watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bóng Tối Đồng Pha Lan-Phần II (a) - tác giả Người Thứ 8 Người Thứ 8

Người Thứ 8

Phần II (a)

Tác giả: Người Thứ 8

Phạm Nghị bật thêm ngọn đèn trên bàn giấy cho sáng. Tiện tay, hắn bưng ly cà phê đen lên miệng.


Từ tối đến giờ, hắn uống không biết là ly cà phê thứ mấy rồi. Có lẽ là ly thứ sáu. Y uống cà phê chát, không pha đường. Uống bao nhiêu cũng chưa hết mỏi mệt.


Lưỡi hắn đã rát bỏng vì khói thuốc lá. Hắn phải vận dụng cà phê và thuốc lá để kích thích thần kinh. Vì công việc hắn đang làm rất quan trọng, khả dĩ định đoạt cho tương lai hắn, và tương lai của nền điệp báo Bắc Việt mà hắn là thành phần trung kiên, đầy triển vọng.
Bản phúc trình đã được đánh máy xong xuôi.


Nửa giờ nữa, phi cơ mới cất cánh đi Khang Khay trên đường về Hà Nội. Một nhân viên giao liên tin cậy sẽ mang tờ báo cáo về Hà Nội. Tờ báo cáo được cuộn tròn, đút vào ống nhom, đầu gắn xi, đề phòng bị cháy hoặc rớt xuống nước. Vả lại, người lạ sẽ chẳng hiểu ất giáp gì nếu vạn nhất tờ báo cáo lọt vào tay.


Vì nó được viết bằng mật mã đặc biệt.
Phạm Nghị xoa tay, dáng điệu hỉ hả.


Tình hình xảy ra đúng theo sự tính toán của hắn. Trừ phi gặp rủi ro giờ chót, rủi ro bất khả kháng, hắn phải thành công rực rỡ. Hắn đã bố trí chu đáo. Trời cố tình hại hắn thì rủi ro mới có thể xảy ra…


Trung ương sẽ đánh điện ngợi khen. Nghĩ đến lúc nhận được công điện của Trung ương, Phạm Nghị cười híp hai mắt.


Hắn ngồi xuống ghế, duỗi tay chân cho đỡ mỏi gân cốt, rồi khoan thai đọc lại đoạn cuối của bản phúc trình, đoạn làm hắn thích thú nhất.
“…Hiện nay, tôi có thể báo cáo là phần đầu của kế hoạch Cửu Long đã hoàn tất.
“Tuân lệnh đại tá Trần Chương, tôi đã bố trí cho đệ nhị tham vụ Hoài Thanh sa vào vòng trụy lạc, và rốt cuộc hắn đã thâm lạm tiền quỹ của toà đại sứ.
“Từ ngày Hoài Thanh được thuyên chuyển sang Vạn Tượng đến nay, tôi đã thu xếp cho hắn có cơ hội đọc một số tài liệu mật. Dĩ nhiên, đó chỉ là tài liệu không quan trọng, hoặc tài liệu giả tạo.
“Nội ngày mai, Hoài Thanh sẽ đến sứ quán Mỹ. Tôi tin rằng bọn CIA sẽ rơi vào bẫy của chúng ta. Và một khi chúng mắc mưu, thì phe xã hội chủ nghĩa sẽ chiếm phần thắng chắc chắn trên khắp các chiến trường Đông Nam Á.


Trong mọi bản báo cáo, nhân viên đều phải mở đầu và kết luận bằng câu nói tin tưởng vào sự thành công của phe xã hội chủ nghĩa. Đại uý Phạm Nghị không thể thoát ra ngoài khuôn sáo cố hữu. Vả lại, hắn đã tin tưởng thực sự.


Lim dim mắt, Phạm Nghị tự thưởng cho mình một tẩu thuốc. Thuốc tẩu Dunhill do Anh quốc chế tạo được coi là đắt tiền nhất thế giới lại còn trộn thêm á phiện và một số kích thích tố khác nữa, nên phải là người có đủ điều kiện như Phạm Nghị mới mua nổi và tiêu thụ hàng ngày.


Cử chỉ trịnh trọng, hắn xoè cây diêm, đợi cháy đều mới lia vòng tròn trên miệng tẩu. Đốt lửa cũng là một nghệ thuật: nếu cối thuốc cháy không đều hoặc chưa cháy đã tắt, người hút sẽ mất thích thú.
Phạm Nghị ngửa cổ thở làn khói xanh lên trần nhà.


Một phút sau, hắn mở choàng mắt.
Tấm ảnh bán thân đặt ngay ngắn trên bàn nhìn thẳng vào mặt Phạm Nghị, hơi mỉm cười.


Đó là bức hình của vợ hắn. Phạm Nghị mới cưới vợ được 10 tháng. Tuy là sĩ quan điệp báo được tín nhiệm, hắn vẫn không được phép đưa gia đình sang Lào. Hắn không tỏ vẻ buồn tủi vì hầu hết nhân viên trong ngành ngoại giao đều ở trong hoàn cảnh Ngưu Lang, Chức Nữ như hắn.
Sở dĩ có sự hạn chế này là vì cấp trên sợ đàn bà nhẹ dạ dễ bị cám dỗ bởi cuộc sống sang trọng ở nước ngoài, do đó ảnh hưởng tới công việc của chồng. Mặt khác, là để ngăn chặn những âm mưu đào tẩu.


Song phần nào cũng vì thái độ ích kỷ của đại sứ Lê Văn Hiến và của Trần Cao Thanh, một nhân vật quan trọng trong sứ quán. Vợ Hiến. Lê Thị Xuyến, bị công tác phụ nữ giữ chân ở Hà Nội, ít khi xuất ngoại gặp chồng nên các nhân viên khác cũng phải bắt chước ông đại sứ, sống xa vợ con. (1)

1- Chi tiền này có thật


Trước khi được bổ nhiệm vào ngành ngoại giao, Trần Cao Thanh đã có vợ. Thanh lên chiến khu, ở nhà vợ hắn lặng lẽ ôm cầm thuyền khác. Cặp vợ chồng mới này dắt díu nhau qua Lào, khi Thanh về Hà Nội, với ý định đánh ghen. Họ đinh ninh thoát khỏi nanh vuốt của anh chồng cũ mọc sừng, song định mạng trớ trêu lại khiến Thanh được đổi qua Vạn Tượng. Lần này, và cũng là lần chót, họ quyết bay bổng một mạch. Họ thu xếp khăn gói, vù thẳng xuống Sài Gòn. (2)

2- Câu tru ện tình oái oăm này cũng có thật. Đôi uyên ương hiện đang sinh sống ở miền Nam Việt Nam. Trần Cao Thanh bị vợ bỏ nên không thích nhân viên sứ quán mang vợ con theo


Liên tưởng tới vợ nằm một mình trong một thị trấn quạnh quẽ bên giòng sông Hồng, Phạm Nghị trút ra tiếng thở dài ai oán.


Nếu có điều kiện, hắn đã bỏ lại tất cả, trở về xum họp với gia đình. Song hắn không có quyền. Hắn phải tiếp tục sứ mạng tình báo đã được giao phó.


Và nhất là hoàn thành cho kỳ được kế hoạch Cửu Long.
Nếu không…


Phạm Nghị không dám nghĩ xa thêm nữa. Nhân viên trung cấp trong sứ quán sợ hắn như sợ cọp, tưởng hắn có quyền tiền trảm, hậu tấu. Nhưng sự thật không quá giản đơn như thế. Đành rằng hắn muốn bắt ai, đánh ai, giết ai cũng được, song về phần hắn, hắn cũng có thể bị bắt, bị đánh, bị giết bất cứ lúc nào.


Người có quyền ra lệnh ghê gớm này là đại tá Trần Chương.
Công việc bất thành, đại tá Trần Chương tất sẽ bài tội hắn. Trăm dâu đổ đầu tằm, hắn sẽ có thể bị lột lon đại uý, giáng xuống binh nhì, và đưa đi cải tạo lao động.
Hàng chục viên tình báo đã trải qua cực hình ấy, Phạm Nghị chẳng lạ gì nữa. May gặp hồng vận, và có lẽ cũng vì đầy đủ bản lãnh, hắn luôn luôn thành công. Chỉ trong vòng hai năm ngắn ngủi từ trung uý hắn nhảy phóc lên đại uý tình báo.


Phạm Nghị suýt soa nhè nhẹ.
Nếu kế hoạch Cửu Long được thuận buồm xuôi gió, trong ba tuần nữa, hắn sẽ được đại tá Trần Chương cho về Hà Nội nghỉ phép.
Hắn sẽ có dịp dúi vào tay vợ hắn những lọ nước hoa Pháp thượng hạng, ở Hà Nội đắt hơn vàng nhưng ở Vạn Tượng lại quá rẻ. Trong chuyến phi cơ sắp đi Khang Khay - Hà Nội, Phạm Nghị gửi thư cho vợ, báo tin hắn sắp về…


Bỗng Phạm Nghị cứng hẳn người.
Ngọn đèn hiệu trước mặt hắn vừa bật, tắt, hai lần. Đó là tín hiệu của máy vô tuyến do một nhân viên gọi về.
Phạm Nghị áp ống nghe vô tuyến vào tai. Bồ hôi hắn toát ra ướt đầm cổ áo.
Nghe xong, hắn hỏi gặng:
- Sao? Tai nạn à? Tai nạn như thế nào? Việc gì không?
Phạm Nghị quăng máy xuống, lầm bầm như người mất trí:
- Khổ quá.
Hắn chạy vội ra cửa, quên mang theo cái tẩu tri kỷ.
Hình ảnh cuộc đoàn viên sắp tới ở Hà Nội đã tắt ngấm trong đầu đại uý Phạm Nghị. Lệ thường, hắn vẫn huýt sáo bài Quốc tế ca quen thuộc.
Bây giờ, hắn không hát được nữa. Hắn nói lảm nhảm một mình:
- Trời ơi, vậy thì chết tôi rồi.


***


Trước đó, thần Chết đa đoan đã hạ lưỡi hái sáng quắc xuống gian phòng ái tình của nàng Boun ở góc đường Sam sen Thai.


Đôi mắt lim dim như suốt ngày buồn ngủ của đệ nhị tham vụ Hoài Thanh bỗng mở rộng và đỏ lòm như vấy máu sau làn kiếng cận thị. Cái mũi cà chua của hắn rung rung trên cặp môi dày cộm, bọc quanh cái miệng cá ngão đang nhe ra, phô bày hàm răng vàng ệch và khập khễnh.


Nằm trên giường, nàng Boun thản nhiên chờ Hoài Thanh ném bức tượng bằng đồng nặng nề vào người.


Sở dĩ nàng thản nhiên vì nàng biết trước Hoài Thanh sẽ phải mê mẩn khi tới gần tấm thân cân đối của nàng. Trong những ngày ái tình miễn cưỡng, Hoài Thanh thường ghen tuông bốc đồng, hời hợt, dữ dằn và xuẩn động như thế.


Theo nàng, đó là trạng thái tất nhiên của những gã đàn ông xấu xí và bất tài, đeo đẳng mặc cảm tự ti trong tình trường, và ngàn năm một thuở - như chuột sa chĩnh gạo - được thần may mắn đưa vào tay một phụ nữ duyên dáng.


Song nàng Boun đã lầm.
Dầu nàng biểu diễn nhan sắc trong những động tác quyến rũ hơn nữa, Hoài Thanh vẫn không mềm lòng.


Trong lòng hắn vừa nhú lên hình ảnh một người đàn bà khác, cao quý gấp trăm gấp ngàn lần.


Người đàn bà đó là Thiên Hồng.
Nàng Boun chỉ là gái điếm thượng lưu. Hắn đã hy sinh vì nàng quá nhiều, hắn không thể tiếp tục hy sinh sự nghiệp và đời sống để nàng tiếp tục lang chạ mỗi đêm với những người đàn ông nhơ nhuốc khác.
Giơ bức tượng đồng lên khỏi đầu, Hoài Thanh rít lên:
- Đồ ngoại tình, Boun, đồ ngoại tình.
Nàng Boun vẫn tươi cười:
- Ồ, anh của em lại ghen rồi. Chóng ngoan, anh ngồi xuống đây với em. Em có dám ngoại tình với ai đâu.
Tài đóng kịch tuyệt diệu của nàng Boun chỉ gây ra tác dụng ngược lại, như đổ thêm dầu vào lửa. Giọng Hoài Thanh soắn tròn, nghe rởn gáy:
- Boun, mày phải chết. Tao sẽ giết mày…


Nàng Boun bắt đầu đọc thấy ý tưởng sát nhân ngùn ngụt trong mắt Hoài Thanh.


Nàng hốt hoảng vùng dậy. Hoài Thanh bặm môi, giáng bức tượng đồng xuống.


Nhanh như cắt, nàng Boun nhảy xổ xuống sàn nhà. Đánh hụt, Hoài Thanh mất trớn, suýt ngã chúi vào nệm giường.


Nhưng chỉ một giây đồng hồ sau, hắn đã quay lại. Nàng Boun lồm cồm bò dậy.
Nhanh trí, nàng thét to:
- Hoài Thanh, anh là đồ hèn. Chỉ có đồ hèn mới dùng bức tượng nặng 5 kilô để giết một người đàn bà yếu ớt, cô đơn, không có tấc sắt trong tay.


Hoài Thanh chùn tay lại trong một phản ứng tự nhiên của người đàn ông bị chạm tự ái.


Nàng Boun đã nói đúng. Đàn ông phương Tây đối xử với phụ nữ rất nhã nhặn. Nếu cần nặng tay với đàn bà, họ thường dùng cành hoa làm roi.
Hoài Thanh được hấp thụ văn hoá Tây phương nên đã hiểu lịch sự tối thiểu đối với phái yếu. Vì vậy, hắn thoáng nảy ra ý định tha cho nàng Boun.


Hắn buông tay cầm tượng đồng xuống. Nhưng cùng khi ấy, hắn nghĩ tới bàn tay thô bạo của đại tá Trần Chương mơn trớn làn da man mát và những đường cong chắc nịch. Và không riêng gì Trần Chương mà là hàng trăm, hàng ngàn gã con trai đầy kinh nghiệm khác.
Hắn bèn gằn giọng:
- Boun! Tao ghê tởm mày lắm rồi. Mày đừng giở trò ma mãnh với tao nữa. Tao nhất định không tha cho mày đâu.
Nàng Boun van lơn:
- Lạy anh, anh tha cho em. Em làm gì nên tội mà anh nỡ giết. Dầu sao…
- Hừ, làm gì nên tội… Mày nói ngọt như đường… Mày quên rằng vì mày mà tao mê say xóm Đồng Pha Lan, quên lãng nhiệm vụ. Vì mày mà tao mất chức. Vì mày mà tao bị ra toà, lãnh án… Bây giờ mày lại rủ rê tao bán linh hồn và thể xác cho quỷ sứ… Boun, trời gần sáng rồi, tao không thích rềnh rang thêm nữa…
Tao sẽ giết mày… Giết mày xong, tao sẽ đi thẳng tới Công an nhận tội.
- Xin anh thư thả cho em được bào chữa. Anh ơi, lòng em không phải là cuốn sách để em có thể mở từng trang cho anh đọc… Anh ơi, em luôn luôn yêu anh, suốt đời yêu anh… khi nào cũng chung thuỷ với anh… Em biết anh đang giận dữ cực độ. Kể ra, anh giận dữ rất đúng. Thái độ của anh chứng tỏ rằng anh yêu em vô cùng. Nhưng dầu sao anh cũng nên bình tâm xét lại… Nếu anh biết được.


Nàng Boun định nói rõ nguyên nhân thầm kín đã khiến đại tá Trần Chương có mặt trong phòng nàng. Nhưng nàng vội ngậm miệng. Nàng cảm thấy nói ra vô ích. Hoài Thanh càng giận dữ thêm lên.
Vả lại, đang còn Xiêng May…


Xiêng May, em ruột nàng, đang ở trong vòng lao lý. Xiêng May là tất cả của đời nàng. Nàng sẵn sàng hy sinh cho nó sống.
Nàng bỗng thèm sống thiết tha hơn bao giờ hết. Nếu muốn sống, nàng không còn cách nào khác, ngoài cách kháng cự.


Cũng như một số thiếu phụ khác của xã hội đèn màu, nàng Boun đã học nhu đạo. Nàng được huấn luyện thành thục về những môn võ có thể quật ngã đối phương trong chớp mắt. Nhiếu đêm lang thang một mình trên đường vắng, nàng đã có dịp thực hành bài học tự vệ, bẻ gãy xương tay của bọn xảm lồ làm nghề ăn sương.


Nàng Boun trở nên can đảm khác thường khi thấy Hoài Thanh quyết tâm hạ bức tượng khá nặng vào đầu nàng. Nàng đảo người sang bên để tránh, rồi ôm chầm áo sơ mi của Hoài Thanh.


Đánh sát lá cà, nàng Boun được lợi vì trên người nàng không có mảnh vải nào để Hoài Thanh có thể nắm được. Nàng Boun nhanh nhẹn quay lưng lại, định xốc Hoài Thanh lên vai và tung hắn xuống đất.


Nếu nàng khéo tay hơn nữa, Hoài Thanh đã bị chế ngự. Một phần mười phút đồng hồ luống cuống của nàng đã giúp Hoài Thanh gỡ được bàn tay nắm áo sơ mi.


Bức tượng đồng rơi vào vai nàng.
Nàng rú lên một tiếng vô cùng đau đớn.
Có lẽ xương quai xanh của nàng đã bị gãy. Song nàng vẫn không chịu nhả gã đàn ông. Nàng nghiến răng chịu đau, để lấy sức phóng mười đầu ngón tay nhọn hoắt vào giữa mặt hắn.
Đến lượt Hoài Thanh rú lên.


Máu trong mắt hắn tuôn ra xối xả. Mùi máu làm hai người hăng lên.
Nàng Boun cấu xé loạn xạ. Còn Hoài Thanh cứ đánh bức tượng đồng loạn xạ vào người nàng.


Nàng Boun loạng choạng ngã xuống.
Biết nàng chẳng còn hy vọng sống thêm bao lâu nữa nên Hoài Thanh ngừng tay, ngồi phịch xuống ghế, và thở dốc ra.


Toàn thân nàng Boun bị lấm máu be bết. Ngực nàng chỉ còn lại những núm thịt tơi tả và đầy máu. Một miếng đòn hiểm nghèo của gã đàn ông dã man làm khối óc nàng rung chuyển dữ dội.


Nàng có cảm giác là xương sọ nàng bị đánh vỡ. Máu ở tim bị nghẽn lại ở cổ, không chạy lên đầu nữa. Ở trong tình trạng này, nàng tự biết chỉ sống được vài ba phút nữa là cùng.


Song vài phút lúc này lại kéo dài vô tận.


Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, nàng Boun hồi tưởng lại những phút buồn vui trong cuộc đời sóng gió bập bềnh của nàng. Nàng đã kề vai sát cánh hàng trăm người đàn ông, và nếu hàng trăm lần bọn đàn ông trốn vợ đi chơi tỉ tê bịa đặt với nàng thì hàng trăm lần khác nàng cũng bịa đặt tiểu sử của nàng để tâm sự với khách.


Đời nàng là một chuỗi dài giả dối. Nàng thích sự giả dối ấy. Nàng thích lấy đêm làm ngày, thích sống trong tiếng đàn, dưới ánh đèn màu, bên sự trác táng thượng lưu.


Chết đi, nàng sẽ không mảy may hối hận. Nàng không hối hận đã làm nghề buôn hương, bán phấn. Nếu có, nàng chỉ hối hận một điều: ấy là chưa cứu được Xiêng May ra khỏi cảnh ngục tù.


Nhịn đau, nàng Boun lâm râm cầu kinh. Những đêm trăng tròn, nàng thường vào chùa Phone Sai cầu kinh. Nàng quên những vết thương chí mạng vì nàng vừa thấy bóng dáng hiền hoà của đức Phật từ bi đến bên nàng.


Nàng lại thấy cả bóng dáng nhí nhảnh quen thuộc của Xiêng May. Toàn thân em nàng cũng bị dính máu như nàng. Xiêng May nhìn chị bằng cặp mắt tràn đầy thương sót.


Nàng la to:
- Xiêng May em bị thương ư?
Xiêng May không trả lời. Người thanh niên có cặp mắt to và đen bỗng tan ra thành khói trước khi biến vào không khí đùng đục như sữa loãng buổi rạng đông thanh tịnh.


Nàng Boun vừa gặp lại em trong mộng. Xiêng May còn sống hay chết, nàng không thể biết.


Dầu nàng biết, cũng đã muộn rồi. Tội nghiệp cho những thiếu phụ dại dột như nàng Boun! Nhận lời Trần Chương, nàng Boun quên mất hắn là đại tá của quân đội Bắc Việt, và cũng là tay tố gián điệp cộng sản ở Lào quốc. Nếu nàng thành công, không những nàng không hy vọng tái ngộ với Xiêng May mà còn bị Trần Chương thủ tiêu là khác nữa.


Môi nàng Boun mấp máy. Lời nói cuối cùng của nàng bị đàm chặn nghẹt trong cuống họng.


Nàng Boun từ từ bước sang thế giới bên kia.


Hoài Thanh thản nhiên nhìn nàng Boun thoát hồn. Miệng hắn hơi nhếch lên, tưởng như cười nhạt. Thật ra hắn không vui, cũng không buồn. Tâm thần hắn thanh thản và êm ả hơn bao giờ hết. Vì hắn đã tiến tới một quyết định dứt khoát.


Dáng điệu khoan thai, hắn ngồi xuống bàn, uống một hơi ba ly huýt-ky đầy ắp không pha nước. Đoạn hắn lấy bút giấy nắn nót viết thư, thận trọng và trang nghiêm như cậu học trò làm bài luận văn trong đời đèn sách.


Hắn chỉ viết một bức thư duy nhất.
“Thiên Hồng em ơi,
“Lúc thư này đến tay em thì anh đã thành người thiên cổ. Thật vậy, anh sẽ không còn ở trên cõi đất này nữa sau khi ký vào bên dưới lá thư vĩnh biệt.
“Anh bị thượng cấp nghi ngờ là cộng tác với tay sai của địch. Trước khi ra đi mãi mãi, anh xin thề trên đầu hương hồn cha mẹ, thề trên mối tình giữa đôi ta rằng anh chưa bao giờ nghĩ đến phản bội, chứ đừng nói là bán tài liệu cho gián điệp Tây phương nữa.
“Nơi anh viết thư từ giã em là một căn phòng vắng vẻ ở trung tâm thủ đô Vạn Tượng. Mỗi tuần viết thư về, anh thường ca ngợi vẻ đẹp của Vạn Tượng. Người ta nói Vạn Tượng là một thành phố nhỏ xíu, đường sá lầy lội, nhà cửa xấu xí, đầy bụi và bùn đỏ song anh lại thấy Vạn Tượng nên thơ.
“Có lẽ vì Vạn Tượng nhắc anh nhớ lại Phủ Lý, nơi chúng mình gặp nhau lần đầu.
“Ngoài kia, sông Cửu Long đang dâng cao vì đang mùa mưa. Sông Cửu Long đang dâng cao cũng như niềm tủi nhục và thương nhớ trong lòng anh. Thiên Hồng ơi, anh yêu em. Anh yêu em từ bao năm nay. Dường như em chưa hề yêu anh thật sự, nhưng dầu em hất hủi anh thế nào đi nữa, anh cũng vẫn yêu em, và yêu em gấp trăm, gấp ngàn lần khi trước.
“Anh yêu em vì em có những đức tính mà anh không tài nào tìm thấy ở người đàn bà nào khác. Ngày anh lên phi cơ ở Gia Lâm, em cáo bận không ra sân bay. Anh hơi thoáng ghen khi nghĩ tới những người đàn ông có diễm phúc được em ban cho một sự vuốt ve da thịt.
“Còn anh, anh không dám ước mong gì khác, ngoài cái nhìn âu yếm, ngoài câu nói thiết tha, ngoài ý nghĩ chân thành tới kẻ chỉ biết yêu trọn vẹn, biết đau khổ một mình nơi đất khách, quê người.
Thiên Hồng em ơi!
“Anh đang bị dồn vào ngõ bít. Thượng cấp nghi ngờ, anh sẽ phải ra toà, và chắc chắn bị kết án tù. Nếu anh làm nên tội, anh phải gánh chịu, nhưng em ơi, anh hoàn toàn vô tội. Anh hết lời thuyết phục, van xin mà thượng cấp không tin.
“Vì vậy, anh đành phải chết. Chết để minh oan. Chết để chứng tỏ xứng đáng với tình yêu của em.
“Anh tự xử như thế này chắc hẳn Đảng và Chính phủ sẽ hiểu lòng anh và tha thứ cho anh. Xuống dưới suối vàng, anh sẽ mang theo hình bóng yêu kiều của em, và nếu kiếp sau được trở lại làm người, thì nguyện vọng của anh là được sống gần em và được hưởng sự trìu mến của em.
“Chảo em lần cuối.


Một giọt nước mắt nóng hổi rớt xuống tờ giấy làm nhoè chữ ký ngòng ngoèo của Hoài Thanh.


Là đệ nhị tham vụ, hắn thường được thư ký chực sẵn bên bàn giấy, đợi hắn hạ bút ký vào công văn rồi khúm núm thấm cho khô. Đây là lần thứ nhất và cũng là lần chót trong đời mà chữ ký của hắn bị nhoè.


Hồi ở trường ra, hắn được chúng bạn rủ vào nhà một ông thầy tướng, chuyên coi chữ ký. Lão thầy tướng lẩm cẩm bảo hắn nên thận trọng, sợ bất đắc kỳ tử. Hắn bĩu môi, xô ghế ngã lỏng chỏng rồi bước ra ngoài, quên cả trả tiền quẻ.


Giờ đây, hắn mới thấy đúng. Hắn thở dài, gấp bức thư làm ba, bỏ vào phong bì ngay ngắn, đoạn cất vào túi áo. Trong chai còn rượu, hắn uống tới khi hết nhẵn mới quăng cái ly pha lê vào góc nhà vỡ nát.
Trên nền gác, nàng Boun nằm sóng sượt.


Mắt nàng mở ra trừng trừng, như muốn thu hết vào nhỡn tuyến hình ảnh cuối cùng của cuộc sống trà đình, tửu điếm mà nàng mê đắm.
Hắn cảm thấy khinh bỉ nàng Boun một cách lạ lùng. Hắn nhổ bẹt bãi nước bọt vào ngực nàng để tỏ sự ghê tởm rồi bước ra cửa.


Lúc ấy, Hoài Thanh mới sực nhớ là chưa định sẽ quyên sinh bằng cách nào. Nếu có khẩu súng trong tay, công việc sẽ dễ dàng hơn nhiều. Ham đọc truyện trinh thám, hắn được biết một viên đạn 9 ly bắn xuyên qua màng tang, nhắm thật chính xác, sẽ làm hắn chết tức khắc, chết không kịp hiểu vì sao mà chết nữa.


Nhưng đáng tiếc là hắn không có súng.


Phạm Nghị có một tủ súng, song không phát cho hắn khẩu nào. Trong ô kéo của văn phòng lúc nào cũng sẵn một hộp vuông đựng những viên thuốc dẹt, đủ màu, hao hao như viên thuốc giải cảm Optalidon. Đó là độc dược khả dĩ giết một mạng người trong vòng từ vài ba giây đến vài ba phút đồng hồ.
Giá Hoài Thanh được một viên độc dược thì sung sướng biết bao!
Vô tình, hắn cho tay vào túi, chạm phải một vật cứng nhỏ xíu. Hắn à lên một tiếng: đó là cái nhẫn hạt soàn giả của một vũ nữ xinh như mộng của xã hội dạ lạc Đồng Pha Lan.
Nàng tặng hắn để làm kỷ niệm. Và hắn cũng hứa tặng lại nàng một vật đáng giá.
Cái nhẫn vô tri giác làm tư tưởng tự vẫn trong đầu Hoài Thanh nhạt dần. Hắn bỗng yêu đời tha thiết. Hắn thèm sống hơn bao giờ hết. Những người đàn bà có thân hình căng cứng mà hắn gặp ban đêm ở khu son phấn Đồng Pha Lan như đang nhủ thầm vào tai hắn rằng quyên sinh giữa tuổi ba mươi là dại.


Một giọt nước mắt khác lại lăn trên gò má…
Dầu sao thì thư vĩnh biệt cũng đã viết rồi, và đại sứ Lê Văn Hiến cũng sẽ không tha nếu hắn còn sống.
Thôi thì liều vậy.


Hoài Thanh nhìn qua cửa sổ xuống đường.
Trời tờ mờ sáng.


Một chiếc quân xa đồ sộ chạy qua. Ngồi ở băng trước cạnh tài xế thấp thoáng một người đàn bà mặc áo sặc sỡ đang bá cổ một quân nhân Pathét Lào. Từ căn gác đối diện vọng lại tiếng cười đú đởn của một cặp trai gái tình tự thâu đêm.


Ai Lao là thiên đường của ái tình. Hoài Thanh đang từ bỏ thiên đường để lao đầu xuống địa ngục.


Hắn hít dưỡng khí ban mai vào đầy hai buồng phổi lép kẹp để lấy thêm can đảm.


Gió mát từ dưới đường thổi lên. Hoài Thanh nhắm mắt lại rồi trèo qua cửa sổ, nhảy xuống.


Một phút sau, phía dưới có tiếng ồn ào. Tiếng người kêu thét inh ỏi.
Và tiếng xe hơi thắng gấp nghe ken két.
Bóng Tối Đồng Pha Lan
Lời chú thích quan trọng của tác giả:
Phần I
Phần I (b)
Phần I (c)
Phần I (d)
Phần II (a)
Phần II (b)
Phần II (c)
Phần III (a)
Phần III (b)
Phần IV
Phần IV (b)
Phần IV (c)
Phần V
Phần V (b)
Phần V (c)
Phần VI
Phần VI (b)
Phần VI (c)
Phần VI (d)
Phần VI (e)