Quan xử kiện tài giỏi
Tác giả: Lương Vĩnh Kim
Đời nhà Nguyễn có một viên quan có tài xử đoán tên là Nguyễn Khoa Đăng. Ông là viên quan tốt, luôn luôn lo lắng đến việc giữ gìn cuộc sống yên vui cho dân lành. Ông đã đến trị nhậm ở hạt nào thì dân ở đấy mến phục, quí trọng như thần thánh. Tất cả các vụ kiện khi đã đến tay, dù khó đến đâu ông cũng tìm cách lần ra đầu mối và lần nào cũng giải quyết trọn vẹn. Dân miền Trung còn kể rất nhiều về tài xử kiện của ông.
Có lần, ông Nguyễn Khoa Đăng đến nhậm chức ở một huyện. Một hôm, có người dân đến cáo với ông rằng, không biết có kẻ nào oán thù mà đêm đến lẻn ra đồng phá nát cả một ruộng dưa. Bao nhiêu công lao chăm bón vun trồng, sắp đến ngày ăn quả, chỉ trong một đêm bị phá sạch sành sanh. Đau xót vì tiếc của, tiếc công, người dân đã đến kêu khóc với ông, xin được ông minh xét.
Ông Đăng theo ngay người ấy về ruộng dưa để thị sát. Tất cả các dấu vết còn lại chỉ nói lên được một điều là kẻ gian đã dùng thuổng xén đứt các ngọn dưa và dùng cán giằm nát hầu hết các gốc dưa. Kẻ gian rất khôn ngoan, bao nhiêu dấu chân, hấn đều cố ý xóa sạch. Ông hỏi người trồng dưa:
- Anh có ngờ ai thù oán mình không?
- Bẩm quan, con cũng có vài người trong làng mắc mớ nhau đôi chuyện lặt vặt, nhưng con không dám nghi ngờ cho ai cả.
Ông bắt người ấy kể tên mấy người ở xóm có chuyện đôi co và lập tức sai chức dịch đi thu hồi tất cả các thuổng trong xóm lại. Thuổng của nhà ai thì ghi tên, đánh dấu của nhà ấy vào cán. Đoạn ông đích thân khám kỹ từng chiếc cán thuổng một, nhặt riêng mấy cái khả nghi ra một nơi. Ông sai người lè lưỡi liếm trên mấy cái cán thuổng đó thì phát hiện ra một cái có vị nhân nhẫn đắng. Lấy một gốc dưa đập dập, vắt nước ra nếm thử thì chất đắng ấy của dưa cùng với chất đắng trên cán thuổng là một. Đến khi nhìn tên ghi trên cán thì đúng là tên của một người mà nguyên cáo khai là có xích mích với mình.
Người chủ thuổng được đòi đến. Trước tang chứng và lý lẽ đanh thép của quan, tên này không còn chối cãi vào dâu được, dành cúi đầu nhận tội. Ông bắt hắn phải đền hoa lợi ruộng dưa cho người kia, lại phạt lên gấp đôi để trừng trị thói ngầm hại người khác.
*
Lần khác, có một anh hàng dầu đặt gánh bán trong chợ. Trong lúc anh ta luôn tay đong dầu cho khách hàng thì có kẻ đã thừa dịp thò tay vào bị lấy trộm gần hết tiền. Mãi tới khi anh hàng dầu phát hiện ra bị nhẹ tênh thì tên ăn cắp đã biến đi đàng nào mất rồi. Anh ta nhớ tới một người mù hồi nãy quanh quẩn bên gánh của mình mà mấy lần anh ta đuổi cũng không chịu đi. Anh ngờ ngợ đoán đó là kẻ cắp bèn gởi lại gánh hàng cho người quen, rồi vội vàng đi tìm người mù lúc nãy. Bắt gặp người mù đang tha thẩn ở một góc chợ, anh túm lấy khăng khăng buộc tội ăn cắp cho y. Nhưng người mù cố hết sức cãi rằng mình tật nguyền đui mù thì có biết tiền ở dâu mà lấy. Anh hàng dầu không chịu nên hai bên xô xát đến nỗi tuần chợ bắt cả hai giải lên quan.
Trước công đường, ông Đăng bắt cả hai khai rõ sự tình. Người mù vẫn khăng khăng chối không nhận và đòi ông phải trị tội vu vạ người ngay của anh hàng dầu.
Ông Đăng hỏi người mù:
- Anh có tiền giắt trong người không?
Người mù đáp:
- Bẩm có. Nhưng đây là tiền của con mang theo.
- Anh cứ đưa ra đây, của ai rồi sẽ biết.
Người mù phải móc tiền trình lên quan. Ông Đăng sai lính mang ra một chậu nước rồi bỏ tất cả số tiền vào chậu thì thấy trên mặt nước có váng dầu nổi lên. Tất cả mọi người đều chứng kiến chuyện này, thành thử người mù kia không đường chối cãi, đành phải chịu nhận tội đã ăn cắp.
Tưởng mọi chuyện đã rõ ràng, nhưng quan còn nói thêm:
- Khoan đã, chưa hết đâu. Tội ăn cắp chỉ là một. Còn tội lừa đảo nữa. Nếu mi mù tịt thì làm sao mà biết được tiền của người hàng dầu bỏ trong bị, cất trong thùng mà lấy được? Đúng là mày giả mù. Lính đâu! Bắt nó nọc ra đánh cho rõ đau, kỳ cho bao giờ nó mở mắt ra mới thôi.
Chỉ mới nghe tiếng dạ ran của lính lệ và tiếng roi vút đen đét, người mù ấy đã vội mở to mắt, sụp lạy giữa công đường. Hắn phải thú tội ngay đúng như lời quan truyền bảo.
*
Một hôm khác, có một người buôn giấy đến trình với quan rằng, vừa rồi anh ta có nghỉ trọ ở làng Hồ Xá một đêm và bị trộm lấy mất cả gánh giấy. Ông Đăng hỏi rõ nguồn cơn, sai người đi do thám liền trong mấy ngày mà không có kết quả, ông bèn thân hành đến tận nơi nghĩ cách tra xét. Đến Hồ Xá, ông lệnh triệu tập dân chúng sở tại và mấy làng quanh đó lại truyền:
- Trên tỉnh vừa sức về bắt các xã thôn mỗi một người không kể nam phụ lão ấu phải làm ngay tờ khai tên tuổi, quê quán cho minh bạch. Hạn trong năm ngày, chức dịch làng nào thu lại tờ khai của làng ấy đem lên huyện nộp.
Lệnh vừa ban ra làm cho mọi người dua nhau đi mua giấy. Giá giấy ở chợ cứ thế lên vùn vụt.
Lúc bấy giờ tên trộm lấy được gánh giấy nhưng chưa có nơi tiêu thụ nên còn giấu trong nhà. Hắn nghe tin giá giấy lên cao, mừng rơn nên vội vàng đem một số ra chợ bán. Hắn không ngờ ông Đăng cho người chờ sẵn hắn từ lâu. Thế là trộm ta bại lộ. Ông Đăng xử phạt nó vừa phải đền tiền gánh giấy cho người lái buôn, vừa phải đền tiền cho dân các làng vì đã mất tiền kê khai tên tuổi.
*
Khi Nguyễn Khoa Đăng làm tri huyện ở một huyện nọ, có người đến cáo với ông là mình có một con trâu bị ai đó lén chặt đứt mất đuôi. Ông hỏi:
- Anh có nghi cho ai không?
- Bẩm quan lớn, con cũng có ngờ cho một người hàng xóm vì trước đây hai nhà có chuyện tị hiềm.
Nguyễn Khoa Đăng nghĩ ngợi một lát rồi nói nhỏ vào tai người ấy:
- Ta cho phép anh về cứ lẳng lặng mổ thịt trâu mà ăn, đừng trình làng mà cũng đừng nói là quan bảo.
Phép nước bây giờ rất nghiêm, ai tự tiện giết trâu bò, thậm chí hàng xóm biết người giết trâu bò mà không cáo giác cũng đều bị phạt nặng vì trâu bò được xem là công cụ chính để sản xuất.
Tên chặt trộm đuôi trâu thấy lại có cớ để hãm hại tiếp người mà hắn thù hằn nên vội vàng lên báo quan. Quan sai giam hắn lại để tra hỏi. Trước những khí cụ nhục hình và các lời buộc tội đanh thép, sắc sảo của quan, hắn đành phải cúi đầu nhận tội.
*
Nguyễn Khoa Đăng lại được đổi đi trấn nhậm một hạt miền núi. Vùng này nổi tiếng là nơi có nhiều trộm cướp nhà nghề. Triều đình và các quan trước ông phải bó tay vì không tài nào trị nổi. Nhà vua hy vọng đức độ và tài năng của Nguyễn Khoa đăng có thể phủ dụ được vùng này.
Nguyễn Khoa Đăng sai một số người thân tín di dò la hành tung từng tên cướp một, ghi chép đầy đủ chứng cứ tội trạng từ trước đến giờ. Hồ sơ thu thập đầy đủ nhưng ông vẫn giả như chưa hề biết gì. Trong thời gian đó, bọn cướp vẫn ngang nhiên hoành hành khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ khả năng trị dân của ông. Song ông vẫn mặc kệ.
Một hôm di hành qua làng nọ, Nguyễn Khoa Đăng thấy bên vệ đường có một hòn đá lớn, chân hương cắm chi chít xung quanh. Ông hỏi dân địa phương, họ đáp:
- Đây là ông Mốc, ngài thiêng lắm. Ai cầu khẩn điều gì cũng đều được linh ứng.
Ông nghe vậy chợt nghĩ một mẹo, liền họa theo:
- Phải thế thì ta tới cầu ngài giúp ta trừ yên trộm cướp để bớt hại cho dân chúng mới được.
Nói rồi ông bước tới hòn đá, một mình khấn khứa hồi lâu. Trở ra ông nói với mọi người:
- Ngài nói vài ngày nữa rước ngài về, ngài sẽ vạch mặt tất cả bọn gian phi trong toàn huyện.
Trở về, ông sai người bí mật đào hầm ở giữa sân công đường, cho người thân tín xuống nấp ở dưới đó. Sáng hôm sau, ông cho lính mang vàng hương đi rước hòn đá về đặt trên mặt hầm. Trước tất cả công chúng, Nguyễn Khoa Đăng dõng dạc hỏi đá:
- Ta nghe đồn thần đá rất linh thiêng, “hữu cầu tất ứng”. Nay ta vâng mệnh hoàng đế đến đây trấn nhậm, nhưng thấy trong huyện có nhiều trộm cướp nhiễu hại dân cư. Vậy ta thỉnh thần về đây để mách hộ ta truy tầm kẻ phạm pháp. Nếu có công, ta sẽ tâu xin triều đình phong tặng.
Đá lặng im, không trả lời. Hỏi mãi, đá vẫn một mực làm thinh. Nguyễn Khoa Đăng giả bộ quát lớn.
- Hay là đá đồng lõa với bọn phạm pháp? Lính đâu, hãy tra tấn cho nó khai ra mới thôi.
Lệnh truyền ra; hàng chục lính lệ dùng roi hè nhau quất túi bụi vào hòn đá. Dăm bảy chiếc roi đã bị gãy giập, đá vần chưa chịu mở miệng. Chỉ thấy bọn lính quát tháo, hò hét vang cả công đường. Bấy giờ mọi người nghe tin quan khảo đá nên tò mò kéo đến xem đông như đi hội. Họ căng thẳng và nghi ngờ chờ đợi. Mãi một hồi lâu, tự dưng đá bật ra tiếng kêu khóc, xin dừng tay lại để khai. Thế rồi, đá lần lượt khai và vạch tội từng tên cướp một. Mỗi lần đá khai ra tên nào, quan sai lại mục viết ngay trát, giao cho lính đã chực sẵn đi bắt ngay lập tức. Suốt ngày hôm đó bắt được ba mươi tên cướp kỳ cựu. Khi cả bọn bị giải một lô về đến dinh, chúng hết sức kinh ngạc vì không ngờ sự việc xảy ra như thế. Chúng đều tin rằng, chỉ có thần đá linh thiêng mới biết rành rọt các tội trạng của mình, nên không chờ đợi tra khảo, đã cúi đầu nhận tội.
Vậy là cả một vùng trộm cướp đã được yên. Dân chúng trong vùng ai cũng phục tài quan huyện.
Lời bàn:
Cái thói hại ngầm người khác bằng cách phá hoại hoa màu thường xảy ra ở nông thôn. Vụ việc rất khó tìm ra thủ phạm vì thiếu bằng chứng hoặc vì sự quan liêu, coi thường lợi ích chính đáng của dân mà không tiến hành điều tra đến nơi đến chốn của các bản chức có thẩm quyền. Khen thay vị quan tài giỏi Nguyễn Khoa Đăng biết yêu dân, lo lắng cho dân, đến tận ruộng dưa để tìm hiểu vụ việc và có phương pháp điều tra thông minh, phát hiện thủ phạm kịp thời chính xác. Trong điều kiện xã hội hiện nay, thì cách điều tra và kết luận của Nguyễn Khoa Đăng cũng được coi là hết sức khoa học và chính xác, cần học tập. Vị đắng trên cán thuổng trùng hợp với vị đắng của dưa là chứng cứ pháp lý gián tiếp buộc tội người chủ cái thuổng ấy. Duy có điều khác là ngày nay không cần phải cho người lè lưỡi liếm thử vị đắng của dưa trên cái thuổng mà có thể cho làm xét nghiệm.
Cách truy tìm chứng cứ như Nguyễn Khoa Đăng là hết sức tài tình. Trong điều kiện khoa học điều tra lúc ấy mà làm rõ các vụ án như vậy thì quả là tài giỏi. Nhưng cái đáng quý thất của quan là tấm lòng vì nước vì dân. Chỉ có tấm lòng yêu nước thương dân vô bờ mới có thể suy nghĩ và sáng tạo ra cách giải quyết vấn đề như vậy. Nếu cứ “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” thì dù sự việc rõ ràng quan cũng tìm không ra chứng cứ - vụ án không thể phá.
Tất cả các phương pháp mà Nguyễn Khoa Đăng dùng để điều tra, rất đáng để chúng ta học tập. Bởi lẽ tính khoa học của các phương pháp ấy vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn cho đến ngày nay.