Chương 8 (7)
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
Người da trắng thấy họ ra uy lần nào là thắng lợi mỹ mãn lần đó, thắng lợi một cách quá dễ dàng, nên họ càng hăng hái xâu xé anh “khổng lồ” da vàng, một thị trường lớn hơn Ấn Độ, cả về diện tích, tài nguyên và dân số. Rõ ra một cảnh thi đua. Mỗi nước nhắm trước một khu rồi cùng nhau “nhào vô”. Họ ganh nhau, coi chừng nhau, dùng cả mọi cách, tìm mọi cơ hội để bành trướng thế lực trên đất người Hán. Nhanh chân nhất vẫn là Anh và Pháp. Họ làm việc rất có kế hoạch :kiếm những miếng lớn và dễ ăn nhất cướp hốt các phiên thuộc của Trung Hoa. Chính sách phiên thuộc có từ đời Chu. Vua Chu chỉ bắt các phiên thuộc triều cống mình, nhận mình là thiên tử, thế thôi, không can thiệp vào nội chính của họ, bóc lột họ về kinh tế. Ma trong việc triều cống thì Trung Hoa thường “hậu võng bạc lai” nghĩa là không bắt phiên thuộc cống nhiều – mỗi sản phẩm một chút làm tượng trưng thôi – mà tiếp đãi họ thì hậu hĩnh, nuôi cả phái đoàn có khi cả trăm người hằng mấy tháng rồi khi họ về, lại tặng gấm vóc, vàng ngọc cho vua của họ, và cả cho họ nữa. Vì vậy trên thực tế, các phiên thuộc không lợi gì mấy cho Tàu. Cũng có thời Trung Hoa phái quan qua cai trị phiên thuộc và bọn quan đó cũng biết đục khoét, nhưng so với bọn thực dân da trắng thì còn kém xa; và nếu dân phiên thuộc cương quyết chống họ, khởi nghĩa đuổi họ về, chém giết hàng vạn quân của họ, rồi lại xin thần phục thì vua họ cũng bỏ qua.
Nhưng trong thời đại xâm lược chủ nghĩa đế quốc thì phiên thuộc rất có ích về mặt quốc phòng và kinh tế, nên nước nào cũng lo bảo vệ. Trung Quốc đã không bảo vệ được chính lãnh thổ của họ thì làm sao bảo vệ được cho phiên thuộc, và các nước này nối tiếp nhau rơi vào tay các đế quốc da trắng. Một số phiên thuộc ở Tấy Bắc đã rơi vào tay Nga rồi.
Bây giờ tới các phiên thuộc ở Nam và Tây Nam.
Trong số các nước này, Việt Nam có vị trí quan trọng nhất đối với Trung Quốc, vì đồng văn với Trung Quốc, che cửa biển phía Nam cho Trung Quốc. Cho nên khi Pháp chiếm chọn Nam Kì, Trung Kỳ, rồi chiếm luôn cả Bắc Kì, hạ thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873, lần thứ nhì 1882, triều đình Huế cầu cứu với Trung Hoa thì ở Bắc Kì đã có dư đảng Thái Bình Thiên Quốc, tức bọn Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc trốn qua từ trước. Trung Hoa cũng phái thêm bốn vạn quân các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây qua giúp mình đánh Pháp. Pháp vừa chống cự ở Bắc Việt, vừa đem quân đánh Phúc Châu, Trung Hoa thiệt hại nặng, ở Bắc Việt Pháp thắng vài nơi, nhưng trong trận Lạng Sơn, quân Pháp chết khá bộn, đại bại, tình hình chưa ngã ngũ, nhưng bên Pháp vẫn cương quyết đánh mà bên Trung hoa thì còn bận về Triều Tiên, Tây Tạng, tài chánh thiếu hụt, ngại không muốn kéo dài chiến tranh nên 1885 Thanh đình ra lệnh cho Lí Hồng Chương ký hòa ước Thiên Tân với Patenôtre, công sứ Pháp ở Bắc Kinh.
Trung Hoa thừa nhận các điều ước đã ký kết giữa Việt và Pháp (nghĩa là nhân chủ quyền của Pháp tại Việt Nam) và khai thông biên cảnh Vân Nam (Mông Tự, Man Hoa) làm nơi thông thương.
Sông Hồng Hà thuộc Pháp rồi, Pháp dễ dàng xâm nhập vào miền Nam Trung Hoa. Trước đó, khi mới chiếm được Nam Kì, Cao Miên, Lào, Pháp cũng đã thám hiểm sông Cửu Long (Trung Hoa gọi là sông Mê Kông) để tìm đường xâm nhập vào Vân Nam, nhưng sông này nhiều thác lớn quá (như thác Khônẹ ở Hạ Lào) tới nay vẫn chưa dùng được.
• Miến Điện.
Miên thần thuộc Trung Quốc từ lâu, khi Anh chiếm được Ấn Độ (giữa thế kỷ XIX) rồi, thường xảy ra nhiều chuyện rắc rối giữa Anh và Miến. Năm 1882 vua Miến đãi Pháp là tối huệ quốc, cho lập ngân hàng, khai mở đặt đường sắt. Anh biết được hoảng sợ, năm 1885, nhân lúc Pháp bận chiến tranh với Trung Hoa, đem binh chiếm ngay Miến, bắt vua Miến đem giam ở Ấn Độ. Nhiều thổ ti Miến cầu cứu Trung Quốc, Thanh chỉ sai sứ sang Anh để kháng nghị. Anh chịu thay vua Miến nộp lễ cống cho Thanh, còn đất Miến thì Anh vẫn chiếm. Lạ lùng thay!
Nhưng năm sau, vì Thanh đụng đầu với Anh ở Tây Tạng, nên nhường luôn Miến cho Anh, nhận chủ quyền của Anh ở Miến.
• Xiêm
Xiêm cũng là thuộc quốc của Trung Hoa. Từ đầu Minh, các vua Xiêm đều cung thuận; nhưng từ khi có loạn Thái Bình, Xiêm không vào cống nữa.
Nhờ vị trí là trái độn giữa Anh (Miến) và Pháp (Việt Nam) mà Xiêm được độc lập. Anh cũng thèm sông Cửu Long lắm, nhưng Pháp đã chiếm Lào, Miên rồi, bảo sông đó thuộc về Việt Nam tức là thuộc về Pháp, Anh không tranh nữa. Xiêm khỏi nộp cống cho Trung Quốc và từ đó Xiêm, Hoa tuy cùng biên giới mà tuyệt nhiên không quan hệ gì với nhau.
• Tây Tạng
Làm chủ Ấn Độ rồi, Anh dòm ngó Tây Tạng, nhưng giữa Ấn và Tạng có ba nước Népal, Sikkim và Bhutan đều ở chân dãy núi Hi Mã Lạp Sơn, làm rào giậu cho Tạng.
Năm 1816, Népal bị Anh xâm lấn, Trung Quốc không cứu, nước ấy phải phụ thuộc vào Anh, nhưng vẫn 5 năm qua cống nộp một lần.
Năm 1839, anh dần dần lấn Sikkim ở sát Népal, làm đường xe lửa, Sikkim thành thuộc quốc của Anh.
Năm 1856, Bhutan bị Anh đánh thua, Bhutan phải cắt đất cầu hòa.
Năm 1901, Trung, Anh, Ấn, Tạng cùng ký một điều ước định địa giới cho nhau. Tây Tạng còn nhiều bộ lạc phụ thuộc nữa, trước sau cũng bị Anh chinh phục.
8. Trung – Nhật chiến tranh.
Theo gót bộ ba Anh, Pháp, Nga, thực dân da vàng Nhật cũng nhảy vào chia phần. Họ làm ăn thận trọng và có kế hoạch. Mới đầu để thử xem sự phản ứng của Thanh ra sao đã.
Ở Tây Nam nước Nhật có quần đảo Lưu Cầu, mà vua đã chịu Trung Quốc phong vương, rồi lại xin qui phục Nhật. Năm 1871, một nhóm người Lưu Cầu đi thuyền, gặp bão, trôi giạt đến Đài Loan, bị thổ dân Đài Loan giết. Nhật đem việc đó trách Trung Quốc. Thanh đình muốn tránh sự lôi thôi, bảo thổ dân Đài Loan không chịu sự giáo hóa của nước mình, nghĩa là mình không chịu trách nhiệm về hành động của họ, coi họ không phải là dân của mình. Nhật Bản nắm ngay cơ hộ, đem binh đến đánh thổ dân Đài Loan, buộc Trung Quốc phải bồi thường binh phí 40 vạn lạng và cấp tuất cho nạn nhân 10 vạn lạng nữa, hiệp ước ký kết rồi Nhật mới chịu rút quân. Hai năm sau, họ chiếm luôn quần đảo Lưu Cầu, đặt thành một huyện (huyện Xung Thằng, Okinawa) – Thanh phản đối, nhưng rồi cũng phải nhượng bộ.
Thấy nhà Thanh khiếp nhược, Nhật khinh thị Trung Quốc, tiến thêm bước nữa, lần này thì dòm ngó Triều Tiên mà cuối đời Minh, họ đã muốn chiếm rồi, nhà Minh mất năm năm, hao rất nhiều quân và tiền bạc mới đuổi được.
Triều Tiên là phiên thuộc cố cựu và quan trọng nhất của Trung Hoa, che đỡ cho Trung Hoa ở phía đông bắc, văn hóa cao hơn Nhật, đầu đời Thanh đã đổi quốc hiệu là Hàn. Đời Đồng Trị, Quang Tự, vua chúa Triều Tiên tri thức hẹp hòi, cố giữ chính sách bế quan tỏa cảng, cự tuyệt mọi yêu cầu thông thương của các nước Âu, Mỹ. Các nước này yêu cầu với Thanh. Thanh đình trả lời rằng không can dự vào nội chính Triều Tiên. Nhật thừa cơ hội đó, tìm cách gây hấn.
Năm 1875, Nhật mới duy tân được mấy năm mà đã dùng những chiếc tàu biển tối tân, ngược dòng sông đưa tới Hán thành, kinh đô Triều Tiên cố ý gây chuyện. Quân trong đồn Triều Tiên có súng cản, viên thuyền trưởng Nhật tức thì phản kháng kịch liệt với nhà cầm quyền Thanh. Thời đó mà Trung Hoa chưa có bộ Ngoại giao, mọi việc giao thiệp với nước ngoài đều giao cho Tông lí nha môn (nghĩa là nhà coi chung về mọi việc) mà nhân viên thường ít học.
Khi viên thuyền trưởng Nhật lại chất vấn, một nhân viên trong Nha môn đáp rằng Triều Tiên tuy là phiên thuộc của Trung Hoa thật, nhưng Trung Hoa không chịu trách nhiệm về vụ đó, vì đó là việc riêng của Triều Tiên.
Nhật dựa ngay vào lời đó để bắt Triều Tiên nhận rằng mình là một nước độc lập, và Nhật bắt Thanh đình phải chấp nhận sự độc lập của Triều Tiên. Lúc đó Tổng lí nha môn mới thấy mình hố. Vậy là Nhật đã thắng được keo đầu, nhờ quỉ quyệt, mà Thanh thì khờ khạo.
Qua ngày sau Nhật dùng chính sách “chia để trị”. Họ tìm cách chia rẽ nội bộ Triều Tiên. Triều Tiên cũng như Trung Hoa, có hai phe: Canh tân và thủ cựu. Nhật ủng hộ phe canh tân. Một tướng Nhật được Triều Tiên nhờ thành lập một đạo quân tân thức, viên tướng đó trong một vụ gây lộn bị chết. Vậy là Nhật có cớ để đem quân vô đóng ở kinh đô Triều Tiên. Năm 1884 bọn lính Nhật xúi phe canh tân nổi loạn, hoàng hậu Triều Tiên bị giết. Triều Tiên yêu cầu Trung Hoa đem quân qua dẹp loạn giùm. Quân Trung Hoa qua lập lại được trật tự.
Nhật bèn phản kháng Trung Hoa, nhắc Thanh đình rằng Triều Tiên độc lập, sao lại can thiệp vào nội bộ của họ. Nhật và Trung điều đình với nhau, cả hai đều rút quân về, hứa nếu Triều Tiên nhờ một nước nào giúp thì nước đó phải hỏi ý kiến nước kia trước đã. Vậy là Nhật thắng keo nhì: Bắt Trung Hoa phải đãi mình ngang hàng, chia quyền với mình ở Triều Tiên.
Năm 1894, đảng Đông học (theo Khổng, Lão, Phật) nổi loạn, Triều Tiên cầu cứu Trung Quốc, Thanh vội vàng đem quân qua dẹp trong khi quân Nhật chưa lên đường. Nhật nổi giận, bào Trung Quốc không giữ lời hứa. Tổng lí nha môn đáp rằng chỉ qua giúp Triều Tiên thôi chứ làm gì đâu, và sẵn sàng rút quân khỏi Triều Tiên, nếu Nhật cũng rút quân về.
Nhật đã chuẩn bị chiến tranh từ mấy năm trước rồi, bây giờ tấn công quân Trung Hoa, đuổi khỏi Triều Tiên, rồi tiến cả vào đất Trung Hoa nữa trong khi hải quân Nhật đánh tan tành hạm đội Bắc dương của Thanh ở gần Uy Hải Vệ, tung hoành ở Hoàng Hải. Các nước Âu Mĩ ngạc nhiên, sao mà bọn “lùn” dễ mau cường thịnh như vậy được. Rồi Nhật chiếm luôn Lữ Thuận (quân cảng vào hạng nhất của Trung Hoa) bán đảo Liêu Đông, đưa hạm đội xuống Nam chiếm đảo Bành Hồ, tức Đài Loan.
Thanh đình hoảng hốt, xin điều đình. Tháng 3 năm 1899 điều ước Mã Quan (Shimoneseki) được ký kết giữa Lí Hồng Chương và Y Đằng Bắc Văn (Nhật) Trung Hoa phải thừa nhận:
1. Thừa nhận Hàn Quốc (Triều Tiên) độc lập, thoát khỏi Trung Quốc.
2. Cắt nhượng cho Nhật nam bộ Phụng Thiên (từ cửa sông Áp Lục đến cửa sông Liêu), và bán đảo Liêu Đông, nhượng thêm Nhật đảo Đài Loan, đảo Bành Hổ ờ phía Tây Đài Loan, và các đảo phụ thuộc.
3. Bồi thường 200.000.000 lạng quân phí cho Nhật, tam thời Nhật chiếm Uy Hải Vệ, đợi Trung Hoa trả đủ khoản rồi sẽ triệt thoái.
4. Bỏ hết các điều ước bất bình đẳng từ trước giữa Trung Hoa và Nhật.
5. Người Nhật được lập công xưởng ở các thương khẩu, các hóa vật Nhật chế tạo được hưởng điều kiện tối huệ quốc về thuế khóa.
Khoản 1 tước mất phiên thuộc cuối cùng còn lại của Trung Quốc. Khoản 2 đau xót nhất, như cắt mất khuỷu tay (Liêu Đông) của họ. Khoản 5 rất tai hại cho kinh tế Trung Hoa; Nhật rồi các nước khác nữa cũng sẽ đòi được như Nhật, mà hóa phẩm Trung Quốc tạo ra không sao cạnh tranh được với hóa phẩm của họ, dan chúng mất một nguồn lợi lớn hơn nguồn lợi về quan thuế nữa.
Nhân dân Đài Loan muốn tự chủ, không chịu phụ thuộc về Nhật, lập Đài Loan dân chủ, cử một viên tuần phủ làm tổng thống, quân Nhật đến đánh, Tổng binh là Lưu Vĩnh Phúc (Cờ đen) giữ miền Nam được ít tháng rồi toàn đảo bị Nhật chiếm.
Ba nước can thiệp vào Liêu Đông.
Với đủ lông đủ cánh mà Nhật hăng quá, nên các cường quốc Âu đâm ngại. Lí Hồng Chương khôn khéo, một mặt cùng với Nhật đàm phán, một mặt thông cáo 5 khoản trên cho các công sứ Âu ở Bắc Kinh biết, mong rằng họ sẽ can thiệp để ngăn Nhật khuếch trương thế lực, nếu không sẽ bất lợi cho họ.
Nước hăng hái can thiệp nhất là Nga, Nga đương muốn tìm một lối thông qua Thái Binh Dương. Họ đã chiếm được cảng Hải Sâm Uy (Vlodivostok) rồi, nhưng cảng đó gần như suốt năm đóng băng, rất bất tiện, lại dễ bị quân Nhật uy hiếp, nên họ tiến xuống phía Nam, có ý dòm ngó Đông Tam Tỉnh, tức ba tỉnh ờ phía Đông Bắc Trung Quốc: Tỉnh Phụng Thiên (bán đảo Liêu Đông), tỉnh Cát Lâm và tỉnh Hắc Long Giang. Nay Nhật phỗng tay trên một phần bán đảo Liêu Đông, làm hỏng kế hoạch của Nga, nên Nga quyết tâm can thiệp. Lúc đó Nga và Pháp đồng sinh với nhau, nên Pháp ủng hộ Nga. Đức, kỹ nghệ phát triển mạnh, cũng đương tìm thị trường hoặc một đất thực dân, nên sẵn sàng đứng về phía Nga, Pháp đã gây thế lực, giúp họ phen này, sau họ sẽ giúp lại. Chỉ có Anh là không ưa Nga, có lẽ mong cho Nhật chiếm Liêu Đông để cản trở Nga, nên đứng ngoài.
Rốt cuộc ba nước Nga, Pháp, Đức cùng đưa ra kháng nghị. Riêng Nga tích cực chuẩn bị chiến tranh với Nhật. Nhật tuy thắng nhưng cũng đã hao tốn nhiều, tự xét không sao chống cự nổi ba nước lớn đó, nên đành nhượng bộ: Trả lại Liêu Đông cho Trung Hoa và Trung Hoa phải bồi thường cho Nhật 30 triệu lạng.
Thanh đình và dân Trung Quốc mừng rơn, còn Nhật thì căm Nga, âm thầm tìm cơ hội trả thù, gây ra nhiều chuyện rắc rối sau này.
Tóm lại, tới đây bao nhiêu phiên thuộc của Trung Hoa bị các cường quốc chiếm hết. Trung Hoa bị vậy khắp bốn mặt: Phía Bắc là Nga, phía Tây và Nam là Anh, Pháp, phía Đông, dọc bờ biển từ Nam tới Bắc là Anh, Pháp và Nhật (coi bản đồ tr.253 bis) trong tiết sau, chúng ta sẽ thấy liệt cường bè nhau “qua phân” Trung Quốc ra sao.
9. Liệt cường qua phân Trung Quốc.
Sau vụ Nga can thiệp vào bán đảo Liêu Đông, Thanh đình cảm kích Nga vô cùng, quên hết vụ bị Nga ức hiếp ở Hắc Long Giang và I Lê trước kia, mà coi Nga là bạn than. Vì tài chánh vô cùng quẫn bách Thanh hỏi vay tiền của nước ngoài, không nước nào chịu. Nga lại ban ơn cho lần nữa, đứng ra bảo đảm cho nhà Thanh vay được 40.000.000 quan Pháp của Pháp Nga ngân hang. Nga khuyên Trung Quốc kết đồng minh với mình, như vậy mới chống lại Nhật, vì thế nào Nhật cũng trở lại uy hiếp một lần nữa. Năm 1896, nhân có lễ gia miện (đăng quang) của Nga hoàng Nicolas II, công sứ Nga thuyết phục Thanh phái Lí Hồng Chương qua mừng, nhân tiện hai nước k mật ước với nhau:
- Nếu Nhật xâm chiếm Nga, Trung Quốc, Triều Tiên thì Nga, Trung Quốc đem thủy lục quân giúp đỡ nhau, trong lúc chiến tranh, khi khẩn yếu, Trung Quốc cho binh thuyền Nga vào đậu ở các cửa biển của mình.
- Cho Nga làm con đường xe lửa ở Sibérie, đi ngang qua Hắc Long Giang, Cát Lâm đến Hải Sâm Uy, và dùng đường ấy chở binh lương, khí giới.
Sau 1897 lại k thêm hiệp định nữa cho Nga:
- Đóng quân theo đường xe lửa đó.
- Khai thác các mỏ ở núi Trương Bạch tại Hắc Long Giang và Cát Lâm.
- Để sĩ quan Nga luyện binh ở Đông Tam Tỉnh cho.
- Trung Hoa có muốn làm đường xe lửa ở Đông Tam Tỉnh thì theo cách thức của Nga.
Như vậy là cả miền Đông Bắc Trung Hoa bị Nga khống chế. Nga thật thâm hiểm mà Thanh thật khờ khạo.
Tuy là mật ước không tuyên bố mà liệt cường đều biết hết. Tức thì họ nhao nhao lên bắt Thanh phải cho họ thuê đất.
- Nhân có hai giáo sĩ Đức bị loạn dân giết ở Sơn Đông, Đức đem binh thuyền chiếm cứ Giao Châu Loan (1897); kết quả Thanh phải cho Đức thuê Giao Châu Loan trong 99 năm, cho Đức được quyền làm đường xe lửa từ giao Châu Loan tới Tố Nam (Thủ phủ của tỉnh Sơn Đông) và được khai thác các mỏ ở trong 30 dặm hai bên đường. Thế là tỉnh Sơn Đông thuộc phạm vi thế lực của Đức.
- Năm sau 1898, Anh cũng được Thanh cho thuê hải cảng Uy Hải Vệ trong 25 năm, rồi đất Cửu Long ở sau Hương Cảng trong 99 năm.
- Pháp đâu chịu lép, năm 1899, nhân có võ quan và giáo sĩ Pháp bị giết ở một huyện thuộc Quảng Đông, Pháp đem binh thuyền vào Quảng Châu Loan, và Thanh phải cho họ thuê cũng 99 năm. Đã được làm đường xe lửa Lào Cai – Vân Nam rồi, Pháp lại xin làm đường xe lửa Quảng Tây – Trùng Khánh nữa.
- Nhật đã chiếm Đài Loan rồi, tự cho rằng tỉnh Phúc thuộc phạm vi thế lực của mình, yêu cầu Thanh đình không được cho nước nào thuê đất ở đó.
- Ý chậm chân nhất, năm 1898 cũng đem hạm đội tới yêu cầu thuê ba hải khẩu ở tỉnh Triết Giang, Thanh cự tuyệt. Ý gởi tối hậu thơ, Thanh càng phẫn uất, quyết chiến. Anh cho Ý hay không nên dùng võ lực. Ý phải nghe lời, bẽn lẽn rút hạm đội về.
Tóm lại, Trung Quốc không khác một miếng thịt trên thớt, mạnh ai nấy cắt xẻo; hoạc nói như chính người Trung Hoa, như “ một trái dưa, mạnh ai nấy xẻo” (qua phân).
Họ thuê đất mà còn bắt chủ đất k giao kèo không cho nước khac thuê những miếng bên cạnh. Chẳng hạn, khi thuê Quảng châu Loan, Pháp yêu cầuThanh không được đem đảo Hải Nam và các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tâ, Vân Nam nhường nước nào khác. Anh cũng xin không được nhường các tỉnh hai bờ song Dương Tử cho ai. Vậy là họ cắt xẻ Trung Hoa thành nhiều phạm vi thế lực (coi những mũi tên trên bản đồ - Liệt cường xâu xé Trung Hoa) mà chính Trung Hoa gần như chẳng giữ được chủ quyền ở khu nào cả, ngoài những miền núi rừng xa xôi ở Tây và Tây Bắc. Trong lịch sử, chưa từng thấy vụ nào mà các nước đồng lõa với nhau để hút máu, rút xương nước khác một cách trâng tráo và có tổ chức như vậy. Bấy giờ Thanh đình mới thấy cái hại k mật ước với Nga ra sao. Trung Quốc thành một bán thuộc địa, tệ hơn nữa, như Tô Văn nói, thành nô lệ của liệt cường, chúng bắt sao phải làm vậy. (1)
- Mĩ (thời đó đã chiếm được Phi Luật Tân), ở Trung Hoa chỉ có ảnh hưởng về tài chánh, không có phạm vi thế lực, không có binh bị, thấy các nước kia hăng quá, sợ sẽ sinh ra xung đột, nên gởi thong điệp cho Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Ý đề nghị:
- Các nước đã được phạm vi lợi ích, tô tá địa hoặc quyền lợi gì khác thì phần ai nấy giữ, không được can thiệp đến nhau.
- Trong thương cảng thuộc phạm vi các nước, hang hóa nước khác đem vào phải tuân theo ngạch quan thuế hiện hành của Trung Quốc, và do Trung Quốc trưng thu.
- Trong thương cảng thuộc phạm vi các nước, đối với thuyền tàu nước khác vào, không được đánh thuế nhập khẩu cao hơn thuế suất đánh vào thuyền tàu nước mình; vận khí bằng xe lửa cũng vậy.
Chính sách đó người Hoa gọi là: khai phóng môn hộ (2) (mở các nơi cho các nước được chở hang hóa vào bán) cơ hội đẳng quân (trừ quyền lợi các nước đã có rồi, sau có quyền lợi gì khác thì các nước được hưởng ngang nhau); bảo toàn lãnh thổ (giữ cho lãnh thổ được toàn vẹn).
Anh Chấp thuận trước tiên rồi tới các nước khác chỉ trừ Nga là trả lời một cách mập mờ, lừng khừng. Trung Hoa mừng nhất.
(1) Cuối Thanh, sinh viên thường hát một bài mà câu cuối như sau:
“Chúng – Thanh đình – đòi làm chủ chúng ta mà chính chúng làm nô lệ cho ngoại nhân:
(2) Tiếng Anh là The open door policy