Chương 10
Tác giả: Machiavel
Muốn khảo sát và phê bình giá trị các Vương quốc, ta cần phải đề cập tới điểm nữa: Chúa công cai trị một lãnh thổ rộng lớn có đủ lực lượng tự vệ không? Hay phải cần sự bảo trợ của người khác? Nghĩa là tôi muốn nói :
- Một là, các vị Chúa có đủ lực lượng để tự lập, có đủ người, có đủ tiền để tạo dựng và huấn luyện một đạo quân hùng mạnh đủ sức ứng chiến với bất cứ quân địch từ đâu đến tấn công.
- Hai là, những vị Chúa công chỉ có một quân lực yếu hèn, luôn luôn phải dựa vào sức mạnh của kẻ khác, chứ riêng mình không bao giờ dám mang quân xuất trận chống lại cuộc tấn công của kẻ thù, như thế chỉ có cách rút quân vào trong bốn bức tường thành, bố trí canh phòng hào lũy để cố thủ.
Về trường hợp thứ nhất, tôi trình bày qua trên đây, đến dịp khác tương tự, tôi sẽ bàn trở lại.
Đối với trường hợp thứ hai, tôi chỉ khuyên những vị Chúa đương sự thường nhật phải tích trữ lương thực xây đắp các thành lũy vững chắc, còn phía bên ngoài lãnh thổ khỏi cần lưu tâm nhiều về quân sự. Nhưng về cách đối xử với nhân dân, Chúa phải nghe theo những lời khuyến cáo ở chương trên, và dưới đây tôi sẽ nói thêm. Được như vậy kẻ nào muốn gây hấn với Chúa còn phải nghĩ ngợi nhiều, vì kẻ ấy không bỗng dưng dám hành động khi thấy trước mặt đầy những khó khăn. Vả chăng, người ngoài không thể tìm được dịp để gây sự với vị Chúa công ngoài thì được lòng dân chúng, trong thì đầy đủ thành trì kiên cố.
Lấy tỷ dụ các đô thị lớn bên Đức quốc, hưởng một nền tự trị tự do, với một vùng ngoại ô nhỏ hẹp. Họ chỉ tuân theo mệnh lệnh của Hoàng đế Đức quốc tùy theo ý muốn của họ, và họ cũng không e sợ những lân bang hùng mạnh. Các Đô thị ấy đều đã có thành lũy kiên cố; vòng quanh có hào sâu lũy cao, có đội trọng pháo hùng hậu, kho tàng lương thực, nhiên liệu đầy đủ cho nhu cầu trong một năm. Mọi người đều cảm thấy muốn chiếm được chúng quả thực gay go lâu dài. Ngoài ra, chính quyền Đô thị luôn luôn có kế hoạch nuôi dưỡng khối dân nghèo cư trú ngoại thành mà không gây tổn hại cho công quỹ, bằng cách thi hành các đại công tác xây dựng nền tiểu kỹ nghệ cho dân chúng có công ăn việc làm sinh sống hàng năm. Họ còn đề cao danh dự võ nghiệp, song song với việc thi hành những phương sách hoàn hảo để luôn dung dưỡng tinh thần chiến đấu của nhân dân.
Vậy vị Chúa công nào có một thành trì kiên cố, được nhân dân không ghét bỏ, oán hận, sẽ không còn ai tấn công mình. Dù sao cũng có khi gặp kẻ lập mưu đánh chiếm. Nhưng kẻ ấy chắc chắn sẽ phải tự rút lui với sự thảm bại nhục nhã cho họ. Lý do là ở đời mọi việc đều luôn luôn biến chuyển, không có gì vững chắc được lâu dài. Thế nào cũng có kẻ manh tâm kéo quân đến bao vây một Đô thị. Những kẻ ấy khó mà giữ vững tinh thần quân sĩ suốt cả năm, trong tình trạng án binh bất động quanh thành bị hãm. Nói như vậy có người sẽ phản đối bằng lý lẽ sau đây:
Khi thành bị vây, dân chúng trong thành thấy hoa mầu, tài sản ở ngoài bị quân địch cướp bóc hết sạch; với cảnh giam hãm quá lâu, tài sản bị tiêu tan, dân chúng sẽ quên Chúa, không còn đủ tinh thần chịu đựng được nữa thì sao? Tôi xin trả lời rằng ở trường hợp đó, một vị Chúa có uy lực, thừa dũng cảm sẽ giải quyết tất những khó khăn dễ như trở bàn tay. Hàng ngày Chúa phải giảng giải cho thần dân nuôi hy vọng, thấy sự nguy nan sắp chấm dứt, tuyên truyền vào trí óc họ là nếu quy hàng, tất cả sẽ bị kẻ địch tàn sát. Đồng thời, phải khôn khéo kết hợp quanh mình một nhóm người thành tâm, dũng cảm cương quyết đồng tử đồng sinh với Chúa.
Thêm nữa, quân địch tới giáp thành giữa lúc quân dân của Chúa còn đầy nhiệt huyết, hăng say tấp nập giữ thành. Bên ngoài địch quân ra tay đốt phá trên toàn xứ. Như vậy Chúa công có lo sợ gì hơn không? Nhất định là không. Bởi vì ít lâu sau cuộc tàn phá của địch, tuy sự can đảm của nhân dân có phần sút kém, nhưng những thiệt hại vật chất đã trông thấy hiển nhiên, những nỗi đau đã thấm vào đáy lòng dân, lúc đó nhân dân sẽ thấy không còn phương sách nào hay hơn để cứu vãn được cảnh đau thương này bằng cách quy tập quanh Chúa và hết lòng ủng hộ Ngài. Chúa thì phải chân thành tỏ ý thương dân, bởi dân đã vì Chúa, chịu cảnh tan nát cửa nhà, đồng áng hoa mầu bị phá hủy. Bẩm tính con người bao giờ cũng nhớ dai những ân huệ ban cho người khác, và những ân huệ người ta đã ban cho mình.
Tóm lại, ta có thể kết luận: một Chúa công biết lo xa, có thể giữ vững tinh thần quả cảm của quân dân dưới trướng từ đầu đến cuối, suốt thời gian bị vây, nếu kho tàng dự trữ có đầy đủ lương thực và khí giới.
Muốn khảo sát và phê bình giá trị các Vương quốc, ta cần phải đề cập tới điểm nữa: Chúa công cai trị một lãnh thổ rộng lớn có đủ lực lượng tự vệ không? Hay phải cần sự bảo trợ của người khác? Nghĩa là tôi muốn nói :
- Một là, các vị Chúa có đủ lực lượng để tự lập, có đủ người, có đủ tiền để tạo dựng và huấn luyện một đạo quân hùng mạnh đủ sức ứng chiến với bất cứ quân địch từ đâu đến tấn công.
- Hai là, những vị Chúa công chỉ có một quân lực yếu hèn, luôn luôn phải dựa vào sức mạnh của kẻ khác, chứ riêng mình không bao giờ dám mang quân xuất trận chống lại cuộc tấn công của kẻ thù, như thế chỉ có cách rút quân vào trong bốn bức tường thành, bố trí canh phòng hào lũy để cố thủ.
Về trường hợp thứ nhất, tôi trình bày qua trên đây, đến dịp khác tương tự, tôi sẽ bàn trở lại.
Đối với trường hợp thứ hai, tôi chỉ khuyên những vị Chúa đương sự thường nhật phải tích trữ lương thực xây đắp các thành lũy vững chắc, còn phía bên ngoài lãnh thổ khỏi cần lưu tâm nhiều về quân sự. Nhưng về cách đối xử với nhân dân, Chúa phải nghe theo những lời khuyến cáo ở chương trên, và dưới đây tôi sẽ nói thêm. Được như vậy kẻ nào muốn gây hấn với Chúa còn phải nghĩ ngợi nhiều, vì kẻ ấy không bỗng dưng dám hành động khi thấy trước mặt đầy những khó khăn. Vả chăng, người ngoài không thể tìm được dịp để gây sự với vị Chúa công ngoài thì được lòng dân chúng, trong thì đầy đủ thành trì kiên cố.
Lấy tỷ dụ các đô thị lớn bên Đức quốc, hưởng một nền tự trị tự do, với một vùng ngoại ô nhỏ hẹp. Họ chỉ tuân theo mệnh lệnh của Hoàng đế Đức quốc tùy theo ý muốn của họ, và họ cũng không e sợ những lân bang hùng mạnh. Các Đô thị ấy đều đã có thành lũy kiên cố; vòng quanh có hào sâu lũy cao, có đội trọng pháo hùng hậu, kho tàng lương thực, nhiên liệu đầy đủ cho nhu cầu trong một năm. Mọi người đều cảm thấy muốn chiếm được chúng quả thực gay go lâu dài. Ngoài ra, chính quyền Đô thị luôn luôn có kế hoạch nuôi dưỡng khối dân nghèo cư trú ngoại thành mà không gây tổn hại cho công quỹ, bằng cách thi hành các đại công tác xây dựng nền tiểu kỹ nghệ cho dân chúng có công ăn việc làm sinh sống hàng năm. Họ còn đề cao danh dự võ nghiệp, song song với việc thi hành những phương sách hoàn hảo để luôn dung dưỡng tinh thần chiến đấu của nhân dân.
Vậy vị Chúa công nào có một thành trì kiên cố, được nhân dân không ghét bỏ, oán hận, sẽ không còn ai tấn công mình. Dù sao cũng có khi gặp kẻ lập mưu đánh chiếm. Nhưng kẻ ấy chắc chắn sẽ phải tự rút lui với sự thảm bại nhục nhã cho họ. Lý do là ở đời mọi việc đều luôn luôn biến chuyển, không có gì vững chắc được lâu dài. Thế nào cũng có kẻ manh tâm kéo quân đến bao vây một Đô thị. Những kẻ ấy khó mà giữ vững tinh thần quân sĩ suốt cả năm, trong tình trạng án binh bất động quanh thành bị hãm. Nói như vậy có người sẽ phản đối bằng lý lẽ sau đây:
Khi thành bị vây, dân chúng trong thành thấy hoa mầu, tài sản ở ngoài bị quân địch cướp bóc hết sạch; với cảnh giam hãm quá lâu, tài sản bị tiêu tan, dân chúng sẽ quên Chúa, không còn đủ tinh thần chịu đựng được nữa thì sao? Tôi xin trả lời rằng ở trường hợp đó, một vị Chúa có uy lực, thừa dũng cảm sẽ giải quyết tất những khó khăn dễ như trở bàn tay. Hàng ngày Chúa phải giảng giải cho thần dân nuôi hy vọng, thấy sự nguy nan sắp chấm dứt, tuyên truyền vào trí óc họ là nếu quy hàng, tất cả sẽ bị kẻ địch tàn sát. Đồng thời, phải khôn khéo kết hợp quanh mình một nhóm người thành tâm, dũng cảm cương quyết đồng tử đồng sinh với Chúa.
Thêm nữa, quân địch tới giáp thành giữa lúc quân dân của Chúa còn đầy nhiệt huyết, hăng say tấp nập giữ thành. Bên ngoài địch quân ra tay đốt phá trên toàn xứ. Như vậy Chúa công có lo sợ gì hơn không? Nhất định là không. Bởi vì ít lâu sau cuộc tàn phá của địch, tuy sự can đảm của nhân dân có phần sút kém, nhưng những thiệt hại vật chất đã trông thấy hiển nhiên, những nỗi đau đã thấm vào đáy lòng dân, lúc đó nhân dân sẽ thấy không còn phương sách nào hay hơn để cứu vãn được cảnh đau thương này bằng cách quy tập quanh Chúa và hết lòng ủng hộ Ngài. Chúa thì phải chân thành tỏ ý thương dân, bởi dân đã vì Chúa, chịu cảnh tan nát cửa nhà, đồng áng hoa mầu bị phá hủy. Bẩm tính con người bao giờ cũng nhớ dai những ân huệ ban cho người khác, và những ân huệ người ta đã ban cho mình.
Tóm lại, ta có thể kết luận: một Chúa công biết lo xa, có thể giữ vững tinh thần quả cảm của quân dân dưới trướng từ đầu đến cuối, suốt thời gian bị vây, nếu kho tàng dự trữ có đầy đủ lương thực và khí giới.