watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bóng Tối Đồng Pha Lan-Phần II (c) - tác giả Người Thứ 8 Người Thứ 8

Người Thứ 8

Phần II (c)

Tác giả: Người Thứ 8

Chiếc xe hơi kiểu nhỏ phóng êm như trượt tuyết trên đường nhựa giữa những cánh đồng bát ngát.


Simon vui vẻ được một lát bỗng trở nên ủ dột. Văn Bình giả vờ nhìn ra ngoài để khỏi gặp tia mắt sầu muộn của nàng. Nàng không nói ra song linh tính báo cho nàng biết là còn lâu lắm hoặc không bao giờ nữa mới được gặp lại chàng thanh niên khả ái mà nàng say mê.


Đột nhiên, nàng cầu mong một sự lạ lùng và bi thảm. Nàng cầu mong cho xe hơi gặp tai nạn trên đường. Vì chỉ có tai nạn mới giữ được chàng ở lại đất Thái.


Những lời cầu mong của nàng không thành sự thật. Tài xế của sứ quán lách như con chim qua hàng chục chiếc xe chạy nối đuôi nhau thành hàng dài trên xa lộ.


Trong chớp mắt, trường bay Đồn Mương hiện ra sừng sững trước mặt.
Lê Thái ngoảnh ra chỗ khác cho Simon ôm Văn Bình hôn. Văn Bình sợ nàng không chịu buông chàng ra nữa, vì sau 5 phút nàng vẫn dán chặt như keo vào người chàng.


Dịu dàng chàng gỡ tay nàng ra. Rồi nói, giọng âu yếm:
- Thôi, phi cơ sắp cất cánh rồi. Nếu có thể, em sang bên ấy với anh cho vui. Anh cũng nhớ em quay quắt. Anh ngụ tại khách sạn Constellation. Khi nào em qua đánh điện cho em đi đón.
Văn Bình cốt an ủi nàng, chứ trong thâm tâm chàng không hề muốn Simon sang Vạn Tượng. Bất giác chàng rùng mình như gặp gió lạnh mặc dù sân bay nóng như thiêu đốt.
Chàng sực nhớ ra mối tình giữa chàng và Simon chỉ có thể là ngọn gió thoảng qua, người đàn ông chỉ cần kéo cao cổ áo dạ và đánh diêm châm thuốc hút là quên được hơi lạnh.
Lúc gặp nàng Văn Bình sà vào như con thiêu thân thèm ánh sáng rực rỡ, không nghĩ đến hậu quả tai hại xảy ra. Chàng không nghĩ vì thấy Simon đẹp quá. Nàng đẹp hơn nhiều người đẹp khác chàng đã gặp trong cuộc đời chìm nổi.
Chàng không nghĩ đến vì thoạt đầu đinh ninh Simon giống hàng trăm hàng ngàn người đàn bà đa tình đã ngả vào cánh tay chàng. Người nào cũng đắm đuối một vài đêm, vài ba tuần, rồi đâu lại vào đấy, chàng hối hả trèo lên phi cơ, còn nàng thì ở lại với những hẹn hò, những mơn trớn khác.
Tin tưởng ở kinh nghiệm trường đời, Văn Bình chắc mẩm Simon sẽ quên chàng.
Ngờ đâu nàng không quên.
Cửa phi cơ đóng kín, hoa tiêu bắt đầu nổ máy. Văn Bình rút bót phơi ra đếm lại tiền.
Thì ra cả chàng và Lê Thái đều lầm. Simon không lấy đồng nào hết. Nàng không tơ hào đến tiền của chàng trái lại nàng còn bỏ thêm vào nữa.
Mân mê xấp giấy bạc, bàn tay Văn Bình run run. Bàn tay của chàng từng bình thản đâm lưỡi dao nhọn hoắt vào tim kẻ thù hoặc lảy cò súng hạ sát những kẻ chưa đến số chết.
Song bàn tay ấy lại run run…
Sợ lầm Văn Bình đếm đi đếm lại. Chàng không sao lầm được: trong quá khứ, chàng đã đếm hàng ngàn triệu bạc. Chàng vẫn tỉnh chứ không mê ngủ.
Thực tế đã xảy ra rõ ràng như ban ngày. Simon bỏ thêm vào ví chàng hai tờ 100 mỹ kim, kèm theo một mảnh giấy nhỏ, viết bút chì nguệch ngoạc:
“Anh làm báo tất không giàu bằng em. Em xin biếu anh để uống huýt-ky và hút Salem.
“Cái kế để quên ví tiền và nhờ phụ nữ lên lấy, nhiều người đàn ông trước anh đã dùng rồi. Anh lừa em sao được. Nếu anh là người khác, em đã thẳng tay lấy tiền. Nhưng anh lại là người em yêu nhất đời nên em không thể làm như vậy được.
“Nghĩa là anh bị thua cuộc. Anh bị thua cuộc nên phải nhận 200 đô la này đền tội.
“Anh tha thứ cho đứa con gái không trong sạch này nhé.
“Nhớ anh.
“Simon.
Văn Bình bàng hoàng, ngồi lặng trên ghế. Vẻ mặt bâng khuâng, chàng vén riềm nhìn vào phi cảng.
Trường bay rộng mênh mông nên chàng không tìm ra Simon đứng ở đâu. Song chàng biết chắc nàng đang đưa mù soa lên mắt.
Trong đời, chàng đã yêu nhiều người đàn bà. Chàng đã yêu thật và yêu giả nhiều lần.
Song ít khi chàng gặp người đàn bà lạ lùng như Simon…
Con chim đại bàng bằng thép dứt khỏi sân bay bê-tông. Thành phố quốc tế Vọng Các khuất dần trong những chòm mây lơ lửng.
***
Xế trưa, Văn Bình tới Vạn Tượng.
Lâu lắm mới đặt chân xuống trường bay Vạt Chai, Văn Bình nao nao như được tái ngộ người yêu sau nhiều tháng năm xa cách. Trong thời gian qua, chàng đã có dịp hoạt động ngang ngửa tại Lào. Nàng Leuam và nàng May đã thành người thiên cổ trong một cuộc đấu trí không bao giờ quên được. Thất bại phần nào ở Hồng Kông, chàng đã cạo đầu đi tu gần một năm trong một ngôi chùa cổ trên đường đi Thát Luông.
Cảm giác đầu tiên của Văn Bình khi ra khỏi phi cơ là một sự hiu quạnh khác thường.
Thật vậy, mặc dầu tình hình vương quốc được coi là khẩn trương thủ đô hành chính Vạn Tượng lúc nào cũng như lúc nào. Toà nhà duy nhất của phi cảng đã phủ đầy bụi và rêu mà không ai thèm tu sửa, hoặc ít ra là quét lên một lượt nước vôi trắng cho đẹp mắt. Nếu ở góc phi trường không có mấy chiếc máy bay to tướng sơn cờ Mỹ, hoặc đề chữ “Ủy hội Quốc tế” thì ít ai dám cho Vạn Tượng đang sống trong bầu không khí căng thẳng, nơm nớp lo sợ một cuộc chiến tranh tàn sát, xảy ra không biết lúc nào…
Người ra đón chàng là một thanh niên đeo kính cận thị gọng vàng Nylor, trên môi phì phèo điếu thuốc Camel không bao giờ tắt. Thấy chàng, hắn nhận ra ngay:
- Thưa, ông là thông tin viên Hoàng Lương?
Văn Bình đon đả bắt tay.
Trước khi chàng rời Vọng Các, toà đại sứ đã loan báo cho nhiệm sở Vạn Tượng biết. Thanh niên đeo kính gọng vàng tự giới thiệu, giọng nhỏ nhẹ:
- Tôi là Đoàn Minh, đệ nhị tham vụ. Sứ quán của ta đã đóng cửa từ ba tháng trước, sau khi chính phủ liên hiệp trao đổi đại diện ngoại giao với Bắc Việt. Ông đại sứ đã về Saigon, và có lẽ còn lâu mới lên. Nghe tin ông lên anh em ở đây mừng quá. Báo Buổi Trưa là nhật báo lớn nhất dưới ấy phải không thưa ông?
Văn Bình bí xị không trả lời được.
Tuy là thông tin viên đặc biệt cho tờ báo lá cải này chàng chưa được hân hạnh đến toà báo lần nào. Chàng cũng không biết địa chỉ của tờ báo phải gió ấy ở đâu. Dĩ nhiên giấy tờ cấp cho chàng là giấy tờ thật một trăm phần trăm, do ông chủ bút ký, kèm theo khuôn dấu đỏ chói. Văn Bình không hỏi tại sao ông Hoàng lại nắm được những chứng minh thư và thẻ báo chí của tờ Buổi Trưa, theo thói quen nghề nghiệp.
Nghe Đoàn Minh hỏi, chàng đâm ra sợ ông già tổng giám đốc. Kể ra, chàng sợ ông cụ lẩm cẩm kia đã lâu nhưng thỉnh thoảng chàng mới nhận thấy tài ba lạ lùng gần như ảo thuật của ông. Ở đâu ở bất cứ xó xỉnh cơ quan nào, ông cũng có nhân viên chìm và nổi. Muốn có giấy tờ khó khăn đến đâu, ông cũng xoay xở ra một cách dễ dàng như người nâng ly huýt-ky lên miệng.
Đoàn Minh mở to mắt, đợi Văn Bình trả lời. Chàng bèn mỉm cười, ra vẻ tán thành sự nhận xét của Đoàn Minh.
Chiếc Mercédès 220S màu đen, bóng loáng có thể soi gương, xả hết tốc lực về trung tâm thành phố.
Văn Bình ngoảnh sang bên:
- Dưới ấy có gửi thư từ gì lên cho tôi không?
Sực nhớ ra Đoàn Minh đáp:
- À có. Ông không nhắc thì tôi quên khuấy.
Đoàn Minh rút trong cặp da ra một phong bì khá lớn màu vàng. Bên ngoài có hàng chữ nắn nót như sau:


Toà soạn nhật báo Buổi Trưa Sài Gòn.
Kính gửi thông tin viên đặc biệt Hoàng Lương.
(trân trọng nhờ ông đệ nhị tham vụ trao tận tay ký giả Hoàng Lương)


Văn Bình gấp đôi lại, nhét vào túi quần. Rồi chàng hỏi, giọng lơ đãng:
- Nếu tôi không lầm, ông quen thân với chủ nhiệm báo Buổi Trưa?
Đoàn Minh cười hồn nhiên:
- Vâng, chúng tôi rất thân nhau. Đúng ra, chúng tôi là bạn học cùng lớp. Tôi vào ngành ngoại giao còn hắn làm báo. Bây giờ hắn là ông trời con, giơ ngón tay lên là sấm sét đùng đùng, còn tôi chỉ là một tham vụ hạng bét.
Bỗng Đoàn Minh choàng dậy:
- Ấy chết, xin ông tha lỗi. Tôi quen miệng nên gọi ông chủ nhiệm là hắn.
Văn Bình khoát tay:
- Ồ, có sao đâu. Chúng mình đều là bạn. Và tôi xin đề nghị gọi nhau là anh, thân mật hơn. Tiếng ông nghe xa lạ và già quá.
Đoàn Minh cười ròn rã:
- Vâng, tôi xin lãnh ý anh bạn nhà báo.
Văn Bình giả vờ rít một hơi Salem để khỏi phải cười theo. Đoàn Minh là bạn tri kỉ của chủ nhiệm báo Buổi Trưa, nhưng lại không biết hắn là nhân viên của ông Hoàng. Nếu Đoàn Minh khám phá ra Văn Bình chỉ là thông tin viên giả hiệu, chắc chắn sẽ chết ngất.


Xe đậu lại trước lữ quán Constellation.
Đoàn Minh bắt tay từ giã.
- Thôi, chào anh. Anh lên lầu, tắm rửa, thay quần áo rồi chúng mình sẽ nói chuyện sau. Trong thời gian ở đây, anh cần điều gì cứ cho tôi biết, tôi xin tận tình giúp đỡ.
Văn Bình nghiêng mình:
- Cám ơn anh.
Chàng trèo cầu thang gạch lên gác. Đó là lối duy nhất lên phòng ngủ, còn tầng dưới thì được dùng làm phòng ăn.
Một đám đông ký giả quốc tế đủ màu da và quốc tịch đang chúi đầu vào nhau bàn bạc. Bên cạnh những chai la-ve San Miguel cổ vàng đã cạn.


Văn Bình đưa tay chào, nhưng chẳng quen một ai. Cả bọn đều chào lại một cách xuồng xã, như thể đã thân với chàng từ lâu. Chàng mỉm cười một mình ra vẻ thoả mãn. Điều cần thiết đối với chàng là làm cho mọi nhà báo khác tin chàng cũng làm báo như họ.


Việc ấy đã xong.
Nụ cười vụt tắt khi chàng bước vào căn phòng được dành sẵn cho chàng. Căn phòng của chàng trong Thai Hotel đầy đủ tiện nghi bao nhiêu thì căn phòng này thiếu thốn tiện nghi bấy nhiêu.


Đêm qua, chàng nằm trong bầu không khí mát rợi, tiếng ồn điếc tai của xe cộ chạy ngoài đường không lọt vào giường ngủ. Cần gì, chàng chỉ nhấc điện thoại trong ba phút sẽ có hết. Thậm chí cần bạn một đêm cũng chỉ mất 15 phút, số thời giờ cần thiết cho giai nhân đi tắc xi từ nhà đến lữ quán.


Còn ở đây, chao ôi, vẻn vẹn chỉ có một cái giường lẻ loi, một tủ gương cô độc, một bồn tắm nhỏ xíu chỉ có thể đánh răng và rửa mặt được mà thôi. Cái máy lạnh gắn ngất ngưởng trên tường khạc ra tiếng ồn làm chàng nhức đầu. Rồi đang chạy, nó đột nhiên câm họng lại như hến.
Trước khi lên phi cơ, chàng còn nghe Simon dặn dò:
- Bên ấy không được sung sướng như bên này đâu. Khổ như vậy dĩ nhiên anh sẽ nhớ Vọng Các nhiều hơn. Vạn Tượng đang phải tiết kiệm hơi điện nên mỗi ngày bị cúp 5, 6 tiếng đồng hồ. Ban ngày nhiều khi hơi điện quá yếu nên máy lạnh chết luôn luôn.


Simon đã nói đúng. Sự thật còn phũ phàng hơn lời nàng nữa. Máy lạnh của khách sạn thuộc loại cũ mèm, rỉ sét lung tung, ống thông nước bị nghẹt làm vách tường ướt sũng.


Mồ hôi Văn Bình vã ra như tắm. Chàng mở toang cửa sổ cho nắng bên ngoài tuôn vào.


Đặt ngay ngắn bức thư của ông Hoàng lên bàn, chàng tự thưởng một hớp huýt-ky bằng cách tu ồng ộc vào cổ chai rồi mới bắt tay vào việc. Vẻ mặt chàng nghiêm trang như thể y sĩ sửa soạn một cuộc giải phẫu quan hệ.


Phong bì được mở ra, bên trong còn hai lớp phong bì nữa, gắn xi và băng keo kĩ càng. Bức thư nằm trong cùng được đánh máy trên giấy in tiêu đề toà soạn Buổi Trưa.
Chàng rút trong va li ra lọ thuốc nhỏ màu vàng. Nhìn cái nhãn ai cũng cho là thuốc đau gan. Khi rời phi trường Đồn Mương, chàng đã nhăn mặt đáp lại câu hỏi tò mò của nhân viên thương chính:
- Thuốc đau gan.


Thật ra gan chàng cứng như sắt, từ nhỏ đến lớn chàng chưa uống một giọt thuốc bổ gan nào. Chất thuốc đau gan giả hiệu này là thứ thuốc hoá học dùng để đọc thư từ viết bằng mực bí mật.


Văn Bình lấy bàn chải đánh răng nhúng nước, phết đều lên tờ giấy. Giữa những hàng chữ của bức thư vô nghĩa thư của ông chủ bút dặn thông tin viên Hoàng Lương phỏng vấn các lãnh tụ liên hiệp của chính phủ Lào quốc dần dần hiện lên những dòng chữ khác màu hung hung.
Văn Bình hơ lên nắng cho khô, đoạn cắm cúi đọc.


Chàng suýt reo lên một tiếng. Công tác ông Hoàng giao cho chàng lần này không chán ngấy như chàng lầm tưởng.


Đọc xong, chàng nhẩm lại lần nữa cho thuộc rồi châm lửa đốt, vứt tàn vào chậu rửa mặt, đổ nước cho tan hết.


Chàng vừa lau tay thì có tiếng gõ cửa. Ba ngắn một dài. Rồi ba dài một ngắn.
Văn Bình nói lớn:
- Ai đó, cứ vào.


Người bước vào trạc ba mươi, mặc sơ mi cụt tay bằng hàng Boussac rằn ri, vai đeo máy ảnh Yashica F, lông mày sắc như lưỡi dao cạo, thân hình tròn trịa, vừa vặn, tỏ ra khá hấp dẫn đối với phái yếu.
Không cần xin phép, hắn ung dung ngồi xuống ghế, gạt thuốc lá vào đĩa đựng tàn, miệng nói:
- Toà báo Buổi Trưa mới gửi tiền lên cho anh. Anh biết là bao nhiêu chưa?
Văn Bình đáp:
- Một vạn kíp.
Người lạ nói:
- Hân hạnh được tiếp xúc với anh. Tôi là nhân viên chìm của ông Hoàng tại Vạn Tượng. Tên tôi là Sulô.
- Tôi là Hoàng Lương. Sulô, té ra anh là người Lào!
- Vâng, tôi lai Việt. Trên này theo chế độ mẫu hệ nên mẹ Lào, cha Việt có thể tự coi như người Lào được rồi. Đất Lào có hàng trăm, hàng ngàn người như tôi. Vả lại, dân tộc Lào rất tốt, họ không cần quan tâm đến công việc người khác, tôi mang tên Lào Sulô, hoặc tên Nga Khruschev họ cũng mặc kệ.
- Nhưng anh coi chừng đấy. Chỉ có ký giả mới đeo máy ảnh.
- Anh ngạc nhiên là đúng. Song tôi có quyền đeo máy ảnh. Vì tôi là nhà báo. Nhà báo thứ thiệt, được bộ Thông tin và bộ Tổng tham mưu cấp thẻ đàng hoàng. Tôi là ký giả của báo Xiêng Mahaxon.
- Xiêng Mahaxon, cái tên nghe quen quen…
- Vâng, đó là cơ quan ngôn luận của phe hữu.
- Hà hà, báo Buổi Trưa của tôi cũng theo phe hữu.
- Té ra tôi lầm. Trước khi đến đây, tôi đinh ninh chỉ có tôi là nhà báo thực thụ còn anh chỉ làm báo khi nào thích làm mà thôi.
Cuộc gặp gỡ với Sulô làm Văn Bình chột dạ. Dường như Sulô ưa nói nhiều hơn làm. Đó không phải là đức tính của nghề điệp báo.
Chàng bèn đưa mắt ra cửa:
- Trước khi vào phòng tôi, anh đã cẩn thận xem có bị ai theo dõi chưa?
Sulô nhún vai, giọng kiêu căng:
- Anh đừng ngại. Đây là Vạn Tượng, không phải Sài Gòn hay Đông Kinh. Nhân viên gián điệp ở đây đông đảo thật đấy, nhưng chỉ là đồ bỏ. Thuốc phiện rẻ như bèo và gái đẹp cả đống đã làm họ mềm người ra rồi.
Văn Bình hơi cau mặt:
- Anh gặp bồi ngoài hành lang không?
Sulô vẫn thản nhiên:
- Không. Vả lại, gặp cũng chẳng sao. Ngày nào tôi cũng đến đây uống rượu ba lần, sáng, trưa và tối, bồi đã nhẵn mặt. Vả lại, ông chủ khách sạn người Pháp là bạn du hí thân thiết của tôi.
- Anh quen nhiều ghê.
- Vâng, cái nghề này phải thế. Tốn tiền kinh khủng, anh ạ. À, ông Hoàng có gửi tiền lên cho tôi không?
- Có. Theo chỗ tôi biết, ông Hoàng đã chuyển ngân lên cho anh rồi. Giờ này, anh ra ngân hàng có lẽ đã có.
Sulô thở dài:
- Hỏng cả rồi, anh ạ.
Văn Bình nhìn vào mắt Sulô:
- Thế nào là hỏng cả rồi?
Sulô, giọng chán chường:
- Nàng Boun đã chết. Chết vào rạng sáng hôm nay.
- Tại sao?
- Hoài Thanh hạ sát nàng rồi tự vận.
- Nghĩa là cả hai đều chết.
- Tôi chưa có tin tức đích xác vì cảnh sát giữ kín. Một mặt báo viên của tôi cho biết Hoài Thanh chưa chết. Hắn nhảy trên lầu xuống đất may vướng cành cây nên chỉ bị thương. Hiện giờ hắn đã được chở về toà đại sứ Việt Nam dân chủ cộng hoà.
- Tại sao Hoài Thanh giết nàng Boun?
- Có lẽ vì ghen tuông.
- Đó là sự phỏng đoán của anh hay là căn cứ vào chi tiết cụ thể?
- Không, tôi đâu dám phỏng đoán. Làm nghề này, phỏng đoán là hết đời. Phỏng đoán là làm nghề thầy bói, phải không anh? Hoài Thanh yêu nàng Boun một cách tha thiết, có thể hy sinh tính mạng cho nàng, song hắn lại mắc bệnh ghen ghê gớm. Hắn đã để lại một bức thư tuyệt mạng.
- Nội dung ra sao?
- Tôi xoay sở mọi cách mà chưa tìm ra. Nhân viên sứ quán Bắc Việt đến nơi xảy ra án mạng trước công an Lào nên đã làm phi tang hết cả.
- Nghĩa là kế hoạch của chúng ta đã thất bại trước khi được thực hiện?
- Tôi chưa dám nghĩ như vậy, song sự thật cũng gần như anh kết luận.
- Theo anh, còn phương tiện nào khác nữa không?
- Vâng, tôi cố áp dụng phương châm “còn nước còn tát”. Xin anh để tôi suy tính lại. Song tôi sợ là không còn hy vọng gì nữa. Từ lâu, tôi nhắm vào cặp tình nhân này. Nếu anh lên sớm hơn một ngày biết đâu chúng ta đã hoàn toàn thành công, hoặc ít ra cũng đạt được kết quả thuận lợi. Bây giờ họ đã chết.
- Ngoài Hoài Thanh, anh còn quen ai nữa?
- Kể ra thì ai cũng quen, và ai cũng không quen. Vạn Tượng nhỏ như lỗ mũi, làm quen rất dễ. Tôi đã vác mặt tới mọi cuộc tiếp tân và ở đâu tôi cũng mày mò kết bạn với nhân viên ngoại giao cộng sản. Nhưng bọn đàn em của Lê Văn Hiến khôn như ranh, anh ạ. Họ chỉ bắt tay tôi là nhiều nhất. Bắt xong rồi thôi, gặp nhau trong cuộc tiếp tân khác là mặt lạnh như tảng băng Bắc cực.
- Tại sao anh quen được Hoài Thanh?
- Lý do cũ rích, anh ạ. Hoài Thanh ham xuống xóm Đồng Pha Lan. À chắc ở Sài Gòn anh đã nghe danh Đồng Pha Lan. Thôi thì, tha hồ, muốn gì cũng có. Có thể nhất dạ đế vương, miễn hồ có tiền. Phải là hoà thượng 80 tuổi hạ mới khỏi bủn rủn tay chân khi bước qua xóm Đồng Pha Lan. Đêm nay, anh sẽ thấy tôi nói đúng.
- Cám ơn. Anh quảng cáo hay hơn cơ quan du lịch chính thức của chính phủ hoàng gia. Nhưng bây giờ tôi chưa thích thanh lâu. Mà chỉ cần biết tại sao anh làm thân được với đệ nhị tham vụ Hoài Thanh?
- Sau khi thấy hắn tiêu tiền như rác, tôi bèn tổ chức theo dõi. Tôi lại quen nàng Boun.
- Tôi hy vọng anh sẽ tìm được một Hoài Thanh và một nàng Boun khác.
- Điều này có thể thực hiện được, tuy nhiên phải cần thời gian. Phiền một nỗi là anh đã cất công lên đây… Dầu sao cũng xin anh thông cảm rằng không phải lỗi tại tôi.


Dáng điệu bâng khuâng, Văn Bình đứng dậy ném mẩu Salem cháy dở qua cửa sổ. Mùi bạc hà thơm thơm còn phảng phất trong phòng trọ.
Đúng như lời Sulô, công tác của Văn Bình ở Vạn Tượng đã kết thúc trước khi được khởi đầu. Nghĩa là chàng bị ông Hoàng bắt cóc ở Thai Hotel, tống cổ sang đây một cách vô ích.


Lệ thường mỗi lần xuất ngoại chàng đều giáp mặt ông tổng giám đốc để trực tiếp nhận chỉ thị, và đôi khi bàn góp ý kiến. Lần này, mệnh lệnh được đưa qua trung gian. Một trung gian hót như khướu. Nàng Boun thiệt mạng, Hoài Thanh bị thương, không hiểu ông Hoàng sẽ có thái độ nào, vì những biến cố đáng tiếc này không được ghi trong chương trình. Chẳng lẽ ông Hoàng ra lệnh cho chàng tiếp tục. Chẳng lẽ ông Hoàng ra lệnh cho chàng quay về Sài Gòn.
Văn Bình hỏi Sulô:
- Anh vẫn liên lạc bằng điện đài với ông Hoàng chứ?
Sulô đáp:
- Vẫn.
- Mỗi tuần mấy lần?
- Nếu có tin tức thì mỗi đêm mỗi gửi. Bằng không, một tuần hai lần, thứ tư và thứ bảy. Đêm nay, tôi sẽ sử dụng điện đài vào hồi 2 giờ rưỡi. Anh muốn tôi điện về những gì?
Suy nghĩ một lúc, Văn Bình đáp:
- Tôi cũng chưa định. Trước giờ mở điện đài tôi sẽ liên lạc với anh.
Sulô viết địa chỉ của hắn xuống giấy và đưa cho Văn Bình. Mặt hắn bỗng sáng rực:
- Anh tìm tôi rất dễ, cứ bảo xảm lồ hoặc tắc xi xuống Đồng Pha Lan. Sống ở đây, ai cũng phải biết Đồng Pha Lan.
- Dĩ nhiên, anh phải làm hướng đạo cho tôi.
- Sẵn sàng. Thôi chào anh. Thật đáng tiếc.
Sulô kéo giầy lệt xệt ra cửa. Tiếng chân của gã ký giả Lào nhỏ dần ở cầu thang.


Văn Bình chép miệng, châm điếu Salem mới Sulô cho là đáng tiếc. Song Văn Bình lại không nghĩ thế. Chàng chỉ hơi lấy làm bực mình. Trong đời gián điệp, nhiều khi bát cơm bưng tận miệng, sắp ăn rồi còn bị giật đổ. Tuy nhiên, trong sự bực mình đã có đôi chút kinh ngạc.
Thờ thẫn, Văn Bình tiến ra bao lơn, nhìn xuống đường.


Đối diện khách sạn là đường Sam Sen Thai, đại lộ số một của thủ đô Lào quốc.


Mang danh là đại lộ số một, đường Sam Sen Thai chưa thể so sánh với con đường hạng bét của Sài Gòn. Mặt đường không tráng nhựa nên xe cộ chạy qua bụi lốc mù trời. Hai bên đường, những tấm gỗ gập ghềnh gác chân lên nhau để che ống cống, phía dưới chảy một thứ nước đen ngòm như nước sái thuốc phiện.


Cột điện bằng gỗ gần lữ quán xiên hẳn sang bên, như muốn ngã chúi vào quầy rượu. Xa xa vọng lại một điệu nhạc buồn buồn. Tiếng khèn độc đáo của xứ Lào thật hợp với thủ đô Vạn Tượng đìu hiu.


Dưới đường, Sulô đã đeo máy ảnh sang vai khác. Hắn thích cử động tay chân chứ không phải đau vai. Hắn dáo dác nhìn ngược xuôi, có lẽ để tìm xe.


Một chiếc xảm lê ọc ạch chạy qua, gọng kền lấp loáng dưới trời nắng như thiêu như đốt. Một xa phu hạ xuống nhưng Sulô xua tay.
Văn Bình nghe tiếng Sulô vọng lên:
- Tắc xi.


Một chiếc Opel xịch tới. Tài xế bất chấp luật lệ lưu thông vì thành phố Vạn Tượng dường như không có, và không cần luật lệ lưu thông đậu chềnh ềnh giữa đường, khệnh khạng mở cửa cho Sulô trèo lên.
Một tia điện giật nhanh trong óc Văn Bình.


Con mắt tinh tế của chàng không thể nào lầm được.
Chiếc tắc xi sơn đen chở Sulô vừa chuyển bánh thì cách khách sạn Constellation năm chục thước một chiếc xe hơi khác, cũng thuộc loại Opel sơn màu cà phê sữa đậu xế cửa biệt thự của Ngoại trưởng Lào, cũng vội vã rồ máy.


Từ nãy Văn Bình đã để ý tới người ngồi trong xe màu cà phê sữa. Tắc xi rẽ sang trái, chiếc xe cà phê sữa cũng rẽ theo.


Văn Bình đứng trầm ngâm giây lâu.


Hồi nãy, chàng nảy ra ý định quay về Vọng Các. Nhưng từ phút này chàng phải ở lại. Bên trong nội vụ chàng nhận thấy một sự trục trặc lạ lùng. Chàng nhất quyết tìm cho ra.


Giờ đây, chàng phải tắm một cái cho lại thần hồn. Vạn Tượng đã có sẵn nhà tắm hơi đặc biệt dành riêng cho đàn ông có nhiều tiền. Nghĩ đến lúc nằm dài trên một chiếc giường nhỏ, mắt lim dim, cánh mũi hấp háy, mặc cho người đàn bà trên thân không có mảnh vải nào hết, nắn bóp từng thớ thịt, Văn Bình quên cả nhọc mệt.


Huýt sáo miệng, chàng quay vào phòng.
Một anh bồi nghiêng đầu chào bằng tiếng Việt:
- Thưa, ông mới từ Sài Gòn lên.
- Không, từ Vọng Các.
- Ồ, thế mà ông tham vụ lại nói rằng ông ở Sài Gòn.
- Đúng, tôi từ Sài Gòn qua Vọng Các nghỉ một thời gian trước khi tới đây.
- Thưa, ở đây chắc ông bực mình lắm. Nước không có, điện cũng không, ăn uống thì thiếu thốn, một cọng rau cũng mang từ Nồng Khai qua. Ai Lao chẳng có gì hết, thậm chí đến món đàn bà cũng phải nhập cảng.
- Kể thì cũng chán thật. Nhưng cái nghề của tôi là thế. Nơi nào vắng vẻ nhất cũng là nơi có nhiều tin tức nhất.
- Thưa, ông định ở bao lâu?
- Cũng còn tuỳ. Tuy nhiên ngắn nhứt cũng vài ba tuần. Vì tôi còn phải phỏng vấn hoàng thân thủ tướng, và sau đó lên Cánh đồng Chum.
- Vâng, vài ba tuần khá đủ rồi. Ông sẽ có thời giờ dư dả để tìm của lạ. Sài Gòn không có tiệm nhảy phải không ông?
- Có chứ. Tiệm nhảy ở Sài Gòn rất nhiều.
- Lạ nhỉ! Tôi thấy vũ nữ ở dưới ta kéo lên đây hàng đoàn. Họ kháo nhau rằng làm ăn ở Sài Gòn khó lắm.
- Phải. Vì bộ luật gia đình.
- Ồ, ở trên này thì tha hồ, tha hồ nhảy, tha hồ say, tha hồ du hí, miễn có tiền. Cái gì chứ cái tiêu khiển thì chở hàng trăm xe cam nhông đổ xuống sông Cửu Long cũng chưa hết. Ông đã có dịp xuống Đồng Pha Lan chưa?
- Chưa.
- Tối nay, tôi sẽ dẫn ông đi. Cũng đủ như Hồng Kông, ông ạ. Đủ hạng đàn bà tây, tàu, lai, già, trẻ, vàng, trắng… Túi tiền nào cũng thích hợp, ít tiền thì hạng xoàng, còn giàu sụ thì có những món đặc biệt từ Hồng Kông tới. À, lại còn có xi-nê nữa. Không phải xi-nê đen trắng đâu, thưa ông. Toàn là phim màu. Và là phim mới. Tôi nghe nói ở Sài Gòn, mấy chú ba Tàu ở Chợ lớn chiếu phim cũ mèm và in lại, chán như cơm nếp nát.
- Nghe nói gần khách sạn có tiệm nhảy Lido cừ khôi lắm mà…
- Vâng, Lido là vũ trường nổi tiếng nhất nhì Vạn Tượng. Nhưng phải tới vào nửa đêm thì mới gặp nhiều cái lạ. Tuy nhiên, đêm nay, tôi xin đề nghị ông đi Vieng Ratry.
- Vieng Ratry?
- Vâng, ở gần bờ sông. Lịch sự và ấm cúng nhất là Vieng Ratry. Ở đó đang trình diễn một trò thích mắt ghê gớm.
Văn Bình thừa biết gã bồi nói thoát y vũ. Chàng lại thừa biết hắn là tay ma cò chuyên nghiệp. Chàng bèn khoát tay:
- Ôi chao, nghe anh nói phát rệu nước miếng. Nhưng tôi mới đến còn mệt lắm. Tối mai, tôi sẽ tìm anh.


Chàng đóng cửa đánh sầm.


Gã bồi ngó chàng bằng cặp mắt sửng sốt. Hắn không ngờ được người đàn ông bảnh trai và cường tráng như thế lại dửng dưng khi nghe nhắc tới thú vui ban đêm tại Vạn Tượng.


Hắn lắc đầu tỏ vẻ không hiểu rồi nặng nề bước xuống thang gác.


***
Bóng Tối Đồng Pha Lan
Lời chú thích quan trọng của tác giả:
Phần I
Phần I (b)
Phần I (c)
Phần I (d)
Phần II (a)
Phần II (b)
Phần II (c)
Phần III (a)
Phần III (b)
Phần IV
Phần IV (b)
Phần IV (c)
Phần V
Phần V (b)
Phần V (c)
Phần VI
Phần VI (b)
Phần VI (c)
Phần VI (d)
Phần VI (e)