NGƯỜI ANH EM (6)
Tác giả: Dương thu Hương
Thứ bẩy tuần sau đó, An sẽ không còn thời gian để khóc.
Khi anh đạp xe tới nơi, ba người lính mặc thường phục nhìn anh với những con mắt âm u như mắt loài quỷ dơi chuyên sống trong các hang sâu, trước hết, cái nhìn của Nông Tài, gã người Tày duy nhất trong nhóm cận vệ. Dường như trong cái nhìn của gã, ẩn chứa một tiếng thét hãi hùng câm lặng, một hồi còi báo động, một nỗi sợ hãi bị bóp nghẹn. An đưa mắt nhìn lại Nông Tài, gật đầu chào rồi tiến vào hành lang. Những cái nhìn tối tăm của đám cận vệ đuổi theo anh, như rót xuống lưng anh một thứ chì nung lỏng. Nhưng con tim anh không còn đập dập dồn như lần trước. Một tuần lễ đủ cho anh suy ngẫm và dự phóng mọi tai ương có thể xảy đến với gia đình mình. Kho tàng lịch sử tàng trữ trong trí nhớ giúp anh chuẩn bị. Khi bước vào nhà, An khép chặt hai cánh cửa sau lưng và không ngạc nhiên khi thấy hai người đàn bà ôm nhau khóc. Họ chỉ có thể khóc thôi, họ còn biết làm gì hơn vào lúc này?... Nhưng tiếng khóc của họ không còn dừng ở mức độ phiền não mà là tiếng khóc của sự kinh sợ và căm uất. Không còn là sự buồn thương cho số phận mà tiếng than ai oán của kẻ bị dày xéo, bị hà hiếp, sống trong cơn kinh hãi trước cái chết đang từ từ tiến đến như một cỗ xe tăng sẽ nghiền nát họ nay mai. An bước tới, không chờ những người đàn bà lên tiếng đã nhìn thấy ngay gương mặt sưng tím vết đòn của Nàng Nhỏ. Anh ngồi xuống, cầm lấy hai cánh tay nàng, vén áo lên để xem những vết cào xước, những vết máu tụ xanh và dấu vết các lằn trói chưa đủ thời gian tẩy xoá.
- Kẻ nào đã dùng nhục hình với em ?
- Quốc Tuỳ.
- Bộ trưởng bộ nội vụ. Cái thằng cha đã đón đường em hồi còn ở trên chiến khu Việt Bắc ?
Nàng Nhỏ gật đầu.
An quay sang hỏi vợ :
- Lúc ấy em ở đâu ?
- Em ở dưới sân với lũ nhỏ và bà già hàng xóm...Vừa bước chân vào nhà là ông ta đã đuổi em xuống sân. Em không thể chống lại vì ông ta rút súng ra doạ nếu kêu to ông ta sẽ bắn vỡ sọ.
- Em có kêu , tiếng kêu ấy cũng chỉ có bà già hàng xóm và ba cậu lính gác nghe thấy mà thôi. Không phải vô cớ mà chúng nó bố trí cho các em ở ngôi nhà này. Thằng khốn nạn ấy đến đây hôm nào ?
- Nó đến đây liên tục từ thứ hai cho đến hôm nay, thứ bảy. Lần nào cũng vào khoảng ba giờ chiều. Lần nào cũng bắt lính gác lui ra ngoài phố, chặn đứng ngoài hành lang không cho ai bước chân vào. Lần nào nó cũng đánh và trói em của chúng ta.
Tới đó, vợ anh bật gào lên :
- Tủi nhục quá anh ơi.
An nhếch mép mỉm cười. Nụ cười đối diện với số phận. Anh không có quyền khóc nữa. Chắc là vì dự cảm mà tuần lễ trước con tim anh đã tan ra trong những dòng nước mắt. Anh phải khóc một lần cho cả kiếp sống của anh. Cầm hai cánh tay nõn nà của Nàng Nhỏ, anh hỏi :
- Nó đã nói những gì với em, thằng chó đểu người Kinh này ?
- Nó bảo rằng nó đã để mắt đến em từ hồi trên chiến khu, khi gặp em lội qua suối. Rằng nếu em khôn ngoan thì phải bằng lòng làm vợ nó từ ngày ấy. Rằng nó đã thề rằng trước sau nó cũng phải chiếm được em.
- Rồi sao ?
- Rồi em nói rằng tôi là vợ chủ tịch. Chúng tôi đã có đủ mặt con trai con gái, ông không được hà hiếp tôi. Nó nhe răng cười nói rằng lão già của mày ở xa lắm, mày kêu lão ấy cũng không nghe thấy, mày gọi lão ấy cũng không thể trả lời. Ở đây tao là vua. Tao muốn ai người ấy phải chịu . Tao muốn giết ai kẻ đó phải chết. Giờ đây tao muốn mày nằm dưới bụng tao. Bởi đó là nghị quyết của bộ chính trị. Bộ chính trị đã quyết định mày phải là vợ tao. Hãy khôn ngoan lên một chút, tao trẻ hơn lão già của mày nhiều. Nếu cái dùi cui của nó bằng gỗ thì của tao bằng thép. Nếu nó đưa mày lên tầng trời thứ ba tao sẽ đưa mày lên tầng trời thứ chín. Nếu nó cho mày hai đứa con, tao sẽ cho mày mười hai đứa liền tù tì. Khôn ngoan thì câm họng lại và dạng chân ra.
Người đàn bà kể đến đâu, nước mắt nàng tuôn rơi đến đấy.
An nghe những viên sắt nung đỏ lăn trong tim mình. Một đoạn sử quay trở lại văng vẳng bên tai anh :
« ...Nhà Chúa hèn nên Đặng Phi thông dâm với Ngự đầu quân, nương dựa vào viên võ quan này để che chở cho đứa em trai ngạo ngược và dâm đãng là Đặng mậu Lân. »
Anh nghĩ :
« Em ta không tự ý ngủ với Ngự đầu quân mà bị nó hãm hiếp sỉ nhục và tra tấn.Vậy ông vua già này còn mười lần hèn hơn Chúa Trịnh ngày xưa. Cơ đồ không còn cứu vãn được. Nếu ta không cao chạy xa bay toàn bộ gia đình ta sẽ biến thành những con ma không đầu lang thang muôn kiếp trong bóng tối. Nỗi oan khiên đau đớn của em ta sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi trong câm lặng. Và lãng quên. Một kiếp hồng nhan dạt qua cõi đời như xác vờ bập bềnh trên sóng nước. Em ta chẳng có tội tình gì. Từ nhỏ tới lớn nó chưa nỡ nói một lời phạm tổn đến ai. Tâm hồn nó trẻ thơ và trong trắng. Lòng tốt của nó đong đầy gấp ba lần đấu của những người xung quanh. Ta phải tồn tại để cứu gỡ danh dự bị tổn thương của nó. Ta phải sống để làm nhân chứng cho tội ác ghê tởm này. »
Ông thầy huyện Thất Khê đã dậy anh rằng nghề viết sử là nghề của những bậc anh hùng, dám đem mạng mình đổi lấy sự thật. Bởi mọi thứ vua chúa đều kinh sợ sự thật và muốn những người viết sử phải uốn ngọn bút lông theo ý mình. Biết bao nhiêu cái đầu sử gia đã rụng xuống dưới lưỡi kiếm của đao phủ triều đình, nhưng lịch sử vẫn tiếp tục viết lên bằng những dòng máu khô đen của họ.
« Vậy ta buộc phải trở thành người viết sử. Không phải người viết sử quốc gia nhưng là kẻ chép lại cuộc đời những người thân thiết của riêng ta. »
Anh ôm chặt cả hai người đàn bà một lúc, nhìn họ một lần cuối như để vĩnh viễn ghi khắc những hình ảnh đó trong con tim lẫn óc não mình. Rồi, anh hỏi vợ :
- Em còn mấy chiếc nhẫn ?
- Em còn đủ năm chiếc.
- Em hãy giữ lấy chiếc nhỏ nhất mà anh đánh cho em hồi mình cưới nhau. Còn lại, đưa cả cho anh. Tiền mặt, chắc không có nhiều, nhưng cũng phải cho anh một món để tiêu dọc đường.
- Không, nhà mình còn khá nhiều tiền mặt tích trữ từ năm ngoái. Để em đưa cả cho anh.
- Bao nhiêu ?
- Khoảng chừng năm mươi vạn.
- Anh chỉ cần một nửa thôi. Em giữ một nửa để đi chợ.
Vợ anh vào buồng. Anh nhìn theo tấm lưng thon thả của nàng và nghĩ :
« Em sẽ chẳng còn dịp đi chợ, chẳng còn dịp nấu phở chua theo kiểu Lạng Sơn, người vợ yêu dấu của anh. Cuộc sống của chúng ta bị cắt ngang như thân cây lúa ngày mùa. Chao ôi, cái ngày Nàng Nhỏ được tiến vua chính là ngày tai hoạ cho gia đình chúng ta lẫn dân bản Xíu. Và cái việc đổi họ Nông sang họ Chí chính là việc ngu xuẩn nhất trên trần gian.»
Nàng Đông quay ra với xấp tiền giấy trên tay. Tay kia, nàng cầm một chiếc túi nhỏ như cái mề gà. Đặt xấp tiền lên bàn, nàng mở túi rút ra một sợi dây dài xâu bốn chiếc nhẫn, loại nhẫn gộc không mặt đá cũng không trang trí mà những người buôn bán đường xa thường mang theo :
- Anh phải cất vàng vào túi quần đùi ; cái túi em máy thêm phía trong cạp.
- Anh hiểu rồi.
- Tiền giấy anh chia ra thành nhiều món xếp trong cả túi quần lẫn túi áo, lỡ mất món nọ còn có món kia.
- Anh hiểu.
- Còn lọ dầu xoa chống cảm lẫn thuốc chống đau bụng viên, anh cũng phải cầm theo. Ngoài ra còn đèn pin, bật lửa, dao đi rừng, túi thuốc lá, cao chống rắn độc. Đủ hết chưa ?
- Có đủ trong túi dết.
- Để em xem lại cái túi dết của anh.
- Không thiếu gì hết.
An đáp và thầm nghĩ :
« Có cái thiếu trầm trọng nhất là thiếu em, và Nàng Nhỏ của chúng ta. Bởi anh không thể đưa các em cùng đi trong cuộc hành trình khốn khổ này. Nhưng chúng ta sẽ gặp nhau ở cõi khác, vùng đất khác, nơi hẹn hò chung cuộc của tất thảy chúng sinh. Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau. Những người yêu dấu của anh. Nhưng trước khi gặp các em, anh phải làm chuyện này cho ra lẽ. »
Lần cuối cùng, anh cúi xuống, ghì xiết hai người đàn bà, ngửi mùi thơm thân thiết từ những mái tóc óng mượt của họ, chà sát mặt anh vào những gương mặt nõn nà ấy, rồi anh đứng lên :
- Các em đừng bước ra cửa. Đừng đi theo anh. Hôn hai đứa bé cho anh.
- Anh !...
Cả hai người bật kêu lên. An hạ giọng :
- Đừng khóc. Hãy coi mọi sự như chưa từng xảy ra, chưa hề xảy ra. Chúng ta không có cách nào hơn...
*
Anh bước xuống cầu thang, không ngoảnh lại một lần nào nữa.
Trong hành lang, An gọi Nông Tài :
- Cậu có sẵn tiền trong túi không ? Cho tôi mượn một vạn ? Tôi đang định mua mấy món đồ gửi người mang về quê, nhưng chưa chuẩn bị đủ tiền.
Nông Tài đưa mắt nhìn anh :
- Bao giờ trả ?...
- Tuần sau. À, quên...Hai tuần nữa mới tới kì lương. Đến kì lương tôi sẽ trả ngay, không chậm một ngày.
- Trong túi tôi chỉ còn đủ tiền mua vài chiếc bánh rán. Tôi cất tiền ở doanh trại.
- Sắp đến giờ đổi gác rồi còn gì ? Nói với các đồng chí thông cảm cho về sớm một giờ được không ?
- Được thôi. Chờ tôi hỏi đã.
Hành lang không quá dài để cuộc trao đổi của họ có thể lọt vào tai hai người cận vệ kia. An hiểu rằng màn kịch chắc chắn sẽ thành công bởi thông thường, người miền núi vốn không biết nói dối. Chừng ba phút sau đã thấy Nông Tài quay lại :
- Đi thôi, hai đồng chí đều đồng ý cho tôi về trước. Chúng ta đến chỗ tôi gửi xe đạp rồi cùng đạp về doanh trại.
- Đồng ý.
Họ cùng đi ra..
Khi Nông Tài lấy được xe đạp, hai người lặng lẽ đạp xe qua ba con phố. Hoàn toàn tin tưởng rằng không ai rõi theo họ, An dừng lại :
- Tạt vào hè đã.
Nông Tài hiểu ý anh tức khắc, xuống xe. Hai người lên vỉa hè, đứng dưới bóng một cây xà cừ. An hỏi :
- Hai cậu kia có biết rằng sớm hay muộn họ cũng sẽ phải chết không ?
- Không ai dám nói với ai nhưng cả ba chúng tôi đều ngầm hiểu như vậy. Chúng tôi gác ca chiều. Sự việc xảy ra toàn vào buổi chiều nên chỉ ba chúng tôi chứng kiến. Tốp kia đổi ca từ mười hai giờ đêm đến trưa hôm sau, họ không hay biết gì.
- Vậy sao các cậu không bàn nhau trốn đi ? Trốn đi đâu bây giờ ? Sáng nào cũng điểm quân trước giờ tập thể dục, chiều nào cũng điểm quân trước lúc lên giường ngủ...Vả chăng, nếu muốn trốn họ cũng không bàn với tôi vì tôi là người Tày. Còn tôi, tôi cũng không thể bàn với họ, vì họ là dân Kinh. Bộ trưởng Quốc Tuỳ là người Kinh như họ. Còn Nàng Xuân là người Tày như tôi.
- Liệu họ có ngờ rằng tôi rủ cậu đi trốn không ?
- Không.
- Vì sao ?
- Vì họ cho rằng chúng ta là dân miền núi, những kẻ cả tin và ngu ngốc không dám hành động liều lĩnh như vậy.
- Tốt. Vì chúng ta là những kẻ ngu ngốc nên có thể chúng ta sẽ thoát chết...Còn họ vì là dân đồng bằng khôn ngoan nên họ sẽ cầm chắc cái chết trong tay. Giờ, không còn thời gian nữa. Chúng ta phải ra ga thôi. Hy vọng rằng chúng ta sẽ không lỡ tàu với tấm chứng minh thư công an nhân dân của cậu...
- Nhưng ...còn quần áo với tiền và đồ đạc của tôi ở doanh trại ?
- Cậu có điên không ? Cởi truồng mà sống còn hơn chết đắp ba bộ quân phục trong hòm. Đi thôi.
Họ đạp thẳng ra sân ga Hàng Cỏ. Ở đấy, hai người gửi xe vào bãi rồi mua vé tầu xuôi Vinh. Đúng như An dự đoán, tấm thẻ công an của Nông Tài được việc. Họ được ưu tiên mua vé tức khắc với lý do « làm nhiệm vụ đặc biệt ». Vừa kịp bước lên toa tầu nhận chỗ, tàu đã hú còi rời ga. An đặt chiếc túi dết ra sau lưng rồi ngồi xuống, đưa mắt nhìn phố phường lướt bên ngoài ô cửa :
« Vĩnh biệt mày, thành phố thù nghịch của tao. Cái thành phố tao từng mơ tưởng bao tháng ngày khi còn ở chiến khu Việt bắc, cái thành phố tao ngỡ là thiên đường nhưng giờ đây lại hoá thành địa ngục. Chính nơi đây sẽ là hầm mộ tăm tối chôn vùi vĩnh viễn những người thân thiết của tao. Vĩnh biệt con quái vật khổng lồ, ghê tởm.»
An nghĩ, khi anh đưa mắt nhìn Hà nội. Lần cuối cùng, chắc chắn sẽ là lần cuối cùng anh còn thấy nó.
- Anh Thành.
Nông Tài chưa kịp ngồi yên chỗ đã chồm qua mặt bàn, ghé tai anh thì thầm hỏi:
- Anh Thành, tôi nghĩ rằng.
- Cậu nghĩ gì ?
- Tôi không hiểu vì sao chúng ta lại đi về phương nam ? Tiến sâu vào đồng bằng miền Trung, ta sẽ giống con chồn sa xuống ruộng nước; như con cá lăng bị hất lên đồi. Tại sao chúng ta không quay về Thất khê ? Ở đó, chúng ta thuộc đường chính cũng như đường tắt, chúng ta biết suối biết rừng. Trốn ở đâu ta cũng có thể đào cây đào củ hay bẫy thú cầm hơi.
- Đồ ngốc, Thất khê sẽ là nơi đầu tiên họ truy tìm. Chúng ta không thể chui lủi trong rừng mãn kiếp. Vả chăng, có thoát được lưới quây vượt sang biên giới cũng sa vào tay lính Tàu. Bọn này sẽ tức khắc dẫn độ chúng ta trả cho cho nhà nước Việt nam.
- Nhưng ở miền Trung, nơi xa lạ ?
- Chỉ có ở nơi xa lạ mới hòng thoát thân. Từ Vinh lên biên giới Việt-Lào ngắn hơn nhiều lần từ huyện nhà lên biên giới phía bắc.
- Sao anh biết được ?
- Tôi phải biết để có thể thoát thân...Bằng mọi giá tôi phải học để hiểu những điều cần thiết trước khi cất bước.
- Nhưng bên kia biên giới là đất của người Lào. Anh đã biết họ hay chưa ?
- Người Lào và người Tầu giống như con nai với con báo, chẳng thể so sánh với nhau.
Cuộc đối thoại thầm thì của họ chìm trong tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray. Rồi An bảo :
- Ngủ đi.
- Tôi chưa đến giấc. Vả lại bụng đói khó ngủ.
- Đúng. Không ai ngủ được khi đói bụng. Giờ cậu xuống căng-tin mua bánh mì. Ăn xong chúng ta sẽ uống thật no nước. No bụng, dễ ngủ. Bằng mọi giá phải ngủ để lấy sức cho ngày mai.
Nông Tài đứng dậy đi xuống căng-tin ở toa cuối cùng đoàn tầu mua về hai ổ bánh mì to tướng rắc muối tiêu và hai bi-đông nước. Hai người lặng lẽ ăn, lặng lẽ uống nước rồi khoanh tay trước bụng, ngủ ngồi. Con tầu dồi lắc cái đầu của họ như đùa rỡn một quả bóng. Nhưng dẫu sao, sau một hồi chập chờn họ cũng ngủ được một giấc thật sâu cho đến khi tiếng loa phóng thanh oang oang báo tin:
- Tàu đã đến sân ga Vinh.. Xin đồng bào kiểm tra lại hành lý.
An mở choàng mắt. Tàu chạy chầm chậm trước khi dừng lại hẳn. Ánh đèn lờ mờ đỏ quạch rọi trên đầu một đám đông nhốn nháo, đang chen nhau tìm kiếm hành lý trên các giá chứa đồ. Hai người ngồi im bởi họ chỉ có vẻn vẹn chiếc túi dết một quai trong đó chứa tất cả những vật dụng cần thiết cho một cuộc chạy trốn. Họ xuống sân ga khi trời mù sương. Mới bốn giờ sáng. Những cỗ xe ngựa sắp hàng dài ngoài cửa sân ga còn các chủ xe ngồi uống trà hoặc rượu xuông trong dãy quán bán đồ ăn dọc phố. Ở đây, chính khách phải đi tìm chủ xe để thương lượng giá cả. Người đi lại đông, xe ngựa không đủ chuyên chở. Còn chờ xe ca của nhà nước thì phải xếp hàng ít nhất mười tiếng mới có thể mua được một tấm vé. An bảo :
- Chúng ta phải nhanh chân lên.
Anh dẫn Nông Tài dạo một lượt đoạn nhìn vào một ông chủ xe dáng điệu ngang tàng với hàng râu ghi-đông vểnh :
- Chào bác. Chúng tôi có nhiệm vụ đặc biệt trên biên giới. Liệu bác có thể giúp hai anh em tôi được chăng ?
- Các anh là ai chứ ?
- Chúng tôi là công an nhân dân và sĩ quan quân đội. Đây là chứng minh thư của hai anh em tôi.
- Công an nhân dân cũng như sĩ quan quân đội được ưu tiên đi xe nhà nước. Ba ngày một lượt có chuyến xe lên cửa khẩu. Các đồng chí thuê quán trọ rồi báo công an địa phương sắp xếp. Sáng ngày kia khắc có chuyến.
- Nhiệm vụ của chúng tôi khẩn cấp. Chúng tôi không thể chờ được.
- Nhưng các đồng chí cũng không thể thuê xe ngựa của chúng tôi . Ngựa chạy đường núi giá đắt lắm. Ở đây thông thường chúng tôi chỉ chở khách về các thị trấn quanh Vinh mà thôi.
- Đắt mấy chúng tôi cũng chịu. Rồi cơ quan sẽ thanh toán lại.
Chủ xe đưa mắt nhìn họ ngờ vực :
- Một chuyến xe này thông thường chở tám khách.
An cướp lời :
- Chúng tôi trả đủ tám xuất vé và thêm cả tiền hành lý của tám người. Hy vọng bác ưng thuận.
- Được rồi.... Để tôi xem.
Ông râu vểnh ậm ừ.
An nói tiếp :
- Và chúng tôi trả thêm tiền bồi dưỡng ngựa chạy đường xấu. Nếu cần đổi ngựa dọc đường chúng tôi cũng sẵn sàng bao. Miễn sao tranh thủ được thời gian để hoàn thành trách nhiệm vụ đã được giao phó.
- Được.
Tới đó, người chủ xe đứng lên, với vẻ nhanh nhẹn bất ngờ. Ông ta rút trong túi ra vài đồng xu lẻ trả cô bán nước chè rồi dẫn hai người ra xe. An rút tiền trong túi ra đếm rồi tức khắc đưa hai phần ba tổng số tiền sẽ phải thanh toán cho chủ xe, đoạn nói thêm :
- Còn lại, tôi sẽ trả bác ngay khi nhìn thấy đồn biên phòng hiện lên trước tầm mắt.
- Đồng chí là người rất hào phóng.Vì thế trời đã đưa đường dẫn lối cho đồng chí đến gặp tôi. Nói một cách sòng phẳng, con ngựa của tôi là số một trong đám ngựa chạy xe ở thành phố này. Ngoài nó, chẳng có con nào dám ngược đường lên biên giới... Bởi tôi là người duy nhất cho ngựa ăn ngô trộn mật. Những người khác chỉ cho ngựa ăn cỏ quanh năm.
Ông ta dẫn giải với vẻ đầy kiêu hãnh. Rồi khi đã cẩn thận cho tiền vào túi áo, cẩn thận cài khuy nắp túi, ông ta thượng lên ghế xà-ích, ra roi. Cỗ xe quay chiều ngược đường lên phía tây.
Sau một lát lắng nghe tiếng vó ngựa lộp cộp nện trên đường phố, An thò cổ ra quan sát :
- Vinh không lớn hơn thị trấn Thất Khê là bao. Nhưng kiểu nhà ở đây hơi khác. Vì sao đâu đâu cũng nhìn thấy những thùng tô-nô sơn đỏ thế kia ?
- Các đồng chí mới lần đầu đặt chân đến đây, đúng không ?
Người xà-ích quay lại hỏi.
Vâng. Quả tình như vậy.
An đáp. Người xà-ích giơ roi chỉ về những giải núi chập trùng nơi chân trời phía trước và nói :
- Phía tây là nơi gió Lào thổi tới. Xứ chúng tôi hứng gió Lào, thứ gió thổi đến đâu cây cối quắt queo tới đấy. Chẳng những cây cối ngoài vườn mà ngay đến đồ đạc như giường tủ bàn ghế hay các thứ vật dụng khác trong nhà cũng đều khô cong khô nỏ và biến thành thứ củi bắt lửa nhanh nhậy. Vì lẽ đó chống hoả hoạn là công việc của toàn dân. Những chiếc thùng tô-nô sơn đỏ kia do chính quyền phân phát cho các nhà để dự trữ nước. Ai lười biếng để thùng vơi nước sẽ bị láng giềng tố cáo và phải chịu cảnh cáo hoặc kỉ luật.
- Đội cứu hoả của thành phố ăn lương nhà nước để làm việc đó. Cớ sao buộc mọi nhà dân ?
- Đội cứu hoả ở đây biên chế nhiều gấp ba lần các thành phố khác. Nhưng cho dù có đông gấp hai mươi lần họ cũng chẳng thể chống nổi hoả hoạn trong cơn gió Lào. Gió Lào, còn gọi là gió lửa, chính nó gây nên các vụ cháy chứ chẳng cần thêm vào sự sơ xuất của con người.
- Vậy sao ! Thật đáng sợ.
An đáp, trong khi những ý nghĩ khác chạy thoăn thoắt trong óc não anh :
― Gió Lào! Hung hiểm thay. Vậy mà chúng ta đang tiến về hang ổ cái lò lửa đó. Chẳng có thứ thiên tai nào hung hiểm hơn thứ tai hoạ gây nên bởi con người. Chẳng có thiên nhiên nào tàn độc hơn thứ tàn độc của con người đối xử với nhau.
Đoạn, anh quay sang bảo Nông Tài :
- Nghe bác xà-ích nói gì chưa ? Từ hôm nay sẽ phải hành quân trong thứ gió Lào bỏng rát đó. Bây giờ ngủ đi mà lấy sức.
- Đường lắc như xóc đĩa, ngủ làm sao ?
- Vậy thì nhắm mắt lại.
Người lái xe quay lại góp lời :
- Đúng đấy, nhắm mắt được phút nào hay phút ấy. Chỉ lát nữa, mặt trời lên, mắt sẽ chói như bị kim đâm. Khách từ phía Bắc vào đây đều kêu trời thứ nắng bỏng của Nghệ An.
- Quê hương chủ tịch họ Chí !
- Đích xác là như vậy.
Ông chủ xe râu vểnh đáp và cất tiếng ngâm : « Đất nghèo sinh bậc anh hùng... »
- Bác ngâm thơ hay thật.
An gật gù tán thưởng khi thâm tâm anh cất tiếng cười khinh bỉ :
« Ồ, ông ta đúng là một bậc anh hùng. Nhưng ông ta cũng lại chính là kẻ hèn nhát nhất trên cõi đất này, một người chồng không bảo vệ nổi vợ, một người cha không che chở nổi những đứa con. »
Bên ngoài, nhà cửa đã thưa vắng. Ngoảnh lại nhìn, thành phố Vinh chỉ còn là một khối hỗn độn với dăm ba ống khói đang nhả lên trời thứ khói đen nhờ bẩn thỉu.
An hỏi người xà-ích :
- Liệu chúng ta có đến được biên giới trước lúc tối trời ?...
- Tuỳ. Tuỳ theo chân ngựa chạy. Tuỳ theo trời nắng hay mưa. Bởi mùa này khí hậu thất thường như trở bàn tay, có khi đang nắng đẹp trời xanh lồng lộng bỗng nhiên mưa giông gió giật ầm ầm kéo đến. Nha khí tượng chưa bao giờ dự đoán chính xác những cơn bão miền Trung. Nhưng nếu chúng ta gặp may, ngựa không giở chứng giữa đường, ta sẽ đến cửa đồn biên phòng khi mặt trời còn đứng cao hơn một con sào trên đỉnh núi.
- Tức là khoảng bốn giờ chiều ? Ý bác muốn nói vậy ?
- Tôi không hay xem giờ. Nghề đánh xe buộc chúng tôi suốt ngày đêm rong ruổi trên đường, sớm hay muộn cũng vậy. Nhưng tôi nhớ là thường thường, khi xe đến đây, mặt trời còn đứng cao hơn ngọn núi phía tây chừng một con sào.
- Sớm chút nào hay chút ấy. Qua biên giới, chúng tôi còn phải đi bộ một thôi đường khá xa.
- Ô....
Người chủ xe cất tiếng kêu, chẳng ra ngạc nhiên cũng không ra hứa hẹn. Rồi ông ta thủng thẳng buông tiếng :
- Để rồi xem.
An nhìn những giải đồi cằn cỗi phía trước, nơi bắt buộc họ phải vượt qua trước khi tới miền biên giới : Chúng mênh mông trống vắng, dường như có thể phóng tầm mắt đến hút tận chân trời. Không một cụm rừng, cũng chẳng một ngọn núi. Chỉ triền miên những giải đồi trơ trụi trên đó mọc thuần một loài gai thấp lè tè không quá sải tay và các loại dương xỉ. Nếu bị rượt đuổi ở nơi này, cái chết sẽ cầm chắc.
« Liệu hôm nay các đồn biên phòng Thất Khê đã nhận lệnh truy nã hay chưa ? » .
An thầm nghĩ và hình dung cảnh tượng sẽ diễn ra sau lưng họ. Trước hết đơn vị anh và đơn vị của Nông Tài sẽ báo cáo sự mất tích của hai gã « dân tộc thiểu số ». Phaỉ hai mươi bốn giờ sau mới có thể ra lệnh truy nã theo thông lệ nhưng trường hợp này gã bộ trưởng Quốc Tuỳ ắt phải quyết định sớm hơn. Trên các chuyến tàu ngược Lạng Sơn và Lao cai lính sẽ giăng hàng khám xét để bắt hai kẻ « đào ngũ » Liệu chúng sẽ gán cho họ những tội danh nào để hợp lý hoá việc ban bố lệnh « truy nã tội phạm » ? Nếu không cướp của giết người ắt chỉ còn là tội làm gián điệp cho ngoại bang. Và đó là tội danh tiện lợi nhất để kích động lòng căm thù cũng như sự khinh bỉ của dân chúng :
« Ta tin chắc rằng giờ đây chúng ta đã trở thành những tên gián điệp nguy hiểm, âm mưu lật đổ nhà nước vì nhận tiền viện trợ của ngoại bang. Sẽ không có một cách giải thích nào khác. »
An thầm nghĩ với nỗi buồn chua chát vì nhớ lại bao nhiêu lần từng đứng dưới cờ tuyên thệ trung thành chiến đấu cho tổ quốc, thề tiêu diệt đến kẻ thù cuối cùng dám xâm phạm vào nền chuyên chính vô sản của nhân dân. Giờ đây, anh đã trở thành thứ kẻ thù ấy, chính anh và gã Nông Tài ngồi một bên đang lơ láo đưa mắt nhìn cảnh vật. Cuộc sống quả là trò lường gạt khủng khiếp mà biết bao nhiêu triệu con người chỉ là đám đông khờ khạo bị xỏ mũi dắt đi như một đàn trâu.
« Nhưng còn hai người đàn bà, chúng sẽ làm gì họ ? »
« Chúng sẽ không làm gì hết bởi họ đã là hai tù nhân trong căn gác ấy, và họ không có cách nào chống lại chúng. Nhưng hai gã cận vệ kia ắt sẽ bị gọi lên răn đe phải khâu mồm câm họng.
Hai kẻ khốn khổ đó có đủ liều mạng để trốn đi hay chăng ?...
Không ! Dù có bạo gan họ cũng không còn cơ may để làm điều đó. Sau cuộc bỏ trốn của Nông Tài, họ sẽ thường xuyên sống dưới sự kiểm soát của đồng đội. Họ sẽ phải ngậm đắng nuốt cay giả câm giả điếc, giống như thứ xác chết biết đi hay hình nhân bằng gỗ đứng trong cái hành lang dài dặc và thiếu ánh mặt trời kia.
Gã bộ trưởng dâm đãng sẽ không thay đổi lính gác trong thời gian tới. Một tuần, hai tuần hoặc ba tuần ? Tất cả tuỳ thuộc vào cơn dâm dục của y. Khi đã no nê thú tính, hai người đàn bà cùng hai người cận vệ kia sẽ cùng một lượt xuống mồ. Hai gã lính ấy, chắc chắn cũng như anh đã từng giơ nắm tay hàng ngàn lượt dưới quốc kì thề tiêu diệt kẻ thù của nhân dân và bảo vệ tổ quốc ! »
- Tại sao anh cười ? Anh cười gì vậy ?
Nông Tài bất chợt cất tiếng hỏi khiến An giật bắn mình. Anh vội đáp :
- Nhớ ra một chuyện tiếu lâm.
- Vậy thì kể đi cho đỡ buồn.
- Không kể được. Bậy bạ lắm.
Nông Tài lặng im với vẻ bất mãn.
An chợt nhận ra rằng anh đã có thói cười gằn khi những nỗi đau băm chém con tim. Cái thói quen lạ lùng này vừa mới hình thành đã trở nên thuần thục như vốn nó gắn liền với anh từ muôn thuở.
― Gã trai của bản Xíu năm xưa đã chết hẳn rồi, ta chẳng còn nhìn thấy nó.
Anh thầm nghĩ. Nhưng lát sau, một câu hỏi não lòng lại vang lên bên tai :
― Nhưng còn hai đứa trẻ ? Liệu lũ chó đểu kia sẽ làm gì chúng ?
Anh hình dung đôi mắt đen như hạt nhãn của con bé Mùi, hơi thở thơm tho của nó khi nó thỏ thẻ bên tai anh, cái cảm giác mềm mại khi những sợi tóc của nó cọ vào bên má, một thứ tình ngọt ngào êm ấm dâng lên mỗi khi con bé đặt hai bàn tay bé xíu của nó vào bàn tay rộng lớn của anh. Đôi bàn tay người thợ săn. Nghĩ tới đó, An lại thấy một lưỡi dao quắm bén nhọn đang thọc ngoáy tim mình. Máu chảy ròng ròng từ những vết thương ấy :
― Không!Ta không thể nghĩ đến những điều ấy nữa. Coi như phía sau
lưng ta chỉ là một nấm mồ lặng câm và tăm tối. Không còn ai, không còn bản Xíu, không còn cả chú thím ta và ông bố vợ. Tất cả đều bị xoá đi trên mặt đất này. Ta sẽ là kẻ cuối cùng. Kẻ cuối cùng buộc phải sống để tố cáo lũ đao phủ người Kinh. Ta phải làm được điều đó bằng mọi giá.
Đột nhiên, An cảm thấy mệt mỏi. Anh bảo Nông Tài :
- Nằm xuống đi. Tôi đau lưng lắm. Mỗi băng ghế đủ cho bốn người ngồi nên ta có thể nằm duỗi chân cho thoải mái. Đừng quên rằng qua đồn biên phòng chẳng còn xe ngựa cũng chẳng có xe trâu. Chỉ có hai bàn chân thôi. Đường xa dốc ngược. Chẳng dễ đâu.
- Đồng ý.
Gã trai đáp ngoan ngoãn và chuyển sang bên chiếc ghế băng đối diện. Người xà-ích quay lại bảo :
- Các đồng chí cứ nghỉ ngơi. Đến nơi, tôi khắc gọi.
An nhắc lại :
- Khi nhìn thấy đồn biên phòng tôi sẽ trả nốt tiền cho bác. Nếu ngựa chạy tốt, đến sớm hơn lệ thường chúng tôi sẽ gửi thêm tiền để bác mua ngô mua mật bồi dưỡng cho nó.
- Được thôi.
Người chủ xe vui vẻ đáp đoạn cất tiếng hát một điệu hát cổ mà An chưa từng nghe. Giọng ông ta khá ấm, vang rất to giữa miền đồi hoang. Chắc hẳn thời trai trẻ ông ta phải là một ca sĩ nơi thôn xóm, cũng như những tài tử thổi tiêu thổi sáo thâu đêm trên bản Xíu quê anh. An nằm xuống ghế, lắng nghe câu hát một cách chăm chú. Câu hát xứ này trộn lẫn một cách ngô nghê ý thơ lẫn những câu nói dung tục, tầm thường :
― ...Này, cô nàng ở bên kia sông ,
Cô nàng áo thắm, cô nàng quấn khăn hồng,
Có chồng rồi hay còn chờ đợi người tới gọi,
Dẫu có chồng mà chồng đi vắng thì lội sang với anh,
Nơi đây vắng vẻ đìu hiu chẳng ai nhìn thấy,
Ngại ngần chi, cuộc sống ngắn chẳng tầy gang,
Hãy lội sang đây, cô nàng xinh đẹp,
Giải áo phất phơ của em bay khiến tim anh bồn chồn nóng cháy
Anh như bước đi trên lửa, như đang ngồi trên than....
Bước chạy của con ngựa đường trường gieo một thứ điệp khúc buồn tẻ, hoà cùng tiếng hát rền rĩ tiếc thương của người xà-ích nhiễm đầy đầu óc lẫn con tim An . Dần dà, giấc ngủ đến, cuốn anh vào những làn sóng đen ngòm của nó.