Chương 3
Tác giả: Harald Kidde
Tôi đã nói với các bạn rằng trong khi thành phố, cuộc sống hiện tại mà tôi rời bỏ, biến mất thì bóng tối, đêm vĩnh hằng thấm sâu vào mắt tôi, hình như vội vã lao ra đón tôi.
Tôi tưởng còn nhận thấy bộ mặt Augustin, cái mặt người cuối cùng, và tiền mà tôi đưa cho nó hình như là cái giá tiền chuộc của tôi đối với mọi người.
Tôi được giải thoát khỏi cuộc sống riêng. Sáu giờ trôi qua trong vườn và phòng của cô ấy, sau khi khi tôi đã xa rời cô ấy không có gì có thể xảy ra nữa. Sức lực tôi đã hoàn toàn cạn kiệt. Tôi đã tự do, như những người chết được tự do.
Đối với tôi, hòn đảo là đám sương mù mà tôi đã rời bỏ ánh mặt trời để tới đó, cũng như thể tương lai của tôi hiện ra với tôi như một cái bóng.
Nhưng chúng tôi đã không ở trước Kronberg như giấc mộng mơ hồ lôi cuốn tôi đến đã thay chỗ cho thực tế.
Tôi là người lạ duy nhất trên tàu và con chó Vombat bẩn thỉu, ngay từ khi tôi mới bước lêN tàu Coquillage, đã chào đón tôi bằng sự thù địch trong suốt cả chuyến đi, sủa điên cuồng vào tôi. Tiếng gâu gâu dã man của nó át hết mọi tiếng động khác.
Các thuỷ thủ tất tưởi xung quanh những thừng chão và buồm, kích động bởi những tiếng kêu gào giọng mũi, những lời doạ nạt của thuyền trưởng. Những kho hàng khổng lồ của Christianshavn, trên đó những chiếc đèn chiếu ném lên những vệt sáng yếu ớt, mờ xoá đi trong đêm. Mái nhà xanh lục của lâu đài lùi sâu về phía chân trời mờ tối. Tôi không phân biệt được ánh sáng của thành phố và ánh sáng của các chiếc tàu đi vào cảng nữa.
Mắt con Vombat loé đỏ trước ánh đèn hiệu của tàu. Tôi ngồi xổm gần cabin, cái xắc kẹp giữa hai đùi. Con chó có vẻ như muốn xé tôi ra nếu như nó có thể cắn đứt dây xích giữa hai hàm răng.
Tôi trông thấy cái nhìn dữ tợn và cái mõm đầy bọt mép của nó. Bỗng nhiên, hình như tôi thấy nó là hiện thân của hòn đảo mà tôi sắp sửa cập bến. Phải chăng ở đấy tôi cũng là người lạ? Một ánh sáng đột ngột loé chiếu số phận của tôi. Bây giờ khi sự quyết định của tôi không thể sửa đổi được nữa, tôi mới thức tỉnh khỏi cơn say.
Làm giáo viên ăn lương của mục sư, giữa trùng sóng! Vậy loại người nào sống ở một nơi như thế? Họ có đứng lên chống lại tôi với cơn giận dữ như con chó kia chống lại kẻ không mời mà đến? Còn bản thân ông mục sư? Tôi nhớ đến phán đoán của Eberhard về các mục sư. Hơn nữa, tôi chẳng đã trông thấy ông Gotthardsen rồi đó sao?
Tôi quay lại nhìn về phía sau.
Nửa vòng tròn ánh sáng của Copenhague bị cuốn hút trong sương mù, biến đi trong bóng đêm và một tiếng nói nội tâm bảo tôi "Mày sẽ không bao giờ thấy lại thành phố, không bao giờ thấy lại cư dân của nó, không bao giờ thấy lại cuộc sống náo nhiệt ồn ào của nó. Mày đi vào trong đen tối như đi vào nhà mồ, vào trong một cái mồ đầy ma quỷ, rắn, giun".
Giữa lúc suy nghĩ triền miên đó tôi rùng mình, một tiếng kêu thóat ra, con chó cắn vào chân tôi. Nó đã tuột ra được.
Tôi đánh vào đầu nó bằng cái xắc, một thuỷ thủ cười, gọi nó lại, nhưng nó run lên vì giận dữ không chịu nhả tôi ra và chỉ chịu buông tôi ra khi một anh thuỷ thủ tóm lấy gáy nó.
Than ôi! Hơn cả vì vết cắn, hơn cả vì sự đùa cợt trâng tráo của bọn thuỷ thủ, tôi dasu khổ vì sự khẳng định độc ác này. Tôi mới mười tám tuổi và tôi đi tự chôn sống mình.
Tôi chộp lấy cái xắc của tôi như thể tôi muốn nhảy lên một trong những chiếc tàu có cái đèn chiếu treo phía trên mặt nước, đang đi ngược đường chúng tôi. Trở về, vâng, trở về bên canh Adam, vạch mặt sự hèn hạ của nó đối với tôi, tuyên bố với nó rằng tôi đứng lên chống lại nó, ở bên ngoài ngôi mộ của tôi, đòi hỏi tuổi trẻ và cuộc sống của tôi. Trở về với cái đói, cái rét, sự tĩnh mịch, những cửa đóng của thành phố lớn thù địch! Bởi vì tôi biết nó, tôi đã sống ở đó từ tấm bé, ngôi mộ của Eberhard ở đó và cô ấy… cô ấy…
Bỗng nhiên nhiệt tình của tôi xẹp xuống. Tốt quá, tôi quên Dorete, và đó là lý do tôi ra đi trong đêm, lìa bỏ cuộc sống mà những người khác có thể sở hữu nhưng tôi thì lại tỏ ra không xứng đáng, và tôi bị tước mất vì sự trừng phạt và ân huệ thần thánh. Tôi đã quên hạnh phúc của tôi và sai lầm của tôi, quên sự lên án và quà tặng mà tôi được nhận, quên cái điều kiện duy nhất của một cuộc sống hoàn toàn dành cho kỷ niệm và ân hận.
Tôi lại thở thật sâu và lòng khuây khoả. Với cái nhìn bình thân tôi nhìn ánh sáng các bờ biển Đan Mạch và Thuỵ Điển lướt dọc qua chúng tôi và lẫn vào trong quầng sáng lan toả phía trên Copenhague và Malmo.
Tôi đã không hành động trong một lúc lạc đường, nhưng chẳng qua đó cũng là theo đúng quy luật của sự ra đời và số phận của tôi. Và tôi nhắm mắt một cách tin tưởng trong làn gió nhẹ ban đêm, tin chắc rằng tôi đã tuân theo ý chí của Chúa , nhưng tôi cũng hiểu, trong khi cảm thấy chân đau, rằng ý chí của Chúa không phải là bảo tôi phải trải qua những ngày còn lại của tôi trong một giấc ngủ đông sau khi đã sống nhiều, đã đau khổ nhiều.
Trái lại, Chúa Trời vừa mới lấp đầy cho tôi những quà tặng. Cho tôi được chứng tỏ với Người lòng biết ơn của tôi qua công việc và sự hăng hái chiến đấu của tôi.
Mạo hiểm của đời tôi đã chấm hết rồi, mạo hiểm! tất cả những gì con người ham muốn trên đời này. Những ngày dài của công việc đơn điệu không làm vui cho một ai đã bắt đầu ở tôi. Chúa đã gọi tôi đến đảo, chính ở đây sự nghiệp của tôi chờ đợi tôi.
Tuy nhiên tôi đã nhìn một cách sợ hãi boong tàu ngổn ngang những hòm, những thùng tô nô, những chai. Chưa bao giờ tôi trông thấy nhiều chai đến thế, và chúng đều toả ra toàn mùi rượu. Tôi nhìn con Vombat. Bị giữ giữa hai đùi của ông thuỷ thủ, nó vẫn không rời mắt nhìn tôi, chỉ chờ lúc tuột được ra để nhảy xổ vào tôi, tôi nhìn người đàn ông mà bộ mặt râu ria bẩn thỉu hé sáng một nụ cười khẩy kinh khủng, hình như ông ta ra mặt chế nhạo những nỗi sợ hãi của tôi. Thỉnh thoảng ông ta giữ cho con chó đỡ chặt hơn. Tôi nhìn đầu của thuyền trưởng, nó giống như bộ mặt xấu xk của con tàu thò đầu ra ngoài cửa và dựa lên cánh tay sát boong tàu. Ông ta giận dữ liên tiếp khạc ra những tia nước bọt màu nâu. Tôi nhìn người lái với thân hình cao gầy, khoác chiếc áo choàng màu cá thu, bộ mặt nhợt nhạt, đội mũ vải dầu, xuất hiện dưới những cánh buồm căng phồng. Trước ánh đèn chiếu tôi tưởng chừng trông thấy một người giả ma.
Mùi khó chịu của cá trích và cá chình làm tôi nghẹt thở. Boong tàu thấm quyện mùi cá đến nỗi gió biển cũng không thể thổi tản đi được.
Tôi nghĩ đến cái rét, đến những cuộc chè chén, đến lời nói thô tục đang chờ đợi tôi , cái triển vọng mà trước nó, hệ thần kinh của tôi thừa hưởng từ cha tôi không thể nào không run lên. Tôi vốn thích ăn bánh mì khô, kể cả bánh mốc hơn là mỡ muối và cá tuyết.
Tôi cũng nghĩ đến người cha nằm bẹp trên giường mạ vàng và nghĩ đến những lời nguyệt hoa của những cuốn sách mơ mộng của ông. Tôi nghĩ đến khu rừng xoá mờ trong bóng tối, những khu rừng trơ trụi rồi mùa xuân sẽ đến sẽ ra lá nở hoa cho những người khác chứ không phải cho tôi, tôi nghĩ đến những giấc mơ của tôi chỉ dành để tan rã và và nghĩ đến cái thực tế sắp sửa là của tôi. Tôi rùng mình mạnh đến nỗi răng tôi kêu rít lên.
Ôi, giá mà những thuỷ thủ và thuyền trưởng nói với tôi vài câu để cho tôi khả năng chiếm được tình bạn của họ, để tôi khỏi cảm thấy hoàn toàn bị bỏ rơi trên tàu, trong bóng đêm, để tôi đến đảo với lòng ấm lên bởi vài lời nói bạn bè, để quên đi chuyện tôi sẽ đến gặp những người nào và tôi sẽ ở đâu.
Ông mục sư ấy là ai? Ô, Chúa ơi! Liệu tôi có hoàn thành nhiệm vụ, có dạy được bọn trẻ không? Tôi đã buộc phải cố gắng suy nghĩ để nhớ lại nhiều số trong bảng cửu chương mà tôi chỉ thuộc một nửa! Còn các phân số thì tôi chịu không nhớ nổi
Đầu óctg chỉ đầy những tình cảm uỷ mị ngây thơ, vang lên của tiếng tù và mê li của Jean Paul, nhớ nhung của Châteaubrand.
Các con số và các sự kiện không có chỗ ở đấy. Là con đẻ của một người lãng mạn, con nuôi của một người kiên tín, tôi sắp sửa rời tàu xuống một hòn đảo.
Chuyện tình yêu của tôi chắc phải làm các bạn sửng sốt. Các bạn không thể hiểu tại sao tôi có thể yêu Dorete Honorius sau hai lần gặp ngắn ngủi, sau một lần chuyện trò duy nhất, yêu cô ấy thật nhiều để tìm thấy ở cô ấy ý nghĩa và mục đích của một cuộc đời mà cô ấy sẽ thực hiện trong những khoảnh khắc ít hơn.
Đó là vì các bạn không trông thấy Dorete Honorius khi cô ấy còn trẻ. Các bạn không thấy cô ấy là nữ thần tuổi trẻ hiện thân, là cô gái đích thực, là tinh thần của bố cô ấy được giải phóng khỏi mọi ràng buộc của xác thịt, là chính linh hồn thời đại của tôi. Khi yêu cô ấy, tôi đã yêu và làm chấn thương những gì là tốt đẹp nhất trước mắt tôi, tôi đã chấp nhận chiêm ngưỡng một cái đẹp không thể nào với tới được.
Tình yêu của tôi đồng thời là sai lầm và là đại hạnh phúc của tôi. Tôi đã không bao giờ thấy lại Dorete trên đảo này dù chỉ với một ngôi sao trên tóc và tôi chắc chắn rằng khi tôi có thấy lại cô ấy thì sẽ là ở dưới một vì sao.
Nếu tôi đã yêu Dorete khá nhiều để tình yêu của tôi cho phép tôi chịu đựng được cuộc sống, và ngay cả sau này thời gian trôi qua, nỗi đau của những năm đầu dịu bớt, đã làm cho tôi sung sướng được sống, nếu tình yêu đã khiến sự tồn tại khốn cùng của tôi thành một đời người trong sạch và trọn vẹn, thì cái đó là nhờ ở sự sai lầm lớn của tôi.
Nếu tôi không trông thấy Dorete như tôi đã trông thấy cô ấy trong đêm ở vườn, thì tình yêu của tôi cũng như cuộc đời còn trẻ của tôi sẽ chỉ ở trạng thái mộng mơ, đau khổ và nhớ nhung. Nhưng nó đã trở thành một thực tế, một thực tế của riêng tôi, nó là máu trong huyết quản của tôi và nó sưởi ấm tâm hồn tôi. Tôi cảm thấy đồng thời cả sự đau khổ và cảm giác đầy đủ của một người goá vợ. Không bao giờ tôi cảm thấy mình bị tước đoạt như một anh trai già không vợ.
Các bạn hãy hiểu tôi, những khoảnh khắc ở vườn, những khoảnh khắc trải qua cùng em gái chúng tôi, đối với tình yêu của tôi là những gì thuộc về cuộc sống vợ chồng đối với những người khác, mảnh đất phì nhiêu từ đó đâm hoa và từ đó cho quả.
Tôi đã luôn luôn thấy nó dưới một vì sao, nhưng tôi đã trông thấy nó trần truồng và tôi đã hôn ngực nó! Đã không bao giờ đời tôi thấy khát, thấy đói.
Chúng tôi sẽ trở về trần truồng không xấu hổ dưới vì sao của vĩnh hằng, như cô ấy đã báo trước cho tôi đêm đó trong các giấc mơ của tôi.
Tất cả cái đó tôi đã tiên cảm mà chưa thực hiện giữa những thùng cá trích và rượu trên boong tàu Coquillage. Tôi đành run rẩy vì sợ, vì buồn ngủ và vì lạnh.
Nhưng chúng tôi đã đi qua Helsingor, Helsingborg, và gió thổi mát mẻ. Tôi lạnh cóng trong chiếc áo khoác nhẹ, hai tay chắp lại, tôi tự hỏi khi nhìn thấy biến mất hai hòn ngọc sáng rực của hai thành phố, ở đấy tôi có thể dễ tìm chỗ nằm ngủ.
Những giờ sắp tới hình như với tôi là một điềm báo cuộc đời tôi trên một hòn đảo, mà chính bản thân nó cũng là một sự thức canh cô đơn và lạnh lẽo.
Nhưng đây, ông thuyền trưởng gọi:
- Này anh sinh viên! Thương gia muốn nói chuyện với anh. Anh có nghĩ rằng chúng tôi đưa anh lên tàu để cho chúng tôi đỡ buồn không? Anh hãy đến đây làm cho chúng tôi cười lên chút nào!
Cười ư? Tôi ném một cái nhìn kinh hãi lên khuôn mặt thô kệch và say mềm.
Và thương gia là ai? Nhưng ở kia, phía chiếc đèn lồng toả lên mùi mùi ấm nóng và thức ăn, tôi đang đói lắm, lạnh lắm. Vâng, tôi đói, tôi, thủ phạm của tình yêu ra đi dưới những cánh buồm đen, đến chỗ giá chữ thập.
- Thôi nào, phải có một chút thiện ý chứ. Anh không nghĩ rằng chúng tôi có ý định van xin anh đến à?
Tôi giật nẩy mình trước mệnh lệnh phát ra từ một giọng cứng rắn. Tôi chẳng biết làm gì ngoài việc tuân theo.
Tôi rẽ một lối đi giữa các thừng chão và các thùng tô nô đến dưới chân chiếc cầu thang dốc đứng vừa đúng lúc người thuỷ thủ lôi con chó ra.
Tôi kêu lên một tiếng và ngã nhoài ra đàng trước trong khi gã kia cười ngặt nghẽo và những tiếng rú bao quanh tôi, buộc tôi phải cố đứng lên mình rớm máu, bị thương, tim đập thình thịch.
Trong làn khói cay xè mắt tôi trông thấy họ dưới ngọn đèn muội đen, ông lái tàu với đôi mắt lõm, đôi hàm cười khẩy, cái đầu to, cái mặt đỏ rã mồ hôi, phía trên đầu là một cái bờm bù xù và trong mồm là những gốc răng vàng khè – ông thương gia vẻ ngoài là thế.
- Này! Anh sinh viên, khi người ta ngắm các vì sao người ta có con Vombat sau gót và người ta bị ngã nhào. Anh chẳng có khả năng đâu – ông ta nói thêm cùng với một trận cười rúc rích làm rung cái cằm đôi của ông – Hãy đến đây và uống một trận thôi.
Ông ta có lý. Đó là những con người, nhưng tôi chỉ có một mình.
Sau đó, tôi được ngồi vào một chiếc bàn đầy cà phê và rượu dưới cái chao đèn ám khỏi của một chiếc đèn dầu.
- Nào anh sinh viên, nói đi! – ông thương gia rót rượu cho tôi vào một cái tách đựng cà phê, vừa nheo mắt về phía những người khác – Anh đến chỗ chúng tôi làm gì? Anh không biết chúng tôi là những người dã man hay sao?
Tôi cố nói về cái quảng cáo trong tờ Tổ Quốc.
- Đúng rồi, ông già Schawagflugel không phải là thầy giáo của bọn trẻ nữa, về việc này thì ông ấy không thể đáp ứng được gì nhiều đâu, dù sao người ta có thể tin vào lời tố cáo của Malene.
Cử tọa phá lên cười. Bộ mặt của thuyền trưởng biến mất tron gchòm râu bẩn, người lái tàu cười khẩy từ cái mồm đen, vừa gõ gõ các ngón tay.
- Malene là ai? – tôi đánh bạo hỏi, vì tôi rất cần biết về những người mà rồi đây tôi sẽ đến gặp – Và cô ấy tố cáo về việc gì?
- Malene ư? Đó là người giúp việc của ông ấy. Cô ấy tố cáo cái gì? Anh sẽ biết khi anh đến, khi anh gặp họ, cô ấy và Schwargflugel. Có thể là anh sẽ biết mà liệu và làm cho công việc của ông ấy dễ dàng về một mặt khác với công việc của trường.
Tôi không hiểu sao họ cười, họ thốt lên những tiếng rú, họ giơ lên không những nắm đấm như chùy và để nó rơi lại xuống bàn với một tiếng động như sấm.
- Anh thấy không – cuối cùng thương gia nói tiếp – Chúng tôi đều có con cái của chúng tôi, chỉ có mỗi mình hoàng thân, nhưng ông ấy thuộc số người lãng phí hạt giống, như đã có ghi trong quyển thứ nhất của Moise, chương 38.
Mặt tôi đỏ bừng, cái đó thì tôi hiểu, bởi vì tôi biết Kinh Thánh, và tôi nhớ đến Augustin và bọn học trò lớn ngày xưa.
- Ha ha! – thương gia ngã tựa vào tường mà cánh cửa đang là những con sóng đen đập vào. Ông ta hít vào thật mạnh phồng cả cái áo vét màu nhựa đường – sao lại không? Anh cũng sẽ có thể phục vụ ông ta. Anh không nghĩ rằng ông ta sẽ chấp nhận một ít thịt tươi sao?
Tôi không biết đưa cái nhìn đi đâu. Cái lợm mửa làm tôi ốm. Tôi bị sốt như bị nhúng vào nước sôi. Hồi trước cũng thường hay thế khi bọn bạn nói đến những chuyện ấy, không kể cả cái ngày mà chúng thử ức hiếp tôi quá đáng và tôi đã tự bảo vệ với một sức mạnh dã man làm chúng phải lơi ra. Đó chính là con Vombat ghê gớm nhất đời tôi, con quái vật kinh khủng nhất của mọi thần khải.
- Hoàng thân? – tôi hỏi – vậy trên đảo này có một ông hoàng thân?
- Nếu có một hoàng thân thì sao? Chúa ơi! – thương gia vớ cái khăn đen mà ông ta đội trên cái bờm hung – Anh không biết đấy, ông ta sở hữu toàn đảo này, đó là cha của tất cả chúng tôi nhưng vì những lý do riêng đối với ông, ông chẳng phải là cha của ai cả. Bệ hạ hoàng tử Gebhard 29 của Bernburg Lippe.
- Nhưng vì sao mà ông ấy sống mãi ở đấy, ông ấy, một hoàng thân?
- Này nhé, ông ấy vẫn luôn ở đấy vì những lý do riêng biệt của ông ấy. Hà hà, anh nói sao? Anh có biết những con chim hoàng yến của chúng tôi, những nô lệ ở các thành lũy không? Anh tưởng tượng chúng nghĩ gì về những viên đạn buộc chặt vào chân chúng? Người ta không thể làm như thế với hoàng thân nên người ta đã buộc chặt vào chân ông ta tất cả hòn đảo. nó có khả năng giữ rất tốt.
Các bạn đường đã ép tôi ực một ngụm cà phê. Tôi cảm thấy say vì khói rượu và sự lợm mửa đã một lần dâng lên tận cổ. Cùng một lúc sàn, trần, những bộ mặt bắt đầu múa nhảy quanh tôi.
Chúng tôi đã vào Kattegat và tôi vừa nhìn thấy ánh lửa của cây đèn pha cuối cùng của Seeland.
- Nhưng vì sao, vì sao ông ấy đến đảo?
- Bởi vì ông ấy bám chặt vào "thịt tươi", thịt tươi như thịt anh, hà hà! Và ông già Frédéric không nghe lời đùa cợt khi nó dính líu đến những cậu bé ở Nyborg, càng không được dính líu đến các cô gái. Ông đã gửi chàng trai này đến đảo, đảo vốn là thừa kế của bên ngoại. Đó là cái mũi đất cuối cùng của lãnh địa Hornburg Lippe – ở giữa Kattegat, thế đấy! Và đến giờ ông ấy đã sống được bốn mươi sáu năm trên cát và đá, sau khi đã từng là sủng thần của Frédéric và đã dạo qua với tư cách là đại sứ ở Paris, Rome, Saint Peterbourg hoặc ở mấy thành phố tà đạo khác. Nhưng chúc sức khoẻ, uống đi một chầu đã. Mong cho anh có thể có ích ở đó. Phục vụ Malene còn hơn là hoàng thân, cái đó tốt hơn.
Tôi nghe tiếng cười của những người khác và nhìn thấy khuôn mặt của họ trong làn khói. Tôi cố đứng lên và cảm thấy mình sắp bị nôn mửa mà không biết đó là do tác dụng của rượu, của không khí ô nhiễm, vì lời nói của thương gia, vì những hình ảnh mà chúng làm nảy sinh trong tôi. Đầu gối tôi khuỵu xuống, tôi lảo đảo như con tàu đang dâng lên để rơi xuống chỗ lõm của các cơn sóng, tôi thốt ra tiếng kêu (biết gọi ai đến giúp đây) và ngã quỵ xuống sàn, ướt đầm vì rượu và nước biển đang rỉ ở các bậc thang. Tôi muốn đứng lên nhưng không được vì suy sụp bởi say sóng và say rượu.
Một trận bão cười chào đón sự sụp đổ của tôi. Sóng tràn trên boong đập vào cửa kính và tôi ngồi khóc trogn mùi hôi thối.
Hôm sau, cái tĩnh lặng bình yên ở Kattegat tìm thấy chúng tôi bất động. Mọi bề xung quanh chỉ là khoảng rộng vô tận của sóng. Những cột buồm trơ trụi nổi bật trên bầu trời âm u buồn thảm.
Cuộc say sưa đêm qua và những chuyện mà tôi đã nghe để lại cho tôi một cảm giác bị vấy bẩn.
Ngay cả gió biển cũng không rửa sạch cho tôi cái rác rưởi đó. Tôi nghĩ đến Dorete đã nhìn thấy tôi không đầy mấy giờ trước, và tôi khoanh tay trên đầu gối để giữ ấm và dẹp cái ý định mò xuống dưới kia tìm hơi ấm, thức ăn và tụ hội.
Nhưng những người kia từ dưới kéo nhau lên, ai nấy mặt mày đỏ chín, chân run ,tay đập vật vờ trong không khí. Vai kề vai, họ kêu lên trước chân trời tái nhợt im lìm:
- Kìa anh sinh viên kia rồi, chúng ta vui chơi đi thôi. Thả Vombat ra, chúng ta đuổi thỏ rừng. Nó không còn đâu trốn thoát. Vombat! Đuổi theo, đuổi theo!
Tôi nhảy lên mái ca bin. Mặt tôi tái xanh, méo mó vì sợ hãi, tôi biết thế. Tôi sẵn sàng nhảy xuống nước nếu họ thả con chó mà thương gia đang cởi dây với vẻ lưỡng lự.
- Nào, lạy Chúa, hãy xuống đi và lại đây uống – ông ta nói vừa ra hiệu với tôi bằng bàn tay khổng lồ.
Tôi oà khóc và theo họ, lảo đảo vì ốm, vì rét, vì đói và cô đơn.
- Ăn đi, thịt ở trên bàn ấy – thương gia vừa nói vừa leo vào trong chiếc võng quá hẹp so với thân hình đồ sộ c ông. Những người khác phải kéo cái bàn dưới ông ra, vừa cười gằn.
May thay, họ cũng bị thua rượu và trở về võng của họ. Tôi còn lại một mình trước cái bàn ướt đẫm, giữa những chai, ly, những con bài ướt bẩn và mẩu thuốc lá. Tôi nhìn nước xám sau cửa sổ tàu và không nghe tiếng động nào trong sự tĩnh lặng của biển, ngoài những tiếng ngáy ngủ.
Dần dần tôi ngả trên hai cánh tay và tôi cũng ngủ u mê đi vì mùi rượu.
Trong đêm gió nổi lên. Mọi người còn say, tất tả xung quanh những cánh buồm và tay lái, với những tiếng kêu tiếng chửi rủa. Họ chen tôi bên phải bên trái cho đến khi về sau tôi tìm được chỗ nấp sau bánh lái và cái lưng còng của người lái tàu.
Những lá buồm nổi thành màu đen lên bầu trời. Phía dưới giãy dụa những bóng người say, ánh sáng và khói có vẻ như một ngọn lửa đốt lên giữa tàu. Biển sùi bọt trong bóng tối xung quanh chiếc thuyền con của chúng tôi, nó rẽ sóng lần lượt ẩn hiện. Những tiếng gọi, tiếng hát trộn lẫn vào tiếng nguyền rủa. Đôi mắt của Vombat loé lên xoáy vào tôi. Tôi có cảm thấy bông bềnh thẳng tới địa ngục.
Mãi đến chiều hòn đảo mới xuất hiện trên biển. Tận đàng xa, giữa cảnh âm u của nước và trời, người ta có thể bảo đó là một vệt sương. Nhưng, chúng tôi được gió mạnh đẩy tới, chúng tôi trông thấy nó lớn lên, biến thành một bãi cát và đá giữa mặt nước bao la.
Từ trên thuyền của chúng tôi, cái ổ rượu chè, say sóng và lạnh giá, tôi nhìn mảnh đất vững chắc đó sao mà nóng lòng đến thế.
Thế giới còn lại đã cách xa ở một khoảng dài như thế sau hai ngày vượt sóng và ở đó tôi sẽ không bao giờ phải xuất hiện lại.
Trước mặt chúng tôi đã hiện ra tổ quốc mới của tôi. tất cả mọi người rất bận rộn với việc vận hành buồm chão, bốc dỡ chuyến hàng và bưu phẩm. Thế mà người ta vẫn kêu to với tôi khi tàu qua "Ngọn Sonderbjaerg", tôi chỉ tay vào dãy núi cao nhất.
Ngọn đèn pha hiện ra ở phía đông, một màu trắng tuyết, thon thả như một cây cột giữa hoang mạc. Một chỗ cao phình ra giống như một cánh buồm về phía bắc, một chỗ cao khác chìa ra, cả hai chỗ cao hợp lại với ngọn Sonderbjaerg có dáng như một làn mây.
Vậy đảo lớn lắm ư? Tôi sẽ có bao nhiêu không gian để mà dạo chơi ư?
Từ những ngọn đồi đến ngọn đèn pha đã có nhiều không gian hơn trong phòng áp mái của Eberhard rồi.
Kìa hoang mạc mà những người khác đã nói với tôi tối hôm qua, tôi nhận ra ngay đàng sau đường thấp những cồn cát, đen ngòm và cô độc, kéo dài nhiều dặm. Người ta cậu đã nói với tôi là chưa một dấu chân người đặt lên đó là gì?
- Ba sải tay! – anh thuỷ thủ phụ trách tốc độ kêu, và những dây neo chạy qua thành tàu rít lên.
Bây giờ tôi trông thấy xứ sở. Dưới chân những cồn cát tụ họp một nhóm đen sẫm.
- Vậy ra có nhiều người thế ư? – tôi kêu lên. Tôi khát khao đi tới chỗ những người đó, đồng thời tôi sợ run lên. Khuôn mặt họ loé lên trong khối đen bất động giống như những chấm trắng, và mắt tôi khóc lên vì nhìn xoáy vào những con người sẽ quyết định số phận, chia sẻ cuộc đời với tôi giữa trùng dương.
- Nhiều thế ư? – một thủy thủ nói – Dù thế nào anh cũng có thể đi, trườn, bò mà không có mặt ở đấy. Và ông chủ của họ, cha của họ, hoàng thân ở trên đầu họ. Từ ba tháng nay chúng tôi không cập bến ở đấy, và lạy Chúa chúng tôi chỉ sẽ trở lại vào mùa xuân!
Những điều anh ta vừa nói quan trọng gì với tôi? tôi chỉ nghĩ đến xuống khỏi tàu, bắt đầu cuộc đời mới. Chúa có thể hạ bức màn xám của Người xuống thế giới còn lại sau việc đó.
Trong khi leo xuống thang dây tôi cảm thấy con Vombat cắn vào vai tôi. Người ta đã buông nó ra ở trên kia để nó mang đến cho tôi lời chào buổi cuối cùng của tàu.
Tôi nén tiếng kêu đang sẵn sàng buột ra khỏi họng và gé ngã xuống chiếc xà lúp thật mạnh làm tóe nước lên xung quanh.
- Cái gì lấy mất hồn cái thằng đần kia thế? Với cái đà này thì xuống dưới đáy biển mà tỉnh giấc nhé – thương gia hét lên và cái thân hình đồ sộ đầy mỡ của ông lao vào trong thuyền khiến tôi bị nước bắn ướt sũng.
- Đi thôi! – Người lái ra lệnh và cái mái chèo lướt hai bên xà lúp.
Tôi ngồi ở ghế sau, trên cái xắc của tôi. bây giờ tôi đã ra khỏi tàu Coquillage, tôi không mong trở lại đó nữa. Nhóm người ở kia làm tôi hoảng sợ. Đàn ông, đàn bà, trẻ con, số lượng khoảng một trăm đứng im lìm như những cái bóng, như những người chết.
Thêm vào đấy, trên bờ biển còn có một cỗ xe một con ngựa, nhưng không thấy một ngôi nhà, một mảnh đất trống nào cả, chỉ có bãi biển đá cuội, những cồn cát bay, và ở cảnh sau là tảng núi cao màu lục sẫm, dựng đứng như một bức tường rào của thế giới.
Anh ta nói đúng, nhúm người này trên nơi hoang vu này không phải là một đám đông. Nhưng đối với tôi số lượng đó còn quá lớn. Bao giờ họ sẽ đổ xô vào tôi?
- Ối! Ối! – Cái cần lái đụng vào ngực tôi, cắt ngang hơi thở của tôi.
- Đứng cho vững, này anh sinh viên! – ông lái tàu kêu lên – với lại, xuống đất đi thôi, xưa nay ở chỗ chúng tôi người ta không được ở miễn phí bao giờ. Những người ở kia đang sốt ruột chờ anh đấy.
Mắt tôi còn sợ hãi nhìn lên đảo. Nhúm người tản sang phải sang trái, chạy ra biển như thể mỗi người đều mong muốn đổ ra đấy. Tôi bắt đầu nhìn kỹ những bàn tay run rẩy và tôi đoán là họ chờ bưu điện, tiền, tiếp tế mà họ phải vội vàng chiếm lấy. Họ không nhìn tôi.
Bọt nước rải ra dưới chân họ. Nhóm di động của họ hình như chính là biểu tượng của nhân loại chờ đợi khẩu phần, chờ đợi vàng của nó. Tôi thì không ai chờ đợi.
Tôi thấy thuyền trưởng, các thuỷ thủ và cuối cùng là thương gia bước qua thành xà lúp xuống nước ngập đến đầu gối, các hòm và thùng họ vác trên vai. Tôi nhìn những đôi ủng da ấm áp của họ rồi đến cái mỏng đã sờn của tôi.
- Không còn làm cách nào được nữa đâu, phải liều vậy thôi – anh thuỷ thủ còn lại trong thuyền cười gằn.
Tôi ném lên bờ một cái nhìn ngượng nghịu. Ở đấy có nhiều phụ nữ quá. Rồi bỏ giày ra, tôi bước qua thành thuyền.
Cái lạnh của nước cắp lấy tôi như những gọng kìm sắt và tôi lảo đảo trước những con sóng ập tới.
- Nhưng mà mày đừng đi không chứ! – một thuỷ thủ kêu lên và vứt cái hòm của Eberhard lên lưng tôi.
Tôi suýt ngã vì bị chất nặng bất thình lình và những hòn đá dưới đáy làm chân tôi bị thương.
- Anh trông kìa, nó xuống tàu với tất cả các thứ đồ đạc của nó đấy – Thương gia nói, vừa chỉ ngón tay về phía tôi.
- Chào anh sinh viên! Anh bị gẫy chân à? – một thuỷ thủ hỏi phía sau tôi.
Tôi dừng lại sững sờ. một tiếng cười vang lên, chân trần của tôi trong mặt gương nước trông như bị vỡ nát.
Trong một khoảnh khắc tôi muốn được quỵ xuống dưới cái hòm của tôi và thế là được xuống tận đáy biển xa hẳn bến bờ của thế giới này. Nhưng một phút sau tôi vào tới đất, chao đảo vì vác nặng.
Không ai có thì giờ để ý đến tôi. Tôi ở trước các gáy và lưng người.
Bàn tay giơ lên, miệng thốt ra những tiếng kêu gọi khó hiểu, tất cả mọi người quây xung quanh thuyền trưởng và thương gia.
- Đợi đã nào! – Thuyền trưởng hét lên – anh đến chỗ Gravemand mà nhận thư. Thôi tất cả đi đi!
Tôi đã có thì giờ để đặt cái hòm xuống và đi giày vào. Thế là tôi đã ở đây rồi, như người thuỷ thủ nói , với tất cả các thứ đồ đạc, trên bờ biển sỏi đá, sủi bọt, ngắm đám đông kì quặc. Gần ngay chỗ tôi có cỗ xe hai bánh mà tôi đã nhìn thấy từ trên tàu. Nó được sơn màu lục, xanh, đỏ, vàng và phủ đầy ngôi sao vàng. Bánh xe thì to và rộng, ghế da marocanh đỏ. Một con ngựa khốn khổ bé tí, bù xù hình như mất đi giữa hai càng xe chổng lên phía trên như cặp sừng khổng lồ.
Chẳng phải nghi ngờ gì nữa, đó là xe của hoàng thân, vì ở giữa các ngôi sao và những dải màu sắc cầu vòng người ta thấy những vòng hoa vàng.
Tôi tìm hoàng thân và trông thấy một ông già cao lớn vượt xa đám đông bằng bộ xương chim đồ sộ của ông. Cái hình chim đại bàng đói của ông được bao quanh bằng sợi tóc xám rối bời. Ông thét bằng giọng kim vừa lắc những cánh tay gầy. Và ở bên cạnh ông, con người kỳ quặc hơn cả ông ấy kia là ai? Có phải những quái vật đã đến ở đảo này?
Một người lùn không cao hơn một đứa trẻ bảy tuổi, có một cái bướu khổng lồ giống như vỏ con ốc sên, nhún nhảy để nhìn cho rõ hơm và động đậy các cánh tay như những chiếccánh, không ngớt kêu lên:
- Những tờ báo, những tờ báo cho Jacobus Uz, những cuốn sách, những cuốn sách cho Jacob Uz!
Trên cao, giữa những đụn cát, một người đàn ông tóc bạc khoác một chiếc áo choàng ngắn bay phập phồng, cúi xuống cây gậy, mắt không rời ông thuyền trưởng đang mang trên vai cái túi bưu điện. mặc dù ông đứng cách xa đám đông một quãng, tôi vẫn đọc được trong mắt ông một sự chờ đợi có lẽ còn điên cuồng hơn cả những người khác. Bàn tay ông run như lên cơn sốt.
Một vài ngư dân của xứ này đã lăn ngay lập tất cả một thùng tô nô trên cát. Họ nghe tiếng động của nó, ghé sát tai vào bụng thùng, hít hít, liếc mắt với nhau, gầy dơ xương, nổi gân, với những khuôn mặt trắng bệch và chòm râu đen, họ giống như những con chim săn mồi đang tìm thức ăn. Những người đàn bà mặc quần áo của vùng này, đội khăn đen hồ bột quấn quanh tai bằng những cánh trắng, cố giật lấy những gói hàng mà thương gia cắp dưới cánh tay.
Trên những cồn cát, về phía hoang mạc sâu thẳm, một cụ già râu bạc mặc áo khoác có mũ trùm đầu, bình thản bước đi chiếc gậy cầm ở tay, quay lưng về phía chúng tôi. Cụ không quan tâm đến việc chiếc tàu bưu điện cập bến, những thư từ tới từ xứ sở con người, cụ không quan tâm đến những sự kiện, đến trang sức của phụ nữ, đến những thùng rượu. Tôi nhìn theo cụ, tự hỏi không biết một ngày kia liệu mình có khôn ngoan được như sự khôn ngoan ấy không.
Giữa lúc ấy một người khác chạy qua trước mặt tôi. Ông cúi thân hình gầy gò của ông xuống cây can màu vàng cầm trong một bàn tay quắp lại. một chiếc mũ lưỡi trai có dải trang trí che mớ tóc bù xù và một chiếc áo bó đồng phục rách khoác lên thân hình đã hết thịt của ông. Cái nhìn của đôi mắt ông giống như hai ngọn lửa lướt qua tôi, lướt qua đám đông nhốn nháo trên bờ biển, rồi vẫn cúi người, ông tiếp tục cuộc chạy với bước chân nhanh hơn, kẹp chặt cây gậy như thể ông muốn tìm kiếm trên bờ biển sủi bọt một cái gì mà những người khác không biết gì hết.
Tôi thấy dáng đi điên cuồng của ông ta đáng lo ngại, cái nhìn của ông hướng vào tôi, vào niềm vui và sự hào hứng của đám đông là cái nhìn trống rỗng.
"Cha, mẹ có trông thấy cha không?" – một tiếng bé gái thì thầm. quay lại tôi thấy một đứa con gái có món tóc xoăn đen và mặc một loại quần xanh lục lạ lùng đang ôm sát vào một quý bà, dáng người thon thả, cũng mặc bộ áo màu lục nhưng lấp đi dưới nếp gấp của tấm vải che rộng màu đen.
Hai khuôn mặt xanh xao với những con mắt thâm loé sáng như nhoà lệ dưới hàng mi đen kia có phải là vợ và con gái người đàn ông mặc đồng phục có cái nhìn lạc lõng, mà hình bóng đã biến mất trên bãi biển hoang vắng không? Quan hệ của hai người kia với người đàn ông, với bãi biển này như thế nào? Người mẹ quấn khăn che quanh mình và quanh đứa con gái.
- Không, không, các người không có gì đâu – ông thuyền trưởng kêu với giọng mà cơn giận và sự cố gắng làm khản đặc – Phải đến Gravemand mà nhận.
Và đám đông giật nẩy mình lao về phía trước bỏ tôi ở lại trên bãi đá cuội và những đợt sóng. Lúc bấy giờ tccon mắt đổ dồn vào tôi, tới nơi tôi như một trận mưa lửa, những con mắt sáng trong, những con mắt tối đen, những con mắt người già, những con mắt thanh niên, những con mắt đàn ông, đàn bà bùng cháy vì tò mò. Rồi đám người rời xa. Chỉ còn đứa con gái nhỏ và bà mẹ nó ở lại gần tôi. Quý bà thon thả đó có vẻ muốn đứng lại, nhưng một lát sau cả hai đi theo những người khác. Tôi cảm thấy cái nhìn của bà ấy hướng về tôi như một lời chào dịu dàng và đẫm lệ.
Hoàng thân ở lại một mình phía sau và đi về phía chiếc xe, ở mỗi bước chân, ông phải gập đầu xuống và tì vào cây gậy dài có núm hình quả táo vàng.
Chiếc aó khoác lông thú hé mở để lộ áo rơ đanh gốt đen bay trước gió, trắng ra ở chỗ khoét nách. Người ta trông thấy ve áo loang vết rượu và dồ ăn. Cứ hễ ông loạng choạng dưới những khóm guốc bê trên những cồn cát, lưng còng xuống, mình cong như mỏ đại bàng, ông lại có dáng như một bộ xương chim hay một con bồ nông bị tử bệnh.
Người mẹ và đứa con gái, trái lại, đi như hai con chim biển, tế nhị và đa nghi, nhìn người cha điên rồ đi về phía biển và hoang mạc với dáng đi thất thường.
Một anh đầy tớ mặc y phục gia nhân sờn nát, tóc xám, mắt biến mất dưới kính xanh, túm lấy dây cương và cỗ xe của hoàng thân, quay tròn hai bánh nhiều màu chạy dọc các cồn cát.
- Anh là sinh viên?
Tiếng nói làm tôi rùng mình và tôi thấy tôi ở trước hai con mắt nâu tròn và một khuôn mặt tròn màu ô liu, tóc đen long lanh chải cẩn thận xoả xuống xung quanh cái trán thấp phía dưới cánh mũ kiểu địa phương. Một nụ cười làm lõm hai hố sâu trên má.
- Tôi là Malene Tabor, người hầu của mục sư và tôi được sai đi đón anh.
Vậy đây là nhân tình của mục sư rồi, nếu như tin vào lời những người khác!
Tôi trở nên đỏ ối và bắt đầu run. Cô đứng sát người vào tôi ngay trên bãi biển vắng lộng gió này. Chưa bao giờ có người phụ nữ nào đứng gần tôi đến thế, ngay cả cô em gái của chúng tôi. Hơi thở của cô lên mặt tôi, đôi mắt long lanh tươi cười nhìn vào mắt tôi, đôi vú căng phồng dưới khăn choàng đen, bàn tay trần trắng muốt…Cô gây cho tôi cảm giác một ngọn lửa trong bóng tối vắng vẻ này.
- Thôi chúng ta về thôi – cô vừa nói vừa cười, và nụ cười này làm tôi lạnh toát, tôi, trong phút trước đang nóng như than hồng. Tôi cảm nhận một mối sợ lớn hơn đối với hòn đảo kỳ lạ này. Ở đấy có chăng một ngọn núi lửa đang phun mà tôi sợ không thể thoát ra được?
Chúng tôi cùng đi trên một con đường lõm giữa các cồn cát ngay dưới chân Sonderbjaerg, rồi ngang qua hoang mạc.
Tôi quên hết tất cả trước quang cảnh mở ra trước mặt, kinh ngạc như ở trong xứ sở của tôi, trước mặt một phong cảnh tương tự. Tôi vừa bước tới mặt đất hay mặt trăng thế nhỉ?
Dưới chân các dãy núi và dưới bầu trời đen vùng đất trải ra, hiu quạnh xáo trộn vì những cuộn cát xoáy và đất đá sụt lở với những dấu địa y và tuần lộc tựa như các rêu mốc, và tất cả lấm chấm những cồn cát màu trắng đục và huyền ảo.
Dưới kia đoàn dài người địa phương chạy sau ông thuyền trưởng và thương gia sau chiếc xe sáng chói của hoàng thân tới nhà thờ, ngôi nhà trắng vươn cao lên trên đám mái nhà. Tận trên cao trên sườn của ngọn núi Sonderbjaerg tôi trông thấy một thân cây cao đứng cô lập, một cây đoạn, nếu như tôi nhận được đúng. Gần như trụi hết lá, nó dựng lên bầu trời những cánh tay doạ nạt giống như gạc của con nai sừng tấm trú ẩn trên cao kia trong thời đại hồng thủy và từ đấy, trong sự canh gác vĩnh cửu, nó quay súng về phía hoang mạc!
- Đó là một xứ sở lạ lùng, phải nói như thế, đối với ai chưa trông thấy nó.
Tiếng nói của Malene Tabor vang bên tai tôi.
Cô ấy đánh thức tôi . không, tôi đâu có ở trên mặt trăng! Còn người phụ nữ này thì đến không khí lạnh và xám xịt của buổi chiều mà tiếp xúc với cô cũng cháy lên, trước nỗi sợ hãi của mình, tôi có cảm giác thân thể tôi sắp bị thiêu cháy.
Chúng tôi đi theo con đường cát chạy dọc theo hoang mạc và một cánh đồng thạch thảo.
Hai bóng người tối sẫm lúi húi với cái cuốc và cái xẻng, tay không ngừng làm việc trên cát, tranh thủ những tia nắng chiều cuối cùng lên trên mặt biển.
- Chào Truels và Maerged – Malene nói.
Hai người kia hình như không có thời gian để gật đầu lấy một cái, họ cũng không buồn nhìn vào tôi và những người đang chạy theo ông thuyền trưởng giữa những cây lê đá.
Tôi quay lại để nhìn hai người đang cúi xuống ngẩng lên nhịp nhàng với nhau trong công việc lao động, chẳng chú ý gì đến chúng tôi.
Malene mỉm cười:
- À, vâng, họ chẳng quan tâm gì đến chúng ta, cũng chẳng để ý đến bưu phẩm! Họ tự túc với nhau, đến mùa xuân họ sè kết hôn và bây giờ họ đang đào móng cho túp lều của họ.
Tôi liếc nhìn nghiêng cô. Cô tiếp tục mỉm cười một cách yên tĩnh, nhưng tôi cảm thấy lòng tôi vừa nóng ấm vừa trĩu nặng. Cứ như tôi ở nhà và càng lạc lõng hơn trước.
Hòn đảo mà tôi đã tìm và đã tưởng rằng đó là vương quốc bóng tối phải chăng cũng giống như thế giới còn lại và không phải là duy nhất có những ma quỷ cư trú?
Chúng tôi đến chỗ đầm lầy. những làn mây bạc soi bóng trong cái ao nhỏ không sâu hồi đó còn có ở đấy. rồi chúng tôi đi qua dưới chân quả đồi nhà thờ đến quả đồi làng, ở trên đồi này vươn lên một cái tháp bằng gỗ nổi bật giữa bầu trời.
- Có phải là nhà của hoàng thân không? – tôi hỏi.
- Đó là nhà của Orebro, ông thầy thuốc – Malene trả lời – Chắc anh đã trông thấy trên bãi biển một người đàn ông to cao tóc bạc đứng trên cồn cát, run run nóng lòng khi nhìn thấy bưu phẩm. Cụ ấy ở suốt ngày trong tháp của cụ ấy từ sáng đến chiều, vào những hồi mà chúng tôi có thể ước mong nhận được những tin tức của lục địa, thì cụ đưa ống nhòm tìm chiếc tàu mong đợi. Cụ me6 những gì liên quan đến những tờ báo, những cuốn sách và tất cả các thư từ ở nơi kia đến. Cô con gái Barbare của cụ thì lại chú ý đến những vấn đề khác. Hà! Hà! Hà!
Malene cười, bằng cái cười hể hả lạ lùng, vừa đưa bàn tay qua tạp dề. cô không khoác áo choàng mặc dù trời rét buốt.
- Anh đã trông thấy hoàng thân rồi phải không, trong cỗ xe "chiến thắng" của ông ấy! Ông ấy đặt tên như thế cho cái hòm sơn của ông ấy đấy, còn anh đầy tớ của ông ấy thì được gắn danh hiệu "bộ trưởng". Thường thì anh ta tên là Hans. Còn cái ông gù bé nhỏ là Jacobus Uz. Ông ấy cũng điên rồ vì báo chí và tin tức như ông bác sĩ. Tuy nhiên họ không nói chuyện với nhau bao giờ. Nhưng ông bác sĩ cũng không khi nào nói được lấy một tiếng với ai trong số chúng tôi. Chắc hắn điều đó cũng xảy ra với cô con gái của ông ấy, cô ấy đã biến ông thàn kẻ hoà đồng và câm. Người ta có thể tin rằng ông ta chẳng cần gì phải sợ Jacobus Uz vốn loắt choắt như thế. Mà này! Tôi dám chắc là anh phải biết Uz từ lâu rồi chứ. Người ta có thể hình dung một người còi…Hà! Hà!
Malene hình như rụt người vào trong vai và tôi tưởng như đột nhiên thấy nỗi ghê sợ hiện lên bộ mặt nóng cháy và vàng choé của cô, nỗi ghê sợ gợi nên bởi một con rắn, một con rắn thần!
- Anh muốn biết ai là người đang đi về nhà mình qua hoang mạc chẳng quan tâm gì đến thế giới xung quanh không? Đó là Horn, người gác đèn pha. Anh ta ở cách người hàng xóm gần nhất và cách làng hai giờ đi bộ. Anh ta hoàn toàn một mình ở cây đèn pha trên mỏm đá giữa bầu trời và mặt đất, chỉ nghe tiếng gió, tiếng biển và tiếng chi bay đập vào kính. Anh ta và Jacobus Uz cũng không hề trao đổi với nhau lấy một lời. Nhưng h. có lý do về việc đó. Đó là lỗi của Uz nếu như Horn có theo đuổi vợ hắn đến tận trên cao của tháp, đến tận trên hàng rào cao nhất mà từ đấy chị ta bị ngã. Jacobus đã đến kịp thỡI Q TRÔNng thấy chuyện đó. Chính là từ đó anh ta rất sùng đạo. Nhưng người ta vẫn không tin ở anh ta! – Malene kết thúc, vừa lắc đầu.
Tôi hoảng sợ nhìn cô, vừa tự hỏi không biết tôi rơi vào đâu! Những người ở đây hành động giữa người này với người khác như thế nào?
Cô tiếp tục lại bằng một giọng bình thản:
- Người mặc đồng phục là ông hải quan điên. Ông ta tên là Vendelin và đến từ Aixlen. Mỗi một vòng ông chạy xung quanh đảo như anh đã trông thấy ông ta chạy hôm nay, chẳng ai biết vì sao. Ai có thể trốn khỏi nơi đây? Vợ ông ta là diễn viên hay là một loại gì như thế, và họ có một đàn con trần trùng trục và đen thui. Chắc chắn chúng là những đứa dở hơi nhất. Nhưng đây, chúng ta đã đến nhà cha xứ.
Cô chỉ một ngôi nhà dài và buồn tẻ, với những cửa sổ cắm sâu dưới mái. Dựa vào quả đồi xanh lục, ngôi nhà nhìn xuống hoang mạc. một chiếc cầu thang lỗi thời mà gỗ vàng chói lên trong cỏ như những cái xương của một bộ xương, dẫn đến cửa.
Xung quanh chen chúc những ngôi nhà mái lợp rạ và tảo dạt bốc ra mùi mốc giống như những mũi tên, những tia sáng lọt ra khỏi những bức tường. Tiếng nói và tiếng chân bước phía trước chúng tôi rẽ đột ngột sang một bên rồi mất đi. Giống như một con chim lửa, một tia sáng mạnh đi qua trên các mái nhà rồi tắt.
- Đó là ánh chiếu đèn pha – Malene bảo – mục sư Schwartzflugel cũng không biết là tàu Coquillage đưa đến cho ông ấy một anh sinh viên, ông không hề đợi anh đâu. Chúng ta có nên đi theo những người kia đến nhà Gravemand để xem có gì ở gói bưu phẩm không?
Đôi mắt đen của cô đầy tớ không rời khỏi tôi. Tôi mệt đến chết sau bốn mươi tám giờ lênh đênh, mệt vì nghe những chuyện ba hoa của những bạn đường, và mí mắt tôi nhắm lại vì mỏi mệt trước bao nhiêu là bậc thang lên nhà mục sư. Dù sao tôi vẫn ra hiệu tán thành. Sao mà từ chôi được một người độc nhất trên đảo mà tôi quen biết? Từ chối một người vốn biết tất cả mọi người như cô ấy?
Chúng tôi đi giữa các hồi nhà nhô ra, theo các nền đắp bằng đá, những lưới đánh cá, ánh sáng phản chiếu vào những kính mờ xỉn, một mùi dầu cá và cá ươn bốc lên mũi. Trong bóng tối hiện ra một mặt trước nhà bằng gỗ.
- Nhà của hoàng thân – Malene nói.
Tháp chuông nhà thờ màu trắng huyền ảo vươn hẳn lên cao. Tôi thấy hình nó đặt bàn tay của nó xuống ngôi nhà theo cử chỉ nhại ban phước lành.
Một ngõ nhỏ thọc sâu như một đường hầm dọc theo chuồng ngựa về phía cổng nghĩa địa. chúng tôi đi qua dưới cành lá của vài cây cơm cháy. Máy chiếu đèn pha đỏ lên trước chúng tôi. Người ta có thể nói đó là một ngọn lửa hoang dã chính giữa hoang mạc, rồi tất cả tắt đi. Tôi rùnh mình cảm thấy mình ở bên bờ của đêm tối này, của sự quạnh hiu này.
Ở bên phải, một tia sáng đâm thủng bóng tối, chúng tôi đi đến nhà Gravemand. Malene cho tay trong tạp dề, và cuối cùng để tránh gió hoang mạc, chúng tôi đi qua dưới ô văng của một mái nhà mà rạ đâm vào mặt.
Dưới dãy hành lang chìa ra, mọi người động đậy như những cái bóng. Không khí quyện khói thuốc lá, hơi người, hơi của những ngọn đèn. Người ta nhìn thấy những mái tóc đen hoặc hung, những đầu hói, những chiếc mũ có cánh của phụ nữ. Lần đầu tiên tôi ngắm nhìn họ, những cư dân của đảo.
Trong tranh tối tranh sáng này tôi thấy họ tất cả đều giống nhau, tất cả đều khác với những cư dân khác của Đan Mạch về thân hình cao lớn, về bộ mặt tái nhợt hơi lệch, con mắt nẩy lửa, cái mũi khum, c'i trán hớt ra phía sau. Trải qua nhiều thế kỷ, nòi giống của họ vẫn giữ nguyên thuần chủng, ngăn cách những giao thiệp với những nòi giống khác vì biển cả không thể vượt qua.
Tôi ở giữa những ngư dân thời nguyên thuỷ, bị bão cuốn trôi dạt vào đây và ở lại đây tách biệt trong bao thế kỷ.
Tôi ngơ ngác đưa mắt tìm một người, một người thôi, là khách lạ trong số họ như tôi.
Đàng sau đám đông một giọng nói the thé, thở dốc, đọc lên những cái tên đề trên các lá thư, những cái tên lạ lùng có âm vang rất cổ: Svente, Pirren, Tambor, Dane, Duun, Lam…
Những cái bóng to lên của những bàntay của đám người và của thuyền trưởng hiện ra trên trần khi tay đang cầm và giơ ra những mảnh giấy. những tiếng gọi trao đổi xung quanh tôi bằng một ngôn ngữ mà tôi không hiểu gì cả, chẳng khác nào đó là một thành ngữ dã man. Ngày nay, tôi chỉ còn nghe được một nửa phương ngữ của đảo và không có một công chức nào còn ở lại đủ lâu để hiểu rõ được ý nghĩa của nó.
Gần ngay chúng tôi, Jacobus Uz nghiêng cái đầu với mái tóc nâu dài và lắng nghe, mắt nhìn chăm chú. Khi người ta gọi tên ông, ông giơ cánh tay lên một độ cao khác thường, như một cột buồm! Rồi ông vồ những tờ báo, những cuốn sách, quyển vở với những ngón tay dài xoè r. không có thư cho ông ấy. Người ta đưa cho ông bưu phẩm với một kiểu rụt rè kính cẩn, gợi cho tôi thấy vai trò quan trọng của ông ở trên đảo khiến Người ta vừa tôn kính lại vừa khiếp sợ. Ông cuống cuồng nhét chiến lợi phẩm vào ngực và lại bắt đầu lắng nghe, bộ mặt trắng bệch dài đuỗn của ông cúi xuống dưới cái bướu của ông.
Đứng bên cạnh ông ấy là bác sĩ Orebro, cao lớn và còng lưng, tóc tro láng bóng sau tai. Khuôn mặt lo lắng của ông được bao bọc bởi làn sóng nhẹ nhàng của mớ râu bạc. Ông nhìn thuyền trưởng qua đôi mục kỉnh. Ông liên tục đưa lưỡi liếm môi như thể ông đau khổ vì một cơn khát không thể nào làm dịu bớt và cảm thấy ỏ sát bên nước.
Những bó báo, gói hàng, cuốn sách người ta trao cho ông đều biến mất dưới áo khoác, sau đó ông lại vểnh tai và quan sát thuyền trưởng như trước.
Ông bác sĩ và Jacobus Uz chốc chốc lại thèm thuồng dòm ngó nhau để ước lượng những thứ được tương ứng của họ, rồi họ cắp chặt hòm bưu phẩm của họ vào ngực.
Đêm tối om nhìn chúng tôi qua từng tấm kính dưới cái trần thấp. thấy đêm, tôi đoán hai người kia đi tìm vũ khí của họ ở đâu.
Phía trên các ngư dân, ngay cả những người cao nhất, hoàng thân dựng lên cái hình chim bồ nông của ông, nó đổ xuống bức tường một cái bóng lố bịch. Người ta tưởng như thấy cái hình nhân ghê gớm của cái đầu người chết khổng lồ. Khi giọng rít gió đọc tên Đức Ông Địện hạ (sau này giọng đó nghe như giọng của thương gia già Gergers Gravemand), hình người cúi nghiêng theo một cử chỉ hách dịch và một bàn tay nâu hơi run, của "bộ trưởng" Hans Hofmann giơ ra liền để cầm các lá thư.
Không khí trong phòng giảm tới cùng đối với tôi, tôi cảm thấy nó đập vào thái dương tôi như thể đó là hơi thở nóng bỏng và giật giật của tất cả những hy vọng, của tất cả những thất vọng ấy. Tôi đã bị giày vò bởi sự tuyệt vọng dã man của cảnh quanh hiu, bởi cái đói, cái khát biến cố mới, nó đã có thể đốt cháy tôi trong bao năm mỗi lần bưu phẩm đến chỗ Gravemand. Tuy vậy, cũng như phần lớn những người ở đây tôi không bao giờ có thể đợi được một bức thư riêng nào.
Hai khuôn mặt thất vọng đập vào cái nhìn của tôi. Khuôn mặt của người mẹ và đứa con gái ở trên bãi biển. Hai cánh tay của đứa con ôm lấy người đàn bà. Hai mắt sáng lên, môi hé mở, nó nghe tiếng rít lên sau đám người chuyển động. Nhưng khi những tiếng gọi im và đám người bắt đầu chạy đi, nó ngẩng khuôn mặt xanh xao của nó lên nhìn mẹ;
- Mẹ ơi, không có gì cho chúng ta, không có gì từ đấy ư?
- Không, Agnete ạ - bà mẹ lắc đầu trong chiêc khăn trùm đen – lần này không có, nhưng..
Cái nhìn của nó loé lên một ánh sáng chói sắc.
- Mẹ ơi, lần sau.
Hai mẹ con quấn chặt lấy nhau, lướt nhẹ trên mặt đất, chạy biến vào bóng của một cửa hiệu có treo những cái chổi trên trần, bóng đung đưa, và dừng lại đột ngột, bốc lên mùi cá chình, cá trích, mùi nhựa đường và rượu.
Cả đoàn người đi theo hai mẹ con và khi Malene và tôi đi đến dưới mái che lợp rạ, chúng tôi thấy họ tản ra từng nhóm nhỏ được che chở dưới những mái nhà khác thấp đến nỗi hình như những cư dân phải trở về nhà họ bằng cách bò.
Những bóng thon của hai mẹ con trôi hoàn toàn trên cát và biến mất giữa các ngọn đồi.
- Không có thư cho họ rồi! – Malene thốt lên.
- Họ đợi một lá thư à?
- Người ta luôn đợi thư trên đảo này, khi người ta còn sống – Malene quay sang phía tôi – Nhưng ngược lại anh đã đến…
Một nỗi sợ điên cuồng lại xâm chiếm tôi, nỗi sợ trước một ngọn lửa mà tôi không thể tránh khỏi, bởi vì nó bốc cháy trên toàn đảo, khó dập tắt hơn, dã man hơn giữa biển khơi này so với ở nơi khác. Hơi thở nóng của Malene thổi ngọn lửa này qua mặt tôi, tôi cảm thấy nó trong đôi mắt đen vàng, trong nụ cười, trong giọng nói màu mè dịu dàng, trong tất cả những gì cô nói:
- Anh xem!
Cô nắm cánh tay tôi, chỉ ngón tay vào một lối đi nhỏ giữa những chuồng ngựa của hoàng thân và bức tường của nghĩa địa.
Tôi nhìn thấy hai bàn tay trắng của xác chết với những ngón xoè giơ ra, trong khoảng trống hay về phía tôi?
- Đó là hoàng thân – Malene thì thầm – Anh có để ý ông ấy nghé nhìn anh ở nhà Graveman không? không à? Nhưng tôi trông thấy con mắt của ông ấy. Anh là một mối lợi hại bất ngờ đối với ông ấy đấy. Ông ấy vẫn thường làm chuyện giở chứng ấy mỗi khi tàu đưa đến cho chúng tôi một người trẻ tuổi.
Tôi rùng mình đi sát vào Malene, vào đôi hông tròn, hai vú căng phồng, hơi thở nóng hổi của cô, như sát gần một chỗ trốn tránh những bàn tay tử thi đang hiện ra với tôi ở kia.
Hoàng thân đã nhìn thấy tôi ngya rồi ư? Ở đâu tôi có thể trốn ông ấy được đây, ở đâu tôi có thể trốn khỏi cô gái đang đi bên cạnh tôi?
- Hà, hà. Tôi đã chẳng bảo anh rồi sao, anh sinh viên? Cô ấy đã phát rồ, Malene đã ngoắc ngay vào anh. Để rồi, xem anh có thể đáp ứng cho cô ấy, đồng thời cho hoàng thân không. Vậy nhìn xem ông ấy hoạt động như thế nào ở kia.
Đó là giọng nói lúng búng của thương gia hét lên với tôi mấy câu ấy.
Trán tôi đỏ bừng, tôi nhìn Malene nhưng đôi mắt to rực cháy và ánh vàng của co cười với tôi. Tiếng cười trong trọng của thương gia vang lên sau lưng chúng tôi, kèm theo với tiếng cười khàn khàn của thuyền trưởng.
- Chào Mons Flade, chào thuyền trưởng Tonnessen – cô nói rất dịu dàng, cứ như cô chư nghe một lời xúc phạm nào.
Hai người đàn ông chào cô. Trong khi chúng tôi đi qua bãi cát rộng mênh mông lác đác những cây thông bé tí, Tonnessen càu nhàu:
- Lạy trời, tôi muốn cho cái lão nhỏ bé gầy gò chiếm được con quỷ cái ấy lắm, nhưng rồi con này sẽ đốt cánbh lão kia mất thôi, chắc chắn là thế.
Tôi không dám gặp những cái nhìn của Malene, nhưng tôi cảm thấy đôi mắt của cô trên tôi như hai chấm lửa.
Cô ấy nâng vội váy và bắt đầu bước lên các bậc thang nhà cha xứ. Tôi thong thả đi theo cô. Trong khi chúng tôi leo lên cái cầu thang mục giống làm bằng xương người và tôi ngắm nhìn con người béo mập trong chiếc váy bó sát đi phía trước tôi đến những cửa kính âm u của ngôi nhà, tôi có cảm tưởng là tôi hiểu hòn đảo. Tôi hiểu những gì Malene đã kể cho tôi về cô con gái của bác sĩ, về Jacobus Uz, về người gác đèn pha.
Tôi thấy hình như tôi leo trèo trên những ngón tay tử thi của hoàng thân đến tận nấm mồ của ngọn đồi.
Malene quay lại đột ngột và ngả hẳn người ra đàng sau, vú đậm nổi lên dưới vải áo và đâu ngửa về sau lưng, hai mắt nhắm lại, cô chìa môi với tôi.
Mớ tóc đen và nhẹ của cô lướt trên chân tôi, hai bàn tay cô trắng ra vì giữ chặt tay vịn cầu thang, hơi thở cô đập vào mặt tôi như một ngọn lửa.
Trong khoảnh khắc đó tất cả các cửa sổ của nhà chói lên giống như những con mắt long lanh, rồi ánh sáng của nó biến đi với chùm tia sáng của đèn pha.
Malene trèo lại thật nhanh và tôi lảo đảo hối hả theo sau váy của cô.
Đi qua một lối vào ẩm thấp và tối tăm chúng tôi đến trước một cái cửa mà Malene mở thật mạnh.
Một khuôn mặt xanh xao được chiếu sáng lờ mờ có vẻ như trôi tự do trong bóng tối căn phòng dưới những xà thấp và cửa ra. Một trong hai con mắt chĩa vào tôi, mắt kia che bằng một mảnh giẻ đen. Cái đầu hói như quả trứng. Tôi nhận thấy trong căn phòng rộng những hình không rõ ràng của một cái bàn trống, một cái tủ đóng vào tường, một chiếc đồng hồ.
Chung quanh chúng tôi lan ra một mùi đất. Có đúng là chúng tôi đã vào trong một quả đôi mồ mả?
- A…i…đâ…ấy? – một giọng nói ấp úng và một cái đầu lắc lư, người ta cứ tưởng nó đã lìa ra khỏi thân – A..i…đâ…ấy…?
- Đó là anh sinh viên, anh ấy sẽ là thầy giáo ở trường của ông. Anh ấy đến theo tàu Coquillage – Malene trả lời, vừa đi qua phía sau chiếc ghế bành. Cô ấy nghển cao đầu như một con rắn ngóc đầu lên.
- Này! Này! Này! – cái vỏ trứng nói, và con mắt độc nhất loé ra một ánh sáng la6n tinh – Chào người mới đến, người mới đến. Hừ! Hừ - một bàn tay xuất hiện ở đầu một cánh tay như một bàn tay hình nhân – anh sắp sửa thay tôi. Hì! Hì! Malene có nói với anh không?
Và quay lại trong chiếc ghế bành, ông ấy thọc một bàn tay như một bộ móng vào trong vai của người phụ nữ.
Cô nhìn tôi mỉm cười với nụ cười nóng bỏng và sâu xa, không hề ngượng nghịu trước một con mắt có ánh chiếu màu lục hay trước con mắt mù kia mà từ đấy hình như đưa lên về phía cô và tuổi trẻ bừng sôi của cô, điềm báo bệnh dịch hạch hay cái chết.
- Này, ông sinh viên, ngày mai thứ bảy ông được tự do. Nhưng ông sẽ bắt đầu dạy học cho bọn trẻ, còn tôi thì…Hề! Hề! Malene, Hề Hề! - cái hộp sọ trắng lắc lư, trong khi cánh tay quàng lấy cổ Malene và cô này thì vẫn tiếp tục mỉm cười với tôi.
- Chỉ phòng cho anh sinh viên, chỉ cho anh ta một lần đã! Nào, mong cho anh ta ở lại đảo cũng lâu bằng tôi và chúng ta sẽ thấy…Ê Malene, Ê…
Cô ấy lắc đầu, vẫn cười, rồi cô biến mất trong đêm để xuất hiện lại ngay liền, tay cầm cây chân đèn bằng sắt có thắp nến.
- Cô đi đi, nhưng về ngay với tôi, và nhanh lên nhé.
Mục sư đập mạnh bàn tay xuống bàn, ông ta cười gằn và đầu ông lăn giữa những tai ghế chìa ra hai bên như những cánh dơi.
Malene đi trước tôi, dọc theo hành lang và trên câu thang dẫn tới nhà kho lạnh lẽo toả ra mùi rạ. ngọn lửa của cây nến chiếu với ánh sáng chập chờn lên mái rạ, cá khô và một lá buồm lớn. Qua một cái cửa gỗ chúng tôi vào giữa những bức tường quét vôi và cũng lúc ấy ánh sáng cây đèn pha đổ vào cửa sổ, cắt bóng tối như một lưỡi gươm.
- Anh hãy ngủ ngon.
Malene đưa qua trên mặt tôi những ngón tay nhẹ của cô giống như chân con mèo, và biến mất sau cánh cửa mà cô đóng lại với tôi.
Ngọn nến rung rinh trước luồng gió. Tôi trông thấy một cái bàn mọt có rãnh, một màn che lớn trong góc và một cái giường hẹp sơn đỏ. Một lò sưởi tròn bằng đất trong một xó có vẻ như con ma đêm ngồi xổm áp vào bức màn với màu trắng quỷ quái.
Tôi ngồi im giữa gian nhà áp mái, hít không khí ẩm và lạnh mùi mốc. Bỗng nhiên tôi nghe từ phía dưới đưa lên một tiếng cười vừa lè nhè vừa man rợ, rồi ngay sau đó một giọng nói đầy đặn và tròn trịa, tiếp theo còn vài lời ấp úng nữa.
Đó là những lời nói của mục sư và Malene! Ghê sợ quá, tôi ngã vật xuống một chiếc ghế trước cái bàn trong khi máy chiếu đèn pha loé lên trong đêm. Người gác ném xuống đảo lưỡi gươm đã châm lửa của cơn tức giận từ trên cao ngọn tháp sáng lấp lánh, từ đó anh ta đã dồn vợ anh ta xuống vực chết?
Tuy nhiên, tôi đã quá mệt mỏi sau hai ngày đi biển, sau tất cả những gì tôi trông thấy và dự đoán trong đám đông mà mắt tôi đã tự nhắm lại bất kể nỗi lo sợ và hy vọng của tôi. Trong khi ngủ, tôi thấy lại trong trí hai người trẻ tuổi sánh vai lao động trong nắng chiều để xây tổ ấm của họ. Và khi biết tôi mỉm cười, đau buồn vì đã quên mất hòn đảo mà tôi đến là gì.
Sáng hôm sau tôi dậy sớm. Khi mở mắt tôi chỉ trông thấy bầu trời âm u, một cái vung bất động bằng đá.
Cảnh này làm tôi lùi lại như thể tôi ở trước số phận của mình. Tôi đã trông thấy tôi cúi còng, bạc phơ, là một ông lão tiều tuỵ, lang thang trong hoang mạc đóng kín vì cuộc sống dưới vòm trời tù hãm này.
Trên giường với cái chăn quá mỏng rất lạnh, tôi ngắm nhìn những bức tường trơ trụi, cái trần nhà nứt nẻ, cái cửa sổ không mái che và bản thân tôi trong tấm gương đầy hơi nước đọng.
Chính là tôi chứ không phải ai khác đang ở trong căn gác áp mái này, chính là tôi đang mò mẫm dưới bầu trời ảm đạm cho đến khi tấm gương đó đưa lại cho tôi hình ảnh mà tôi chưa biết nhưng chính lại là của tôi.
Chiếc đồng hồ Bornholm cũ ở phòng phía dưới đánh bảy tiếng. Tôi rùng mình khi nhớ đến hai người đang sống ở phía dưới tôi, nhớ đến những người trên cả đảo này, và tôi cầu Chúa để Người cho phép tôi ở lại trong căn phòng nhớp nháy ẩm thấp nạy để cho cánh cửa vẫn đóng và không ai nghĩ đến chuyện mở nó ra. Tôi cầu cho tôi được giấu đi và bị mọi người lãng quên, như một đồng tiền không thể lấy được trong khe sàn nhà.
Bỗng tiếng Malene ở phía kia cánh cửa.
- Dậy thôi anh sinh viên, dậy đi, bảy giờ rồi!
Chỉ nghe thấy cái giọng vang này tôi cũng đã tưởng như cảm thấy hơi nóng bàn tay của Malene trên mặt tôi. phải chăng đó chính là mặt trời gọi tôi?
Tôi quay lại phía bức tường lạnh giá, cầu cho nó dựng lên giữa mặt trời và tôi hơn là giữa tôi và những đám mây xám xịt dầy đặc. Tôi nhăm mắt lại. Nhớ đêm cuối cùng ở Copenhague tôi trông thấy Dorete ngồi ở bên giường tôi. Tôi giấu mặt dưới vú và tôi thấy hình như tôi ở dưới những cánh cửa của vĩnh hằng.
Nhưng tôi run lên vì đói và vì rét, tôi không biết vì sao tôi lại là tù nhân dưới bầu trời xám này. Tôi rùng mình và quyết định mặc quần áo vào, đi xuống. Tôi gõ hồi lâu ở cửa căn phòng lớn. không thấy trả lời. Tôi đi vào và thấy bữa ăn dọn sẵn cùng một ly sữa ở một đầu bàn. Trong khi nhai bánh mì cứng, đắng và uống sữa, tôi ngắm hoang mạc qua các cửa kính không có màn che. Hơn bao giờ hết tôi thấy mặc cảm về kiếp nô lệ của mình.
Malene thò đầu qua cánh cửa mở hé:
- Chào anh sinh viên! Tôi phải ở lại bên Schwartzflugel. Bệnh thống phong làm ông ấy đau dữ dội hôm nay. Chúng ta sắp có bão đấy. Anh ăn sáng đi. buổi trưa chúng ta sẽ cùng ăn.
Vâng tôi đã tìm thấy bữa ăn và sẽ trở lại ăn vào buổi trưa, cũng ở cái bàn này, cũng ở trên đảo này, mãi mãi, cho đến khi Chúa đến giải thoát cho tôi.
Tuy thế một ý nghĩ an ủi tôi: Malene bị giữ lại chỗ ông mục sư đang ốm, bàn tya cô sẽ không đặt lên mặt tôi, hơi thở nóng của cô không làm tôi kinh hãi nữa.
Tôi đưa mắt nhìn quanh gian phòng với những chiếc xà nhô ra, những cửa sổ có ô kính nhỏ, trần bằng đất đắp không phẳng, với cái lò sưởi ba chân trang trí bằng những điển tích Kinh thánh đắp nổi đã han gỉ. không khí ngửi thấy mùi tù hãm, mùi dầu nóng, mùi gỗ mọt, mùi đất ẩm. Ý nghĩ của tôi hình dung ra tất cả các mục sư đã không nghỉ, bước trên mặt đất này, đã đạp nó bằng những đôi giày, đôi guốc, đôi ủng, đôi giày vải, những mục sư ngồi trên các ghế dài đóng vào tường, đã nhìn trên cái lò đoàn người đi theo các vua Mages, hay Tobie vbcon la, hoặc Ruth rời bỏ nhân dân và xứ sở của mình ở chỗ giáo đường.
Tôi thấy họ khắc cái ghế bằng những con dao cùn của họ, ngủ gật ở cái bàn dài trên quyển Kinh htánh hoặc bình rượu bia. Tôi nghĩ đến những thày tu thời Thiên chúa giáo, những mục sư trong thời kỳ đầu Cải Lương bước chân đầy lo sợ xuống hòn đảo nhỏ cát sỏi này để ngủ ở đây, mơ màng ở đây, làm việc ở đây co đến giờ giải thoát. Hoặc là họ thà chạy trốn, từ bỏ công danh, lợi lộc, sự cứu độ vĩnh hằng, còn hơn là sa lầy ở đây. và những người khác, những người không bao giờ đối đáp lại những kẻ không may, những người say, những kẻ trơ trẽn từ lúc đến để trốn tránh, đã làm ô nhiễm không khí của hòn đảo khi họ không thực hiện sự cứu độ của họ ở đây mà lại trở thành những con người….
Tôi bỗng thấy ánh sáng lờ mờ trong phòng tựa như chứa đầy những hình người lớn, nhỏ, bệ vệ, mảnh khảnh, già trẻ, đều mặc thoe kiểu cách lứa tuổi mang tóc giả, buộc tóc gáy, đeo cà vạt trắng, mặc quần quy lốt ngắn. Tôi nghe âm giọng nói của họ, đanh thép, thân thiện, mắng mỏ hay kêu ca.
Những cuốn sổ thầy tu trên những cái giá gáy bám đầy bụi kia chẳng phải đã có bao nhiêu bàn tay giở ra rồi sao? Những bàn tay thờ ơ, những bàn tay chu đáo đã ghi lên những trang giấy hoen ố bởi vết bia hay ve6't nước mắt những cái tên mà giấy khai tử của những chắt của hị cũng được chép trên cùng một tờ giấy. Rất ít người sinh ra và chết tại đây!
Người ta hít thở một bầu không khí nhà tù ở đây, nơi những người xa lạ của đảo đã sống, và hôm nay, từ chỗ tôi đang ngồi, tôi cảm thấy cái nhìn xám xịt của hoang mạc đang bắt gặp tôi qua kính cửa.
Trong khi gợi lại cho tôi những giờ cô độc, đau khổ và nhớ nhung của những thế kỷ qua, tôi thấy hình như một tia của những ngọn lửa đã tắt từ lâu trong cái lò cũ đến đập vào tôi.
Tôi cầm vội mũ sinh viên của tôi và chạy ra cửa như thể tôi có thể vượt qua ngưỡng cửa chạy về nhà tôi phía trên biển cả. Nhưng tôi đã dừng lại trong khung cửa cũ kỹ trước hoang mạc âm u, tôi đã dừng lại như bao người đã làm trước tôi. họ sống lại trong tôi, những người chết đã vượt qua ngưỡng cửa để chạy trốn ra ngoài bóng tối nhà mồ của căn phòng hoặc nấp bên trong, xa tiếng gầm của biển, kẻ cai tù của họ.
Vẫn là cái tiếng kêu vang lên xung quanh đống cát và đá đó, tôi ở trong chỗ trú ấy, ngôi mộ ấy.
Ở bên kia biển khơi tất cả đã thay đổi. Một người của những thời quá khứ tỉnh dậy trong quan tài của mình sẽ trở về đấy nhanh chóng, như về nơi quen biết duy nhất. Nhưng ở đấy ông ta sẽ tìm thấy lại những dấu tích của mình không bị xoá đi trong cát và nó sẽ đưa ông ta về ngôi nhà thân thuộc.
Tôi có thân khác gì một kẻ trở về từ những thế kỷ đã qua, thế kỷ XVI, XVII? Có không, một sinh viên đói khát, kiệt sức ngày xa đã ở trên đảo này, đã lang thang trên hoang mạc, đã nghỉ ngơi dưới bóng nhà thờ trên cao kia?
Tôi có cảm tưởng mình đang mặc quần áo lố lăng xa lạ và thậm chí đang cư trú trong thân người khác, những gì tôi đã trông thấy và cảm nhận ở Copenhague là ngoài sự thật. Ngoài sự thật là con đường sắt của Roshide, là tàu thuỷ chạy hơi nước của Sund, là lâu đài sáng chói của Colbjornson, là các bài giảng của giáo sư Honorius về trí tuệ con người, kẻ sáng tạo vẻ đẹp, nhưng ngoài sự thật ngay cả nụ cười hiền hoà ngây thơ của Dorete, căn phòng của cô ấy, mạng đăng ten của cô ấy. tất cả cái đó là không thể nghĩ ra ở đây, trên ngưỡng cửa của nhà mục sư mà từ đó tôi ngắm nhìn hoang mạc. Và dù sao tôi cũng thừa nhận rằng tôi mặc quần áo của chính tôi, tôi sống ở thời đại của tôi.