Chương Ba
Tác giả: Duyên Anh
Nhà văn, nhà báo, tôi cứ thắc mắc, không biết họ sống ra sao ? Họ viết lúc nào và sao mà họ viết được nhanh thế, nhiều thế, hay thế ? Chữ nghĩa ở đâu họ viết mỗi ngày ? Nguyễn Bính nói, trời bắt chàng làm thi sĩ. Có lẽ, trời đã bắt một số người viết văn, làm thơ, viết báo chăng ? Trời bắt làm, trời phải cho tài. Thế thì nhà văn, nhà thơ, nhà báo đều là những tài năng thiên phú. Trời đã không cho tôi một tí tị tỉ ti tài năng. Trời bất công. Trời mù lòa. Ông Nguyễn Minh Lang sáng tác hàng chục tiểu thuyết. Ông Thanh Nam sáng tác hàng chục tiểu thuyết. Kẻ tư bản văn chương, người vô sản phú lục. Giá trời thay thế ông Sao Mai bằng tôi, tôi đã có tác phẩm Nhìn xuống . Hoặc, giá trời xui tôi viết đua với ông Sao Mai, tôi đã có kiệt tác “Nhìn lên”. Hỡi ơi, trời bắt tôi làm bần cố nông văn nghệ ! “Bắt phong trần trải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao, Có đâu thiên vị người nào !” Nguyễn Du đã xác định lập trường của trời một cách dứt khoát. Trời không cho tôi làm nhà báo, nhà văn, nhà thơ, còn không cho tôi nhìn mặt Hồ Dzếnh. Vậy bổn phận của tôi là chiêm ngưỡng nhà văn, nhà thơ, nhà báo. Văn hào Erskine Caldwell nói: có hai hạng người, hạng viết và hạng đọc. Tôi thuộc hạng đọc. Tôi đọc Nguyễn Minh Lang, Thanh Nam, Hoàng Công Khanh, Sao Mai, Ngọc Giao, tôi ngưỡng mộ họ. Vì họ viết hay, họ thổi những ngọn gió bồi hồi xao xuyến vào tâm hồn tôi. Tôi ngưỡng mộ nhà văn viết hay, tôi không có tội gì cả. Tội của nhà văn viết hay do mấy anh viết dở tạo ra. Hiệu phở ế khách có ưa chi hiệu phở đông khách cạnh nhà mình ! Người ta bảo đó là hệ lụy của tài năng. Câu nói bất hủ của gã đồng bóng đất Tang Môn cách đây mấy nghìn năm vẫn còn là chân lý, mãi mãi chân lý: “Tài năng là cứu cánh, đồng thời, cũng là tai họa của con người”. Ngay ông Trời lại cái, Thượng Đế bị thiến* vẫn ghen tị với người tài, người đẹp. “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Má lọ lem, mặt rỗ nhằng nhịt, môi thâm sì, răng vổ, mắt toét, thối tai, hôi nách, người còn chẳng thèm ghen nữa là trời ! Khi con người ghen tài năng của con người thì khiếp đảm lắm. Đàn ông ghen tài đàn ông dữ dội hơn sư tử Hà Đông. Nghệ sĩ mà Trương Chi là biểu tượng, tài năng khuynh loát trời đất, xoay chuyển lòng người khiến quyền uy của thống trị rung rinh. Nó chẳng thể hại được Trương Chi. Nó công nhận tài năng của chàng nhưng bêu nhục chàng mũi tẹt, cam tẩu mã, chân thọt, bàn tay bảy ngón. “Ngày xưa có anh Trương Chi, người thị thậm xấu hát thì thậm hay”. Hãy hát thậm hay, hay viết thậm hay để người đời ngưỡng mộ, xá chi đám chủ hàng phở ế khách !
Tôi nói tôi ngưỡng mộ Thanh Nam, Ngọc Giao, Nguyễn Minh Lang, Hoàng Công Khanh bởi họ viết vào thời tôi vừa lớn. Họ gần gũi tôi. Họ chung hơi thở của tôi. Họ đang ở Hà Nội. Tôi khó lòng quen biết họ. Và tôi thắc mắc họ sống ra sao. Đọc trên tuần báo văn nghệ, mục “Đốt lò hương cũ”, tôi thấy cuộc đời văn chương của Vũ Trọng Phụng thảm quá. Tư chức lương còm cõi, viết sách bị nhà xuất bản bóc lột, Vũ Trọng Phụng ho lao. Cha đẻ Xuân tóc đỏ, Vạn tóc mai, bà phó Đoan phải nuôi bà, nuôi vợ con. Thỉnh thoảng, Lan Khai, tác giả Lầm than , Cái hột mận , Ai lên phố Cát … mời Vũ Trọng Phụng đi ăn cơm Tây. Vũ Trọng Phụng, người viết Số đỏ mà mình số đen, tâm sự não nề: “Đời tôi, nếu mỗi tuần được tới hiệu ăn cơm Tây một lần thì đâu đến nỗi !”. Nguyễn Vĩ thú nhận “nhà văn An nam khổ như con chó” rất chân thành. Tài năng như Vũ Trọng Phụng mà sống vất vưởng, chết bạo bệnh. Tài năng như Nguyễn Bính mà phải xin tiền “chị Trúc”. Tài năng như Trần Huyền Trân mà không tiền mua rượu. Tôi vẫn ham chui vào cảnh đoạn trường ấy. Vì tôi thèm, thèm nhỏ rãi được ghi câu “Kính tặng bố tôi, ông Vũ Mộng Hùng” trên trang đầu tác phẩm thứ nhất của tôi. Và tôi bắt chước Nguyễn Minh Lang, ghi câu tặng bồng bế trên trang đầu tác phẩm thứ hai: “Trìu tặng (?) người em gái của lòng tôi”. Thi sĩ Nguyễn Bính viết: “Một nghìn năm, một vạn năm, Con tằm vẫn kiếp con tằm vương tơ”. Một nghìn năm, một vạn năm sau, tái hóa kiếp người mấy lần, tôi vẫn là thằng học trò lười biếng, lêu lổng. Và, dẫu tái hóa kiếp người theo tôi, bố tôi có cong lưng đạp thuyền tán, vẹo mình thái dao cầu 24 giờ một ngày kiếm tiền nuôi tôi ăn học thành đốc tờ, tôi cứ chẳng bao giờ thành tu bíp cả. Thế nên tôi cần nhãn hiệu sĩ. Mà thi sĩ là tôi khao khát. Thi sĩ vừa tầm tay với của tôi. Cái bí quyết trở thành thi sĩ lỗi lạc, “sư phụ” Nguyễn Thịnh phán, giản dị mà nhiêu khê, “yêu, được yêu rồi bị đá đít”. Tôi chưa yêu, chưa được yêu, chưa bị đá đít nên chưa ra thơ. Và sức tưởng tượng yêu, được yêu rồi bị đá đít của tôi còn là đà mặt cỏ, chưa vút lên Bắc đẩu. Thi sĩ phải vận dụng trí tưởng tượng của mình bay cao, phải đẩy tâm hồn mình phiêu du vào cõi không tưởng. Tôi sẽ cố gắng bay và đẩy một phen.
Tôi đẩy tôi vào Dancing Régina. Tôi bay cùng âm thanh của Trompette Tôn thổi. Uống bia 33, hút Cotab, nhìn Tôn thổi cong người “hot” những nhịp nghỉ trong bản nhạc “Blues”, tôi đã phiêu bồng. Nguyễn Thịnh và Tôn thổi nhún nhảy chơi “Swing”, tôi phát điên, chân tay rạo rực. Tôi lại thèm chơi kèn và chơi lục huyền cầm. Tôi thèm nhiều quá. “Anh là kẻ thèm yêu nhưng chóng chán”. Chóng chán vì thèm mà khó thực hiện nổi sự thèm. Chí lớn tài hèn là vậy. Chí lớn bất tài thảm não hơn. Như tôi. “Sư phụ” Đặng Xuân Côn đã dạy tôi chơi banjo, mandoline và tí ti ký âm pháp, hồi tôi ở Thái. Tôi gạ gẫm “sư phụ” Nguyễn Thịnh dạy chơi lục huyền cầm.
- Tốt ! Thi ca gắn liền với âm nhạc. Thơ là nhạc, nhạc là thơ. Edgar Poe dạy thế. Thơ thiếu nhạc điệu là thơ con cóc. Nhạc thiếu lời thơ là nhạc máy nước. Lời của Văn Cao là thơ. Thơ quyện lấy nhạc.
“Sư phụ” nghêu ngao:
Một chiều xưa, trăng nước chưa thành thơ
Trầm trầm không gian mới rung thành tơ
Vương vất heo may hoa yến mong chờ
Ôi, tiếng cầm ca thu tới bao giờ …
Nó hứng chí:
- Đó là lời Văn Cao. Còn đây là lời Phạm Duy.
Nó lại nghêu ngao:
Chiều ơi …
Nóc nhà sàn tỏa khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư
Hỡi chiều …
“Sư phụ” lên giọng … thầy:
- Lời của ca khúc phải như thơ, phải ngậm hình ảnh và chữ nghĩa. Thơ phải chan chứa âm điệu.
Tôi học guitare và hát để nhạc thấm vào hồn thơ. Rồi tôi nhất quyết vận dụng trí tưởng tượng vào … thất tình. Thời kỳ này, tôi có mặt thường xuyên ở Dancing Régina. Tôi “được” ngồi chung bàn với Tôn thổi khi nó nghỉ những bài “slow” để Nguyễn Thịnh chơi Hạ uy cầm. “Sư phụ” của tôi chơi guitare complète. Tôi thường về nhà trọ trước. Ra khỏi dancing, đêm lạnh, tôi tưởng tượng mình là Trần Huyền Trân uống rượu về khuya. “Rượu rồi nâng cổ áo lên cao”. Tôi nâng cổ áo trùm lấp gáy. Giá tôi được ngồi uống rượu với Thanh Nam, chỉ cần Thanh Nam thôi, tôi sẽ sướng rên mé đìu hiu. Thanh Nam đề tặng tôi cuốn tiểu thuyết, Tết tôi mang về Thái, khoe khắp thị xã: “Tao là bạn của nhà văn Thanh Nam”. Những đêm mưa to gió lớn, tôi tưởng tượng người con gái tôi yêu thầm nhớ trộm mà tôi cứ ngoác miệng chối tôi không yêu nàng. Sáng sau, tôi tưởng tượng nàng mặc sơ mi Tô Bia. Và tôi tưởng tượng tôi là Nguyễn Bính: “Đêm qua nàng đã chết rồi, Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng …”. Tôi tưởng tượng dữ dội, tàn bạo, rụng rời, êm đềm và đắm đuối. Một buổi sáng đi ăn phở muộn, tôi gặp đám ma Tàu. Thấy chú Tàu nhóc bưng tấm chân dung một thiếu nữ Tàu, dĩ nhiên, tôi bèn tưởng tượng tôi là Nguyễn Bính dự “Đám ma người trinh nữ”. Tôi khôn lỏi tưởng tượng tôi trong đoạn này:
Nàng đã qua đời để tối này
Có chàng đi hứng gió heo may
Bên hồ để mặc mưa rơi ướt
Đếm mãi bâng quơ những dấu giày
Người ấy hình như có biết nàng
Có lần toan tính chuyện sang ngang
Nhưng hồn nàng tựa con thuyền bé
Đã cắm nghìn thu ở suối vàng
Tôi không ngu tưởng tượng tôi ở đoạn này:
Tôi với nàng tuy không biết nhau
Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu
Tôi tưởng tượng não nề mà vẫn chẳng thấy động lực nào thúc đẩy tôi làm thơ. Quả thật, tôi chưa có tâm sự nào ẩn ức cần thiết phải giãi tỏ bằng văn, bằng thơ. Nghệ thuật đòi hỏi những rung động thật. Tôi thì chỉ giả vờ. Chất liệu của đời sống tôi rỗng tuếch, có đẩy trí tưởng tượng lên chín tầng mây cũng vô tích sự. Tôi đọc lại bài Hoa gạo của Nguyễn Bính:
Anh đã từng đi khắp bốn phương
Tháng hai anh có thấy trên đường
Những hoa gạo đỏ tươi màu máu
Nhầu nát như người lính tử thương
Anh ạ, tôi buồn không thiết nói
Cánh tình lỡ rụng tự hôm qua
Một khi tình rụng như hoa rụng
Máu đỏ lìa tim dạ xót xa
Tôi thấy đã rỗng tuếch chất liệu của đời sống, tôi còn rỗng tuếch quan sát người, cảnh, vật … Nguyễn Bính đã quan sát hoa gạo rơi từ trên cao xuống đất vỡ tươi máu. Nhìn hoa gạo rụng mới tưởng tượng tình rụng. Tôi không nhìn cái gì cả mà cứ đòi viết báo, viết văn, làm thơ. Thật sự, tôi chưa hề xao xuyến, chưa hề rung động về một cảnh trí của đời sống. Tôi cũng chưa hề thấy một cái gì đó khác lạ trong cái bình thường. Chắc chắn, tôi phải đọc nhiều thêm, suy nghĩ thêm. Sách tôi sẽ đọc, nhất định, không còn là tiểu tuyết ái tình lảm nhảm nữa.
Tết 1954, tôi trở về Thái Bình thăm gia đình. Chủ nhiệm bích báo Mùa Xuân của tôi, Lê Huy Luyến, bỏ ngang việc học. Đậu trung học phổ thông xong, nó ở lại thị xã, xin dạy tiểu học. Nhân tôi nói học Việt văn với giáo sư Nguyễn Uyển Diễm, chồng nữ sĩ Mộng Sơn, giám đốc nhà xuất bản Vỡ Đất, Luyến vác cái thư của giáo sư Nguyễn Uyển Diễm trả lời nó ra khoe tôi. Giấy viết thư in tiêu đề nhà xuất bản Vỡ Đất. Tôi choáng mắt. Nội dung bức thư, nhà xuất bản Vỡ Đất đồng ý xuất bản tập truyện ngắn Thầy giáo tư lương của Lê Huy Luyến, khen nó viết khá và khích lệ nó tiếp tục. Tôi chú ý câu sau đây của giáo sư Nguyễn Uyển Diễm: “Khuyên em nên viết những đề tài về kỷ niệm ấu thơ, gia đình, anh em, bằng hữu và những gì thật gần với em”. Tôi tỉnh người. “Sư phụ” chính cống của tôi là Lê Huy Luyến ở ngay cái thị xã Thái Bình nhỏ bé này mà tôi không khám phá ra, mất công lặn lội Hà nội.
- Đầu năm 1955 mày có tác phẩm rồi.
- Ừ.
- Mày viết hồi nào ?
- Một tháng sau khi tao làm nghề gõ đầu trẻ.
- Thầy giáo tư lương ?
- Thầy giáo tư lương nhấp nhổm ngồi, thơ Trần Tế Xương đó.
- Mày còn bản thảo nào không ?
- Còn.
- Cho tao mượn đọc nhé ?
- Ừ.
Thầy giáo tư lương của Lê Huy Luyến gồm 5 truyện ngắn. Truyện thứ nhất, Thầy giáo tư lương tả cảnh anh học trò nghèo lớp đệ tứ (chính Lê Huy Luyến) đi làm “pờ rê xép tơ” cho đám con ông Phó tỉnh trưởng. Mỗi ngày hai giờ, cậu giáo tư gia kèm hai cậu ấm và một cô chiêu học ba lớp tiểu học khác nhau. Cô chiêu và các cậu ấm đều dốt. Nhưng lười học, chỉ thích nghe cậu giáo kể truyện cổ tích chứ ghét viết ám tả, làm toán số. “Tôi hết cổ tích kể. Bèn bịa truyện. Cô chiêu thích lắm, ngồi lắng tai nghe say sưa. Còn hai cậu ấm đánh cờ “ca rô” thay vì dở bản cửu chương làm tính nhân. Không chừng, nhờ cô chiêu lười học, tôi sẽ trở thành Andersen đấy”. Cậu giáo tư gia kiêm thêm việc đi mua kẹo, mua kem cho học trò. “Giá thêm một cậu ấm bốn tuổi học bú, có lẽ, tôi phải rửa đít luôn !”. Nghề giáo tư gia cực thật. “Vinh nhục nghề nghiệp” mà. Thỉnh thoảng, bà Phó tặng cân thịt bò tươi, dặn đem về xào cải làn chứ đừng ăn tái tương gừng. Nhiều hôm vừa lò dò tới cửa, con nhài đã chạy vội ra xua tay: “Hôm nay nghỉ, cô cậu bận đi ăn cỗ, đi xem xi nê, đi chào ông Tỉnh … Mình về, khoái lắm nhưng mà tủi thân. Quyền quý nó coi chữ nghĩa rẻ hơn bèo”. Luyến viết dí dỏm, chua chát. Văn nó viết như thể nó nói sao viết thế. Truyện thứ hai Vợ chồng nhà giáo , tả cảnh ông giáo dạy vạn vật lớp đệ tứ, bà giáo dạy vạn vật lớp đệ thất. Hai vợ chồng lục đục hoài vì chuyện tranh luận danh từ khoa học. Truyện thứ ba, Giáo rỉ tả tâm trạng Lê Huy Luyến. Truyện thứ tư, Carnot tân thời , tả cảnh một ông quan ba về trường thăm thầy, đeo súng lục và dọa bắt bỏ tù học trò nào rắc truyền đơn chống đối quốc trưởng Bảo Đại. Truyện thứ năm, Báo học trò , tả kỷ niệm làm bích báo của nó, có dính líu cuộc bút chiến giữa Đính phở và Long dao cầu.
Lê Huy Luyến viết hay lắm. Nếu không có hiệp định Genève, nó đã trở thành nhà văn cự phách. Than ôi, làm nhà văn cũng có số, Thầy giáo tư lương chẳng bao giờ xuất bản cả. Tôi đọc truyện ngắn của Lê Huy Luyến, ao ước viết bằng nó. Bằng nó thôi.
- Mày dạy tao viết truyện ngắn được không ?
- Không được.
- Tại sao ?
- Đã không có ai dạy tao cả, tao biết dạy mày cái gì ?
- Tại sao mày viết được ?
- Tao viết bừa.
- Khó không ?
- Khó trang đầu, rồi đoạn đầu, rồi những dòng đầu.
- Cứ đặt bút là viết à ?
- Phải hỏi xem truyện của mình muốn nói lên điều gì chứ. Đó là ý chính đấy, như luận vậy. Luận thì mày viết theo đề ra sẵn, truyện thì mày tự nghĩ lấy đề.
Thằng này có lý. Nó cho tôi mượn cuốn Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng. Tôi đọc phát khóc. Qua tuần lễ nghỉ Tết, tôi lại lên Hà Nội. Trót nói dối bố đi học thi tú tài, tôi đành “giã nhà ra đi”, chứ thực tâm, tôi muốn ở lại Thái Bình “mạn đàm” văn chương với Lê Huy Luyến. Cuối tháng 3 – 1954, Quách Đàm hát bài Duyên Anh của Nguyễn Thịnh trên đài phát thanh Hà nội. Nó đã thành công bước đầu. Nguyễn Thịnh bỏ số nhà 13 phố Ngô Thời Nhiệm, tôi cũng bỏ đi chỗ khác. Thời gian này, tôi đọc bản dịch David Copperfield của Charles Dickens. Tôi mê Dickens không thể tả được. Tôi rất thèm đọc loại sách này. Tôi mong hè chóng tới để về Thái. Đầu hè, tôi khăn gói quả mướp hồi hương ngay. Ở Thái, tôi đọc các bản dịch Vô gia đình (Sans Famille), Về với gia đình (En famille) của Hector Malot và Tâm hồn cao thượng (Les grands coeurs) của Amicis do Hà Mai Anh dịch. Rồi tôi đọc bản dịch Sách của bạn tôi (Le livre de mon ami) của Anatole France, Chuyện một thằng bé (Le petit chose) của Alphonse Daudet. Tôi bỗng thấm lời khuyên Lê Huy Luyến của giáo sư Nguyễn Uyển Diễm. Không còn loại sách này để đọc, tôi đọc lại Hai chị em của Nguyễn Thị Vinh. Vẫn cảm động như thường. Bây giờ, tôi chỉ còn đọc lại truyện ngắn Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh, Thanh Tịnh, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Bùi Hiển, Hồ Dzếnh. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ viết nổi một hồi ký ảm đạm về thời thơ ấu của tôi.
Tôi không quên theo dõi sinh hoạt văn nghệ Hà nội qua báo chí. Thấy Hoàng Công Khanh rao lớn sắp phát hành bộ tiểu thuyết Mối tình đầu để làm quà cưới cho những người lấy nhau mùa thu 1954. Bộ tiểu thuyết được quảng cáo ồn ào là viết tới đâu xếp chữ tới đó và sắp chấm dứt. Tôi biết Thanh Nam đã vào Sài gòn làm chủ bút tuần báo Thẩm Mỹ . Tôi chẳng thèm chú ý gì tới những chuyển biến của tình hình chính trị.
o O o
Đầu tháng 7-1954, quân đội liên hiệp Pháp rút khỏi Thái Bình. Hiệu sách Đông A và hiệu sách Học Hải “di tản chiến thuật” trước đó vài ngày. Dân chúng tản cư lần nữa. Thị xã bỏ trống. Một tuần lễ sau, tất cả hồi cư và mọi sinh hoạt xẩy ra ban đêm, sợ phi cơ Pháp trở lại oanh kích. Bố tôi buồn lắm. Kể như ông lang băm tiêu tan giấc mộng thấy con mình trở thành bác sĩ. Tôi cũng buồn lắm, giấc mộng trở thành nhà thơ, nhà văn, nhà báo của tôi bỗng ngất ngư. Bạn tôi buồn nhất. Nó cứ thắc mắc không hiểu Hà nội và Thái Bình còn có thể liên lạc với nhau. Tác giả Thầy giáo tư lương mân mê “tác phẩm” của mình một cách tiếc nuối. Chúng tôi hết mạn đàm văn chương, thi ca, tiểu thuyết. Tôi còn giữ bản dịch 3 cuốn Gone with the wind (Cầm bằng theo gió đưa đi) của Margaret Mitchell -bản dịch mới sau này có tên là Cuốn theo chiều gió, Uncle Tom’s cabin (Túp lều của chú Tom) của Harriet E. Stowe, và truyện ngắn của Jack London thuê của hiệu sách Học Hải chưa kịp trả. Tôi không thiết đọc nữa nhưng phải đọc giết thì giờ.
20-7-1954, hiệp định Genève ký kết chia đôi nước Việt Nam. Tôi 19 tuổi. Bộ đội giải phóng vào thị xã. Không giống những người bộ đội của trung đoàn Thủ Đô, trung đoàn Ký Con, trung đoàn 44 năm 1947 tôi đã gặp, bộ đội giải phóng 1954 hoàn toàn khác lạ. Họ ngơ ngơ, ngáo ngáo và tỏ ra không mấy thiện cảm với dân vùng tề. Cùng với bộ đội giải phóng, cán bộ các ngành đội nón cối bọc ny lông màu nâu, đeo xặc cột, lê giép Bình Trị Thiên* trên hè phố, sách báo kháng chiến cũng vào thị xã, bầy bán ở lề đường. Tôi mua những số Văn Nghệ xuất bản đầu năm 1951. Tôi đọc và tôi ngỡ ngàng. Các nhà văn tôi đã ngưỡng mộ như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Thế Lữ … , các nhà thơ tôi đã ngưỡng mộ như Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tịnh … đều đã phải học tập một khóa chỉnh huấn và đều phải viết tự kiểm phủ nhận sự nghiệp văn chương trước 1945 của mình. Thế Lữ nguyền rủa Tự Lực Văn Đoàn. Xuân Diêu hung hăng “lột người”. Văn hóa trước 1945 là văn hóa nô dịch bị kết án nặng nề. Chỉ có văn hóa sau năm 1950 mới được công nhận là văn hóa cách mạng chính thống. Văn nghệ từ cái mốc này là văn nghệ phục vụ giai cấp công nông, văn nghệ vô sản. Không một dòng chữ nào nhắc tới Văn Cao, Phạm Duy, Việt Lang, Yên Thao, Trần Quang Dũng …. Tô Vũ, tác giả Em đến thăm anh một chiều mưa , Tạ từ , Tiếng chuông chiều thu , Nhớ thành Tô sáng tác nhạc đấu tố địa chủ:
Hờn căm địa chủ gian ngoan
địa chủ tham tàn
giơ tay bóc lột bần cố nông …
Tạ Phước làm nhạc, Thanh Tịnh viết lời xui bần cố nông phẫn nộ:
Ta là người
là người có mắt có tai
Tay ta làm
mà hàm ta chẳng nhai
Vì ai
vì ai ta nghèo
Đó là cách bóc tô bóc tức
trăm điều oan ức
căm tức
Của ta làm ra phải trở về ta …
Tôi đàn những bản nhạc này. Thấy âm điệu của nó lai Tàu quá. Nhất là ca khúc dưới đây:
Nông dân Trung quốc đang ca hát rằng (à)
Đời ta ấm no sướng vui từ đây (a)
Vì chúng ta có Đảng cộng sản (à)
Vì chúng ta có bác Mao Trạch Đông (a)
Đã phát động chúng ta đứng dậy (à)
Ta lấy ruộng đất về cầy cấy tăng gia (a)
Noi gương Trung quốc dân ta hát rằng (à)
Bền gan đấu tarnh chúng ta thêm niềm tin (a)
Vì chúng ta có đảng Lao động (à)
Vì chúng ta có bác Hồ chí minh (a) …
Ở tôi có một sự so sánh giữa âm điệu Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Khánh (Hà nội 1950 – 1954) và âm điệu Tô Vũ, Huy Du, Trần Hoàn (sau mùa quy định thành phần giai cấp 1950 – 1954). Và tôi chán ngán. Sách của cách mạng rất nghèo. Ngoài những cuốn khổ nhỏ đề cao các anh hùng giai cấp Nguyễn thị Chiên, Cù chính Lan, La văn Cầu … thì, duy nhất, cuốn tiểu thuyết tiêu biểu Con trâu của Nguyễn Văn Bổng được đề cao ghê gớm. Con trâu của Trần Tiêu và Con trâu của Nguyễn Văn Bổng càng khác biệt, khác biệt luôn cả ước mơ của nông dân. Tôi thấy tiểu thuyết kháng chiến miền Bắc thua tiểu thuyết kháng chiến Nam bộ về cả số lượng lẫn chất lượng. Văn chương, thi ca cách mạng (1950 – 1954) không hấp dẫn tôi. Tôi vẫn thích Nguyễn Minh Lang, Thanh Nam hơn.
Nhưng tôi phải sống trong dòng cách mạng. Tôi cảm giác cách mạng hôm nay đã phủ mầu xám lên cách mạng 19-8-1945. Tôi chợt nhớ vô cùng cái thị xã Thái Bình nhỏ bé của tôi, thời nó chưa bị tiêu thổ kháng chiến. Những hàng cây hồi sẽ chẳng bao giờ được trồng lại nữa. Tôi vĩnh viễn mất hết mọi ước mơ. Tôi gặp lại “sư phụ” Đàm Viết Minh. Nó đã là … cách mạng ! Nó không còn niềm nở nữa. Thêm cái biên giới giữa chúng tôi. Rồi tôi phải tham gia các tuần lễ bài trừ văn hóa nô dịch. Tôi phải đi tịch thu tiểu thuyết của Thanh Nam, Nguyễn Minh Lang, Sao Mai, Hồ Dzếnh, Ngọc Giao … đem chất đống mà đốt ! Cuốn Đồi thông hai mộ bị nguyền rủa là đồi trụy, thối nát. Tôi đọc báo Nhân Dân. Tôi hát nhạc ngợi ca Malenkov, Mao trạch Đông. Tôi nhảy đoàn kết:
Chúng mình cùng đoàn kết tiến lên
Xây cuộc đời tươi mới hòa bình
Toàn dân đoàn kết
Nắm tay nhau cùng vui liên hoan
Tôi nhảy hòa hòa bình:
Ta yêu hòa bình
Lòng ta mến yêu hòa bình
Chống quân thù chung
Đập tan mưu mô chiến tranh
Diệt thực dân Pháp
Là đấu tranh cho hòa bình
Tôi ca:
Hoan hô bàn tay anh bạn Trung Hoa
Chắn sông Hoài ngăn đau thương
Nước không về toàn dân no ấm …
Tôi sửa lời:
Hoan hô bàn tay anh cầm cần câu
Đã câu được ba con rô
Bốn con mè và năm con chép …
Tôi ca tiếp:
Đêm hôm qua sáng sao
Gió đưa về nơi nào
Lòng em càng lưu luyến
Này anh chiến sĩ ơi
Đáng cho nó tan hoang
Đánh cho nó tơi bời …
Tôi “phản động”:
Đêm hôm qua tát ao
Cá không được con nào
Phải ăn cơm với muối …
Tôi bắt đầu tìm ra một nỗi ngậm ngùi của mọi người trong cảnh đổi đời. Và tôi cũng bắt đầu biết nhìn cảnh đổi đời ấy bằng đôi mắt hài hước tinh quái. Sự hài hước tinh quái sẽ trở thành khẩu nghiệp rồi bút nghiệp khốn nạn của đời tôi sau này. Đó không phải là lỗi của tôi. Mà là lỗi của thời thế. Thời thế đã tạo ra những cảnh tượng nhố nhăng, những mẫu người nhố nhăng bắt tôi phì cười. Tôi ghét những thằng a dua cách mạng, những thằng cách mạng giả vờ mà cứ đóng vai cách mạng chính cống thuốc ho Bà Lang Trọc. Nụ cười của tôi đểu hơn. Lời nói của tôi ác hơn. Lợi dụng thanh niên vùng tề “chưa nắm vững tư tưởng”, tư tưởng vừa năm, tay trơn quá nó tuột liền, chúng tôi đã “chống phá” cách mạng. Tư tưởng nổi loạn của tôi xuất xứ từ những ngày tôi sống với cách mạng sau hiệp định Genève 1954. Âm nhạc tôi yêu, cách mạng cấm đoán, bảo là nhạc vàng đồi trụy. Văn chương tôi thích, cách mạng thiêu hủy, bảo là văn chương nô dịch. Thi ca tôi khoái, cách mạng nguyền rủa, bảo là thì ca lạc hậu. Tôi phẫn nộ vì tôi bị tước đoạt tự do thích, tự do khoái, tự do yêu. Tôi phẫn nộ vì tôi phải thích, phải khoái, phải yêu những gì tôi không khoái, không yêu, không thích.
Hôm tôi nghe Trần Hoàn ôm đàn guitare hát bài thơ ca ngợi Rosenberg*** của Tố Hữu do anh ta phổ nhạc, tôi thất vọng. Tôi đã say mê Sơn nữ ca, Lời người ra đi của Trần Hoàn.
Một đêm trong rừng núi
Có anh du kích nhìn trời xa xa
biết đâu sơn nữ nhìn mình đăm đăm …
Nghe Trần Hoàn “văn công” hát thơ Tố Hữu chẳng ra cái gì cả. Nhạc tồi và giọng ca ống bơ rỉ. Trần Hoàn chơi guitare kém xa Đàm Viết Minh. Có phải tôi ghét đổi đời, ghét luôn Trần Hoàn ? Tôi thiếu công bình chăng ? Đến một tối, tham dự học tập hiệp định Gen è ve với Lê Huy Luyến, tôi hoàn toàn thất vọng cách mạng. Anh cán bộ vung vít nói về hội nghị Genève, anh ta bốc xê la bút:
- Tại hội nghị Giơ ne vơ, khi thủ tướng Phạm Văn Đồng đại diện nhân dân ta, chính phủ ta tha hết tù binh Pháp, thằng Bi đô đã xấu hổ, khom lưng bước lên bắt tay thủ tướng Phạm Văn Đồng mà cám ơn.
- Thưa đồng chí Giơ ne vơ ở đâu ạ ? Tác giả Thầy giáo tư lương hỏi.
- Cách đảo Phú Quốc 90 hải lý ! Anh cán bộ đáp ngon lành.
Thế thì tôi cần lên Hà Nội. Vì đồng bào Công giáo đã lũ lượt gồng gánh, dắt díu nhau tìm đường di cư vào Nam. Tôn trọng hiệp định Gen è ve, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cọng Hòa không ngăn cấm đồng bào chọn miền Nam làm nơi chốn định cư, nhưng tổ chức các đoàn thể thanh niên, phụ nữ tuyên truyền giữ chân đồng bào lại. Bài học tập giữ đồng bào:
- Muỗi Sài gòn dữ dội lắm, đông lắm, vơ tay quơ cả nắm. Đêm nằm ngủ bị muỗi đốt, sáng dậy soi gương thấy mặt mình kinh khủng.
- Răng đen vào Sài gòn bị nhổ hết.
- Vào Sài gòn bị Tây bắt đi làm cu ly đồn điền cao su.
Tôi áp dụng bài học tập này và bị đồng bào dơ đòn gánh phang. Cách mạng nào cũng gian dối cả. Thấy mình khó lòng ở với cách mạng, sau ngày 19-8-1945, tôi đã ăn cắp của bố tôi một khoản tiền còm làm lộ phí trở lên Hà Nội. Tôi bỏ gia đình đi tìm … tự do thích, tự do khoái, tự do yêu. Biết đâu tôi chẳng tự do biến thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo ! Tôi ví tôi như con dế mèn. Cuộc phiêu lưu của tôi bắt đầu …
o O o
Qua phà Tân Đệ, đứng bên đây Nam Định nhìn sang bên kia Thái Bình, tôi đã không phát một lời thề lập chí mà thầm thĩ nói với mình:
- Chẳng bao giờ nên trở về gặp bố mẹ nữa. Ta cứ đi, đi mãi … Không thành nhà báo Tam Lang tất thành nhà báo nước mắm Vạn Vân, không thành nhà thơ Nguyễn Bính tất thành nhà thơ nước đá Nguyễn Xuân Mậu, không thành nhà văn Thanh Nam tất thành nhà văn … Lê Văn Tầm !
Tôi gò lưng tôm đạp xe trên con đường Nam Định – Phủ Lý. Giấy đi đường của tôi, nhà nước cách mạng chỉ cho phép sang tới Nam Định là thành phố đã được “giải phóng”. Tôi đã dùng “co rếch tơ” biến Nam Định thành Phủ Lý. Giấy đi đường viết tay đơn sơ, sửa chữa thật dễ. Tuy nhiên, tôi vẫn sợ bị bắt lại. Tôi đã vượt biên đường bộ tìm tự do từ 1954 ! Tôi đã là “land people” từ khi nhân loại chưa có danh từ “boat people” thê thảm. Buổi chiều, tôi đến Phủ Lý. Qua hàng rào kẽm gai, biên giới vùng giải phóng và vùng quân đội Pháp còn chiếm đóng, lính Ma rốc khám xét hành lý của tôi qua loa. Tôi đưa thẻ học sinh Hà Nội, họ cho vào đất của họ liền. Hú vía ! Tới Hà nội, tôi tìm Tôn thổi. Nó vẫn chơi ở Dancing Régina. “Sư phụ” Nguyễn Thịnh thì đã về Thái vì tin tưởng thợ may thuộc giai cấp công nhân ! Ông anh nó theo kháng chiến đã về “giải phóng quê hương” và gọi nó về “phục vụ nhân dân”. Con nhà Thịnh về Thái không phải vì lý tưởng cách mạng đâu. Nó đã chán chường nghề thợ đan nhà nhảy đầm và rã rượi các mối tình gái nhảy.
Hà Nội vài tháng cuối trước ngày đổi chủ rất sinh động. Chợ trời mọc ra nhan nhản. Người ta bình thản di cư và người ta tấp nập mua đồ đạc của những người sắp di cư. Báo chí xuất bản đều đặn. Đã thấy xe bán nước mía ở đầu phố Bà Triệu. Trên vài bức tường vôi loang lổ, tôi được đọc mấy câu thơ tuyên truyền mới viết. Thí dụ:
Cụ Ngô thống nhất sơn hà
Già Hồ chia rẽ nước nhà làm đôi
Hay:
Thuế đâu có thuế lạ lùng
Thu đến hạt thóc cuối cùng của dân
Hay:
Ma len cốp giết bồ câu
Bạo tàn gây hấn hoàn cầu chiến tranh
Tôi mua tuần báo Việt Hồn mới xuất bản, thấy tuần báo này công kích dữ dội Hoàng Công Khanh và cuốn Quan điểm văn nghệ nhân dân của tác giả Mối tình đầu . Báo Việt Hồn miệt thị Hoàng Công Khanh là thứ văn nghệ chong chóng, vừa ráo mực Mối tình đầu đã vội vàng Quan điểm văn nghệ nhân dân lập công. Báo này đặt câu hỏi: Những truyện tình ướt át của Hoàng Công Khanh có phải là văn nghệ nhân dân, có phải là quan điểm văn nghệ “ngoài ấy ?”. Tôi đã đọc văn nghệ nhân dân ở Thái Bình. Tôi chỉ đủ kiến thức để hiểu rằng văn nghệ nhân dân là thơ đấu tố cường hào địa chủ của Xuân Diệu, là nhạc gây căm thù của Tô Vũ, là các nhà văn thần tượng của tôi phủ nhận những tác phẩm đã làm tôi ngây ngất xao xuyến. Không khí tranh luận văn nghệ nhân bản và văn nghệ phi nhân bản trên một vài tuần báo chính trị không quyến rũ tôi bao nhiêu. Tôi chẳng còn thiết theo dõi báo chí nữa. Và giấc mộng văn chương, báo chí của tôi cũng nguội dần.
Vào thời kỳ này, đài phát thanh Hà nội phổ biến ca khúc Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương. Tác giả của nó bị động viên phải rời Hà nội vô Thủ Đức học làm sĩ quan bộ binh. Anh ta nhớ Hà nội: “Hãy tin ngày ấy anh về …”. Anh ta đã về Hà nội. Sau này, dù “đã mang giầy của giặc”, Hoàng Dương vẫn được dạy nhạc ở Viện âm nhạc Hà nội. Hoàng Dương sáng tác Hướng về Hà nội cho riêng Hoàng Dương bày tỏ tâm sự, khác hẳn Vũ Thành sáng tác Giấc mơ hồi hương mang tâm sự của hàng triệu người di cư. Thú thật, tôi chỉ thích nghe Duyên Anh , rồi Ươm mơ của Nguyễn Thịnh do Quách Đàm hát. Tôi không biết Quách Đàm, Minh Đỗ, Tâm Vấn, đã vào Nam chưa ? Hồi tưởng tháng ngày trọ học Hà Nội của tôi, tôi không thể quên những đêm kịch mùa thu. Tôi đã đi xem diễn vở Kiều Loan của Hoàng Cầm ở Nhà Hát Lớn. Tôi đã xem Ban hợp ca Thăng Long từ Sài gòn ra hát tại Nhà Hát Lớn rồi tại rạp xi nê Cửa Bắc. Rồi đại Ban Gió Nam với kỳ tài Trần Văn Trạch tước vị kỳ tài . Riêng tôi, tôi mê bộ ba Thái Hằng – Thái Thanh – Khánh Ngọc trình bầy ca khúc Ảo ảnh chiều thu của Trần Văn Nhơn. “Kinh thành Thăng Long trong bóng sương chiều …”. Trần Văn Nhơn, người Sài gòn, chuyên viên kỹ thuật của đài phát thanh Hà nội, tác giả những ca khúc Hà nội 49 , Sài gòn xa hoa … Tôi cũng vừa mê những giọng hát đang lên: Kim Tước, Duy Trác, Thanh Hằng thì Hà Nội chuẩn bị ra đi và Hà Nội chuẩn bị đón những người về với mơ ước Văn Cao đã hiện thực: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về … Chúng ta ươm lại hoa, sắc hương phai ngày qua, ôi phố phường Hà nội xưa yêu dấu …”. Mặc kệ những chuyển dịch của thời thế, tôi tiêu pha nốt chút ngày còm cõi của tôi ở Hà Nội với những đồng tiền cuỗm của ông bố tội nghiệp và tiền bán cái xe đạp ở chợ trời Bà Triệu.
Tôi sắp xa Hà Nội. Tôi bắt buộc phải xa Hà Nội. Cuộc đời phiêu lưu của tôi hứa hẹn bị gậy. Tương lai đói rách của tôi, tôi đã nhìn thấy trước. Nó đang đợi tôi ở Sài gòn. Tôi bỗng trách ông nhà văn Vũ Trọng Phung đã miêu tả nhân vật ông nhà báo trong Giông tố . Cảm nhân vật ông nhà báo, coi ông như thần tượng, tôi đã thèm thuồng trở thành nhà báo. Tôi bỗng trách “sư phụ” Đàm Viết Minh, nó đã ngăn cản tôi thụ giáo ông nhà báo nước mắm Vạn Vân, nó tống cổ tôi vào vũ trụ thi ca, tiểu thuyết lãng mạn. Tôi bỗng trách “sư phụ” Nguyễn Thịnh, nó dạy tôi cái động lực sáng tạo. Do những điều đó, tôi đã đắm đuối chốn phồn hoa. Rồi Thầy giáo tư lương và “bí kíp” của Lê Huy Luyến cùng “mấy lời khuyên” của giáo sư Nguyễn Uyển Diễm kích thích tôi. Thêm nữa, cảnh đổi đời 1954 bắt tôi thoát ra, đi xa. Khi tôi bơ vơ giữa Hà Nội nháo nhác, tôi đã chọn cho tôi cái nghề cạo nhựa cao su đồn điền ở miền Nam thay vì nghề văn chương phú lục.
Như thế đấy, rất chân tình, tôi có thể làm cái nghề gì mưu sinh với mớ kiến thức ấm a ấm ớ ? Cạo nhựa cao su đồn điền sẽ thích hợp thôi. Phan Thanh Giản “giã vợ đi làm quan”, tôi “giã nhà” đi làm cu ly đồn điền. “Gặp thời thế thế thời phải thế”. Tự nhiên, tôi nhận vơ tôi là kẻ thất thế, thiếu thời. Tôi cảm khái nhớ thơ Vũ Hoàng Chương:
Thiên hạ hơn nhau một chữ thời !
Rồi tôi làm như là tôi đã viết vài pho tiểu thuyết nhưng nhân gian thiếu mắt xanh nhà xuất bản. Tôi lại gào thơ Vũ Hoàng Chương nữa. Lần này tôi gào kịch thơ Vân Muội :
Sao hôm nay lòng ta buồn không nguôi
Niềm u uất dâng cao tháng ngày trôi xuôi
Há vì cơm áo chẳng no lành
Há vì đời không ai mắt xanh
Nhớ thuở chưa có ta đường đi thênh thênh
Kịp khi có ta chông gai mông mênh
Cuồng vọng cả mà thôi
Bốn phương đều vướng mắc
Ba mươi năm trên vài mà trống không bình sinh
Gối vải mộng phong hầu
Vinh quang đường lối khép
Thẹn trước thương về sau
Đời tàn trong ngõ hẹp
Đời tôi sắp tàn trong một ngõ hẹp nào đó ở Sài gòn. Tôi cứ nhận nhằng tôi 30 tuổi. Và tôi trống không bình sinh. Cửa nhà báo đã khép chặt. Tôi húc đầu đòi tự vẫn, nó kệ xác tôi. Nó còn xỏ ngọt tôi: “Mày đã có bài báo nào chưa mà đòi húc đầu vào cửa nhà báo ?”. Tôi ngẩn tò te …
Bài báo duy nhất của tôi trên đường vinh quang chông gai mông mênh, nhan đề “Đính phở” đăng ở báo trường của chủ nhiệm Lê Huy Luyến có được coi là bài báo không nhỉ ? Chắc chắn là không. Nhưng nó đã giúp tôi thân thiết với Đính phở, đã tạo cho tôi một cơ hội ăn phở khỏi trả tiền. Đính phở lại còn phục tôi và chê cụ cử Rư đoán lầm. Nó bảo tôi mới là thằng sẽ trở thành nhà báo. Tiếc nỗi, Đính phở chưa là cái thớ gì, chưa là Tam Lang. À, tôi đã có một bài gửi báo và bút hiệu của tôi nằm thỗn thện trên mặt báo. Ít ra, tôi cũng phục tôi, cũng khoái tỉ đến nỗi mua năm số báo cất giữ làm kỷ niệm. Bạn biết bài báo tôi “đặt vấn đề” gì và đăng báo nào không ? Thưa bạn, tôi xin nói trước với bạn rằng, bài báo của tôi nặng lắm, không thuộc loại thơ hay truyện ngắn hay tùy bút bị đăng cả tên tác phẩm lẫn tên tác giả trong mục “Hộp thư tòa soạn” với lời lẽ đố kỵ tài năng: “Còn kém, không thể đăng, xin gửi bài khác. Chúc sáng tác tiến bộ !”. Vậy bài báo của tôi “đặt vấn đề” chi ? Thưa bạn, tôi lấy bút hiệu Thanh Triều là tên làng của bà bô tôi ở huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình và đặt ba vấn đề trên nhật báo Tia Sáng . Tôi nôn nóng chờ đợi. Nửa tháng sau, Tia Sáng , đăng bút hiệu của tôi vào mục “Mách giúp chỉ giùm”:
Bạn Thanh Triều (Hà nội) – Muỗi Sài gòn tên thật là Vũ Tùng Linh. Hiền Nhân tên thật là Đỗ Trọng Quỳnh. Chế Lan Viên không có họ hàng gì với Chế Bồng Nga cả.
Nếu “tác phẩm” Đính phở và cái thư hỏi mục “Mách giúp chỉ giùm” của tôi là sự nghiệp văn chương, báo chí của tôi trước 1954 thì sự nghiệp ấy vỏn vẹn thế. Hoặc đánh dấu mốc bừa bãi như các ông xuất bản nhạc, sản xuất băng nhạc, coi các nhạc phẩm sáng tác từ 1950 đến 1954 là nhạc tiền chiến thì sự nghiệp văn chương, báo chí tiền chiến của tôi cũng vỏn vẹn hai bài. Tôi ném sự nghiệp văn chương, báo chí của tôi xuống hồ Hoàn Kiếm để vào Sài gòn làm cu ly đồn điền cao su. Dối lòng mình, tôi có thể bắt chước Nguyễn Vĩ: “Nhà văn An Nam khổ như chó”, tôi che bỏ. Đấy, cự phách ai bằng Tản Đà, rốt cuộc vẫn “Nhận viết thuê đủ các loại văn vui buồn trong xã hội, lấy tử vi và giải đoán lý số !”. Tôi ham nói thật. Và tôi nói thật đây:
- Tôi học hành dốt nát, không hề có năng khiếu gì về văn chương từ thuở còn ngồi ở ghế nhà trường.
Sở dĩ tôi phải nói thật, vì rất nhiều người quan niệm rằng, bất cứ một nhà văn, nhà báo danh tiếng nào cũng có năng khiếu văn chương từ nhỏ. Hoặc bẩm sinh đã có máu văn chương. Hoặc trời phú cho tài năng. Với trường hợp tôi, quan niệm đó hoàn toàn sai.
- Vậy tại sao ông trở thành nhà văn, nhà báo ?
- Cuộc đời đưa đẩy tôi.
- Tại sao cuộc đời không đưa đẩy những người đã có thời son trẻ mơ mộng trở thành nhà văn, nhà báo như ông ?
- Vì họ thiếu bất hạnh như tôi.
- Ông bất hạnh ?
- Phải. Bất hạnh triền miên.
- Nhiều người bất hạnh hơn ông ?
- Nhưng là bất hạnh riêng. Tôi công chung bất hạnh của cuộc đời vào bất hạnh của tôi. Nỗi bất hạnh của tôi khôn cùng …
- Thế nào là khôn cùng ?
- Là chẳng bao giờ biết mình hạnh phúc.
- Tôi chưa hiểu rõ.
- Thì ông đọc tiếp chương tư, chương năm. Cho đến hết.
Chú thích
* Không nghe nói bà Trời và vợ Thượng Đế.
** Năm 1975, người Sài Gòn gọi là giép râu.
*** Rosenberg, gián điệp, bị chính phủ Mỹ kết án tử hình cho lên ngồi ghế điện, Tố Hữu coi như chiến sĩ hòa bình.