Lương Vĩnh Kim
Ai bắt trộm gà?
Tác giả: Lương Vĩnh Kim
Có một vị quan thông minh, nổi tiếng có tài xét xử. Nhân một chuyến công du qua làng nọ, thấy có người mất một con gà đang chửi rủa ầm ĩ với những lời thậm tệ, ông sai trói người ấy vào trong quán, gọi tất cả người trong làng đến, giả vờ mắng rằng:
- Mầy mất một con gà đáng giá là bao mà chửi cả tổ tiên người ta, lại làm cho xóm làng bất ổn.
Rồi ông truyền cho mọi người vả vào miệng người mất gà. Tuy phải làm theo lệnh quan nhưng không ai nỡ vả mạnh vì thương người đàn bà vừa mất gà, vừa bị tội. Chỉ có kẻ lấy cắp gà là ức vì bị chửi độc nên giang tay tát không thương tiếc. Quan sai bắt hắn, khám nhà hắn tìm được cả lông gà mà hắn vừa thịt rồi đem chôn. Hắn đành cúi đầu nhận tội.
Tương truyền, ông quan này xử rất nặng những kẻ phạm tội ăn cắp vặt như bẻ bí, bắt gà và những kẻ ăn cắp tài sản có giá trị càng lớn thì ông xử càng nhẹ. Trong một lần thăng đường để xét xử cùng một lúc hai vụ kẻ ăn trộm gà và kẻ ăn trộm trâu. Kẻ ăn trộm gà bị xử phạt một trăm trượng còn kẻ ăn trộm trâu chỉ bị phạt bốn mươi trượng. Khi có người thắc mắc thì ông giải thích rằng:
- Gà là vật nhỏ, dễ nuôi, ai cũng có thể nuôi gà để ăn thịt. Kẻ ăn cắp gà là kẻ lười biếng, tham ăn nên cần phạt nặng cho chừa. Còn con trâu là tài sản lớn, dùng để cày cấy, người nghèo không thể có. Do vậy ăn trộm trâu là điều có thể thông cảm được vì nghèo khó, cần có trâu để cày cấy làm ăn.
Từ đó, trong vùng ông cai nhậm không còn tình trạng ăn cắp vặt, các vụ ăn cắp lớn cũng dần dần mất đi, vì các vụ ăn cắp lớn rất dễ bị nhân dân phát giác. Hơn nữa, kẻ ăn cắp lớn thường bắt đầu từ ăn cắp nhỏ mà sinh ra.
Lời bàn:
Ngày trước, có một số vùng có quy định: ăn cắp tài sản có giá trị càng lớn thì tội càng nhẹ (ví dụ như con trâu là đầu cơ nghiệp chỉ bị phạt 20 roi); ăn cắp tài sản có giá trị nhỏ thì tội càng nặng (ăn cắp gà bị phạt 50 trượng). Quy định như vậy là nhằm bảo vệ tài sản cho bọn địa chủ (mang tính giai cấp), bởi vì bọn địa chủ có rất nhiều tài sản nhỏ để vung vãi khắp nơi, hay bị mất vặt. Còn những tài sản lớn như trâu, bò thì đã có người chăn dắt, khó mất. Nếu tài sản lớn có bị ăn cắp thì cũng dễ phát hiện dễ tìm lại, do vậy không cần bảo vệ. Các quan thường cho yết thị: “Cấm quần tam, tụ ngũ, sát cẩu hại kê” là để bảo vệ chó gà. Hễ có ba người ngồi lại là bàn cách kiếm cái nhâm nhi. Vì không có quán nhậu như ngày nay nên bàn nhau bắt trộm gà. Hễ có dăm người tụ lại là bàn cách bắt trộm chó vì ăn gà không đủ. Chính vì có hiện tượng đó nên các qnan ngày trước xử rất nặng bọn ăn trộm vặt để bảo vệ tài sản cho bọn địa chủ trước những kẻ bần cố thiếu ăn, chứ không vì mục đích như lý luận của vị quan trên.