Chương 2-7
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
Hai bên chạy đua nước rút.
Bổng nhiên, Tưởng được cái danh là thắng Nhật, cứu quốc. Sự thực ông chỉ đứng về phe thắng Nhật thôi, nhưng dân tộc Trung Hoa cũng đã phải hy sinh tới 3 triệu người.
Năm đó ông 58 tuổi ( 1887 – 1945) ngôi sao của ông lên đến cực điểm. Cả nước tưng bừng , mà các nhà cầm quyền Quốc và Cộng thì tíu tít. Tới lúc phải chạy nước rút để chiếm cho được thật nhiều đất
“ thử xem rồi đây thiên hạ về ai?”
Theo thỏa hiệp giữa các Đồng Minh ở Yalta thì Nga sẽ giải giới Nhật ở Mãn Châu, còn từ Vạn Lý Trường thành trở xuống. Trung Hoa sẽ giải giới. Tức thì Chu Đức ( tướng Cộng) ra lệnh cho quân đội chiếm tất cả những nơi có quân Nhật từ sông Dương Tử lên tới trường thành, rồi tiến lên Mãn Châu , Mông Cổ để hợp với quân Nga. Còn Tưởng thì ra lệnh cho đạo quân thứ VIII và thứ IV của Cộng không được dời chỗ, và ra lệnh cho Nhật chỉ được giao khí giới cho quân Quốc gia.
Tưởng lại đánh điện mời Mao đến Trùng Khánh thương thuyết. Mao đòi những thị trấn lớn nào có khá đông Cộng sản thì bên cạnh thị trưởng Quốc dân đảng thêm một phó thị trưởng Cộng sản . Tưởng không chịu, muốn Trung Quốc là một quốc gia thống nhất, các tỉnh trưởng phải tùy thuộc trung ương. Mao cũng không chịu, lấy lẽ rằng Trung Quốc có nhiều miền rất khác nhau, nên dùng chính thể liên bang , mỗi địa phương có quyền tự trị rộng rãi.
Sau cùng, những cuộc thương thuyết , Quốc đã chiếm được nhiều đất rồi, muốn giải quyết bằng vũ khí cho mau.
Trong mấy năm kháng Nhật ( 1938- 1945) lực lượng của Quốc suy đi mà của Cộng thì mạnh hơn. Khi Nhật đầu hàng , Cộng đã làm chủ gần hết Hoa Bắc, trừ những thị trấn lớn , nhiều miền ở Hoa Trung và một số điểm ở Hoa Nam; Năm 1935 họ chỉ có 30.000 quân thì bây giờ có 910.000 quân chánh qui với hai triệu dân quân. Khi nhờ sự đồng tình của Nga, họ chiếm được Mãn Châu thì toàn thể số dân họ chiếm được là 130 triệu . Đảng viên của họ lên tới 1.200.000. Sức mạnh của họ về quân số , ngang với Quốc. Võ khí còn kém nhưng họ có kinh nghiệm hơn, có tinh thần chiến đấu, được lòng dân hơn. Còn về phía Quốc thì được cái danh là một trong tứ hay ngũ cường, nhưng quân đội và công chức đã mất sự hăng hái buổi đầu, nhiều kẻ hóa tham nhũng, mà kinh tế suy đến cùng cực rồi. ( Coi nạn lạm phát nói ở trên).
Nhưng năm 1946, Tưởng được Mỹ giúp rất nhiều: đủ các thứ phi cơ phóng pháo lớn nhỏ, vận tải; hằng ngàn cam nhông, xe lửa, tàu chiến nữa ... để chở quân đội quốc gia lên phía Bắc mà giải giới Nhật cho mau trước khi Cộng tới.
Ở Hoa Trung, Cộng phải rút lên Mãn Châu, lên Tứ Xuyên. Họ cũng được Nga giúp đỡ nhưng ít, Nga không nhiều phương tiện như Mỹ , vả lại Nga muốn giữ lới hứa với Đồng minh Mỹ, Trung Hoa, không muốn ra mặt giúp Cộng. Có thể còn do lẽ Staline không ưa Mao, cho thứ Cộng sản của Mao chỉ là giả hiệu ( Communisme à la margarine : Margarine là chất béo ở trong dầu như dầu đậu phụng chẳng hạn, tạm thay bơ – “ beurre” - chất béo ở trong sửa bò), vì Mao không theo đúng thuyết của Marx, dùng thợ thuyền để làm cách mạng, mà dùng nông dân . Nông dân dù bần cố nông đi nữa thì cũng còn óc tư hữu không thực là cách mạng; lại thêm cách mạng của Mao có tính cách quốc gia – nationaliste - chỉ giải phóng quốc gia thôi, thiếu tinh thần quốc tế .
Nga chỉ giúp Mao được hai việc:
1- Tước khí giới của Nhật rồi giao cho Mao ( những thị trấn ở Mãn Châu thì giao lại cho Tưởng) còn các nhà máy , đường xe lửa thì Nga chở hết về nước để kiến thiết lại xử sở.
2- Phái Thống chế Timochenko qua dạy cho quân đội Cộng cách chiếm các thị trấn lớn, các đường xe lửa, làm cố vấn cho Cộng trong mặt trận ở Mãn Châu và ở Hoa Nam, phái Thống chế Joukov - người đã thắng Đức- qua huấn luyện du kích quân của Mao đánh những trận chinh chiến ( hai bên dàn quân thành mặt trận ). Tóm lại , Nga chỉ giúp về chiến thuật và võ khí giải giới của Nhật thôi.
Vì vậy năm 1946. Quốc tiến thì Cộng phải lùi, nhưng lùi theo đúng một chiến lược khôn khéo, để cho quân của Tưởng yên ổn chiếm các thị trấn mà không kháng cự gì cả. Những thị trấn đó lần lần thành gánh nặng trên lưng Tưởng.
Sức Quốc Dân đảng tiêu ma lần vì phải chiếm đóng các thị trấn giống các đồn lũy, tự nhốt mình trong đó, các tướng tá không chịu ra khỏi mấy bức thành, sợ giao chiến , sợ bị phục kích, chung quanh thị trấn, Cộng sản tự do tổ chức thôn dã, khẩn hoang, trồng trọt.
Trong năm rút lui theo chiến lược đó, Mao dụng tạm để cho Hồ Tôn Nam chiếm Diên An. Biết Hồ sắp tới. Mao rút hết khỏi Diên An, không để lại một chút gì. Hồ vô, thấy Diên An trống rổng, tuyên bố rằng đã chiến thắng lớn. Sau đó Cộng quân nhử Hồ đi một vòng lớn khắp Hoa Bắc. Hễ Hồ tới thì Lâm Bưu phải lui. Hồ quay về thì Lâm đánh. Khi Hồ mệt mỏi rồi, Hồng quân mới xung phong và giải quyết rất mau. Tháng 5- 1947, Lâm Bưu dùng 300.000 quân chính qui với cả triệu dân , quân tấn công quân của Tưởng , bao vây Thẩm Dương, Trường Xuân, Cát lâm, Quân Quốc Dân dảng chạy tán loạn, bỏ lại quân nhu, khí giới , xe cộ.
Từ đó Cộng càng mạnh lên, mà Quốc Dân đảng càng lụn bại. Qua tháng 9- 1948 thì giai đoạn cuối cùng bắt đầu.
- Mỹ muốn hòa giải hai phe
Nhưng chúng ta hãy ngưng một chút để xét thái độ của Mỹ trong thời này đã.
Trước khi chết , tổng thống Mỹ Roosevelt dặn phải rán hòa giải Quốc và Cộng cho kỳ được. Ông không ghét Trung Cộng, thấy họ chiến đấu vì tinh thần quốc gia và chỉ theo chính sách tân dân chủ mà ông cho là đúng. Truman lên thay ông, theo chủ trương của ông, phái tướng Marshall qua, thay sứ thần Hurley, mà hòa giải Quốc và Cộng. Mấy lần Marshall thuyết phục hai bên đình chiến để hòa đàm. Ông lại ép Tưởng Giới Thạch áp dụng hiến pháp đã thảo từ mười năm trước, nay sửa lại ít nhiều trọng những tự do dân chủ.
Tưởng phải theo, tuyên bố hết thời kỳ huấn chính rồi, cuối tháng 10 – 1947 sẽ bầu cử quốc hội. Từ 21 đến 24- 10, 250.000 triệu dân đi bầu 2. 971 đại biểu.
Người ta lập danh sách và thẻ cử tri đàng hoàng, nhưng tới ngày bầu cử thì có người không nhận được thẻ, có người được 3- 4 thẻ và dùng tất cả , không được bầu kín, mà cử tri phải ghi tên người mình muốn bầu trước mặt một ông kiểm soát viên Quốc dân đảng , 95% dân quê không biết chữ thì có người của Quốc Dân đảng cầm tay vẽ cái dấu thay tên ứng cử viên A, ví dụ dấu + dân O thay tên ứng cử viên B .... việc đếm phiếu làm kín, và hai tháng sau mới có kết quả: có 2.045 ghế thì ứng cử viên chính thức ( của chính phủ giới thiệu) được 1516 ghế, trong số đó Quốc Dân đảng được 1342 ghế, còn 93 ghế của Đảng dân chủ, 81 ghế của đảng tân Trung Hoa.
Đảng Cộng sản không dự.
Dĩ nhiên Tưởng được bầu làm Tổng Thống: 2430 phiếu, địch thủ của ông là Chu Chang ( ?) 269 phiếu. Lý Tôn Nhân làm phó Tổng thống . Thủ tướng là ông Văn Hạo.
Marshall thấy trò bịp bợm đó của Tưởng chán nản bảo:
- “ Không thể cải cách gì được với con người phản động ( néactionnaire) đó”. Chắc Tưởng cũng chê lại Marshall là ngây thơ.
Trước sau, Quốc và Cộng họp nhau hai ba lần để Marshall tìm cách hòa giải nhưng làm sao hòa giải được? Khi Tưởng mạnh thì Tưởng muốn nuốt Mao, mà khi Mao mạnh thì Mao cũng muốn diệt Tưởng . Lẽ tự nhiên như vậy.
- Bây giờ ta trở lại cuộc tranh hùng của Tưởng và Mao.
Từ tháng 9 – 1948, Cộng ồ ạt tấn công. Chỉ trong ba tháng, Lâm Bưu chiếm được trọn Mãn Châu, Thiên Tân, rồi Bắc Kinh bị hạ trong hai tuần. Hoa Bắc vào trong tay Cộng, toàn là do công của Lâm Bưu.
Ông Văn Hạo từ chức Thủ tướng. Tôn Khoa vốn có cảm tình ít nhiều với Cộng ( vì nhận rằng Mao theo đúng chủ nghĩa dân sinh của cha) được Tưởng cử lên thay Hạo, hy vọng thương thuyết được với Cộng, nhưng Mao đưa ra 8 điều kiện gắt quá. Tưởng không sao chấp nhận được.
Chiếm trọn Hoa Bắc rồi, Cộng tiến xuống Hoa Nam, ngày 10 –1- 1949 Tưởng đem hết lực lượng ra đánh canh bạc cuối cùng, tức trận Hoài Hải ( Huai Hai) mà các nhà quân sự cho là một trong những trận lớn trong lịch sử hiện đại ( có thể ví với trận Waterloo của Napoléon) ở khoảng 150 cây số phía Tây Bắc Nam Kinh. Chính Tưởng lựa địa điểm đó mặc dầu các chiến thuật gia của ông cản ngăn, ông tung vào đó nửa triệu quân mà Trần Nghị và độc long tướng quân Lưu Bá Thừa chặt ra từng khúc, rồi bao vây. Một đạo quân của Tưởng tới cứu, với rất nhiều khí giới nặng, nhưng khi hay tin Tưởng tính thả bom tiêu diệt tất cả thì quân Quốc Dân đảng đầu hàng Cộng. Vậy là trong 4 tháng từ 9- 1948 tới 1- 1959, Quốc mất non một triệu quân . Trận Hoài Hải lịch sử đó, tôi không thấy một sử gia nào nói tới , trừ Bianco.
Ngày 21 –1 Tưởng rút lui khỏi chính quyền, giao việc nước cho Lý Tôn Nhân và Hà Ứng Khâm.
Sau đó Cộng vô Nam Kinh ( Tưởng đã dời kinh đô từ Trùng Khánh xuống đó mấy năm trước). Hán Khẩu , Thượng Hải, ngừng một chút để gom lực lượng rồi vượt sông Dương Tử. Chỉ trong hai ngày mà 300.000 người qua được con sông rộng 1.600 thước đó.
Từ đấy quân của Lâm Bưu tiến như vũ bảo, còn nhanh hơn quân Cộng sản Việt nam, đầu năm 1975 nữa. Có ngày vượt 45-50 cây số. Tràng sa đầu hàng ngày 4_8, Phúc Châu bị chiếm ngay 17-8, Quảng Châu ngày 15 – 10 . Rồi tới Trùng Khánh , Thành Đô , Côn Minh, Tàn quân của Tưởng chạy qua Đông Dương hoặc trốn ở Hải Nam (đảo này sau bị Mao chiếm).
Ngày 1-10- 49 Mao tuyên bố thành lập nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Mao làm chủ tịch. Ngày hôm sau 2-10 , Nga đoạn tuyệt với chính phủ Dân quốc, thừa nhận chính phủ Cộng Hoà nhân dân. Tiếp theo là các nước cộng sàn ở Đông Âu: Roumanie, Bulgarie, Hungarie.... Ngày 21 612, Mao qua Moscou ( lần đầu tiên ông ta ra khỏi nước) để chúc thọ thất tuần của Staline và ký một hiệp ước tương trợ 30 năm với Nga, Anh do dự ít lâu rồi cũng thừa nhận để bảo vệ quyền lợi ở Hương Cảng.
Sau khi từ chức Tổng Thống, Tưởng về thăm quê hương rồi lên thăm Trùng Khánh, sang Phi Luật Tân, Ấn Độ thăm thủ tướng hai nước đó, bà Tống Mỹ Linh cùng qua Mỹ xin giúp đỡ, nhưng không được một kết quả gì cả.
Mặt trận Trung Hoa – MIÊN ẤN
Trong thế chiến II
( HÌNH BẢN ĐỒ)
Cuối năm 1949, Tưởng bay qua Đài Loan , mang theo vàng trong kho và những bảo vật, mỹ nghệ ở Bắc Kinh. Quân đội còn được 2 –3 trăm ngàn người theo ông qua đó.
Năm 1938 ông ta khôn khéo lựa tỉnh Tứ Xuyên để trốn. Lần này ông cũng sáng suốt , lựa Đài Loan ở trong hệ thống chiến lược của Mỹ . Mỹ sẽ không bỏ nó, tức không bỏ ông.
Mới ba năm trước, ông ta được toàn dân hoan hô, ngưỡng mộ thì bây giờ bị 85% dân chúng ( theo Han Suyin) từ bỏ, oán ghét đến xương tủy. Mỹ đã bỏ vào Trung Hoa bao nhiêu tỉ đô la, còn bị ghét hơn nữa. Phong trào bải Mỹ phát sinh từ tháng giêng năm 1947 trong giới sinh viên. Nguyên nhân là “ tụi Mỹ đi tới đâu là mở ổ điếm tới đó. Họ là một đạo quân chiếm đóng, hành động như một đạo quân chiếm đóng ....Cái gì họ cũng có quá nhiều, họ bán số thừa thãi để lấy tiền .... Có một số đàn bà giao thiệp với họ để kiếm son bôi môi, hàng lụa, vớ nilông, thức ăn. Họ mua quịt, hành hạ kẻ nào họ không ưa. Thành phố nào cũng hóa ra thối tha. Mọi người đều ghét họ, cả những người rút rỉa tiền của họ .... Họ muốn làm gì thì làm, chửi người ta, đấm đá cu li, buộc cu li phải chạy đua như bầy thú vật “ Han Suyin trong Một mùa hè vắng bóng chim”
Chính quyền Mỹ không thấy rằng hễ viện lẽ giúp một chính quyền thối nát mà đưa quân vô nước đó thì chỉ làm cho chính quyền đó mau sụp đổ, vì như vậy là làm cho nỗi bất bình của dân chúng tăng lên, rồi đồng hóa Mỹ với chính quyền đó. Họ đã phải cay đắng thua ở Trung Hoa mà không rút ra được một bài học, lầm lẫn trở lại ở Việt Nam trong những năm 1965 – 1974. Cảnh han Suyin tả ở trên, tôi cứ ngỡ rằng đã đọc trên một tờ báo nào ở Sài Gòn mấy năm đầu 70 .
Học giả nào ở Tây Phương cũng nhận rằng Tưởng có nhiều đức, có tư cách.
Từ đời Tống hay trước nữa. Trung Hoa đã rất nghèo, mặc dù rất văn minh. Mỗi lần lụt lớn rồi hạn hán thì dân chết hàng ức hàng triệu người. Cảnh nông dân phải bán vợ đợ con , đã có vài ba đứa con rồi mà sinh thêm con gái thì nhận nước cho nó chết hoặc bỏ ở bờ sông, lề đường, những cảnh đó xảy ra rất thường.
Nạn đói kinh khủng nhất xảy ra ở miến Sơn Tây, Thiểm Tây năm 1978 - 1979: Có tới từ 9 đến 13 triệu người chết đói. Dân các miền khác đỡ hơn, nhưng dân bất kỳ miến nào cũng lo đói: Tới gần đây mà ở Phúc Kiến người ta còn chào nhau: “Ăn cơm chưa ?”
Năm 1406 đã có những sách kể trên 400 thức ăn thay lúa gạo , như món bánh tráng làm bằng cây bông vải, cây gai, có thứ miến ( bún Tàu) làm bằng bột đá nghiền thật nhỏ, trộn với đất sét, vỏ cây, rễ cây. Năm 1946, những sách đó đã được in lại , như vậy có nghĩa là tình trạng chưa được cải thiện gì nhiều.
Hễ đói quá thì không còn lễ nghĩa, nhân đạo gì cả.
Trong cuốn Origines de la révolution chinoise, Bianco chép lại vài truyện rất bi thảm. Trong một gia đình nọ ở ranh giới hai tỉnh Tứ Xuyên và Thiểm Tây, người cha chết, mà người mẹ cũng suy nhược lắm rồi. Các con bàn với mẹ, đừng chôn cha vội, có thể mẹ cũng không sống được tới mùa hè, trước khi thây của cha hôi thối ; như vậy sẽ chôn cả hai một lần, đỡ tốn kém. Mẹ bằng lòng, và các con đặt quan tài vô trong phòng lạnh nhất : phòng mẹ nằm ; rồi chất đá lên trên nấp quan tài để cho khỏi ăn xác.
Họ nghèo nên đành bỏ chữ hiếu, mà lo cho người sống trước đã.
Chuyện chó ăn xác người, cũng như chuyện khoét thịt trẻ con, cả người lớn, không còn làm cho ai nữa.
Truyện thứ nhì do các nhà truyền giáo Mỹ kể lại. Một thiếu niên nhà nghèo quá, cha mẹ bán cho một gia đình không con. Sáu năm sau gia đình này sanh được một đứa con trai, bèn đuổi đứa con nuôi đi. Nó lang thang đi xin ăn cả tháng trong miền , chỉ còn xương bọc da. Cũng chỉ vì nghèo quá mà không còn chút tình người.
Truyện thứ ba : Một nông dân mới bị bắt lính không biết kỷ luật nhà binh bị lính canh kêu lại, chỉ vì trả lời trể mà bị một viên đạn vào phổi.
Trung Hoa là xứ của đạo Khổng ; một đạo rất nhân ái, mà người ta tàn nhẫn như vậy, coi đời sống nông dân không bằng đời sống một con trâu, một con ngựa ....
Theo Han Suyin ( trong sách đã dẫn) (1) tuy theo Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh, có lần nông dân bị bắt làm xấu giữa mùa cấy hay mùa gặt, nên nổi loạn – 2.000 người bị giết. lần khác 6.000 nông dân bị bắt lính đưa lên Tây Bắc tới nơi thì chỉ còn có 700 sống sót.
Chúng ta đã biết năm 1938, Tưởng cho phá đê Hoàng Hà để chận quân Nhật. Nhật không bị chận , mà một triệu dân chết vì lụt.
Chính Han Suyin đêm tối đi đỡ đẻ cho vợ một phu xe. Họ ở trong một cái chòi cất trên lề đường. Sản phụ nằm trên một tấm ván kê lên mấy cục đá giữa một chỗ nhơ nhớp, hôi thối. Không có một ngọn đèn, đứa nhỏ sanh ra, không có một cái tả để quấn. Han Suyin phải cho họ một chiếc khăn bông để quấn nó.
Cũng theo Han Suyin , ở Tứ Xuyên cứ hai người thì có một người nghiện. Chưa bằng một lần bà đi qua ở miền Quí Châu : làng có vài ba trăm nóc nhà , nhà nào cũng tiều tụy sắp đổ nát, và người dân nào cũng nghiện, y như những bộ xương biết đi. Bà thương hại đồng bào của bà « sống như loài vật trên một non sông tuyệt đẹp ».
Lời đó khiên tôi nhớ lại cảm tưởng của tôi lần đầu tiên coi một tấm hình kéo ghe chụp vào khoảng sau 1940, in ở trang 384 cuốn East Aisa – The Modern trasformation ( 1965) . Hai chục người sắp làm hai hàng . Người nào tay phải cũng nắm kéo một sợi dây, vai trái quàng vào sợi dây để lôi. Họ cúi gập làm đôi, mặt gầm xuống, bàn tay trái chấm đất. Ở trên nhìn xuống chỉ thấy hai dẫy lưng trần, không nhận kỹ thì tưởng là lưng một bày cừu
Han Suyin còn kể nhiều cảnh thương tâm nữa, tôi không thể chép hết được.
Đời sống của họ nhục nhã, điêu đứng như vậy mà Tưởng Giới Thạch , không lo cải thiện cho họ thì họ ùn ùn theo Mao là phải. Tới khi chính quân đội của Tưởng thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc uống, cũng bỏ Tưởng nữa thì Tưởng sụp đổ tức thì. Đó mới là nguyên nhân chính, còn những nguyên nhân khác Tưởng vô tài, bất lực, tay sai của Tưởng tham nhũng ... chỉ là phụ .
*(1) Cuốn Un été sans oiseaux ( Mùa hè không bóng chim)