Chương 6
Tác giả: Harald Kidde
Eberhard đã trưởng thành, thành một thanh niên cao lớn có khuôn mặt gầy với dáng vẻ bề ngoài nghiêm khắc không thu hút cảm tình. Anh có giọng nói gay gắt và kéo dài, những cử chỉ đột ngột, vụng về. Anh đau khổ trong thành phố xa lạ này vì đầu óc anh chỉ nghe tiếng rì rào của những cây tùng của Khu Rừng Đen, chỉ trông thấy ánh đỏ nhạt của những đống than, chỉ cảm nhận những ý tưởng chậm chạp và buồn bã của nòi giống anh. Anh không hề có khả năng gì về buôn b'an sách hay viết lách như ông Tobias tưởng. Nhưng anh vâng theo lệnh dứt khóat của Chúa và đã là một sinh viên chăm chỉ. Anh cũng kiên trì làm công việc gia sư dạy các con của những ông chủ ruộng muối hay những thương gia trong thành phố. Anh đã kiếm đủ tiền để đóng góp phần chi phí ở nhà những người bà con, ông chủ quán tử tế và vợ ông ta, người họ bên ngoại của anh. Khi nỗi nhớ quê hương giày vò quá mạnh anh đã cầm cây gậy và đi ra, bước dọc theo bờ dốc đứng dòng sông Saale để rửa mát lên trán ở Geshcihatein hay ở Peissnitz và để cử động chân tay tê cứng vì tư thế ngồi cúi liên tục. Hay là còn thế này, khi không có người lạ, anh ngồi trong gian quán thoảng mùi hương bách xù, nói chuyện với chủ quán, vì sao họ đã thất bại ở đây, và phải làm thế nào? cuối cùng ông chủ quán trọ đứng lên, đập lên vai Eberhard và nhẹ nhàng nói "Ừ, Khu Rừng Đen đẹp hơn bất kỳ miền nào khác, nhưng cũng là nghèo hơn cả, nó không thể nuôi được các con cái của nó. Họ phải rời bỏ nó, nhưng nó vẫn sống trong mọi ý nghĩ của họ, cho đến ý nghĩ cuối cùng".
Tuy nhiên, một hôm Khu Rừng Đen đã đến với Eberhard dưới dáng vẻ thân thiết nhất. Đó là bé Christine đã mang đến cho anh lời chào của Gutach. Nó đã qua một chuyến đi dài, trước tiên với một người lái buôn ở Hornberg đến hội chợ Leipzig, rồi những nông dân, những tài xế xe tải, và đây, nó xuất hiện trước ngưỡng cửa căn phòng nhỏ. Hình như nó rất khó đứng thẳng người ở đó, nó đã lớn lên biết bao nhiêu. Nó mảnh khảnh như một trong số những cây bạch dương ở nhà. Nó cười thật vui, trả lời một cách hăng say trước sự cảm phục câm lặng của Eberhard, khiến anh cảm thấy ngượng ngùng trước mặt em gái. Phải chăng nó vẫn còn là đứa em gái bé bỏng của anh ở dòng suối, ngọn nguồn? Hạnh phúc của Eberhard quá lớn và nước mắt đã ngăn anh nói lên. Anh còn quên cả ngạc nhiên rằng Christine đã rời bỏ một cách dễ dàng cha mẹ già. Tuy nhiên, lòng anh thắt lại, anh không hiểu sao anh lại trông thấy nó cũng xa rời được ngôi nhà mà những người trong dòng họ Baden sống từ đời cha sang đời con qua bao thế hệ, nơi mà họ chưa hề rời xa quá lấy hai ngày và quá lấy hai dặm, lại trông thấy nó cũng ở trong thành phố lớn này.
Ôi, chuyện tiếp theo đã chỉ rõ rằng những linh cảm đen tối của Eberhard rất có cơ sở chính đáng. Bé Christine không giống với cha mẹ hay với hai người chủ quán tốt bụng. Nó đã nhìn quá nhiều vào một tia sáng mặt trời trong thung lũng, hay vào những cây lê đá đỏ ối? Có phải con chim hót mà nó đã thử chạy theo khi bay vào trong rừng đã gợi lên cho nó ý muốn ra đi? Nó đã nghe quá nhiều những chuyện kể của người bán đồng hồ? Dù thế nào thì nó cũng không thuộc về xứ sở của những nhà thờ cổ. Quê hương của nó là thành phố chứ không phải là Halle, sùng đạo chịu ảnh hưởng của August Hermann Francké và Breithaupt, Halle, nơi Thomasius đã sống, Halle, nơi có nhà trẻ mồ côi, Halle, thành phố của thuyết kiên tín. Không, Christine thích những thành phố lớn nguy hiểm, chuyện thật kỳ lạ. Eberhard kinh hoàng nhận ngay ra điều đó. Christine không quan tâm đến việc đến các "Collegia pietatis", nơi những gì còn lại của những cộng đồng bé nhỏ của thời đại Spencer và của những ngày thịnh vượng của thuyết kiên tín tập hợp lai để trao đổi về những tác hại của thế kỷ và về sự lên ngôi của vương quốc ngàn năm. Lẽ ra phải lắng nghe những người kiên tín cuối cùng trình bày những lo lắng và những hy vọng của họ. Christine đã đến thăm các cửa hiệu thời trang ở quảng trường chợ gần nhà thờ Đức Bà hoặc xung quanh Tháp Đỏ để ngắm nghía nhìn đồ trang sức hàng mã mà quỷ sứ bắt đầu đưa lậu từ tận bên kia sông Rhin vào để cám dỗ đàn bà. Và khi nó đã kiếm được vài cái đồ trang sức, nó bắt đầu xuống dưới phòng quán hàng những lúc có khách lạ vào. Chính ở đấy nó đã gặp số phận của nó và Eberhard gặp số phận của mình.
Một bá tước đi du lịch đến Halle, vào trọ ở Zum guten Geist. Đó là một người đàn ông hết sức khôn khéo trong mọi mánh khoé yêu đương! Một hôm, khi Eberhard thức dậy, em gái của anh không ngủ trong gian áp mái bên cạnh. Nó đã biến mất với người khách lạ. Anh giữ chuồng ngựa đã trông thấy Christine ra đi trên xe ngựa của bá tước.
Khi bị ruồng bỏ cho một nỗi đau thầm lặng, Eberhard quỳ xuống cầu nguyện rất lâu và tin tưởng vào ý Chúa. Nhưng cùng lúc đó anh đã cắt đứt viết thành phố và quay về nhà cha mẹ ở Gutach bất chấp tiếng cười của bạn cùng học và sự giận dữ của ông Beutel. Anh muốn trở lại thành con trai của bố mẹ anh để cho trong tuổi già họ khỏi cô đơn không con cái. Anh cởi chiếc áo khoác dài đen, tấm ngực hồ bột và chiếc cà vạt trắng. tiếp theo, anh xếp những cuốn sách của anh lên giá và cầm lấy cái rìu của bố. Ông già Théobald đã quá lụ khụ chỉ còn có thể ngồi trong "góc của Chúa" và chạm khắc hộp đồng hồ bên cạnh bà Théodora làm những tấm thảm tuyệt đẹp, bà nhớ lại trong một thời gian lâu dài hồi còn trẻ, làm nghề này trên Khu Rừng Đen bà rất khéo léo, về sau khi đến ở trong thung lũng bà mới lấy Théobald.
Những người buôn rong lấy hàng của họ đem đến cho các cửa hàng của Fribourg, của Pforzheim, của Waldkirch. Tuy nhiên mỗi lần cha mẹ nghĩ đến số phận của Christine, mắt của họ nhoà lệ và họ không thể làm việc được nữa, ngay cả những chuyện cũ trong các tờ báo công giáo họ rất thích nhưng cũng không đọc được nữa.
Eberhard tìm lại đống than, anh lại ngắm nhìn khu rừng mênh mông quê nhà và vô vàn cột khói ở chân trời phía dãy núi Alpes hình như đang trôi bồng bềnh như những làn mây nhẹ xanh lơ. Đó là nơi ngày xưa anh và em gái đặt chốn thiên đường. Trong khi làm than, người thanh niên đã tranh thủ thời gian giở một cuốn sách thần học đặt trên đầu gối ra hăng say nghiên cứu. Anh hy vọng rồi dần dà ông Tobias sẽ nguôi giận và sẽ cho anh một việc làm vào chân thầy giáo ở Hornberg để anh có thể nuôi cha mẹ già, không để phí hoài những kiến thức học được. Nhưng khi nghĩ đến Christine mà trong hồi ấu thơ anh đã rất yêu thương và tự hào thì anh không sao tiếp tục đọc những văn tự Hebre được nữa và không mơ tưởng đến những dự định và những hy vọng của mình nữa, anh đã cúi đầu phục tùng.
Cuộc chiến đấu mà anh phải tiến hành để chấp nhận ý Chúa rất gay go khi một người bán đồng hồ rong quê ở Triberg cho anh biết rằng ông ta đã gặp và nói chuyện với Christine tận Đan Mạch. Cô ấy sống ở Copenhague, thủ đô, làm gái mãi dâm. Kẻ quyến rũ cô sau khi chơi bời hoang phí gần hai năm với cô ở lãnh địa của hắn tại Na Uy, đã trả cô lại Đan Mạch với tên hầu phòng và bỏ cô ở đấy khi cô từ chối kết hôn với tên đầy tớ. Hiện giờ cô sống trong một phố tồi tàn ở một ngôi nhà kinh khủng giữa những người đàn bà sa đoạ. Khi biết được tin đó hai người già oà lên khóc, nhưng Eberhard chạy ra bụi hồ đào nằm áp mặt xuống đất và kêu với Chúa như Jacob. Anh phải đến cứu em gái hay ở lại với cha mẹ, thiếu anh không người giúp đỡ, họ sống sao nổi? Anh thấy lại khuôn mặt ngây thơ và tươi cười của Christine dưới tán lá hồ đào. Anh thấy lại nó đang kính cẩn nghe bố đọc Kinh Thánh cổ của Berleburg. Anh thấy lại nó cái buổi tối cuối cùng ở Halle khi nó vừa cười vừa khóc cùng một lúc, mà đầu óc của anh quá chậm chạp, quá ít kinh nghiệm chẳng hiểu gì hết, lại còn vui mừng vì đôi má hồng, đôi mắt sáng, đôi môi tươi cười của Christine. Cuối cùng nó đã ngã vào cánh tay anh, để ôm hôn anh và áp má nó vào má anh, vừa khóc vừa thì thào tên các địa điểm thân yêu của quê hương. Nó gợi lên bố mẹ, rồi dòng suối, quả đồi và cái hồ trăng cuối thung lũng mà hai anh em đã đặt cho những cái tên thuộc về Kinh Thánh, và cuối cùng nó nói đến "góc của Chúa".
Nhưng, trời ơi, gã bá tước đã giở ngón xảo quyệt mà Eberhard thì lại mù quáng chẳng đoán biết gì cả. Giờ đây anh nhớ lại khi nó đội vòng hoa lê đá lên đầu và soi mình xuống suối. Anh cầu Chúa cho anh sức mạnh để quên nó đi và để ở lại với bố mẹ. Trong mười hai năm anh đã làm việc ở Niederwasser, rồi thực hiện ý Chúa, anh đã tách khỏi công việc của cha ông, và nay lại quay về đây.
Ông Tobias hình như vẫn ngoan cố tin rằng Eberhard lãng phí thời gian và hiểu biết của mình trong khi làm cái công việc bình thường của nông dân. Eberhard nói với ông về praxis pietatis cũng vô ích. Ông Tobias nổi giận và tuôn ra những lời thoá mạ chống lại Malum pietisticum và errores speneriani. Ông rời bỏ người học trò cũ của ông trong cơn giận đùng đùng. Eberhard nhìn theo cái bóng nghiêng lùn tịt trong chiếc áo khoác màu xám bằng cái nhìn cuối cùng là sáng suốt. Ông Beutel chẳng phải là một người đầy tớ của Nhà Thờ của các hoàng tử, các nhà thờ mà nhà tiên tri của Halle đã tuôn sấm sét chống lại, còn các tín đồ của rừng núi thì xin Chúa che chở họ, đó sao? Chẳng phải ông đã thốt ra những lời doạ nạt giới tăng lữ về tinh thần ecclesiolae in eccleisa, cái tinh thần cần được thiết lập như thời các tông đồ trong số các đệ tử nghèo và những người lao động, cái tinh thần đã bị xem nhẹ từ khi Giáo hội dưới thời Constantin bị sụp đổ, đó ư?
Rõ ràng là ông Tobias không muốn Eberhard trở thành một đầy tớ của Chúa mà thành một nhân công của cái Sion biến chất. Eberhard quỳ thụp xuống và cảm ơn Chúa đã mở mắt cho anh và đã tháo bỏ cho anh những cạm bẫy của kẻ đạo đức giả. Sau đó anh vung cây rìu với một lực gấp bội, tin rằng mình đã thực hiện ý Chúa trong các việc nhỏ thì chắc chắn những việc lớn sẽ chờ đợi anh. Những việc đó gọi anh trong năm thứ mười ba.
Hai ông bà già mất ngay trong tuần lễ đó trong niềm vui của Chúa và một ánh sáng định mệnh đã soi rõ con đường cho Eberhard phải đi theo. Anh đã đóng cửa túp lều trong một ngày thu vàng yên tĩnh, đeo chiếc chìa khoá vào cổ bằng một sợi dây nhỏ, mang chiếc ba lô nhỏ đựng quần áo và sách lên vai, anh để nguyên các thứ trong nhà, cái giường trên đó cha mẹ anh mất, cái nôi trong đó Christine và anh đã nằm ngủ cũng như tất cả các người con của gia đình từ khi một người cha trẻ đã làm ra và khắc vào trên đầu mấy chữ: Memento mori. Những chiếc thìa gỗ vẫn treo lên tường và zcái bát tô đất nung vẫn để trên bàn. Eberhard còn cắm đầy hoa tươi trên "góc của Chúa" để cho tất cả sẽ thân thiết mỉm cười với Christine khi mà anh sẽ mở lại cửa thời thơ ấu cho nó.
Anh chặt cho mình một cây gậy bằng cành lê đá, ngắm nghía thêm một lần nữa thung lũng và những bức tường tối đen của khu rừng, nơi lối mòn chạy mất hút, rồi giơ tay vẫy chào tạm biệt và ra đi. Khi anh quỳ xuống bên mộ bố mẹ trong nghĩa địa của Neiderwasser sau con sông nhỏ và hôn lên đất thì tiếng chuông cầu kinh chiều vang lên từ ngọn tháp phủ kín dây thường xuân hoà vào điệu đồng ca của các chuông trong thung lũng. Eberhard đứng lên và rảo bước để không mất một tí thời gian quý báu nào, đi ngay trong đêm đó thật dài đường lên thành phố phía bắc, đến với Christine.
Cả vùng rừng đều đang cầu nguyện trong lúc này. Eberhard cảm thấy anh đang được chúc phúc lành trong khi anh lên đường để đưa đứa con về cho miền đất thiêng liêng.
Anh đi lại con đường mà anh đã đi hồi thơ ấu, khi lần đầu tiên anh xa nhà cha mẹ. Anh còn đi nữa và vẫn được Chúa dẫn đường, mặc dù giờ đây anh hiểu hơn những yêu cầu của mình. Xưa kia dân chúng đổ ra trên con đường này vì những cuộc chiến tranh Napoléon đã đưa đất nước vào lửa và máu, ngày nay cả vùng quê trải dài dưới bầu trời đông âm u của Liên Minh Thần Thánh. Nhưng đối với Eberhard chẳng có gì là khác biệt giữa những dấu vết để lại từ vị hoàng đế của cái thế giới được Lucifer phong tặng và của cái thế giới được "xức dầu Thánh", chẳng có dấu vết nào giống như dấu vết của những bàn chân rớm máu mà Eberhard đang đơn độc đi tìm trên trái đất này.