Lương Vĩnh Kim
Giải quyết công bằng
Tác giả: Lương Vĩnh Kim
Trên đường tới tỉnh lỵ, có hai người nông dân ngồi nghỉ bên vệ đường và giở đồ ăn lót dạ. Một người có năm cái bảnh bao, còn người kia có ba cái. Họ vừa mới ngồi xuống thì nhìn thấy một khách bộ hành đi về phía họ.
- Chào hai bác! Chúc hai bác đạt dược mọi sự tốt lành trên lộ trình bình yên.
- Cảm ơn ông bạn với những lời chúc mừng quí báu! Mời ông bạn nghỉ chân và cùng ăn lót dạ với chúng tôi, - hai nông dân đáp lễ và mời người khách.
Khách không hề từ chối, vui vẻ dừng chân, ngồi xuống cạnh họ và ăn bánh.
Khi ba người đã ăn hết cả tám cái bánh, khách đứng dậy cám ơn và móc túi lấy 8 đồng bạc trả tiền bánh rồi đi ngược chiều với hai người nông dân.
Hai người nông dân mang tiền ra chia và cãi nhau ầm ĩ. Anh chàng có 5 chiếc bánh định lấy 5 đồng, mỗi đồng một chiếc bánh.
- Không được! -Anh bạn kia nói. - Chúng ta phải chia đôi số tiền ấy.
- Sao lại chia đôi? Tớ có 5 chiếc, mà đằng ấy chỉ có 3 thôi.
- Mặc kệ. Hắn đã ăn bánh của cả hai đứa, vì vậy phải chia đôi.
Hai người cãi nhau hồi lâu, không ai chịu ai cả. Cuối cùng họ dắt nhau đến nhờ quan phân xử.
Quan lắng nghe hai người trình bày. Ngài ngẫm nghĩ một lát, rồi bảo anh chàng có ba chiếc bánh.
- Anh được ba đồng thế là may lắm rồi cớ sao không lấy?
- Bẩm quan, ba đồng ít quá. Tôi đòi một nửa là đúng lý, vì anh kia ăn bánh của hai chúng tôi kia mà.- Người nông dân nọ trả lời.
- Nếu chia đúng thì anh chỉ được một đồng thôi, - quan án nói.- Còn bảy đồng là của người có năm chiếc bánh.
- Sao lại như thế được? Ba đồng với tôi hãy còn ít, giờ quan định chỉ cho tôi một đồng thôi ư? Thật không công bằng chút nào.
- Để yên ta nói cho mà nghe, - quan nói. - Các anh có ba người mà ăn 8 cái bánh, nếu cắt mỗi cái bánh ra làm ba miếng đều nhau thì các anh ăn cả thảy là 24 miếng. Như vậy, mỗi người trong bọn anh ăn hết 8 miếng. Anh có ba cái bánh tức là anh có 9 miếng, anh ăn hết 8 miếng, còn một miếng thì dể cho khách. Anh kia có 5 chiếc bánh, tức là 15 miếng. Anh ta cũng ăn 8 miếng, còn bảy miếng thì để phần khách. Người khách cũng ăn tám miếng, một miếng của anh và bảy miếng của bạn anh. Như vậy, anh cho người khách một miếng thì được trả một đồng, còn anh bạn anh cho khách bảy miếng thì dược trả bảy đồng. Thế là công bằng lắm rồi, còn kêu ca gì nữa!