Chương Bảy
Tác giả: Duyên Anh
Chơi bộ quần áo kaki nhà binh lột bỏ cầu vai, mang đôi giầy đen mỏ vịt, tôi xách túi hành lý đầy nhóc thơ thương nhớ giả vờ, bước xuống xe. Đi bộ một quãng khá xa tôi mới bắt chiếc xe nhân dân Công Quản chuyên chở Công Cộng, nôm na là ô tô buýt về bến chính. Lại cuốc bộ từ chợ Bến Thành đến Nhà Hát Tây. Trông tôi có vẻ Dũng lắm. Chiến sĩ cách mạng tôi có chủ nghĩa Duy Dân soi đường chỉ lối đấu tranh đã ngỡ ngàng đứng trước Nhà Hát Tây hiu quạnh. Cảnh đấy, người đâu ? Dâu biển gì nhanh thế ? Dân di cư tầu vét đỉa đói đã bị Tòa Đô Sảnh càn quét hết.
“Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn” rồi. Tôi hỏi thăm ai ra nhà Hoàng Văn Bảo,
Đặng Xuân Côn, Nguyễn Xuân Nhân, Lê Như Quỳnh bây giờ. Chiến sĩ cách mạng Vũ Mộng Long, nhân danh chủ nghĩa Duy Dân, chống cộng sản Nga, tư bản Mỹ, đế quốc Pháp, Giáo hội Vatican, Trung Hoa và Việt gian tay sai ngoại bang bèn thầm thì hát Lời du tử: “Chiều nay biết về nơi đâu ? Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu
…”. Vừa hát tới đây thì có tiếng gọi:
- Ông Long, ông Long …
Cứu tinh của tôi chính là “đệ tử” bẩn Tạ Văn Ân. Nó vồn vã:
- Ông đi đâu tuyệt tích ?
- Du sơn du thủy.
- Cảnh đẹp ông thấy đã nhiều đấy nhỉ ?
- Ừa.
- Nơi nào đẹp nhất ?
- Nơi đẹp nhất vẫn là Nhà Hát Tây. Từ em Hải đen gầy đét, em Long phốp pháp, em
Trinh vô duyên đến mày và cái cầu tiêu ngập phân kê năm viên gạch vẫn không thể
ngồi đại tiện nổi đều làm tao bồi hồi xúc động.
- Ông xỏ tôi.
- Chứ lâu lắm mới gặp nhau, mày hỏi gì lãng nhách vậy ?
- Hỏi thế nào ?
- Hỏi tao ăn cơm chưa !
- Ông ăn cơm chưa ?
Thằng “đệ tử” keo cú này cần rào đón.
- Chưa thì sao, rồi thì sao ?
- Chưa thì tôi mời ông đi ăn cơm sườn nướng hẻm Casino. Rồi thì tôi mời ông đi uống cà phê.
- Mày tiến bộ ghê nhẩy !
- Tôi vừa làm cách mạng.
- Cách mạng ?
- Tôi chống bà dì ghẻ, cãi nhau với ông via, bỏ đi giang hồ một tháng. Tôi ra
Phan Thiết, đến làng Ninh Chữ thì về.
- Rồi gì nữa ?
- Tôi làm thơ, lấy bút hiệu Ninh Chữ.
- Mày cũng làm thơ thì tao đói to mất. Mày định viết văn thêm không ?
- Có chứ.
- Bút hiệu gì ?
- Vẫn Ninh Chữ.
- Không hay.
- Ông chọn giùm bút hiệu đi.
- Nấu Văn.
- Ông lại xỏ. Đi ăn rồi tôi nhờ ông đọc thơ của tôi.
Ăn no nê, tôi gạ nó chở tôi đi uống cà phê. Ở đây, tôi đọc mấy bài thơ đầu đời
của thi sĩ Ninh Chữ, chủ tiệm may Can phố Tự Do sau này. Luận điệu của tôi bậc “thầy” lắm.
- Ông thấy thơ tôi thế nào ?
- Mày đừng buồn nhé !
- Buồn chi.
- Thơ mày rỗng tuếch.
Y hệt thi sĩ Đoàn Trọng Thu, tôi thao thao lý luận thi ca những bài học tủ. Thi
sĩ Ninh Chữ vểnh tai nghe, phục sát đất. Tôi móc bó thơ của tôi ra biểu diễn. Nó
đọc vài bài. Cảm khái quá, nó hẹn mai mời tôi đi ăn phở. Tôi nhờ nó chở tôi đến
thăm hai “đệ tử” Nguyễn Xuân Nhân, Lê Như Quỳnh ở đường Paul Bert, Tân Định.
Quỳnh đang ăn bám gia đình Nhân. Nó gặp tôi mừng rỡ. Đợi thi sĩ Ninh Chữ phóng mobylette về, tôi kéo Lê Như Quỳnh ra quán cà phê gốc cây tâm sự.
- Mày thấy tao lạ không ?
- Lạ.
- Lạ chỗ nào ?
- Ông mập mạp và nam nhi lắm.
- Sài gòn vui chứ ?
- Vui mẹ gì !
- Đặng Xuân Côn ở đâu ?
- Xóm đượi quốc tế, khổ vô cùng.
- Mày hay gặp em Ngọc Anh của tao hả ?
- Hết của ông rồi. Em dính kép mới.
- Tại tao đá em.
Tôi nói thế mà lòng hơi đau. Sài gòn chẳng còn gì hấp dẫn cả.
- Mày sống với cu Nhân … no chứ ?
- Ăn bám xấu hổ thấy mẹ. Tôi chưa hỏi ông đi đâu, làm cái giống chi.
- Tao hoạt động cách mạng trên rừng Ban mê thuột. Đảng của tao nuôi tao, dạy tao nên người … lãnh tụ dân tộc mai này.
Tôi bốc máu cách mạng huyễn hoặc “đệ tử” Quỳnh. Mắt nó sáng rực:
- Ông cho tôi đi làm cách mạng với.
- Mày chịu đựng gian khổ nổi không ?
- Bao lâu.
- Đến khi chính quyền về tay ta. Mày sẽ làm Thứ trưởng.
- Tôi chịu nổi gian khổ. Mà gian khổ thế nào ?
- Học triết học dài dài.
- Chỉ nằm nhà học thôi à ?
- Nằm chiến khu.
- Ông bảo đảm thành công chứ ?
- Bảo đảm.
- Bao nhiêu phần dầu ?
- Dầu gì ?
- Dầu dừa.
- 99 phần.
- Chiến khu cách mạng của ông chống Ngô Đình Diệm à ?
- Chống lung tung.
- Có các em không ?
- Vô số. Em nào em nấy thơm phưng phức. Toàn Cô Giang, Cô Bắc cả. Mày sẽ gặp cô Khiết và sẽ ngất ngây.
- Được yêu hả ?
- Ai cấm.
- Có điều kiện gì không ?
- Có.
- Gì ?
- Cái vé xe đò cho mày, thế là đủ. Mày cần dự trữ cái vé xe “rơ tua” nếu mày
thấy cách mạng gian khổ. Và tí tiền còm ăn cơm dọc đường.
- Dễ ợt.
- Còn nữa.
- Gì ?
- Tao lãnh nhiệm vụ đưa anh em lên chiến khu.
- Ông đưa tôi đi, tôi nhớ ơn ông suốt đời.
- Dĩ nhiên là tao phải đưa mày đi.
- Bao giờ đi ?
- Mai được không ?
- Không kịp xoay tiền.
- Một nhé ?
- Mốt thì kịp.
Tôi muốn về “chiến khu” càng sớm càng tốt. Quả thật, tôi không còn chỗ nào nương náu ở Sài gòn. Tôi lánh mặt Đặng Xuân Côn vì chưa có gì giúp đỡ nó thiết thực.
Không lẽ tôi nói phét nó chuyện cách mạng như nói phét thằng “đệ tử” Quỳnh. Tôi cần Quỳnh sống bên tôi cho vui. Giá bà mợ của tôi rộng lòng một tí, cậu tôi sẽ đóng tiền cho tôi học lái tắc xi. Thì nay tôi đã là tài xế. Cậu tôi bảo làm nghề
chạy tắc xi tự do, lúc rảnh vẫn viết thơ văn được. Tôi cũng thích chạy tắc xi.
Định mệnh trớ trêu thật, nó đẩy tôi vào … cách mạng Duy Dân. Thôi, tôi mặc kệ con nhà định mệnh. Tôi có một ngày ăn phở, ăn cơm, uống bia bằng tiền của “đệ tử” keo cú Ninh Chữ để lý luận thi ca cho nó nghe, để đọc thơ và sửa thơ giùm nó. Rồi tôi kéo “đệ tử” Quỳnh bôn ba trên con đường giải thoát dân tộc !
o O o
Nhờ tôi trở lại sớm, “kết nạp” thêm tay cuốc Lê Như Quỳnh, đàn anh Nguyễn Luyện tin tưởng tôi trung thành với cách mạng, tôi sẽ dâng hiến trọn đời tôi cho cách mạng. Quỳnh lên rừng hôm trước thì hôm sau Đào Xuân Sắc* theo Nguyễn Văn Truyền lên. Truyền có nhiệm vụ đưa anh em mới vào cách mạng, lên núi xuống đồng bằng thường xuyên. Rất xui xẻo cho chiến sĩ Duy Dân tân tòng Lê Như Quỳnh và Đào Xuân Sắc là, “tình báo” của Đảng cho hay “cơ sở” còn … trinh. Nghĩa rằng địch chưa biết. Chúng tôi lại sáng nhai Chu tri lục , chiều cuốc đất tự lực cánh sinh, thề không ăn gạo Mỹ viện trợ để chống Mỹ. Chiến sĩ Xuân Sắc cuốc đất dưới nắng bị say nắng lăn đùng trên đất vỡ. Anh em cuống quýt khiêng vào nhà. Chiến sĩ Như Quỳnh thối chí.
- Ông bảo chỉ nằm nhà học triết.
- Mày trách tao à ?
- Tôi không cuốc đất được, tay tôi bị xưng mọng nước.
- Mày ngại khó ngại khổ ?
- Tôi không quen.
Tôi lên giọng cách mạng:
- Không tập cuốc, sao hiểu nổi tâm sự người cuốc đất ròng rã bốn nghìn năm ?
Cách mạng tranh đấu cho con người đau khổ. “Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài, Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi”. Con người chẳng làm cách mạng há sống ăn bám ư
?
Như Quỳnh lắc đầu:
- Thôi, ông ở lại mà làm cách mạng.
- Mày cũng không muốn thành thi sĩ.
- Thi sĩ nhằm nhò gì tới cách mạng ?
- Cách mạng đào tạo mày thành thi sĩ.
- Thôi, ông ở lại để cách mạng đào tạo ông thành thi sĩ. Tôi tưởng …
- Tưởng gì ?
- Cô Khiết như Cô Giang. Mẹ ơi, cô Khiết chuột chù quá. Chứ, cô ấy lãnh nhiệm vụ chi ?
- Cấp dưỡng.
- Tức là ma ri sến cách mạng ? Các ông nhặt ở xó xỉnh nào thế ?
Thằng này phản cách mạng ra mặt. Tôi không thể cầm chân nó. Thế là nó về Sài gòn cùng chuyến xe với Đào Xuân Sắc. Hai tuần sau, Đoàn Trọng Thu cũng rời chiến khu. Trước ngày chia tay, thi sĩ Hôi Nách dặn tôi “một câu sinh tử”:
- Đừng bao giờ tuyên thệ trung thành với bất cứ Đảng nào, Giáo Hội nào. Chúng ta chỉ trung thành với Dân Tộc, Tổ Quốc. Tổ quốc và Dân tộc không bắt chúng ta
tuyên thệ. Nghệ sĩ khước từ bí danh.
Đoàn Trọng Thu ra đi, “chiến khu” buồn bã vô kể. Đàn anh Luyện mất một thầy giáo
dạy riêng con mình, tôi mất một thầy giáo văn nghệ. Rồi thi sĩ Phó Mạo Hải
Phương bỏ “chiến khu”. Cơ sở chỉ còn đàn anh Luyện, vợ đàn anh, mẹ già đàn anh,
ba đứa con 7 tuổi trở xuống, nữ đồng chí Cô Khiết mà Lê Như Quỳnh gọi là ma ri
sến cách mạng, Phạm Văn Sơn, Đồng Văn Khải và tôi. Chúng tôi sang giai đoạn sống
tự do. Gạo Mỹ viện trợ tha hồ ăn. Đàn anh không dạy
Chu tri lục , không dạy … lao
động nữa. Tôi ra suối câu cá hay đi sâu vào rừng kết bạn với nhóc tì Ra đê canh
khỉ phá nương ngô. Tôi có những sáng ngồi nhìn con voi già của vua Bảo Đại bị
xích chân, bị cưa cụt ngà, mắt lờ đờ, đứng buồn bã, thỉnh thoảng, ngẩng đầu lên
rống những tiếng “phè” não nuột. Tôi có những trưa nằm dưới gốc cam trong vườn
cam của vua Bảo Đại, ngắm nắng xuyên qua lá, ngắm những trái cam còn xanh, thấy
người di cư đuổi người Ra đê canh vườn, vào hái cam xanh đầy bao bố. Tôi có
những chiều dựa lưng bên thành hồ bơi của vua Bảo Đại – cái hồ bơi tuyệt diệu
nằm giữa khúc suối cao và thấp, nước trên cao tràn đầy hồ chảy xuống thấp làm
cho hồ bơi thay nước thường xuyên và thiên nhiên – nghe các nghệ sĩ Ra đê thổi
kèn bầu sáu ống cùng tiếng suối reo. Tự nhiên, trong tôi nổi dậy những gợn sóng
u hoài. Tôi vừa hiểu thế nào là “lớp sóng phế hưng”. Nếu tôi có tài như Bà Huyện
Thanh Quan và nếu tôi đã là một kẻ phò Nguyễn, tôi sẽ sáng tác bài thơ hoài
Nguyễn qua hình ảnh con voi già, vườn cam tiến và cái hồ bơi.
Chắc chắn, tôi phải rời “chiến khu”, phải giã từ Duy Dân chủ nghĩa. Chủ nghĩa
ấy, tôi mới chỉ hiểu mơ hồ, phiến diện. Nhưng tùy bút của Lý Đông A, thơ của Lý
Đông A và huyền thoại Lý Đông A đã hoàn toàn chinh phục tôi. Tôi không chống chủ
nghĩa Duy Dân, hôm qua và hôm nay. Tôi hãnh diện về chủ nghĩa Duy Dân vì chủ
nghĩa ấy do người Việt Nam sáng tạo. Nỗi bất hạnh của chúng ta là một chủ nghĩa
dân tộc thuần túy do người của chúng ta sáng tạo để cứu rỗi dân chúng ta đã
không bao giờ được thực hiện trên đất nước chúng ta. Ròng rã một nghìn năm nộ lệ
Tầu chuyển sang một trăm năm nô lệ Pháp, năm năm nô lệ Nhật, hai mươi năm lăm nô
lệ Nga, nô lệ Mỹ, chúng ta chỉ biết vay mượn chủ nghĩa của ngoại bang để mưu cầu
tự do, dân chủ, hạnh phúc, thương yêu, đoàn tụ cho dân tộc chúng ta. Chúng ta
thất bại. Chúng ta não nề. Sự não nề thảm khốc là cái tinh thần bất khuất nằm
bẹp dí nhường chỗ cho tinh thần vọng ngoại vươn cao. Chúng ta hết dám tin chúng
ta. Chúng ta gửi niềm tin vào người ngoài. Hết dám tin và không dám làm. Thản
hoặc, có người Việt Nam nào dám ngẩng mặt, dám tin mình, dám làm công việc phi
thường, nhất định, người Việt Nam ấy bị dè bỉu, bị coi thường, bị xếp vào loại
điên, bị miệt thị học hành tới mức nào mà toan đội đá vá trời ! Tôi tự hỏi Khổng
Tử học ai, đọc những sách của ai; Thích Ca học ai, đọc những sách của ai; Jesus
học ai, đọc những sách của ai ? Từ mặc cảm nô lệ triền miên nẩy sinh một “truyền
thống” mạt rệp: Người Việt Nam chỉ thích suy tụng người chết dù người chết để
lại đời sống cái sự nghiệp, đôi khi, chẳng ra gì và rất sung sướng bêu nhục
người sống dù người sống đang cống hiến cho đời sống những sợi giây máu của tài
năng siêu việt.
Bây giờ, tôi có thể nói thêm rằng, tôi không chống bất cứ một chủ nghĩa nào. Chủ
nghĩa nào cũng tốt đẹp, cũng được sáng tạo bằng tim óc. Nhưng mà những kẻ thừa
sai đã biến chủ nghĩa tốt đẹp thành chủ nghĩa phi nhân bản. Khi Marx – Engels
viết chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa này thật lý tưởng cho nhân loại thời đó. Nó
đã lạc hậu hôm nay. Những kẻ thừa sai của Marx – Engels, từ Lénine, Staline,
Malenkov … đã khạc nhổ xuống công trình của Marx – Engels. Giáo hội và Giáo
hoàng những thế kỷ trước đã làm buồn lòng Jesus. Trong bộ Lịch sử nhân loại,
cuốn viết về Ấn Độ, Will Durand đã hết lời ngưỡng mộ Thích Ca và học thuyết của
Ngài, đồng thời, sử gia lỗi lạc và uyên bác này cũng không quên nghiêm khắc chỉ
trích những kẻ đời sau làm sai lạc ý của Phật. Những kẻ thừa sai ngu xuẩn, dốt
nát, gàn dở đã biến học thuyết Duy Dân thành triết lý “bất chiến tự nhiên
thành”. Và chủ nghĩa Duy Dân cũng đã lạc hậu như chủ nghĩa Tam Dân, chủ nghĩa
cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa của thời đại, chủ nghĩa cứu rỗi nhân
loại, bình đẳng cho các nước lớn nhỏ trên trái đất sẽ thay thế các thứ chủ nghĩa
lạc hậu chỉ là chủ nghĩa tiểu tư sản. Chủ nghĩa này được sáng tạo trên đất khổ
Việt Nam và do Người Việt Nam đau khổ sáng tạo. Trong cuốn Giờ thứ hai mươi lăm,
hơn 40 năm trước, Georghiu đã tiên đoán: “Ánh sáng cứu rỗi nhân loại sẽ đến từ
phương Đông”. Ánh sáng ấy sẽ bừng lên từ Việt Nam, sắp bừng lên từ Việt Nam,
phải bừng lên từ Việt Nam. Chớ hài hước hỏi ánh sáng nhiệm mầu ấy liệu có nhấp
nháy từ Washington, Houston, Paris, Australia, San Jose, Los Angeles hay Orange
County !
o O o
Cuối tháng 9-1955 tôi trở về Sài gòn sau khi đã hưởng những đêm mưa rừng tầm tã,
đã chứng kiến những dòng suối ngầu đỏ chảy siết, đã thấy cuộc hành quân của mối
trên lá mục, hàng tỉ con, con nào con nấy to như con nhặng. Suy nghĩ mãi, tôi
kiếm nhà Đặng Xuân Côn tá túc. Bấy giờ, quân đội Pháp chưa bị thủ tướng Ngô Đình
Diệm đuổi về nước. Và khu vực Quân vụ thị trấn, Tòa tổng trấn Sài gòn còn là
thành Ô Ma. Lính Phi châu đồn trú ở đây khá đông. Bờ tường dăng giây kẽm gai sát
khít con lạch nhỏ, lối thoát nước cống của thành phố ra ngoài là biên giới quân
sự và dân sự. Nằm thấp ngang bờ con lạch và trũng sâu quá hai thước so với mặt
đường Lê Văn Duyệt, xóm nhà Côn thuê dưới đó. Phải bước xuống con hẻm dốc thoai
thoải mới vào xóm. Toàn nhà mái lá lè tè, vách ván gỗ mỏng. Dân chúng cư ngụ xóm
này gồm các thành phần chính: viên chức chấm công của nhà nước, thợ thuyền, me
Tây, đĩ điếm, Tây lai, Chà và lai … Lê như Quỳnh gọi là Xóm Đượi. Tôi gọi là
xóm Quốc Tế**.
Đặng Xuân Côn đã xuống Mỹ Tho, vô tận trại định cư Ba Bèo làm việc, sau đó, được
đổi về trung ương, chuyển ngành thư ký đánh máy tại Phủ đặc ủy định cư cải danh
từ Phủ đặc ủy di cư rời trụ sở ở đại lộ Trần Hưng Đạo sang trụ sở ở đại lộ Thống
Nhất. Lương chấm công không đủ thuê nhà khu khá giả nên Côn đành chọn xóm
Quốc
Tế. Tôi về sống chung. Côn vui lắm, nhưng nhìn cảnh sống nghèo nàn của bạn, tôi
rất ái ngại. Côn buồn bã vì dĩ vãng đuổi theo nó, không chịu buông tha nó. Tôi
bảo với nó rằng tôi chỉ tá túc một thời gian ngắn.
Thời gian tôi ở xóm Quốc Tế, mưa đang hung hăng. Mỗi ngày một trận mưa lớn. Mỗi
đêm một trận mưa to. Mưa đổ những cây nước xuống đời. Mái lá dột tứ tung. Gió
hắt mưa qua kẽ vách ván hở. Con lạch – tôi lãng mạn hóa là
Giòng sông xanh -
mênh mông nước, lều bều rác rưởi, phân người và xác chuột. Nước mấp mé sàn nhà.
Người ta phải xăn quần cao, vác xe đạp lội bộ trên các lối xóm.
Xóm Quốc Tế
không có điện. Ban đêm tối om. Nhà nhà thắp đèn dầu. Chủ cho mướn nhà toàn là me
Tây già. Những đêm không mưa, chuột lộng hành khủng khiếp. Chuột khiêu vũ trên
nỗi cơ cầu của xóm Quốc Tế. Gần căn nhà ọp ẹp của tôi là cái cầu tiêu công cộng
của một chục gia đình. Cầu tiêu không hầm thông phân tiểu, không cả thùng chứa
phân tiểu. Nó như cái phòng tắm, sàn gỗ. Luật bất thành văn của những kẻ xử dụng
cầu tiêu là phải mang giấy nhật trình cũ trải lên sàn, đại tiện xong, gói phân
liệng xuống Giòng sông xanh . Thường xuyên là có mấy tay khu khác, chơi khuya về,
ngang qua bị đau bụng, vô cầu tiêu đại tiện … đại. Sáng sau,
xóm Quốc Tế oang
oang bản hợp ca chửi rủa hàng giờ. Chửi đã miệng, người ta hè nhau múc nước xối
rửa. Chưa đủ rực rỡ xóm Quốc Tế đâu. Đêm đêm, đĩ điếm kéo lên đường đón lính Ma-rốc, Xê-nê-gan, Tuy-ni-di, bị kiểm tục ruồng bố, chạy xuống xóm ẩn trốn. Lính
kiểm tục truy lùng. Xóm Quốc Tế thức giấc hết. Và gia đình nào cũng bị kiểm
soát. Vô phúc các em con nhà lành bị bắt chung với điếm nhà nghê, kêu oan và
khóc rống. Xóm Quốc Tế rụng rời. Xóm Quốc Tế phẫn nộ. Lâu lâu, có anh lính lê
dương vô xóm chơi quỵt rồi bỏ chạy. Em điếm la lối đuổi theo, bị khách làng chơi
ôm liệng xuống Giòng sông xanh , kêu cứu vang cả xóm. Tôi không sống mùa khô ở
xóm Quốc Tế nên không biết thảm cảnh mùa khô.
Ở xóm Quốc Tế, tôi có nhiều suy nghĩ. Trước hết, tôi nhớ bài hát Sài gòn xa hoa
của Trần Văn Nhơn:
… Đầu đường đó đây những hàng quán
không ngớt người khách ra vào uống ăn
Trong những ngày vui sống
khi lòng man mác buồn
là có ngay tắc xi vào chơi Chợ lớn
Mặc ai ai vì non sông kiến thiết nước nhà
ru bao tâm hồm càng thêm say đắm
Sài gòn, nơi tưng bừng trong cảnh sống xa hoa
Ánh sáng gây mờ mắt …
Trần Văn Nhơn thống trách Sài gòn xa hòa từ năm 1950. Ánh sáng gây mờ mắt nhưng
bóng tối không làm lay động lương tri những ai “tưng bừng trong cảnh sống xa
hoa”. Tôi biết phẫn nộ đời sống từ xóm
Quốc Tế. Tôi biết khinh bỉ những tên trọc
phú từ xóm Quốc Tế. Tôi đã tận mắt nhìn nỗi oan ức của các cô gái con nhà lương
thiện bị nghi làm điếm, bị bắt chung với điếm chỉ vì gia đình nghèo khổ phải
thuê nhà ở xóm Quốc Tế. Tôi không biết ở Sở kiểm tục các cô ra sao, về nhà các
cô ra sao và sau này các cô ra sao. Tôi đã nổi giận bất công xã hội và sự ngu
dốt của quyền hành. Sài gòn có bao nhiêu nơi tương tự
xóm Quốc Tế ? Việt nam có
bao nhiêu nơi tương tự xóm Quốc Tế? Bỗng nhiên, tôi thèm cách mạng, khao khát
cách mạng. Nhưng, cách mạng tôi thèm không phải là cách mạng nghiên cứu, học tập
chủ nghĩa đến hóa thành dở hơi. Mà phải là cách mạng tích cực san bằng lập tức
mọi bất công xã hội, giải quyết lập tức sự nghèo khổ của dân chúng lao động chân
tay và trí óc. Phải làm cho lối tối bừng sáng. Tôi bắt đầu nổi loạn.
Xóm Quốc Tế có một chuyện rất người mà tôi không quên. Đó là chuyện cô gái điếm
nhan sắc mê cậu học trò nghèo ít tuổi hơn mình. Cô yêu cậu học trò muốn làm vợ
cậu học trò. Cậu học trò khước từ. Cô gái điếm năn nỉ xin làm chị đỡ đầu cậu học
trò. Cậu học trò bằng lòng. Cô gái điếm hoàn lương, buôn thúng bán bưng nuôi cậu
học trò ăn học, nuôi cả mẹ và em cậu học trò. Còn chuyện nữa, cũng rất người.
Một thằng du đãng cướp của giết người bị cảnh sát truy nã. Nó lẻn về
xóm Quốc Tế
đưa tiền cho em điếm giữ giùm, dặn đưa bố nó vào nhà thương lao và mua thuốc
chữa bệnh cho bố nó. Rồi tay không tìm cảnh sát nạp mạng. Những cánh sen chỉ nở
giữa đầm bùn. Tôi đã hiểu đôi chút về trái tim trong lớp áo rách. Tôi đã ngửi
được mùi thơm của đời sống lầm than. Cám ơn thời gian ngắn ở
xóm Quốc Tế đã soi
sáng cho tôi cái ý nghĩa tủi nhục ê chề của kẻ bị trị để, sau này, tôi biết
chống bọn thống trị, tôi dám chống bọn thống trị.
Giữa tháng 11-1955, tôi bỏ xóm Quốc Tế, định về Trảng Lớn ở Tây Ninh sống với mẹ
con Hoàng Văn Bảo. Tôi mới gặp lại Bảo. Nó cho biết nó làm việc tại Ty định cư,
Tòa tỉnh trưởng Tây Ninh. Nhà nó cách thị xã vài cây số. Nó tha thiết mời tôi về
Trảng Lớn. Bất ngờ, trên đường đi tới bến xe đò miền Đông, tôi gặp đàn anh Trần
Tiến. Đàn anh mời tôi ăn cơm tấm giò chả Quốc Hương đường Trần Hưng Đạo. Đàn anh
đã dạy lại ở trường Phan Sào Nam, đường Trần Quý Cáp. Sau bữa cơm no căng rốn,
đàn anh gọi tắc xi đưa tôi về xóm Bầu Sen. Tôi ngạc nhiên, thấy ở “cơ sở” mới
này hai “đồng chí” cũ là Đoàn Trọng Thu và Đồng Văn Khải. Thêm “đồng chí” mới
Phùng Văn Chiểu. Đàn anh Trần Tiến nói:
- Chú ở đây.
Rồi đàn anh chào tạm biệt. Đoàn Trọng Thu cho tôi biết:
- “Cơ sở” này là “cơ sở” Sài gòn. Chúng ta cứ nằm chơi thôi.
Đưa nhau ra cái nghĩa địa nhỏ trước nhà, chúng tôi tâm sự vụn.
- Cách nào đàn anh vồ được ông ?
- Tôi định đi Tây Ninh kiếm sống, may mắn gặp đàn anh. Còn ông ?
- Tôi đang lởn vởn trong hiệu sách Khai Trí, gặp đàn anh.
- Còn Khải ?
- Ông ấy được gọi từ Ban mê thuột về.
- Ông có ý nghĩ gì ?
- Sài gòn vui hơn Ban mê thuột và chắc vui hơn Tây Ninh. Cách mạng lo chỗ ăn,
chỗ ngủ rồi chỗ làm nữa. Để cách mạng lo.
- Ông sáng suốt thật.
- Tuyên thệ chưa ?
- Chưa và không bao giờ.
- Nếu có bao giờ, ông sẽ đội chữ Thái trên đầu: Nhà Phật đội chữ Thích, nhà Duy
Dân đội chữ Thái. Phật tổ là Thích Ca. Chúng đệ tử là Thích Tâm Châu, Thích Giác
Đức, Thích Trí Thủ … Lãnh tụ là Thái Dịch. Chúng đệ tử là Thái Hạo, Thái Lăng
Nghiêm, Thái Anh … Ông Thái gì đây ?
- Ông trước đi !
- Tôi Thái Thượng Hoàng.
- Còn tôi, tôi Thái Tổ.
- Ông khó làm cách mạng, khó làm lớn, vì ông ưa diễu cợt. Đúng, chẳng có con mẹ
gì đáng quan trọng cả. Ông và tôi đi làm cách mạng đã là diễu cợt rồi. Cách mạng
mù chăng ?
Chúng tôi ăn cơm ở nhà ông Tầu già và ngủ trên căn gác gỗ mái tôn của bà bán
sương xâm. Chồng bà sương xâm chạy xích lô máy, hai vợ chồng đi làm, đi bán thật
sớm. Chúng tôi trông nhà giùm, thay phiên nhau dạy con cái ông bà nên ông bà ta
không lấy tiền nhà. Còn được ăn sương xâm đường cát điểm tâm đến phát ngán.
Xóm Bầu Sen cũng là xóm lao động, bớt thê thảm hơn
xóm Quốc Tế, có ba ngả ra
vào: Nguyễn Hoàng, Thành Thái, Trần Bình Trọng. Chỉ có Khải, Thu và tôi thường
trực ở “cơ sở” Bầu Sen. Phùng Văn Chiểu, thỉnh thoảng mới ghé. Chiểu có việc làm
và có cái Lambretta cũ. Chiểu vui tính, cởi mở. Nhà chiến sĩ Duy Dân này, mỗi
lần đến, đều ôm cây guitare búng bài Tango tủ:
Impossible . Impossible cái gì ?
Impossible chống một lượt Nga, Mỹ, Pháp, Tầu và Vatican chăng ? Ở Bầu Sen được
nửa tháng, đàn anh cử riêng tôi đi học khóa chống cộng 10 ngày do Bộ thông tin
tổ chức. Mỗi ngày học chống cộng được phát 50 đồng Ngân hàng quốc gia. Giảng
viên khóa chống cộng là các ông Định Sinh Pài (Vụ trưởng Văn hóa vụ Bộ thông
tin), Trần Việt Hoài, thi sĩ (con trai Á Nam Trần Tuấn Khải), Lê Vinh, em Trần
Việt Hoài (đồng chí Duy Dân của tôi), Trần Học … Cứ theo tờ rô nê ô chương trình
thì ông Trần Học đại diện Bộ thông tin điều hành khóa học. Ông Trần Học to thật.
Vụ trưởng Đinh Sinh Pài đến đọc bài diễn văn khai mạc khóa chống cộng Quyết
Thắng. Rồi về. Chúng tôi học tại Phú Thọ.
Bài học chống cộng đầu tiên là “Ý nghĩa về nước chấp chính của Ngô thủ tướng”.
Xướng ngôn viên giới thiệu giảng viên Trần Học. Lý thuyết gia chống cộng từ
ngoài hành lang bước vào. Ngài mặc “com lê”, thắt “cà vạt”. Ve áo đeo cái cờ
vàng ba sọc đỏ. Ngài lên bục giảng. Mẹ ơi, Trần Học chỉ là Trần Văn Thông, thằng
cán bộ thông tin, đệ tử ông Quốc Phong, bạn Hà nội của tôi, từng thuê tôi làm
thơ chống cộng ăn cơm ghi sổ. Nó nhìn thấy tôi. Nó khớp. Nó ngó tôi, mỉm cười.
Vì nó có quyền, nó xin lỗi toàn thể học viên cho nó ngưng giây lát rồi ngoắc tay
gọi tôi ra thật xa khỏi lớp học.
- Mày ngôi như mả ông tiên sư, tao làm ăn gì được, hả ?
- Ông đâu biết mày trở thành lý thuyết gia chống cộng !
- Tao được cất nhắc, lên vun vút. Nhờ thơ mua rẻ của ông.
Nó móc ví xỉa cho tôi hai trăm:
- Cút mẹ mày đi cho ông dạy chống cộng !
Tôi nói:
- Khóa học 10 ngày, 5 bò lận.
Lý thuyết gia Trần Văn Thông, biệt danh chống cộng Trần Học dậm chân, nhăn nhó:
- Mày cút đi chơi, ông giảng bài xong sẽ về gặp mày.
Ông cho mày ký tên vào tờ giấy xác nhận mày học đủ 10 ngày, cụ Ngô sẽ trả mày đủ
5 bò. Mày sẽ có bằng chống cộng. Từ chiều nay, ông không muốn nhìn mặt mày nữa.
Cứ nằm nhà. Ngày mãn khóa nhớ đến liên hoan đớp hít, lĩnh tiền và bằng cấp.
- Thế thôi à ?
- Muốn gì nữa ?
- Tao muốn học chống cộng !
Lý thuyết gia chống cộng Trần Học xỉa thêm hai trăm nữa.
- Cấm mày tiết lộ vụ bán thơ.
Tôi phú lỉnh ngay. Cuộc đời xử ức tôi, dồn tôi vào con đường trào lộng. Tôi đi
học chống cộng sản nghiêm túc, ai dè gặp ông thầy Trần Văn Thông. Từ cái màn đi
học chống cộng bị cấm không cho học, tôi bắt đầu ngờ vực mọi sự nghiêm túc trên
trái đất. Và các thứ lý thuyết gia chống cộng, dưới mắt và trong ý nghĩ của tôi
rặt bọn Trần Văn Thông, tức Trần Học. Tôi bèn cười. Rồi tôi châm biếm. Và tôi
độc ác trong loại văn phúng thế của tôi.
Làm đúng “chỉ thị” của giảng viên Trần Học, ngày mãn khóa học chống cộng tôi lò
dò tới. Người ta cho tôi ký sổ lĩnh 500 đồng. Người ta phát cho tôi tấm bằng tốt
nghiệp chống cộng, dẫu tôi chẳng học giờ nào. Tôi được ăn bữa cơm mãn khóa do
nhà hàng Tầu nấu nướng, phục dịch. Tiết mục liên hoan văn nghệ khoái nhất. Thi
sĩ Trần Việt Hoài dẫn hai em thật mướt tới hát giúp vui. Hai em không phải ca
sĩ. May mắn … chống cộng đến với tôi là thằng đệm đàn guitare tới trễ quá. Thi
sĩ Trần Việt Hoài ngâm hết sáu bài thơ rồi mà thằng đệm đàn vẫn chưa tới. Nhà
thi sĩ cuống quýt hỏi:
- Có bạn nào chơi đàn khá không ?
Tôi đang sợ “có bạn nào” nhanh tay dơ vội thì lý thuyết gia chống cộng đã mau
miệng giới thiệu:
- Anh Long.
Tôi lừ đừ lên sân khấu, ôm đàn guitare, đứng cạnh em mướt nhất, đệm cho hai em
“đuy ô” Về miền Nam của Trọng Khương,
Hướng về miền Bắc của Phó Quốc Thăng. Các
em được hoan hô nhiệt liệt. Đến bài Những nẻo đường Việt Nam của Thanh Bình, tôi
cao hứng nhìn em mướt nhất mà tình tứ: “Yêu là yêu là yêu không bờ bến rồi …”.
Tôi cảm câu: “Yêu là yêu là yêu những nẻo đường ơi!”. Cám ơn ông Thanh Bình em
vợ ông nhạc sĩ Trịnh Hưng, tác giả những ca khúc
Vùng tự do , Những nẻo đường
Việt Nam , Lá thư về Bắc , Sớm mai về đâu
và tác giả tiểu thuyết Mình còn trẻ lắm ,
xuất bản tại Sài gòn. Nhờ lời ca của ông, tôi đã quen em và được em mời tới thăm
em …
o O o
Con đường chống cộng của tôi thật gập ghềnh, khúc khuỷu. Thoạt đầu, tôi làm
chống cộng thuê cho Trần Văn Thông. Kế đến đi học chống cộng ăn lương công nhật
50 đồng. Học chữ tôi dở dang. Học lái tắc xi tôi dang dở. Học chống cộng bị đuổi
khỏi lớp. Thế mà tôi vẫn có bằng tốt nghiệp chống cộng. Mới hay rằng mọi sự tốt
nghiệp đều cần phải xét lại. Tôi xin phép mở ngoặc để thưa vài lời với quý vị
phán quan của đảng cộng sản Việt Nam. Thưa quý vị, khi tôi trả “nợ máu nhân dân”
ở đề lao Gia Định, chấp pháp của quý vị thẩm vấn tôi về cảm hứng nào tôi chống
cộng, nhận tiền của ai chống cộng, tôi đã thú thật cảm hứng và kẻ trả tiền tôi.
Thì chấp pháp đập bàn bảo tôi giỡn mặt Đảng và tống tôi vào cachot. Rồi quý vị
viết sách, khi thì kết án tôi chống cộng tự nguyện, khi thì kết án tôi lãnh
lương CIA. Hôm nay, chắc quý vị đã tin tôi thành khẩn … tự khai. Trần Văn Thông,
sau này, bị đì tới chỉ, bị giáng xuống làm Trưởng chi thông tin quận Tân Bình
rồi bị phút xuống Rạch Giá giữ chức Trưởng ty thông tin, chiêu hồi rồi … dân
vận. Nó cũng đã đền “nợ máu” 7 năm. Xin đóng ngoặc.
Đàn anh của tôi muốn tôi có 5 trăm tiêu vặt đã xui tôi học chống cộng lãnh lương
Ngô Đình Diệm. Nhờ bạn tôi cứu nạn, chứ không tôi mang tiếng nhận 5 bò của “ngụy
quyền” chống cộng. Cám ơn “a mi dzôn” Trần Văn Thông. Quốc gia chân chính và
cộng sản chuyên chính hãy yên tâm, tôi còn … trinh, tôi chưa chống cộng ăn lương
Mỹ, lương ngụy. Tôi mới chống cộng ăn cơm, ăn phở ghi sổ chịu. Vì tôi đói. Vì
thằng Trần Văn Thông thuê tôi. Quý vị bằng lòng chưa ? Nếu quý vị bằng lòng rồi
thì xê ra chỗ khác cho tôi đi thăm em gái Trầm Tư của tôi.
Em gái Trầm Tư là thư ký riêng của sư bà Từ Ái. Văn phòng của sư bà Từ Ái đặt
tại một ngôi chùa đường Phan Thanh Giản. Sư bà Từ Ái, nhật vật của Phật Giáo,
đặc trách công tác xã hội bên cạnh Bộ xã hội. Sư bà đi khắp các nước trên thế
giới. Em Trầm Tư được tháp tùng. Trầm Tư không đẹp nhưng mà hiền ngoan. Mắt em
như mắt nai ấy. Em tiếp đón tôi niềm nở, dù tôi chơi bộ quần áo kaki cắt gỡ cầu
vai và mang giầy mỏ vịt. Vì tôi thấy em thân với thi sĩ Trần Việt Hoài và anh em
của tôi lại nói Trần Việt Hoài là Z*** vì Hoài là anh ruột Lê Vinh, tay Z nặng,
bèn tấn công em bằng đòn cách mạng. Gái bên song cửa thường mơ mộng chuyện chân
mây, em cảm tôi liền tù tì. Tôi tiểu thuyết hóa chiến khu Ban
Mê Thuột, lãng mạn
hóa chuyện ăn cơm với rau dền dại nấu bằng phó mát viện trợ Mỹ. Em lắng tai nghe
ra cái điều … trầm tư lắm. Em mê tôi đấu hót quên cả công việc của sư bà. Em
nhìn tôi âu yếm: “Mai anh đến chơi nữa, anh nhé !”.
Buổi trưa hôm thăm em lần đầu về “cơ sở” Bầu Sen, tôi bị choáng váng khi nghe
một ca khúc ở radio.
Quê hương ơi
Sau mùa chinh chiến tơi bời
Gia đình tan nát bao người cách chia
Đau buồn giây phút phân ly
Quê hương hãy đợi người đi sẽ về
Quê hương ơi
Mi còn sống trong ê chề
Bên dòng sông cũ mi còn tái tê
…
Nước sông Hồng vẩn đục
Dòng sông Hồng vấn vương …
Giống bài thơ Thái Bình tôi tặng em Ngọc Anh quá. Xướng ngôn viên giới thiệu:
- Quý vị đang nghe Quê hương ơi , thơ Cung thị Ngọc Anh, Hà Dzũng phổ nhạc, Ngọc
Long hát.
Tôi hiểu rồi. Kép mới của em Ngọc Anh có thể là anh chàng nhạc sĩ Hà Dzũng. Thơ
nghe choáng váng, chân tay run lẩy bẩy xấu hổ mà cũng có kẻ phổ nhạc ư ? Em Ngọc
Anh lưu manh thật. Em đấu thầu thơ tình của thi sĩ Văn Nghĩa rồi đấu thầu thơ,
truyện nhớ quê của tôi. Hèn chi, em cứ gạ gẫm tặng em luôn bản thảo. Tôi đã bị
gái lừa gạt. Tôi thức đêm thức hôm gò vần điệu cho em ký tên. May quá, thơ văn
cóc nhái được trả nhuận bút hôn thì cũng lời to rồi. Tôi cần đề phòng con gái.
Con gái … độc thật, độc hơn nhựa cóc. Liền đó, đọc trang trong nhật báo
Ngôn
Luận , mục do chị Thùy Hương (bút hiệu giả gái của đực rựa Vân Sơn) phụ trách,
tôi xuýt ngất xỉu vì bài thơ ễnh ương của tôi đã đăng chữ đậm, đóng khung, ký
tên Cung thị Ngọc Anh. Thế đã đủ rõ … tình yêu. Tôi rất có lý đá em văng xi lô
trước. Tôi không cần em nữa, Ngọc Anh ạ, em cứ đem cả bó thơ văn của tôi ra, ký
tên em mà đăng báo làm “mầm non văn nghệ”. Tôi đã có em Trầm Tư thân mến !
Tôi đang rông dài, tha hồ rong chơi. Vào thời kỳ này, nhật báo Tự Do đang gây
sôi nổi bằng Tỵ Bái của Nguyễn Hoạt. Đi đâu cũng nghe chuyện Lan con, Tỵ Bái.
Tác giả Mắt em ở bốn phương trời thành công hết cỡ. Hồi ở Hà nội, thường viết
trên tạp chí Thế Kỷ của Bùi Xuân Uyên, song ít ai biết Nguyễn Hoạt. Ở nhật báo
Ngôn Luận , Hoàng Hải Thủy là vua không ngai, thao túng phóng sự trào lộng ngay
trang nhất. Chàng Phi (Nguyễn Văn Phiên) sinh lực dồi dào “Mỗi ngày một truyện”
trang hai Ngôn Luận . Thanh Hữu, tác giả Đợi anh về và
Một chuyện tình của người
sinh viên của Tia Sáng Hà nội đang giữ chức vụ thư ký tòa soạn cho nhật báo Thời
Đại của Nguyễn Thành Danh. Ký giả Hồ Nam (Lê Nguyên Ngư) vung vít “Tin văn nghệ”
ở đây. Trên trang văn nghệ của nhật báo Dân Chủ , Nguyễn Đức Quỳnh cổ súy một nên
văn nghệ chủ quan viễn kiến và nhắc nhiều về Đàm trường Viễn kiến. Thanh Nam đã
cho xuất bản tiểu thuyết mới. Nhiều tác phẩm đã quảng cáo. Không khí văn nghệ
rộn ràng. Thanh Tâm Tuyền gây chấn động với thơ tự do trên tuần báo Người Việt.
Triều Đẩu chuẩn bị tung ra thị trường chữ nghĩa miền Nam
Trên vỉa hè Sài gò n.
Bùi Xuân Uyên rêu rao Luyện máu . Vợ của ông, bà Xuân Nhã sáng tác mạnh mẽ. Mặc
Thu đã hoàn tất tiểu thuyết Bát cơm bát máu . Đinh Hùng được hâm mộ qua thơ châm
biếm ký Thần Đăng và dã sử tiểu thuyết ký Hoài Điệp Thứ Lang. Độc giả mê
Kỳ nữ
gò Ôn Khâu và Người đao phủ thành Đại La như điếu đổ. Tôi không đủ tiền mua
nhiều báo nên sự hiểu biết về sinh hoạt báo chí, văn nghệ rất giới hạn.
Tôi quên, ở một chương nói về báo chí Sài gòn cuối 1954, đã không đề cập tuần
báo Tự Quyết, một tuần báo trào lộng, đối lập chính phủ Ngô Đình Diệm rất hay
của nhóm Đại Việt miền Nam: Nguyễn Ngọc Tân (Bẩy Bốp), Phạm Thái (Xừ Rô be),
Nguyễn Ngọc Huy (Đằng Phương), Lê Bình Tăng (Lê Xuyên) … Tự Quyết đã bị đình
bản, Lê Xuyên nằm đề lao Gia Định, Nguyễn Ngọc Tân trốn sang Cao Mên tị nạn.
Chưa thấy xuất hiện một tạp chí văn nghệ nào tiêu biểu cho giai đoạn chuyển mình
của đất nước. Khuynh hướng nhật báo cuối 1955: Thương mại thuần túy
(Sài gòn
mới, Tiếng Chuông) , chống cộng, ủng hộ Ngô Đình Diệm
(Tự Do, Ngôn Luận ), chống
cộng, đối lập tí ti (Dân Chủ) , thông tin, nghị luận vô tội vạ
(Lẽ sống, Thời
Đại, Buổi Sáng) . Các nhật báo thân Pháp, trung lập bị đình bản
(Tin Điển, Thần
Chung).
Sinh hoạt báo chí và văn nghệ không còn hấp dẫn tôi nữa. Vì, dường như, máu văn
nghệ trong tôi đã nguội lạnh. Cứ nghĩ đến ngày mai đói rách, tôi hết ham văn
chương. Những ngày ở Bầu Sen, tôi còn một niềm vui duy nhất là mỗi sáng tôi đến
thăm Trầm Tư. Tôi yêu nàng. Nàng yêu tôi. Chúng tôi yêu nhau. Tôi không hề tâm
sự với nàng rằng tôi đã làm thơ. Cái bó thơ thương nhớ giả vờ, bài nào cũng “Gửi
chị Nguyệt”, tôi liệng vào đống rác thành phố rồi. Trầm Tư yêu tôi qua hình ảnh
một chiến sĩ cách mạng. Chúng tôi đã có nhiều đêm “dìu nhau đi trên phố vắng”,
đã có nhiều lần ôm nhau, hôn nhau say đắm. Chuyện tình thơ mộng của Trầm Tư và
tôi kéo dài đến cuối tháng 1-1956 thì gặp trục trặc … cơm áo. Đàn anh quên trả
tiền ông Tầu già hơn một tháng rồi, ông ta cằn nhằn chúng tôi. Phùng Văn Chiểu
lo vụ này. Anh chàng bảo sẽ thanh toán và chúng tôi trở lên Ban mê thuột.
Đoàn Trọng Thu chia tay tôi. Nhà thi sĩ Hôi Nách từ chối lên “chiến khu”. Anh ta
phiêu bạt nơi nào, tôi không rõ. Đồng Văn Khải tiếp tục theo cách mạng. Còn tôi,
tôi quyết định về làng Trảng Lớn, Tây Ninh. Tôi tìm Trầm Tư vẽ chuyện chia ly:
- Anh sắp xa em một thời gian khá lâu.
- Anh đi đâu ?
- Đến một tỉnh miền Đông.
- Anh phải đi à ?
- Bắt buộc. Nhiệm vụ, em ạ !
Trầm Tư khẽ lắc đầu:
- Em ghét nhiệm vụ của anh. Em yêu anh, em muốn gần gũi anh, em muốn lấy anh.
Tôi hỏi:
- Không phải em yêu anh qua hình ảnh một chiến sĩ cách mạng à ?
Nàng buồn bã đáp:
- Em yêu anh vì em thấy ở anh có vẻ gì thật quyến rũ mà em không biết diễn tả.
Cách mạng có nghĩa lý gì với em.
Tôi không thể nói thật với Trầm Tư rằng tôi sắp đói to, tôi cần cho đầu gối của
tôi bò đi Tây Ninh.
- Cám ơn em.
- Anh nhất định xa em ?
- Anh không muốn thế.
- Bỏ cách mạng của anh đi, bỏ rơi nó đi !
Tôi sợ hãi ngày Trầm Tư nguội nồng nhiệt vì biết rõ cuộc đời rách nát, học hành
ấm ớ, tứ cố vô thân, tử vô địa táng của tôi nên tôi đổ vạ cho cách mạng.
- Anh đã bị ràng buộc, anh đã tuyên thệ.
Trầm Tư chớp mắt:
- Bao giờ anh đi ?
Tôi thở dài:
- Mai sớm.
Nàng nói:
- Hôm nay thứ sáu, thứ hai anh hãy đi. Thứ bẩy, chủ nhật mình ra Vũng Tầu chơi.
Tôi gật đầu:
- Cũng được.
Tôi có hai sáng và một đêm tuyệt diệu với Trầm Tư. Chúng tôi bay lên ngọn đỉnh
của tình yêu. Rồi tôi ra đi. Trầm Tư ở lại khóc thương đời.
Chú thích:
* Sau trở thành thi sĩ, sĩ quan quân đội.
** Xóm này bị xóa bỏ trên bản đồ thành phố sau trận hỏa hoạn thiêu rụi hết vào
năm 1957.
*** Z: Duy Dân.