15.
Tác giả: Hoàng Thu Dung
Buổi sáng ở Vũng Tàu!
Ngôi biệt thự đã cũ kỹ của bà Khả Nhu vẫn như lúc nào, u buồn, ảm đạm, lạnh lùng như chính vị chủ nhân của nó.
Trước hiên, Tâm Đan ngồi lặng lẽ, trên tay là chú chó nhỏ có lông xù màu trắng dễ thương. Cô gái mơ mộng nhìn trời mây buổi sớm, nhìn nắng vàng len lỏi qua những rặng đường trải dài xuống nền gạch, xuống cát mà luống những ngậm ngùi.
Ngôi biệt thự này và cả những con người ở đây tự lúc nào ai cũng im hơi lặng tiếng ... có mấy tháng trời thôi mà bà Khả Nhu trông thất sắc thấy rõ. Có lẽ, bà phiền muộn Vũ Dung, đứa con gái duy nhất của bà mà không buồn hé môi nói đến nửa lời. Còn Vũ Dung không hiểu nghĩ gì mà lại nhận công tác ở một nơi xa xôi như vậy. Lâu lắm, nhớ nhung lắm mới về thăm một lần.
Tất cả những biến đổi ấy Tâm Đan cũng phần nào hiểu rõ. Nàng mơ màng biết rằng Vũ Dung chia tay cùng Hà Thế Vỹ, nhưng không hiểu nguyên nhân từ đâu. Suy người mà nghĩ đến mình, Tâm Đan buồn bã không chế ngự được. Cứ sáng sáng nàng lại thức sớm bước ra trước hiên để thở hết khí trời thoải mái.
Trong lòng của Tâm Đan, cho đến nay cái tên "Lê Quang Trung" vẫn chưa tan ... và mãi mãi sẽ không tan bởi vì nàng muốn vậy. Nàng vẫn nuôi hy vọng có một ngày nào đó Quang Trung sẽ trở về như lúc ra đi. Nàng cứ thương nhớ Quang Trung dù rằng đôi khi cô tự hỏi "tại sao lại yêu chàng đến thế? Chàng đã làm ta khổ mà tại sao vẫn không quên được." Tóm lại, Tâm Đan không thể yêu ai khác ngoài chàng. Biết rằng yêu đơn phương sẽ khổ, nhưng nàng vẫn cứ yêu. Tuy chưa hề có những gì sâu sắc những kỷ niệm dễ thương với chàng thì Tâm Đan có vô số. Nàng lấy đó để chờ đợi. Từ trong chốn tận cùng sâu thẳm của tiềm thức, thỉnh thoảng Tâm Đan vẫn nhận được một tín hiệu rất nhẹ nhàng.
"Hãy cố đợi, chàng sẽ quay về mà" và mỗi lần như thế, Tâm Đan như người được tiếp thêm sức mạnh, củng cố thêm sức mạnh, củng cố nghị lực, có lần rong chơi trong rừng dương, Vũ Dung có bảo với Tâm Đan rằng:
- Đừng nuôi hy vọng nhiều quá, nhưng cũng đừng tuyệt vọng. Trái đất rộng nhưng lòng người thì hạn hẹp. Sớm muộn gì chị cũng tóm được Quang Trung mang về cho em trị tội.
Lúc ấy, đột nhiên Tâm Đan lại lo lắng cho Quang Trung vô cùng nàng lại sợ sệt vu vơ khi nghĩ rằng Vũ Dung sẽ làm tình làm tội anh ấy nên vọt miệng phân bua:
- Có phải chị thấy em buồn nên nói vậy ... chứ còn em, Quang Trung đâu có tội gì đâu.
Vũ Dung nắm lấy tay Tâm Đan lôi lại, nhìn thật sâu vào mắt Tâm Đan rồi nói:
- Em yêu hắn quá rồi Tâm Đan à. Em càng yêu thì Quang Trung càng đắt tội. Tội làm khổ cô em gái trong trắng bé bỏng của chị. Hôm ấy ở rừng dương, Tâm Đan đã tâm sự với Vũ Dung thật nhiều, còn Vũ Dung đã an ủi nàng theo đúng tình yêu của một người chị.
Vũ Dung có nỗi buồn, Tâm Đan chua kịp nói chi thì chị ấy đã đi thật xa. Thật ra Dung đi tìm gì nơi đó? Chỉ càng thêm buồn mà thôi!
Cuối cùng, Hà Thế Vỹ và Lê Quang Trung cũng vuột khỏi cả em lẫn chị. Nỗi buồn của em so với nỗi buồn của chị thật là xa cách. Tình yêu cũng khác. Bản chất con người thì càng khác xa hơn nữa.
Cúi nhìn chú chó nhỏ, Tâm Đan đưa tay vuốt nhè nhẹ lên lớp lông xù xì trắng tinh của nó. Nằm trong lòng của Tâm Đan nó có vẻ sung sướng lắm nên lim dim đôi mắt trông thật đáng yêu. Tâm Đan mỉm cười hỏi khẽ:
- Gâu gâu à, mi có biết buồn không vậy? Mi có hay lo nghĩ vu vơ như ta không? Nhìn mi ta thấy sướng thật đó.
Nghe tiếng nói của Tâm Đan, con chó nhỏ ngóc đầu vểnh tai lên một chút như nghe ngóng rồi thè chiếc lưỡi đỏ hồng liếm vào tay Tâm Đan mấy lượt mới chịu nằm im.
Một lúc sau, Tâm Đan nhìn thấy một chiếc xe du lịch của ai đang hướng thẳng vào rồi đỗ lại trước cổng. Nàng còn đang thắc mắc thì chú chó nhỏ đã đánh hơi người lạ cục cựa liên tục.
Tâm Đan vừa hướng mắt nhìn ra ngoài vừa quát:
- Gâu gâu, nằm im xem nào.
Cửa xe vụt mở, một người đàn ông bước ra ngoài, gỡ kiếng mắt cho vào túi rồi nhìn thẳng vào nơi Tâm Đan ngồi ... trước mắt Tâm Đan là một con người hoàn toàn xa lạ. Thấy ông ta cứ nhìn chằm chằm còn như định nói gì, Tâm Đan ẵm chú chó đứng lên bước tới. Đến lúc còn cách người lạ cái cổng rào, Tâm Đan mới nhận thấy đó là một người đàn ông không còn trẻ nữa. Tóc hai bên thái dương của ông ta đã có chỗ lấm tấm bạc.
Nở một nụ cười chứa đầy thiện cảm, người đàn ông - Chinh là ông Hà Phát lên tiếng:
- Chào cô, xin mạn phép hỏi đây có phải là nhà của cô Vũ Dung.
Tâm Đan nhìn thẳng, đôi mày hơi nhíu lại. "Nụ cười này sao quen quá vậy? ... À hình như ta có gặp ở đâu rồi?" Nghĩ mãi không ra, sợ để khách chờ quá lâu, Tâm Đan bẽn lẽn cười:
- Dạ đúng rồi!
- Cháu là gì của Vũ Dung?
- Dạ, em họ!
Ông Hà Phát lại cười:
- Vậy thì tốt rồi! Ta cần vào nhà để gặp mẹ của Vũ Dung có chuyên hệ trọng.
Tâm Đan lại nghĩ rằng vị khách này mang tin tức của Vũ Dung đến nên cuốn quýt hỏi:
- Chị của cháu không sao chứ hả?
- Không sao?
- Được, được! Cháu sẽ gọi người ra mở cửa mời bác vào rồi sẽ gọi Dì cháu ra ngay.
Tâm Đan nói xong chạy biến vào trong lát sau có chú Thạch chạy ra mở cổng rồi trịnh trọng mời ông khách vào nhà, mang nước lên mời khách.
Tuy sự chờ đợi khá lâu, nhưng ông Hà Phát vẫn bình thản không lấy gì làm buồn nản. Đối với ông chờ bao lâu cũng được bởi vì điều ông mong muốn nhất chính là mang tin vui về cho Hà Thế Vỹ yêu quí của ông như đã hứa mà thôi.
Có tiếng lao xao. Ông Hà Phát nhìn thấy cô gái khi nãy đang dìu một người đàn bà bước ra. "Bà ấy không thấy đường như vậy chính là mẹ của Vũ Dung rồi".
Thấy người chủ nhà đã ra đến, ông Hà Phát vuốt sơ lại mái tóc rồi đứng lên:
- Chào bà.
Ông vừa mở lời vừa nhìn thẳng vào người đàn bà mà con trai ông đã không tiếc lời khen ngợi. Vừa nhìn thấy rõ, ông Hà Phát lảo đảo lùi lại té quỵ xuống ghế há hốc mồm kinh ngạc. Trời không có mưa không có giông bão, nhưng trong đầu ông lại như có tiếng sấm nổ. Ông nhìn trừng trừng vào bà Khả Nhu mà toàn thân chết điếng. Vừa lúc đó bà Khả Nhu lên tiếng chào lại:
- Chào ông, mời ông ngồi. Tôi nghe Tâm Đan nói rằng có một vị khách tìm tôi để mang tin của Vũ Dung tôi chính là mẹ của nó... có gì ông hãy nói đi.
Câm lặng một lúc lâu ông Hà Phát mới lấy lại được bình thản. "Sao lại là Khả Nhu? Sao lại là em và trở thành mù lòa thế này?" Ông Hà Phát cứ tiếp tục tê dại như người ông đang dần hóa đá. Thấy thái độ kỳ quặc của ông ta, Tâm Đan lạ lẩm lên tiếng:
- Dì của cháu đang chờ bác nói đó.
- Ờ ...ờ ... Tôi sẽ nói mà ...
Ông Hà Phát lo lắng sợ sệt, ông không còn đủ tư cách để đối diện cùng bà Khả Nhu nữa. Đối với người đàn bà này, ông đã có một lỗi lầm to tát khó mà tha thứ. Đúng là oan nghiệt! Quả báo thật rồi!
Ông Hà Phát muốn lách người chạy vụt ra ngoài leo lên xe và biến mất cho mau lẹ trước khi bị phát hiện, nhưng không còn kịp nữa. Ông không còn con đường nào khác ngoài việc lưu lại và phó mặc cho may rủi. Ông không dám nhìn vào đôi mắt mở to vô hồn của bà Khả Nhu, càng không biết mở lời như thế nào đây? Một trận lôi đình, một cơn bão lớn sẽ ập xuống mà ông khó lòng tránh khỏi rồi.
Thấy khách cứ im lặng bà Khả Nhu thúc giục:
- Tôi đang nóng lòng nghe tin con gái, sao ông ... ông cứ im lặng hoài vậy. Ông làm cho tôi lo sợ lắm đó ...
Ông Hà Phát cắn răng, bóp chặt hai bàn tay thu hết can đảm nói trong khi những giọt mồ hôi đã xuất hiện trên trán.
- Tôi không phải là người đưa tin!
Bà Khả Nhu giật nảy người lên, nắm chặt bàn tay Tâm Đan lay mạnh hỏi lại:
- Ông ấy nói gì?
Tâm Đan nhìn ông Hà Phát không chớp mắt rồi quay sang bà Khả Nhu khẽ nói:
- Ổng bảo không phải là người đưa tin của chị Vũ Dung.
Bà Khả Nhu quay phắt lại, gương mặt lộ rõ sắc giận. Bà hỏi xẳng:
- Không phải đưa tin vậy tìm tôi làm gì? Ông ... ông là ai? Cần gì? Có thể tránh được đôi mắt mù lòa của Khả Nhu nhưng không tránh được đôi mắt mở to của thẳng thắn của Tâm Đan, ông Hà Phát bối rối thật sự. Sau vài giây lưỡng lự, ông gào lên như kẻ phạm tội đang tự thú trước quan tòa:
- Tôi là ... Tôi là cha của Thế Vỹ, tôi từ Sài Gòn ra đây.
- Hà Phát? Ông là Hà Phát à?
Bà Khả Nhu đột ngột kêu lên thật to rồi run rẩy hét to:
- Tâm Đan! Gậy đâu, gậy của ta đâu. Đưa ta vào trong rồi tiễn khách đi ngay tức khắc, không có gì để bàn cũng không có gì để nói nữa.
Ông Hà Phát ôm đầu câm lặng. Tâm Đan khó hiểu nhìn hai người. Đây là lần đầu tiên nàng thấy dì Khả Nhu giận dỗi. Nhưng còn ông khách kia, sao ổng khổ sở quá vậy? Là cha của Thế Vỹ mà ...sao dì lại đối xử như thâm thù? tội nghiệp ông Hà Phát, Tâm Đan kêu lên:
- Dì ơi! Ông ấy, ông ấy có xúc phạm gì đâu. Dì đã làm cho ông ta khổ sở rồi kìa.
Bà Khả Nhu sựng lại phá lên cười rồi quát Tâm Đan:
- Câm miệng, tiễn khách cho mau. Một con thú rừng không bao giờ có điều khổ sở.
Lời nói nặng của bà Khả Nhu làm cho Tâm Đan kinh động, làm cho ông Hà Phát sững người bật dậy như chạm phải lửa. Ông bước đến vài bước cất tiếng nhỏ nhẹ:
- Khả Nhu! Hãy để cho tôi nói vài lời đã, rồi tôi rời khỏi nơi đây cũng không muộn mà.
Bà Khả Nhu, giận dữ thét lên:
- Hãy cút mau ra khỏi nơi này! Ông nghĩ rằng ông còn mặt mũi để nói chuyện với tôi sao? Tâm Đan, tiễn khách nghe rõ chưa?
Tâm Đan quýnh quáng:
- Dạ, con nghe ... nghe rồi! Ông à xin mời ông ... Dì của cháu không tiếp ông mà, xin ông ra cho.
Không đếm xỉa gì đến lời nói của Tâm Đan, ông Hà Phát bước đến chắn ngang mặt bà Khả Nhu không cho bà bước tiếp.
- Khả Nhu, xin hãy dừng lại. Dù bà có giận dữ như thế nào, tôi cũng sẽ lì nơi đây khi sự việc chưa được giải bày phân rõ.
Nghe tiếng của Hà Phát ở trước mặt bà Khả Nhu lùi lại tránh xa:
- Dang tôi ra! Các người, thật là quá lắm rồi. Dám vào rồi còn dám ở lì nữa.
Được! Hay lắm! Hà Phát, tôi để xem ông còn thủ đoạn gì nữa. Ông nên nhớ rằng, Khả Nhu bây giờ khác hẳn với Khả Nhu của mấy mươi năm về trước nhiều lắm.
Ông Hà Phát não nùng ngồi trở xuống ghế. Tận trong ký ức, một đoạn phim của quá khứ bỗng hiện về lướt qua mắt ông. "Chiếc xe du lich đang lao tới, còn Khả Nhu thì cố sức chạy ở phía sau, miệng la hét không ngừng." Cảnh tượng đó làm cho ông nhăn nhúm mặt lại. Quá khứ son trẻ của ông thật quá nhiều lầm lỗi. Những gì ông đã gieo cho Khả Nhu so với những lời mắng chửi nặng nề bây giờ cũng còn nhẹ hơn quá nhiều.
Cố gắng nhẫn nại để hòa giải, ông Hà Phát nhướng mắt nhìn bà Khả Nhu:
- Tôi biết bà rất hận tôi.
- Hận à?
Bà Khả Nhu lại bật cười lên man dai:
- Đừng có nói chữ hận với tôi. Tôi không chỉ hận mà còn hơn nữa . Không ngờ, mấy mươi năm qua một gã thanh niên lưu manh, đểu giả lại có thể trở thành một vị giám đốc của một công ty. Có được như vậy, chắc nhờ không nhỏ vào cái vỏ bọc bên ngoài và một sự bip bợm trắng trợn thật đáng khinh rẻ!
Tâm Đan càng lúc càng sửng sốt. Tại sao dì của nàng lại không tiếc lời mắng chửi ông Hà Phát như vậy? Hai người hẳn đã biết nhau từ lâu và dường như cả hận thù?
Bà Khả Nhu liên tiếp giáng những đòn chí tử vào ông Hà Phát, nhưng ông một mực lặng thinh không nói. Khi xưa ông như thế nào? Đã gây ra tội lỗi gì, Tâm Đan không cần biết . Nàng chỉ biết rằng sự thật tội nghiệp cho ông trong lúc này ông có vẻ ân hận lắm.
Sự thù hận của bà Khả Nhu chất chứa bấy lâu nay tuôn ra không ngừng, rồi cũng đến lúc dừng lại. Hơi thở của bà vẫn còn gấp gáp vì giận, nhưng lời nói đã dịu đi:
- Nói nhiều với một con người như ông chẳng có ích lợi gì. Thật ra ông đến đây với lý do gì. Nói thẳng ra đi!
Chỉ chờ có thế, ông Hà Phát phấn chấn hẳn lên, ông dịu ngọt:
- Khả Nhu à, bà trút bao nhieu cơn giận tôi cũng nghe cả vì tôi đáng tội lắm. Chúng ta bây giờ tóc đã bạc hết rồi. Chuyện ân oán do tôi gây ra xin hãy để cho mỗi mình tôi gánh lấy... Tôi tha thiết xin bà một điều thội. Bây giờ thì tôi đã hiểu nguyên nhân do vì sao rồi. Có phải bà phát hiện ra cha của thằng Vỹ nên cấm cản Vũ Dung và tách rời tình yêu của chúng nó? Bà nghĩ như vậy là hẹp hòi lắm đó Khả Nhu. Chuyện của chúng ta đâu có ảnh hưởng gì đến lũ nhỏ ... ngoại trừ ...Vũ Dung và Thế Vỹ ... là chị em với nhau.
- Câm ngay! Ăn nói hồ đồ! Tôi lặp lại một lần cho ông rõ. Vũ Dung là con của chồng tôi, là con của một người đàn ông tốt nhất trên thế gian này. Tôi ngăn cản Vũ Dung là có hai vấn đề. Một là ông không xứng đáng làm cha chồng của nó. Hai là, đứa con trai của ông mang đậm dòng máu của ông chắc hẳn nó cũng xấu xa như vậy. Biết đâu, ngoài cái vỏ bọc bên trong của nó ai dám bảo đảm rằng nó không phải là một kẻ lưu manh, môt tên đểu cáng. Con gái của tôi, Vũ Dung của tôi là một đứa con gái xinh đẹp, lại tốt nữa. Tôi là mẹ, tôi không để yên cho con tôi lọt vào vòng tay của những con người xấu xa mà đôi đây đã biết quá rõ. Xin lỗi ông miễn bàn với tôi chuyện đó đi. Con gái tôi có đau khổ nhưng rồi nó sẽ quên. Là một bác sĩ với tương lai trước mắt nó không lo gì mà không kiếm được một người chồng tốt. Vả lại, ông không đủ tư cách để làm sui gia với tôi. Bấy nhiêu đủ để ông ra về chưa vậy?
Ông Hà Phát bật hẳn người lên. Ông lấy khăn trong túi ra chậm mồ hôi lấm tấm trên trán và hai bên thái dương. Ông bị nhục mạ thì không sao cả, nhưng động đến Thế Vỹ thì ông không muốn chút nào.
Bước ra một khoảng ông đứng im lìm, cứ thở dài liên tục. Đôi mắt ông vẩn đục như có mây mù, gương mặt ông thoáng xanh xao như người bệnh hoạn.
Cho chiếc khăn trở vào túi, ông có vẻ cương quyết mở lời:
- Khả Nhu, bà có thể nói sao về tôi cũng được. Nhưng đừng bao giờ nghĩ sai theo kiểu "quơ đũa cả nắm" đối với Hà Thế Vỹ như vậy. Tôi nhìn nhận tôi lầm lỗi, tôi xấu xa nhưng Thế Vỹ thì không! Nó là một chàng trai tốt, nó biết yêu thương Vũ Dung hết mực. Nó đau khổ biết bao khi không tìm được Vũ Dung. Nó đã làm cho người cha đau lòng đến phải xen vào với hy vọng là sẽ giải quyết vấn đề Vũ Dung và mang Vũ Dung về cho nó. Từ lúc bàn bạc cho đến lúc đi, tôi rất tự tin. Nhưng bây giờ thì, tôi không những tuyệt vọng mà còn quá nhục nhã nữa. Khả Nhu ơi! Bà hãy nghĩ xem. Nếu bị chia cắt vĩnh viễn, nếu tình yêu bị bóp chết một cách oan uổng như thế thì hai đứa nó sẽ đau khổ ra sao? Và không chừng sẽ đến lúc nó nghĩ quẩn nữa đó.
Bà Khả Nhu cười nhạt nhẽo, xẵng giọng:
- Ông còn dám nghĩ rằng con tôi sẽ bỏ nhà ra đi với Thế Vỹ à? Không bao giờ đâu! Khi xưa, tôi là một cô gái ngu ngốc, suy nghĩ không chín chắn mới làm như vậy. Còn Vũ Dung bây giờ nó khôn ngoan lắm. Không có ý nghĩ ngu muội đó đâu. Ông hãy về lo cho con của mình đi. Đừng bao giờ nghĩ sẽ có lần thứ hai trở lại để bàn bạc với tôi. Tôi đã hết lời, không còn gì để nói nữa.
Bà Khả Nhu chống mạnh cây gậy rời khỏi ghế. Bà im lìm bước đi, được vài bước bà quay lại nói với Tâm Đan:
- Dì vào một mình được rồi con tiễn khách đi ngay.
- Dạ! Cẩn thận nghe dì.
Ông Hà Phát nhìn theo bà Khả Nhu rồi nhắm nghiền mắt, thở dài liên tục. Không ngờ, thật không ngờ có cuộc chạm trán oái ăm này. Mối hận ngày xưa không phai đi trong lòng của Khả Nhu. "Thế là xong, Thế Vỹ, cha không làm được gì cho con. Cha hoàn toàn tuyệt vọng. Hoàn toàn chịu thua rồi"
Mở bừng mắt ra, ông Hà Phát nhìn thấy Tâm Đan đang nhìn ông trân trối. Mỉm cười gượng gạo, ông nói:
- Có lẽ tôi phải ra về. Cảm ơn cháu đã có lúc cảm thông, thương hại cho bác. Tạm biệt nhé.
Tâm Đan bước theo ông Hà Phát ra ngoài. Nhìn vẻ khắc khổ đau buồn của ông, cô bé không dằn được thương cảm. Thấy cần nói một câu gì đó để xoa dịu ông Hà Phát, Tâm Đan mở lời:
- Cháu rất tiếc rằng không biết được địa chỉ của chị Vũ Dung. Nếu biết cháu sẽ nói cho bác nghe ngay. Hãy nói cho anh Thế Vỹ biết chị Vũ Dung phải ra đi chỉ vì chuyện của người lớn và cũng khổ sở không kém gì anh ấy đâu.
Ông Hà Phát buồn rầu gật đầu:
- Được! Ta sẽ nói. Chào cháu!
- Chào bác! Chúc bình an.
Cánh cổng mở rộng. Chiếc xe của ông Hà Phát nổ máy êm ru rồi trở đầu lao đi. Lớp bụi cát mỏng sau xe ông dấy lên mịt mù. Tâm Đan cứ đứng trông theo mãi lòng cô gái chợt buồn.