Chương Tư
Tác giả: Duyên Anh
Đêm nằm ở Tòa Thị Chính thành phố Hà Nội chờ sáng sớm hôm sau xe GMC của Pháp tới bốc sang phi trường Gia Lâm rồi bay vào Sài gòn, bất ngờ, tôi gặp Đồng Văn Khải, người đồng hương cùng trọ học của tôi. Anh ta cấy vào lòng tôi niềm lạc quan. Nghĩa là tôi sẽ thoát cảnh cu ly đồn điền cao su. “Thủ tướng Ngô Đình Diệm sẽ nuôi dân di cư. Mỹ thiếu gì tiền”. Đồng Văn Khải nói thế. Tương lai bà cả đọi của tôi lại hứa hẹn bình minh nạm vàng. Và cái “sự nghiệp văn chương, báo chí” của tôi đã bị tôi liệng xuống hồ Hoàn Kiếm chìm nghỉm dưới bùn đen hôi hám, lại được tôi “bông nhông” tận đáy mò lên, hít hà khoan khoái. Tác phẩm đầu như mối tình đầu. “Đính phở” là “tác phẩm” đầu của tôi, là mối tình đầu của tôi. Như điếu thuốc phiện thứ nhất của Thế Lữ:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên
Tôi thề sẽ không quên “Đính phở” nếu tôi có “ngàn năm” để nhớ. Cơ hồ “sư phụ” Nguyễn Thịnh đang ngồi cạnh tôi, dạy tôi bài học vận dụng trí tưởng tượng. Tôi nghĩ đến trường hợp hai người lính thợ tham dự cuộc chiến không dính líu gì tới dân tộc mình là Nguyễn Dân Giám và Đan Trường. Nhờ luân lạc mãi tỉnh Remiremont, vùng Vosges của nước Pháp, Nguyễn Dân Giám đã viết Dưới rặng thông diễn tả một chuyện tình thơ mộng giữa chàng và nàng Yvonne*. Nhờ luân lạc mãi tỉnh Brest, vùng Bretagne của nước Pháp, Đan Trường đã viết ca khúc Trách người đi rồi trở thành đạo diễn điện ảnh **. Nhờ luân lạc mãi tận Sài gòn, tôi sẽ viết ra cái gì ? Tôi đẩy sự tưởng tượng của tôi lên cao vút. Mà vẫn chẳng thấy xao xuyến, rạo rực về những cảnh trí mình tưởng tượng đêm nằm ở Tòa Thị Chính thành phố Hà nội. Ngay cả nơi chốn tôi đã sống, đã gieo rắc ít nhiều kỷ niệm mà, sắp vĩnh biệt nó, tôi cũng trơ như thổ địa, không một ly ông lão ngậm ngùi. Nhưng, văn nghệ hay văn gừng, báo chí hay báo rận, tôi cóc cần. Điều cần thiết là “Thủ tướng Ngô Đình Diệm sẽ nuôi dân di cư”.
Buổi trưa cuối tháng 9-1954, bước xuống khỏi phi cơ quân sự của Pháp, tai tôi ù tịt, mắt tôi hoa lên. Đeo cái túi hành lý nhẹ tênh, tôi lê chân giang hồ trên đất miền Nam. Cảm khái, tôi hát một câu theo điệu Hải quân Việt Nam của Văn Cao:
Ra đi không mang va li
Mồm hút thuốc lá Mic mốc
Chân lê xăng đan cao su
Quần áo ruồi bu …
Bấy giờ tôi chưa vỡ lẽ tôi là kẻ bị lưu đầy tại quê nhà. Chứ không, tôi đã ông ổng ngâm:
Cách dòng nước ta là dân mất nước
Nước non ta ai ngăn trở ta về
Thấy người quê không được tỏ tình quê
Rõ trước mắt mà tìm đâu cho thấy
Bài thơ này tôi đọc ở tuần báo Việt Hồn , không ký tên tác giả. Những thằng tứ cố vô thân, tử vô địa táng như tôi phải ngồi chờ xe cam nhông của Phủ đặc ủy di cư đến bốc về một trại tiếp cư nào đó. Còn những kẻ có thân nhân vào Sài gòn trước ít lâu thì leo lên tắc xi con cóc mà đi định cư. Đồng Văn Khải và tôi được bốc tới Bệnh viện Bình Dân, còn gọi là Bệnh viện Hai Mươi vì nó năm trên đường Hai Mươi mang tên ông Tây cà lồ Legrand de La Liraye. Đứng trên xe cam nhông “đề ca pô táp”, tôi nhìn Sài gòn 1954 bằng đôi mắt ảo não. Nó hoàn toàn khác với Hà nội ngàn năm văn vật của tôi. Bất giác, tôi thấy thôi … mất nước Bắc kỳ. Rồi tôi ngao ngán quan sát Trại tiếp cư Bệnh viện Bình Dân. Đến khi người ta đưa cho tôi ổ bánh mì và một dúm đường cát trắng, tôi mới thấm cảm thân phận di cư. Thủ tướng Ngô Đình Diệm sẽ nuôi tôi bằng bánh mì chấm đường. Bánh mì và đường không làm nên tác phẩm. Tôi thật sự đổ nát mộng văn chương. Tôi sẽ là cu ly cạo nhựa cao su đồn điền Pháp. Tôi muốn trở về Hà nội, muốn trở về Thái Bình, gục đầu trên đùi già của con-dế-bố-tôi mà nức nở: “Bố ơi, xin bố tha tội cho Mèn này đã cuỗm của bố khoản tiền mồ hôi dành dụm ! Trời đất bao la quá, con sợ hãi phiêu lưu. Không, con sợ gặm bánh mì suốt đời. Con về với bố, bố ạ ! Nếu cách mạng không tiêu diệt dao cầu, thuyền tán, con sẽ tình nguyện nối nghiệp bố”. Tôi lại khóc nữa mới bẽ bàng chứ ! Những giọt lê của tôi động lòng Đồng Văn Khải. Nó dẫn tôi đến phố Heurteaux tìm Đặng Xuân Côn. Như cá gặp nước, Đặng Xuân Côn bỏ nhà quen bên Khánh Hội, dẫn chúng tôi đi tìm “một Trại tiếp cư vui nhộn”.
Thế là tôi có Nhà Hát Tây. Tục truyền rằng, thực dân Pháp xây cất xong Nhà Hát Tây Sài gòn rồi mới xây cất Nhà Hát Lớn Hải phòng và Nhà Hát Lớn Hà nội. Cái sau nhất là cái đẹp nhất nên Nhà Hát Lớn Hà nội chiếm một khoảng đất thênh thang, cách xa khu phố thương mại. Tôi không rõ, trước ngày phát xít Nhật tước quyền bính đô hộ của thực dân Pháp, đã có những tuồng khỉ độ, kịch bú dù nào diễn tại Nhà Hát Tây. Chỉ biết, từ 1940, Nhà Hát Tây đóng cửa. Và bom Mỹ đã chiếu cố Nhà Hát Tây. Khi tôi vào Nhà Hát, chẳng còn thấy cái ghế nào ! Tầng thứ nhất, tầng thứ hai và chuồng cu đông đầy người … chọn tự do. Sân khấu cũng phân ranh giăng màn, kê ghế bố. Mỗi gia đình di cư chiếm một miếng đất cắm dùi. Rộng hẹp tùy đến trước, đến sau. Người ta mua giấy dầu làm vách. Giường chiếu, bếp núc, vợ con và … tài sản thu gọn trong phạm vi đất đai của mình. Thời gian từ tháng 8-1954 tới tháng 12-1954, đa số dân di cư Nhà Hát Tây thuộc thành phần công chức, giáo chức. Chúng tôi là trâu chậm, đành mua cái ghế bố kê tạm chỗ trống, đêm ngủ ngày dẹp ghế. Tầng của tôi là chuồng cu, lan can đã gục hết. Nằm sát lan can, rất dễ rơi tan so nếu trở mình và ưa lăn lộn.
Đêm đầu tiên xa quê hương Bắc kỳ ở Nhà Hát Tây Sài gòn, tôi đã không ngủ được vì sợ rơi xuống … sân khấu. Đồng Văn Khải gặp bạn thân tầng dưới, nó bỏ chúng tôi trên chuồng cu. Nằm trở đầu ngược, Đặng Xuân Côn và tôi chung một ghế bố. Tôi thao thức. Tôi thức. Tôi biết rõ có thằng bò gần chỗ tôi nằm, mò mẫm túi hành lý của tôi. Mà tôi không dám la lối, không dám đánh thức Đặng Xuân Côn. Tôi bất động. Tôi nín thở. Sáng hôm sau, kiểm soát hành lý, tôi thấy gói tiền “lập nghiệp” của tôi mất một nửa. Thằng ăn trộm còn lương tâm để lại cho tôi 3 ngàn 600 đồng. Tôi đã nhận diện nó, nhưng tôi không dám làm gì nó. Đành ngậm miệng. Tôi bị mất 3000 đồng bạc. Đó là dấu ấn xấu xa thứ nhất của đời sống ghi hằn trong tâm tưởng tôi. Đó cũng còn là một chứng minh rằng, khi tôi bước xuống đời, tôi rất hiền lành và nhút nhát. Tôi nhớ thầy Lâm Hữu Bàng của tôi đã chửi Tống Văn Phúc năm đệ tứ, hôm thi lục cá nguyệt, anh ta dở lén Tự điển Pháp Việt ra tra: “Anh là thằng ăn cắp. Ở trường học đã gian lận, lớn lên sẽ ăn cắp. Ăn cắp cái gì cũng là ăn cắp. Ăn cắp ít, ăn cắp nhiều, đều là ăn cắp. Ăn cắp của công, ăn cắp của tư, toàn bọn ăn cắp. Không ai dung tha bọn ăn cắp. Dung tha ăn cắp là tiếp tay ăn cắp !”. Người ta không dung tha bọn ăn cắp, tôi thì không dám làm gì thằng ăn cắp. Trước hết, tôi ngại gây sự. Sau hết, tôi yếu đuối hơn thằng ăn cắp tiền của tôi. Tôi hậm hực. Tôi uất ức. Tôi nuôi dưỡng sự hậm hực, nỗi uất ức trong lóng xương, ống máu.
Tuần lễ thứ nhất ở Nhà Hát Tây thật buồn nản. Đặng Xuân Côn đã có việc làm ngay từ hôm vào Sài Gòn. Nó giữ chân “pointeur” cho hãng tầu buôn bên Khánh Hội. Nghề của chàng là ghi nhận hàng hóa xuống tàu, lãnh lương từng chuyến. Côn đã tậu nổi cái xe đạp cà là mèng, tối về vác lên tầng hai, khóa ba lần ở lan can sắt; sáng đi lại mở khóa, vác xe xuống lầu. Ban ngày, Côn đi làm, tôi ngồi nhờ trên mép giường của một gia đình sát khít chỗ tôi kê ghế bố, hút thuốc lá Ruby, nhìn khói bay mà tưởng tiếc “thời gian vàng son”. Ít ra, tôi cũng đã từng là “dân chơi” của Dancing Régina -dù chưa biết nhảy đầm-, có bạn là Tôn thổi chơi trompette tuyệt cú mèo, Nguyễn Thịnh, tác giả Duyên anh và Ươm mơ do Quách Đàm hát trên Đài phát thanh Hà nội, Lê Huy Luyến, tác giả “tác phẩm” Thầy giáo tư lương mà nhà xuất bản Vỡ Đất của giáo sư Nguyễn Uyển Diễm đã hứa hẹn xuất bản. Bây giờ, tôi là thằng di cư hạng bét, thiếu cả miếng đất định cư cái ghế bố ở chuồng cu Nhà Hát Tây Sài gòn. Tôi cứ ngồi hút Ruby, cậy đồng lương của Đặng Xuân Côn, chê lãnh bánh mì, đường cát trắng. Sáng, tôi thả rông uống cà phê vỉa hè, học tập dân lao động Sài gòn, đổ cà phê ra dĩa mà húp cho bớt nóng. Trưa, tôi vào hẻm Casino ăn đĩa cơm sườn nướng hay thịt heo quay kho. Chiều, tôi ăn cơm Tây … cầm, tức là bánh mì nhét ba tê, dzăm bông. Món giải khát thích thú của tôi là nước mía Viễn Đông, đồng bạc xé đôi, năm cắc một ly ngon, bổ. Đặng Xuân Côn làm việc liên miên cả tuần.
Tôi không ngờ tôi chỉ ngồi hút Ruby tưởng tiếc “thời vàng son” mà cũng lọt vào ba cặp mắt giai nhân. Chắc chắn, tinh hoa văn nghệ của tôi phát tiết ra ở chỗ nào tôi không biết, chỉ có giai nhân biết. Giai nhân thứ nhất, Cung thị Ánh Tuyết, chị cả. Giai nhân thứ hai, Cung thị Minh Nguyệt, chị hai. Giai nhân thứ ba, Cung thị Ngọc Anh, em út. Cả ba đều là con một mẹ và ông bố, Cung Duy Độ, hiệu trưởng một trường tiểu học công lập ở Hải phòng. Một buổi sáng, bà chị hai của em gái Ngọc Anh tạt sang chỗ tôi ngồi rầu rĩ, ngồi không thèm nhìn ai vì “thế nhân mắt trắng như ngân nhũ”, đon đả hỏi tôi:
- Cậu cần chị giúp gì không ?
Tôi gạt tàn thuốc kiểu Tôn thổi, làm như mình là Tôn thổi ấy:
- Không, chị ạ !
- Cậu đợi gia đình vô Nam à ?
- Không. Em phiêu lưu. Em trốn gia đình ra đi sống giang hồ …
- Hèn chi.
- Sao ạ ?
- Trông cậu có vẻ nghệ sĩ ghê !
Chết bố. Tôi có vẻ nghệ sĩ.
- Cậu nghệ sĩ thật hả ?
Tôi lấp lửng:
- Mới hai bài báo chưa đáng gọi là nghệ sĩ !
Phải khen tôi đã xuất khẩu nói một câu rất thật và rất đáng đồng cơm bát gạo. Chỉ cần câu nói đờ mi khiêm tốn đờ mi kiêu ngạo lấp trống cái tự ái tứ cố vô thân, cả một góc chuồng cu bên tay phải, tính bằng cửa Nhà Hát Tây đi vào, biết tôi là nghệ sĩ. Tôi cóc cần ai ngưỡng mộ tôi, kể luôn thằng cu Nguyễn văn Tí hiền lành, dễ thương, cỡ tuổi tôi, “hàng xóm” sát nách gia đình ông hiệu trưởng Cung Duy Độ. Tôi cần em Cung thị Ngọc Anh thôi. Là thừa thãi rồi. Em Ngọc Anh mở đường vào tình sử (xin lỗi thi sĩ Đinh Hùng) trước. Em khai pháo trước. Tôi bỗng thấy rụt rè, khúm núm một cách tội nghiệp. Tôi quên hết thơ tán gái của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh … Em gái tán tôi. Tôi lính quýnh.
- Anh có biết làm thơ không ?
Tôi thành thật khai báo:
- Không.
- Em nghĩ anh đã viết văn thì muốn làm thơ là làm.
Tôi ngứa miệng:
- Thơ là nhạc, nhạc là thơ. Edgar Poe dạy thế.
Em gái tròn xoe mắt. Tôi đọc bài của “sư phụ” Nguyễn Thịnh:
- Thi ca gắn liền với âm nhạc. Thơ thiếu nhạc điệu là thơ con cóc. Nhạc thiếu lời thơ là nhạc máy nước.
Tôi bỏ nhỏ:
- Vì thế tôi chơi guitare espagnole.
Nhờ gần gũi em Ngọc Anh, tôi biết cái bà răng trắng ởn thuộc thành phần “đờ cốc xi cốc” không phải là mẹ em. Mẹ em đã đi vào hư vô. Bố em ham mướp già, khuân bà này về. Bà ta không thích em Ngọc Anh gần gũi tôi. Lần thứ hai gặp tôi, em gạ gẫm tôi nhảy dài vào thi ca:
- Anh làm thơ sẽ hay lắm đấy.
- Sao cô biết ?
- Vì anh đẹp trai !
- Tôi học dốt, con nhà nghèo.
- Thơ không làm bằng tiền và bằng cấp.
- Vậy cần chi … nhan sắc ?
- Đẹp trai một tí vẫn dễ chịu cho người ái mộ.
Không hiểu tôi đã nên cám ơn sự bại trận của Pháp và công cuộc di cư vĩ đại chưa ? Tôi đi tán gái mòn hàng chục đôi giày trên vỉa hè Hà nội mà chẳng tóm được em nào, phải đợi nằm ghế bố Nhà Hát Tây Sài gòn mới chộp đúng một em yêu mình. Đã có tình yêu, tất sẽ có sự nghiệp. Tôi sẽ thộp cổ sự nghiệp văn chương, báo chí. Chuyện tình của tôi, khởi sự, chẳng lãng mạn, thơ mộng tí ti ông cụ nào. Mỗi ngày em xuống phố hai lần và mỗi lần tôi đều được nhìn em cuộn tròn trong tấm chiếu dựng đứng thay quần áo. Thuở ấy, tôi còn trong sạch, chưa có ý nghĩ tục tĩu tưởng tượng em thay quần áo đến đâu mà chỉ sợ em cắn cái mép chiếu không chặt, nó bung ra thì vỡ nợ. Và tôi sẽ hết yêu em. Em thay quần áo cứ nhìn tôi cười bằng mắt. Tôi ngây ngất nhìn mắt em. “Mắt em là một dòng sông. Thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em”. Mãi mới xử dụng được thơ Lưu Trọng Lư.
Quen nhau mười ngày, yêu nhau tám ngày, em dọn nhà về xóm Vẹc, cuối đường Eyriaud des Vergnes, có ô tô buýt xanh đậu ở trạm chính Aviateur Garros. Cu Tý cũng rời Nhà Hát Tây, nhường chỗ rộng rãi góc tầng chuồng cu cho chúng tôi. Đặng Xuân Côn nghỉ ít bữa, vì tầu mới chưa cập bến Kho 5. Chúng tôi mua giấy dầu làm vách “căn phòng”. Có cửa ra vào đàng hoàng. Bầy trò nấu nướng, chúng tôi kê bếp dầu hỏa phía ngoài. Các bà chị của em gái Ngọc Anh “yêu đời nghệ sĩ” đã sắm nồi niêu xoong chảo, bát đĩa, đũa muỗng cho chúng tôi. Thoạt đầu, em gái Ngọc Anh leo ô tô buýt xanh từ Xóm Vẹc lên chợ Bến Thành mua rau thịt, gạo, nước mắm, hành tỏi “thân tặng” người anh văn nghệ. Sau thì trường Trưng Vương khai giảng, em bận đi học. Chúng tôi phải tự lực cánh sinh. Nhờ sự “viện trợ vật chất” của em Ngọc Anh, Đặng Xuân Côn mua cây lục huyền cầm. “Căn phòng” của tôi rộn ràng không khí văn nghệ.
Bấy giờ, hàng xóm của tôi là Y Vân. Nó chưa là người soạn ca khúc, cũng chưa là nhạc công đúng nghĩa. Nó là ca sĩ với biệt hiệu rất Ra đê: Y Vân. Ban mê thuột nhiều vĩ nhân Y lắm. Y Kut, Y Pàm, Y Braham … Y Vân hàng xóm của tôi di cư với mẹ và em gái. Mười năm sau, em gái nó lấy Tường Tuấn, Tổng thư ký nhật báo Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm. Y Vân là ca sĩ … Phủ tổng ủy di cư. Nó hát đôi với Từ Lang. Đôi song ca bất hủ của thời đại Y Vân – Từ Lang “chuyên trị” bài Ngày trở về của Phạm Duy và không bao giờ “được” trình bày trọn vẹn. Buổi sáng, những hôm có tàu di cư cập bến Sài gòn, hai ca sĩ Y Vân – Từ Lang ôm đàn guitare leo lên xe Thông tin của Phủ đặc ủy di cư chạy ra bến tàu. Đồng bào di cư, từng đợt xuống tàu, xếp hàng đôi lĩnh 700 đồng một đầu người cọng thêm vài thước vải, vài hộp sữa rồi bước nhanh tới xe cam nhông để được đi định cư ở Cái Sắn, Ba Bèo, Hố Nai … Lúc đồng bào đến cam nhông, Y Vân – Từ Lang “oeo cơm” đồng bào:
Ngày trở về
anh bước lê
trên quãng đường đê
đến bên lũy tre
Nắng vàng hoa
vườn rau trước hè
chờ đón người về …
Tôi theo dõi cuộc tiếp đón đồng bào di cư với sự hiện diện “văn nghệ giúp vui” của Y Vân. Bèn thấy rằng, cứ đến câu “ngày trở về có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ” là đợt hai đã tới xe cam nhông. Y Vân lại tay đờn miệng ca Ngày trở về từ đầu ! Y Vân đấy, tác giả mấy chục ca khúc phổ thông nổi tiếng, một trong những người soạn hòa âm hay nhất Sài gòn trước 1975, đã bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình “chông gai mông mênh” như thế đấy. Con đường vào văn nghệ, có thể, rất khó và, cũng có thể, rất dễ. Nhưng, đa số những tài năng văn học, nghệ thuật được quần chúng ngưỡng mộ đều khởi sự từ cái rất khó. Không cách nào len vào văn nghệ bằng rình mò bôi bẩn một danh sĩ, bằng âm mưu đánh nát một tác phẩm của danh sĩ hay bằng trò chơi bần tiện là phục kích danh sĩ mấy viên đá đố kỵ hèn mạt ở những mục “Hộp thư, Tin văn, Sổ tay văn nghệ” của những con mối cả đời chưa làm nổi một bài thơ, một truyện ngắn bình thường hiện thân. Hãy nghe Trúc Sĩ, tác giả Kẽm trống , Cánh tay đau , Thét hận , Sao rơi :
Thi nhân ta, én cùng loài
Huyết tâm nhả lệ cho đời giăng tơ
Những kẻ thích khạc đờm vào đời sống, vào văn nghệ, một thi sĩ đã có chữ nghĩa xứng đáng cho chúng nó: Sa đích văn nghệ. Hơn cả sa đích, đó là bọn ngụy văn nghệ, bọn văn nghệ mạo hóa, bọn văn nghệ nhận vơ, bọn văn nghệ nước đục. Văn nghệ chân chính phiêu bồng lắm:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Còn có kẻ hòa hoãn đầu lưỡi, thù hận đáy tim, ôm hôn trước mặt, đâm dao sau lưng, gian dối đủ điều, ném đá dấu tay, phao tin huyễn hoặc, cũng rằng văn nghệ đấy, thi sĩ nọ chưa có chữ nghĩa tung ra. Vậy tạm gọi nó là văn nghệ Mao Diên Thọ ! Chắc chắn “thi sĩ của tình yêu” đồng ý.
Y Vân là con người văn nghệ chân chính. Nó thấy tôi đàn hát, ghé sang chơi. Nó bảo tôi đánh đàn. Tôi tủ bài tập số 14 của Carulli, múa may. Nó phát biểu:
- Cậu chịu khó tập, sẽ chơi hay lắm. Tôi mới chỉ chạy một số “ác co” đủ dùng. Tôi phải học thêm.
Một hôm, tôi không hiểu xảy ra chuyện gì, thân mẫu của Y Vân đập nát thùng bát đĩa cổ đem từ Bắc vào. Tôi ngại hỏi và Y Vân không kể. Bên cạnh “nhà” Y Vân có Đỗ Tiến Đức ***. Thằng này đầu bự, trán cao, đi nhanh và mặt cứ vác lên. Nhưng nó hiền lành, nhã nhặn. Nó đang “cọng tác” với báo Ban Mai , bút hiệu Đằng Giao. Tôi nể Đỗ Tiến Đức lắm. Nó đã là … nhà văn, nhà báo mà tôi thì chưa là nhà gì cả. Không lẽ tôi chỉ là Nhà Hát Tây ? Tôi có vẻ ghen với Đỗ Tiến Đức. Tuy vậy, tôi vẫn lén mua báo Ban Mai về đọc xem “tác giả” Đằng Giao viết có hay bằng Thanh Nam không. Tốn tiền năm số báo mới vớ đúng bài của nhà văn Đằng Giao. Theo đúng mốt văn nghệ di cư 1954, nhà văn Đằng Giao diễn tả tấm lòng nhớ quê cha đất tổ bên kia sông Bến Hải. Tôi đã trót đọc Tô Hoài, Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh và tôi thấy Đằng Giao thường quá, tuy tôi chưa viết được bằng nó. Học thói “sư phụ” Đàm Viết Minh, tôi nói phét với riêng tôi: “Ông mà viết, sẽ hay hơn mày, Đằng Giao ạ !”. Tưởng Đỗ Tiến Đức nên tự hào, vì, hầu như không một ai đã đọc Đằng Giao viết báo Ban Mai ấm ớ trước khi đọc Đỗ Tiến Đức, tác giả tiểu thuyết Má Hồng , giải thưởng văn học nghệ thuật toàn quốc, hạng nhất. Đỗ Tiến Đức đã bắt đầu sự nghiệp văn chương của nó từ cái rất khó, rất khổ. Như Y Vân. Ở đâu đó, tôi đã viết Đỗ Tiến Đức tặng Trần Duy Cát bút hiệu Đằng Giao, họa sĩ, tổng thư ký nhật báo Sống.
Cậu Đỗ Tiến Đức có vẻ thẹn thùng mỗi lần gặp mặt tôi. Hình như cậu Đức không mấy tin cậu sẽ trở thành nhà văn nổi tiếng mai sau. Một lần, tôi mời cậu vào chỗ tôi chơi, cậu vội vàng hỏi:
- Nghe nói mày đã chơi đàn ở Dancing Hà nội hả ?
- Ai nói ?
- Bạn tao. Nó nhận ra mày. Nó bảo mày là bạn thân của thằng thổi trompette.
- Ừ. Tại sao bạn mày nhận ra tao ?
- Nó theo anh nó đến Dancing Régina, thấy mày ngồi uống với mấy thằng nhạc sĩ.
Tôi bị “xuyên tạc” âu yếm là nhạc sĩ chơi Dancing. Hèn chi, Đỗ Tiến Đức ớn tôi. Cứ kệ nó tưởng. Tôi bở và nó chẳng mất mát gì.
- Mày viết văn hồi nào ?
- Hồi còn ở Hà nội.
- Báo nào ?
- Mấy phụ trang văn nghệ của nhật báo.
- Quen Thanh Nam không ?
- Không.
- Mày viết mỗi bài bao nhiêu tiền nhuận bút ?
- Đủ uống cà phê.
Tôi mong viết văn được trả nhuận bút uống cà phê như Đỗ Tiến Đức. Tình thực, lúc ấy, tôi muốn bộc lộ tâm sự và nhờ nó dẫn dắt tôi vào con đường văn nghệ, dẫu rằng tôi không phục nó. Có lẽ, dưới con mắt xấc xược của tôi, tôi đã chê bụt chùa nhà. Văn nghệ Nhà Hát Tây ra cái gì ! Đỗ Tiến Đức mà không ở Nhà Hát Tây, lại quen thân với Thanh Nam, tôi sẽ phục sát đất. Văn nghệ Nhà Hát Tây đấy, Y Vân ca sĩ Phủ đặc ủy di cư, chuyên trị Ngày trở về. Vẫn Y Vân, vẫn Ngày trở về mà nó hát trên đài phát thanh, trên sân khấu phụ diễn tân nhạc và đừng quen tôi, đừng ở Nhà Hát Tây, tôi sẽ phục sát đất. Thay vì nhờ vả Đỗ Tiến Đức, tôi diễu cợt nó:
- Đằng Phương là thầy mầy à ?
- Không.
- Thằng nào đó ? Thơ của nó in trong sách Tập đọc lớp nhất. Bút hiệu của mày là Đằng Giao, tao ngỡ mày là học trò Đằng Phương chứ ?
- Tao không quen Đằng Phương.
Tôi đâu ngờ Đằng Phương là ông giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và, về sau học Quốc gia hành chánh, phó đốc sự Đỗ Tiến Đức, trưởng ty thuế vụ Tuy Hòa, giám đốc Nha tâm lý chiến Bộ thanh niên, giám đốc trung tâm điện ảnh quốc gia, đạo diễn các phim Ngọc Lan , Yêu lại gặp gỡ giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Đỗ Tiến Đức trở thành bạn thân của tôi từ cuối năm 1954. Như một thằng tôi sắp kể đây, một thằng văn nghệ đúng nghĩa.
Tên nó là Đặng Trí Hoàn. Nó giống hệt cái xe đạp di cư của nó. Không chuông, không phanh, không đèn, không chắn bùn, không chắn xích, xe đạp của Đặng Trí Hoàn rất xứng đáng đem triển lãm tại hội chợ quốc tế đồ phế thải còn xử dụng tốt. Xe đạp liệng vỉa hè chẳng ma nào thèm nhặt mà Đặng Trí Hoàn cứ tốn sức vác lên, vác xuống, mỗi lần dạo cảnh Sài gòn. Nó dạo cảnh nhiều lần một ngày, kẻ vác xe đạp không biết mệt mỏi. Thằng này yêu kỷ niệm. Xe đi học của nó từ Hà nội leo máy bay vô Sài gòn, nó cần gìn giữ. Tinh thần “gìn vàng giữ ngọc” của thằng này cao vòi vọi. Trong dáng dấp của nó chả thi sĩ tí nào. Thế mà nó lại làm thơ ! Bút hiệu của nó trùng với nhãn hiệu nước mắm mà tôi quen dùng, nên tôi gọi đùa nó là thi sĩ nước mắm Hoài Hương. Ai dám nghĩ thi sĩ nước mắm Hoài Hương của tôi sẽ là thi sĩ Hà Huyền Chi lừng lẫy hôm nay ? Nó và Đỗ Tiến Đức “thao túng” văn nghệ báo Ban Mai . Tôi đọc thơ nó, không thấy dáng dấp Huy Cận, Nguyễn Xuân Huy song đã có nét lắm. Tôi nể nó, nó chẳng biết, lại nể nang tôi ra mặt. Hà Huyền Chi cũng bắt đầu sự nghiệp thi ca từ cái rất khó, khó hơn Đỗ Tiến Đức.
Nhà văn Đằng Giao và nhà thơ Hoài Hương tạo cho tôi cảm hứng … mua báo. Tôi mua nhật báo Tự Do , “tiếng nói của người Việt di cư chống cọng” do Tam Lang, Mặc Đỗ, Đinh Hùng, Như Phong, Mặc Thu chủ trương biên tập. Bố tôi đã mê Tam Lang, bây giờ tôi thích đọc mục “Sài gòn muôn mặt”, phiếm luận của Tam Lang. Ở báo Tự Do , tôi khoái biếm họa của Nguyễn Gia Trí, thơ trào lộng của Thần Đăng Đinh Hùng và tiểu thuyết của Nguyễn Hoạt. Tôi còn mua báo văn nghệ Thẩm Mỹ của nhóm Thanh Nam, Nghệ Thuật của nhóm Tô Kiều Ngân và Việt Bút của nhóm Trúc Khanh. Tôi đã thuộc lòng bài thơ Trời chớm vào thu của Nguyễn Minh Lang đăng trên Thẩm Mỹ .
Trời chớm vào thu ươn ướt mưa
Sông sâu chừng thấm lạnh đôi bờ
Hoa vàng ý cúc phơi màu nhớ
Nằm giữa thôn hiền gọi cố đô
Ta ở nơi này nhớ những ai
Đành thôi câu chuyện khách trang đài
Sông kia có gợi niềm u uất
Cũng thể đôi lòng sớm nhạt phai
Ôi tóc xanh này phai với thu
Ngàn năm còn khóc chuyện sông hồ
Bài ca trường dạ ngâm chưa dứt
Đã thấy dâng buồn ngát ý thơ
Chiều xuống mưa xanh màu nhớ thương
Hơi thu man mác gió lên đường
Cố nhân xa cách nghìn sông núi
Cách biệt đôi bờ thoảng phấn hương
Ta gọi em thầm em gái ơi
Chiêm bao toàn những chuyện phương trời
Hờn lên ly rượu miền gai lửa
Chợt thấy em sầu lệ đẫm rơi
Với tôi, hồi ấy, bài thơ này hay lắm, hay đến nỗi tôi thuộc lòng. Về sau vào làng văn nghệ, chơi thân với Thanh Nam, tôi hỏi nó:
- Nguyễn Minh Lang cũng làm thơ à ?
Nó đáp:
- Không.
- Tao thuộc bài Trời chớm vào thu của nó đăng ở Thẩm Mỹ của mày.
- Mày thuộc ?
- Ừ.
- Đọc tao nghe.
Tôi đọc. Thanh Nam sảng khoái:
- Mày thuộc thơ của tao. Tao quên mà mày nhớ.
Tôi ngạc nhiên:
- Của mày ?
- Ừ. Tao ký tên Nguyễn Minh Lang. Hơi hướm Đôi bờ của Trần Quang Dũng, phải không mày ?
- Dĩ nhiên là bây giờ. Dạo đó, ông mê Nguyễn Minh Lang, Thanh Nam, ông cóc cần bới lá tìm sâu.
Đằng Giao Đỗ Tiến Đức và Hoài Hương Đặng Trí Hoàn bắt tôi tốn tiền mua cả báo Ban Mai có hai đứa viết truyện, làm thơ. Tôi quen chưa kể, láng giềng của Đỗ Tiến Đức là anh em Đỗ Quý Tường, Đỗ Quý Toàn. Đọc báo hoài vẫn chưa thộp cổ được thằng cảm hứng viết lách, tôi “đố kỵ tài năng” thi sĩ nước mắm Hoài Hương ghê lắm. Tự ái không cho phép tôi thọ giáo “sư phụ” Đỗ Tiến Đức. Ít ra, trong đầu óc cu Đức, tôi đã chơi đàn ở Dancing Hà nội và đang có người yêu Cung thị Ngọc Anh, nữ sinh Trưng Vương, thơm hơn chả chó. Chúng nó làm thơ giỏi, viết văn hay mà chả em nào mê cả. Chúng nó sẽ hút thuốc lá Kent dài dài. Kent là Không Em Nào Thương, như Ngym là NGười Yêu Mình, như Typhn là Tôi Yêu PHụ Nữ, như Tchya là Tôi CHẳng Yêu Ai. Người yêu của tôi dụ dỗ tôi sáng tạo thi ca, tiểu thuyết đủ lời, tôi cứ ì ra. Triết lý của tôi: làm thơ, viết văn là để tán gái. Không tán gái mà gái vẫn lăn xả vào yêu thì làm thơ, viết văn chi nữa. Đã có người yêu, ta cứ thực thi âm nhạc Ngọc Bích “ngồi bên em dưới trăng mơ màng, kề đôi má lựa mấy cung đàn …”.
Nhưng, một hôm, một hôm oan nghiệt của đời tôi, một hôm tôi cầm dao thọc cổ văn học sử Việt Nam chảy máu ròng ròng …
o O o
Em Ngọc Anh đến thăm tôi “một chiều đông”. Tôi cầm tay em, hôn tóc em. Đang âm mưu uống hương tình trên môi em thì ôm chặt lấy tôi, khóc nức nở. Tôi mặc kệ em ôm tôi. Ngu sao mà gỡ tay em ra ? Thi sĩ nước mắm Hoài Hương mà nhìn rõ em gái Ngọc Anh ôm chặt tôi khóc nức nở, nó sẽ thèm nhỏ rãi. Nó đã từng lé mắt thấy tôi ôm đàn ngồi trên cửa sổ chuồng cu, ngó sang hãng Boy Landry (khách sạn Caravelle sau này) nghêu ngao hát ca khúc Tình thắm của Văn An, nhạc sĩ mới ra lò của Hà nội: “Tôi nhớ một chiều đơn côi chớm thu, em đến thăm tôi hoàng hôn khi nắng tàn …”. Hoài Hương Đặng Trí Hoàn, mày có thơ đăng báo Ban Mai , ông có em gái Ngọc Anh. Đỗ Tiến Đức cay cú tôi cuỗm trước em Ngọc Anh, sau này bày đặt đạo diễn phim Ngọc Lan . Tôi không biết làm thơ thì tôi vác thơ của các thi sĩ mà tôi ngưỡng mộ ra đọc trơn tru vậy. Cám ơn “sư phụ” Đàm Viết Minh. Cám ơn “sư phụ” Nguyễn Thịnh. “Sư phụ” thứ nhất dạy tôi chép thơ, thuộc thơ. “Sư phụ” thứ hai dạy tôi cua gái. Ý sâu sắc của “sư phụ” Nguyễn Thịnh, nay tôi vừa vỡ nghĩa. Phải yêu mới biết nhớ. Phải nhớ mới biết buồn. Phải buồn mới biết nỗi rét mướt của chờ đợi. Phải ôm em và được em ôm mới biết cái ngây ngất của tình yêu và có một định nghĩa “thoảng hương thơm một da thịt đàn bà”. Hình như, “sư phụ” Nguyễn Thịnh đã không nói nổi những điều mình muốn nói với “đệ tử”. Sự tưởng tượng phải lọc qua sự thật thì nó mới tha thiết, đằm thắm. Đẩy mơ mộng lên cao bằng thanh khí thực tế. Tại sao tâm hồn vu vơ ? Tại sao buồn phải dậy ? Xuân Diệu viết:
Gió đã nổi cho nên buồn phải dậy
Hồn vu vơ lỗi ấy bởi mây đào
Mỗi tưởng tượng cần thiết một cái cớ. Thi sĩ phải nhìn rõ cái cớ, biết chính xác cái cớ ấy. Theo tôi. Nhưng, tôi không phải là thi sĩ lúc em gái Ngọc Anh ôm tôi khóc nức nở. Tôi đã nói tôi mặc kệ em khóc, em ôm chặt. Tôi vuốt tóc em, thầm thì thơ Nguyễn Xuân Huy:
Em đang thêu bên cửa
Mơn mởn trăm vẻ xinh
Anh ghé đến ngồi cạnh
Vuốt ghẹo làn tóc xanh
Tôi cầm tay em, thầm thì thơ Nguyễn Bính:
Cầm tay anh khẽ nói
Khóc lóc mà làm chi
Hôn nhau một lần cuối
Em về đi anh đi
Em gái nức nở chán chê thì bèn thỏ thẻ:
- Anh ơi, em khổ quá.
Tôi nhỏ nhẹ:
- Khổ thấy gì ?
- Khổ vô cùng.
- Vô cùng chưa đủ đâu em ạ ! Phải thấy cái gì chứ ?
- Em khổ thấy … mồ.
Nàng thấm khô nước mắt, thuật cho tôi nghe nỗi khổ thấy mồ của nàng. Có nhiều nỗi-khổ-thấy lắm. Tha thiết như nỗi khổ thấy mẹ. Bùi ngùi như nỗi khổ thấy ông bà. Mãnh liệt như nỗi khổ thấy ông cố nội. Rụng rời như nỗi khổ thấy … con đĩ mẹ ! Nỗi khổ thấy mồ của em Ngọc Anh đã có đám ma, huyệt mộ, phu nhà đòn, kể rằng cũng khổ thượng hạng. Tôi lắng tai nghe:
- Trước khi yêu anh, em trót yêu một người ở Hải Phòng. Em yêu anh ta vì anh ta làm thơ.
- Thơ thằng này hay bằng thơ của thi sĩ Hoài Hương không ?
- Tuyệt diệu.
- Tuyệt diệu thấy bà cố nội hay thấy con đĩ mẹ ?
- Xin anh đừng nổi giận, anh đừng ghen. Em sẽ chỉ còn yêu anh thôi, yêu anh trọn đời.
- Yêu anh sao còn nhắc thằng thi sĩ làm thơ quảng cáo thuốc ho Bà lang Trọc trên xe điện ấy và khen thơ nó tuyệt cú chó ! Than ôi, anh yêu … sái nhất. Nó hút thuốc cống, anh phuym sái.
- Em van anh, cho em nói …
- Nói đi !
- Gặp anh em mới hiểu mình quá dại đi yêu anh ta. Em tưởng anh ta ở lại Hải Phòng. Ai ngờ …
- Ngờ sao ?
- Anh ta vào Sài gòn và tìm em.
- Rồi sao ? Nó cọng tác với Ban Mai hay Thẩm Mỹ ?
- Anh ta chưa hề cộng tác với báo nào.
Tôi thở phào nhẹ nhõm:
- Em yêu dấu, sái nhất của anh, em nói tiếp đi …
Nàng buồn bã:
- Em nói thật em đã yêu anh. Em chỉ nơi ở của anh cho anh ta. Em bảo anh âm nhạc và văn chương cự phách. Anh ta sẽ tìm anh …
Nàng hôn môi tôi:
- Gặp nó, anh hãy chứng tỏ anh hơn nó nhé, anh Long trìu mến của em ! Anh Long, “hoàng tử của lòng em!”.
Nàng về, đôi mắt đỏ hoe. Tôi nhìn nàng đi. “Em đi áo mỏng buông hờn tủi”. Tôi chuẩn bị nghênh tình địch. Các “đệ tử” lục huyền cầm của tôi được dặn dò bố trí. Nguyễn Xuân Nhân sẽ cởi trần cho tình địch của tôi khiếp sợ bắp thịt tập tạ của nó. Lê Như Quỳnh sẽ làm khuôn mặt mình cô hồn hơn cho tình địch của tôi thoáng nhìn đã bủn rủn. Tạ Văn Ân thay cặp kính trắng bằng kính đen ra vẻ … cớm. Ba đứa lảng vảng bên ngoài để bảo đảm hội nghị tình yêu. Nghe tiếng hét, “đệ tử” phải ào vô cứu “thầy” gấp, chớ để thầy sưng quai hàm. Vũ Khắc Niệm, thằng bạn học Thái Bình, mê tôi, theo tôi “sống đời nghệ sĩ”, được miễn dịch vụ. Vì nó là “sư thúc” của ba thằng “đệ tử” của tôi.
Tình địch của tôi đã tới. Tôi cam đoan miêu tả nó chính xác, dù, hồi đó, tôi chưa là nhà văn, chưa phát nguyện “trọn đời đi trên con đường Chân Thật”. Tình địch của tôi đứng ngẩng đầu thật thẳng cũng chỉ ngang vai tôi. Nó lùn tì. Cặp mắt ti hí. “Những người ti hí mắt lươn, Trai thì trộm cướp gái buôn chồng người”. Thời ấy, cuối năm 1954, Quốc Phong đang làm Giám đốc Trung tâm huấn luyện cán bộ thông tin của Bộ Thông Tin mà Tổng trưởng là Phạm Xuân Thái, chưa xuất bản tuần báo Kịch Ảnh và Mai Châu chưa xuất bản tuần báo Màn Ảnh và cũng chưa có cuộc bút chiến du kích trong phóng sự tiểu thuyết giữa hai nhà văn ăn khách Văn Quang và Tuấn Huy. Chứ không, tôi đã thuổng ngôn ngữ của Tuấn Huy để miêu tả cặp mắt tình địch của tôi. Tôi sẽ không nói nôm na. Tôi nói bác học, theo Tuấn Huy: mắt nó giống hai sợi chỉ đen, người ta chỉ thấy lông mày, thiếu hẳn lông mi. Mắt ti hí, nó khó lòng đẹp trai. Được cái tóc nó bồng bềnh tự nhiên, rất thi sĩ, khỏi tốn “bi ăng tin” The Evening in Shanghai. Mặt nó đầy tàn nhang. Trán nó thấp như trán tôi. Miệng nó nhỏ xíu, hàm răng thưa. Nhưng nó rất lịch sự. Nó bắt tay tôi, niềm nở:
- Tôi là Nghĩa, chắc anh là Long.
- Phải, Long dao cầu !
Tôi nhắc biệt danh Đính phở tặng để tình địch của tối nhớ những Vinh trổ, Bàng xoăn, Quý bệu, Hải lùn … Nó không ớn.
- Ngọc Anh cho tôi “địa chỉ” của anh.
- Thế hả !
- Tôi muốn nói với anh một câu thôi.
- Dài không ?
- Không dài mấy.
- Nói đi !
- Giữa anh và tôi chẳng có chuyện gì cả vì chúng ta chưa từng quen nhau. Ngọc Anh phản bội tôi. Tôi vì nàng làm hàng trăm bài thơ không đăng báo, vì nàng bảo tôi đừng đăng báo, làm thơ cho riêng nàng đọc thôi và đã cho nàng rồi thì xé bản thảo đi. Tôi xin đọc anh nghe hai câu thơ của Nguyễn Bính: “Một trăm con gái thời nay ấy, Đừng nói ân tình với thủy chung”. Anh là nhạc sĩ kiêm văn sĩ, anh cần suy nghĩ hai câu thơ của Nguyễn Bính. Ngọc Anh đã phản bội, sẽ phản bội. Nàng thấy anh tài hoa hơn tôi, đẹp trai hơn tôi, nàng bỏ rơi tôi.
Tôi nghe mủi lòng, an ủi nhà thơ tình địch của tôi:
- Anh sẽ trở thành thi sĩ bất hủ.
Nó đưa cho tôi cái phong bì lớn:
- Cám ơn anh. Nhờ anh chuyển giùm tận tay Ngọc Anh.
Tôi đỡ cái phong bì. Thi sĩ Nghĩa chào từ biệt tôi. Trên con đường văn nghệ bát ngát mông mênh, vạn nẻo, không bao giờ tôi tái ngộ chàng nữa. Có lẽ, chàng đã phẫn tình đời đen bạc đăng lính biệt kích, đi đốn củi trên rừng hoặc câu cá ngoài khơi, hoặc đẩy xe khô cá mực, khô cá thiều mai danh ẩn tích ở ngoại ô đen vàng hiu hắt. Bị đào đá không bao giờ trở thành thi sĩ lừng lẫy cả. “Sư phụ” Nguyễn Thịnh của tôi đã sai lầm. Thi sĩ Nghĩa đem thơ Nguyễn Bính dạy dỗ tôi bài học chung thủy của con gái thời nay. Chàng bị em Ngọc Anh đem tôi ra hù và chàng tưởng – như em đã tưởng – tôi là nhạc sĩ, văn sĩ ! Cung cách đối xử của Nghĩa quả là cung cách của một thi sĩ. Chàng chân thành nhận chàng kém thớ hơn tôi và chàng rút lui có trật tự. Tâm hồn thi sĩ Nghĩa rất hiếm hoi trong vùng trời thi ca bây giờ. Thi sĩ bây giờ, có kẻ hồn làm thơ tình yêu mà tim nghĩ chuyện chụp mũ, bêu nhục đồng nghiệp, ăn quỵt tiền nhuận bút, ném đá dấu tay, đâm bị thóc chọc bị gạo, tự đồng hóa mình với phường vô lại. Tôi cảm thấy xấu hổ đã chuẩn bị nghênh tình địch. Tôi không xứng đáng là tình địch của thi sĩ Nghĩa. Chàng hơn tôi mọi mặt.
Đợi thi sĩ bị đào đá rời khỏi Nhà Hát Tây khá lâu, tôi mới giải tán chúng “đệ tử” và vi phạm luật lệ nhân quyền bằng cách bóc thư của thi sĩ gửi cho tình nhân cũ ra coi lén. Thơ. Một tập thơ mỏng chép tay nắn nót với lời đề tặng ở trang đầu: “Cho em nốt những bài thơ anh chưa kịp cho em, vì còn tiếc nuối giữ lại. Hãy cất kỹ bản thảo này, ngoài em anh cũng chẳng còn. Khi em chết, nhớ mang theo … Người tình đầu của em: Văn Nghĩa …”. Thi sĩ bị đào đá văn hay, chữ tốt. Tôi đọc mấy câu của chàng đã xa xẩm mặt mày:
Có một sớm con chim xanh tình ái
Vào hồn anh trong giây phút đăm chiêu
Anh cảm thấy lòng anh đau tê tái
Vì từ nay anh đã bắt đầu yêu …
Thơ của thi sĩ Văn Nghĩa tuyệt diệu. Chàng dồn tôi vào thế bí. “Anh hãy chứng tỏ anh hơn nó nhé, anh Long trìu mến của em ! Anh Long “hoàng tử của lòng em”. Nàng Ngọc Anh xùy tôi. Con mái xùy con trống. Tôi đã bị nhận vơ nhạc sĩ, văn sĩ. Bị nhận vơ rồi nhận vơ ầm ừ, nửa thật nửa giả, hư hư thật thật. Tôi không thích làm nghệ sĩ giả vờ nữa. Tôi cần làm thơ. Tôi cần giữ em Ngọc Anh, cần lấy sợi giây thừng thi ca buộc chân em Ngọc Anh lại. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh hát: “Đời mà vắng em anh mất vui”. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương ngâm: “Đời vắng em rồi say với ai”. Tôi không nên vắng em. Em vẫn lên Nhà Hát Tây thăm tôi khiến văn sĩ Đằng Giao, thi sĩ Hoài Hương thèm nhỏ rãi. Em thủ thỉ: “Anh viết truyện ngắn xã hội, làm thơ nhớ quê hương, anh nhé !”.
Thế là tôi cầm dao thọc cổ văn học sử Việt nam chảy máu ròng ròng …
Chú thích
* Tháng 4 năm 1987, Amnesty International, nhóm Remiremont mời tôi ra mắt tác phẩm mới của tôi tại đây, sau Un Russe à Sai gon. Tôi hứa sẽ tới với La Colline de Fanta. Trong thư, tôi đề cập một nhà văn Việt Nam đã sống ở Remiremont và đã viết nhiều về Remiremont. Nhóm AI Remiremont tỏ ra sung sướng và hãnh diện.
** Đan Trường, tác giả chiếc áo the thâm, đạo diễn phim Giá hạnh phúc đã chiếu ở Hà nội năm 1954. Tôi đã uống rượu với anh hai lần tại Paris. Anh mời tôi về Brest chơi, chỉ tôi chỗ Jacques Prévert ngồi làm thơ “Mưa tơi trên bến Brest”.
*** Hiện là chủ nhiệm tuần báo Thời Luận, xuất bản ở Los Angeles, CA.