Phần I
Tác giả: Người Thứ 8
- Đứng lại.
Hoài Thanh nện gót giầy, ra lệnh cho xảm lồ. Con đường ngoằn ngoèo tối om từ trung tâm Vạn tượng xuống khu ăn chơi Đồng Pha Lan ngập đầy tiếng kích động nhạc ồn ào nên gã xa phu không nghe câu nói của Hoài Thanh. Chiếc xích lô mảnh khảnh sơn nhiều màu lố lăng vẫn lạch bạch chạy qua những vũng bùn toé nước của trận mưa quái ác ban chiều. Một cơn gió lạnh lào xào thổi qua rặng dứa dại bên đường làm Hoài Thanh rùng mình. Hắn quát lớn:
- Điếc hả? Đứng lại.
Hét xong, Hoài Thanh mới biết là lầm. Trong khoảnh khắc, hắn sực nhớ đây không phải thành phố Hà Nội, nơi hắn khạt ra lửa. Hắn sực nhớ xa phu không phải người Việt, một trong hàng vạn người Việt từ Hà Nội tới sau hiệp định Giơ-neo, và từ Sài Gòn lên sau khi thần Bạch mi mất đất làm ăn.
Tuy nhiên, gã xa phu vẫn thắng lại dưới ánh đèn. Liếc thấy bộ mặt đầy thẹo, sặc mùi lưu manh của hắn, Hoài Thanh ơn ớn dọc xương sống, tưởng như hàng trăm con kiến đang bò rần rần. Hồi còn ở Hà Nội, sửa soạn sang Lào, Hoài Thanh đã học khoá dân vụ cấp tốc 3 tuần tại bộ Ngoại giao. Giảng viên đã ân cần báo cho hắn biết về những nguy hiểm mà khách chơi đêm có thể gặp ở ngoại ô thành phố, vì một số xa phu là dân anh chị có tiền án đâm chém từ bên Thái trốn sang.
Toà đại sứ lại in sẵn một cuốn chỉ nam dầy 32 trang, bắt nhân viên học thuộc, Hoài Thanh nhớ nhất đoạn sau đây:
“Ban ngày cũng như ban đêm, không bao giờ đi một mình. Dẫu xuống phố để hớt tóc cũng phải đi ít nhất hai người, một người ngồi hớt, một người coi chừng. Hớt tóc hoặc ăn uống nhân viên chỉ được phép tới những tiệm được toà đại sứ coi là an ninh.
Tuyệt đối không được đi ban đêm. Muốn đi buổi tối, phải ghi lý do và giờ đi, giờ về, vào sổ vãng lai đặc biệt trong toà đại sứ. Muốn tới những khu giải trí như: Chợ Mới, Chợ Chiều, nhất là Đồng Pha Lan phải có giấy phép riêng.
Trong mọi cuộc di chuyển, phải dùng xe của toà đại sứ. Bất đắc dĩ hãy gọi tắc xi, vì địch có thể cải trang thành tài xế để bắt cóc, hoặc ám sát. Nếu cần di chuyển vì công vụ, phải dùng xảm lồ. Đi xảm lồ, ta có thể đối phó dễ dàng....”
Tuân theo lời dặn, Hoài Thanh đã lấy sẵn tờ bạc 50 kíp đút vào túi áo trên. Trang 15 của cẩm nang nói rõ rằng không nên đợi xảm lồ đậu lại, xa phu chìa tay ra mới rút ví lấy tiền. Tốt nhất là lấy tiền từ trước và chỉ lấy đủ số phải trả.
Cầm tờ bạc gã xa phu nói lí nhí một hồi. Không hiểu tiếng Lào, Hoài Thanh cũng biết gã xa phu chê ít. Hoài Thanh lắc đầu. Gã xa phu giơ bàn tay chuối mắn ra cản khi Hoài Thanh nhảy xuống đất. Cáu tiết, Hoài Thanh muốn bạt tay gã xa phu, nhưng mùi rượu sặc sụa trong gió làm hắn chột dạ.
Nhúng vai tỏ vẻ bất cần, hắn rút thêm một tờ 50 nữa. Gã xa phu cười hềnh hệch, cái miệng cá ngão mở rộng hoác, tưởng như đút cả chai sâm panh vào cũng vừa.
Suýt nữa Hoài Thanh ngã chuối vào cái hố đầy nước. Hắn loạng choạng một giây trên nền đất trơn trượt trong khi gã xa phu bật lửa hút thuốc. Mùi thuốc thơm lừng một góc đường. Hoài Thanh liếm mép. Loại thuốc tẫm ma tuý này được bán công khai trong thành phố, ngày nào hắn cũng làm ba điếu sáng, trưa, tối. Mỗi lần thở khói, hắn có cảm giác như thân thể mọc cánh, bay lang láng trên chín từng mây.
Ánh điện xanh, đỏ rực rỡ từ những ngôi nhà bên đường chiếu vào mặt Hoài Thanh. Hắn nheo mắt lẫm nhẫm: New Bamboo Bar. Quán tre mới, cái tên mới thi vị làm sao! Một niềm khoan khoái vô biên dâng lên trong lòng. Không phải lần đầu hắn bén mảng tới vũ trường diêm dúa và gợi tình này, song đêm nay hắn khát khao lạ thường, như thể kẻ đắm tàu sắp chết vừa thấy bóng con tàu rẽ sóng đến cứu.
Hoài Thanh đưa tay dụi mắt. Không biết hắn dụi đến lần thứ mấy rồi. Hắn cần dụi mắt để chiêm ngưỡng cho thật kỹ cái mô hình thiếu phụ khỏa thân nằm ưỡn ngoài cửa, dưới tấm bảng hiệu bằng đèn nê-ông sáng rực như ban ngày.
Bên trong, đèn lại sáng mờ mờ một cách cố ý.
Ban nhạc vừa cử một điệu măm bo man dại. Tiếng kèn của nhạc công mặc đồ đen lóng lánh kim tuyến, ngồi khuất trong bóng tối, sau những cây kè um tùm, lùn tịt, nghe như tiếng rên nũng nịu và mê ly mà ít nhất người đàn ông nào cũng phải nghe trong đời, ít nhất một lần.
Hoài Thanh chọn một cái bàn ở góc, không có ánh đèn. Đêm nay, hắn sợ ánh đèn, dẫu tiệm nhảy này có ít ánh đèn soi mói nhất xóm yên hoa Đồng Pha Lan.
Một anh bồi sơ mi cố cồn, cà vạt đen chỉnh tề, cung kính tới bên, và hỏi bằng tiếng Pháp. Với số lương ít òi Hoài Thanh chỉ có thể gọi ly cà phê đá, chứ đừng nói tới chai sâm panh, thứ rượu đàn anh của xã hội dạ lạc Tây Phương. Song hắn phải uống sâm panh. Hắn phải uống một cái gì trọng đại để đánh dấu một quyết định trọng đại.
Hoài Thanh ngẩng mặt, giọng hách dịch:
- Một chai lớn.
Tưởng nghe không rõ, anh bồi hỏi lại:
- Thưa, ông dùng gì?
Hoài Thanh gắt:
- Một chai lớn, chứ còn gì nữa.
Anh bồi nghiêng mình:
- Thưa, chai lớn, rượu gì?
Sực nhớ, Hoài Thanh mỉm cười:
- Ừ, quên mất. Sâm panh, sâm panh Mum. Loại đắt tiền nhất.
Hai tiếng sâm panh nồi bật giữa tiếng nhạc bắt đầu chuyển sang ồn ào. Uống sâm panh thượng hạng phải là kẻ coi tiền như cỏ rác. Tiếng nói oai vệ của Hoài Thanh lọt vào tai một nhóm kỹ nữ đang chụm đầu vào nhau, uống nước trà loãng, giả huýt ky ở bàn bên. Một cô ả có cái thân hình tròn trịa, sặc mùi nước hoa rẻ tiền, bộ ngực bách chiến bách thắng nhô đầu thách thức sau làn áo ni-lông mỏng như voan, xô ghế đứng dậy.
Cô ả ưỡn ngực, khoe khoang với Hoài Thanh rồi nhoẽn miệng cười với hắn. Trước cái cười mời mọc loã lồ này, du khách ngoại quốc thường sẵn sàng để rơi ví tiền dầy cộm không tiếc.
Hoài Than ngồi yên như không nhìn thấy cử chỉ lã lơi của người đàn bà lã lơi chuyên nghiệp. Nhưng cô ả không cần Hoài Thanh ưng thuận. Dáng điệu vốn đã quen thuộc, cô ả kéo ghế ngồi cạnh Hoài Thanh, nụ cười vẫn nở rộng trên môi đỏ chót:
- Chào anh.
Bồi lề mề bưng lại một cái xô bằng nhôm trắng đựng đá vụn và chai sâm panh sọc đỏ. Tiếng nút chai bật ra khỏi cổ chai, tạo ra một âm thanh lôi cuốn.
Mọi người đều quay lại. Giữa lúc Vạn tượng bị bao vây kinh tế, thức ăn thông thường cũng đắt như vàng, phải là triệu phú mới dám chơi ngông, mời gái nhảy không quen uống rượu sâm panh.
Thốt nhiên, Hoài Thanh run như cầy sấy.
Tiếng bụp trong nút bấc vừa làm hắn liên tưởng đến viên đạn chì khạc khỏi họng súng gắn ống hãm thanh tối tân bằng cao su. Vũ trường đêm chủ nhật, đông như hội, biết đâu trong đám dạ khách, chẳng có một nhân viên bí mật, theo dõi hắn, từng giây, từng phút, trong túi hườm sẵn khẩu súng lục đã lên đạn và gắn ống giảm thanh thật êm.
Thứ ống được chế tạo tại Đông Đức. Chế tạo riêng cho ban An Ninh của sứ quán. Loại súng được dùng cũng là súng riêng mang nhãn hiệu Hoa Kỳ, nhưng lại xuất xứ từ ban kĩ thuật của Smerch. Với khẩu súng đặc biệt kèm ống giãm thanh đặc biệt này, tiếng kêu của đạn còn nhỏ hơn tiếng kêu của nút chai sâm panh. Viên đạn 9 li – cũng thuộc loại đặc biệt – phá tan lục phũ ngũ tạng trong chớp mắt, không nhà y sĩ nào trên thế giới cứu nỗi.
Hoài Thanh chưa muốn chết.
Vì thế hắn sợ.
Bàn tay mềm mại thành thạo của người vũ nữ quàng ngang lưng, phụ trợ bởi bộ ngực cọ xát không tạo được trong lòng Hoài Thanh một cảm hứng nhỏ nhoi nào. Tâm trí hắn không còn ở trong tiệm nhảy nữa.
Mà là trở về toà biệt thự cô đơn rùng rợn nằm giấu trong con đường nhỏ kính đáo, trên đại lộ dẫn ra phi trường Wattay.
Phấp phới trên mái toà biệt thự rộng lớn ấy là lá cờ đỏ, có ngôi sao vàng năm cánh, to bằng cái chiếu.
Hoài Thanh là đệ nhị tham vụ của sứ quán Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Vạn tượng. Ba tháng trước hắn được thuyền chuyển sang Lào. Đã đành hắn là nhân viên tin cậy, nhưng xét về tuổi Đảng, hắn còn thua nhiều cán bộ trong toà đại sứ. Hắn không rõ nguyên nhân thần diệu nào đã đưa hắn lên chức đệ nhị bí thư. Có lẽ vì trình độ văn hoá khá cao, Hoài Thanh tự nhũ vậy.
Chân ướt, chân ráo tới thủ đô trung lập Lào quốc, hắn đã vướng vào đàn bà. Đàn bà vốn là nhược điểm cố hữu của hắn. Hồi còn đi học hắn đã mê mệt các cô bạn cùng trường. Chủ nhật, thiên hạ rũ nhau ra bãi đá bóng thì Hoài Thanh chúi mũi xuống đống giấy trắng say sưa viết thư tình. Mỗi đêm trời mưa, nhất là trời mưa bụi lất phất, hắn thường bỏ đèn sách, lang thang ngoài đường, đứng như phỗng đá hàng giờ trướv nhà người đẹp.
Song chẳng ai lưu ý đến Hoài Thanh.
Nguyên nhân, vì hắn không đẹp trai. Về bề cao, hắn không đến nỗi nào, song về bộ mặt, dáng dấp và ngôn ngữ, hắn lại thiếu hẳn những nét cần thiết của chàng thanh niên hào hoa trước phái yếu.
Sau làn kính cận thị dày cộm – mỗi bên mang số 7, chưa kể một mắt loạn thị nặng và hơi lé – Hoài Thanh liêm diêm suốt ngày, như người mất ngủ hàng tuần lễ. Dười cái mũi cà chua đỏ tía quanh năm, cái miệng cá lớn được mện danh là “ống nhổ” luôn luôn nhe ra hàm răng khập khễnh, vàng ệch khói thuốc lá, một màu vàng khó tả và khó ngửi, in sâu vào đôi môi dày cục mịch, cũng như trên đầu mười ngón tay, cong queo, xấu xí và vụng về.
Đã thế, Hoài Thanh lại có lối đi chữ bát, lối đi mà đàn bà ghét nhất. Mỗi lần cất bước hắn lại chúi đầu về đàng trước, như người mất thăng bằng. Giọng nói của hắn càng làm phụ nữ thất vọng hơn, nếu có ai dại dột nặng lòng vì hắn. Giọng nói khàng khàng mà bạn bè gọi là giọng vịt đực...
Thế mà nàng Boun mê hắn.
Tại sao nàng mê hắn, họa có Trời biết. Song Trời ở quá xa, Hoài Thanh lại thèm đàn bà như nắng hạn thèm mưa rào, nên hắn yêu lại vội vàng va tha thiết, sợ trần trừ sẽ làm nàng thay đổi ý kiến.
Tình cờ, hắn gặp nàng trong một cuộc tiếp tân. Làn da ngâm ngâm quen thuộc của phụ nữ Lào, át cả màu son đỏ trên đôi môi mỏng tanh, mớ tóc đen dài và cứng xõa xuống quá vai để che vừng trán vồ bướng bĩnh, đôi tay bơi xòe ra, và cái cổ ngắn, chứng tỏ nàng Boun của Hoài Thanh không có nhan sắc chim sa cá lặn. Song những khuyết điểm này đã được đền bù lại bằng nụ cười rất tươi, phô trương hàm răng đều đặn, trắng bóng và một má lúm đồng tiền.
Tuy nhiên, nụ cười và hàm răng khả ái còn thua những đường cong la lùng dật dờ như trêu ngươi trên thân thể cô cùng cân đối của nàng. Bụng nàng thót lại, càng tôn thêm sự đồ sộ đáng yêu của bộ ngực, dường như bị nghẹt thở sau chiếc áo vải nhiều màu sắc sặc sỡ may theo kiểu Tây phương, chỉ muốn nhảy tung ra ngoài. Cái áo đầm mốt mới Ba Lê này được cắt rất ngắn, ôm chặt đôi mông tròn trịa, khiến cặp giò mảnh mai và thuôn đẹp được cơ hội tự giới thiệu với những người đàn ông giàu kinh nghiệm đàn bà.
Nàng Boun làm thư kí tại công ty hàng không Ai Lao. Có lẽ nàng không được thu dụng để làm trang sức cho toà nhà buồn thiu, vắng tanh hành khách, ai bước vào là muốn ngáp.Vì thật ra nàng Boun chẳng làm gì cả, ngoài việc ưỡn ẹo ra vào, ưỡn ẹo kéo ghế ngồi xuống, ưỡn ẹo nhấc máy điện thoại và ưỡn ẹo trò chuyện với những ai cần trò chuyện.
Có lẽ, nàng Boun đi làm là để được dịp tiếp xúc với bọn thanh niên sành điệu của thủ đô Vạn tượng đa tình hơn là để mưu sinh vì Hoài Thanh nhận thấy nàng tiêu pha một cách hết sức phung phí. Nhiều lần nàng dám trả một cuốc xe ngắn 500 kíp. Thấy Hoài Thanh há miệng ngạc nhiên, nàng Boun cười:
- Khổ quá, anh ạ, em muốn chừa mà không được. Từ nhỏ, em đã mắc phải chứng bệnh xài tiền nan y. Không có tiền thì em chết mất.
Không biết một trớ trêu nào của định mạng đã run rũi cho ông đại sứ giao việc giữ tiền cho Hoài Thanh. Lương bỗng của nhân viên và nhiều khoản tiền kếch xù khác đều qua tay hắn trước khi được phát. Giữa phòng hắn, được kê một két sắt lớn sơn lá mạ, khóa chữ kiên cố, riêng hắn biết cách mở. Khi được ông đại sứ ủy cho nhiệm vụ giữ tủ sắt, Hoài Thanh lắc đầu quầy quậy:
- Thưa, tính tôi rất cẩu thả. Tôi sợ...
Thì ông đại sứ trợn mắt:
- Vì anh cẩu thả nên giao phần vụ quan trọng này cho anh. Vả lại, anh là nhân viên tin cậy. Giữ tiền trong sứ quán là nhân viên tin cậy tuyệt đối. Nhiều người thèm được giữ tiền như anh mà tôi không cho phép. Anh nên lấy đó làm vinh dự lớn lao.
Trong những ngày đầu tiên, Hoài Thanh mất ăn, mất ngủ, suốt ngày ngồi ngắm tủ sắt. Ban đêm, thỉnh thoảng hắn đến sứ quán, mở cửa vào phòng, kiểm soát một lần nữa rồi mới có thể yên tâm.
Cho tới khi gặp nàng Boun...
Nàng là tiếng sét làm tứ chi Hoài Thanh bủn rủn trọn đời. Yêu nàng, hắn quên hết. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tiên, hắn chưa dám dụng tới tiền bạc của sứ quán. Hắn chỉ có thể mời nàng bách bộ dọc bờ sông, và tới khi mỏi chân thì tạt vào một cái quán hạng trung để thưởng thức một cốc bia rẻ tiền. Rẻ tiền cũng đến 100 kíp...
Nàng Boun ngoan ngoãn uống la ve với hắn. Nàng không cho hắn biết la ve là món uống tồi tàn của giới thượng lưu Vạn tượng. Đi với người đẹp phải dùng huýt-ki nếu không đủ tiền kêu sâm panh.
Nàng Boun mời Hoài Thanh về nhà. Hoài Thanh bàng hoàng khi thấy tủ rượu ghê gớm của nàng, trong đó, huýt-ki được coi ngang hàng với nước lã. Nàng ép hắn uống huýt-ki và sâm panh. Huýt-ki thượng hạng đã đành, sâm panh cũng thượng hạng nữa.
Tổ ấm của giai nhân là một căn phòng xinh như mộng, gần lữ quán Constellation, nơi trú ngụ của các thông tín viên báo chí quốc tế. Nàng Boun dìu tình nhân lên phòng rồi mở cửa phòng.
Bên trong chỉ có cái giường nệm cao su mút rất êm, cái tủ đựng quần áo, cái bàn trang điểm hỗn độn chai lọ thơm phức. Đặc biệt, là đồ gỗ bằng lúp, được đóng ở Sài Gòn, chở lên bằng phi cơ.
Đêm ấy, Hoài Thanh ở lại với người đẹp. Những đêm sau, hắn xin ở lại và được nàng ưng thuận.
Việc đáng tới đã tới, Hoài Thanh rút tiền quỹ ra mua rượu mạnh và đồ trang sức đắt tiền cho nàng. Hắn không hiểu vì sao dám văng mạnh đến thế. Như kẻ bị thôi miên, hắn nhắm mắt trượt chân xuống dốc, và không mãnh lực nào giữ hắn ở lại nữa.
Hành động biễn thủ này đến tay ông đại sứ. Kể ra mãi đến trưa nay nội vụ mới vỡ lỡ cũng là quá muộn, vì lẽ chỉ cần theo dõi nếp sống hoang tàn của Hoài Thanh một vài ngày là khám phá ra ngay.
- Kìa cưng, sao cưng không uống sâm panh với em đi?
Tiếng nói nhao nhao như ong vỡ tổ của bọn kỹ nữ quây quần xung quanh lôi Hoài Thanh trở lại bầu không khí náo động của vũ trường. Dáng điệu ngơ ngác, hắn nhìn tứ phía, rồi nâng ly rượu sủi bọt lên miệng.
Mùi sâm panh chua chua tát vào mũi. Thường ngày, hắn vẫn tương tư cái mùi trưởng giả ấy. Nhưng đêm nay, khứu giác hắn lại dửng dưng. Hắn cũng không để ý đến thái độ tự tiện của bọn vũ nữ thản nhiên rót sâm panh, không thèm hỏi han nửa tiếng.
Một cô ả có cái mặt bự son phấn, quần áo dán lấy da thịt, ngọ nguậy cái mông đầy thịt, ôm chầm Hoài Thanh hôn giữa miệng rồi thè lưỡi ra liếm cái mũi cá chua.
Nếu là lần khác, Hoài Thanh đã sướng run. Song hắn lại thản nhiên nhắm mắt. Nhắm mắt, không phải để hưởng thụ khoái cảm, mà để quên đi thực tại.
Rồi như người điên, hắn vùng lên, xô người phụ nữ dâm đãng ngã chúi xuống đất.
Đến khi hắn biết quá tay thì đã muộn. Thiếu phụ loạng choạng, ly sâm panh trên tay bắn tung tóe khắp nơi, trước khi mất quân bình đụng cái bàn phía sau, đựng đầy bát đĩa. Đồ sứ và thuỷ tinh đắt tiền rơi loảng xoảng.
Một gã đàn ông mặc sơ-mi cụt tay, hở ngực để lộ bức hình xăm màu xanh một con rắn màu xanh ngoằn ngoèo đứng vụt dậy. Một mảnh thuỷ tinh vụn cắm vào mặt hắn và máu chảy ri rỉ.
Hoài Thanh chưa kịp xin lỗi thì một trái đấm tàn bạo đã vèo tới. Hắn né sang bên, nhưng một quả thôi sơn nặng chình chịch gián xuống vai. Toàn thân hắn đau điếng. Tuy nhiên, hắn vẫn chưa mất sức. Trước khi xuất ngoại, nhân viên ngoại giao đều phải học nhu đạo, đặc biệt về cận vệ chiến. Trong trường ngoại giao ở Hà Nội, Hoài Thanh cũng là khóa sinh nhu đạo ưu tú, và đã bỏ lên cấp thắt lưng nâu.
Hoài Thanh vung tay đỡ miếng quyền thứ ba. Hơi men và sự lo nghĩ đã làm gân cốt của hắn kém linh lợi. Hắn cản được đòn của đối phương song không thể tránh khỏi cái vỏ chai từ phía sau đánh xuống. Vỏ chai sâm panh mà hắn vừa uống. Người vũ nữ bị hắn xô ngã đã trả thù một cách đích đáng.
Hoài Thanh lảo đảo, hai mắt nổ đom đóm. Hắn chưa ngất vì cô ả không đủ sức đánh mạnh. Song gã đàn ông lạ đã giải quyết chiến trường mau lẹ bằng trái đìa-rét như chớp mắt trúng giữa mặt.
Máu miệng trào ra, Hoài Thanh hăng lên và đánh trả. Song cánh tay hắn đã bị đối phương nắm chặt.
Một giây đồng hồ sau cuộc ẩu đã chấm dứt với cái đánh móc vào bụng Hoài Thanh nằm sóng sượt trên nền nhà ướt ác và lỗn nhỗn mảnh vỡ.
Âm nhạc vẫn nổi lên tưng bừng và đú đỡn. Những cặp trai gái tựa ngực vào nhau lại múa lượn như đèn cù trên mặt bít trơn bóng như thoa mỡ. Không ai thèm lưu tâm đến Hoài Thanh, ngoại trừ một cô ả mặt rỗ chẳng, da dẻ khô dét như kỳ đà.
Cô ả cuối xuống xem Hoài Thanh mê hay tỉnh. Thấy hắn còn tỉnh, cô ả xì một tiếng, nước bọt bắn ra miệng, rồi ngang nhiên xách chai sâm panh mới nguyên của Hoài Thanh sang bàn bên.
Hoài Thanh vừa ngồi dậy thì hai gã bồi to lớn đã chực sẵn, vẻ mặt lì lợm. Tài nghệ đai nâu của hắn đã biến đâu mất. Hắn nhìn hai gã bồi bằng luồng mắt đầu hàng.
Cô gái có nụ cười khinh khỉnh thường trực trên môi, phụ trách giữ két, tiến lại:
- Yêu cầu ông trà tiền.
Hoài Thanh nhăn nhó:
- Bao nhiêu?
- 15 ngàn bạc rượu, 5 ngàn đồ đạc.
Hoài Thanh xỉa đống giấy bạc cuối cùng lên bàn. Những tờ kíp màu đỏ vàng vuông vức nằm tênh hênh dưới đèn nê-ông, không khác thân thể lõa lồ của bọn gái bán dâm trong xóm Đồng Pha Lan.
Đồng, Pha Lan....
Bất giác hắn ghét Đồng Pha Lan thậm tệ. Làn gió khuya từ cánh đồng trống thổi gió mát vào mặt hắn. Hắn lội bì bạch trên con đường đầy nước và tối om.
Thế là hết.
Một giọt lệ từ từ khoé mắt hắn trào ra. Lần đầu trong đời, hắn khóc như đứa trẻ. Khóc vì tủi thân. Khóc vì bị thiên hạ rẻ rúng. Khóc vì lo lắng. Khóc vì nàng... Lúc này, hắn mới biết la cà trong tiệm nhảy bên cạnh bọn đàn bà khiêu gợi là dại dột... Dại dột, như cuốn chỉ nam của sứ quán ân cần dặn dò.
Thế là hết.
Hết tiền.
Hết cả hy vọng trở về sứ quán.
Nghĩ đến vẻ mặt cau có, lầm lì của ông đại sứ, đợi hắn trong căn phòng lớn, gắn máy điều hòa khí hậu Admiral, Hoài Thanh rùng mình. Người ta sẽ căn vặn hắn vì sao quỹ hết tiền. Người ta sẽ bắt hắn làm giấy tự thú, kể lại cuộc sống trác táng trong xóm dạ lạc Đồng Pha Lan, nhất là những đêm tỉ tê vô tận với nàng Boun.
Rồi hắn sẽ bị kết tội. Chở về Hà Nội, ngồi giữa hai vệ sĩ hộ pháp, súng lục giấu trong túi, không mảy may hi vọng thoát thân. Trong khi chờ đợi phi cơ hồi hương, hắn sẽ bị tống xuống hầm, nơi giam giữ nhân viên sứ quán vi phạm nội quy, mỗi ngày mở cửa một lần duy nhất để lãnh mẩu bánh mì khô rắn như đá và bình nước lạnh sặc mùi đất phù sa hôi hám, lộn mửa của sông Cửu Long.
Hoài Thanh chưa được hân hạnh xuống hầm lần nào, song đã được hân hạnh nghe ông đại sứ nhắc nhở. Hầm được xây toàn bằng bê tông cốt sắt, nói là để đề phòng oanh tạc. Vật liệu được chở từ Hà Nội tới, ngoại trừ, xi-măng và cát là mua ờ địa phương. Nhân công cũng từ Hà Nội tới, ăn ở luôn trong sứ quán, xây cất suốt ngày đêm đúng 2 tuần lễ. Từ khi hạ cánh đến khi từ giã, toán công nhân Hà Nội không hề được ra khỏi sứ quán. Họ hạ cánh ban đêm, trèo lên xe hơi bít bùng về sứ quán, ở trong phòng kín. Ra về cũng ban đêm, đúng 2 giờ khuya, trong giờ giới nghiêm.
Ngẫu nhiên, Hoài Thanh bước qua quán Mỹ Huê.
Đó là một biệt thự trệt kiểu cổ, nằm khuất trong khu vườn rộng, ngày cũng như đêm đầy ứ khách tứ chiếng đến tìm quên với những cô nàng tuyệt hảo người Tầu.
Đồng Pha Lan có nhiều báu vật từ Hông Kông và Hoa Nam tới. Một số gái chơi ở Chợ Lớn giả vờ nói tiếng Tầu, tóc hết bím, mặc sường xám, để mập mờ đánh lận con đen. Song đặc điểm của xómbình khang Trung hoa là những cô bé non choẹt, mặt véo ra sữa, chân đi chập chững mà kinh nghiệm lại không thua đàn chị trung niên người Việt.
- Anh ơi, vào trong này đi ?
Hoài Thanh nghe tiếng kêu bằng tiếng Quảng Đông. Từng sống bên Tầu, hắn nói tiếng Quảng Đông nhanh như gió. Hắn quay lại: giai nhân là một thiếu nữ gầy dét, mặt trát phấn trắng, môi đỏ chót, quần áo hở hang đến mức không cần thiết và chỉ trạc... 13 tuổi.
Tự nhiên Hoài Thanh lợm mửa.
Ngày thường, hắn thích mầm non, đêm nay, hắn lại ghét cay, ghét đắng cảnh tượng rước khách trơ trẽn mà kỹ nữ còn đang ở tuổi tiểu học.
Tấm bảng nê-ông đĩ thỏa lũng lẵng ngoài cửa vũ trường El Morocco mọi đêm dụ hắn đứng lại, nghếch mũi nhìn vào trong, không còn sức hấp dẫn Hoài Thanh nữa, tuy thấp thoáng dưới ánh điện xanh mát, hắn vẫn còn thấy những bông hoa biết nói ưỡn ẹo, đứng sát vào người khách, hai tay hoạt động lia lịa, miệng tuông ra những tiếng mời mọc ngọt như mía lùi.
Hai cô ả phì nộn nhưng khiêu gợi trong tửu quán Caravelle va Alice giơ ngón tay đeo đầy nhẫn vàng y lên miệng, hôn gửi Hoài Thanh như thường lệ. Đêm qua, hắn đã la cà trong tiệm Alice, nướng hơn 5,000 kíp.
Một cô ả vẫy Hoài Thanh:
- Hết tiền ư, em cho anh chịu.
Hoài Thanh nhúng vai, không thèm nhếch mép. Hắn chán ngán lắm rồi. Hắn có cảm tưởng là con đường xuống Đồng Pha La đầy ánh sáng nê-ông, đầy thú vui xác thịt đang biến thành con đường xuống địa ngục đầy bóng tối u uất và đầy đau khổ triền miên.
Pin, pin...
Một chiếc xe hơi chiếu đèn pha sáng quắc từ phía sau phóng tới như tên bắn.
Xuống khu ăn chơi, nhiều người thường đạp ga xăng liều lĩnh, dường như sợ không bao giờ đến nơi. Pin, pin... kèn xe hơi réo vang. Hốt hoảng, Hoài Thanh nép vào bên đường. Song tài xế quái ác lại nhắm người hắn lao vào.
Hoài Thanh phải lùi lại, dao mình vào gốc cổ thụ xù xì. Cách hắn một thước, tài xế thắng lại nghe kít một tiếng nhức óc.
Hoài Thanh tưởng như toàn thân bị tê liệt sau khi bị đánh atémi vào gáy. Hắn không thể nào lầm được: chiếc Vônvagen cũ kỹ, sơn màu đen ảm đạm này là một trong những xe hơi của ban Mật vụ sứ quán. Chỉ nghe tiếng phanh rờn rợn, hắn đã hình dung ra ngay chiếc xe bọ hung, nước sơn loang lỗ, động cơ được lắp hai bình xăng hầu như có thể chạy nhanh 180 cây số giờ, không kém xe đua thượng thặng của Mỹ.
Tưởng mê ngủ, Hoài Thanh dụi mắt nhìn lại lần nữa.
- Hoài Thanh!
Chết rồi, người trong xe vừa réo tên hắn, vừa mở cửa. Nghe giọng nói hách dịch, hắn đã biết là ai. Hắn lí nhí:
- Dạ.
Người lạ ra lệnh:
- Lên xe.
Hắn run bắn người, khi trèo lên xe ngồi cạnh tài xế. Đó là một thanh niên trên ba mươi, lún phún râu mép, trên mắt chễm chệ đôi kính mát to tướng dẫu trời tối, miệng – một cái miệng hẹp răng khập khễnh và thưa thớt trên nước thâm sì – thì vắt vẻo ống điếu dài ngoẵng, dường như ngậm tẩu để khỏi phải mở miệng nói hơn là để hút thuốc.
Trong danh sách nhân viên sứ quán, gã ngậm tẩu này là thư ký của ban thông hành, nhưng Hoài Thanh được biết gã là Đại uý, Đại úy công an. Tên là Phạm Nghị.
Nuốt nước bọt cho khỏi khô cổ, Hoài Thanh cất tiếng, cố cho giọng nói đừng run:
- Chào đồng chí đại uý.
Phạm Nghị đặt cái tẩu xuống, cười nửa miệng:
- Cám ơn anh đã nhớ tới cấp bậc của tôi, nhưng trong thời gian ở đây anh nên quên đi là hơn. Ngoài ra, anh cũng không nên dùng danh từ đồng chí. Đây là Vạn tượng không phải Hà Nội, nhớ chưa?
- Vâng, tôi nhớ.
Đổi sang giọng cứng rắn, Phạm Nghị hỏi:
- Ai cho phép anh lang thang xuống Đồng Pha Lan?
Phạm Nghị hỏi một cách hách dịch, như thể Hoài Thanh chỉ là nhân viên cấp dưới, không phải là đệ nhị tham vụ, được hưởng đặc quyền ngoại giao và được kính nể. Hoài Thanh đáp bằng giọng sợ sệt:
- Thưa, tối thứ bảy...
- Hừ... đối với chúng ta ngày nào cũng giống nhau, không có thứ bảy, cũng như chủ nhật. Giờ này các nhân viên cao cấp đang còn làm việc trong sứ quán, riêng anh... Anh chóng quên thật. Trong khi anh vung tiền của quốc gia ra kêu sâm panh thết gái thì toàn thể nhân viên chỉ được quyền uống nước lạnh. Hồi trưa, kiểm điểm sổ sách, ông đại sứ phát hiện ra một lỗ hỗng kinh khủng. Sở dĩ, anh chưa bị bắt ngay vì ông đại sứ xét thấy anh chưa phạm lỗi nặng trong quá khứ.
anh lại chưa có gia đình, dễ bị sa ngã, nên muốn tạo cơ hội cho anh hối cải, ngờ đâu...
- Tôi biết lỗi rồi. Tôi sẵn sàng hối cải.
- Hừ, hối cải mà la ca xuống Đồng Pha Lan.
- Tôi sợ...
Phạm Nghị mỉa mai:
- Anh cũng biết sợ nữa ư? Nhưng anh sợ ai? Chúng tôi sợ thì đúng hơn. Chúng tôi không thể phóng xá cho một đệ nhị tham vụ la cà trong những xóm ăn chơi đầy cám dỗ ghê gớm. Vạn Tượng là thủ đô của nước Lào trung lập, đồng minh với chúng ta, nhưng vẫn là đất địch, kè thù luôn luôn rình rập khắp nơi, nhất là ở những nơi trác táng. Trong tay anh, Chính phủ đã đặt hàng chục tài liệu quan trọng. Nếu địch khám phá ra anh đang cần tiền để trám vào lỗ thủng, và anh có nhiều tin tức đáng giá thì nguy to. Anh đoán được gián điệp đế quốc sẽ làm sao không?
Hoài Thanh lắc đầu lia lịa:
- Tôi ấy à... Không đời nào.
Phạm Nghị nói như rít:
- Không đời nào... không đời nào... Cái bọn tiểu tư sản trí thức như anh thường có cố tật cãi cối, cãi chầy như thế. Theo kinh nghiệm, tôi tin rằng anh sẽ sa ngã một cách dễ dàng. Trước mặt ông đại sứ, hoặc trước mặt tôi, anh không dám có tư tưởng xấu. Nhưng nằm trên giường với đàn bà đẹp... Vạn Tượng có cả trăm đàn bà đẹp, sẵn sàng làm vợ một giờ, một đêm với anh không đòi tiền. Vì tiền có thiên hạ trả. Tôi biết có kẻ sẵn sàng trả luôn một lúc một triệu kíp để đổi lấy mảnh giấy lộn trong phòng riêng ông đại sứ.
- Họ phải là người điên.
- Hừ, một triệu kíp mà điên ư? Gián điệp CIA đã mua những mảnh giấy trong sọt rác tòa đại sứ Xô Viết tại Ba Tư với giá tiền mười ngàn đô la. Mười ngàn đô la vị chi hơn hai triệu kíp. Nếu tôi là nhân viên CIA, tôi sẽ biếu anh ít nhất nửa triệu đô la.
- Nghe đại úy nói, tôi muốn ngạt thở.
- Sự thật còn ngạt thở hơn nhiều.
Hoài Thanh ngồi yên, cặp mắt hấp háy sau làn kính trắng, Hắn cảm thấy nhức đầu. Lời nói Phạm Nghị làm hắn nhức đầu thì tí, cặp kính tăng số chưa kịp thay làm hắn nhức đầu thì nhiều. Từ một tuần nay, hắn bắt đầu quáng gà, ngay cả giữa ban ngày nắng chói. Nhiều lần hắn định đi khám mắt, nhưng lại lỡ hẹn với nàng Boun.
Ánh đèn rực rỡ Đồng Pha Lan lùi dần, lùi dần. Sương khuya bao trùm ngoại ô thành phố một màn dầy lành lạnh. Cõi lòng Hoài Thanh cũng lành lạnh như màn sương...