watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Mùa hoa điệp vàng-Bức tranh - tác giả Nguyễn Quốc Văn Nguyễn Quốc Văn

Nguyễn Quốc Văn

Bức tranh

Tác giả: Nguyễn Quốc Văn

B ức tranh được vẽ bằng muội đèn dầu ma-dút. Bút vẽ là ngón tay trỏ. Người vẽ tranh ký bằng điểm chỉ. Ngón tay cái của bàn tay phải hằn lên giấy những đường tròn đồng tâm tròn vành vạnh.

Thú thật, tôi treo bức tranh này ở nhà đã lâu mà không hiểu rõ họa sĩ vẽ về cái gì... Toàn bộ mặt tranh đen kịt, loang lổ, đậm nhạt khác nhau. Những mảng màu kỳ quái ấy, có lúc tôi đã tưởng tượng ra những trái núi to nhỏ khác nhau. Lại có lúc nghĩ đó là rừng đêm, biển bão...

Phòng tranh của tôi là gian gác xép gỗ, hai đầu vách có hai cái cửa sổ chỉ to bằng quyển vở học trò, ở giữa có một dấu thập bằng sắt. Phòng luôn luôn mờ mờ, kể cả vào lúc giữa trưa nắng gay gắt.

Mấy hôm trước, nhà hàng xóm ở phía tây đập ra để xây một khách sạn mi-ni. Nhà kế bên kiện tụng gì đó, khiến công trình thế kỷ kia phải tạm hoãn lại chờ ý kiến của nhà nước.Buổi chiều, bước trên các bậc thang để lên gác, tôi thấy, một luồng sáng như ánh đèn pha, chiếu xiên vào vách phía đông.

Phòng tranh còn độc có một bức ấy. Trơ chọi ở góc phía tây.

Trước đây, khi bạn tôi còn sống, bốn bức vách đầy tranh. Nhiều nhất là tranh của Vân.

Xuất xứ của những bức tranh rất giống nhau. Bức thì tôi đổi sách, bức thì tôi bỏ tiền ra chuộc...

Bố tôi là một nhà văn. Ông để lại cho đời một gian sách và một nhà văn con. Đủ loại sách. Đông , tây, kim cổ. Sách đã in. Sách còn là di cảo. Cuốn của ông. cuốn của bạn bè ông giữ hộ. Tôi lên mười thì ông ra đi. Ba mươi bảy tuổi. Một số không trống rỗng ... Mẹ tôi khóc hết nước mắt rồi dằn lòng bảo: "Bố con phận bạc. Thôi thế là đành phận. Tiếng thơm vậy cũng là dư.. Con cố , mà giữ lấy thanh khí bố. Sau này, mẹ có theo bố cũng nhắm mắt được".

Lớn lên, tôi kết giao với đám bạn bè mà mẹ tôi cho là hư hỏng. Kể cả Vân. Anh là một họa sĩ mèng. Chuyên đi trang trí đám cưới. Đôi khi vẽ một bức khỏa thân không có người mẫu. Anh nhìn tôi tắm để vẽ các thiếu nữ. Thành ra các bức vẽ con gaí trông rất lạ. Đó là những cô gái đàn ông. Một loại tính cách? Những hình khối rơi vào khái niệm sáng tạo? Cộng thêm lối văn chương đồng bóng của tôi khi giới thiệu tranh Vân, anh thành một họa sĩ một có tên tuổi. Bốc lên, Văn vẽ lung tung. Vẽ cây. Vẽ chim cò. Ruộng lúa. Con gái Thái... Có khối người đến gạ mua tranh. Và vậy là Vân có tiền. Tôi thì được anh cho hưởng sái, đi đâu cũng cho gọi...

Anh ngông nghênh vẽ những bức tranh biểu tượng. Hiểu thế này hay thế kia đều được. Rất khó nắm bắt. Lời tán tụng của tôi không còn hiệu nghiệm nữa...

Rốt cuộc thì tôi đi dạy học. Thi thoảng viết một cái truyện nhì nhằng, kí những bút danh mà chính tôi cũng không nhớ.

Vân bỏ tôi lên Tây Bắc, vào Quảng Bình, Quảng Trị... Rồi anh trở về . Vẽ. Ngồi quán cà phê, ăn phở. Ghi sổ.. Tôi biết anh thường trả nợ bằng tranh. Được mấy ông chủ này mê văn nghệ, chỉ cười hề hề.

Có một thời phong trào tái bản các sách cũ của các nhà văn quá cố nổi lên khá rầm rộ. Vân chỉ một ông chủ quán cà phê làm môi giới đến điều đình mua kho sách nhà tôi. Tôi cười, nói đùa: "Tôi không bán sách. Nếu ông chịu đổi thì tôi đồng ý". Người kia cười nhạt khi nghe tôi nói đổi một cuốn sách lấy mười cái tranh của Vân. Ông ta cho là tôi gàn. Vì vậy, sau khi đổi được chừng hai mươi cuốn sách, ông ta tuyên bố chẳng còn tranh nào của Vân nữa... Hào hiệp hơn, ông ta gởi biếu tôi ba trăm ngàn đồng. Một món tiền tôi và Vân nằm mơ cũng không thấy. Hai đứa được cả tháng hè ăn chơi, nằm tán gẫu về tranh. Tiền ấy cũng góp phần mua được cái khung kính rẻ tiền, để tôi và Vân lồng tranh vào, treo kín bốn vách gỗ ván.

Sau lần ấy, Vân ốm nằm liệt giường. Anh đã vẽ bức tranh kỳ lạ ấy trong một đêm không ngủ được. Tôi đã giấu hết giấy má, bút mực ... Thế mà có lần vẫn bắt gặp anh hì hục viết...

Tôi dạy tiếng Việt ở một trường đại học. Có rất nhiều học sinh nước ngoài đã được tôi thụ giáo. Các cô các cậu ấy hay đến chơi với tôi lắm. Cũng dễ hiểu. Tôi không lập gia đình. Rất là tự do. Nhiều người đã được tôi tặng tranh của Vân. Về nước, họ gởi cho tôi thứ này, thứ nọ. Tôi đã bán những thứ đồ ấy để chu cấp cho Vân.

Một lần, tôi đến thăm anh, Vân đưa cho tôi một tập bản thảo. Về nhà giở ra xem, tôi giật thót người. Đây mới đúng là Vân , con người mà lúc ấy tôi mới cắt nghĩa được vì sao cả cuộc đời tôi gắn bó, cưu mang như vậy. Tôi không hiểu cái gì khiến văn của anh hao hao giọng văn của bố tôi. Nếu được phép nói ra sự thật, tôi phải vái vong linh bố, rồi nói rằng ở đời đã có một người vượt được bó tôi. Nó sắc sảo và giản dị. Đọc thấy tưng tức nhưng lại thấy thinh thích... Tôi thề sẽ in bằng được tập bản thảo này. Thôi thì tôi còn vớt vát được chút ít cái gọi là lòng hiếu thảo. Văn nghiệp tôi mỏng như tờ giấy, sao đáp được lòng mong mỏi của mẹ tôi nơi chín suối. May mà tôi còn có bạn ! Mạch văn mà bố tôi đã vạch, vẫn còn một dòng chảy...

Vân qua đời mà không biết ở Ba Lan, Nhật Bản, Nga, Triều Tiên... có nhiều tờ báo cùng rộ lên một lúc ca ngợi anh như một họa sĩ có phong cách tài hoa ở Việt Nam.

Người ta đổ xô đi tìm mua tranh của anh.

Hôm qua, một học trò cũ của tôi từ Nhật qua. Bây giờ anh là một thương gia kiêm một nhà sưu tập tranh nổi tiếng. Đến thăm tôi, anh ngỏ ý được xem lại phòng tranh. Tôi nói chỉ còn một bức. Khách nằn nì mãi.. Tôi đành chiều lòng.

Buổi chiều, nắng xiên khoai chiếu thành luồng vào vách gỗ phía đông. Gặp vật chắn, ánh sáng hất ngược trở lại, chiếu hắt vào bức tranh.

Khách sững sờ, đứng lặng; rồi từ từ cúi đầu xuống...

Lần đầu tiên tôi hiểu bức tranh. Dưới ánh sáng vừa phải, các mảng đen loang lổ, đậm nhạt hiện rõ một khuôn mặt. Nhìn chính diện là mặt bố tôi. Nhìn nghiêng sang bên trái là mặt tôi. Nghiêng sang bên phải là khuôn mặt Vân...

Người học trò cũ nói rằng bức tranh mà tôi đã vô tư tặng anh trước đây là một tác phẩm vô giá. Nhờ nó mà anh có được một cơ nghiệp như hôm nay. Lần này, vì lòng biết ơn ấy, anh sẽ ngã giá sòng phẳng với tôi. Giá bức tranh là một khoản tiền khổng lồ; tôi có thể dùng để in hàng trăm tập sách như Vân đã để lại...

Vân ơi, có nên bán bức tranh cuối cùng này không? Bởi giữ nó, cuốn sách của anh sẽ vĩnh viễn nằm trong tủ của tôi !

Tôi đã hỏi như vậy. Những đám rêu màu muội đèn lốm đốm trên mộ Vân đã im lặng, không trả lời...
Mùa hoa điệp vàng
Sới vật
Chị Mơ xóm Ruối
Lão ăn mày
Bà cháu
Lễ vật máu
Câu cá mùa hè
Xuất xứ tập thơ "Gà gáy"
Phiên chợ tuổi thơ
Em gái một nhà văn
Cậu Còng đơm đó tép
Bắc và Tân
Chén tình
Đậu xanh đậu đỏ
Người làng hoa
Di chúc
Dao sắc
Bông gạo
Bức tranh
Thằng người trời
Mùa hoa điệp vàng
Thuật câu cá
Pho tượng Phật
Huyền thoại cà phê
Ông hạ hỏa
Gà trống
Cây cao su cụt ngọn nhiều cành
Ngôi nhà năm cửa
Tên trộm kỳ lạ
Chuyện từ bầy kiến
Thần làng muà lũ