watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bóng Tối Đồng Pha Lan-Phần IV (b) - tác giả Người Thứ 8 Người Thứ 8

Người Thứ 8

Phần IV (b)

Tác giả: Người Thứ 8

Mắt lờ đờ, Thiên Hồng nhìn lên trần. Đột nhiên, nàng nhớ lại quá khứ. Hồi đi học, mê tiểu thuyết trinh thám, nàng được đọc truyện một cô gái tuyệt đẹp phát điên vì bị giam một mình trong sà-lim tối om. Đọc xong, nàng không tin là thật, và cho đó là óc tưởng tượng phong phú của tác giả.


Giờ đây nàng mới thấy rõ, và sự thật được mô tả trong tiểu thuyết còn kém xa sự thật ngoài đời.


Thiên Hồng cứ ngồi dựa lưng vào tường và nhìn láo liên lên trần nhà rất lâu.


Quá nửa đêm, tiếng giày định lộp cộp ngoài hành lang. Thiên Hồng bóp chặt bàn tay răn reo của mẹ:
- Mẹ đừng sợ nhé. Thế nào ta cũng được tha.
Bà cụ thở dài, cay đắng:
- Con đừng giấu mẹ nữa, mẹ biết cả rồi. Mẹ can đảm lắm, con ạ. Mẹ chỉ lo cho con thôi. Con là con gái hơ hớ, còn mẹ đã già rồi, nếu có mệnh hệ nào thì cũng là dĩ nhiên. Trong đời, mẹ đã sung sướng quá nhiều. Hồi ba con còn sống, mẹ đã hưởng hạnh phúc đầy đủ, cho nên từ lâu mẹ hằng chờ đợi cái ngày được tái ngộ với ba nơi suối vàng.
Thiên Hồng ré khóc như đứa trẻ. Lời nói chân thành của mẹ khiến nàng không cầm nổi nước mắt.


Cửa sà-lim mở toang.
Thiên Hồng nhận ra hai tên công an viên quen mặt. Giọng ráo hoảnh, một tên ra lệnh:
- Đứng dậy, lên phòng thẩm vấn.
Hai mẹ con bị lôi ra sân. Trời vẫn mưa rả rích. Những giọt nước mát lạnh rơi vào tóc nàng, da thịt nàng, làm nàng khoẻ hẳn lên.
Ánh điện sáng quắc của phòng khẩu cung chiếu vào mặt Thiên Hồng.
Nàng nhắm mắt lại cho khỏi chói. Tên công an chỉ ghế cho hai mẹ con ngồi rồi đi ra ngoài.


Ngồi xuống ghế, Thiên Hồng liếc nhìn phòng bên qua ô cửa mở hé. Nàng thấy một thiếu phụ đầu tóc rã rượi, mặt mày sưng húp vừa được đưa vào.


Một gã đàn ông to lớn, quấn tạp dề bằng da đen, vung nắm tay như kẻ đánh karaté, rồi nắm lưng thiếu phụ. Trong tay hắn, người đàn bà bất hạnh nhỏ xíu như con nhái bén.
Nạn nhân định gỡ ra thì hắn tát một cái mạnh như trời giáng hạ. Thiếu phụ loạng choạng, ngã xấp trên nền nhà. Gã đàn ông lôi thiếu phụ dậy, xoắn tóc dìm xuống bể nước hình chữ nhật ở góc phòng.
Thiên Hồng nghe nạn nhân rú ằng ặc vì sặc nước. Cứ hai phút, gã đàn ông lại kéo đầu thiếu phụ lên cho khỏi bị ngạt, rồi lại dìm xuống, đều đặn như kim đồng hồ.
Lúc cuộc tra tấn tạm ngưng, thiếu phụ được khiêng ra ngoài thì thân thể đã cứng đơ như khúc gỗ. Thiên Hồng đã biết dìm nước là một trong những hình thức tra tấn độc ác nhất. Dưới thời Đức quốc xã chiếm đóng, nhiều nhân viên kháng chiến Pháp đã phải cung khai vì không kham nổi cái cảnh bị ngạt thở trong bể nước bẩn thỉu đầy máu, móng ngón tay, và ngón chân bị giật ra bằng kềm còn lủng lẳng thịt người nhầy nhụa và tanh tưởi.
Một người đàn ông khác tiến vào phòng, kéo ghế sau bàn giấy ngồi xuống.
Mặt hắn có hai đặc điểm: cặp kính mát to tướng che kín mặt và nửa trán, tẩu thuốc lá dài ngoằng vắt vẻo trên miệng.
Hai mẹ con khép nép đứng dậy. Gã đàn ông đặt tẩu thuốc xuống bàn, hất hàm:
- Cô Hồng? Cô đã biết vì sao bị đưa vào đây chưa?
Thiên Hồng, giọng sợ sệt:
- Thưa chưa, tôi vừa đi làm về thì nhân viên Công an tới bắt. Gia đình tôi luôn luôn tôn trọng luật pháp. Xin ông minh xét, chắc là có sự hiểu lầm.
Gã đàn ông cười gằn:
- Cô to gan lớn mật thật! Đã sa vào cảnh cá chậu chim lồng mà cô còn nỏ miệng phê bình Công an là bắt lầm người lương thiện. Này, cô ráng nghe cho rõ: chúng tôi không hề bắt lầm. Dương, em trai cô, có chân trong một tổ chức phản động.
Thiên Hồng tái mặt không còn hột máu. Tuy nhiên, nàng vẫn chưa mất hết bình tĩnh:
- Tổ chức phản động? Thưa ông, tôi không tin là…
Gã đàn ông bấm nút điện dưới mặt bàn. Một thuộc viên cung kính bước vào. Gã đàn ông ra lệnh:
- Mang thằng Dương vào đây.
Thiên Hồng nín hơi thở khi nghe cửa mở.
Thằng Dương bị xô vào giữa phòng, quần áo rách tả tơi, vẻ mặt mệt mỏi và ngơ ngác. Thấy mẹ và chị, nó khóc oà lên:
- Oan lắm, trời ơi!
Gã đàn ông mặc cho Thiên Hồng lại gần thằng Dương, âu yếm đưa tay vuốt tóc nó. Dường như hắn cố ý cho nàng có nhiều thời giờ trò chuyện với đứa em trai duy nhất mà nàng yêu thương tha thiết.
Thằng Dương nghẹn ngào nói với mẹ:
- Thưa, con không dám nói dối… Vả lại, từ nhỏ tới giờ con chưa hề nói dối với mẹ, mẹ đã biết tính con. Con vừa ở lớp học ra thì bị bắt. Con chẳng làm gì hết.
Thiên Hồng hỏi em:
- Bạn bè khai cho em phải không?
Thằng Dương lắc đầu:
- Không. Em bị bắt vì các ông công an khám trong sách em thấy mấy tờ truyền đơn.
Bà mẹ trợn tròn mắt:
- Truyền đơn gì thế?
Nó sụt sùi:
- Thưa mẹ, con không biết.
- Hừ, thằng khốn kiếp, đến nước này mà mày còn chối cãi. Tao không ngờ mày lại báo hiếu tao như vậy.
- Mẹ ơi, con xin mẹ đừng mắng mỏ, đừng ngờ vực con nữa. Con hoàn toàn nói sự thật. Con chưa hề được thấy, chứ đừng nói là đọc truyền đơn này nữa. Mãi đến khi về Công an, bị thẩm vấn, con mới được trông thấy lần thứ nhất. Ông chánh sở đưa cho con hai mảnh giấy in thạch bản, và nói với con rằng nhân viên Công an đã tìm thấy trong bìa sách của cuốn địa lý.
- Tại sao con không đáp lại là truyền đơn ấy không phải của con?
- Con đã nói khản cổ mà họ không nghe. Ông chánh sở quất roi da vào lưng con đau điếng rồi nói như sau: cậu Dương ơi, cậu đừng bào chữa vô ích. Cậu có thể lầm, gia đình cậu có thể lầm, dân chúng có thể lầm, song Công an không thể lầm… Sau đó, con phải ký tờ khẩu cung.
- Con khai những gì?
- Thưa mẹ, con không biết. Vì ông chánh sở nói là bận nhiều việc nên không có thời giờ đọc cho con nghe. Ông chánh sở cho biết là Công an không bao giờ vu oan giá hoạ đồng bào, con khai gì thì được ghi nấy vào khẩu cung.
Bà mẹ thở dài:
- Ông chánh sở còn nói gì nữa không?
Thằng Dương quay sang phía chị:
- Thưa, ông chánh sở cho biết em sẽ bị đưa tới trại tập trung trên mạn ngược, có lẽ tại khu tự trị Thái - Mèo. An trí vô thời hạn.
Thiên Hồng giật mình:
- An trí vô thời hạn? Nghĩa là…
Thằng Dương nói, giọng run run:
- Vâng, nghĩa là khổ sai chung thân. Nếu em có hạnh kiểm tốt, thì sau một thời gian có thể được ân xá. Em hi vọng từ 10 đến 15 năm sẽ được trở về… Tội nghiệp cho mẹ và chị. Em…
Ngồi bên em, Thiên Hồng để tâm trí ở tận đâu đâu. Đột nhiên nàng hỏi em, giọng cắt quãng:
- Dương ơi, em bị đánh đau không?
Thằng Dương đáp:
- Kể ra cũng đau…em bị đánh chừng hai chục roi. Nhưng em không biết đau nữa. Thương mẹ và chị, lòng em còn đau đớn hơn nhiều. Chị Thiên Hồng ơi, chị thương em không?
Thiên Hồng sa sầm nét mặt:
- Dĩ nhiên là chị thương em. Chị thương em hơn cả thương chị nữa. Tại sao em lại hỏi chị như vậy?
Giọng thằng Dương bỗng hớn hở:
- Ông chánh sở nói rằng em bị tù hay không là tuỳ chị.
- Tuỳ chị?
- Vâng, tuỳ chị.
Thiên Hồng ngước nhìn gã đàn ông ngậm ống điếu dài ngoẵng, đang ung dung rít thuốc lá thơm ngào ngạt.
Đón trước luồng nhỡn tuyến của nàng, hắn mỉm cười:
- Tôi là Phạm Nghị, đại uý Phạm Nghị. Phải, cậu Dương nói đúng. Nội ngày mai, cậu ấy sẽ được đưa tới một trại tập trung ở nơi rừng thiêng nước độc, gần biên giới Trung Quốc. Hẳn cô đã biết rằng lên đấy thì ít hy vọng trở về. Bản thống kê mới nhất của Công an cho biết tỉ lệ thiệt mạng về bệnh báng nước là 85 phần trăm. Nghĩa là trong 100 phạm nhân, thì 85 chết vì báng nước. Số còn lại…
Phạm Nghị dừng một lúc, rít tẩu thuốc, vẻ mặt mơ màng. Rồi tiếp, giọng bình thản:
- Thôi, tôi chẳng muốn nói thêm nữa. Tội của em cô rất nặng, ra toà thì tử hình hoặc chung thân như chơi. Như cô đã biết, chế độ ta đặt nặng vấn đề liên đới trách nhiệm. Em cô bị trừng phạt đã đành, cả mẹ cô và cô cũng có thể bị tội nữa.
Tuy nhiên…
Phạm Nghị ngừng lại lần nữa. Dáng điệu từ tốn, hắn nhấc cặp kính dâm to tướng ra khỏi mắt, rồi dằn từng tiếng:
- Tuy nhiên, xét hồ sơ phục vụ mẫn cán của cô trong cơ quan, tôi đang tìm cách cứu cô.
Thiên Hồng sướng rơn như kẻ sắp chết đuối với được cái phao trên biển động đầy sóng dữ:
- Thưa đại uý, nền công lý của chế độ ta rất công minh. Tôi tin rằng…
Phạm Nghị nhăn mặt:
- À, nếu cô tin vào công lý công minh thì tôi xin rút lui, không bàn thêm nữa.
Thiên Hồng cuống quýt:
- Thưa, tôi đâu dám quên ơn của đại uý. Nếu đại uý giáng phúc thì trọn đời tôi sẽ không bao giờ dám…
Phạm Nghị cướp lời:
- Tôi không có quyền vượt qua chỉ thị của thượng cấp, nói vậy chắc cô đã hiểu. Tuy nhiên, tôi cần nói rõ cho cô biết là mọi việc đều tuỳ ở cô.
- Thưa tôi xin hết lòng. Tôi sẵn sàng hy sinh cho em tôi.
- Vậy thì được, song cô cần suy nghĩ thêm nữa. Vả lại, tôi cũng cần có thời giờ báo cáo lên thượng cấp để xin chỉ thị mới. Bây giờ, tôi cho đưa bà cụ và em cô về tạm phòng giam.
- Còn tôi…
- Cô hãy ngồi lại đây.
Thằng Dương nắm chặt cánh tay của Thiên Hồng, bộc lộ niềm hoan hỉ vô biên.
Ngược lại, bà mẹ nhìn Phạm Nghị, nét mặt tái mét, ngón tay run run. Với ngần ấy năm tháng trên đầu, bà đã đoán biết Thiên Hồng phải ở lại trong phòng để làm gì.
Tuy nhiên, bà nín thinh, vì sợ nói ra thằng Dương sẽ khóc rú lên. Bằng cặp mắt buồn rầu bà liếc nhìn con gái. Thiên Hồng dựa lưng vào ghế, mấy sợi tóc loà xoà trên mặt, miệng mím lại như sợ mở ra thì thành tiếng nức nở.
Trong cơn phiền muộn, Thiên Hồng đẹp lạ lùng. Nàng giống bà như tạc. Hồi còn xuân sắc bà đã nổi tiếng hoa khôi trong làng.
Bà đứng dậy, đặt bàn tay răn reo lên vai nàng:
- Mẹ cầu xin trời Phật gia hộ cho con.
Thiên Hồng cười gượng:
- Mẹ đừng ngại. Em con vô tội, tất sẽ được trả tự do. Con tin rằng đêm nay mẹ con ta sẽ được về nhà.
Chờ cho cánh cửa sang phòng bên được đóng chặt, và trong phòng chỉ còn một mình Thiên Hồng, đại uý Phạm Nghị mới cất tiếng:
- Tôi rất buồn lòng mà cho cô biết rằng thằng Dương đã nói dối. Tập truyền đơn phản động khám thấy trong bìa sách mới là một trong nhiều bằng chứng kết tội nó.
Thiên Hồng lắp bắp:
- Thưa, em tôi rất hiền lành.
- Hừ, tẩm ngẩm tầm ngầm đấm ngầm chết voi, cô không biết sao? Nếu cô còn ngờ vực tôi sẽ cho cô đọc lời khai của đồng loã.
Vừa nói, Phạm Nghị vừa đẩy về phía Thiên Hồng một tập hồ sơ bìa đỏ.
Không cần mở ra coi, nàng đã biết nội dung. Một khi đã vào phòng thẩm vấn của Công an Hàng Cỏ thì có tội hay vô tội không thành vấn đề nữa.
Nàng thở dài não nùng:
- Thôi trăm sự nhờ lượng khoan hồng của đại uý. Nếu em tôi được tha, đại uý sai tôi nhảy vào đống lửa tôi cũng không dám từ.
Phạm Nghị nhún vai:
- Biết cô là người tốt, giàu lòng hy sinh nên tôi mới tìm cách cứu gia đình cô ra khỏi cảnh lao lung. Vả lại chẳng riêng cô, bất cứ ai vào trường hợp này cũng phải lo cho mạng sống trước đã. Sống trước đã rồi hãy tính, phải không cô? Tôi sẽ huỷ tập hồ sơ kết tội cô nếu cô chịu hy sinh đúng mức…
- Thưa, nếu sự hy sinh này nằm trong khả năng của tôi.
- Dĩ nhiên, không lẽ tôi đòi cô hy sinh cuộc đời của người khác. Nói đúng ra, việc này rất dễ. Cô chỉ cần tạm hiến thân thể cô cho tổ quốc.
Thiên Hồng vẻ mặt sửng sốt:
- Thưa, tạm hiến thân thể là thế nào? Từ nhiều năm nay, tôi đã hiến đời tôi cho Đảng, và cho tổ quốc.
Phạm Nghị cười lớn:
- Không, không phải thế. Giản dị như 2 với 2 là 4 mà cô không kịp hiểu ư?
Thiên Hồng giật mình.
Trong vòng nửa giây đồng hồ nàng vụt hiểu như có người thét lớn vào tai.
Nàng định nói là đã hứa hôn và sắp sửa thành thân, song tiếng kêu phản đối của nàng bị vướng mắc trong cuống họng. Nàng biết công an nói là làm. Nếu nàng bướng bỉnh, thằng Dương sẽ mất xác trên thượng du sau nhiều năm chặt cây, rẫy cỏ trong rừng rậm. Thằng Dương bị đi đày thì mẹ nàng sẽ ốm mòn mà chết.
Mà vị tất Công an sẽ trả tự do cho nàng…
Thiên Hồng nhắm nghiền hai mắt.
Nàng muốn được bình tâm chốc lát để mường tượng tới khuôn mặt khả ái và dáng dấp khoan thai của Chàng. Vào giờ này, chắc Chàng đã yên giấc trong căn phòng chật hẹp, luôn luôn có bình hoa tươi trên bàn, bình hoa nàng mua tặng chàng, cắm đầy hoa hồng, để chàng nhớ tới tên nàng, Thiên Hồng, hoa hồng của trời…
Phạm Nghị nhắc lại:
- Cô Hồng? Cô bằng lòng rồi chứ?
Thiên Hồng lặng thinh.
Giọng nói của Phạm Nghị vẫn chát chúa:
- Phải, bằng lòng là phải. Nào, cô ký tên vào tờ giấy này. Nhanh lên, thằng Dương sẽ được phóng thích. Cô sẽ được đoàn tụ với mẹ cô, với em cô.
Thiên Hồng cầm bút ký lia lịa vào tờ giấy được đánh máy sẵn. Nàng không đọc nên không biết tờ giấy có gì. Dầu đọc nàng cũng không thấy gì hết vì mắt nàng đã hoa mờ.
Phạm Nghị nói:
- Tôi sẽ ra lệnh ngay bây giờ cho nhân viên Công an lái xe đưa bà cụ và cậu Dương về nhà.
Thiên Hồng nói như trong cơn mơ:
- Còn tôi?
- Ồ, trong vòng một giờ nữa, cô sẽ được về thu xếp quần áo để lên đường công tác.
- Thưa, đại uý đưa tôi đi đâu?
- Đêm nay, cô sẽ biết.
- Đại uý muốn tôi làm gì?
- Lát nữa, cô sẽ biết.
Thiên Hồng khép nép ngồi xuống ghế.
Phạm Nghị xua tay:
- Không, mời cô đứng dậy. Trước khi nhận việc, cô cần tập dượt lại cho thuần thục. Phiền cô sang bên này.
Như người máy, Thiên Hồng theo Phạm Nghị vào gian phòng nhỏ không có cửa sổ. Cái máy điều hoà khí hậu gắn trên tường buông ra âm thanh rè rè buồn ngủ.
Đồ đạc trong phòng gồm vẻn vẹn một cái giường trải ga trắng muốt, vuông góc, và hai cái gối màu hồng, thêu chim nhạn. Phạm Nghị đóng chặt cửa.
Vụt hiểu, Thiên Hồng lùi lại, định trốn ra ngoài. Song nàng không còn nghị lực nữa. Nàng gieo mình xuống giường, nước mắt ướt đầy áo. Bên tai nàng đột nhiên văng vẳng tiếng ru con trầm trầm và tha thiết của thiếu phụ hàng xóm ru con mỗi đêm trong ngõ Hàng Khoai quen thuộc:
Nghĩ thân đến kiếp lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Hai câu thơ đầy xúc cảm của Nguyễn Du nàng thường nghe khi nằm trên giường, sửa soạn ngủ. Nàng không ngờ ý thơ chua xót ấy lại đúng với tâm trạng rối như tương hiện nay của chàng. Nếu biết có sự xảy ra thế này, nàng đã không khó khăn với chàng. Nhiều lần, nàng đã cố gắng tự kiềm chế, với hy vọng gìn giữ cho tình yêu trong sạch dễ lâu bền.
Phạm Nghị vứt tẩu thuốc lá xuống bàn, giọng lè nhè:
- Thiên Hồng, cô còn đợi gì nữa?
Thiên Hồng gục mặt vào đôi gối thêu. Nàng không buồn chống cự khi bàn tay thô bạo của đại uý Phạm Nghị đặt lên khuy áo của nàng.
Nghẹn ngào, Thiên Hồng cố gắng liên tưởng tới Bùi Minh.
***
Bùi Minh nhìn chiếc đồng hồ báo thức trên bàn.
Trời đã khuya lắm.
Dưới đường, thành phố Hà Nội ngủ say li bì. Thỉnh thoảng, một chiếc xe Công an tuần tiễu phóng qua, bắn nước tung toé. Tàu Phòng đã vào ga Hàng Cỏ từ lâu. Tất cả chìm trong im lặng.
Cao lớn, rắn rỏi, cương nghị, Bùi Minh là mẫu thanh niên mà phụ nữ coi là người yêu lý tưởng. Mắt chàng sáng như điện, nhưng đến khi nhìn đàn bà lại tuyệt đối dịu dàng. Cái miệng duyên dáng của chàng đã làm nhiều thiếu nữ cô đơn Hà Nội giật mình quay gót trên vỉa hè, và đáp lại bằng luồng nhỡn tuyến thèm khát, mời mọc công khai.
Bùi Minh lặng lẽ kéo riềm che cửa sổ.
Vào giờ này, chàng không thể để người khác biết chàng còn thức. Căn phòng nhỏ của chàng toạ lạc trong một bin đinh mới cất gần chợ Đồng Xuân.
Kéo màn cửa xong, Bùi Minh đảo mắt quanh phòng. Chàng vẫn có thói quen thận trọng này mỗi khi bắt tay vào việc. Cái đĩa đựng tàn bằng đất sét nung Bát Tràng vẫn còn nguyên trên bàn giấy, cạnh đồng hồ báo thức Jazz, khung kính tròn đã nứt rạn. Đôi giầy lấm bùn bê bết được vứt lỏng chỏng trong xó.
Bùi Minh lục túi lấy ra một tờ giấy trắng. Đoạn chàng cặm cụi lấy bút chì nguyên tử đỏ viết lên trên. Đọc lại mảnh giấy cho thuộc làu, chàng đánh diêm đốt thành than đoạn ném từng mẩu than nhỏ vào chậu sứ rửa mặt, giật nước cho chảy hết.
Bùi Minh châm thuốc hút, rồi ngồi bất động trong ghế, mắt lơ đãng nhìn lên trần nhà loang lổ, đầy mạng nhện. Nhiều đêm, chàng thường ngồi một mình như vậy hàng giờ. Bạn bè cho chàng là thanh niên lãng mạn. Riêng chàng, chàng tự biết là không lãng mạn chút nào. Nếu muốn lãng mạn, chàng cũng không có thời giờ nữa.
Chàng cần ngồi im lặng để suy nghĩ vì chàng có nhiều việc quan trọng phải làm hàng ngày, và chàng không thể hoàn thành một cách cẩu thả.
Thốt nhiên, Bùi Minh nghe tiếng xăng đan dẫm nhè nhẹ trên cầu thang. Chàng nín thở, lắng tai nghe.
Bin đinh chàng ở thuộc loại dành cho chuyên viên ngoại quốc nên cầu thang được lót thảm cao su êm ái. Cố vấn đi chơi đêm về muộn là thường. Và đêm đêm, Bùi Minh thường nghe tiếng giày đạp nhẹ nhàng lên gác, trong khi mùi thuốc lá ăng lê đắt tiền thoang thoảng khắp hành lang.
Song đây không phải tiếng giày tàu mà là tiếng dép xăng đan. Chàng không thể nào lầm được.
Tiếng dép rụt rè này, chàng đã nghe nhiều lần. Bùi Minh dụi mẩu thuốc cháy dở rồi đứng dậy, mở hé cửa, nhìn ra ngoài.
Ánh điện trong phòng chiếu một vệt sáng dài trên hành lang. Bùi Minh hơi ngạc nhiên mặc dầu chàng đã đoán được người sắp tới là Nàng.
Thiên Hồng. Người yêu của chàng.
Thấy chàng, Thiên Hồng mừng rú.
Chàng tránh sang bên cho nàng bước vào. Mặt nàng ngơ ngác như người lạc đường trong một thành phố quốc tế mới đến thăm lần thứ nhất. Tóc nàng thường ngày được gỡ chải tươm tất, công phu và đẹp mắt lại rối bù, khiến thoạt trông chàng biết nàng có chuyện ưu tư.
Thỉnh thoảng, nàng vẫn tới phòng chàng. Song chưa khi nào nàng tới ban đêm. Mỗi khi đi chơi về tối, nàng vẫn tìm cớ thoái thác để khỏi lên phòng chàng, sợ thiên hạ dị nghị.
Bùi Minh lên tiếng:
- Có chuyện gì, hả em?
Thiên Hồng cảm thấy nghẹn ở cổ họng. Nàng tấm tức khóc. Bùi Minh hỏi gặng:
- Người ta làm khó dễ em phải không?
Thiên Hồng thở dài trong nước mắt lã chã:
- Không.
Rồi nàng nghẹn ngào:
- Anh ơi, chúng mình sắp phải xa nhau.
Bùi Minh lặng người trong một phút đồng hồ. Chàng đã trù liệu mọi trường hợp, song trường hợp dễ xảy ra nhất - xa cách đột ngột - chàng lại quên không nghĩ tới. Có lẽ vì chàng không tin là hai người lại có thể phải sống xa nhau, dầu là xa nhau trong một thời gian ngắn.
Chàng là nhân viên ngoại giao Lào quốc, nàng là nữ viên chức trong bộ Ngoại giao Hà Nội, hai người không cùng quốc tịch, nhưng đều nói tiếng Việt, và hội đủ điều kiện thành vợ chồng.
Bùi Minh hỏi dồn:
- Em nói sao? Anh về nước rồi lại sang ngay, anh có ở luôn bên ấy đâu mà em lo ngại?
Thiên Hồng nói:
- Không, không phải chuyện ấy.
Một giọt bồ hôi lấp lánh trên vầng trán rộng của hoa tiêu Bùi Minh:
- Vậy là chuyện gì?
Giọng Thiên Hồng run run:
- Em sắp phải từ giã Hà Nội.
Bùi Minh nắm chặt bàn tay để ngăn xúc động. Chàng cố hỏi bằng giọng bình thản:
- Em đi đâu?
- Đi Vạn Tượng.
- Lạ thật, em sang Lào làm gì?
- Bộ thuyên chuyển em qua Vạn Tượng. Em phải lên phi cơ nội đêm nay.
Bùi Minh bắt đầu hoàn hồn:
- Gớm, em làm anh suýt ngạt thở. Nếu em được đổi sang Lào thì cũng thuận tiện cho cuộc hôn nhân của hai ta.
Nghe tình nhân an ủi, Thiên Hồng cảm thấy trong lòng nao nao. Nàng ngồi yên, xiết chặt bàn tay Bùi Minh, như sợ chàng tan ra thành khói và biến vào hư vô.
Tấn kịch bẩn thỉu đến lợm mửa vừa diễn ra trong gian phòng gắn máy điều hoà khí hậu của đại uý Phạm Nghị còn đọng lại dư vị tanh tưởi như mùn thớt trong cơ thể nàng. Suốt đời, nàng sẽ không bao giờ quên những cử chỉ thô bạo của gã đàn ông mà nàng không quen và không yêu song nàng phải miễn cưỡng chiều chuộng dưới ánh đèn nê-ông sáng quắc trơ trẽn như trong nhà chứa.
Nàng muốn nhổ bãi nước bọt khi ấy để tỏ bày sự kinh tởm, song lại dằn níu vì nghĩ đến mẹ và em. Trinh tiết là của hồi môn vô giá của con gái, nhưng sự an toàn của mẹ và em nàng còn quan trọng hơn sinh mạng nàng nhiều lần.
Phạm Nghị rít hơi thuốc thơm, rồi nằm dài trên giường. Giọng kẻ cả, Phạm Nghị nói cho nàng nghe những việc phải làm.
Nàng sẽ đi Vạn Tượng. Giữ chức vụ thư ký trong toà đại sứ, nàng sẽ chẳng phải làm gì. Vì bổn phận của nàng là tìm mọi cách để chinh phục đệ nhị tham vụ Hoài Thanh.
Khi Phạm Nghị nhắc tên Hoài Thanh, Thiên Hồng ồ lên một tiếng, nửa sửng sốt, nửa khinh miệt. Phạm Nghị mỉm cười:
- Cô còn nhớ Hoài Thanh không?
- Nhớ. Tôi quen hắn từ lâu. Hắn tỏ tình với tôi nhiều lần. Vì sợ hắn buồn tôi không cự tuyệt thẳng tay. Song chưa bao giờ tôi yêu hắn, và hắn cũng biết như vậy.
- Tưởng cô đã quên hắn, nếu cô còn nhớ thì công việc giải thích của tôi đã nhẹ được hai phần. Hoài Thanh vẫn trung thành với cô như con chó trung thành với chủ. Trước khi quyên sinh hụt, hắn viết cho cô một lá thư lời lẽ vô cùng tha thiết. Vì vậy, tôi tin rằng nhiệm vụ của cô ở Vạn Tượng sẽ dễ dàng, cũng dễ dàng như trở bàn tay.
- Tại sao đại uý lại chọn tôi?
- Thứ nhất, Hoài Thanh yêu cô nhất đời. Cô bảo hắn moi gan, móc ruột gì để chứng tỏ tình yêu, hắn cũng nghe theo. Thứ hai, cô không yêu hắn. Vì nếu cô yêu hắn thì công việc hỏng bét.
- Bao giờ tôi được trở về Hà Nội?
- Chậm nhất là ba tháng. Công việc xong xuôi, cô sẽ được chuyển hồi về Bộ, đoàn tụ với gia đình. Cô sẽ được cấp trên thăng thưởng. Song lẽ…
Phạm Nghị nhìn nàng bằng đôi mắt long sòng sọc:
- Song lẽ, tôi muốn nhấn mạnh điều này với cô. Một điều vô cùng quan trọng, định đoạt cho sự thành bại của công tác. Đó là bí mật. Cô phải giữ bí mật tuyệt đối. Thế nào là bí mật tuyệt đối, cô biết không?
- Bí mật tuyệt đối, nghĩa là không được thổ lộ cho ai biết, dầu là người thân nhất…
- Đúng. Lát nữa về nhà, cô chỉ nói với mẹ cô và em cô rằng cô được biệt phái vào Liên khu IV một thời gian. Nhớ chưa? Cô không được nói là đi Vạn Tượng.
- Vâng. Tôi xin tuân lệnh.
- Đúng 5 giờ sáng máy bay cất cánh. 4 giờ

xe hơi riêng của tôi tới đón cô tận nhà. Đúng 4 giờ rưỡi, không nhanh cũng không chậm phút nào. Yêu cầu cô lấy đồng hồ lại theo đồng hồ của tôi.
Thiên Hồng ngồi nhỏm dậy:
- Thưa đại uý, tôi về nhà được chưa?
Phạm Nghị cười hô hố:
- Ồ, mới xong việc thứ nhất. Còn việc thứ nhì, cũng quan trọng không kém. Nhiệm vụ của cô là chinh phục Hoài Thanh. Hẳn cô đã biết hắn là thằng đàn ông xấu xí và bẩn thỉu nhất trên đời. Thế mà cô vẫn vui vẻ hiến thân cho hắn. Muốn học được sự vui vẻ này, cô phải tập luyện với tôi. Cô là người thông minh nên chỉ cần rượt vài ba lần, trong một giờ đồng hồ mà thôi.
- Xin đại uý rộng lượng tha cho tôi.
- Đồ ngu. Phải xưng là em, nghe không? Xưng là em thì thằng Hoài Thanh mới dễ sa bẫy.
- Vâng, em xin nghe lời ông dạy.
- Trời ơi, có lẽ phải ăn đòn mất thôi. Xưng là em, nhưng lại phải gọi đàn ông là anh. Gọi là anh cho thân mật. Thân mật như thế này này…
Phạm Nghị sát vào người nàng. Khi ấy nàng mới nhớ ra trên người không còn manh áo nào hết. Lần đầu tiên nàng thất thân. Thường lệ, nếu bị cưỡng bức, nàng đã kháng cự kịch liệt. Song nàng lại nằm yên một cách ngoan ngoãn.
Nàng có cảm tưởng là thân thể nàng đã chết.
Xe hơi Công an chở nàng về gần ngõ Hàng Khoai và đậu lại cho nàng xuống.
Song nàng không về nhà. Ba chân, bốn cẳng, nàng ù té chạy đến phòng Bùi Minh. Nàng không hiểu tại sao lại đến với chàng giữa đêm hôm thanh vắng mặc dầu Phạm Nghị căn dặn là phải tuyệt đối giữ bí mật.
Có lẽ vì nàng đã thất thân với Phạm Nghị và mai đây còn phải thất thân với nhiều kẻ khác. Nàng nhận lời bước vào vũng bùn là để cứu mẹ và em ra khỏi vòng lao lý. Song nàng không thể hy sinh luôn mối tình đẹp đẽ với chàng.
Sau cơn giông bão, nàng yêu chàng hơn lên. Vì vậy, nàng phải báo tin cho Bùi Minh biết. Nàng phải cho chàng biết là nàng sắp qua Vạn Tượng, đóng vai trò tình nhân hờ của đệ nhị tham vụ sứ quán Hoài Thanh.
Bùi Minh nâng cằm nàng lên và hôn một cách âu yếm:
- Trông em xơ xác như người bị thu hồn. Em có chuyện gì khó khăn cứ tâm sự với anh, anh sẽ tìm cách giúp em. Em đừng ngại, dầu anh phải hy sinh tất cả, anh cũng không nề hà.
Thiên Hồng ôm tình nhân, khóc như mưa như gió.
Chàng ngồi xuống, vuốt tóc cho nàng, giọng ôn tồn:
- Đừng khóc nữa em… người ta nghe được thì phiền lắm. Em kể anh nghe đi. Ai ức hiếp em?
Bằng giọng nhát gừng, xen lẫn tiếng nấc, Thiên Hồng thuật lại cuộc đối thoại giữa nàng và đại uý Phạm Nghị. Dĩ nhiên, nàng không cho Bùi Minh biết hết sự thật đê tiện và đau đớn đã xảy ra trên cái giường trải nệm trắng tinh.
Bùi Minh hơi cau mặt, nhưng chỉ nửa phút sau lấy lại vẻ bình tĩnh cố hữu.
Thiên Hồng hôn vào mặt chàng:
- Thôi, thế là hết. Chúng mình sẽ xa nhau, không bao giờ được gặp lại nữa.
Bùi Minh lướt bàn tay trên bờ vai tròn trĩnh mát rợi của nàng:
- Hừ, em của anh chỉ nói gở thôi. Anh xin hứa với em là chúng mình sẽ được tái ngộ trong một thời gian rất ngắn. Em hãy yên tâm, anh sẽ tìm em tại Vạn Tượng.
- Ồ, em sung sướng quá. Giá phải chết, em cũng không phàn nàn.
Thiên Hồng rúc đầu vào ngực Bùi Minh. Nàng mừng rỡ đến nỗi nước mắt tuôn ròng ròng mà không biết.
Bùi Minh hít nhè nhẹ như muốn thu gọn vào lồng ngực lực lưỡng mùi hương thơm mát độc đáo của da thịt Thiên Hồng mà chàng biết còn trinh nguyên. Chàng không thể dối lòng thêm nữa. Chàng đã yêu nàng bằng mối tình chân thành. Tuy nhiên, chàng không có đủ can đảm nói hết với nàng những mong ước sôi nổi giấu chặt trong lòng…
Nhìn đồng hồ, Thiên Hồng hốt hoảng:
- Đến giờ rồi, em đi đây.
Nhanh nhảu, nàng gài lại áo dài. Nhớ lại lúc Phạm Nghị ném áo nàng xuống giường, Thiên Hồng giận sôi sùng sục. Nếu có hoàn cảnh thuận tiện, nàng quyết rửa nhục.
Bùi Minh vòng tay sau lưng nàng, miệng hạ xuống. Thiên Hồng ngửa cổ, hé mở đôi môi chín mọng, hai mắt nhắm nghiền, đê mê nhận cái hôn đắm đuối của Bùi Minh.
Toàn thân run lẩy bẩy, nàng bấu lấy cánh tay rắn chắc của chàng, rồi thốt ra những tiếng ú ớ nho nhỏ, tràn đầy khoái cảm.
Thiên Hồng đã ra đến cửa. Bỗng Bùi Minh gọi giật lại, ngón tay trỏ đặt trên môi:
- Em nên cẩn thận hơn nữa.
Thiên Hồng nói, giọng cả quyết:
- Xin anh tin ở em. Lúc lên đây em đã đi vòng cửa sau, và không thấy ai em mới trèo cầu thang.
Bùi Minh hôn gửi nàng:
- Em thông minh lắm. Chào em. Tuần này, chúng mình sẽ tái ngộ nhau tại Vạn Tượng.


Thiên Hồng đi rồi, Bùi Minh lâng lâng như người say rượu. Chàng cảm thấy hối hận vì đã hứa với nàng. Chàng không hiểu sao lại có thể cam kết một cách hấp tấp như vậy.


Đành rằng chàng yêu nàng thắm thiết và nuôi hy vọng cưới nàng làm vợ, chàng đang còn nhiều công tác hệ trọng khác đè nặng trên vai, và những công tác khó khăn này không cho phép chàng hò hẹn với phụ nữ.


Bùi Minh thở dài.
Tiếng dép quen thuộc của Thiên Hồng chìm dần trong sự im lặng của đêm khuya.


Trận mưa nửa đêm đã tạnh.
Bùi Minh nhún vai, châm thêm điếu thuốc. Rồi chàng đóng cửa phòng, nhanh nhẹn bước ra ngoài.
Hành lang vắng ngắt.
Ngọn đèn 10 nến treo lắc lư ở cuối hành lang không đủ chiếu sáng những cánh cửa sơn màu xám và cái thảm lót chân dày cộm màu đen. Hai bên tường, vôi lở ra từng mảng lớn, trông nham nhở như da mặt của người gái chơi về già bị mốc meo vì trát phấn quá nhiều.
Bùi Minh nhìn xuống đường.


Con đường nhựa đen sì nằm duỗi giữa hai rặng cây khẳng khiu. Gió thổi rào rào, những hạt mưa đọng lại trong lá đua nhau rơi xuống mặt đất. Quang cảnh ban đêm ở Hà Nội buồn lạ lùng.
Chép miệng, Bùi Minh tiến về phía thang gác.


Xuống gần tới nhà dưới, chàng dừng lại. Tên gác bin đinh chắc đã ngủ mê mệt từ nửa đêm. Bin đinh có hai lối ra vào, chàng thường đi bằng cửa sau, vì cửa này ăn thông ra một ngõ hẻm luôn luôn tối om.
Một lát sau, Bùi Minh vòng vào đường Hàng Chiếu.


Ngoại trừ những xa phu ngủ gà ngủ gật trên càng xe, đường phố không còn một ai. Đèn điện trong nhà cũng tắt hết. Xa xa, vẳng lại tiếng gió khuya rít trên bờ đê. Bùi Minh tưởng như nghe cả tiếng sóng réo nỉ non dưới sông Hồng quái đản.


Tới ngã tư, chàng tạt vào dưới mái hiên.
Chàng loay hoay rút thuốc lá ra hút. Tuy nhiên, nếu ai nhìn xuyên qua màn tối thì sẽ nhận ra cặp mắt sáng như điện của chàng. Giả vờ đánh diêm, Bùi Minh đảo mắt quan sát tứ phía.
Tới khi chắc chắn không bị ai theo, chàng mới ung dung hút thuốc lá rồi rẽ vào một con đường nhỏ.


Nơi chàng đến là một ngôi nhà hai tầng nhỏ xíu, nằm gọn trong xó đường, đối diện toà biệt thự cổ đổ nát vì bom đạn từ nhiều năm trước mà chưa được trùng tu.


Tuy trời tối như hũ nút, Bùi Minh vẫn nhận ra từng phiến đá, từng viên gạch của căn nhà quen thuộc này. Dưới nhà có một cánh cửa gỗ xiêu vẹo. Đẩy vào, khách sẽ đặt chân lên một nền gạch ướt át và mốc meo quanh năm. Đâu đây có tiếng muỗi đói vo ve. Vài con dơi đập cánh sàn sạt trong góc nhà, tạo ra một âm thanh rùng rợn.
Bóng Tối Đồng Pha Lan
Lời chú thích quan trọng của tác giả:
Phần I
Phần I (b)
Phần I (c)
Phần I (d)
Phần II (a)
Phần II (b)
Phần II (c)
Phần III (a)
Phần III (b)
Phần IV
Phần IV (b)
Phần IV (c)
Phần V
Phần V (b)
Phần V (c)
Phần VI
Phần VI (b)
Phần VI (c)
Phần VI (d)
Phần VI (e)