cuồng, và mọi vật bỗng trở nên bồng bềnh mờ mịt như bị nhìn qua đám khói đốt rạ giữa cánh đồng. Anh ta cũng không kịp nhận ra rằng khi thấy cô ta, cổ họng anh bỗng dưng bị nghẹn, kiểu như người ăn khoai bị nghẹn vì nuốt nhầm thứ khoai quá bở lại không có nước chiêu. Và hơi thở của anh ta cũng bỗng nhiên thiếu hụt như kẻ leo núi cao mà không còn đủ sức. Sáng mồng một, để giữ được vẻ bình tĩnh khi đối đáp với người cha, Quý đã phải tự cấu vào lòng tay mình cho đến nỗi máu tụ đen bầm sau đó. Rồi tới lúc bị ông bố đuổi, bầu đoàn kéo nhau qua sân anh ta vẫn cảm thấy nửa bên mặt hướng về phía gian bếp bị tê liệt vì chờ mong ―cái con đĩ tử thù kia xuất hiện lần nữa. Một nỗi ước mong thầm kín bất khả nhận diện và bất khả kiềm chế khiến anh ta bước đi một cách vô hồn như sự vận hành của một zombie. Mảnh sân quen thuộc nơi nhà bố mẹ đẻ bỗng trở thành một sa mạc bất trắc. Và khuôn cửa nhà bếp bỗng trở thành cửa một hang đá bí ẩn nơi có nguy cơ xuất hiện một loài thú huyền diệu có khả năng dẫn tới cùng một lần địa ngục lẫn thiên đường. Anh ta đã đi qua mảnh sân ấy với cơn bão lốc cuồng nộ trong tâm hồn ...Nhưng cô Ngân đã cố thủ bên trong. Cuộc tấn công của anh ta thất bại hoàn toàn mà không có mảy may an ủi hay cứu rỗi ...
Giờ thì những cuộc chạm trán thù nghịch giữa ―con đĩ xinh đẹp kia với vợ con anh ta đã diễn ra mỗi ngày mỗi căng thẳng. Lòng căm thù của anh ta cũng càng ngày càng ngùn nghụt bốc cao :
« Con Vui đã trở mặt, nó không còn muốn giúp ta nữa. Con voi cái thiếu đực này chắc đã ngã lòng trước ông bố của ta. Lão già ăn hết mọi phần lộc của thiên hạ. »
Quý ngẫm nghĩ với nỗi đau đớn rằng sẽ chẳng bao giờ anh ta với được đến vai ông bố , không chỉ vì tầm vóc bên ngoài mà còn vì biết bao điều khác. Và cái ý nghĩ này dầy vò anh ta cả ban ngày lẫn ban đêm, cả lúc ăn lẫn khi ngủ. Sau những ngày đêm liên tục bị nghiền nát dưới cảm thức về sự thua thiệt và tủi hổ, đôi khi anh ta ngồi làm phép tính cộng trừ tuổi tác giữa ông bố đẻ với mình. Chỉ khi đó, Quý mới tìm được nguồn an ủi. Muốn hay không, anh ta cũng còn trẻ, và tuổi trẻ là sức mạnh vô địch. Trời cho anh ta thời gian. Trời cho anh ta cơ hội. Có một khác biệt không thể chối cãi, một vực sâu không thể san lấp giữa một ông già sáu mươi mốt với một người đàn ông tuổi bốn mươi :
« Ta không thể chấp nhận để mình bị gạt ra ngoài lề và thành kẻ trắng tay. Cuộc đấu không thể kết thúc dễ dàng như vậy. Ta còn cơ hành động. Chẳng cần cái con gái già kia, ta vẫn có thể làm mọi sự một mình. »
Ý nghĩ cuối cùng nung nấu Quý trong suốt ba tuần lễ tập trung nghe huấn thị của cấp huyện và cấp tỉnh. Khi đợt huấn thị kết thúc, anh ta bỏ bữa cơm liên hoan bế mạc dông thẳng xuống thành phố, nơi công trường tỉnh uỷ. Người làng báo cho anh ta biết rằng ông Quảng đang còn ở lại Xóm Tiều Phu để giúp cô vợ trẻ phơi sấy nấm. Thực là cơ may. Tại công trường, Quý tránh khu vực của đám thợ nội tỉnh vì đa phần đều là người trong huyện do ông Quảng tuyển lựa. Anh ta phải lân la ở dãy quán bán cơm bên ngoài khá lâu nhằm dò cho ra khu nhà mà đám thợ Hà Tây, lũ ―gái công trường trú ngụ. Tìm ra ―hang ổ ― của con đĩ áo xanh rồi, Quý còn phải ngồi chờ ngoài quán cơm cho đến khi trời sẩm tối , anh ta mới dám mò vào công trường sau khi mua hai bao thuốc làm quà cho gã gác đêm :
- Tôi có cậu em họ làm việc trong đội nề của ông Quảng. Nó đang tìm hiểu một cô thợ quét vôi Hà Tây. Chú thím tôi nhờ tôi kiểm tra xem tình hình sinh hoạt của cô ta có được lành mạnh hay không để còn quyết định tổ chức đám cưới. Lý do chính đáng như vậy, hy vọng rằng đồng chí có thể giúp đỡ tôi.
- Đồng chí có giấy tờ chứ ?
- Có ngay đây.
Quý chìa chứng minh thư kèm theo theo giấy triệu tập chỉnh huấn của huyện. Người gác cổng chúi mũi xuống đọc. Sau đó, anh ta ngẩng lên nhìn Quý với vẻ nịnh bợ :
- Mời đồng chí vào. Cẩn thận những khúc đường trơn vì giờ này chúng tôi tắt nửa số đèn, khu vực thi công còn nhiều đoạn lầy lội. Chúc đồng chí thành công.
- Cảm ơn.
Chủ tịch Quý đáp một cách hài lòng. Vẻ khúm núm của người gác cổng khiến anh ta thấy tự tin hơn, phấn chấn hơn .
Từ cổng công trường tới khu vực ăn ở của thợ không gần. Đi rảo bước cũng phải mất hơn nửa tiếng. Vừa đi, Quý vừa suy tính cách tiếp cận với đám thợ quét vôi, những kẻ không mảy may quen biết. Một lần nữa, cái bóng sừng sững của người cha lại đổ xuống, trùm lấp. Quý biết rằng anh ta không có khả năng chinh phục, anh ta thiếu duyên giao tiếp. Những điều mà ông Quảng có thể nói ra một cách dễ dàng trong giây phút anh ta phải suy ngẫm đắn đo, tìm lời sắp ý một cách khó khăn. Theo rõi ông bố từ tuổi thiếu niên, Quý ngạc nhiên vì hầu như ông ta không cần suy tính gì trước, khi sự việc đến, tức khắc cách phản ứng, những lời lẽ đối đáp như dòng suối bất thần chảy tới, hoặc như mạch nước ngầm từ trong núi đá tuôn ra. Quý chứng kiến khả năng ứng biến tài tình của người cha, vào chính những dịp ông dẫn anh ta xuống xin học dưới tỉnh. Thoạt tiên là trường trung cấp hàng hải vì thuở nhỏ Quý thích gấp thuyền, tắm suối và giấc mơ tuổi mười ba của anh ta là trở thành thuỷ thủ. Nhưng ngay lần thứ nhất tham quan tầu thuỷ, Quý đã say sóng đến nỗi cả tuần sau đứng lên vẫn xây xẩm mặt mày, anh ta nằng nặc xin bố cho chuyển sang trường trung cấp cơ khí. Với nghề cơ khí, Quý theo học được hơn một năm, nhưng cho dù hết sức cố gắng và cho dù ông Quảng không tiếc công tiếc của nhờ các thầy giáo trong trường lẫn các quản đốc công xưởng kèm cặp, Quý cũng không đủ khéo léo và kiên nhẫn để có thể trở thành thợ tiện mức trung bình. Sau thất bại này, mới đến trường trung cấp lâm nghiệp, cây cầu cuối cùng để sau đó anh ta phải rút ván và không bao giờ dám mơ tưởng quay lại bất cứ mái trường nào nữa. Sự thay đổi liên tục các trường trong hệ thống hành chính nhiêu khê, phiền toái như thế, ai nghe cũng lè lưỡi lắc đầu, vậy mà Quý thấy ông Quảng phẩy tay nhẹ như bấc. Dường như con người đó sinh ra để thành công, ông ta có tất thảy những phẩm chất của kẻ thành đạt.
Nhưng một khi ông ta đã hưởng hết mọi quà tặng của số mệnh, con cái sẽ phải chịu hẩm hiu ...:
« Trời cho người này, trời rút trong túi người kia ! »
Quý đinh ninh như vậy. Không hiểu từ đâu, mà anh ta có cái kết luận lạ lùng đó. Có những ý nghĩ quái đản mọc rễ trong óc con người mà không ai nhổ bật lên được. Phải chăng vì có những thứ tâm hồn u ám chỉ thuận lợi để nuôi dưỡng sự hằn học, ghen tuông giống như những đầm lầy chỉ có thể làm nảy sinh loài rong đuôi chồn, cỏ mực ?
Khu nhà dành cho các nữ công nhân ồn ã nhất là sau bữa cơm chiều. Đây là giờ các bà các cô ăn cơm xong, ngồi túm tụm chơi tu-lơ-khơ hoặc chuyện gẫu. Mùi ngô rang bay thơm lừng. Các bà nạ dòng vừa đánh bài vừa ăn kẹo lạc và ngô rang. Còn những cô trẻ nhất đang kề mặt dưới ngọn điện mà tỉa lông mày, thứ chăm sóc dung nhan ít tốn kém nhất. Quý phải dừng lại ngoài cửa vì nghe tiếng quật bài đen đét, tiếng cười sằng sặc, tiếng nói quang quác của họ. Một thứ thực tiễn mà anh ta chưa chạm trán bao giờ. Đàn bà Xóm Tiều Phu không dám cười sằng sặc như thế, cũng không dám la hét và quát tháo hệt như lũ đàn ông quanh chiếu bài. Nói cho thật đúng, đàn bà Xóm Tiều Phu không được phép chơi bài. Họ có nhiều việc trong nhà và trong bếp :
« Rõ là mấy con đĩ công trường, thiên hạ chửi không ngoa. Đúng là lũ ngựa cái được xổ chuồng tháo cũi. »
Anh ta thầm nghĩ, cảm thấy hả hê khi con đĩ áo xanh chính nảy nòi từ đây, giữa bọn đàn bà mất nết này. Ông bố chẳng có lý do gì để quá tự hào vì một cô vợ như thế ... Trong khi Quý tần ngần nghĩ ngợi, một cô gái trẻ vừa sửa sang xong cặp lông mày bỗng dưng bước ra ngoài. Thấy bóng đàn ông nép trong bóng tối, cô ta kêu thét lên:

- Ối giời ơi !Ai ? Ai thế ?
- Tôi ...tôi ...
Quý lắp bắp trả lời :
- Tôi là người nhà cô Ngân ....Hà Tây ....Tôi đến tìm cô ấy ....
Tiếng kêu thét của cô gái kéo cả lũ các bà các cô đổ ra cửa. Họ vây lấy Quý, người đang còn nhai dở ngô rang, kẻ đang cầm cỗ bài, cả bọn nhìn chòng chọc khiến anh ta thấy đôi chân bỗng dưng mềm nhũn ra như muốn chạy trốn khỏi cơ thể :
- Ngân nào nhỉ, Ngân thối tai hay Ngân Quảng ?
- Ngân ...Hà Tây ...Ngân làng Khoai.
- A ...Thế là Ngân Quảng. Nó đi lấy chồng rồi, họ hàng sao chẳng biết ?
- Tôi cũng đi thoát ly dưới Ninh Bình từ mấy năm nay ...
Quý đáp. Các bà các cô nhìn anh ta từ đầu đến chân một cách tọc mạch, và ngờ vực :
- Anh họ hàng thế nào với nó ?
- Tôi với cô ấy là ...con cô con cậu ...
- Con cô con cậu hay anh em ...thông ruột ? Cứ khai thật ra rồi chúng tôi khắc mách đường mách nẻo cho mà tìm.
Quý im lặng, mặt bỗng dưng nóng rần rật và mạch máu nhảy như đánh trống hai bên thái dương. Anh ta không biết đối đáp ra sao với lũ đàn bà dạn dĩ này. Trong khi đó các bà các cô nhất loạt phá lên cười ngả cười nghiêng, giống như họ được xem một màn hề chèo tuyệt đỉnh . Những ánh mắt tinh quái của họ chiếu vào mặt Quý giống những mũi kim châm khiến anh ta ê ẩm da thịt. Lát sau, anh ta hắng giọng, cố gắng nói một cách từ tốn và bình thản :
- Các chị hay đùa quá. Tôi đến đây thăm hỏi thật tình.
Bà nạ dòng có tiếng cười nam nhi nhất, sau khi lau nước mắt bằng ống tay áo, thu cỗ bài dang dở lại và bảo Quý :
- Thôi được, nếu anh đã muốn nói thật tình, chúng tôi sẽ bảo anh tình thật. Đùa một chút cho vui thôi. Mà cho dù anh là họ hàng con cô con cậu hay nhân tình nhân bánh thì cái sự ấy cũng chẳng dây gì đến chị em chúng tôi. Nếu đúng anh muốn hỏi cô Ngân làng Khoai thì cô ấy bỏ công trường theo chồng về làm trang trại. Chồng cô ấy là ông Quảng, xếp điều hành toán thợ tỉnh sở tại chứ không phải những kẻ đi làm mướn xứ người như chúng tôi đây. Anh muốn rõ thêm, sang khu nhà A 7, A 8 mà hỏi. Thợ ở đấy toàn một tay ông Quảng tuyển về. Họ biết rõ hơn chúng tôi.
- Cảm ơn chị , vậy cô Ngân cưới vào thời gian nào ?
- Chịu ! Không ai biết.
- Tôi tưởng công nhân xây dựng gia đình, ban tổ chức công trường có nhiệm vụ giúp đỡ ? ...
- Công nhân cũng dăm bẩy loại công nhân. Chúng tôi đây chỉ là dân quê chân đất được tuyển tạm chứ có đứng trong biên chế nhà nước đâu mà được quyền đòi hỏi. Vả chăng tình cảnh gia đình cô Ngân cũng rắc rối lắm. Họ không thể cưới xin bình thường như những người khác.
Một cô trẻ tuổi đứng cạnh chêm vào :
- Nghe nó nói là có cưới xin đàng hoàng mà ?
Cô khác ngắt lời ngay tức thì :
- Cưới cái con khỉ ...
Đoạn quay lại cô kia, cấm cảu :
- Cưới xin gì mà nó im ỉm như ngậm hột thị thế ?
- Nó đã chẳng mời bọn mình bún chả với bánh kẹo nhoè bữa chia tay rồi còn gì ? ...
- Liên hoan chia tay là một việc, cưới xin danh chính ngôn thuận lại là việc khác. Mày to đầu mà sao ngu thế ?
Bà nạ dòng có tiếng cười nam nhi mắng cô gái. Đoạn bà cúi xuống nhìn cỗ bài trong tay. Quý biết rằng đã đến lúc phải chuồn, anh ta cúi chào mọi người :
- Xin cảm ơn các chị, các cô.
- Không dám .
Anh ta vừa quay lưng đi đã nghe các đám đánh bài hò nhau vào chiếu . Những tràng cười ròn rã lại nổ như bắp trong nồi rang. Trong khung cửa sáng, bóng con gái đi qua đi lại, cô áo trắng, cô áo tím, cô áo hồng :
« Mấy con đĩ ngựa xổng chuồng. »
Quý lầm bầm trong họng, nhưng mắt vẫn dán vào khung cửa hình chữ nhật sáng loá điện. Có cái gì nơi đó hút anh ta như nam châm hút sắt ? Anh ta không biết. Nhưng đứng hồi lâu trong bóng tối, thầm lén nhìn những người con gái kia, anh ta bỗng cảm thấy như vừa đánh mất cái gì đó, một sự mất mát mà anh ta không hình dung nổi và cũng chẳng hiểu vật bị mất là cái gì. Cố cắt nghĩa những điều xảy ra trong lòng mình mà không thể được, Quý tự hỏi :
« Cái gì nhỉ ? Ta đánh mất vật gì ? Ta muốn điều chi ? »
Không có lời giải đáp. Rồi bất chợt một cơn tức giận xộc lên họng mặn chát khiến anh ta phải bật thành lời :
« Đúng là lũ ngựa cái động đực, thằng nào rước phải thứ của nợ như chúng mày chẳng chết sớm cũng chết muộn. Rõ ra thứ gái công trường. Con đĩ kia trước đây vài tháng cũng ra ra vào vào õng ẹo như thế. »
Trong đêm, tiếng anh ta vang rất to, dội qua những khu nhà thô rỗng vọng lại khiến anh ta đâm hoảng. Sợ đám người trong nhà nghe thấy Quý vội quay đầu chạy. Đường công trường len lách giữa những đống cát sỏi, những đống gạch ngổn ngang cao thấp , những đống xà giầm, những cối vữa dùng dang dở được ủ lại bằng nhiều lượt bao tải ướt. Trong bóng tối, thần hồn nát thần tính, Quý đạp lên một viên đá cục, ngã bổ nhào vào đám vữa đang còn nhão. Vữa lấp đầy mặt lẫn một bên vai và cánh tay anh ta. Khi đứng lên được, Quý mới nhận ra tình cảnh của mình :
« Thế này mặt mũi nào mà đi ra phố ?... Mà trước khi ra phố lại còn phải qua mặt thằng gác cổng ?»
Anh ta bỏ chiếc cặp da bò xuống, lục tìm các ngăn xem liệu có tờ báo nào có thể vò nhầu để lau đỡ khuôn mặt nhem nhuốc của mình. Lúc ấy, nước vôi đã kịp ngấm vào một bên mắt khiến anh ta buốt rát. Cơn buốt rát mỗi lúc mỗi tăng theo cấp số nhân , một sự gia tăng kinh hoàng. Cơn đau nhục thể ấy rút lên tới tận đỉnh đầu hoà với một nỗi đau khác, còn khủng khiếp hơn, ý thức về sự bất khả và nhục nhã. Nước mắt anh ta tuôn ra, hoà lẫn chất vôi khiến cho cả khu quầng mắt và gò má bỏng rát như bị chà lửa. Rồi nỗi đau đớn đẩy bật lên những tiếng nức nở. Người đàn ông đã ngoại tứ tuần hốt hoảng vì không thể kìm nén khóc. Những cơn nức nở buột khỏi sự gìm nén của anh ta, giống sợi dây diều tuột khỏi tay đứa bé chơi diều, như dòng lũ phá sập bờ đê để tuôn tràn như thác đổ. Trước mắt Quý chỉ còn lại một không gian mênh mông, trong đó những con thác đen không ngừng tuôn xối xả. Dường như toàn bộ máu trong huyết mạch anh ta giờ đây đã trở thành đen, đen tuyền, đen kịt. Những dòng máu đen lan toả khắp cơ thể. Toàn thân Quý run lên trong một nỗi thèm khát điên cuồng : Cần phải cắt cổ ai đó, cần phải đập vỡ sọ ai đó, cần phải chà nát ai đó dưới chân cho hả cơn đau đớn mà giờ đây anh ta đang phải chịu. Vừa chùi bộ mặt lem luốc vôi vữa, Quý vừa nhắm chặt mắt lại để nước mắt có thể rửa trôi đi phần nào chất vôi bám quanh bờ mi. Và lúc đó, trong óc não, anh ta thực hiện mọi cuộc trả thù : Anh ta đốt cháy khu nhà lộng lẫy của tỉnh uỷ. Anh ta cầm súng lia vào đám đông hội nghị như đứa bé lấy roi quật nát một tổ kiến, anh ta cưỡi lên đầu bí thư tỉnh uỷ, cái lão bụng phệ đã một lần mắng anh ta như mắng trẻ lên ba trong hội nghị đảng bộ tỉnh, anh ta cầm con củ tia vọt nước đái vào cái mặt phương phi nhờn những mỡ của lão, anh ta khạc lên mái tóc hoa râm mĩ miều lúc nào cũng rẽ đường ngôi thẳng tắp của lão, anh ta trèo lên xe Volga chễm chệ ngồi và bắt lão chạy bộ ngửi đám bụi mù mịt ở đuôi xe ....
....Hình ảnh sau cùng lưu lại trong đôi mắt bỏng loét của Quý là hình ảnh chính anh ta đang cưỡi lên ngực một con đàn bà trần truồng, trắng nõn. Anh ta bóp nặn, cấu chí, rồi cắn rách đôi vú của ả. Vết răng anh ta hằn rõ như vết răng loài sói trên bờ những vết thương, nơi máu ri rỉ chảy ra. Đôi núm vú nhỏ của cô ta sắp đứt chỉ còn lủng lẳng bám vào bầu vú nhờ một mẩu da nhỏ, giống như hai hạt sen. Anh ta cúi xuống dứt đứt chúng bằng những ngón tay đen đủi của mình, với niềm khoái trá như đứa bé vặt chân con châu chấu. Rồi anh ta hiếp ả. Hiếp, với tất cả đam mê và căm uất tích tụ từ bao nhiêu kiếp sống. Hiếp, như cách duy nhất để có thể tồn tại trên mặt đất này. Anh ta hiếp ả no nê từ lúc mặt trăng mới lên cho đến tận trưa hôm sau, giờ ngọ, khi mặt trời in bóng các vòm cây tròn xoe trên mặt đất. Anh ta hiếp ả từ khi da thịt ả mơn mởn như mỡ đông, hồng tươi như vỏ trứng gà cho đến lúc da thịt ả trở nên mềm oặt, phôi phai, lợt lạt và sau rốt trong suốt như đám trứng ếch. Anh ta hiếp ả từ lúc ả xinh đẹp như bông hồng mùa xuân cho đến khi ả suy nhược, mệt lả , đến độ chỉ còn thoi thóp thở và khi anh ta đứng lên, cài khuy quần, ả hoàn toàn tan rã như đất mủn. Chỉ còn lại trên mặt đất một mớ giẻ lươm tươm, rách nát.


Một mớ giẻ màu xanh.
Đỉnh cao chói lọi
Lời tác giả
SONG TẤU (1)
SONG TẤU (2)
SONG TẤU (3)
SONG TẤU (4)
SONG TẤU (5)
SONG TẤU (6)
SONG TẤU (7)
SONG TẤU (8)
SONG TẤU (9)
SONG TẤU (10)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (2)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (3)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (4)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (5)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (6)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (7)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (8)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (9)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (10)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (11)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (12)
KÝ ỨC VỐN BUỒN NHỚ VÀ SẦU THƯƠNG CHO CHÍNH NÓ
KÝ ỨC (2)
KÝ ỨC (3)
KÝ ỨC (4)
KÝ ỨC (5)
KÝ ỨC (6)
NGƯỜI ANH EM ĐỒNG HAO KHÔNG BIẾT MẶT
NGƯỜI ANH EM (2)
NGƯỜI ANH EM (3)
NGƯỜI ANH EM (4)
NGƯỜI ANH EM (5)
NGƯỜI ANH EM (6)
NGƯỜI ANH EM (7)
ƯỚC NGUYỆN CUỐI CÙNG
ƯỚC NGUYỆN (2)
ƯỚC NGUYỆN (3)
ƯỚC NGUYỆN (4)
ƯỚC NGUYỆN (5)
VĨ THANH