Lương Vĩnh Kim
Người ban hành pháp luật không thi hành pháp luật do chính mình ban ra
Tác giả: Lương Vĩnh Kim
Tháng 5 năm Đại Khánh thứ hai (1315), vua Trần Minh Tông (1314-1339) ban hành một đạo luật cấm cha, con, vợ, chồng cáo giác lẫn nhau và cấm đầy tớ cáo giác chủ. Thế nhưng chính nhà vua lại không láp dụng diều luật này và đã gây nên vụ án chính trị oan ức cực điểm, giết hại một công thần là Trần Quốc Chân.
Trần Quốc Chân vốn là con Trần Nhân Tông - nghĩa là chú của vua Trần Minh Tông. Hơn nữa, Trần Minh Tông lại lấy con của Trần Quốc Chân làm hoàng hậu (triều Trần thường xảy ra việc lấy nhau giữa những người bà con anh em trong dòng họ để giữ ngôi vua). Ngoài ra, Trần Quốc Chân có công đi đánh Chiêm Thành thắng trận nhiều lần nên được phong làm Phục Quốc Thượng Tể.
Vua đã già, Hoàng hậu không có con nên năm Khai Thái thứ 5 (1328), triều đình chia làm hai bè đảng, một đảng do Trần Quốc Chân đứng đầu, muốn giữ địa vị cho con gái mình, chủ trương nên đợi hoàng hậu sinh thái tử; đảng phái đối lập có Văn Hiến hầu Trần Khắc Chung (là ông chú của vua Trần Minh Tông) đề nghị lập ngay con của thứ phi là hoàng tử Vượng làm Thái tử. Để được đắc thắng, Trần Khắc Chung cho một tên đầy tớ của Quốc Chân là Trần Nhạc 100 lạng vàng, xui nó vu cáo Quốc Chân làm phản. Minh Tông bắt Quốc Chân giam ở chùa Tư Phúc, sau Minh Tông lại nghe lời dèm của Trần Khắc Chung lấy lẽ rằng bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó, cấm không được tiếp tế đồ ăn cho Quốc Chân. Hoàng hậu thương cha, phải lấy áo nhúng nước mặc vào người, tới thăm cha vắt cho cha uống! Uống xong nước Quốc Chân chết. Mãi về sau, vì có người vợ lẽ của Trần Nhạc, ghen nhau với vợ cả đi tố giác ra sự vu cáo của Trần Nhạc, mới minh oan cho Quốc Chân. Trần Nhạc bị lăng trì; Trần Khắc Chung được tha tội chết nhưng phải truất xuống làm thứ dân và của cải bị sung công.
Lời bàn:
Câu chuyện lịch sử có thật trên cho ta thấy chính người ban hành luật đã dày xéo lên đạo luật do chính mình ban ra. Vua Trần Minh Tông không những giày xéo một lần, mà là hai lần:
- Một lần căn cứ vào sự cáo giác của đầy tớ đối với chủ để giết chết Trần Quốc Chân;
- Một lần căn cứ vào sự cáo giác của vợ đối với chồng để xử tội Trần Nhạc và Văn Hiến hầu Trần Khắc Chung.