watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bóng Tối Đồng Pha Lan-Phần V - tác giả Người Thứ 8 Người Thứ 8

Người Thứ 8

Phần V

Tác giả: Người Thứ 8

Vạn Tượng, 24 giờ sau…


Sulô cố ngủ mà không tài nào chợp được mắt. Có lẽ vì trời đã sáng, tiếng quân xa chạy rầm rầm ngoài đường làm hắn nhức đầu. Đúng ra, hắn cần ngủ hơn bao giờ hết.


Vì suốt đêm hắn chưa được ngủ.


Trận đòn đau điếng còn in dấu vết trên lưng Sulô. Hắn không chợp được mắt vì lúc nào cũng nhớ đến sợi roi chỉ đầu bọc cao su, đánh vào khớp xương làm thần kinh hệ rung chuyển dữ dội.


Sulô không thể quên được phút tỉnh dậy trên nền nhà sũng nước. Gã mặc sơ-mi trắng nhìn hắn bằng cặp mắt miệt thị:
- Còn đau nữa không, ông nhà báo?
Sulô ôm ngực ho:
- Còn… Tội nghiệp tôi lắm, ông ơi. Ông bảo gì, tôi xin nghe, tôi đâu dám phản đối mà ông phải dùng võ lực. Không khéo tôi chết mất.
Gã mặc sơ-mi trắng cười nửa miệng:
- Ồ, chết sao được. Chỉ ngủ một đêm là hết đau. Mất một ngàn, xuống Đồng Pha Lan là đau mấy cũng lành. Tôi phải đánh anh để anh ghi khắc vào trí nhớ. Anh đừng tưởng đây là đòn thù. Chẳng qua tôi đánh yêu đấy thôi. Mai kia, nếu anh lươn lẹo, tôi sẽ cho anh nếm nhiều thứ đòn ly kỳ gấp trăm, gấp ngàn lần. Hiểu chưa, ông nhà báo?


Sulô gật đầu, mặt tái mét.
Gã mặc sơ-mi trắng nhét một xấp bạc 500 vào túi quần Sulô, giọng đàn anh:
- Giữ lấy mà tiêu khiển. Hễ có tin tức gì, phải báo cáo ngay. Báo cáo ngay, không được trì hoãn. Nếu anh không trung thành tuyệt đối, tôi sẽ cho xẻo tai. Xẻo một cái tai cảnh cáo. Mất tai, anh sẽ không thể xuống xóm giải sầu được nữa.
- Thưa, tôi xin trung thành tuyệt đối.
- Cám ơn. Anh không trung thành tuyệt đối cũng không xong. Vì sau khi xẻo tai, tôi sẽ chặt bàn tay. Hết tay rồi đến chân. Sau hết là mổ bụng, khoét tim, gan, ruột, vứt vào rừng cho chim kền kền ăn một bữa no nê.
Sulô rùng mình.
Gã mặc áo sơ-mi trắng nhún vai:
- Thôi, cho anh về.
Sulô nhìn người lạ, vẻ mặt ngơ ngác:
- Thưa, tôi sẽ gặp ông ở đâu?
Gã mặc áo sơ-mi trắng đập vào vai Sulô, nửa suồng sã, nửa hăm doạ:
- Ông nhà báo giỏi ghê! Sulô ơi, anh không cần phải tới tìm tôi, đích thân tôi, hoặc cộng sự viên thân tín của tôi sẽ tới nhà anh. Khi nào có tin tức, phiền anh mở rộng cửa sổ nhìn ra sân, và kéo riềm che lại. Riềm cửa này màu đỏ máu, ở xa một cây số cũng nhìn thấy. Xong xuôi, anh ở trong nhà đợi. Chúng tôi sẽ đến bằng cửa sau.


Gã mặc áo sơ-mi trắng chỉ nói có thế rồi đánh diêm hút thuốc. Sulô lủi thủi ra về, đầu óc bâng khuâng nặng trĩu như vừa ra khỏi cơn ác mộng.
Cơn ác mộng này đã làm Sulô mất ngủ.


Giờ đây, hắn phải có một quyết định rõ rệt. Tổng đài trung ương ở Sài Gòn vừa chuyển cho hắn một bức điện quan trọng…


Sulô lồm cồm bò dậy. Ngọn đèn 25 nến trên bàn giấy nhìn hắn một cách trơ trẽn. Sulô có cảm tưởng là trần nhà, nền nhà, và đồ đạc trong nhà đều có mắt, và chăm chú nhìn hắn.


Mở toang cửa sổ, kéo riềm đỏ… mấy tiếng này vang ngân trong trí Sulô. Nghĩa là người lạ ngụ trong một căn nhà đối diện.
Nhà của Sulô ở khuất trong hẻm, gần Thát Luông, cách trụ sở chiến dịch Bác Ái 50 thước phù du. Trước nhà là một cái sân rộng trọc tếu không cây cối.


Nhìn qua cửa sổ, Sulô bàng hoàng. Ngôi nhà nhỏ xíu được xây trên gò cao nên khung cửa che màn đỏ dễ biến thành cái đích. Chắc hẳn ngày cũng như đêm, những người bí mật thay phiên nhau kiểm soát nhà hắn bằng viễn kính.
Nửa phút trước, Sulô còn ngần ngại, giờ đây hắn không còn ngần ngại nữa. Trước khi giao bức điện của Sài Gòn cho Hoàng Lương, hắn phải báo cáo với họ.


Hắn bèn kéo riềm cửa. Gió lạnh ban mai từ ngoài ùa vào. Buổi sáng ở Vạn Tượng đầy gió và nắng khiến Sulô yêu đời ngây ngất. Sulô thèm yêu, thèm sống hơn bao giờ hết. Hắn chép miệng một mình:
- Ôi dào, mình cứ sợ hão… Xứ Lào này, gián điệp hai mang là thường…
Sulô nói đúng: xứ Lào là quê hương của gián điệp nhị trùng. Trên thực tế còn có cả gián điệp tam trùng, tứ trùng, nghĩa là gián điệp lãnh lương của ba, bốn quốc gia cùng một lúc, và chỉ trung thành với một, hoặc không trung thành với quốc gia nào cả. Một phần nhân viên mật vụ và mật báo viên hoàng gia là cộng tác viên của Phòng Nhì Pháp, với những tay tố từ Ba Lê tới, ngụy trang phụ tá tuỳ viên sứ quán, hoặc thông tin viên báo chí Tây phương.


Một số nhân viên này lại báo cáo hoạt động của Phòng Nhì cho sứ giả tình báo CIA hoặc Intelligence Service, hoặc GRU. Nhiều vụ nhị trùng vụng về bị vỡ lở song xứ Lào là xứ hiếu hoà, ba phải, nên không một chuyện đáng tiếc nào xảy ra, nhân viên nhị trùng lãnh lương lần cuối sau cái bắt tay từ giã bên ly rượu trong xóm Đồng Pha Lan, hoặc tiếp tục phụng sự với điều kiện mới mẻ khác.


Tiếng động ở cửa xuống bếp làm Sulô quay lại. Gã mặc áo sơ-mi trắng lì lợm và kiêu căng thản nhiên xô cửa bước vào. Hắn đon đả chào Sulô:
- Khá lắm. Thấy anh báo hiệu, tôi đến liền. Anh gặp thằng nhà báo Hoàng Lương chưa?
Sulô gật đầu:
- Rồi. Tôi nói đúng lời ông dặn.
- Thành thật ngợi khen anh. Anh cần bao nhiêu tiền cũng có. Bây giờ, anh còn tin tức nào nữa?
Bàn tay run run của Sulô mở ngăn kéo bàn, lôi ra một cuốn tiểu thuyết tiếng Pháp, gáy da màu vàng. Giọng hắn lạc hẳn như người mất tinh thần vì sợ hãi:
- Sài Gòn, mật điện của Sài Gòn…
Gã sơ-mi trắng hất hàm:
- Nhận được hồi mấy giờ?
- Gần ba giờ sáng.
- Tôi cần biết rõ ràng hơn nữa. Gần ba giờ sáng là mấy giờ? Hai giờ 55? Hai giờ 50?
- Hai giờ 45 phút.
- Mật mã gì?
- Thưa, mật mã CG. 564, loại thông thường. Sài Gòn liên lạc với tôi bằng hai mật mã, CG. 564 và…
- Biết rồi. CG. 564 và HK. 329. Bức điện được dịch ra chưa?
- Rồi. Trước khi đưa cho Hoàng Lương, tôi muốn ông xem qua, như ông đã căn dặn.
- Đúng. Ao ước trong tương lai anh cứ tiếp tục dễ bảo như thế này mãi.


Gã sơ-mi trắng khựng người sau khi đọc bức điện. Những dòng chữ bút chì nguyên tử đỏ viết nắn nót của Sulô nhảy múa trước mặt hắn:


“HH. gửi Sulô.
“Yêu cầu chuyển ngay tận tay Hoàng Lương. Cần xét lại công tác đang làm. Nhân viên của ta ở Hà Nội điện vào báo cáo đại uý Phạm Nghị trở về Hà Nội tiếp xúc với Thiên Hồng, tình nhân của đệ nhị tham vụ Hoài Thanh.
“Thiên Hồng và Phạm Nghị đã đáp phi cơ riêng đi Vạn Tượng. Giờ này, chắc chắn họ đã có mặt tại sứ quán.
“Yêu cầu điện về gấp kết quả công tác.
“HH.


Gã sơ-mi trắng có cảm tưởng như trời đất tối sầm. Hắn đứng lặng một phút, gân máu trên cổ nổi cuồn cuộn như sợi dây thừng bị kéo căng sắp đứt. Nếu không phải là chuyên viên điệp báo lọc lõi, hắn đã vò nát mảnh giấy và rít lên một tiếng căm hờn.


Song kinh nghiệm của nhiều năm hoạt động đã trui luyện hắn thành pho tượng vô tri giác. Vẻ kinh ngạc chỉ thoảng qua nhẹ nhàng như hơi lạnh ban mai rồi tan biến, nhường chỗ cho gương mặt phẳng lì. Trong khi ấy, Sulô lúi húi pha cà phê.
Những giọt nước màu nâu sẫm rơi lanh tanh từ cái lọc xuống ly. Gã mặc sơ-mi trắng hỏi Sulô:
- Bao giờ anh gặp hắn?
Sulô ngẩng đầu:
- Hoàng Lương ấy à?
- Phải.
- Nội sáng nay.
- Ở đâu?
- Lữ quán Constellation. Nếu ông muốn, tôi sẽ ỉm bức điện này đi.
- Hừ, đồ ngu như bò. Tổng đài Sài Gòn đã biết anh nhận được bức điện. Ỉm đi khác nào lạy ông con ở bụi này. Anh cứ giao bức điện cho Hoàng Lương.
- Vâng, xin ông tin tôi.
Gã mặc sơ-mi trắng lườm Sulô:
- Dĩ nhiên tôi tin anh. Song anh coi chừng, chúng tôi có tai mắt khắp nơi, anh giở quẻ không được đâu. Bắt buộc tôi phải giết anh và quăng xác xuống sông Cửu Long nếu anh làm Hoàng Lương nghi ngờ. Nhưng nếu anh hoạt động đắc lực, sẽ có nhiều tiền. Thôi, tôi đi đây. Tôi không quen uống cà phê phin buổi sáng.


Sulô ngồi phịch xuống ghế. Không thèm bắt tay, gã mặc sơ-mi trắng lùi lũi ra cửa. Nhìn lưng hắn cồm cộm, Sulô biết là người lạ đeo súng lục. Như người mất hồn, Sulô đứng dậy. Rồi lại ngồi xuống.


Nửa giờ sau, hắn mới lấy lại tinh thần, quơ đống quần áo lung tung trên giường mặc vội rồi thất thểu ra đường.


Nắng vàng nhảy múa trên rặng dâm bụt hoa nở đỏ lòm. Một đàn chim kên kên từ khu rừng phía đông chói loà ánh nắng bay tới, lượn vòng tròn trên Thát Luông. Cảnh vật đều nhuộm màu vàng. Tuy nhiên, đó không phải là màu vàng ngoạn mục của những pho tượng khổng lồ trong chùa hoặc của áo cà sa quen thuộc của đất Lào.
Mà là màu vàng thê lương của kẻ bị bệnh đau gan.
Hai mắt nheo lại, Sulô dừng bước trước một cô gái Lào mặc đồ cụt Tây phương, để lộ bắp đùi tròn lẳn và bộ ngực căng phồng. Ngày thường, hắn đã xán lại buông lời tán tỉnh.
Nhưng sáng nay Sulô không còn hứng cảm nữa. Trong lòng hắn, một luồng hơi lạnh khác lạ dâng lên, dâng lên, chặn nghẹt trái tim và buồng phổi.
Mặt tái như gà cắt tiết, hắn vẫy tắc xi đến khách sạn Constellation.
***
Thiên Hồng lặng lẽ ngồi xuống ghế kê sát giường.
Trên chiếc giường Hồng Kông chải đệm dày trắng muốt Hoài Thanh nằm dài, mắt nhắm nghiền.
Vì một sự lạ lùng, Hoài Thanh chỉ sây sát xoàng. Sở dĩ hắn còn mê man vì tinh thần bị xúc động mãnh liệt. Thiên Hồng vào phòng đã lâu, song không lên tiếng. Nàng nhìn Hoài Thanh bằng dáng điệu đau khổ.
Dựa lưng vào tường, đại uý Phạm Nghị phì phèo tẩu thuốc Dunhill, vẻ mặt thoả mãn. Hắn thoả mãn vì thấy Thiên Hồng tuân lệnh răm rắp. Hắn không thể ngờ Thiên Hồng đau khổ cho gia đình và bản thân nàng, chứ không phải đau khổ vì Hoài Thanh, gã đàn ông vụng về, xấu xí mà nàng chưa hề yêu.
Bàn tay dịu dàng của Thiên Hồng từ từ đặt lên trán của Hoài Thanh.
Như có ma lực, làn da êm mát đánh thức hắn dậy. Hắn mở choàng mắt. Và trong giây đồng hồ đầu tiên từ cõi âm trở lại đời sống loài người, Hoài Thanh nhận ra Thiên Hồng.
Hắn nhìn nàng chằm chằm, miệng lắp bắp:
- Em…
Thiên Hồng oà lên khóc.
Nàng khóc vì phải xưng “em” thân mật với Hoài Thanh. Nàng khóc vì phải bắt đầu vai kịch miễn cưỡng. Song Hoài Thanh lại tưởng nàng khóc vì quá xúc động. Đại uý Phạm Nghị cũng tưởng nàng khóc cho tấn tuồng được linh động.
Nàng hỏi qua nước mắt.
- Anh còn đau lắm không?
Hoài Thanh lắc đầu:
- Không.
Rồi thở dài:
- Trời ơi, anh không ngờ… Anh không ngờ còn sống và được gặp em. Tại sao em được cấp giấy phép qua Vạn Tượng?
- Anh buồn cười lắm. Tại anh bị thương nên em được xuất ngoại thăm anh.
- Ai cho em xuất ngoại?
- Bộ.
- Lạ thật? Tại sao họ lại biết em?
- Anh lẩn thẩn mất rồi… Trước khi liều mình, anh viết thư để lại cho em.
- À phải, thư tuyệt mạng… Anh bậy thật, em tha lỗi cho anh. Trong những ngày sống xa nhà, anh đã khờ khạo nghe theo lời đường mật của nàng Boun. Sự thật phũ phàng làm anh thất vọng. Và từ thất vọng đến chán đời, em biết không?
- Anh chưa khoẻ hẳn, đừng nói nhiều.
- Ồ, em khỏi lo. Có em một bên, anh có thể nói chuyện suốt đêm không mệt. Vả lại, anh đã hoàn toàn bình phục rồi. Em được phép ở lại mấy ngày với anh?
- Em chưa biết rõ. Nhưng cũng còn tuỳ, anh ạ.
- Còn tuỳ… Tuỳ ai?
- Thôi, anh hỏi làm gì… đến đó hẵng hay.
- Không. Việc này rất quan trọng.
- Có việc quan trọng nhất anh lại quên hỏi… đó là em yêu anh không…
- Hừ, không yêu mà lại lặn lội từ Hà Nội sang đây.
- Biết đâu em xuất ngoại vì công tác.
Như bừng tỉnh cơn mơ, Hoài Thanh chồm dậy trên giường, hai mắt mở thao láo…
- Ừ nhỉ, anh ngu nhất thế giới. Thiên Hồng ơi, em yêu anh không? Em sang đây vì anh hay vì theo lệnh thượng cấp?
- Em yêu anh là chuyện dĩ nhiên. Nếu không, em đã ở lại và nhận làm vợ người khác. Chắc anh đã biết nhiều người ngấp nghé em từ lâu song em đều thẳng thắn từ chối. Cuộc gặp gỡ ở Phủ Lý đã khắc sâu vào tâm khảm em. Nhưng anh ơi, chúng ta đang sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa, phải hy sinh hạnh phúc cá nhân cho tập thể. Em lên đường đi Vạn Tượng vì yêu anh, yêu tha thiết, nhưng mặt khác cũng vì chỉ thị của Bộ.
- Chỉ thị của Bộ?
- Vâng. Đại uý Phạm Nghị đích thân về Hà Nội đón em.
- Anh hiểu rồi… Vì vậy em mới nói rằng thời gian em lưu lại Vạn Tượng còn tuỳ… dĩ nhiên là tuỳ ở anh.
- Vâng, anh đoán đúng.
Đột nhiên Hoài Thanh thở dài:
- Được em yêu, anh sẽ làm mọi việc trên đời. Nếu em muốn, anh sẽ tự tử lần nữa. Em ơi, từ nhiều năm nay, anh chưa bao giờ có cơ hội chứng tỏ cùng em tấm lòng yêu đương tuyệt đối của anh. Yêu em anh có thể chết vì em bất cứ lúc nào. Nếu em chưa tin…
- Em tin anh lắm. Anh đừng ráng sức nữa.
Đại uý Phạm Nghị xen vào:
- Sự hy sinh của anh rất đáng khen. Tuy nhiên, anh không cần phải hy sinh như vậy. Chúng tôi không bắt anh phải hy sinh tính mạng, anh hiểu chưa? Mặc dầu tình yêu tinh thần và vật chất của cô Thiên Hồng đáng giá gấp trăm tính mạng của anh. Chúng tôi vận động cho cô Thiên Hồng sang Vạn Tượng thăm viếng anh, an ủi anh, chung sống với anh, và nếu muốn làm vợ anh, với một mục đích rõ rệt như 2 với 2 là 4.
Ngoảnh sang Thiên Hồng, Phạm Nghị hất hàm:
- Mục đích ấy ra sao?
Thiên Hồng kéo tay Hoài Thanh vào ngực nàng, giọng âu yếm, một sự âu yếm nghẹn ngào:
- Mục đích ấy là sự trung thành tuyệt đối. Trung thành tuyệt đối với mệnh lệnh của Bộ. Bộ đã ra lệnh cho ông đại sứ Lê Văn Hiến. Lát nữa, đại tá Trần Chương, thay mặt ông đại sứ Lê Văn Hiến, sẽ ra lệnh cho anh. Anh nghe rõ chưa?
Hoài Thanh đáp nhát gừng:
- Nghe… rõ.
Hoài Thanh không thể tự chế được nữa. Mùi thơm da thịt của Thiên Hồng phà vào mũi hắn, khiến hắn bàng hoàng ngây ngất. Hoảng hốt như sợ chậm chạp thì người đẹp bị cướp đoạt, Hoài Thanh nghển cổ, kéo nàng sát lại.
Hơi thở của hắn trở thành hổn hển và đứt quãng. Thiên Hồng thản nhiên như đứng gần tảng đá. Hoài Thanh kéo nàng sát nữa, sát thêm nữa, bàn tay lùa vào cổ áo tuột nút của nàng.
Song một tiếng quát đã nổi lên:
- Thong thả, Hoài Thanh.
Thiên Hồng buông gã đàn ông bệnh hoạn ra. Đại tá Trần Chương đứng lù lù trên ngưỡng cửa, gằn giọng:
- Thong thả. Anh còn mệt. Đừng tham ăn mà chết không kịp trối. Thiên Hồng là tình nhân của anh, là vợ của anh, anh sẽ chung sống với nàng sau khi bình phục, hoàn toàn bình phục.
Hoài Thinh tiu nghỉu như chó cụt đuôi, nằm phịch xuống đệm. Trần Chương cất tiếng:
- Thiên Hồng?
Thiên Hồng đứng dậy:
- Đại tá gọi tôi?
- Phải. Yêu cầu cô lên phòng tôi.
Thiên Hồng phải vịn lấy chần giường bằng đồng cho đỡ choáng váng. Trước khi lên đường, nàng đã phải hiến thân cho đại uý Phạm Nghị, nói là để tập luyện cho thuần thục. Có lẽ đại tá Trần Chương muốn giảng dạy thêm một bài học nữa về kỹ thuật luyến ái.
Thiên Hồng cảm thấy thân thể đau rừ. Trong một vi phân của giây đồng hồ, nàng nảy ra ý định muốn chết. Nhưng chỉ một thoáng sau, nàng lại muốn sống.
Nàng muốn sống, không phải vì sống cho nàng. Mà là sống cho mẹ nàng, người goá phụ còm cõi, gần đất xa trời ở Hà Nội. Sống cho thằng Dương ngây thơ, nhỏ nhoi. Và sống cho Bùi Minh, người tình tuyệt vọng của nàng.


Ngoan ngoãn, Thiên Hồng theo đại tá Trần Chương ra ngoài hành lang.
Phòng giấy của Trần Chương cũng được trang trí lộng lẫy như phòng giấy của đại sứ Lê Văn Hiến. Cũng những đồ gỗ đắt tiền, tối tân, mua từ Ba Lê chở tới bằng phi cơ Air-France. Cũng tấm thảm len dày, hàng chục người dận giây xăng đá, nhảy cỡn bên trên cũng không gây ra tiếng động. Đặc biệt của loại thảm này là không bén lửa, quan khách tha hồ hút thuốc. Cũng những cửa sổ căng riềm xanh lơ, nhìn xuống vườn, một khu vườn rộng trồng hoa hồng và thược dược.


Vật đập vào nhãn quan Thiên Hồng trước nhất là bình hoa hồng đặt trên bàn làm việc. Thiên Hồng sành hoa, nhất là hoa hồng, nên biết đây là loại hồng nhung đắt tiền, đất đai khô cháy ở Ai Lao không thể nào trồng được. Đại tá Trần Chương phải đặt mua tận Sài Gòn, và hàng tuần chở phi cơ lên Vạn Tượng.


Đinh ninh Trần Chương sẽ tái diễn tấn trò huấn luyện của Phạm Nghị ở Hà Nội nên Thiên Hồng thu hình sau bàn giấy, hy vọng những bông hoa hồng che khuất được nàng. Song Trần Chương chỉ tới gần, quan sát nàng từ đầu xuống chân rồi nói, giọng ngọt ngào:
- Cô còn nhớ nhiệm vụ của cô không?
Thiên Hồng đáp một hơi như học trò trả bài:
- Thưa nhớ. Tôi tới đây để quyến rũ Hoài Thanh.
- Đúng. Trước khi lên đường, cô đã cam kết những gì?
- Bí mật. Tuyệt đối bảo vệ bí mật.
- Thế nào là tuyệt đối bảo vệ bí mật?
- Nghĩa là không được cho ai biết tôi sang Lào làm gì. Ngay đối với người thân nhất đời là mẹ và em, tôi cũng chỉ nói là được Bộ thuyên chuyển đi nơi khác.
Trần Chương nhìn giữa mắt Thiên Hồng:
- Chắc không?
Luồng nhãn tuyến soi mói như muốn lột trần quần áo làm nàng run lẩy bẩy. Hàm răng nàng chạm vào nhau lập cập. Nàng ấp úng:
- Thưa… chắc.


Đại tá Trần Chương mỉm cười, nụ cười chứa đầy chết chóc. Thiên Hồng càng run hơn. Nàng mường tượng đến Bùi Minh. Nàng không nói cho ai biết, trừ Bùi Minh. Có thể Trần Chương bắt nọn. Nhưng cũng có thể sự thật đã thấu tai Trần Chương.
Nàng tưởng Trần Chương sẽ quắc mắt, đập nắm tay xuống bàn, rồi quát mắng như Phạm Nghị. Nhưng không, Trần Chương vẫn mỉm cười.
Đột nhiên Thiên Hồng đau điếng người. Mắt nàng toé ra muôn ngàn con đom đóm. Đầu nàng quay cuồng như bị rạn nứt. Chân nàng loạng choạng, cây thịt mảnh mai của nàng ngã chúi vào bình hoa hồng.
Thì ra Trần Chương mỉm cười để sửa soạn tấn trò mới: tấn trò võ lực. Bàn tay chuối mắn của hắn vung lên tát vào giữa mặt nàng. Hắn không tát vào má như thường lệ mà là vào mặt. Máu mũi nàng tuôn ra ròng ròng. Răng hàm dưới nàng bị gãy, máu ứa khỏi miệng.
Từ nhỏ đến lớn, nàng chưa hề bị đánh. Lần đầu, một người đàn ông đối xử tàn nhẫn với nàng. Trong giây phút, nàng bàng hoàng như bị sét giáng bên tai.
Nàng dựa vào mép bàn, tay bưng mặt khóc rưng rức. Trần Chương nhăn mặt:
- Đồ đĩ rạc. Tao rất ghét đàn bà nói láo. Biết chưa, Thiên Hồng? Mày đã hở miệng cho người khác biết. Người ấy là ai, khai ra?
Thiên Hồng nín thinh.
Một cái tát kinh thiên động địa nữa quật nàng chúi vào ghế xa lông, kèm theo tiếng quát dữ dằn:
- Nói mau, nói mau, đừng bắt tao phải cạn tàu ráo máng.
Thiên Hồng mếu máo:
- Đại tá nghi oan… Tuân lệnh, tôi… không… nói… cho ai… biết hết.
Da mặt Trần Chương đang đỏ rực bỗng trở thành nhợt nhạt. Hắn bắt đầu tin Thiên Hồng thành thật. Nhưng nếu nàng thành thật thì ai tiết lậu cho địch?
Trần Chương còn nhiều thủ đoạn và phương tiện bắt Thiên Hồng phải nói. Hắn có thể nhấc điện thoại ra lệnh cho thuộc viên điện về Hà Nội, tống giam thằng Dương lần nữa, và nếu cần nhốt luôn bà mẹ để gây áp lực với Thiên Hồng.
Tuy nhiên, biện pháp chi phối tình cảm này chỉ hữu lý nếu Thiên Hồng bép xép, hoặc tư thông với địch. Trong trường hợp ngược lại, nàng sẽ bị dồn vào đường cùng, và có thể liều mạng, không hợp tác nữa.
Vì vậy, Trần Chương phải quay lại thủ đoạn mật ngọt giết ruồi. Nếu có tài đọc được tâm can Thiên Hồng, hắn sẽ reo lên một tiếng thoả mãn đầy kiêu hãnh. Thật vậy nàng đã tới lúc liều mạng. Mẹ nàng, em nàng là của báu vô giá trên đời, nhưng người yêu của nàng cũng là của báu vô giá. Thà chết, nàng không thể thú nhận là đã gặp Bùi Minh.
Trần Chương cúi xuống, đỡ Thiên Hồng dậy, giọng an ủi:
- Cô đừng giận tôi nhé. Tính tôi vốn nóng như lửa. Chẳng qua vì tôi là quân nhân chuyên nghiệp, vả lại hoàn cảnh thúc bách khiến tôi không giữ được bình tĩnh.
Thiên Hồng ngồi phịch xuống ghế, khóc thút thít.
Trần Chương kéo ghế lại gần, dỗ dành:
- Cô còn đau lắm không? Để tôi gọi y sĩ lên chích thuốc khoẻ cho cô.
Thiên Hồng lắc đầu:
- Không. Cảm ơn đại tá. Tôi chỉ buồn vì đại tá không hiểu thôi.
- Tôi hiểu rồi. Tôi biết cô tuyệt đối trung thành và tuyệt đối giữ bí mật. Cô đừng buồn nữa, từ nay trở đi tôi sẽ hoàn toàn tin cậy nơi cô. Tiện đây, tôi xin nói thêm rằng sứ mạng của cô rất quan trọng, vô cùng quan trọng, có thể định đoạt cho sự sống còn của nhiều người. Nếu cô thành công - mà tôi tin là cô thành công - cô sẽ được khen thưởng. Lương tháng của cô sẽ được gia tăng, cô sẽ được lên ngạch, và nhất là cô và gia đình cô sẽ được sống trong cảnh an toàn và sung túc.
- Thưa, tôi xin hết sức cố gắng.
- Đúng thế, cô cần cố gắng hơn nữa. Tôi muốn cô thuyết phục được Hoài Thanh càng sớm càng hay.
- Nếu đại tá cho phép, tôi sẽ xuống nói chuyện tiếp với Hoài Thanh ngay bây giờ.
- Thái độ sốt sắng của cô rất đáng ca ngợi. Hoài Thanh như kẻ mê đòn trên võ đài, thuyết phục rất dễ mà cũng rất khó. Một cử chỉ hớ hênh vô tình của cô có thể làm hắn nghi ngờ và không nghe theo nữa. Cô nên thận trọng, và lôi kéo hắn từ từ.
- Tôi sợ hắn rủ luôn tôi bỏ trốn. Chắc đại tá đã biết là tôi sẵn sàng hy sinh, nhưng dầu sao…
- Giờ chót, tôi sẽ bố trí cho cô ở lại. Sau khi Hoài Thanh rời Vạn Tượng, cô sẽ được trở về Hà Nội.
- Đa tạ đại tá.
- Có gì đâu. Chẳng qua là bổn phận. Cô giúp chúng tôi, ngược lại chúng tôi phải đền đáp sự hy sinh của cô.
Trần Chương quay lại bàn giấy, ấn chuông điện. Một vệ sĩ mở cửa chạy vào. Trần Chương ra lệnh:
- Đưa cô Thiên Hồng xuống phòng Hoài Thanh và kêu đại uý Phạm Nghị tới đây ngay.
Nét mặt Trần Chương trở nên ưu tư khi Thiên Hồng nghiêng đầu cáo từ. Và từ ưu tư Trần Chương trở nên cau có khi Phạm Nghị lặng lẽ bước vào.
- Thưa, đại tá cho gọi tôi.
Trần Chương hất hàm:
- Phải, gọi anh. Phiền anh đọc cái này.
Bản sao bức điện của tổng đài Sài Gòn gửi qua Sulô cho Văn Bình được ném lên bàn. Cầm lên, Phạm Nghị run run hai má tái nhợt. Trần Chương gằn giọng:
- Trách nhiệm của sự cẩu thả này là ở anh. Bức điện này chứng tỏ hai điều quan trọng khả dĩ làm kế hoạch của ta thất bại từ trong trứng nước: thứ nhất, địch đã manh nha biết mưu đồ của ta; thứ hai, nhân viên của địch đang hoạt động đắc lực ở Hà Nội, ngay tại trụ sở trung ương.
- Thưa, tôi đã cử người theo dõi Thiên Hồng từng bước. Nàng không thể tiếp xúc với ai.
- Mẹ nàng, em nàng?
- Nhân viên công an dẫn nàng về nhà lấy quần áo, và luôn luôn ở một bên. Thiên Hồng chỉ được phép từ giã thân nhân mà thôi.
- Không lẽ địch có con mắt thông thiên nhìn thấu ruột gan của ta?
- Thưa, có thể địch có tai mắt ở trung ương.
Trần Chương thở dài:
- Tôi cũng nghĩ như vậy. Vì tôi không tin một cán bộ điệp báo lão luyện như anh lại cẩu thả. May mà ta nắm được Sulô nếu không thì mất mạng cả nút.
Rồi đổi giọng thân mật:
- Anh ngồi xuống đây để tôi nói chuyện. Bằng bất cứ giá nào kế hoạch Cửu Long phải thành công. Anh nghe rõ chưa? Kế hoạch Cửu Long phải thành công dầu phải hy sinh tiền tài, nhân mạng, dầu phải hy sinh cả tổ chức của ta ở Lào quốc.
Anh mới biết một phần kế hoạch Cửu Long, mệnh danh là phần Ba, phần hành động. Còn phần Một và Hai, anh chưa biết. Dầu sao anh là cộng sự viên thân tín nên tôi phải cho anh hiểu rõ ngọn ngành. Kế hoạch Cửu Long được coi là kế hoạch quan trọng nhất của trung ương từ 5 năm nay, từ ngày cơ sở điệp báo được hiện đại hoá, và bành trướng rộng rãi khắp Đông Nam Á để cạnh tranh với tổ chức của lão Hoàng, tổng giám đốc mật vụ Nam Việt.
Là sĩ quan điệp báo trung cấp, anh hiểu rõ tính cách quan trọng của công tác thâm nhập. Từ 5 năm nay, chúng ta chỉ mới hoạt động mạnh mẽ trong lãnh vực thâm nhập lấy tin, mặc dầu mạnh mẽ ở đây chưa có nghĩa là hữu hiệu.
Riêng về phương diện thâm nhập để phỉnh gạt đối phương bằng tin tức sai lầm, chúng ta còn ở thời kỳ phôi thai. Tìm cách đưa đệ nhị tham vụ Hoài Thanh vào hàng ngũ của địch là kế hoạch đầu tiên mệnh danh là kế hoạch Cửu Long.
Trên nguyên tắc, mọi kế hoạch tình báo trong sứ quán ở ngoại quốc được giao cho sĩ quan tình báo. Vì tính cách quan trọng khác thường, kế hoạch Cửu Long được chuẩn bị tại phủ Thủ tướng, dưới sự theo dõi chặt chẽ của đồng chí Phạm Văn Đồng và của đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh.
Trước khi qua giai đoạn thực hiện, kế hoạch Cửu Long được đại tướng Nguyễn Chí Thanh và một số sĩ quan cao cấp thuộc Trung ương cục miền Nam tham khảo ý kiến. Đồng chí đại sứ Lê Văn Hiến được triệu hồi về Hà Nội để nhận chỉ thị. Với sự đồng ý của trung ương, nhiệm vụ thi hành được uỷ thác cho cá nhân tôi, dưới sự đôn đốc trực tiếp của đồng chí đại sứ.


Tới đây, chắc anh nóng ruột muốn biết tại sao kế hoạch Cửu Long lại được sửa soạn chu đáo với nhiều nhân vật cao cấp như vậy. Nghe tôi giải thích, ắt anh phải giật mình. Không riêng gì anh, khi được giao phó trách nhiệm tôi cũng giật mình như ngồi trên ổ kiến lửa.


Đại tá Trần Chương xô ghế đứng dậy. Không khí trong lòng đột nhiên nặng nề như trước cơn bão lớn.


Phạm Nghị rút tẩu thuốc Dunhill tắt ngúm ra khỏi miệng, dáng điệu bâng khuâng. Trần Chương chắp tay sau đít, đi đi lại lại trong phòng.
Bóng Tối Đồng Pha Lan
Lời chú thích quan trọng của tác giả:
Phần I
Phần I (b)
Phần I (c)
Phần I (d)
Phần II (a)
Phần II (b)
Phần II (c)
Phần III (a)
Phần III (b)
Phần IV
Phần IV (b)
Phần IV (c)
Phần V
Phần V (b)
Phần V (c)
Phần VI
Phần VI (b)
Phần VI (c)
Phần VI (d)
Phần VI (e)