Chương Mười
Tác giả: Duyên Anh
Anh Đường ở xóm Cầu Cống, đường Tôn Đản. Vào nhà anh phải đi trên cầu ván khấp khểnh bắc dài theo khu xình lầy hôi thối. Chiếc xe bán sữa đậu nành của anh đậu thuê “ga ra” một người ngoài lộ. Soi đầu cầu là ngọn đèn đường sát khít. Xóm lao động Cầu Cống “hắt hiu vàng ánh điện câu”. Sự hắt hiu của ánh điện câu làm tăng vẻ thê lương của những cuộc đời trải qua hai cuộc cách mạng. Cách mạng nơi nào, nơi này không thấy bóng dáng cách mạng. Có lẽ, vì thế, vẫn còn những con người như ông Lý Vô Danh bôn ba đây đó. Anh Đường rẽ qua khúc cầu ván khác. Nhà anh dựng trên nền đất cao, khác hẳn đa số nhà xóm Cầu Cống là nhà sàn. Anh ta gõ cửa. Người đàn bà mở rộng cái liếp lá.
- Nhà tôi đấy. Chúng tôi lấy nhau được nửa năm rồi.
Anh ta đã có vợ mới. Vơ anh khêu to ngọn đen dầu. Anh ta giới thiệu tôi với vợ anh ta:
- Đây là cậu Long, anh em của tôi.
Anh ta ra lệnh cho vợ:
- Vô trong ngủ, nhường bộ ván ngoài nhà cho cậu Long.
Chị vợ ngoan ngoãn vâng lời. Anh Đường hỏi:
- Cậu uống lade nhé ? Nhà có sẵn. Tôi ngâm lạnh trong lu nước.
Tôi nói:
- Cám ơn anh. Để mai đi.
- Vậy cậu nghỉ ngơi. Mền gối đủ cả. Tôi xin phép đi ngủ, sớm mai anh em ta sang nhà anh Xuân.
Anh Đường vô trong. Tôi cởi đôi giầy giang hồ, tháo vớ. Mấy hôm không tắm gội, lại chẳng thèm tháo giầy vớ, chân tôi nồng nặc mùi hôi khó tả. Tôi chui vào mùng đã dăng sẵn và mặt ván còn ấm áp. Ngả lưng, duỗi chân tay thoải mái, tôi nhắm mắt, ngủ ngon lành. Khi tôi thức giấc, nắng đã xuyên qua kẽ vách ván in mấy vệt dọc trên mùng. Bên ngoài, xóm Cầu Cống nhộn nhịp sinh hoạt. Phòng trong, vợ chồng anh Đường vẫn ngủ. Tôi tháo mùng, gấp mền gom ở đầu bộ ván gỗ, sửa lại quần áo, mang giầy vớ, mở cửa ra ngoài hè. Nước đã dâng mấp mé sân của những căn nhà dựng trên nền đất. Nước ròng từ kinh lạch vào. Buổi sáng nước ròng. Buổi trưa nước rút. Buổi chiều và ban đêm chỉ còn xình lầy, trừ những ngày mưa. Xóm Cầu Cống có cầu tiêu công cộng cho những gia đình không ở nhà sàn. Phân tiểu trút xuống xình. Cầu tiêu riêng của nhà sàn cũng vậy. Con nít thì tiêu trên giấy nhật trình cũ, gói lại và liệng xuống xình. Rác rưởi, chuột chết ném xuống xình. Giấy đi cầu ném xuống xình … Buổi chiều, từ lúc nước rút hết, phân tụ tập từng cụm ở xình. Sáng sớm, nước ròng, phân rác nổi lều bều. Người ta múc nước rửa cầu tiêu, sàn nhà sàn. Vì cha mẹ đi làm, đi buôn bán, con nít tha hồ nhào xuống xình bơi lội, ngụp lặn và khi bơi lội, ngụp lặn chán chê, cứ việc mặc quần áo rong chơi, không cần nước phông ten xối sạch. Những đứa trẻ thiếu trường học, chẳng biết làm gì, đành thả dài ấu thời và thiếu thời dưới xình mỗi sáng nước ròng. Có lẽ, chẳng ai quan tâm bệnh hoạn chúng sẽ phải chịu đựng.
- Cậu vào rửa mặt, đánh răng, cậu Long.
Anh Đường đã dậy.
- Tôi muốn tắm giặt, được không ?
- Được. Nhà sẵn nước phông ten.
- Chị ấy gánh à ?
- Mua. Làm sao chen nổi dân đầu nậu phông ten ? Bọn này có hàng trăm đôi thùng xếp sẵn dài tút mút.
- Khổ vì nước nữa à ?
- Khổ vì nước, cậu ạ !
Tôi vào tắm gội, giặt bộ quần áo giang hồ.
- Cậu cứ xối nước thả dàn, anh Đường dặn dò.
Tôi nhẹ nhàng, tỉnh táo sau trận tắm một thùng nước vừa vặn. Rồi anh Đường dẫn tôi sang nhà anh Xuân, trong khi chị Đường xay đậu nành, chuẩn bị hàng cho chồng đi bán buổi chiều. Gia đình anh Lại Văn Xuân ở xóm khác, cũng trên đường Tôn Đản. Xóm của anh không có tên nhưng tồi tệ hơn xóm Cầu Cống. Anh Xuân mừng rỡ ôm lấy tôi:
- Chú giống cậu Hùng quá sức.
“Cậu Hùng” là bố tôi. Bố tôi hẳn đã là một thứ công tử vườn nên, ở làng Tường An nghìn đời nghèo khổ, dốt nát, mọi người đều gọi bố tôi là “cậu cả Hùng”. Chắc tại ông nội tôi làm thầy đồ Nho và “xem mạch kê đơn không tính tiền”.
- Thế hả, anh ?
Anh Xuân giới thiệu tôi với vợ anh ta. Hai anh chị lấy nhau đã lâu nhưng không có con. Anh chị vưa xin đứa con rơi về nuôi. Nó đã 4 tuổi.
- Má thằng Tiến !
Anh Xuân bảo vợ:
- Ra tiệm mua hủ tiếu, cà phê về nhà ăn uống khề khà. Tao muốn kể chuyện đời cho chú Long nghe.
Chị Xuân đem cái mâm và cái bình nhôm ra đi. Anh Xuân ngắm tôi, sung sướng:
- Thấy chú là thấy cậu Hùng, là thấy làng cũ hiện ra. Chú ạ, anh đã được cậu Hùng chở xe đạp một quãng đường đấy. Thế nào, bà Đồ còn sống chứ, ông lang Năm ra sao ?
Tôi phải tóm tắt sinh hoạt làng xưa, người xưa từ dạo anh vô Nam đến dạo tôi vào Nam. Anh Xuân chăm chú nghe, nước mắt anh chảy ròng ròng.
- Chú ạ, nhắm mắt lại, tôi có thể thấy rõ đường về làng mình. Ô tô hàng thả tôi ở ngã tư Vũ Tiên – Thái Bình, tôi đi bộ qua Đoan Túc, tạt vô quán đầu làng, thưởng thức tô canh bánh đa cua đồng, qua ngã ba rẽ vào Tri Lai, Thắng Cựu, đến Cầu Báng ghé ăn cái bánh chưng, uống bát nước chè tươi, qua Đồng Thanh, qua cây đa làng Chành, qua chợ Ô Mễ, qua Đại Hội, qua Thọ Bi, rẽ phải đi trên con đường gạch, qua cây đa đường Lầy, thẳng thì sang Đồng Đức, rẽ trái thì vào Tường An. Đúng chưa, chú ?
- Đúng.
- Biết bao giờ tôi mới được trở về quê cũ !
- Tại sao anh bỏ làng ra đi ?
- Anh đâu có ham. Cực chẳng đã …
Anh kể rằng, vì nghèo, anh ta bị dụ dỗ đi đánh cướp chiếu xóc dĩa lớn bên làng Đại Đồng. Anh Xuân đóng vai tay chơi, bụng mang một cái dạ dầy trâu đầy huyết heo đã hãm. Anh phải giàn cái dạ dầy trâu cho nó dẹp ra. Khi tiền làng chất đống cho cú mở bát lớn, người đồng bọn anh gây sự với anh. Anh sửng cồ chửi lại. Người kia rút dao đâm bụng anh. Máu chẩy lênh láng. Dân chơi sóc đĩa sợ án mạng liên lụy tới mình, bỏ tiền tháo chạy. Đồng bọn anh gom sòng ngon ơ. Anh Xuân được chia chác vài chục bạc. Sau, người ta phát giác chuyện đánh cướp, tìm anh Xuân thanh toán. Anh xuống tỉnh ghi tên làm cu ly đồn điền cao su.
- Anh ngỡ sang “Tân thế giới”, ai dè vô Hớn Quản ?
- Rồi sao nữa ?
- Rồi năm 1945, anh trốn đồn điền cao su, về Sài gòn, theo Thanh niên Tiền phong đánh nhau với liên quân Anh, Ấn, Pháp. Anh đã đánh trận Cầu Quay ngó thẳng sang nhà băng Hồng Kong Thượng Hải.
- Anh xử dụng súng gì ?
- Gậy tầm vông. Anh đánh cả trận Rạch Đỉa nữa. Rồi anh vô bưng theo cách mạng.
- Anh bỏ cách mạng ?
- Ừ. Anh trở lại Sài gòn làm cu ly xích lô đạp, xích lô máy. Bây giờ, anh về xích lô đạp tà tà, kiếm ăn lối mới.
- Khá không ?
- Đỡ.
Chị Xuân đã bưng mâm hủ tiếu, cà phê về. Chúng tôi điểm tâm tại gia. Kế đó, chúng tôi hút thuốc, uống trà tâm sự tiếp. Anh Đường bỏ tôi lại với anh Xuân, về nhà lo mua sắm đường, bánh, hột gà bán hàng chiều. Chị Xuân cũng bồng thằng cu Tiến ra lộ. Còn tôi và anh Xuân.
- Tại sao anh không về Bắc hồi cuối năm 1954 ?
- Anh còn nghèo. Anh muốn có nhiều tiền về làng khao vọng để nở mày nở mặt với họ hàng, làng nước. Nghèo mạt, vác mặt cu ly về làm chi !
Người anh em đồng hương của tôi có tâm sự giống hệt nhật vật Hai Cò trong phóng sự Khao bất hủ của Đồ Phồn. Khác một điểm là anh ta chưa giầu để “áo gấm hồi hương”. Hai Cò cũng vô Sài gòn làm cu ly đồn điền cao su. Anh ta nhịn ăn, nhịn mặc dành dụm tiền để về mua chức phó lý, khao vọng làng xóm. Hai Cò khuân về quê chiếc máy hát vặn cót nhãn hiệu Columbia và mớ đĩa hát vọng cổ của Tư Chơi có in hình con chó với hàng chữ “La voix de son maître”. Khao vọng mấy ngày liên tiếp, đĩa hát mòn teo câu vọng cổ Tư Chơi “văng vẳng tiếng chuông ở ớ ơ ở chùa …” thì Hai Cò thành Phó Cò. Nhưng Phó Cò ở quê nhà nghèo mạt, thua cái phong lưu của Hai Cò cu ly quê người nên Phó Cò lại xuống tỉnh ghi tên làm cu ly đồn điền cao su. Khao của Đồ Phồn diễn tả phong tục tập quán cổ hủ, lạc hậu của dân quê ta. Phong tục tập quán ấy đã hủy diệt hạnh phúc của Hai Cò. Anh Xuân chưa là nạn nhân của khao vọng nhưng anh đã theo cách mạng. Nhờ cách mạng, anh còn là cu ly, chưa “có nhiều tiền về làng khao vọng để nở mày nở mặt với họ hàng, làng nước”. Xét cho cùng, Hai Cò vẫn hạnh phúc hơn anh Xuân vì đã được về quê cũ, cho dân làng nghe Tư Chơi hát vọng cổ “văng vẳng tiếng chuông chùa” và ăn uống no nê. Hai Cò mới là cách mạng chân chính, cách mạng mà chẳng cách mạng nào ban phát nổi khao vọng cho dân chúng. Hai Cò tình nguyện trở lại nghề cạo mủ cao su. Anh ta đã … hy sinh vì hạnh phúc dân tộc !
- Anh còn nuôi hy vọng “áo gấm hồi hương” không ?
- Hết rồi.
- Tại sao ?
- Anh chạy xích lô máy bị “dập” phổi, lâu lâu, máu lại trào ra miệng.
Anh Xuân bỏ rơi chuyện buồn, hỏi tôi:
- Kể chuyện của chú đi !
Tôi bèn kể chuyện giang hồ của tôi, chỉ dấu Duy Dân chủ nghĩa và chiến sĩ cách mạng Lý Vô Danh.
- Anh tưởng thất học giang hồ mới khổ, có học giang hồ cũng khổ ư ?
- Em học hành vớ vẩn, anh ạ !
- Thì sẽ học thêm.
- Vâng.
- Chú ở bên anh, đừng thèm ở bên nhà thằng Đường. Nó được, nhưng vợ Bắc kỳ di cư của nó kẹo lắm, không điệu đâu. Vợ chồng anh sống lối Sài gòn, làm đồng nào xài nhẵn đồng ấy.
Thế thì tôi tá túc ở nhà anh Xuân, thỉnh thoảng qua nhà anh Đường ăn cơm trưa.
o O o
Anh Xuân có vẻ gì khác với những người phu xích lô. Cái vách lá nhà anh treo đến 5 trang phụ trương của một nhật báo in hình 13 vị liệt sĩ Việt Nam quốc dân đảng lên đoạn đầu đài. Anh ta thường ngâm hai câu thơ mà tôi không rõ xuất xứ:
Người chép sử chép bằng mực máu
Ta viết gì đau thấu thịt xương
Và anh Xuân chỉ thuộc hai câu. Nghề mới của anh, anh bảo là “kiếm ăn lối mới”, từ tháng 10-1954 là bịp lính thủy Mỹ ngô nghê. Lính thủy Mỹ ham đổi đô la dưới bờ, vì giá chợ đen lời hơn giá chính thức đổi trên tầu. Lính thủy Mỹ lại ham dạo phố bằng xích lô máy, thứ xe không hề có ở Hòa kỳ và ở các nước trên thế giới.
- Anh gạ lính Mỹ đổi tiền.
- Bằng cách nào ?
- Thì mình chở nó lòng vòng rồi gạ gẫm.
- Anh biết nói tiếng Mỹ à ?
- Đi học vài câu dễ ợt. Nói tiếng bồi mà. Anh ra giá hời gấp đôi gấp ba giá chính thức, Mỹ sướng rên.
- Nó hiểu tiếng bồi sao ?
- Hiểu.
- Anh nói thử cho em nghe.
- One đô lơ ít ten Việt Nam . Một đô la ăn 10 đồng Việt Nam. Bích pe pơ ít đắp bừn . Giấy lớn ăn gấp đôi.
- Nó ô kê ?
- Ô kê lia chia /
- Rồi sao mà bịp ?
- Có hai cách.
- Cách thứ nhất ?
- Anh đưa nó vô tiệm nước, gọi cho nó hai chai la de lớn, trả tiền giùm nó. Nó đưa anh tấm giấy lớn 100 đô la. Anh bảo “Dzu oét hia, Ai cơm bách tích tắc tích tắc bờ ring dzu mế ni Việt Nam”. Nó ô kê. Anh cầm 100 đô la rông về nhà ngủ cho nó đợi vài năm. Mai ta lại tìm thằng Mẽo ngu khác.
- Luôn luôn giấy lớn ?
- Hiếm họa. Thường thường giấy hai chục.
- Cách thứ hai ?
- Chở Mẽo ngu vô con hẻm. Có sẵn người của mình chờ đổi bạc. Thằng đổi bạc cầm cọc dầy, mấy tờ đầu, đít tiền thật, giữa là giấy cắt xén y cỡ giấy bạc. Mẽo ngu lột hết tiền đổi. Đô la vừa trao, tiền rởm vừa nhận, thằng khác thôi tu huýt la lối “bô lít, bô lít, em pi, em pi” thế là cả làng chạy.
Bây giờ Mẽo hết ngu và tầu chở dân di cư không còn, anh Xuân quay qua nghề bán cần sa cho thủy thủ tầu buôn ngoại quốc. “Cần sa là cha thuốc phiện”, anh Xuân nói thế. Thủy thủ tầu buôn, đa số, nghiền cần sa. Cái thứ lá mọc đầy núi Châu Đốc có ra cái gì đâu, tôi đã cuốn hút khá nhiều mà chẳng hề thấy “dĩ vãng hiện về chập chờn”. Thế mà thủy thủ mê chết được. Anh Xuân mánh lắm. Anh biết ngày nào tầu nhổ neo nên chỉ bán chút ít. Thủy thủ gạ mua nhiều, anh bảo đợi anh kiếm đã. Ngày cận tầu nhổ neo, thủy thủ kiếm anh, lạy anh bán cần sa. Anh ra giá cắt cổ. Thủy thủ móc hết tiền, đồng hồ nộp anh Xuân để nhận cần sa lét lút mang lên tầu mà hút những ngày lênh đênh biển cả. Thuyền trưởng bắt được thì kể như thất nghiệp.
- Mỗi tháng vớ một món bở là tà tà.
- Anh nói tiếng gì ?
- Lại Mỹ bồi.
- Cần sa là gì ?
- Thằng thầy dạy anh là ố pi nhờm líp.
- Anh chào khách ra sao ?
- Nghề dạy nghề, trông mặt mà bắt hình dung. Thằng nào nghiện cần sa, anh biết tỏng. Anh mời nó lên xe xích lô đạp. “Ai đờ rai phờ ri”. Đi một quãng, anh mời nó hút điếu cần sa. “Vé ri gút, xơ”. Nó hút khoan khoái, ngả lưng mơ màng. Anh chở nó về chỗ cũ gạ gẫm “Dzu uần ố pi nhờm líp ?”. Nó ô kê. Cá mắc lưỡi câu rồi.
Anh Xuân kể cho tôi nghe thật nhiều vui buồn, vinh nhục của nghề xích lô. Tam Lang mà nghe xong, có thể, sẽ viết phóng sự “Tôi đạp xích lô” sống động, tài tình. Những mánh lới chở mòng cho điếm lột rồi chia tứ lục, anh Xuân kể rất thú vị.
- Hồi còn Tây, cứ “cá to dzuy ê” và Tết tây là anh vớ món bở.
- Sao ?
- Tây mừng lễ độc lập và Tết của nó, say bí tỉ. Anh ghếch xích lô máy chờ sẵn ngoài quán rượu. Lính tây ẵm cả chai, ngất ngưởng leo lên xe. Anh chạy vun vút. Lính Tây trúng gió, ói mửa tơi bời rồi gục. Anh “tội nghiệp” chở đến khúc tối vắng vẻ, lột hết tiền, đồng hồ, bút máy rồi hất nó xuống đường.
- Kỷ niệm nào anh nhớ nhất ?
- Hồi anh chở một mụ đàn bà đi bắt ghen.
- Ra sao ?
- Mụ đàn bà bao anh trọn đêm, trả tiền trước. Mụ bắt anh chở tới cùng khắp các địa chỉ mà mụ ta nghi là chồng mụ ta đang ăn nằm với vợ nhỏ.
- Xích lô máy ?
- Dĩ nhiên. Xích lô đạp hơi sức đâu chịu thấu.
Anh kể tiếp:
- Chở quá nửa đêm không gặp chồng, mụ ta giận lắm, bảo anh “Chú chở tôi đến chỗ nào chú thích”. Thấy mụ đàn bà Huế này hơ hớ, anh lại chưa biết gái Huế “dâm” đến độ nào, bèn tò mò và chở mụ ta tới ô ten chợ Cũ. Sáng hôm sau, anh không đạp nổi máy xe.
- Long bánh chè à ?
- Xụm.
- Còn mụ đàn bà ?
- Mụ trả tiền ô ten, bắt anh chở về nhà mụ. Mụ hẹn hò rối rít, hôm anh thấy chồng mụ là thằng “thầy chú”, anh hoảng quá bỏ rơi liền.
Anh Xuân cảm khái:
- Kỷ niệm của phu xích lô hào hoa là những kỷ niểm với “bò lạc” và gái quê lên Sài gòn kiếm việc làm.
Không ngờ tôi được lạc vào thế giới xích lô với những mánh lới làm ăn thêm và những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Tôi ăn cái Tết tha hương thứ ba ở nhà anh Xuân. Anh ta dẫn tôi cùng khắp các quán cà phê tụ tập nhiều dân xích lô, bạn của anh, hãnh diện giới thiệu tôi như một người em lưu lạc vừa tìm thấy. Tôi trở thành người em của xích lô Khánh Hội. Tôi thường đến quán cà phê trước cổng kho 5 xem anh Xuân gạ thủy thủ ngoại quốc mua cần sa. Bắt trúng mòng mập, anh Xuân đạp xích lô đưa tôi đi ăn nhậu, đi xem hát cải lương, đi khắp phố chính Sài gòn. Trong số bạn của anh Xuân, có anh Ngọ thương tôi nhất. Anh Ngọ cũng xuất thân từ “lăng ta xi ông”. Anh đã chở tôi về nhà anh ở sát chân cầu Tân Thuận, ngỏ ý muốn nuôi tôi vì anh không có em. Anh Ngọ còn độc thân. Anh ta khoảng 36, 37 tuổi. Anh Ngọ đề nghị với anh Xuân rước tôi về sống với anh, nhà cửa thoải mái hơn và muốn học lại cũng tiện hơn. Anh Ngọ chạy xích lô máy tiền dư dã. Anh Xuân từ chối. Anh không cho tôi biết tại sao anh từ chối.
Tôi ở với anh Xuân, không tốn tiền ăn nên tiền để dành còn nguyên. Anh Xuân cung cấp cà phê, thuốc lá cho tôi chu đáo. Tôi đang định tìm lớp học Anh ngữ bên Sài gòn chứ, rong chơi mãi đâm chán. Thời gian này, hầu như tôi đã quên hẳn giấc mộng văn chương. Tôi thấy ham nghề đạp xích lô. Bỗng, một hôm, anh Xuân hỏi tôi:
- Chú biết làm thơ không ?
Tôi ngạc nhiên:
- Biết làm thơ để làm gì ?
Anh Xuân nghiêm túc:
- Chú trả lời anh chú biết làm thơ không ?
Tôi đáp:
- Biết, nhưng không hay đâu.
Anh Xuân cười:
- Biết làm thơ là hay rồi. Anh sẽ gửi chú sang Thủ Thiêm sống với người anh kết nghĩa của anh. Chú sẽ học với anh ấy.
o O o
Tôi sang Thủ Thiêm vào tháng 3-1957. Người anh kết nghĩa của anh Xuân tên là Phan Văn Tần, biệt hiệu Vương Tần, người miền Nam chính gốc, già bằng ông Lý Vô Danh nhưng tôi gọi bằng anh, xưng em. Anh Vương Tần là soạn giả cải lương chưa có thời và cũng chưa có thế. Theo anh kể, anh đã đi kháng chiến từ 1946, hoạt động trong lãnh vực tác động tinh thần chiến sĩ bằng văn nghệ. Anh phục vụ ngành cải lương, chuyên soạn những vở tuồng ngắn chống thực dân Pháp. Năm 1949, anh bỏ kháng chiến về Sài gòn, bị phòng nhì Pháp bắt nhốt một năm vì anh bị nghi ngờ là về Sài gòn làm công tác nội thành. Phòng nhì tra tấn anh liên miên. Khi anh được tha, anh kiệt sức và bị lao phổi. Anh Vương Tần không thể xin chỗ làm ở các gánh cải lương Sài gòn. Anh kết nghĩa với anh Xuân ngoài bưng. Sau này, anh Xuân giúp đỡ anh Tần chu đáo. Ngày ông Ngô Đình Diệm chấp chính, anh Vương Tần đã đuối sức lắm. Đến nay anh ta mới tạm khỏe nhờ những lọ Streptomycine.
- Chú biết tại sao thằng Xuân trao chú cho anh không ?
- Không ạ !
- Vì chú biết làm thơ mà anh thì khoái thơ.
- Có lẽ, không hẳn thế.
- Thông minh đấy, thằng Bắc kỳ ạ ! Tao ghét mấy thằng Bắc kỳ ngoài bưng mà tao lại thương mày từ lúc mới gặp mày.
- Tại sao vậy ?
- Vì mày có cặp mắt đẹp lắm.
- Cũng không hẳn thế.
- Vậy thì tại thằng Xuân không thích mày thành thằng phu xích lô như nó.
- Vẫn chưa hẳn thế.
- Mày nghĩ thế nào ?
- Theo em, anh Xuân nể anh Ngọ muốn đổi chỗ ở cho em. Như thế, anh Xuân không mất lòng anh Ngọ. Nếu em không biết làm thơ, anh Xuân vẫn đưa em sang đây.
- Cũng không hẳn thế đâu.
- Anh nói thật đi !
- Nói thật à, thằng Bắc kỳ ? Mày sẽ tìm ra sự thật, vì mày thông minh. Tao muốn mày nói thật với tao rằng mày có thích ở với tao không ?
- Còn tùy.
- Tùy gì ?
- Anh có làm cho em thích không.
- Tao đã sống với thằng Nguyễn Bính, thằng Trúc Khanh, thằng Lý Văn Sâm, thằng Vũ Anh Khanh, thằng Sơn Nam … Tao thấy chúng nó ngạo mạn lắm. Chúng nó ngạo mạn được, mày mới biết làm thơ đã ngạo mạn thì không được.
- Vậy em đi.
- Mày đi đâu ?
- Thiếu gì chỗ.
- Chỗ này tốt nhất, bởi tao có thể chở được mày. Tao yêu sự ngạo mạn của mày.
- Cám ơn anh.
- Mày muốn tao dạy mày làm thơ hay dạy mày mở mang kiến thức ?
- Anh làm thơ chưa ?
- Rồi.
- Thơ cải lương ?
- Ừ.
- Thơ cải lương ra cái gì, văn chương cải lương ra cái gì !
- Tao mở mang kiến thức cho mày đây, thằng Bắc kỳ. Mày chưa đọc tuồng Dưới mái Tây Hiên , Kim Vân Kiều của Phạm Ngọc Khôi, mày chưa đọc tuồng của Sĩ Tiến, Nguyễn Hữu Trang đã chê văn chương cải lương thì mày thiếu văn hóa đấy.
- Em đã xem Kim Chung diễn tuồng Đôi mắt huyền trên sa mạc, đã xem gánh Hoa Sen diễn tuồng có phụ chiếu mấy đoạn phim mầu, đã xem …
- Mày xem thứ đồ bỏ, thứ rác rưởi cải lương mà dám chê văn chương cải lương ư ?
Tôi khớp. Anh Tần xỉ vả tiếp:
- Cũng như mày nghe kịch, xem kịch thổ tả của ban Dân Nam rồi mày chê văn chương kịch à ? Mày đọc kịch của Thế Lữ, Vi Huyền Đắc chưa ?
Ngưng giây lát, anh Tần dũa thêm:
- Mày thiếu kiến thức, nghèo văn hóa, không nên bình phẩm vội vàng bất cứ ai, bất cứ cái gì. Tao sợ, nếu mày lười học hỏi, dẫu mày biết làm thơ, thơ mày chỉ đến mức thơ của Bàng Bá Lân, Anh Thơ là tột đỉnh.
Nhìn thẳng mặt tôi, anh Tần ra lệnh:
- Đọc thơ của mày tao nghe thử !
Tôi hiên ngang đọc thơ Đoàn Trọng Thu:
Ai khổ suốt đời chuyện áo cơm
Đau thương không nhắc nhớ căm hờn
Cháy nhà mất đất đau ngùn ngụt
Nguyện dựng lại đời tươi sáng hơn
Anh Tần cười khẩy:
- Chặt đầu tao, tao vẫn quả quyết không phải thơ của mày.
- Tại sao anh quả quyết ?
- Vì mày chưa đủ lửa.
Tôi đọc thơ Hải Phương:
Em có bao giờ nghĩ đến ta
Ra đi không một chén quan hà
Ra đi cho bước chân rời rã
Ôm bóng em trong bóng nguyệt tà
Anh Tần cười bạo hơn:
- Không phải thơ của mày.
- Tại sao anh biết ?
- Vì mày chưa đủ sáo.
Tôi đọc thơ tôi:
Nắng nắng quá trời ơi
Mát mát lần đi thôi
Những người dân lao động
Đã khổ quá nhiều rồi
Anh Tần gật gù:
- Đây chính là thơ của mày.
- Tại sao anh biết ?
- Vì nó ngô nghê như mày, ngô nghê như đứa giang hồ vặt vãnh đã ngỡ mình từng trải, khôn lớn.
Tôi nói:
- Anh là thầy em. Xin anh mở mang kiến thức cho em.
Anh Tần dịu giọng:
- Em không muốn học làm thơ ?
- Không.
- Tại sao ?
- Thằng có bốn câu thơ đầu bảo em rằng, muốn viết tiểu thuyết không cần làm thơ hay, chỉ cần làm thơ càng nhiều càng tốt để quen xử dụng chữ nghĩa và hình ảnh.
- Em muốn trở thành tiểu thuyết gia ?
- Vâng.
Tôi không ngần ngại kể hết cho anh Vương Tần nghe giấc mộng nhà báo rồi nhà thơ rồi nhà văn của tôi từ ngày tôi bị ám ảnh bởi nhân vật nhà báo trong tiểu thuyết Giông Tố của Vũ Trọng Phụng. Những lời dạy của các “sư phụ” Đàm Viết Minh, Nguyễn Thịnh, Lê Huy Luyến, Nguyễn Uyển Diễm, Đoàn Trọng Thu, tôi nhắc lại đầy đủ. Tôi chỉ dấu Duy Dân và ông Lý Vô danh. Anh Vương Tần trầm ngâm:
- Không phải đợi đến 40 tuổi đâu em ạ ! Nhưng em cẫn đọc, cần sống thêm nữa. Chừng nào em cảm thấy không viết thì em đứng ngồi không yên, ăn ngủ không ngon, bứt rứt khó chịu, em sẽ viết được và viết rất nhiều. Vốn sống và kiến thức em đang thu lượm như tiền em để dành trong ngân hàng. Vốn sống và kiến thức sẽ nẩy nở như tiền lời trong ngân hàng của em ấy. Rồi em tha hồ viết, tha hồ tiêu tiền. Bạn em nói đúng, 40 tuổi trở lên, các nhà văn mới đặt vấn đề tư tưởng. Lúc đó, nhà văn truy nã thân phận con người và hạch hỏi hư vô.
Anh Vương Tần châm mộng nhà văn tưởng đã nguội lạng trong tâm hồn tôi. Tôi lại thấy mầm hy vọng nhú lên và tôi không còn nghĩ cuộc sống vất vưởng của tôi vô vọng nữa. “Ông sẽ đừng từ chối bất cứ cơ hội nào dẫn ông phiêu lưu vào cuộc sống, dẫu những cuộc phiêu lưu gập ghềnh tai họa”. Tôi sẽ can đảm nghe lời khuyên của Đoàn Trọng Thu. Và tôi rất bằng lòng sống với anh Vương Tần. Anh ta sống một mình, thân thế lơ mơ, nhưng tôi cần biết làm gì nhỉ ? Chỉ cần biết anh ta là một soạn giả tuồng cải lương còn vô danh, đã từng theo tiếng gọi của non sông lên đường kháng chiến chống giặc xâm lăng, đã từng sống chung với Nguyễn Bính. Là đủ. Trong căn nhà nhỏ của anh có bàn viết, có tủ lớn đầy nhóc sách. Ở đây, tôi đã đọc Sử ký của Tư Mã Thiên , bản dịch của Nhượng Tống, Nam hoa kinh của Trang Tử, bản dịch của Nhượng Tống và Lan và Hữu , tiểu thuyết của Nhượng Tống. Ở đây, tôi đã đọc lại Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Triết học Kant của Nguyễn Đình Thi, tuyển tập nhận định chính trị, văn nghệ của Thê Húc, Tam Ích, Thơ mùa giải phóng do Vân Sơn PMT sưu tầm. Anh Tần giảng giải Nam hoa kinh cho tôi. Càng đọc tôi càng không hiểu. Anh bảo Nguyễn Đình Thi viết cuốn Triết học Kant năm 17 tuổi. Tôi cũng đọc một số sách “Học làm người” của nhà xuất bản Phạm Văn Tươi. Nhờ bà chị gần nhà nấu cơm mang qua, chúng tôi khỏi bận bịu chuyện cơm nước. Anh Xuân gửi tiền nuôi tôi và cho tôi tiền cà phê, thuốc lá.
Anh Vương Tần hăng say viết tuồng lịch sử Việt Nam. Anh đã soạn xong một vở ca ngợi Hồ Quý Ly, nặng nề nguyền rủa bọn “phục Trần”. Anh tâm sự với tôi:
- Anh muốn soi sáng niềm u uẩn của tiền nhân. Hồ Quý Ly là người vĩ đại nhất của nhân loại. Đó là người Việt Nam sáng tạo, người Việt Nam bỏ xa những bộ óc ghê gớm của nhân loại hàng mấy thế kỷ. Hồ Quý Ly, sư tổ của ngân hàng …
Anh phàn nàn:
- Sân khấu cải lương trở nên nhàm chán và không được coi như một bộ môn của văn học là vì ham hát mà quên diễn xuất. Không có thứ nghệ thuật nào cứng như gỗ và chỉ rình bật đèn đỏ vọng cổ ! Anh muốn làm cách mạng sân khấu cải lương, muốn loại bỏ tuồng tích Tầu, La Mã, Ai Cập. Anh muốn hát ít, nói và diễn xuất nhiều.
Anh buồn bã:
- Cuộc cách mạng sân khấu của anh không thể thực hiện ở Sài gòn được. Em hiểu chứ ! Bọn lái buôn sân khấu, những thứ gọi là bầu gánh thì cần gì nghệ thuật, cần gì cách mạng sân khấu.
Tôi hỏi:
- Thực hiện ở đâu thì được ?
Anh đáp:
- Có thể thực hiện ở các gánh hát nhỏ lưu diễn.
- Tại sao mình không thực hiện ?
- Thiếu phương tiện.
- Phương tiện gì ?
- Tiền.
- Anh định lập gánh hát ?
- Không, đi về các quận, xã vận động các gánh nhỏ lưu diễn tập tuồng của mình.
- Anh chỉ cần tiền ăn đường và tiền xe ?
- Ừ.
- Bao nhiêu ?
- Vài ngàn bạc.
- Em có.
Anh Vương Tần ngần ngại:
- Tiền của em không nên dùng cho cuộc cách mạng sân khấu.
Tôi khó chịu:
- Thế tiền nào ? Tiền của bầu gánh hay tiền của nhà nước ?
Anh Tần nắm tay tôi:
- Anh sai lầm. Em không ngô nghê chút nào cả.
Tôi nói:
- Nhờ anh mở mang kiến thức.
o O o
Tháng 5-1957 anh Vương Tần và tôi xuống miền Tây vận động cách mạng sân khấu. Tôi đã đi làm cách mạng Duy Dân. Bây giờ, tôi đi làm cách mạng sân khấu. Chúng tôi qua Sa Đéc, Lấp Vò, Chợ Mới, Tân Châu … Chẳng gánh hát nào chịu tập tuồng mới, dù anh Vương Tần tình nguyện đạo diễn không có điều kiện gì cả, ngoài hai bữa cơm xoàng. Đây là cuộc đối thoại giữa một bầu gánh và soạn giả cách mạng Vương Tần.
- Ông nên cho tập tuồng mới.
- Tuồng mới đào kép không chịu tập.
- Bổn cũ soạn lại hoài sao ?
- Soạn lại hoài. Đỡ trả tiền đạo diễn, soạn giả mà y phục, phông cảnh cũng đỡ phải sắm. Tập tuồng mới, đào kép đòi tăng lương, tiền đâu trả, tiền đâu may y phục mới, vẽ phông cảnh mới ? Tuồng mới tập cả tháng, dễ chi diễn cả tháng ! Cứ bổn cũ soạn lại là chắc ăn. Khán giả chán, ta bứng bầu đoàn thê tử đi chỗ khác.
- Ông không có tham vọng về Sài gòn à ?
- Không.
- Không có luôn tham vọng lập đại ban làm đảo lộn sân khấu Việt Nam ?
- Không. Con sên nên sống đời con sên.
Bầu gánh nào cũng luận điệu này. Anh Vương Tần thuyết phục được một bầu gánh thì bầu gánh đòi xem tuồng và chê nói nhiều ít hát. Chúng tôi sang Cần Thơ đến quận Cái Vồn, gặp gánh hát Tân Tiến. Nhờ một anh kép mùi ăn khách của Tân Tiến khoái tuồng mới, khoái diễn xuất, mê vở Hồ Quý Ly , làm áp lực với bầu gánh nên gánh Tân Tiến tập tuồng của soạn giả vô danh Vương Tần. Bầu gánh ra điều kiện y phục của tuồng Hồ Quý Ly như y phục tuồng Lữ Bố hí Điêu Thuyền. Anh Vương Tần đành chấp nhận. Chúng tôi bắt đầu vào việc. Anh Vương Tần dạy đào kép diễn xuất mỗi buổi chiều. còn tôi, tôi viết “áp phích” đem dán và ngồi trên xe lôi đạp đánh trống quảng cáo cho gánh Tân Tiến ở các làng xã gần quận. Ăn cơm của gánh hát phải làm việc cho gánh hát. Anh Vương Tần muốn tập tuồng hai buổi nhưng đào kép hát khuya, cần ngủ trọn buổi sáng. Gánh Tân Tiến hát ở quận ba ngày thì lưu diễn các xã. Nhờ theo gánh Tân Tiến, tôi biết sinh hoạt của một gánh cải lương nhỏ lưu diễn và đời sống của soạn giả, thầy tuồng, bầu gánh, đào kép. Tôi phải nói thật rằng, tôi không thích đời sống sân khấu. Nó bệ rạc và bấp bênh vô cùng. Chưa chắc gì đào kép cải lương đã say mê nghệ thuật sân khấu đến độ bằng lòng sự bệ rạc và bấp bênh. Tôi thấy gánh Sơn Đông bán thuốc trị giun sán của ông Lý Vô Danh thật phiêu bồng.
Tôi thường đứng xem anh Vương Tần chỉ dẫn đào kép tập tuồng của anh. Anh ta sung sướng vô cùng. Tôi nhìn rõ hạnh phúc khiêu vũ trên khuôn mặt anh. Đào kép đã không chia nổi hạnh phúc của soạn giả kiêm đạo diễn Vương Tần, trừ anh kép mùi. Anh Tần chưa hết bệnh ho lao. Thế mà anh la hét đào kép, diễn tả xúc động của nhân vật trong tuồng không biết mệt mỏi. Đào kép lười biếng thuộc vở, ỷ lại người nhắc tuồng.
- Không thuộc vở, diễn xuất sao hay được ? Tai mai nghe nhắc vở thì hồn đâu nhập vào hồn nhân vật ?
Anh Vương Tần nói bao nhiêu lần, đào kép cứ trơ ra. Tự lòng họ, họ đã chán tuồng mới. Một hôm, anh tâm sự với tôi:
- Long ạ, anh cảm giác khó thành công.
- Không thành công thì sao ?
- Thì vỡ mộng cách mạng sân khấu.
- Nó sẽ thành nhân.
- Câu đó không áp dụng cho sân khấu cải lương miền Nam.
- Tại sao ?
- Vì sân khấu này không dám làm cách mạng. Nó chỉ làm cách mạng khi bị cưỡng bức.
- Nhưng anh chưa làm cách mạng, anh mới đang. Phải đợi khai trương tuồng của anh đã.
- Cám ơn em.
Một tháng tập tuồng ròng rã, gánh Tân Tiến trở về quận Cái Vồn tưng bừng khai trương vở mới Hồ Quý Ly . Tôi viết “áp phích” mỏi tay, dán khắp phố quận. May mắn đầu tiên cho Hồ Quý Ly của soạn giả Vương Tần là có một lái buôn cải lương mua dàn ngay. Bầu gánh mừng húm, bán liền. Anh Vương Tần nôn nóng chờ đợi tác phẩm quyết định cho cuộc cách mạng sân khấu của anh. Nếu khán giả thích thú tuồng chú trọng nhiều ở diễn xuất, gánh Tân Tiến sẽ về thẳng thị xã Cần Thơ. Nếu Cần Thơ, Hồ Quý Ly thành công, Tân Tiến sẽ đi các thị xã lớn của miền Tây, sẽ có tiếng vang lớn trong giới cải lương. Và Tân Tiến sẽ chịu sắm y phục thích hợp với tuồng mới, sẽ thay đổi phông cảnh mới, đào kép sẽ được tăng lương, sẽ hết lòng tập tuồng để về diễn tại thủ đô, ra mắt báo chí và khán giả Sài gòn. Nếu khán giả hoan hô, báo chí ca ngợi, các đại ban sẽ nhất loạt thay đổi cung cách trình diễn cũ. Và thế là có cách mạng sân khấu cải lương.
20 giờ 30 mới mở màn mà 20 giờ rạp đã đông nghẹt. Soạn giả kiêm đạo diễn Vương Tần hồi hộp. Tôi hồi hộp không kém.
- Anh thành công rồi, anh ơi !
- Chưa đâu.
- Còn đợi gì ?
- Đợi màn mở.
- Lần đầu tiên anh có tuồng diễn trên sân khấu à ?
- Nhiều rồi nhưng lại là lần đầu tiên.
- Tại sao ?
- Vì lần này anh mới biết trực diện với nỗi cô đơn.
- Em không hiểu.
- Những lần ngoài bưng, anh không cần quan tâm tới khán giả. Lần này, anh quan tâm. Vì khán giả quyết định sự thành công của cuộc cách mạng sân khấu.
- Em hiểu rồi.
Màn mở. Khán giả im lặng theo dõi Hồ Quý Ly mạt sát bọn “phục Trần” là bọn phản tiến hóa của dân tộc, bọn âm mưu phục hồi dĩ vãng đã hết thời, bọn lạc hậu, mắt mù, tai điếc không nhìn thấy tương lai huy hoàng của dân tộc, không nghe rõ tiếng reo của hạnh phúc ngày mai … Đến phút thứ 15, Hồ Quý Ly vẫn khoe công trình “thành nhà Hồ”, không thèm ca 6 câu vọng cổ, khán giả la hét, đòi “dzô” 6 câu có bật đèn đỏ. Người mua dàn hoảng sợ kiếm bầu gánh sinh sự rồi van lạy … đổi tuồng. Bầu gánh sợ khán giả tẩy chay, lập tức ra lệnh chuyển Hồ Quý Ly thành Lữ Bố ! Và kép mùi đang làm Hồ Quý Ly vẽ vời tương lai dân tộc nhận lệnh và rất điệu nghệ “dzô” câu thứ nhất cho Lữ Bố than vãn với Điêu Thuyền. Kép xuống “xề” ngọt lịm. Đèn đỏ bật. Khán giả vỗ tay tán thưởng.
Anh Vương Tần lặng lẽ kéo tôi ra khỏi rạp. Anh dẫn tôi đến một quán rượu. Gọi một xị đế, anh rót đầy ly của anh.
- Em uống với, tôi nói.
Anh rót rượu cho tôi. Nhấp một ngụm đầy, anh nuốt ực rồi mỉm cười:
- Thành cái gì, Long ?
- Thành kỷ niệm, anh ạ !
- Cách mạng hỏng rồi.
Anh gật gù:
- Làm đẹp cho đời sống không phải là dễ.
Tôi hỏi:
- Anh phẫn nộ cuộc đời ?
Anh đáp:
- Đúng.
Tôi quẹt lửa cho anh châm thuốc:
- Có một người dạy em rằng, chỉ nên phẫn nộ thói đời, chứ cuộc đời đáng thương xót.
Anh nhả khói:
- Có lẽ đúng đấy. Cuộc đời đáng thương xót vì cuộc đời mê muội. Nhưng có em làm chứng cho anh nhé, anh đã làm điều tốt đẹp.
- Trời đất làm chứng cho anh.
- Em là đủ. Trời đất biết cái gì ! Anh đã tiêu phí tiền mồ hôi nước mắt của em.
- Đâu xứng đáng bài học anh cho em.
- Bài học nào ?
- Bài học này, bài học hôm nay, bài học về một người muốn làm cách mạng sân khấu, muốn làm đẹp cho đời sống mà, rốt cuộc, chỉ gặp oan khiên, tủi nhục.
- Em sẽ không giống anh chứ ?
- Tại sao không giống anh nhỉ ? Nếu mai này em có tài như anh, em sẽ bắt chước anh, cố gắng làm đẹp cho đời sống, dẫu em có bị oan khiên bủa vây, dẫu em có bị thù hận săn đuổi. Ở với anh, em tìm ra một chân lý: Nếu người ta có thiện ý với cuộc đời thì cứ sẵn sàng dâng hiến, bất kể cuộc đời đón nhận hay chê bỏ, bất chấp người đời hoan hỉ hay thù ghét.
Chúng tôi gọi thêm một xị. Rồi thêm một xị, một xị.
- Anh muốn nói với em một điều.
- Xin anh cứ dạy.
- Em còn nhớ, có lần, anh bảo em có “cặp mắt đẹp lắm” không ?
- Em nhớ.
- Hôm nay anh muốn nói rõ với em: Dù em bần hàn cách mấy, thảm thê cách mấy, người ta vẫn nhận ra tâm hồn đích thực của em từ đôi mắt em. Vậy em đừng trở lại Khánh Hội nữa.
Chúng tôi về rạp hát. Đêm ấy, anh Vương Tần thắt cổ tự vẫn. Ông bầu gánh Tân Tiến khai với nhà chức trách rằng, anh phẫn chí vì thất bại nên đã tự vẫn. Tôi thương anh lắm mà không khóc. Đợi chôn anh xong, tôi về Sài gòn. Khi chiếc bắc đến giữa sông Hậu, tôi nhìn mặt nước, thấy anh Vương Tần hiện lên, âu yếm nói với tôi: “Thông minh đấy, thằng Bắc kỳ ạ ! Tao ghét những thằng Bắc kỳ ngoài bưng mà tao lại thương mày từ lúc mới gặp mày”. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi chợt nhớ ông Lý Vô Danh. Thành công = Tài năng + May mắn. Anh Vương Tần thiếu may mắn. Tại sao anh không làm ẩn sĩ mà lại phải tìm cái chết.