Chương Mười Hai
Tác giả: Duyên Anh
Đầu tháng 12-1958, sau khi đã chán ngán cái giai cấp trưởng giả thật và trưởng giả rởm ở những nơi tôi kèm trẻ, sau khi đã mệt mỏi quán cà phê này qua quán cà phê kia, tôi sang Khánh Hội. Tôi thấy tôi gần gũi với những người lao động, thợ thuyền. Và tôi cũng tò mò muốn biết tại sao anh Vương Tần khuyên tôi không nên trở lại Khánh Hội. Tôi ra bến Bạch Đằng tìm anh Lại Văn Đường. Anh ta không còn bán sữa đậu nành tại khu vực này nữa. Dù không có tin tức chính xác về đời sống xóm Cầu Cống, tôi cứ qua bừa. Anh Xuân đã dọn nhà đến khu xình lầy dưới chân cầu Tân Thuận. Anh Đường dẫn tôi tới nhà anh Xuân. Gặp tôi, anh Xuân mừng rỡ lắm. Anh hỏi chuyến đi miền Tây của anh Tần và tôi. Tôi kể đầy đủ chi tiết. Anh Xuân ôm mặt khóc.
- Anh Tần dạy anh viết chữ, đọc sách hồi anh trốn đồn điền theo kháng chiến. Anh ấy là thầy anh. Nhờ anh Tần, anh đọc thông viết thạo và biết kính yêu những anh hùng, liệt sĩ Việt Nam.
- Tại sao anh bỏ kháng chiến ?
- Anh Tần xúi anh.
- Hai người cùng vô Sài gòn một lượt ?
- Anh vô trước.
- Tại sao anh Tần khuyên em không nên trở lại Khánh Hội ?
- À, cái đó … Cái đó anh ấy muốn em vươn lên. Ở đây xập xùi, em rõ chứ?
Tôi không trả lời, cũng không hỏi thêm. Anh Xuân, dạo này, xanh xao và gầy rốc. Anh nghỉ đạp xích lô, nghỉ luôn nghề bán cần sa cho thủy thủ ngoại quốc. Anh nằm nhà dưỡng sức. Chị Xuân tần tảo nuôi gia đình. Anh sợ tôi đi, năn nỉ tôi:
- Chú đừng đi đâu vội. Không sống với anh Tần thì phải sống với anh. Chừng chú lớn, đi đâu hãy đi.
- Em lớn rồi.
- Không được. Anh mang nợ cậu Hùng, trả hết kiếp chẳng xong.
- Anh nợ gì ?
- Cậu Hùng chở xe đạp đưa anh trốn khỏi làng. Cậu Hùng dẫn anh sang Hải Phòng. Nhờ vậy, anh thoát chết. Không thấy chú thì huề, thấy chú anh phải nhớ cậu Hùng. Ở đây, rau cháo vui vẻ mới là anh em. Rồi anh khỏe, mấy hồi. Chú sẽ đi học nữa.
Tôi cảm động về tình nghĩa của người quê hương tôi, không nỡ đi vội. Xóm nhà anh Xuân có nhiều trẻ con thất học. Chúng nó thường sang nhà anh Xuân chơi, nghe anh kể chuyện tuồng cải lương. Tôi gạ chúng nó học, không đứa nào chịu học cả. Có thằng nhóc tên Rớt, chiều chiều lượm về hàng xấp truyền đơn quảng cáo. Nó nhờ tôi đọc cho nó nghe. Tôi lựa chương trình tuồng và chiếu bóng tóm tắt cốt truyện đọc. Rớt say sưa nghe.
- Học khó không, dượng Tư ?
- Dễ ợt.
- Bao lâu đọc nổi ?
- Ba tháng.
- Con ham đọc quá xá.
- Ham thì phải học. Học ba tháng mày sẽ đọc “bồ gam” như máy. Rồi mày đọc truyện thằng Quan Công mặt đỏ có con xích thố với cây thanh long đao.
- Làm nghê của con học được chứ ?
- Nghề của mày là nghề gì ?
- Con móc túi, dượng ơi !
- Móc túi nguy hiểm lắm.
- Thây kệ.
- Mày không sợ bị bắt à ?
- Vô Tế Bần là cùng. Vô riết lại ra.
- Mày vô chưa ?
- Rồi.
- Kể tao nghe Tế Bần.
Thằng Rớt kể chuyện Tế Bần và hình phạt của trại Tế Bần dành cho bọn tù vị thành niên. Kể xong, nó kết luận:
- Lớn lên, con sẽ thanh toán ba cái thằng giám thị.
- Mày thù họ à ?
- Thù thối phổi, rục xương.
- Ai bảo mày móc túi !
- Chứ không móc túi thì làm nghề gì ?
- Đi học.
- Nhà nghèo muốn chết, tiền đâu học ?
- Ba mày làm nghề gì ?
- Chết rồi.
- Má mày ?
- Rước mối.
- Buôn bán à ?
- Rước khách chơi đĩ !
- Ai dạy mày móc túi ?
- Tụi lớn. Ôi, cả xóm làm nghề đá cá lăn dưa, móc túi lươn đồ mà dượng.
- Mày học được.
- Chắc hả ?
- Chắc. Học giỏi, mày sẽ bỏ nghề móc túi.
Nhưng thằng Rớt chưa hăng hái học. Chẳng đứa nào hăng hái học cả. Chúng nó chỉ hăng hái nghe truyện tầm phào. Được cái chúng nó rất ngoan ngoãn đối với tôi. Chúng nó phong tặng tôi hỗn danh dượng Tư Bắc kỳ. Tôi kể chuyện giang hồ của tôi, bọn nhãi ranh nghe khoái chí, thèm được đi giang hồ theo tôi. Giữa tháng 1-1959, anh Xuân ói ra máu phải chở lên bệnh viện Đô thành. Chị Xuân đi theo săn sóc chồng. Tôi ở nhà làm “gà trống” nuôi thằng cu Tiến. Bọn nhãi ranh giúp tôi rất nhiều. Chúng nó ra chợ mua rau, đậu, thịt biếu tôi. Tôi đền ơn chúng nó bằng cách “quay phim” cao bồi, Tạc dzăng … Một hôm, thằng Rớt đem về một xấp giấy toàn là truyền đơn chống đối tổng thống Ngô Đình Diệm. Đọc xong, tôi hoảng sợ.
- Mày lượm ở đâu, Rớt ?
- Người ta đưa cho con, nhờ con qua Sài gòn phân phát.
- Nguy hiểm.
- Sao ?
- Cái này không phải là “bồ gam”, cái này là truyền đơn dẫn mày vô Tế Bần.
- Là cái gì ?
- Là mày chống chính phủ.
- Mẹ ơi !
- Vậy mày phải học thì sẽ phân biệt “bồ gam” và truyền đơn.
- Con sẽ học.
- Bao giờ ?
- Sẽ, dượng Tư à !
Thời gian anh Xuân nằm ở bệnh viện Đô Thành, tôi bỗng nhớ nhà ghê gớm, ghê gớm hơn cả đêm trừ tịch cô đơn tại Trảng Lớn. Tôi nhớ mẹ tôi, nhớ bố tôi, nhớ các em tôi. Năm nay tôi đã 24 tuổi. Tôi xa gia đình, thấm thoát đã 5 năm. Nhanh thật. 5 năm lêu lổng hay là 5 năm hội nhập đời sống ? Tôi cho rằng tôi đã lêu lổng. Tôi cũng học chút chút, nhưng không phải học chữ, mà chỉ học những bài khó kiếm ra tiền. Tôi nghĩ đến mẹ tôi và bố tôi. Và tôi cầm bút. Thức trắng suốt đêm, tôi loay hoay với đoạn đầu của một truyện ngắn đơn giản, một truyện không có cốt truyện. Viết xong dăm ba câu, tôi đọc lại rồi xóa bỏ. Rồi viết lại. Rồi xóa bỏ. Tôi thấy thì, mà, và quá nhiều trong mấy câu mở đầu, lúng túng chẳng biết thay thế bằng những chữ gì cho ổn. Thế là cả đêm hì hục xé xé xé và xé, tốn khá nhiều thuốc lá. Đêm sau, tôi lại viết. Lần này, tôi nghĩ, cứ viết xong truyện, đọc lại toàn bộ, thấy truyện “ngửi” được thì sửa chữ, sửa câu, thấy truyện “thối” thì xé bỏ trọn vẹn. Cần nhất là phải viết cho xong truyện đã. Và tôi đã cố gắng viết xong truyện. Cũng xóa bỏ vô số câu, nhưng mà truyện ngắn đầu tiên, truyện ngắn thứ nhất mở đường cho tôi vào làng văn, truyện ngắn mà Đài phát thanh Sài gòn năm 1963, Nguyễn Đình Toàn viết rằng “của một người yêu văn chương và làm văn chương”, tôi đã viết trong căn nhà lá, dưới ngọn đèn dầu và dưới chân cầu Tân Thuận. Đó là truyện ngắn Hoa thiên lý . Tôi đọc lại, thấy không đến nỗi tệ so với những truyện ngắn của các nhà văn thời thượng. Bèn chép lại thật đẹp, thật sạch. Trong khi chép lại, tôi sửa chữa thêm. Thấy bôi bỏ xấu bản thảo, tôi chép lại nữa.
Tôi phải cám ơn Đàm Viết Minh và Đoàn Trọng Thu. Nhờ hai vị “sư phụ” này, truyện ngắn Hoa thiên lý của tôi có nhiều hình ảnh và âm điệu, đọc nghe như thơ xuôi. Tôi khoan khoái, đọc đi đọc lại hoài. Rồi, vẫn cung cách viết Hoa thiên lý , tôi viết truyện ngắn thứ hai, tựa đề Em . Tôi thấy mình viết nhanh hơn và bớt bôi bỏ hơn. Hạnh phúc viết truyện ngắn của tôi đã làm tôi tỉnh táo những đêm dài, hút thuốc khô môi, ráo cổ họng. Tôi viết truyện thứ ba: Bóng mây kỷ niệm . Cả ba truyện ngắn của tôi đều viết theo đúng “sách vở” của giáo sư Nguyễn Uyển Diễm. Nghĩa là tôi khởi sự bằng đề tài gia đình gần gũi. Một niềm bí ẩn văn chương, đối với tôi, là, khi tôi viết về kỷ niệm, tôi đã nhớ trọn vẹn những điều tôi quên lãng. Bình thường, tôi chẳng nhớ gì cả. Nhưng khi viết, kỷ niệm nối đuôi nhau kéo về chào hỏi tôi. Và tôi không cần xử dụng ánh sáng cực mạnh của hồi tưởng để chiếu rọi miền dĩ vãng rêu phong, cỏ lấp.
Tôi đem truyện ngắn Đình công đăng trên tuần báo Thợ Thuyền năm xưa ra so sánh với Hoa thiên lý . Tôi đã khen tôi. Rằng tôi tiến bộ vượt bực, cả bút pháp lẫn cấu trúc. Tôi coi truyện ngắn Đình công là cái trạm đầu của con đường văn chương gập ghềnh của tôi. Nó không ra cái gì cả. Nó ngô nghê, ngớ ngẩn. Nó chỉ đánh dấu cái mốc khởi sự của kẻ “yêu văn chương và làm văn chương”. Từ cái mốc ngô nghê ấy, kẻ yêu văn chương đã làm văn chương không biết mệt mỏi, đã cống hiến đời nó cho chữ nghĩa, bất chấp mọi oan khiên do chữ nghĩa của nó tạo ra. Người ta không thể phủ nhận quá khứ. Tách rời quá khứ khỏi đời mình, con người chẳng còn giống ai. Nó sẽ bơ vơ, rét mướt. Tôi không muốn tách đời tôi khỏi quá khứ nhục nhằn của tôi. Tôi không muốn tách đời tôi khỏi dân tộc đau khổ của tôi, khỏi quê hương ngậm ngùi của tôi, khỏi tổ quốc rã rượi của tôi. Vì thế, tôi còn hơi thở Việt Nam. Tôi sợ hãi, bơ vơ, rét mướt. Tôi không quên, dù chỉ một ngụm thống khổ, tháng năm cô đơn trên sầu đạo buồn tênh. Còn trong tôi hình ảnh xóm Quốc Tế, xóm Bầu Sen, xóm Cầu Cống, xóm sình lầy dưới chân cầu Tân Thuận. Còn trong tôi, những đứa trẻ lúc nhúc ở những xóm tối mà xã hội trưởng giả dè bỉu, chối bỏ mà bọn thống trị đưa đẩy, dồn ép vào tội lỗi và tội ác. Còn nguyên vẹn. Tất cả. Làm sao tôi quên ? Làm sao tôi quên viên Aspirine của thằng Rớt ?
Tôi định viết tiếp truyện ngắn thứ tư. Bất ngờ, một buổi chiều cuối tháng 2-1959, chị Xuân hớt hải chạy về báo tin anh Xuân cần gặp tôi gấp. Tôi nhờ anh Nẫm, bạn của anh Xuân, chở xích lô máy sang Sài gòn. Anh Xuân nằm ở phòng tập thể lầu 1. Anh xanh mướt. Miệng ngậm đầy đá cục đập nhỏ. Tôi nhìn đình màn. Máu chưa kịp khô. Anh vừa trào máu và máu phọt lên màn giường bệnh. Anh Xuân nhả đá lạnh khỏi miệng. Cầm tay tôi, anh thều thào:
- Rốt cục, anh không trả nợ được cậu Hùng.
Nước mắt anh ứa ra:
- Khi anh chết, em nên rời Khánh Hội.
- Tại sao ?
- Vì nhìn mắt em, “thầy chú” biết ngay em không thuộc giai cấp xích lô. Mà thằng Ngọ …
- Sao ?
- Nó muốn nuôi em.
- Thì sao ?
- Thằng Ngọ vẫn hoạt động cho kháng chiến !
Tôi đã hiểu câu nói của anh Vương Tần. Anh Xuân còn muốn nói nhiều, y tá bắt anh ngậm đá. Tôi ở với anh, ngồi cạnh anh. Nửa đêm, anh Xuân phọt máu, bắn văng cả đá. Anh phọt quá nhiều máu. Và anh chết. Tôi đã khóc thương anh Vương Tần, lại khóc thương anh Lại Văn Xuân. Xác anh quàn dưới nhà xác. Bệnh viện tặng anh cái hòm gỗ mỏng. Người anh em đồng hương của tôi nằm trong đó, nằm trong đó với giấc mộng về làng cũ khao vọng để rửa vết nhục “vào Sài gòn làm cu ly đồn điền cao su”. Tôi tiễn anh tới tận nghĩa địa phước thiện của thành phố. Ném viên đất xuống nắp quan tài. Vĩnh quyết anh Xuân ! Vĩnh quyết một người Việt Nam lầm than đã trải dài đời mình qua hai cuộc cách mạng mà cả hai cuộc cách mạng đều to tiếng đem lại hạnh phúc cho dân tộc.
Vài hôm sau, tôi rời khỏi xóm nhà bần cùng dưới chân cầu Tân Thuận, chưa kịp dạy thằng Rớt học để nó biết phân biệt “bồ gam” và truyền đơn. Giã từ Khánh Hội!