watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đỉnh cao chói lọi-TRUYỆN XÓM TIỀU PHU - tác giả Dương thu Hương Dương thu Hương

Dương thu Hương

TRUYỆN XÓM TIỀU PHU

Tác giả: Dương thu Hương

Đường vào Xóm Tiều Phu quanh co như ruột gà !


Xóm Tiều Phu, mọi người vẫn gọi là xóm Tiều Phu mà không biết rằng đó là một cái tên đã lỗi thời, hoặc nói cho đúng hơn, tên gọi đã sai lạc với nội dung. Bởi mang tên là Xóm nhưng thực chất Xóm Tiều Phu không còn là một xóm mà là một xã đất rộng, người đông. Có thời, những người lãnh đạo đã định đổi tên xã Xóm Tiều Phu thành xã Quyết thắng, nhưng ý đồ ấy không thành công vì dân sở tại đã quá quen tên cũ, và dân quanh vùng cũng vậy.
Tên Xóm Tiều Phu hình thành từ thuở sơ khai, không biết đã bao đời, ba gia đình mà gia trưởng là ba anh em ruột rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn vốn là tỉnh Bắc ninh cũ lên đây sinh sống bằng nghề đốn củi. Lịch sử cuộc di dân này vốn huyền bí, càng ngày càng trở nên huyền bí hơn qua nhiều thế hệ khi từ một xóm trại vẻn vẹn hơn hai mươi người, Xóm Tiều Phu trở thành một xã rộng lớn gồm ba thôn, trên hai ngàn dân, không chỉ sinh sống bằng nghề đốn củi, bán than mà còn trồng lúa nương, lúa nước, các loại cây công nghiệp cũng như nuôi ong, làm miến, sao chè ... Lịch sử được truyền tụng trong những đêm trăng, khi tiếng chày giã bột làm bánh vang lên khắp các sân nhà, những người đàn bà ngồi quanh bếp lửa vắt bánh trong khi đám đàn ông ngồi hút thuốc lào, uống nước chè chuyện vãn.
Lịch sử ấy gắn bó một cách huyền nhiệm với tên vùng đất cũ : Bắc Ninh.
Bắc ninh vốn là kinh đô thuở xa xưa. Đặc điểm dân cư của mọi thứ kinh đô là họ có nhu cầu hưởng thụ cao hơn dân chúng nơi khác. Cỗ cổ truyền ở Bắc Ninh thường được định danh bằng chữ tầng : Tầng ; giống như người ta gọi một toà nhà hai tầng, ba tầng, năm tầng .... Cỗ Bắc Ninh chia thành nhiều thứ hạng :cỗ hai tầng, cỗ ba tầng, cỗ năm tầng, thường không mấy khi thấy cỗ bốn tầng. Tầng có nghĩa là giới hạn đồ ăn được bầy kín mặt chiếc mâm đồng. Cỗ hai tầng có nghĩa là đồ ăn phải xếp thành hai tầng mới hết. Cứ theo đúng nghĩa đó mà hình dung cỗ ba tầng, hoặc năm tầng. Chắc chắn không có thứ dạ dầy nào chứa nổi những mâm cỗ ba tầng, năm tầng nhưng cách trưng bày những mâm cỗ như vậy được xem xét trên hai khía cạnh : Sự tôn trọng khách mời, và sự khoe của, hiểu một cách thông tục hay tế nhị cũng thế thôi. Một đặc điểm thứ hai của dân kinh đô là họ thường hoạt khẩu. Họ thích nói, thích diễn giảng chuyện đời và khả năng diễn đạt của họ xuất sắc hơn dân nơi khác. Đôi khi, khả năng này phát triển một cách thái quá và dẫn họ đến thói quen thêu dệt mọi chuyện. Bất luận người dân nào cũng có thể là một nhà văn tài tử hoặc một thi sĩ lỡ tàu. Nhu cầu sáng tạo chỉ được phóng chiếu qua một khuôn cửa duy nhất : lịch sử các tiền nhân. Thế nên, người ta có thể tìm thấy rất nhiều huyền sử khác nhau về ba gia đình đã khởi sự lập nghiệp nơi Xóm Tiều Phu, biến vùng núi non hoang vắng này thành nơi rậm rịch bước chân người, eo óc tiếng gà và véo von tiếng hát. Cũng chính những cư dân Xóm Tiều Phu là những người đã xây dựng ngôi chùa Lan Vu cùng hai chùa khác ở tầng núi dưới, bởi vùng Kinh Bắc vốn nổi tiếng là nơi nhiều chùa chiền, đền miếu . Nhu cầu vãn cảnh chùa là một trong những niềm hoài nhớ đất cố đô xưa.
Xóm Tiều Phu gồm ba thôn :Thôn Thượng, thôn Trung, thôn Hạ. Thôn Thượng nằm ngay trên chân rặng núi, ấy là nơi ba gia đình đầu tiên khởi nghiệp, dựng làng. Nhiều thế hệ trôi qua, lứa trai trẻ dựng vợ gả chồng chiêu tập những nàng dâu và những chàng rể từ muôn phương tới, họ lập trại, dựng nhà lan xuống những miền đồi xung quanh, hình thành thôn Trung rồi tới thôn Hạ. Cư dân hai thôn ấy trồng cả lúa nương lẫn lúa nước, trồng sắn lẫn chè trên các ngọn đồi, cũng như trồng khoai môn và súp-lơ su hào nơi đất thấp hơn. Những gia đình sinh sống ở thôn Thượng là những gia đình được coi là rường cột của làng xã, được nghiễm nhiên tôn trọng theo bộ luật xa xưa của phong tục mà không ai biết một cách chính xác nó được hình thành từ lúc nào, và do ai khởi xướng ...Như thế, ông Quảng, người tiều phu xấu số chính là một trong những nhân vật luôn luôn được ngồi chiếu trên, luôn luôn được liệt kê hàng đầu trong danh sách những người có uy lực nhất Xóm Tiều Phu, người mà tất thảy những ông chủ tịch xã cũng như bí thư đảng uỷ phải hỏi ý kiến, phải tìm sự đồng thuận khi muốn làm bất cứ điều gì. Mười lăm năm trước, vào thời xảy ra câu chuyện này, con trai trưởng của ông đang giữ chức chủ tịch xã. Ông, vừa là bậc lão trượng trong xã, vừa là cha đẻ của con người quyền uy.
Mùa thu năm ấy, vợ ông ngã bệnh. Lúc đó, bà đã xấp xỉ lục tuần, sinh đẻ cả thảy tám lần, sức lực nếu chưa cùng kiệt thì cũng đã hao tán như ngọn đèn dầu sắp cạn. Vào dịp Tết trung thu, bà bỗng nhiên thay tính đổi nết , trở nên phàm ăn một cách dị thường. Xưa nay, vốn là người khảnh ăn khảnh uống, bữa cơm bà và hai bát chiếu lệ, khi có cỗ bàn, bà xuống đũa cho vui lòng chồng con. Đột nhiên, vào đêm rằm tháng tám, khi đám trẻ trong làng phá cỗ, mọi người bỗng thấy bà sà xuống mâm bánh nướng bánh dẻo nhặt một đĩa đầy tú ụ rồi ngồi ra một góc ăn thẳng một hơi hết nhẵn không cần chiêu một ngụm nước chè. Ai cũng biết rằng những thứ bánh dành cho con trẻ vào ngày Trung Thu thường ngọt sắt họng, cho dù người hảo ngọt mấy cũng chỉ có thể ăn được hai tấm và kèm theo hai tấm bánh đó ít nhất cũng phải uống một ấm chè mạn cho xuôi. Thế nhưng bà đã ăn hết cả một đĩa đầy tú ụ, có nghĩa là sáu tấm bánh lớn, thứ bánh trước đây bà không thể ăn nổi một góc mà không lắc đầu ngao ngán. Cái sự kiện ấy lan truyền trong xã như một cơn động đất. Láng giềng dấm dúi bình phẩm sau lưng bà. Nhưng cũng thật lạ lùng khi bà không thèm để ý tới tất thảy những ánh mắt tò mò xung quanh, bà có vẻ như người đãng trí. Bà chỉ có một mối quan tâm thực sự, ấy là những món ăn mà bỗng dưng bà thèm muốn một cách điên rồ, và sự thèm ăn của bà dần dần trở nên mối bí ẩn kinh hoàng đối với tất thảy mọi người, trước hết là lũ con. Bà thèm ăn mật ong, ong non. Mỗi sáng, bà rót đầy bát chiết yêu mật ong, ngồi ăn lem lém với một chồng hàng chục bánh đa vừng hoặc nửa rổ khoai môn luộc. Bà thèm ăn thịt lợn, thịt bò, rồi gà vịt, tôm cá. Bữa trưa, bà có thể ăn cả một chiếc chân giò hay một con gà trống thiến luộc. Bữa tối, bà tiếp tục ăn tám chín bát cơm với cá kho mặn hoặc lạc rang mắm tép và một rổ rau muống hay rau cải xào. Một bữa, khi đàn gà hàng trăm con sắp tuyệt diệt, chỉ còn lại những con gà chíp và hai mái già đang đẻ, bà vào ổ lấy ra hơn hai tá trứng đúc thịt lợn với hai đĩa xôi, ăn ngấu nghiến như hùm như hổ. Sức ăn như thế là gấp ba một gã lực điền Nam hà chuyên nghề đào đất, gấp năm lần ông chồng và gấp hai mươi lần chính bà cách đó vài tháng. Gia đình vốn khá giả, ông Quảng lại chiều vợ nên toàn thể gia đình đều tìm mọi cách làm thoả mãn mọi yêu cầu bất thường đó. Nhưng những đứa con của bà sợ hãi. Và người làng thì thầm một cách vụng lén sau lưng họ :
- Không phải bà ấy đâu, ma đói nhập vào đấy. Cứ để ý mà xem, mắt bà ấy đờ đẫn như mắt kẻ mất hồn, mà khi bà ấy ăn, bà ấy không nhìn vào mặt ai hết. Các cụ dạy : Ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Người khôn ăn uống phải liếc ngang liếc dọc trước khi xuống đũa. Chỉ có kẻ bị ma đói ốp mới cúi đầu ăn sùng sục như vịt dũi ốc, như lợn xốc cám không thèm nhìn xem người bên cạnh có gắp được miếng hay chưa ?
- Ôi dào, người bên cạnh là chồng với con, có khi bà ấy không thèm để ý.
- Thế đêm rằm tháng tám, nào phải chồng con mà bà ấy hốt cả đĩa bánh ra góc phản ăn một mình ? Chỉ có người tàng tàng mới dám làm như thế.
- Ờ, cũng kì dị thật ...Nhưng tôi không tin có ma. Dù là ma cà rồng hay ma đói.
- Không có ma thì có quỷ !... Chỉ có bị quỷ đói ốp mới thành ra phàm ăn đến thế. Người bình thường ăn chừng đó chỉ có chướng bụng lên mà chết thôi.
- Đúng thật. Ăn như thế mà tiêu nổi cũng là sự kinh dị. Bữa trước bọn trẻ luộc trứng rồi bỏ đi ăn liên hoan chi đoàn thanh niên. Tôi tiếc của ăn cố đến quả thứ ba mà bụng ấm ách đến nửa đêm, ngủ không được phải ngồi dậy làm mấy chén rượu với một nắm mứt gừng.
- Bà ấy không ăn để sống mà ăn để chết. Đời nào cũng có những người như vậy.
- Tôi lại ngờ bà ấy sống rất dai. Nhưng ăn như thế núi của cũng tiêu tán. Không hiểu rồi ông Quảng sẽ xoay sở cách nào ?
- Miệng ăn núi lở ! Người thường cứ ăn không làm còn cào lở núi huống chi người bị ma đói nhập hồn.
- Đừng tin nhảm, chẳng có ma quỷ nào hết, nhưng đó là một thứ bệnh mà cho đến tận bây giờ các thầy thuốc vẫn bó tay.
Ông Quảng không nói năng gì. Ông lẳng lặng lên rừng tìm mật ong khi chum mật trong nhà đã cạn, những đõ ong nuôi chưa kịp giàn đủ mật để chắt. Ông cũng rút tiền tiết kiệm về để mua thịt lợn thịt bò cho vợ khi đàn gà trên trăm con đã hết sạch, cả ngan lẫn ngỗng non trăm con nữa cũng không kịp đẻ trứng gây lứa mới. Khắp vùng, bất cứ nhà ai ngả trâu què, nghé hư hay bò già bò ốm đếu cho người đến gọi ông, bởi chắc chắn ông sẽ là vị khách xộp nhất Xóm Củi. Không ai dám tiêu xài như ông. Ông bảo đám con :
- Mặc người làng nói gì thì nói, mẹ các con đã bóp mồm bóp miệng cả đời để nuôi nấng các con, giờ là lúc bà ấy cần bồi dưỡng.
- Mọi việc trong nhà do cha định đoạt.
Người con cả, tức chủ tịch xã đáp lại. Anh ta đã xấp xỉ bốn mươi, đã có vợ và ba con, ở nhà riêng nhưng không ngày nào không qua nhà bố mẹ đẻ. Dưới anh ta, hai người em trai nhập ngũ, chỉ còn lại đứa em trai út, chưa đầy mười sáu tuổi là chính thức chung sống với bố mẹ .Vợ chồng ông Quảng sinh nở cả thảy tám lần nhưng chỉ đậu lại bốn đứa con trai. Tất cả đều đặt tên theo vần Q của bố. Chủ tịch xã tên là Quý. Tiếp đó là hai cậu sinh đôi cùng nhập ngũ một ngày, họ có tên Quyết và Quyến. Còn cậu út tên Quỳnh, đẹp trai nhất trong bốn anh em và dường như cũng là đứa lẳng lơ nhất, mười bốn tuổi đầu đã đuổi gái mê mệt khiến nhiều lần bà mẹ lồng lên chạy tìm con hết thôn Thượng, thôn Trung, thôn Hạ cho tới những xã cách Xóm Tiều Phu nửa ngày đường. Trong bốn anh em, bà cưng chiều cậu út hơn cả. Từ đồ ăn thức uống cho đến quần áo, bút sách, Quỳnh được chăm chút đầy đủ đến mức đám chúng bạn phát ghen. Cậu ta giống mẹ hơn cả. Cách nói năng cũng thủ thỉ như con gái. Có thể vì vậy mà cậu út được bà mẹ cưng chiều. Người làng bảo bà không có tay nuôi con gái, đứa nào lọt lòng mẹ được vài tháng cũng chết, không trụ qua một tuổi.
Mùa đông năm ấy rét đau rét đớn, bếp nhà nào cũng đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Những người già không dám bước chân qua cửa bếp. Đêm họ ngủ quanh đống lửa như dân Mán, dân Sán dìu. Sương mù từ trên núi phả xuống giăng màn trắng quanh vườn, tụ thành khối lơ lửng trên những mái nhà và các ngọn cây. Nhiều ngày sương tụ đến tận non trưa, chưa kịp tan thì chiều đã tới kéo theo đợt sương mới. Rồi tiếp theo những ngày mù sương là những ngày mưa dãi dề cùng gió bấc. Các vườn cây vặn mình xao xác dưới những lằn roi quất của mưa đông. Gió hun hút trườn qua các khe vực rú rít âm thầm rồi ào xuống xóm thôn mang theo những thở than truyền kiếp. Rét đến độ nếu ai đứt tay chưa kịp dịt thuốc máu đã đông ngay , nhưng sau đó vết nứt không thể khép miệng vì da co lại. Vào thời gian ấy, dân xóm Tiều Phu tụ tập quanh những bếp lửa của các đại gia, những gia đình sung túc nhất đủ củi dự trữ cho vài mùa đông, đủ thóc nếp lẫn đường mật đãi khách mà không phải nhíu mày cau trán hoặc bấm bụng rên la vì tiếc của.
Những mùa đông trước, bếp lửa nhà ông Quảng bao giờ cũng đầy lèn khách khứa, người ta nói ông vừa rộng cửa vừa rộng lòng. Cửa rộng, nhà cao, thóc nếp thóc tẻ, chum đường chum mật mía, chum mật ong ...chất ngồn ngộn năm gian nhà ngang bên hữu. Đỗ lạc, đỗ xanh, vừng đen, vừng trắng phải quây trong cót. Chủ nhân lại là người hào phóng, hiếu khách. Những ngày mưa dãi gió dề, trời xám mây giăng, cảnh ngoài trời càng buồn thì trong nhà ông càng vui như tết. Xóm giềng không thể lên nương, xuống ruộng hay trèo núi đốt than hái củi , đều tụ tập tại căn bếp và ba gian chính ngôi nhà trên. Ở đấy, lò sưởi tí tách, than hồng rực. Đàn ông sẵn thuốc lào, thuốc lá, nước chè, chuyện nổ như pháo. Dưới bếp, đàn bà giã bột làm bánh, hoặc thổi xôi nấu chè tuỳ theo hứng. Cánh cửa nhà dưới mở là thể nào cũng có đôi ba bà nạ dòng khệ nệ bưng ra thúng thóc hay liễn mật, liễn mỡ. Bánh trôi, bánh chay, bánh rán mặn nhân thịt, bánh rán ngọt nhân đỗ ngào đường, bọc mật ....Xôi lạc, xôi đỗ, xôi gà hấp, xôi gà nướng ....Đủ trò. Có thể gọi là sơn hào hải vị của vua chúa cũng chưa hẳn đã mang lại sự khoái khẩu và niềm vui như những ngày đông lạnh, khi dân làng tụ tập quanh bếp lửa nhà ông. Từ trên nhà xuống dưới bếp, tiếng cười ran như pháo nổ. Khách cười một, chủ cười hai. Ông Quảng vốn có tiếng cười hào sảng mà bất cứ ai cũng thầm ao ước. Những người biết xem tướng đều nói ông giàu sang nhờ ở tiếng cười. Dầu là dân thôn dã, ông biết đủ nghề, hiểu đủ cách kiếm tiền của thiên hạ. Vừa thoắt lên rừng kiếm củi đốt than, đã thấy ông tay thước tay dao dẫn đám thợ mộc, thợ nề xuống thành phố làm thuê cho công trường của tỉnh . Vừa ráo tay cày ruộng, đã thấy ông đánh xe ngựa chở chè mạn hay sắn khô xuống chợ huyện. Rồi từ chợ huyện, xe ngựa của ông lại chở đủ thứ hàng dưới xuôi lên bán cho các hợp tác xã của người Dao, người Sán Dìu, Sán Chỉ bên Lục Nam, Lục Ngạn láng giềng. Từ núi xuống đồng bằng, từ đồng bằng tạt xuống mạn biển nhặt cá khô, mực khô, và các loại mắm, ông lại rong ruổi dọc các huyện vùng cao, nơi chỉ có núi đồi và dã thảo. Giống như loài ngựa thảo nguyên, ông không dừng lại lâu ở bất cứ nơi nào. Bởi thế, tuy gốc gác tiều phu, nhưng từ thuở trai tráng ông đã ăn cơm tứ xứ và vẻ phong sương ngạo nghễ khiến con người ông toát lên một sức hấp dẫn mãnh liệt mà những người khác vừa thèm muốn vừa sợ hãi. Hơn thế nữa, cách cư xử của ông làm cho dân làng thán phục. Sự hào phóng chắc chắn là thứ tính chất hiếm hoi nơi những người bị trói chặt vào đất với rừng. Lòng tốt thường khó kiếm, hoặc nếu có cũng không thể đem lại hiệu quả khi cuộc sống vật chất quá bạc bẽo. Những mùa đông khắc nghiệt nhất, bao nhiêu mẹ goá con côi trong xã chỉ có thể trông chờ vào sự giúp đỡ của ông, bởi ngay quỹ tương trợ của hợp tác nhiều nhất cũng chỉ có thể cho đến năm mươi cân thóc. Ông Quảng không bao giờ cho thóc. Ông không muốn làm mếch lòng ai. Một khi hợp tác đã cho thóc, ông cho củi sưởi, cho gạo cho mắm cho đường cho mỡ và cho tiền .... Như thế, tiện cho cả người nhận lẫn người cho. Quá nhiều kẻ hàm ơn ông. Nhưng ông không trói buộc gì họ. Dường như không còn nhớ ông đã từng giúp họ. Như thế, có vẻ kì dị nhưng khiến cho cả ông lẫn những người mang ơn ông được nhẹ lòng. Và ngôi nhà sừng sững của ông có vẻ giống như một thứ đình làng thu nhỏ, nơi mọi người có thể tìm được hơi ấm của cộng đồng cùng những thời khắc sung sướng nhàn hạ ; một thứ hơi hướng của hội hè, rọi sáng cuộc sống vất vả và buồn tẻ dằng dặc nơi sơn khuê.
Mùa đông năm ấy, với những cơn mưa thấu xương thấu tuỷ, những cơn gió bấc dãi dề, người ta vẫn hướng nhìn về phía ngôi nhà ông theo thói quen, nhưng nó không còn đỏ lửa. Không ai bảo ai, nhưng tất thảy mọi người đều không dám đến nhà ông . Họ biết ông đã tay dao tay thước ra đi từ non một tháng nay, sau khi đã giao tiền nong cửa nhà cho cậu con trai út. Ông phải xuống thành phố làm việc vì của cải trong gia đình cạn kiệt. Không ai dám chia buồn hay an ủi ông. Không ai dám động chạm tới căn bệnh khó hiểu của bà. Căn bệnh ấy, đối với những kẻ chất phác quê mùa, quen sống cần kiệm là một tai hoạ. Nó cũng tương tự như căn bệnh thương hàn, lao phổi hay kiết lỵ thời xưa. Mất đi nơi chốn quen thuộc, dân làng đành chuyển đến một gia đình mới nổi lên giàu có ở thôn Trung : nhà cô Vui, bí thư chi đoàn.
***

Cô Vui, ba mươi hai tuổi, chưa một lần lấy chồng, hình như cũng chưa từng phải lòng ai, hoặc nói cho chính xác hơn là chưa ai từng phải lòng cô. Không phải vì cô xấu nết hay xấu người, nhưng vì cô cao đến một mét tám mươi bảy phân trong khi đám đàn ông trong làng, to con nhất như ông Quảng cũng chỉ già mét bẩy. Cao như thế, cô lại có đôi vai ngang như đòn gánh với những bắp thịt nảy nở quá mức rắn chắc như sành. Đôi vai cô có thể sánh với vai các võ sĩ quyền anh thượng thặng. Một tay cô có thể vật đổ gã trai bằng tuổi như chơi. Cô chính là hình ảnh của cha cô :ông đô Vàng, một thời nổi danh vô địch khắp ba tỉnh phía đông bắc châu thổ sông Hồng, kiếm không ít tiền trong những lần tranh giải vật toàn xứ bắc. Dân xã đồng lòng cho rằng cô giống ông đến mức nếu cô cạo đầu, cởi trần đóng khố thì cô có thể bước vào xới vật và làm run sợ mọi địch thủ như cha cô thời vang danh nức tiếng. Ông đô Vàng có một mụn ruồi lớn hơn hạt đỗ đen mọc ngay giữa cổ. Trên mụn ruồi ấy, lúc nào cũng đâm tua tủa những lông, mỗi sợi dài đến ba đốt ngón tay. Cô Vui cũng có một mụn ruồi y hệt như thế, nhưng nó mọc dưới cằm, và hàng ngày cô phải soi gương cắt túm lông đi. Nếu đôi khi cô mải việc, quên chăm chút nhan sắc là những sợi lông lập tức mọc dài ra, quăn queo một cách kì cục. Có lẽ vì ngần ấy dị biệt khiến cô không thể có được một tấm chồng như những người đàn bà khác. Cô làm nhụt chí mọi đấng nam nhi. Hình hài cũng như sức khoẻ của cô là đề tài mặn mòi nhất cuốn hút cánh đàn ông trong làng dù khi họ đang làm cỏ sắn dưới cái nắng chang chang tháng sáu hoặc khi họ ngồi hút thuốc lào vặt ngày mưa. Có một ngàn cách khơi mào những chuyện tiếu lâm nhưng riêng về cô, thường thường là một câu hỏi, một nỗi băn khoăn chung của cả đàn ông lẫn đàn bà Xóm Núi :
- Hôm qua tôi thấy con Vui chuyển đõ ong lên đồi. Chân nó đi có vẻ khang khác.
- Khang khác thế nào ?
- Hai chân nó chạng sang hai bên, giống như có gì vương vướng bên trong.
- Cái chó gì vướng được ở giữa hai bẹn nó, trừ khi nó buộc vào đấy một con cu-ly hay một con chồn ?
- Cái lão điên này, đúng là thánh sư nói láo ...Tôi cho rằng hình như có người vừa khơi thông lạch đào nguyên.
- Đào nguyên mới chả thiên thai, toàn dân cu đen lại còn sính chữ !...Cứ nói huỵch toẹt ra rằng đã có thằng nào nhảy lên bụng nó cho rồi. Nhưng thằng nào dám liều mạng thế nhỉ ? Hay là chính ông đấy ? Tôi thấy mặt ông có vẻ gian gian ?
- Tôi ấy à ? Thế thì vinh dự quá ! Nhiều phen tôi cũng định thử, nhưng mới nhìn thấy nó con cu tôi đã xun lại như chim thằng bé lên ba. Thôi, tôi xin nhường cho ông.
- Đội ơn ông, gan tôi chưa đủ lớn ! Tôi sợ tôi tắt nghỉn nửa chừng. Mà đám con tôi còn trứng gà trứng vịt chẳng ai nuôi. Tôi xin nhường cho ông nào mạnh vía hơn.
- Bây giờ chúng ta đánh cuộc, ai dám sờ vào cái hang hùm của con Vui sẽ được chiêu đãi liền trong cả tháng. Các khổ chủ sẽ luân phiên gánh chịu phí tổn rượu ngon gà béo.
- Ôi chao, rượu với gà của các ông đáng giá gì .
- Thế thì một con bò tơ vậy.
- Bò cũng không đáng bằng sự hao tổn nửa mạng sống.
- Thế thì ba bò vậy.
- Ba bò chứ mười bò, lại các thêm ba lá vàng Kim Thành tôi cũng xin kiếu.
- Đừng đùa, ba lạng vàng là đủ cất lên năm gian nhà ngói.
- Thế thì ông thử đi.
- Không chơi trò thách suông, các ông cứ chồng đủ tiền mua ba cây vàng, tôi khắc liều mạng ngay.
- Cái mặt ông có liều mạng cũng chẳng ai tin. Con vợ ông cao chưa đầy một thước rưỡi, nặng có bốn mươi lăm cân mà nó còn bĩu môi bảo mọi người rằng ông là thằng vô tích sự, nhoai được ba nhát đã tụt xuống giường, chưa kịp đi đến cửa chợ đã rơi sạch tiền. Vậy mà ông còn nói phét.
- Đừng tin miệng lưỡi đàn bà. Ông có ở trên giường với tôi đâu mà biết ?
- A, thế thì hôm nào ta mở cuộc thi. Gọi ban quản trị hợp tác làm trọng tài, mượn cái đồng hồ quả quýt của ông Quảng đem ra bấm.Vợ chồng ông bên tả, vợ chồng tôi bên hữu, thằng nào thua cuộc phải mất con bò. Tôi cũng không ăn con bò ấy một mình mà sẽ đem thui khao cả xóm. Nào, dám chơi không ?
- Tiên nhân đồ khôn vặt. Tôi hai thứ tóc trên đầu, chẳng dại gì mất con bò với cái quân máu dê như ông. Thôi được, tôi chịu thua. Nhưng nếu ông cậy có con củ bằng sắt, sao ông không thử tài với con Vui một lần. Nhà nó phải có đến trăm cây vàng chứ chẳng phải ba cây. Ai cũng bảo rằng từ ngày ông đô Vàng chết, nó hái ra tiền. Chắc ông lão thương con nên đêm ngày phù trợ. Ông mà leo được lên giường với nó là đời ông lên hương tức khắc. Không phải chuột sa chĩnh gạo mà là chuột sa vào chum tiền.
- Ồ không, chum tiền chứ chum vàng chum ngọc tôi cũng chịu. Tôi chỉ dám trèo lên bụng con vợ tôi hay loại đàn bà ngang ngửa như nó thôi. Còn con Vui, nói trộm vong hồn ông đô Vàng, tôi mà thử sức với nó dám chắc tôi tắt thở ngay giữa cuộc. Hoạ may chỉ có chui đầu vào cái hang hùm ấy mà ngoi hay thượng cẳng chân vào trong đó mà đạp.
Những cuộc chuyện vãn như vậy kéo liên miên không bao giờ chán. Có lẽ công việc nặng nhọc và buồn tẻ nơi sơn thôn bắt con người phải tìm cách giải trí như vậy, mặc dù đôi khi họ sực nhớ ra rằng cách mua vui kiểu đó làm tổn hại danh dự người khác và có phần độc ác. Về phía cô Vui, chắc chắn cô không thèm để tâm tới những gì người ta bàn tán sau lưng. Cô sống hiên ngang như đấng nam nhi, làm tất thảy những việc mà thông thường chỉ đàn ông mới đảm đương nổi. Trông cô chẳng có chút đau buồn hay hiu hắt như những người đàn bà khác thường mường tượng với nỗi hả hê. Bởi vì họ, có chồng và có con, hạnh phúc thì ít nhưng gánh nặng chồng chất trên vai thì nhiều. Đôi khi, thấy cô đi trên đường với dáng vẻ hùng dũng, với vẻ mặt tự tin mà ngay cả những người đàn ông thành công nhất vùng cũng thèm khát, họ cảm thấy một sự thương tổn không thể cắt nghĩa, một sức mạnh vô hình đè họ bẹp dúm như con chồn lạc bị xe ngựa chẹt ngang lưng. Nhất là từ ngày ông đô Vàng chết, cô Vui mó tay vào đâu, ở đấy nảy ra tiền. Ngay từ khi cha cô còn sống, ông đã xây nhà dựng cửa cho con gái, đoán biết rằng cô không thể có được một cuộc sống bình thường. Ông dạy cô nghề mộc, nghề nuôi ong, nghề sao chè, nghề làm miến ...tất thảy những gì có thể làm nảy ra những tờ giấy tiêu được và khêu gợi thèm muốn của mọi người . Cô Vui vốn thông minh, lại có sức khoẻ phi thường, nghề nào cô cũng học được đến nơi đến chốn. Mẹ cô chết vì hậu sản, người nuôi cô thuở nhỏ chính là bà nội, rồi sau này khi bà nội chết, ông đô thôi giang hồ tứ xứ quay về Xóm Tiều Phu với đứa con gái duy nhất của mình. Người ta không hiểu vì sao ông chẳng tái hôn để có người tề gia, nội trợ, để có người đẻ ra cho ông những đứa con trai. Trước những băn khoăn của láng giếng, ông chỉ trả lời vắn tắt :
- Xưa nay có mấy khi mẹ ghẻ con chồng được cơm lành canh ngọt ?
Còn gặp khi đám anh em con chú con bác tò mò lục vấn chuyện riêng ông đáp thẳng thừng :
- Chuyện đực cái là lẽ thường tình, tôi muốn lúc nào mà chẳng được. Đàn bà lén lút tìm tôi trước khi tôi tìm họ. Nhưng đó là việc chốc nhát giải khuây cho thân xác. Còn tái giá lại là vấn đề hoàn toàn khác. Tôi không thể làm khổ con Vui. Vì đẻ nó mà vợ tôi phải chết. Tôi cũng không nỡ lòng để bà ấy ngậm ngùi nơi chín suối.
Đỉnh cao chói lọi
Lời tác giả
SONG TẤU (1)
SONG TẤU (2)
SONG TẤU (3)
SONG TẤU (4)
SONG TẤU (5)
SONG TẤU (6)
SONG TẤU (7)
SONG TẤU (8)
SONG TẤU (9)
SONG TẤU (10)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (2)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (3)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (4)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (5)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (6)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (7)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (8)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (9)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (10)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (11)
TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (12)
KÝ ỨC VỐN BUỒN NHỚ VÀ SẦU THƯƠNG CHO CHÍNH NÓ
KÝ ỨC (2)
KÝ ỨC (3)
KÝ ỨC (4)
KÝ ỨC (5)
KÝ ỨC (6)
NGƯỜI ANH EM ĐỒNG HAO KHÔNG BIẾT MẶT
NGƯỜI ANH EM (2)
NGƯỜI ANH EM (3)
NGƯỜI ANH EM (4)
NGƯỜI ANH EM (5)
NGƯỜI ANH EM (6)
NGƯỜI ANH EM (7)
ƯỚC NGUYỆN CUỐI CÙNG
ƯỚC NGUYỆN (2)
ƯỚC NGUYỆN (3)
ƯỚC NGUYỆN (4)
ƯỚC NGUYỆN (5)
VĨ THANH