Chương 5
Tác giả: Harald Kidde
- Thật không, bà nhà cũng đến ư?
- Vâng ạ, tôi đến đây, thưa cụ giáo, vì tôi nghe có tin vui.
- Bà đã biết?
Ông già bối rối đưa bàn tay vàng ệch vuốt vuốt cái chăn. Cụ nhìn những đám mây đuổi nhau trên bầu trời, trôi nhanh và xám đen phía trên hoang mạc mù mịt. tiếng biển rì rào vang lên từ bên ngoài.
- đối với tôi, nói chung là chuyện này không quan trọng mấy, bởi vì chồng bà đã cho tôi biết trước rằng tôi sẽ không sống được đến ngoài mùa xuân, và lạy Chúa, mong sao tôi có thể chết được cũng như tôi đã sống không để ai phải chịu gánh nặng vì mình. nhưng đối với Mamzelle Camrath! Ồ, bà Lange a, tôi chắc rằng từ hồi trẻ đến giờ tôi chưa bao giờ bằng lòng như thế. Tôi thấy hình mặt trời chiếu sáng thường xuyên và tôi không ngừng tự nhủ rằng sẽ không nên để cô ấy phục vụ người mục sư mới.
- Nếu người ta cử đến cho chúng ta một mục sư? – Erik buột miệng.
- Với lại – cụ Bek nói, nhìn họ - khi tôi chết, Svenning Gai xem như đã hứa với tôi là cô ấy sẽ được phần của tôi. Các vị nghĩ xem, cô ấy sẽ có 350 cuaron một năm. Cô ấy sẽ gần giàu bằng hồi cô ấy còn trẻ.
Erik nhìn cụ. Gần như giàu bằng thời cô ấy còn trẻ, con gái của một thương gia ở Đông Ấn Độ! Đảo đã khiến cụ quên hết chuyện tiền bạc đến thế sao?
Ellen yên lặng mở một chai Bourgogne và đặt nó lên bàn.
- Thưa cụ Bek, chúng ta sẽ uống rượu trong dịp đặc biệt này. Boél sẽ đưa đến chai khác để cụ bồi dưỡng.
- Ồ, bà cho rượu vang!
Đôi mắt cụ Bek cười.
- Có thể nói là tôi không được nếm nữa từ hồi Hoàng thân.
- Cụ cũng có quen biết Hoàng thân à? – Erik hỏi.
- Có, tôi có quen ông ấy! Ông ấy sống ở đây trong mười ba năm đầu tiên cư trú của tôi tại đây. Sao tôi lại không biết ông ấy? chúng tôi đều thuộc về ông ấy hết. Bây giờ ông ấy yên nghỉ trong nhà nguyện ở hoang mạc. Ông ấy vẫn mơ ước rằng cuối cùng đặc ân của nhà vua sẽ kéo ông ấy ra khỏi đây, ân huệ này ông ấy đã từng có ở nhiều nơi hơn bất cứ ai. Nhưng những bức thư ông ấy cầu xin ân huệ đó chẳng có kết quả gì. Đúng ra ông ấy đã được đặt quá cao và đã rơi xuống quá thấp. Nhưng tôi phải cám ơn bà nhiều về món quà này, thưa bà thân mến. Nghe nói rằng bà cũng cùng đi với chồng phải không?
Đôi mắt màu xanh lơ của cụ liếc nhìn từ người này sang người kia.
Ellen đỏ mặt và Lange quay mặt đi. Dân trên đảo chẳng đã nói là họ ít cùng nhau đi dạo chơi là gì? Ở đây người ta không thể bước đi một bước mà không có mắt theo dõi, chỉ trừ trong hoang mạc, chẳng bao giờ có ai đặt chân đến.
- Cụ có nghĩ rằng – Erik hỏi – mặc dù không gian chật hẹp được phân cho cụ trên đảo này, vẫn còn có những nơi chưa hề có chân người bước tới không?
Ông già Bek im lặng nhìn ngắm phong cảnh âm u. Một cánh chim sà xuống đấy như một cánh buồm đen, rồi cụ giáo lắc đầu.
- Không, - cụ nói – tôi không nghĩ rằng còn có một nơi nào mà bàn chân này của tôi chưa từng đặt tới. Ông hãy nghĩ rằng tôi đã sống ở đây năm mươi lăm năm rồi và hòn đảo chỉ dài một dặm rưỡi và rộng gần nửa dặm. còn hoang mạc thì tôi đã trốn ở đấy bao lần hồi đầu ấy, ông bà ạ. Không ,chẳng còn một tấc đất nào ở đây mà tôi không đến ngồi suy nghĩ, cầu nguyện, mà ở đấy tôi không thấy tuyệt vọng, rồi tôi lại tìm được bản thân. Nếu không có hoang mạc thì tôi cũng chẳng biết thoát khỏi như thế nào. Có lúc thậm chí tôi còn nghĩ rằng thiên đường không thể tồn tại nếu nó không có hoang mạc.
- Thưa cụ Bek – Erik nói – cụ có thấy bất tiện là vợ tôi cũng tham dự vào câu chuyện mà cụ sắp kể cho tôi về cuộc đời của cụ không?
- Ồ không, nhưng sao tôi dám nói đến những sự kiện tầm thường mà, nói chung, chỉ liên quan đến tôi?
- Đó chính là cái mà chúng tôi thích nghe và chúng tôi cần nhất.
Cụ Bek lắc đầu.
- Ông thật tốt khi nói với tôi như thế. Hôm qua tôi đã nhờ Mamzelle Camrath tìm những giấy tờ mà tôi đã nói với bác sĩ. Nó ở kia, nếu ông cầm.
Ellen đứhg lên và với một bó giấy lớn ở trên bàn.
- Tôi chắc là cụ đã viết trên mặt trái của các tờ biên lai cũ.
- Vâng, đó là những tờ biên lai cho các năm làm việc của tôi ở trường. Ông bà thấy tất cả các tên của các mục sư. Không dưới chín người, và mục sư Flak, tuy vậy cũng đã ở lại ba mươi mốt năm.
- Còn các thầy thuốc?
- Các thầy thuốc ư? Chỉ một người đến ở khoảng mười hay mười hai năm trước khi tôi đến. Đó là bác sĩ Orebro ở lại đảo cho đến khi chết. Từ đó chúng tôi chỉ có ông bác sĩ già Hagedorn.
Erik mỉm cười nói:
- Tôi vui sướng cho nghề nghiệp của tôi là các thầy thuốc của thể chất đã trụ vững hơn các thầy thuốc của linh hồn.
- Cụ vẫn ở nhà này từ xưa chứ? – Ellen hỏi.
- Vâng, tức là khi tôi đến đảo này, tôi đã phải ở trong nhà mục sư và tôi đã ở như thế trong bảy năm đầu tiên. Nhưng từ khi mục sư Tang đến, thì đấy là những năm tồi tệ nhất của đời tôi, tôi chắc là thế. Ông ấy đã lấy mất của tôi cùng một lúc cả cái việc làm cỏn con, cả cái gác áp mái ở nhà mục sư.
- Vâng, vâng, ông bà hãy nhớ là tôi không bao giờ được coi như những thầy giáo khác của trường. Các mục sư phải cùng một lúc vừa là thầy giáo của mười lăm hay hai mươi đứa trẻ của làng. Nhưng ông Schwaryflugel không thể đảm đang được, ông ấy đã già yếu quá. Ông ấy tìm một người phụ. Nhưng đó lại không phải là lý do để mục sư Tang buộc phải dùng tôi. tuy vậy, các mục sư khác đều có lòng tốt lấy tôi trở lại, nhưng việc làm của tôi thì chưa bao giờ chắc chắn cả!
- Và cụ đã sợ mất việc trong suốt cả thời gian?
- Vâng, đúng như thế, tám lần tôi đã run lên hỏi xem ông mục sư mới sắp sửa làm gì, nhưng rồi cũng trót lọt cả.
- Cụ làm gì khi bị mục sư Tang đuổi việc?
- Nếu bác sĩ Orebo không lấy tôi về để dạy học cho cô con gái Barbara của ông ấy thì tôi đã chết trên đảo rồi. Sau đó hoàng thân đã cho phép tôi được ở tại căn nhà nhỏ bỏ không này bởi vì những người lẽ ra phải ở đây đều chết cả rồi. Đó là đôi vợ chồng trẻ đã đến Grenaa để làm lễ cưới, nhưng khi trở về họ đã bị chết đuối. Tôi đã đến ở trong tổ ấm của họ và tôi đã ở lại đây từ bấy đến giờ. Tôi không trả tiền nhà. Chắc là nhà sẽ thuộc về những người thừa kế của hoàng thân. Nhưng tôi sẽ kể cho ông bà nghe điều đó, hồi ông ấy còn sống.
Cụ giở các giấy tờ.
Mắt của Ellen và Erik gặp nhau rồi nhìn vào đây đó trong căn nhà thấp bé. Nó có hai cửa sổ, một mở ra hoang mạc, một nhìn ra vịnh Sonderbjaerg và đầm lầy. Về phía đông tầm nhìn phóng khoáng. Về phía tây trải dài bóng của dãy núi. Cái rầm chính chạy từ cửa bếp đến cửa ra vào. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ nghe đơn điệu như tiếng biển rì rào. Một mùi hương êm dịu của cây vòi voi bốc lên từ các lỗ cửa. Đồ đạc gồm có một cái bàn gập giải khăn ren móc, chiếc ghế tựa rơm và chiếc ghế sơn đỏ, cái lò sưởi đất nung có những viên gạch lát màu lục mà người ta gọi là ông thầy tu. Trên tường một vài hình thánh với những lời ghi bằng tiếng Đức, bốn người trong lò lửa, cuộc chiến đấu của Samson với sư tử, những môn đồ uể oải ở Gethsémani. Chính ở đây cụ Bek đã trải qua cuộc đời mình, trong gian nhà này, dành cho đôi vợ chồng trẻ. Erik lắng nghe tiếng đồng hồ trôi đi, như là đã trôi qua và còn sẽ trôi qua đi tất cả các thế kỷ, trong khi biển đập mãi vào bờ.
- Cụ Bek ơi, hãy kể đi – Lange nói, vừa nắm chặt tay Ellen.
- Vâng, vâng.
Cụ Bek nhìn thật xa về phía hoang mạc. Nụ cười hiền lành biến mất khỏi đôi mắt cụ, cụ ngước lông mày lên và một dáng vẻ dữ tợn lộ qua khuôn mặt như thể cụ đã trông thấy những hình ảnh xa xôi và cao cả bị thần Chết biến thành những thiên cảm vĩnh hằng, như thể cuộc đời mà Chúa đã cho cụ từ đầu cho tới giờ đã biến mất trước cái nhìn nội tâm của cụ.
Nếu tôi phải kể chuyện đời tôi, ông bà bác sĩ ạ, thì tôi phải bắt đầu từ đầu, và tôi biết rõ, cái buổi đầu đó diễn ra trong một ngôi nhà tầm thường của thung lũng Gutach trong khu rừng Đen. Ở đấy, trong một thung lũng nhỏ theo chiều ngang, với những dãy rừng bao bọc, gần thị trấn Niederwasser có một tiều phu tên là Théobald Ephraim Baden sống cùng người vợ Théodora. Họ chẳng hề ham thích các thú vui tuổi trẻ và chỉ gặp nhau khá muộn mằn, nhưng Chúa đã cho họ được hai người con, một con trai Ebernard Sébestien, và một con gái, Christine.
Họ sống trong một vùng theo đạo Thiên Chúa, nhưng vẫn giữ vững tôn giáo Tin lành của họ đưa từ Westphalie, nơi mà có lần gia đình họ lưu vong đến. cậu con trai coi là thiêng liêng những gì mà cha cậu dạy cậu nên không hề có chuyện cãi cọ gì với hàng xóm và khi Théobald, Théodora và các con đi qua những nhà nguyện của các lãnh địa lớn hay đi qua vô số các thánh giá bên đường hay trong rừng, họ đều quỳ xuống và thành kính cầu nguyện, bởi vì trong những ngôi nhà cũ kỹ, tối tăm và lạnh lẽo đó, dưới bóng râm ẩm ướt của những cây tùng cũng như ở dưới chân của các thánh giá bằng gỗ kết hoa, nhiều thế hệ đã quỳ xuống, bày tỏ những nỗi buồn phiền, cầu xin giúp đỡ và an ủi. Théobald và bà vợ đã ngắm nghía những cây gỗ thâm đen vì năm tháng dựng trên bệ, được người ta trang trí bằng những cành anh đào nở hoa hoặc bằng những cây râu dê, và đã cúi đầu với một cử chỉ biết ơn, vì họ biết rằng những thánh giá kia đã là sự an ủi của biết bao thế hệ sùng đạo. Bậc thầy lớn ở Halle đã dạy họ rằng tất cả mọi sự tranh luận về lòng tin đều trái với ý tưởng của Chúa vì Người chỉ đòi hỏi tâm của con người.
Théobald và gia đình sống rất nghèo nàn, nhưng không bao giờ họ thiếu bánh mì. Théobald chặt cây trong rừng rồi chở xe quệt xuống cho nông dân trong thung lũng Reichen bach hoặc Gutach. Nhưng phần lớn là ông trông vào các đống than. Cứ thứ hai ông vào rừng đốt than và đến chiều thứ bảy, khi các đống than đầy rồi thì ông xuống rừng trở về nhà sum họp với vợ con, để đọc một trầm tư của Rieger hay vài giải nghĩa về Kinh Thánh cổ của Berleburg. Họ còn hát một bài thánh ca rút ra từ Der anđachtig singende Christenmund. Théobald nói chuyện với Théodora và các con về những gì ông vừa đọc được, rồi chơi với bọn trẻ trên đồng cỏ bên bờ suối. Sáng thứ hai, mang đủ thực phẩm cho cả tuần, ông lại lên đường qua những lối đi dựng đứng để khuất đi sau bóng tối dày đặc của khu rừng.
Lên năm tuổi, Eberhard được phép đi theo cha. Đấy quả là một niềm vui cho cậu bé được đi sâu hơn trong đêm rừng tùng, được nghe tiếng thì thầm nghiêm trang của những cây cối thâm u, được xem những tia mặt trời chiếu ánh sáng trắng lên những lá kim màu hung, và được đi theo cha mà cái bóng cao leo trước, cái rìu và thực phẩm trên lưng. Và đó quả là một cuộc phiêu lưu đối với một cậu bé chưa từng khi nào đi quá quá con đường từ Niederwasser đến sát bên kia đống than mà khói trắng bốc lên dưới những cành cây! Cậu ngủ với bố trong túp lều cỏ, nghe tiếng run rẩy ban đêm của rừng và thức dậy buổi sáng với tiếng chim hót.
Khi Eberhard đã lớn, cậu được đi học ở trường Hornberg, trong một cộng đồng Tin Lành nhỏ. Cậu phải đi nửa dặm đường với cái cặp đựng một tấm bảng, một quyển tập đọc và quyển giáo lý công giáo của Heidelberg. Nhưng cậu lại thích phòng học ngoại khóa và hội bạn của những đứa trẻ khác và cậu hát suốt dọc con đường hai bên có những cây lê đá già về mùa xuẩn nổi bật lên với màu trắng tuyết, về mùa thu với màu đó san hô trước bức tường khổng lồ của khu rừng. Con đường chạy qua lưu vực xanh rờn của dòng sông Gutach sủi bọt, nó tạt ngay trước những xưởng cưa và cái trang trại lớn vắng vẻ với những mái nhà rộng mênh mông trông giống như một nơi trú ẩn chắc chắn và bí mật. Những cửa sổ bé xíu và những bông hoa đỏ ở các hành lang rất khó thấy. Nhà thờ Hornberg và những phế tích lâu đài trên ngọn đồi um tùm cuối cùng cũng lộ ra. Eberhard đi qua cái cầu, vào trong phố và đi theo các ngôi nhà thấp màu xám với những nhãn hiệu nghề thủ công, những cửa hiệu với những ngạn ngữ cũ phía trên các cửa. rồi đến ngôi trường bên bờ sông Gutach, những cửa sổ mở ra dòng sông và những dãy núi phủ đầy cây tùng.
Ông mục sư và thầy giáo của trường tên là Tobias Beutel. Đó là một người khô khan và lực lưỡng với khuôn mặt vàng và bộ tóc giả màu nâu phủ bụi. Ông đeo đôi mục kính to tướng gọng sắt và mặc quần áo quyllốt ngắn. Chẳng mấy chốc sự hăng say và chuyên cần của Eberhard đã khiến ông chú ý nhưng ông vẫn tỏ ra nghiêm khắc và tiết kiệm lời đối với cậu cũng như đối với những đứa trẻ khác. Eberhard chơi đùa thoải mái với chúng trong các giờ ra chơi và lúc tan học cậu giơ tay chào không ngớt các bạn toả ra mọi hướng rồi lần lượt đi khuất dần hết vào trong rừng. Không có đứa nào đi đến Neiderwasser, làng này theo đạo Thiên Chúa.
Eberhard chạy nhanh hết sức vì cậu khao khát gặp lại cha mẹ và bé Christine, căn phòng thấp trệt thoảng mùi thơm quả bách xù, cái lò ba chân, cái bàn cọ nhẵn bằng ván gỗ tùng, những dãy thìa bằng gỗ ở trên tường, cái khung dệt của mẹ và góc của Chúa, cái bàn thờ bé nhỏ với cây thánh giá mà gia đình tuy thuộc đạo Tin Lành vẫn lập nên trong một góc phòng hệt như những người hàng xóm. Eberhard và em gái giữ cho ở đấy lúc nào cũng có hoa tươi hái trên đồng cỏ ẩm ướt của thung lũng, nơi có ngôi nhà của chúng mà chúng là những người chủ tối thượng. Một cây anh đào mọc trước cửa và có một bụi cây hồ đào nhỏ để treo cái đu cho trẻ con. Một con suối nhỏ chảy sát ngay ngưỡng cửa. Nó đến từ trên cao trong rừng và đem tin tức của bố. Đôi khi ông đã thực tế thả những mảnh gỗ xuống nước và dòng suối đã trung thành mang nó đến cho Eberhard và Christine. Những suối nhỏ phun ra trong cỏ. Khói từ bếp nấu bữa chiều bốc lên trôi trắng xoá trên lá cây rừng đen thẫm. Hồi chuông cầu kinh Đức Bà vang lên từ Hornberg và những chuông ở Niederwasser đáp lại. Trong khi mặt trời đỏ rực trên mái rạ, Eberhard và Christine thành kính làm dấu chữ thập.
Eberhard nhắm mắt, mơ đến những chiều thứ bảy ngày xưa khi hai bố con từ rừng ra đến "Feierabendfelsen", bỏ mũ cầm ở tay. Họ đặt các dụng cụ xuống chân và lắng nghe tưởng của vô số nhà thờ ẩn mình trong rừng sâu vang lên chào ngày Chúa nhật. Lệ trào lên đôi mắt cậu bé bà cậu hứa với bé Christine là sẽ dẫn nó đến ngay sau khi nó có thể leo lên mỏm đá Feierabend để nghe các chuông của Khu Rừng Đen điểm mặt trời lặn.
Eberhard đã lớn và vạm vỡ như bố, trong lúc đó thì Christine lại bé nhỏ và tế nhị, giống như mẹ nó hồi trẻ. Eberhard rất yêu quý nó. Nó tự làm cho mình những dây chuyền cổ bằng quả lê đá, nó hái những hoa tán mọc đầy trên đồng cỏ tết lại và cài lên tóc rồi soi mặt xuống suối. Bố không đồng ý với chuyện đó bao giờ và lắc cái đầu tóc hoa râm một cách nghiêm khắc, nhưng Eberhard thì chạy đi tìm hoa co bé và đem về cho nó những quả ngấy ngon nhất gói trong một cái lá hồ đào có mùi thơm, hoặc nhặt cho nó những quả phỉ lấy trong các tổ sóc.
Nhưng một hôm, mục sư Tobias Beutel bước qua ngưỡng cửa, cây gậy cầm ở tay. Mọi người kính cẩn chào. Ông ngồi xuống chiếc ghế dài bên cạnh "góc của Chúa" mà ông vừa chau mũi nhìn, ông hắng giọng và sửa lại áo gilê. Ông ấy muốn thế này. Cha mẹ phải cho phép Eberhard học tập. Bản thân ông sẽ dạy cho nó tiếng La tinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Do Thái mà ông đã tiếp tục trau dồi bằng cách đọc kinh thánh trong nguyên bản, rồi tiếp đó chúa sẽ đến giúp cho họ. tất nhiên là Eberhard chẳng có thiên tư gì về những năng khiếu như thế. Ông mục sư biết rằng họ có gia đình ở Halle, ở quán trọ "Zum guten Geist". Có thể là Eberhard sẽ ở đấy và nó chỉ được cấp một số tiền ít ỏi theo định kỳ, nó có thể kiếm thêm được ít tiền rất dễ dàng bằng việc làm gia sư ở các nhà giàu.
Ông Théobald giữ im lặng rất lâu, hai bàn tay to lớn đặt lên đầu gối, ông suy nghĩ, bà Théodora đi đi, lại lại, bỏ củi vào trong lò và cũng chẳng nói chẳng rằng. Bé Christine chạy lăng xăng trong gian nhà và nói luôn miệng. Eberhard ngồi run trên ghế đến nỗi không dám ngước mắt lên. Ông ấy nói gì vậy, cái ông Tobias Beutel? Halle chẳng phải cách xa đây những ngàn dặm đó sao? Rồi đến nào sinh viên, nào giáo sư, nào mục sư nữa? Ôi, thế còn những đống than ở trên ấy, còn bé Christine, còn làng Niederwasser. Không, không, chẳng bao giờ, chẳng bao giờ!!!
- Dạ thưa – ông già Théobald nói – ông mục sư đã đưa đến cho chúng tôi một tin quan trọng. Nhưng không có người nào trong chúng tôi rời khỏi Gutach và ngôi nhà này bao giờ, kể từ ngày gia đình dọn từ Westphalie đến đây. Tất cả chúng tôi đều sống nhờ rừng, ngay cả đến ông anh của ông chúng tôi vốn là một thợ săn ở nhà Đức trưởng tu viện Bénédictins de Saint-Blaise. Chúng tôi không biết ông mục sư với nói gì với chúng tôi.
- Đó không phải là lý do để nói rằng ý kiến của tôi là không tốt, bản thân tôi cũng là con nhà nông dân ở Odenwald, và tôi cũng thích tin rằng…
- Vâng, nhưng ai mà biết được Chúa muốn đưa thằng bé Eberhard đi ra xa như ông đã được dẫn dắt. Halle ở Saale? Đúng là ở đấy chúng tôi có bà con, nhưng chúng tôi đã không thấy họ từ ngày tôi còn bé và thành phố lại cách đây hàng bao nhiêu dặm.
Ông Tobias gập cằm vào trong cà vạt và cầm gậy. Khi ra đi ông đã đạt được thắng lợi. Làm sao mà ông Théobald sùng đạo lại dám phản bác ông khi ông ta đang tin rằng có sự can thiệp của Chúa vì Người đã phú cho Eberhard những thiên tư để phụng sự và tôn vinh Người trong thời buổi biến đổi này? Ông Théobald hay thở dài mỗi khi ăn tối, ông ăn miếng bánh mì đen lúa mạch thô phết, hoặc nhìn vào cái rìu mà cán đã nhẵn thín vì bàn tay lao động của ông và tổ tiên. Sẽ phải làm việc cật lực mới có đủ ăn. Bà Théodora tưởng trong một lúc đã trông thấy những vết máu của Jesus trên những bàn tay nâu và bàn chân của con trai, nhưng cái nhìn của bà gặp cái nhìn của ông Théobald và họ cùng mỉm cười với nhau. Chúa đã cho họ con trai. Họ không thể tính toán gì trong việc Người muốn sử dụng nó.
Con mắt của Christine đi từ bố mẹ sang anh trai. Sao họ lại nghiêm trọng thế? Bởi vì người lạ kia đến nhà ư? Christine luôn thấy vui khi có những người lạ đến thung lũng. Chuyện đó rất hiếm. Chỉ thi thoảng thôi, một người bán rong mang kiện hàng đi qua, hoặc là một bác thợ đồng hồ với vô số đồng hồ cứ tích tắc hoài quanh mình. Christine tìm cái nhìn, nhưng nó vội cúi mặt xuống. Đôi mắt của Eberhard sáng chiếu như mắt của thánh Sébestien trên bức tranh những người tuẫn đạo ở Wiesereck.
- Eberhard – cuối cùng nó bảo – anh không đến chơi à?
Nhưng Eberhard lắc đầu.
- Chẳng bao giờ anh chơi nữa.
Christine ngẩn người ra, không chơi nữa khi nó muốn chơi!
Nhưng bố buồn bã lắc đầu và bé không dám hỏi gì thêm, nó không nhận ra Eberhard nữa.
Những lời nói của ông mục sư liên quan đến lời kêu gọi và ý Chúa đã lọt được vào trái tim bố mẹ, nhưng nó lại như một ngọn giáo đâm vào tim Eberhard, ngăn cách nó với tất cả những gì nó đã tin là của nó. Hiện giờ khi đi đến Hornberg, nó nhìn thẳng trước mặt, không chú ý gì đến những đứa trẻ khác. Lạ chưa, chẳng có lúc nào nó có thể quên được những lời khiển trách mà ông mục sư trong cơn nóng giận đã thốt ra chống lại sự phán kháng ngớ ngẩn của họ. Chúa cũng đã định đoạt, đã lựa chọn nó, nó phải trở thành người hầu hạ Chúa hệt như những người mà những nỗi thống khổ của họ bố nó đã đọc được trong quyển sách những người tuẫn đạo! Nó không có quyền chơi đùa nữa. Chỉ mình bé Christine còn có thể làm cho nó cười được thôi.
Nhưng đôi khi nó trông thấy buổi chiều khói bốc lên trên túp lều và bố từ trong rừng xuất hiện với cái rìu và bó củi, trong lúc ông ra hiệu cho nó và bé Christine chạy ra gặp bố, lệ đã ứa tràn trên đôi mắt Eberhard. Nó nghĩ cuộc đời của ông cha đã là thế và cho đến ngày nay đó là số phận của nó. Nhưng ông cha vẫn không bao giờ phàn nàn về cuộc sống khó khăn và bấp bênh và họ đã uống cốc rượu đắng với lòng biết ơn, không bao giờ một câu phàn nàn thốt ra khỏi miệng, không bao giờ một lời cầu nguyện van xin được giải thoát.
Đến kỳ hẹn, nó ra đi khỏi ngôi nhà, nơi chôn nhau cắt rốn của nó, và nơi tổ tiên nó chưa bao giờ xa rời. Nó đi lên phía bắc, trên con đường lạ dẫn đến thành phố xa xôi. Nó đã ra đi, được Chúa dẫn dắt. Cây gậy và cái túi cầm tay, nó rời khỏi những thung lũng âm u của Khu Rừng Đen, đi qua những đồng nho của sông Rhin và cả vùng Souable. Đó là thời kỳ trận đánh Leipzig, vào cuối mùa thu 1813. Eberhard đã gặp những làng mạc, những thành phố chạy trốn toàn bộ. thế giới đã bốc cháy, các dân tộc đổ xô lên các con đường. Nó đã gặp những chiếc xe ngựa chất cao đồ chạy loạn suýt đổ, những người đàn ông luôn mồm nguyền rủa, những người đàn bà kêu khóc, những đứa trẻ trần truồng. Nó đã tìm thấy ở dưới các hố những người ốm, những cụ già, cả đến những bé sơ sinh bị những người chạy loạn bỏ lại. Nó đã phải đến giúp đỡ người này, an ủi người kia và tiến đi rất chậm chạp. Nhưng nó đã đi đến với số phận của nó một cách kiên trì, bền bỉ, trong lúc đó Napoléon không ngờ rằng ông ta đã hoàn thành việc của mình như cây gậy báo thù của Chúa trong ngày cuối cùng.
Cuối cùng Eberhard tới được một căn phòng áp mái bé nhỏ niềm nở của quán Zum guten Geist, ở Glaucha, ngoại ô Halle, và nó bắt đầu nghiên cứu thần học.