watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Nhìn Lại Những Bến Bờ-Chương Mười Bảy - tác giả Duyên Anh Duyên Anh

Duyên Anh

Chương Mười Bảy

Tác giả: Duyên Anh

Cuộc chính biến 1-11-1963 là một dấu mốc của cuộc đời viết phiếm luận của tôi. Có lẽ, nói là cảm hứng dạt dào thì đúng hơn. Tôi đã khôn lớn và tôi biết nhìn cách mạng bằng đôi mắt khe khắt. Phật giáo tranh đấu coi 1-11-1963 là cách mạng lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm. Với tôi, dù khát khao đổi mới, dù không ưa thái độ của Tổng giám mục Ngô Đình Thục, không chịu nổi ngôn ngữ của bà Trần Lệ Xuân, dù không chấp nhận sự thao túng của ông Ngô Đình Cẩn, tôi vẫn coi 1-11-1963 là một thoán nghịch đê tiện. Những Mạc Đăng Dung tân thời bỗng dưng trở thành anh hùng dân tộc ! Hỡi ơi, đám vũ biền Đỗ Mậu, Tôn Thất Đính, Dương Văn Minh xuất thân từ lính tẩy, nhờ cách mạng nhân vị tháng 10 của ông Ngô Đình Diệm mới ngoi lên hàng tướng lãnh, đứa là con nuôi, đứa là tôi tớ nhà Ngô, đã sát hại cha, sát hại chủ để được vinh tôn như anh hùng thời đại, như thần tượng cách mạng. Nghĩ mà ngao ngán cho định nghĩa cách mạng, ở đất nước tôi. Từ có lịch sử cách mạng, chưa thấy cò cớm làm cách mạng. Cò cớm là công cụ của phong kiến, độc tài, phát xít chuyên môn đàn áp các cuộc nổi dậy của dân chúng. Tôn Thất Đính đã từng là cảnh sát, Đỗ Mậu là mật vụ quân đội. Và rồi là chiến sĩ cách mạng của miền Nam Việt Nam ! Người Mỹ đểu thật *.



Những kẻ thoán nghịch giải phóng nhảy đầm. Tuổi trẻ liên hoan chào mừng cách mạng bằng vũ điệu Twist. Let’s twist again ! Những tên trộm cắp, du thủ du thực bị bắt cùng lượt với sinh viên tranh đấu, được tha cùng lượt với sinh viên tranh đấu đã vênh vang khoe mình chống đối chế độ Ngô Đình Diệm. Hoàng Anh Tuấn có một truyện ngắn thật hay, nhan đề Kẻ tình nguyện vắng mặt , xuất hiện sau 1-11-1963. Kẻ chống đối ông Diệm đã tình nguyện vắng mặt ở buổi mít tinh kể công lao của đám bọ gậy cách mạng. To tiếng mạt sát ông Ngô Đình Diệm và chế độ của ông vẫn là mấy tờ báo gia nô của chế độ Diệm mà nhật báo Đồng Nai của dân biểu đệ nhất Cộng hòa Huỳnh Thành Vị là điển hình. Người ta rạch miệng chửi bới gia đình “tổng thống anh minh”. Người ta đua đòi triết lý cỏ đuôi chó của Mạ nháy. Chương trình Tao Đàn của Đài phát thanh Sài gòn mới 26-10 suy tôn công đức sự nghiệp Ngô tổng thống, đã 2-11 nguyền rủa chế độ độc tài gia đình trị nhà Ngô. Cái biển dâu tư tưởng chó đẻ đó khiến tôi bất bình. Tôi có dịp nhìn rõ sự thật về con người ông Ngô Trọng Hiếu. Dư luận rắn rết đã thêu dệt quanh ông đủ thứ chuyện bỉ ổi, kể cả chuyển bẩn thỉu lái xe mò mẫm thân mẫu ca sĩ mô tô bay Bạch Yến. Nhưng khi cách mạng ùa vào tư thất của ông ở đường Hai Bà Trưng, tưởng sẽ tịch thu được báo Playboy, Penthouse, thì chỉ thấy sách đạo đức, sách học làm người … Sự thật về ông Ngô Trọng Hiếu vẫn bị cách mạng khỏa lấp và báo chí không ngớt bôi bẩn cá nhân ông Diệm, ông Nhu, bà Nhu … Đê tiện nhất vẫn là Hoàng Trọng Miên, anh ruột của Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa của chính phủ Cộng hòa lâm thời Nam Việt Nam. Hoàng Trọng Miên là tên văn nghệ bất lương. Ông ta đã dịch truyện Chỉ vì yêu của Ba lan ký tên mình, coi như mình là tác giả. Ông ta soạn cuốn Việt Nam văn học toàn thư , ăn cắp nguyên con một nửa phần của Nguyễn Đổng Chi (Hà nội), bị Thế Phong tố cáo. Hồi đó, các nhà văn lớn xúm nhau bênh Hoàng Trọng Miên, miệt thị Thế Phong là du đãng văn nghệ. Thế Phong, nhờ công tác ở Nam Vang, mua được cuốn sách của Nguyễn Đổng Chi, ném vào mặt các nhà văn lớn. Chỉ thấy mỗi Nguyễn Mạnh Côn công khai xin lỗi Thế Phong. Tên văn nghệ bất lương Hoàng Trọng Miên đã lợi dụng thảm cảnh dậu đổ bìm leo, viết phơi ơ tông Đệ nhất phu nhân đăng trên nhật báo Quyết Tiến của Hồ văn Đồng để nhục mạ một người đàn bà chồng bị sát hại, thân thế long đong. Những tờ báo xuất bản sau 1-11-1963 đã không soi sáng được niềm u ẩn của thời thế, chỉ biết toa rập với đám thoán nghịch và cách mạng do Mỹ lãnh đạo, vu khống, bịa đặt, bôi bẩn gia đình ông Ngô Đình Diệm.



Ở nhà chùa, tinh thần vị tha của Phật tổ bị quên lãng, các ông sư chính trị đăng đàn thuyết pháp chửi bới đảng Cần lao, chửi bới xác chết, khoe thành tích cách mạng. Điển hình nhất là ông sư Hộ Giác, tục danh Ngô Bửu Đạt. Các ông sư chính trị hung hăng con bọ xít. Năm 1977, một ông sư Thái Lan tuyên bố: “Giết một tên cộng sản không phải là một tội ác”. Danh ngôn này đã biện minh cho sự toa rập sát hại anh em ông Ngô Đình Diệm của các ông sư chính trị sắt máu Ấn Quang và còn biện minh cho cả hải tặc Thái Lan giết thuyền nhân, hãm hiếp đàn bà, con nít thuyền nhân nữa. Tôi không bênh vực Thiên Chúa giáo và anh em ông Ngô Đình Diệm. Hẳn nhiên, tôi chưa hề nhờ vả giáo hội Thiên Chúa giáo, chưa hề hưởng ân huệ của chế độ Ngô Đình Diệm. Tôi biết thù ghét người theo đạo Thiên Chúa từ năm 1951 khi tôi thấy lính của cái đạo này theo Pháp, từ Trại Hang qua làng tôi càn quét đồ đạc, bắn phá, đốt nhà, đánh đập người bên lương. Rồi tôi chứng kiến lính Lạc Đạo của ông linh mục Chỉnh dí lưỡi lê lên cổ cha tôi, tra khảo tung tích của chú rể tôi ở phố An Tập, hồi gia đình tôi mới hồi cư về thị xã Thái Bình. Lớn khôn, tôi hết thù ghét người theo đạo Thiên Chúa nhưng tôi hiểu chính xác điều này: Giáo hội Thiên Chúa giáo hưởng quá nhiều đặc quyền, đặc lợi ở Việt Nam từ hơn 100 năm cho đến ngày cộng sản chiếm toàn vẹn đất nước. Giáo hội Thiên Chúa giáo luôn luôn đứng về phe chính quyền, về phe kẻ mạnh. Đa số giáo dân nặng tinh thần Giáo hội, nhẹ tinh thần Dân tộc. Nhưng không phải vì thế mà Thiên Chúa giáo thờ ơ với công cuộc xây dựng đất nước và không phải vì thế mà Thiên Chúa giáo là việt gian, là kẻ thù của dân tộc. Chúa Giê su là nhà cách mạng giải phóng con người và mời gọi gần gũi, cảm thông, chia sẻ, thương yêu. Một số kẻ thừa sai của Chúa đã phản bội lý tưởng của Chúa là bày đặt thêm giáo điều để ràng buộc con người và làm xa cách giữa con người với con người. Lịch sử nào cũng có nhiều sai lầm, thời đại nào cũng có nhiều con người sai lầm. Trang Tử viết: “Người xưa chết rồi, vả lời và việc người xưa chỉ đúng với thời xưa”, hoặc sai với thời xưa. Khai quật cái thời xưa để soi sáng kinh nghiệm thời nay thì được, để chứng minh cái thời xưa là chân lý, là vĩnh cửu rồi quy tội xưa đã thế, nay cũng vậy thì không nên.



Tôi chỉ muốn nói cái gần. Cái gần mà tôi biết rõ từ 40 năm, nghĩa là từ năm tôi 14 tuổi, ẩn ức của người Phật giáo không có gì lớn, mâu thuẫn giữa người Phật giáo với người Thiên Chúa giáo cũng chẳng có gì trầm trọng. Nó chỉ trầm trọng khi miền Nam có vị nguyên thủ là người Thiên Chúa giáo. Trước đây, dân gian quen gọi ông sư hay sư ông, sư bác, sư cụ, miền Nam gom chung hai tiếng thầy chùa và quen gọi cố đạo. Vẫn đầy đủ cung kính. Và rất lương giáo đoàn kết. Từ có đại đức, thượng tọa, linh mục, giám mục trên cửa miệng dân gian xem chừng cuộc đời rắc rối. Cái hiện tượng Tổng giám mục Ngô Đình Thục tác oai tác quái, cưỡng bức người ta vào đạo Thiên Chúa để đủ chỉ tiêu cho tham vọng Hồng Y thì có. Nhưng ai dám nói thật, nói thẳng với ông Ngô Đình Diệm ? Cái trường Nhân vị của ông Ngô Đình Thục mở ra, bọn cầy cáo hân hoan học tập, có ai dám phản đối ? Ông Diệm đi thăm các khu trù mật, thấy cây mới trồng đêm trước còn không biết nữa là những chuyện lớn. Thợ may vô dinh Độc lập được dặn dò một bộ đồ lớn giá có vài chục đồng, ông ta tin ngay. Còn cái hiện tượng các ông cố đạo di cư lem nhem, giáo dân định cư ở Ba Bèo, Cái Sắn cậy thế át giọng dân địa phương và kỹ nghệ nhà thờ mọc lên ở Xóm Mới, ở Hố Nai, ở Gia Kiệm ngang với kỹ nghệ thịt chó là chuyện nhỏ. Phật tại tâm, cần chi nhiều chùa. Ca dao đã dạy: “Thứ nhất là tu tại tâm, Thứ nhì tại chợ thứ ba tại chùa” mà. Bản chất chế độ Diệm có kỳ thị tôn giáo không ? Dĩ nhiên là không. Vì không có bằng chứng chế độ ấy phá chùa chiền, đuổi sư sãi. Chế độ Diệm có thiên vị Thiên Chúa giáo không ? Dĩ nhiên là không. Cố đạo Của bị bắt bỏ tù về vụ buôn bán xe hơi mờ ám, các cố đạo Nguyễn Bá Tòng bị đóng cửa báo, bị cấm viết báo. Vân vân … Ông Ngô Đình Diệm có thực lòng muốn hòa hoãn với phong trào tranh đấu của các ông sư chính trị không ? Thượng tọa Thích Tâm Châu đã trả lời nhiều lần rồi. Nếu chỉ vì ông Ngô Đình Thục, bà Ngô Đình Nhu mà làm cách mạng thì cách mạng này khôi hài quá. Buồn thay, người ta vẫn ngoan cố không chịu hiểu cái âm mưu đê tiện của Mỹ là dùng quần chúng Việt Nam lật đổ một chế độ ở Việt Nam do Mỹ nặn ra. Để Mỹ tạo tay chân dễ sai bảo. Để Mỹ làm ung thối miền Nam rồi giao cho người cộng sản.



Thôi thì cứ coi như cách mạng do lãnh tụ Trí Quang đã thành công trăm phần trăm. Đất nước đã có lính tẩy Dương văn Minh lên ngôi quốc trưởng và đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Thơ cầm ấn tướng quốc, quý vị sư chính trị hoan hỉ rồi, sao không “lấy đức báo oán” mà còn “đem oán báo oán”? Oán ấy mang sang tận Hoa Kỳ khi đã lưu vong tị nạn. Xin nhắc nhở quý vị rằng, theo Thông bạch của Hòa thượng Thích Trí Thủ gửi cho nhà cầm quyền của chế độ mới và Phật tử năm 1976 thì nhiều chùa bị phá, nhiều sư sãi bị bắt, Phật đài ở biển hồ Pleiku bị gài chất nổ sập nát … Trí thức Phật giáo, Thiên Chúa giáo bị lùa vào tù. Sĩ quan quân lực Việt Nam cộng hòa Phật giáo, Thiên Chúa giáo bị đưa vô trại tập trung khổ sai lao động. Sư phản động và cố phản động hưởng đồng đều quy chế tù ở Chí Hòa. Tuyên úy Phật giáo, tuyên úy Thiên Chúa giáo ngang tội nhau. Các nhà tu bị đóng cửa rất bình đẳng. Viện khoa học xã hội của nhà nước đã phát hành Tây Dương Gia-tô bí lục mạt sát Thiên Chúa giáo hết ngôn ngữ. Sử mới của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kết tội Thiên Chúa giáo là Việt gian bán nước cho Tây. Hồi ký của ông Đỗ Mậu là thừa. Và sự tranh chấp lẽ phải của quý vị thừa luôn. Thượng Tọa Thích Quảng Độ ra tù thì bị đuổi về Thái Bình. Linh Mục Trần Hữu Thanh ra tù thì bị đuổi về Thanh Hóa. Xin quý vị hãy tranh đấu để thượng tọa Quảng Độ được vào trụ trì tại chùa Ấn Quang Sài gòn và linh mục Hữu Thanh vào làm lễ tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế Sài gòn. Xin đừng để kẻ vô đạo hiểu lầm quý vị đánh rơi từ bi, hỉ xả và bác ái, vị tha. Ông Ngô Đình Diệm đã chết rồi. Ông Ngô Đình Nhu đã chết rồi. Ông Ngô Đình Cẩn đã chết rồi. Ông Ngô Đình Thục đã chết rồi. Miền Nam đã mất rồi. Lãnh tụ Trí Quang bặt tiếng rồi. Lịch sử không cần đến ông Đỗ Mậu viết. Lịch sử ông Diệm thì máu của quân dân miền Nam đổ dài ròng rã 12 năm đã viết giùm ông ta. Nghĩa là, sau khi sai đầy tớ bản xứ sát hại anh em ông Diệm, miền Nam bước xuống địa ngục chiến tranh do Mỹ đạo diễn. Và 200 năm sau rừng Việt Nam mới hy vọng mọc cây mới. Thuốc khai quang còn thấm sâu dưới lòng đất quê hương ta. Đó là công lao lật đổ chế độ Diệm của bọn thoán nghịch và đồng lõa.



Cảnh tượng tarnh tối tranh sáng của bất cứ một cuộc cách mạng nào cũng đều buồn nôn cả. Nhưng cảnh tượng buồn nôn nhất vẫn là cảnh tượng ông sư Hộ Giác thuyết pháp chử cần lao nhân vị ở chùa ! Tôi bỗng dậy bất bình và thèm viết báo để trút mọi bất bình của tôi.



o O o



Nhật báo, tuần báo, tạp chí đã xuất bản nhiều bằng nghị định ký tên ông tướng Trần Tử Oai, Tổng trưởng Thông tin của nội các Nguyễn Ngọc Thơ. Báo chí tự do vung vít, tự do hí họa đôi mắt lé của thủ tướng cách mạng nguyên phó tổng thống của chế độ độc tài, gia đình trị ! Tôi vẫn làm việc ở Tổng nha Thanh niên đã được nâng lên Bộ Thanh niên và dọn về trụ sở của Bộ Công dân vụ nằm tại ngã tư Hiền Vương – Bà Huyện Thanh Quan. Tổng trưởng Thanh niên triều đại cách mạng sân khấu là ông Nguyễn Hữu Phi. Ông này tiếp thu tư thất của ông Ngô Trọng Hiếu, bèn tìm thầy địa lý, phá cái cổng xây rộng thêm với niềm tin chấp chánh lâu dài. (Tội nghiệp ông, ba tháng sau Nguyễn Khánh chỉnh lý, ông Phi về nhà đuổi gà !). Tôi có một kỷ niệm khó quên với ông Tổng trưởng Nguyễn Hữu Phi (Hữu hay Văn, tôi nhớ không chính xác). Hôm ông ta ra mắt nhân viên các cấp ở hội trường, ông ta có vẻ bẽn lẽn, dù ông ta đã ngoại ngũ tuần. Ông Tổng trưởng thanh niên cách mạng móc túi trong áo vét tông, bên phải, lôi ra cặp kính lão đeo lên mắt. Ông ta móc tiếp túi bên trái, lôi ra bài diễn văn đánh máy sẵn. Bài diễn văn thật ngắn mà lãnh tụ thanh niên cách mạng đọc sai be bét, đọc giọng cơm nguội. Ông ta đã làm mất khí thế cách mạng tháng 11, làm tắt ngóm ngọn lửa “từ bi” của Bồ tát Thích Quảng Đức. Chẳng hiểu vô tình hay cố ý, người đánh máy đã quên bỏ một dấu nặng quan trọng nên thay vì cộng tác , ông tổng trưởng cách mạng đọc thành công tác . “…Cánh cửa văn phòng của tôi luôn luôn mở rộng để đón mọi sự công tác của quý vị …”. Tổng trưởng Nguyễn Hữu Phi thua xa Tổng giám đốc Cao Xuân Vĩ. Tuổi trẻ miền Nam có lãnh tụ cách mạng cơm nguội và mê khoa địa lý !



Ngao ngán cái nội các cách mạng … đốc phủ sứ, tôi viết truyện ngắn Đào kép cũ và cho đăng trên tuần báo Ngàn Khơi của Nguyễn Hữu Đông. Nguyễn Công Hoan đã viết truyện ngắn Đào kép mới . Tôi viết Đào kép cũ của một gánh hát cải lương làm cuộc đảo chính bệ rạc truất phế ông bầu. Không có gì mới lạ sau cuộc đảo chính cả. Vẫn kép cũ, đào cũ, tuồng cũ, phông cảnh cũ và phần diễn xuất thảm não rõ rệt. Tôi đã miệt thị cách mạng tháng 11 đến nơi đến chốn. Một điều làm tôi khó chịu là ba nhà báo lớn Từ Chung Vũ Nhất Huy, Chu Tử Chu văn Bình và Hiếu Chân Nguyễn Hoạt đã ký tên chung trong một bản tự thú vội vàng. Bản tự thú của ba nhà báo lớn đăng trên các báo, thành khẩn nhận rằng họ đã “sống kiếp phi cầm phi thú” dưới chế độ Ngô Đình Diệm ! Đâu đến nỗi thế. Trên nhật báo Dân Việt , Chu Tử viết Ao thả vịt vung xích chó, chưa hề bị suy tôn Ngô tổng thống. Trên nhật báo Tự Do , Hiếu Chân tiên sinh Nói hay đừng thả giàn, xỏ xiên chủ tịch quốc hội Lại Tư tưng bừng và chưa hề bị ca ngợi bà Ngô Đình Nhu. Còn Từ Chung, trên nhật báo Ngôn Luận có bị cưỡng bức nịnh bợ chế độ đâu ? Ba nhà báo lớn của tôi quá vội vàng phán xét một chế độ có gần 10 năm bình yên đất nước, kinh tế ổn định, an ninh lãnh thổ 95 phần 100, tiền tệ không một lần phá giá, chủ quyền quốc gia đầy đủ. Họ tưởng cách mạng tháng 11 sẽ tạo dưng con người sống xứng đáng với ý nghĩa làm người. Họ đã lầm. Kẻ phản tỉnh và chống cách mạng tháng 11-1963, chống các nhà sư chính trị dính líu vào cách mạng tháng 11-1963 kỹ nhất là Chu Tử, khi nhật báo Sống của anh xuất hiện. Cách mạng ấy và thần tượng đất sét của cách mạng ấy đã hết thiêng, đã vỡ vụn sau ba tháng diễn trò khỉ chính trị tôi đòi. Kẻ chỉnh lý Nguyễn Khánh đã thộp cổ anh hùng cách mạng đầy lên Đà Lạt. Chính trường miền Nam hân hạnh thấy ông Đỗ Mậu nhảy lên bàn phó thủ tướng đặc trách văn hóa. Bộ Thanh niên xuống hàng Phủ đặc ủy Thanh niên và ngài Nguyễn văn Kiểu nắm chức vụ Đặc ủy trưởng.



Sau cuộc chỉnh lý, linh mục Nguyễn Quang Lãm mời tôi cộng tác với nhật báo Xây Dựng do ông đứng tên chủ nhiệm. Tôi xin từ chức biên tập viên nhà nước, ra ngoài sống bằng ngòi bút của mình. Tôi tự giải phóng tôi. Tôi bước vào con đường chuyên nghiệp. Năm 1964 là dấu mốc mới của cuộc đời văn chương, báo chí của tôi. Bạn sẽ đọc cuộc đời ấy ở phần thứ hai Nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp dài gấp hai phần thứ nhất và sinh động gấp mười lần.



o O o



Để trở thành nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp, tôi đã trải qua 9 năm hội nhập đời sống muôn màu, muôn vẻ. Cũng lấy làm cay đắng, ngậm ngùi lắm. Mỗi nhà văn có một tâm sự để bầy tỏ với độc giả tại sao mình là nhà văn. Tôi đã bầy tỏ tâm sự của tôi. Rất khách quan, không tự tôn, chẳng tự ti, trường hợp trở thành nhà văn của tôi vất vả vô cùng. Tôi hãnh diện về sự vất vả ấy. Nhưng sự vất vả chưa chấm dứt ở đây, chả bao giờ chấm dứt cả, nếu chữ nghĩa còn làm nhà văn thao thức.



Pasadena, California
28 tháng 2, 1988




Chú thích:

* Sẽ có người hỏi tại sao chê Tôn Thất Đính tôi còn viết thuê hồi ký cho Tôn Thất Đính. Ở cuốn thứ 2, tôi sẽ giải thích dài dòng. Nhưng ở đây, rất vội vàng, tôi trả lời vắn tắt: Tôi viết hồi ký cho Tôn Thất Đính vì muốn được nghe TTĐ nói rõ mọi chi tiết phản loạn từ Bravo 1 đến Bravo 2. Điều thú vị nghe TTĐ kể là ông ta nói thật Đỗ Mậu đã quỳ lạy ông ta “giết Diệm cứu nước”. Tôi thèm viết cuốn tiểu thuyết chính trị mà bối cảnh lịch sử là những năm đầu của thập niên 1960.
Nhìn Lại Những Bến Bờ
Chương Một
Chương Hai
Chương Ba
Chương Tư
Chương Năm
Chương Sáu
Chương Bảy
Chương Tám
Chương Chín
Chương Mười
Chương Mười Một
Chương Mười Hai
Chương Mười Ba
Chương Mười Bốn
Chương Mười Năm
Chương Mười Sáu
Chương Mười Bảy