Chương Mười Ba
Tác giả: Duyên Anh
Tôi lên Ban mê thuột sống với Đặng Xuân Côn. Nông Cụ Cơ Giới trực thuộc Nha Nông Cơ của Bộ canh nông nằm ở cây số 4 trên đường Ban mê thuột – Sài gòn. Hành lý của tôi có thêm ba cái truyện ngắn chưa hề gửi đăng báo. Nông cơ ở đây cho mướn máy cày, máy ủi và sửa chữa máy cầy, máy ủi. Nó chiếm một khoảng đất khá lớn. Côn làm việc hành chính, lương xấp xỉ 3000 đồng.
- Tao phải theo đảng Duy Dân đấy.
- Tôi biết.
- Đảng “gài” tao vào Nha Nông Cơ vì người của Đảng làm lớn ở cái Nha thổ tả này.
- Sao nữa ?
- Điều kiện khắt khe: Mỗi tháng trích 30 phần 100 số lương nộp Đảng.
- Đảng thu hụi chết à ?
- Ừ.
- Đảng bần tiện quá.
- Kệ mẹ Đảng, tao chưa nộp thuế mồ hôi tháng nào. Ông sẽ quỵt. Tháng 5 tao tếch về Sài gòn học thi tú tài. Có tú tài mới ngóc đầu lên nổi. Mấy thằng thợ máy thương tao lắm. Chúng nó sẽ gom tiền nuôi tao ăn học 2 năm. Mày học lại không ?
- Ai nuôi tôi ?
- Thì đi kèm trẻ.
- Không, tôi học hết nổi. Mất căn bản, học con mẹ gì nữa mà học !
- Mày cứ lêu bêu mãi ?
- Đành vậy thôi.
Tôi “đóng chốt” ở cây số 4 từ đầu tháng 3-1959. Những ngày ở cây số 4, tôi đã vào ngoạn cảnh thác Drayling hùng vĩ. Thác Drayling đẹp hơn, thơ mộng hơn thác Niagara mà tôi đã xem trong phim Mỹ. Tôi cũng có chuyến du lịch rẻ tiền lên Pleiku bằng xe vận tải của Nông Cụ Cơ Giới Cuộc mà Tiến là tài xế, Ngọt* là lơ. Chúng tôi cho Mọi quá giang từng khúc, tính giá bình dân đủ tiền cơm rượu dọc đường. Kỷ niệm tê tái của chuyến giang hồ này là xe chết máy giữa đường, tôi đứng phụ Ngọt bê từng món đồ tiến tháo máy xe ra. Tôi làm chao nghiêng cái khay gì đó, dầu máy chảy ướt hai ống quần phía trước. Nông Cụ Cơ Giới Cuộc có một nhân vật kỳ bí là Nguyễn Văn Hòa, trưởng phòng kế toán, nghiện thuốc phiện. Ông ta thuê phòng trong thị xã Darlac để tiện ngả bàn đèn. Xe của Cuộc đưa rước ông Hòa. Vì ông ta khoe ông ta là em vợ nhà văn Nhất Linh nên tôi phục ông ta lắm, tưởng rằng ông ta sành điệu văn chương. Ông Hòa nhắc nhở Nhất Linh bằng tất cả tấm lòng ngưỡng mộ. Một điều ông “anh Tam”, hai điều ông “anh Tam”. Ông Hòa rủ tôi vào thị xã, dạy tôi tiêm thuốc phiện, nằm bàn đèn với ông, nghe ông kể chuyện đời phiêu bạt của ông sang Lào, sang Cao mên, sang Tầu … Tôi từ chối.
Đầu tháng 5, Đặng Xuân Côn về Sài gòn, tôi đành tá túc nhà ông Hòa vừa làm phi líp nhỏ vừa làm bồi bàn đèn. Ông ta sống một mình tại cái xứ khỉ ho cò gáy này, tiền kiếm được chỉ ăn cơm đen và ăn cơm tiệm. Có tôi, ông ta ăn cơm trắng tại gia. Tôi ra tiệm mua về. Nhiệm vụ của tôi là nấu nước pha trà, thắp đèn dầu lạc và dấu mâm đèn khi ông Hòa đang no nê. Ông ta dạy tôi làm thuốc, nhưng tôi không có khiếu bồi tiêm nên tiêm rất vụng, không “đạt chỉ tiêu”. Ông ta phải làm thuốc lấy. Còn tôi nằm đối … hít cho ông ta vui và để ông ta sai vặt, hoặc nghe chuyện cách mạng muôn năm không thành công của ông ta.
Một hôm, tôi hỏi ông Hòa:
- Thưa bác, bác có viết văn không ạ ?
Ông ta đáp:
- Đã có anh Tam viết văn quá hay, thêm tao làm gì ?
- Bác đã đọc Thạch Lam chưa ?
- Rồi.
- Bác thấy thế nào ?
- Truyện ngắn của chú Lân bất hủ, nhất Việt Nam đấy.
- Còn Nguyễn Tuân ?
- Hừ, vất đi.
- Cháu đang tập viết truyện ngắn.
- Thế hả ? Đưa tao coi thử.
Tôi trịnh trọng nâng ba cái truyện ngắn tận tay người em vợ của nhà văn Nhất Linh. Vừa đọc qua, ông đã phê bình gay gắt:
- Danh sĩ cỡ anh Tam, cũng chỉ ký bút hiệu Nhất Linh đâu có ký Nguyễn Tường Tam. Mày hậu sinh khả ố, không biết khiêm tốn là cái gì, vác tên cúng cơm của mày ra làm trò hề.
Ông ta trả truyện tôi, chẳng thèm đọc xem tôi viết ra sao.
- Mày đọc Quốc văn giáo khoa thư chưa ?
- Rồi ạ !
- Đọc hay là học ?
- Hồi nhỏ, cháu học.
- Hồi nhỏ mày biết gì. Quốc văn giáo khoa thư nhiều bài khó ra phết, lớp dự bị, lớp sơ đẳng hiểu sao nổi. Hôm nay mày đã lớn, mày hiểu rồi đấy, vậy tìm đọc lại đi.
- Dạ.
- Đọc thêm Luân lý giáo khoa thư nữa.
- Dạ.
- Mày biết tại sao mày phải đọc không ?
- Không.
- Ông Trần Trọng Kim viết Nho giáo , viết Việt Nam sử lược mà viết sách dạy học trò lớp ba, lớp bét, tất nhiên văn ông ấy phải giản dị, tươi sáng, gẫy gọn. Ông ấy còn soạn sách Văn phạm Việt Nam nữa. Mày nghe tao, muốn bút pháp độc đáo, mày nên học cách viết ở Quốc văn giáo khoa thư .
- Cám ơn bác.
- Tao cho rằng, dẫu tư tưởng cao siêu cách mấy, dẫu vấn đề rắc rối cách mấy, vẫn có thể diễn đạt bằng cách hành văn giản dị, tươi sáng, gẫy gọn.
- Dạ.
- Nhưng mà muốn viết văn giản dị, tươi sáng, gẫy gọn, mày phải học dài người mày ra. Trần Trọng Kim mới viết nổi Quốc văn giáo khoa thư lớp đồng ấu.
- Dạ.
- Mày thuộc bài Tôi đi học , bài đầu của Quốc văn giáo khoa thư lớp đồng ấu, sau khi đã học chữ, học vần không ?
- Thuộc.
- Đọc tao nghe coi.
Tôi đọc:
“Năm nay tôi lên bẩy. Tôi lớn rồi. Tôi không còn chơi bời lêu lổng như những khi còn bé. Tôi đi học. Tôi học đọc, học viết, học làm tính và nhiều môn học khác nữa.
Tôi cố tôi học. Tôi chăm tôi học. Học sao cho mau tấn tới, cho văn hay chữ tốt, cho cha mẹ và thầy giáo được vui lòng”.
Ông Hòa hỏi:
- Hay không ?
- Dạ, rất hay.
- Văn thế mới gọi là bậc thầy. Câu ngắn, gọn mà đầy đủ ý nghĩa. Chấm, phẩy tài tình. Anatole France và Thanh Tịnh thua xa. Mấy tay thầy giáo soạn sách quốc văn cho con nít bây giờ, chỉ đáng xách giép.
- Dạ.
- Mày thuộc bài Cái lưỡi , Kính đeo mắt , Cách sửa mình ở cuốn lớp sơ đẳng chưa ?
- Dạ rồi.
- Tư tưởng cao siêu đấy. Người đi đường và con chó hay Con chó và miếng thịt cũng tuyệt cả.
- Dạ.
Cao hứng, ông hòa đọc:
“Sáng nay, lúc tập viết xong, tôi lại thăm bà tôi. Bà tôi nắm lấy tay tôi mà hỏi tôi rằng:
- Cháu có yêu thầy mẹ cháu không ?
- Cháu có yêu.
- Tại làm sao mà yêu ?
- Cháu biết rồi, hôm qua thầy giáo mới dạy cháu rằng, cha mẹ sinh ra ta, nuôi nấng ta, săn sóc ta, dạy bảo ta nên người. Vậy bổn phận làm con ta phải thương yêu cha mẹ”.
Ông bình phẩm:
- Dạy con nít lớp bét “thương yêu cha mẹ” thế này là nhất. Nhị thập tứ hiếu vất đi.
Ông dục tôi:
- Mày đọc câu đầu bài Phải sạch sẽ ở cuốn đồng ấu tao nghe. Đọc lớn, đọc cả chấm, phẩy.
Tôi hắng giọng:
“Một cậu bé đầu bù tóc rối, (phẩy) mặt mũi nhem nhuốc, (phẩy) tay chân dơ bẩn. (chấm)”
Ông Hòa gật gù:
- Chỉ cần một câu là hình dung ngay ra thằng bé dơ bẩn, hôi hám rồi.
Ông khen tôi:
- Mày khá thuộc Quốc văn giáo khoa thư đấy. Muốn tập viết văn, mày nghiên cứu bút pháp Quốc văn giáo khoa thư. Mấy bộ Quốc văn , Luân lý giáo khoa thư của Trần Trọng Kim dạy lớp ba, lớp bét chính là thầy dạy viết văn của mày. Nhớ nằm lòng lời tao nói.
- Cám ơn bác.
Tôi đã nằm dài mấy ngày ôn lại Quốc văn giáo khoa thư . Rồi tôi chép một số bài, nghiên cứu lối hành văn giản dị, tươi sáng, gẫy gọn. Và tôi thấm. Từ 6 năm nay, tính từ khi tôi ôm mộng trở thành nhà văn, tôi đã không hiểu mình phải học bút pháp của sách nào, của tác giả nào, của ông thầy nào. Bây giờ tôi đã hiểu rõ. Một ông thầy đã soi lối vào nhà ông thầy khác. Ông Hòa là thầy dẫn đạo. Trần Trọng Kim là thầy dạy tôi viết văn giản dị, tươi sáng, gẫy gọn. Nói chính xác, thầy dạy tôi viết văn giản dị, tươi sáng, gẫy gọn là Quốc văn và Luân lý giáo khoa thư .
Có bận, bên bàn đèn thuốc phiện, ông Hòa nói:
- Tao không chịu nổi văn chương hôm nay. Viết đã dối mà lại tối mò mò. Lập dị hay là ngu muội đây ?
Ông hỏi tôi:
- Mày định viết tiểu thuyết à ?
Tôi đáp:
- Dạ.
- Mày đừng đeo đá vào văn chương nhé ! Cũng đừng nhồi nhét siêu thực, siêu hình vào tiểu thuyết. Để cho văn chương nó bay bổng. Để cho tiểu thuyết nó rung động.
- Dạ.
- Mày có đọc Cổ học tinh hoa không ?
- Cháu chưa đọc.
Ông Hòa bèn kể:
“Vua hỏi một anh họa sĩ:
- Vẽ gì khó ?
Anh họa sĩ trả lời:
- Vẽ trâu, vẽ ngựa, vẽ chó, vẽ người ta khó.
Vua thắc mắc:
- Tại sao thế ?
Anh họa sĩ giải thích:
- Vì ai cũng thấy trâu, ngựa, chó, người ta. Vẽ sai là bị chê cười.
Vua lại hỏi:
- Vẽ gì dễ ?
Anh họa sĩ trả lời:
- Vẽ ma, vẽ quỷ dễ.
Vua lại thắc mắc:
- Tại sao thế ?
Anh họa sĩ giải thích:
- Vì không ai thấy ma, quỷ cả, muốn vẽ thế nào thì vẽ”.
Ông Hòa kéo xong một bi, chiêu ngụm trà Tầu:
- Tác giả bài này triết lý: “Than ôi, những kẻ bỏ cái khó tìm cái dễ cũng ví như họa sĩ vẽ ma, vẽ quỷ vậy !”.
Ông nhìn tôi:
- Viết văn giản dị, tươi sáng, gẫy gọn khó. Viết văn cầu kỳ, tối um, rắc rối dễ.
Hầu hạ ông Hòa gần hai tháng để tạ ơn chỉ dạy của ông, cuối tháng 7-1959, tôi giã từ ông ta, trở lại Sài gòn.
o O o
Không thể sống với Đặng Xuân Côn nữa, vì nó đã dọn về ở chung nhà ông Đặng Ngọc Lâm, sát cổng trường tiểu học Chí Hòa. Nó đang “dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa” tú tài phần thứ nhất sang năm. Tôi nên để nó yên ổn học hành. Dương Hải Trân bảo tôi tạm thời tá túc ở nhà nó. Tôi ngại phiền phức, xuống lăng Cha Cả ở với Đỗ Trọng Thủy.
Đỗ Trọng Thủy không có tiền thuê nhà riêng. Căn nhà nó đang nằm đo giường là căn nhà của thằng Hòa. Thằng này, hạ sĩ không quân nhưng dấu diếm lối xóm mình là anh cai. Nó thuê nhà gần phi trường Tân Sơn Nhứt chỉ để thay quần áo. Sáng sáng, nó mặc dân phục, phóng Mobylette tới, cởi dân phục, mặc bộ quân phục đeo lon cai. Chiều chiều, nó cởi quân phục, mặc dân phục, phóng Mobylette về nhà. Thủy đã phát mại cái Cibao. Nó chê ông cậu sợ vợ, ra đời giang hồ. Bọn thằng Vũ Thế Bắc, Nguyễn Ngọc Thúy nuôi nó sống chờ thời. Thủy xoay đâu ra cái xe đạp đàn ông không đèn, không chuông, không phanh sau, không chắn bùn, không chắn xích. Nó nộp tiền ăn cơm từng tuần lễ cho nhà hàng gần lăng Cha Cả. Tôi bắt chước nó. Tôi còn đủ tiền cơm hai tuần.
Hai tuần lễ ở lăng Cha Cả, tôi nằm nhà đọc lại ba cái truyện ngắn của tôi. Tôi sửa lại cho hành văn của tôi thật giản dị, tươi sáng, gẫy gọn. Rồi tôi cặm cụi chép lại thật sạch sẽ. Đưa cho Đỗ Trọng Thủy coi. Đọc xong truyện Hoa thiên lý , con trai ông Hiền Nhân khen nhặng xì ngầu. Rồi hỏi:
- Của ai đấy ?
Tôi nói:
- Của tao.
Nó bĩu môi:
- Đừng có nói phét. Mày viết cỡ này đã chả đói rách !
Tôi cười:
- Tao chép của thiên hạ.
Nó khoái chí:
- Ông tinh lắm, bịp ông sao nổi. Của ai ?
Tôi đáp bừa:
- Duyên Anh.
Nó gật gù:
- Thấy mày hì hục chép, ông đã nghi rồi. Mẹ kiếp, còn vờ sửa chữa ! Mà Duyên Anh là thằng nào ?
Tôi phịa:
- Bạn thân của Thanh Nam, Hoàng Hải Thủy.
Nó câm họng vì thấy Thanh Nam, Hoàng Hải Thủy lớn quá. Tôi không thể tâm sự văn chương với Đỗ Trọng Thủy. Thằng này chỉ thích tôi khẩy đờn cho nó ngâm thơ. Nó đã tập kịch thơ của Hoàng Cầm với ban kịch của Lê Văn Vũ Bắc Tiến cùng thằng Lê Quý An. Dưới mắt nó, Lê Quý An là nhất. Thằng An đang viết bài thường xuyên cho tuần báo Tin Bắc của Vũ Bắc Tiến, lại phụ trách mục phỏng vấn các em ca sĩ.
Ở lăng Cha Cả, bất ngờ, tôi gặp thằng Phạm Duy Tiếp, bạn học cũ ngoài Hà nội. Nó cho tôi biết, 5 năm liền, nó trượt thi 10 quắn tú tài một. Nó cũng vào Sài gòn một mình như tôi và chê trại học sinh Phú Thọ.
- Bây giờ mày ở đâu, Tiếp ?
- Ở với một con điếm.
- Mày lấy con điếm ?
- Lấy trên Sổ gia đình.
- Lạ thế !
- Lạ mẹ gì ! Thời buổi khó khăn, điếm bị bố ráp kỹ, cần dựa hơi học trò nghèo. Tao nhận làm chồng nó, nó tự do tiếp khứa. Căn phòng ngăn đôi bằng cái ri đô. Một bên tao ngồi bàn học ôm mộng tú tài rồi cử nhân rồi tiến sĩ để bước vào xã hội trí thức, trưởng giả. Một bên con điếm hành nghề. Bị kiểm tục hỏi thăm, cái ri đô kéo rẹt, khách làng chơi biến thành bạn thân của tao. Êm ả thì chia tứ lục, tiền nhà con điếm hứng hết. Tao đem tiền điếm bán trôn chia trả cho các ông giáo sư Phú, giáo sư Nghiên, giáo sư Bình, giáo sư Mẫn … và hàng cơm.
Tiếp gầy mỉa mai:
- Xã hội khoa bảng thì nó đốn mạt vậy đó. Nay mai tao tốt nghiệp đại học, ngu sao khai dĩ vãng điếm nuôi.
Nó cười đểu:
- Mày cầu Chúa Giê su cho tao làm tổng thống đi. Tao hứa với mày, tao sẽ đưa con điếm vợ hờ của tao lên ngôi đệ nhất phu nhân. Tao sẽ giải phóng điếm, cho điếm độc lập, tự do, hạnh phúc tiếp khách và tuyển dụng cu ly làm Bộ trưởng. Lúc ấy, đếch có thằng nào ho lao vì mảnh bằng tú tài nữa. Giai cấp xã hội mới của tao vượt … nhân vị !
Thằng này trượt nhiều đâm ra bất mãn. Tuy nhiên, tâm sự của nó cũng khiến tôi suy nghĩ. Người ta cứ bảo ông Ngô Đình Diệm nâng đỡ các vị cố đạo. Thực ra, ông Diệm đã hắt hủi cố đạo. Bằng chứng là khu vực của Cha Cả Bá Đa Lộc, tên Tây là Pierre Pigneau de Béhaine, nhiều đĩ quá xá. Ông Diệm đã để đĩ tiếp khách ở ngay trong lăng Cha Cả. Nếu ông Diệm thật lòng vì Thiên Chúa giáo, ông ấy đã giải tỏa khu lăng Cha Cả, biến nó thành vùng hành hương chuyên bán xâu chuỗi, thập tự giá, rượu lễ, bánh thánh và nước thần. Nhưng ông Diệm chí công vô tư, đứng trên quan điểm và lập trường dân tộc nên lăng Cha Cả bị bỏ bê dơ dáy và khu vực lăng Cha Cả lam phát đĩ điếm. Thật tội nghiệp cha Béhaine ! Ngài để hoàng tử Cảnh bị “thuốc” chết rũ ngoài Phú Quốc, thành thử, Chúa phạt ngài. Nếu ngài đưa ông hoàng kế vị này lên ngôi, thay thế hoàng tử Đảm, ngài đã được phong thánh và lăng của ngài bố điếm cũng chẳng dám vào.
Tôi ở lăng Cha Cả đến tuần lễ thứ ba thì cạn tiền. May mà Dương Hải Trân “viện trợ” kịp thời, đủ đóng tiền cơm bẩy ngày. Sang tuần lễ thứ tư, chờ đợi hai ngày, “viện trợ” không tới. Đã thiếu chủ quán ba bữa rồi, không dám vác mặt ra ăn nữa. Đỗ Trọng Thủy cũng đi chạy tiền cả tuần nay, chưa thấy về. Tôi nhịn đói hai ngày, chịu hết nổi, bèn xách cái xe đạp cà là dỉ mà con nhà Thủy chê đi xoay địa còm. Cái xe khốn nạn hay bị tuột xích. Đi nhanh thì sợ bóp phanh trước xe quay ngang, đành cứ đạp thong thả như nhười nhàn tản nhất thế giới. Tôi đến nhiều thằng bạn. Tất cả mải đi tán gái. Buồn tình và lạc hướng vì đói, tôi phiêu dạt lên tận đại lộ Trần Hưng Đạo. Thấy người ta đang bu quanh trước cửa nhà thờ Tin Lành góc Đề Thám – Trần Hưng Đạo, tôi táp vô coi. Lúc ấy gần 12 giờ trưa. Ông mục sư ba hoa đường đi của Chúa cứu thế. Ông ta cầm que chỉ chỏ trên bản đồ. Đợi thiên hạ dãn hết, tôi dẫn xe gần chỗ ông mục sư. Ông ta phát cho tôi hai cuốn sách mỏng, hất hàm:
- Đạo gì ?
- Dạ, Chúa ạ !
- Có tin cái bà Maria đồng trinh không ?
- Không.
- Vậy tốt. Đừng tin các lão thánh tông đồ nhé !
- Dạ, chỉ tin Chúa.
- Và tin mục sư. Cố đạo láo lếu lắm.
- Dạ.
- Cầm sách về đọc rồi tới tìm tôi ngày mai.
- Thưa mục sư.
- Gì ?
- Tôi đang thất nghiệp.
- Về tin Chúa đi, mai sẽ có việc làm.
- Tôi đói hai ngày rồi, xin ngài cho một bữa cơm. Tôi quét nhà thờ trả nợ.
- Tôi biểu cậu về tin Chúa.
- Tôi tin rồi. Chúa dạy kẻ nào xin thì được cho.
- À, tôi không phải là mục sư, hết giờ rồi, chào cậu. Về tin Chúa sẽ có việc làm.
Ông mục sư, tôi nhớ rõ mặt ông ta, vội vàng khuân đồ nghề giảng đạo vào nhà thờ rồi đóng cửa lại. Chán nản, tôi đạp xe về Vườn Chuối, đến ngôi chùa cuối đường Vườn Chuối gần đường Phan Thanh Giản. Thấy mấy ông sư trẻ vừa cơm nước xong, đang xỉa răng đấu láo ngoài sân. Tôi xuống xe, dắt vô lề, chào cầu từ bi:
- A di đà Phật …
Mấy ông sư trẻ tưởng tôi nhạo báng, lườm nguýt cay cú rồi bỏ vào trong chùa hết. Trên đường về, tôi rẽ vô lối nhỏ tìm ngôi nhà thờ ở ngã ba Ông Tạ. Giáo đường im bóng. Tôi gõ cửa. Cửa không mở. Chúa ơi, Ngài dạy kẻ nào gõ thì được mở, tại sao con gõ không được mở ? Có phải vì con đói quá gõ khẽ chăng ? Hoặc là con gõ đang đúng lúc ông cố đạo bận đếm tiền ? Tôi lóc cóc đạp xe về lăng Cha Cả. Qua cây cầu xi măng bắc qua con lạch gần quán cà phê tiêu điều, tôi bị té. Một em gái chạy ra đỡ tôi dậy.
- Không đụng ai, sao té ?
- Đói hoa mắt.
- Thiệt hả ?
- Thật.
Em nương tôi vô quán, kêu cho tôi ly cối cà phê sữa đá. Tôi nốc ừng ực.
- Còn đọi không ?
- Còn.
- Làm dĩa cơm sườn nướng nhé ?
- Nhất.
Em gái sai thằng nhóc đi mua dĩa cơm. Tôi đớp xong thì tỉnh táo. Em chìa gói Ruby.
- Cầm lấy.
Tôi cầm ngay.
- Uống thêm cái đen chăng ?
- Uống.
Tôi nhâm nhi cà phê, phì phèo thuốc lá. Nhìn em gái ân nhân, tôi hỏi:
- Em làm gì mà tốt thế ?
Em gái nguýt dài:
- Bộ còn giả đò à ? Làm điếm. Được chưa ?
Tôi gật gù:
- Được quá đi chứ ! Em nhân ái hơn mục sư, thầy chùa, cố đạo. Tôi không xin mà em cho, không gõ mà em mở. Chúa đã dẫn tôi đến với em. Em xứng đáng là kẻ thừa sai của Chúa và rất nên thay thế lão mục sư ở nhà thờ Tin Lành đường Trần Hưng Đạo. Em ạ, cách mạng và tôn giáo là hai thứ đồ bỏ.
Em điếm cảm động:
- Giúp nhau chút chút mà. Bầu điếm thương bí học trò nghèo.
Tôi nói:
- Tôi hết thời học trò rồi.
- Là gì ?
- Giang hồ lặt vặt.
- Đọi chết.
- Không đọi sao thấy tình người rực rỡ nơi em. Em ơi, khi tôi trở thành nhà văn, tôi sẽ viết thật đẹp về đĩ điếm, du đãng, ăn cắp và viết thật tàn bạo về cố đạo, mục sư, thầy chùa, lãnh tụ chính trị …
- Bộ, anh nhà văn à ?
- Đang tập tành.
- Ráng viết hay như Dương Hà nhé ! Viết trên Sài gòn mới đua với Mặc Tử nhé ! Tên em là Châu, đặt tên em vô tiểu thuyết của anh nhé !
- Em yên tâm.
- Anh cần tí tiền còm không ?
- Cám ơn em, anh không cần.
- Vậy hôm nào đọi, cứ ra đây nhờ thằng nhỏ Tẻo kiếm em.
Em điếm dặn dò chủ quán:
- Anh này uống cà phê ghi sổ, tôi thanh toán nghe chú Ba.
Em âu yếm nhìn tôi:
- Thôi em dzìa, nghe anh. Anh gì nhỉ ?
- Long.
- Em dzìa nghe, anh Long.
- Em về nhé !
Tôi chờ em gạ tôi lấy em trên Sổ gia đình. Em không thèm gạ. Em đúng là em điếm cao thượng, em điếm có tâm hồn nhân ái, khác hẳn đàn anh Duy Dân, xoay việc cho đàn em thất nghiệp đòi thu 30 phần 100 lương bổng. Em vĩ đại, rất xứng đáng hơn ông mục sư nhà thờ Tin Lành đường Trần Hưng Đạo. Em thành thật, em là điếm hiên ngang nhận mình làm điếm, không gian dối và hèn mạt như ông mục sư phủ nhận chức vụ mục sư của mình. Em điếm tên Châu đã soi sáng cho tôi ý nghĩ chính xác về thân phận những con người bị gạt ra khỏi xã hội. Tôi phẫn nộ thống trị và trưởng giả. Ít ra, em đã trở thành Trần Thị Diễm Châu thao túng và trừng phạt xã hội lúc nhúc ròi bọ con cháu bọn thống trị và quý phái, trưởng giả.
Em gái điếm Châu về rồi, tôi còn ngồi lại hút thuốc lá, uống trà. Tôi hít hà khói thuốc, hít hà hương thơm của tình người Việt Nam. Hôm nay, 29 năm sau ngày em Châu cho ăn dĩa cơm sườn nướng hồi sinh, ngồi viết những giòng tâm tưởng về em trên đất nước Hòa Kỳ, tôi thấm thía rằng, tình nghĩa Việt Nam chỉ tìm thấy ở Việt Nam. Và tình nghĩa ấy chỉ tỏa ngát hương thơm ở giai cấp Việt Nam bần cùng nhất. Nếu tôi đã trót lỡ diễu cợt những người đi làm mướn, những người thuyền chài đánh cá thì, hôm nay, tôi thành thật xin lỗi và bầy tỏ thẳng thắn sự sai lầm của tôi. Còn mọi sự công kích của tôi dành cho đám trí thức khoa bảng cầy cáo, đám trí thức nô bộc khước từ quá khứ của mình, không cần phải xét lại. Không có ai nâng tôi khi tôi ngã. Không có ai cho tôi ăn khi tôi rã họng. Không có ai cả. Chưa thêm ai cả. Ngoài em điếm Châu. Một mình em. Duy nhất. Người ta đã đạp tôi mạnh hơn, thô bạo hơn khi tôi ngã. Người ta đã cứu sống tôi bằng nọc miệng gian dối thô bỉ và ác độc hơn nọc rắn, nước miếng chó dại. Đôi khi, tôi thấy thà đề cao cái trôn của một con điếm còn hơn chửi rủa cái mõm của trí thức nô bộc diễn giải lòng ái quốc. Nước lã có thể rửa sạch trôn của con điếm nhưng cái gì tẩy trừ bản chất gian dối của khoa bảng cho thuê bản thân ? Tôi sẽ xét lại thái độ chống đối người cộng sản của tôi một cách hợp tình, hợp lý.
Buổi tối tháng 8-1959, chợt nhớ mình còn người thầy học cũ, tôi đến Hòa Hưng gõ cửa. Thầy tôi mừng quá.
- Tìm anh khắp nơi không biết anh ở đâu.
- Con đi lung tung.
- Dưới Hòa Hảo đang thiếu người dạy, anh em nhờ tôi kiếm. Anh phải xuống gấp.
- Thưa thầy bao giờ ạ ?
- Chủ nhật.
- Hôm nay là thứ sáu.
- Phải. Có tiền mua vé xe chưa ?
- Con tới xin thầy đây.
- Được rồi. Cố dạy học một năm, dành giụm tiền để về học lại. Xã hội này thiếu bằng cấp, dở thầy dở thợ như anh sẽ lêu bêu suốt đời.
- Vâng, con hiểu.
- Anh cần bao nhiêu ?
- Thầy cho con mượn đủ để sắm quần áo, giầy giép và mua vé xe.
Thầy tôi vẽ đường giùm tôi. Chuẩn bị thật nhanh, sáng chủ nhật tôi có mặt trên xe đò Sài gòn – Chợ Mới. Tôi sắp trở thành “giáo sư” tư thục … ruộng, sau khi đã là “thầy giáo tư lương”. Tôi chưa hiểu người ta sẽ sắp đặt cho tôi dạy cái môn gì, những môn gì. Nếu dạy Vạn Vật lớp đệ thất thì tôi chê, vì tôi không biết vẽ cào cào, châu chấu, ếch, nhái … Mà dạy Địa Lý tôi càng chê, vì tôi không biết vẽ địa đồ. Tôi thích dạy Sử ký. Khổ nỗi, sử nó gắn liền với địa. Thôi, mặc kệ, môn gì cũng dạy tuốt. Đói quá hóa liều. “Một liều ba bảy vẫn liều, Cầm bằng con trẻ chơi diều đứt giây”. Tôi đi làm cách mạng bởi đói. Tôi đi làm giáo dục do đói. Cuộc đời ly kỳ thật !
Chú thích
* Ngọt sau trở thành kép hát, chuyên đóng vai hề, đóng phim vai phụ, diễn kịch đại nhạc hội, biệt danh Minh Ngọc, không mấy thành công.