watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Mùa hoa điệp vàng-Tên trộm kỳ lạ - tác giả Nguyễn Quốc Văn Nguyễn Quốc Văn

Nguyễn Quốc Văn

Tên trộm kỳ lạ

Tác giả: Nguyễn Quốc Văn

T ôi không phải là một nhà văn. Một anh lính mèng thức dậy theo tiếng còi, chạy nhanh ra sân tập thể dục sáng, rửa mặt đánh răng xong lại sấp ngửa tập hợp trước cửa nhà ăn đơn vị để ăn lót dạ và ra thao trường, đi lao động... Chiều còn phải tăng gia rau xanh... Tối họp - hôm thì họp tổ ba người, hôm thì sinh hoạt tiểu đội, trung đội, đại đội... Chẳng có mấy lúc được rảnh rỗi. Thời gian đâu mà văn với chương!

Ấy vậy mà tiểu đội trưởng cứ gọi tôi là "nhà văn". Về sau thì cả tiểu đội đều gọi như vậy. Không phải vì trong quân đội mọi việc đều nhất nhất, nên mọi người ép phải gọi tôi là "nhà văn" theo tiểu đội trưởng . Vấn đề là tôi hữu ích cho cả tiểu đội. Đúng hơn thì văn tôi đã giúp được nhiều người, kể cả trường hợp khó khăn nhất như của Đỗ.

Tiểu đội toàn một đám phòng không. Duy nhất tôi có người yêu. Dĩ nhiên là tôi hay viết thư cho cô ấy. Nhận được thư, tôi thường tủm tỉm cười. Người tôi lâng lâng và tôi lại tiếp tục viết thư ...

Cả tiểu đội lần lượt được đi phép. Và cũng lần lượt có những mối tình làm vốn cho tương lai. Mang tiếng học lớp này lớp nọ mà cậu nào cũng tự nhận mình viết thư dở ẹc. Đọc trộm thư tôi, nhiều cậu phát ghen lên. Sao mà ý nhị, tình tứ ! Sao mà trôi chảy! Chẳng có một lỗi chính tả để làm duyên! Đọc cứ như uống mật ong...

Một tối sinh hoạt tiểu đội, chẳng biết các đồng đội của tôi họp kín với nhau từ bao giờ, cả tiểu đội giơ tay biểu quyết cử tôi làm "trợ lý tình cảm" cho anh em. Tôi giãy nảy như đỉa phải vôi. Tiểu đội trưởng dỗ: Nào là tôi sẽ được miễn tham gia tăng gia rau xanh, miễn quét nhà, khi cần có thể được phép miễn sinh hoạt tổ ba người... Đấy là quyền lợi. Nghĩa vụ thì đơn giản: Tôi sẽ nghe anh em trong tiểu đội tâm sự, dựa vào đó mà "sáng tác" ra những bức thư... Sao cho "các em" hài lòng là được. Quan trọng lắm! Anh em tin ở cậu đấy! Cậu là nhà văn,ngoáy một cái là xong! Ai lại nỡ để cả tiểu đội trần trùng trục, mồ hôi vã như tắm, để viết ra những bức thư đọc đã tự ngượng với mình !Bao nhiêu là lý lẽ... Tôi nghe xuôi xuôi và gật đầu. Cả tiểu đội chỉ chờ có thế, xúm vào công kênh tôi lên vai, chạy sáu vòng sân để tỏ lòng ngưỡng mộ.

Ngay trong tuần ấy, tôi phải vắt óc viết chín bức thư. Vị chi trong cả tháng sẽ là mười tám bức, chưa kể lúc các cặp uyên ương có những bất đồng hoặc tăng cường độ tình cảm. Cả tiểu đội hôm nào cũng vui như hội. Thư bay về như bướm xuân. Thư nào cũng khen người yêu tiến bộ. Đi bộ đội có khác! Đến cái thư cũng rất bộ đội. Thương nhớ cứ như keo dính. Thiết tha lạ...Tôi vui lắm. Vui và bận. Vì cậu nào cũng muốn tâm sự với tôi. Đến là buồn cười, ai cũng nghĩ :Nói với tôi, tức là đã nói với người yêu của họ rồi vậy...

Rồi chuyện buồn não lòng đến với tôi. Viết nhiều thư quá, lại nhập vai như thật, tôi đâm ra lẩn thẩn. Thư tôi viết cho người yêu của mình có những chi tiết lầm với viết hộ tiểu đội trưởng. Người yêu tôi ngúng nguẩy, bóng gió xa xôi qua vài bức thư, rồi nói toạc ra rằng tôi đã thay lòng đổi dạ. Tôi phải thanh minh bằng cách cứ hai ngày gởi cho cô ấy một bức. Ròng rã một tháng trời dư hai ngày, người yêu tôi làm lành, hẹn qua mùa sẽ lên đơn vị thăm tôi và anh em. Hú vía ! Chúng tôi đóng quân ở trên tỉnh. Người yêu tôi lấy cớ đi sắm quần áo để đến thăm tôi không khó. Cô còn tế nhị rủ Nụ , người yêu của Đỗ đi cùng . Đỗ nhập ngũ sau tôi một năm. Tình cờ được bổ sung vào đơn vị rồi được điều về tiểu đội tôi. Cả tiểu đội coi cậu ta như em út. Nụ ở quê, ngụ xóm bên cạnh. Cô mới lớn nên tôi không biết.

Hai anh em mừng rỡ khi được báo ra nhà khách... Tôi và ngươì yêu gặp nhau cứ ríu ra ríu rít. Tội cho Đỗ, cậu ta chẳng biết nói năng gì, mặt cứ cúi xuống, tay cấu cấu một cọng lá . Nụ giận dỗi: "Thư thì anh bảo nhớ ! Tới thăm lại ngồi như tượng! Chán anh! Em về đây !". Nói rồi Nụ đứng lên, vùng vằng định ra về. Đỗ cũng lẳng lặng đứng dậy như để tiễn. Tôi lại phải dàn xếp, thuyết phục. Hai ngươì ngồi gần nhau hơn, chuyện cứ lí nha lí nhí. Cuối cùng rồi cu cậu cũng làm Nụ bật cười, phát vào vai, vào lưng bộp bộp, miệng: "Nỡm, nỡm nào...". Về sau, khi hai người phụ nữ đã ra về, tôi hỏi thì Đỗ cười hì hì: "Em bắt chước thư anh viết hôm nọ chứ có gì đâu. Khổ, chỉ nhớ được câu: "Cho anh gởi một cái hôn nhé!", thế mà cô ấy sướng rơn... Văn ông anh mạnh hơn cả hổ. Vật chết tươi được cả tính tự ái đàn bà! Giỏi thật...".

Hết hai năm nghĩa vụ, tôi được xuất ngũ. Riêng Đỗ cậu ta đi học lớp tiểu đội trưởng, chỉ huy chín cậu lính mới toanh, kém cậu ta một năm tuổi đời và tuổi quân.

Hai tháng sau tôi cưới vợ. Hôm hai vợ chồng lên tỉnh sắm chăn màn, một ít nữ trang, tôi có ghé về đơn vị cũ thăm Đỗ. Cậu ta buồn lắm. Chia tay, cậu bảo tôi: "Cứ cưới liền tay như anh mà lại hay !". Đám cưới tôi, người yêu Đỗ có đến dự. Nụ phàn nàn: Đỗ đã thay lòng đổi dạ... Mấy tháng nay, Đỗ không viết cho Nụ một chữ gọi là có. Bạc quá! Thế mà cứ bảo anh ta lành tính! Chả hiểu ra làm sao nông sâu lòng dạ con người!

Tôi có nghe nói Đỗ về nghỉ phép. Cậu ta chẳng thèm đến thăm tôi. Định đến nhà Đỗ vào sáng hôm sau thì đêm hôm ấy nhà tôi mất trộm. Vợ chồng mới cưới, ngủ mê mệt như chết, kẻ trộm mở chốt vào khoắng tủ quần áo. Tên trộm mở ngăn kéo tủ, lấy hai cái hộp. Một hộp vợ tôi đựng thư làm kỉ niệm, hộp kia nhỏ hơn đựng hai cái nhẫn và sợi dây chuyền nhỏ bằng vàng tây chúng tôi sắm trước hôm cưới. Có lẽ tên trộm vội vàng khi có động, cái hộp nữ trang rơi ngay ở ngoài vườn , cạnh cầu ao. Cũng có thể hắn tưởng caí hộp to và nặng kia đầy châu báu, nên ném trả lại cái hộp nhỏ bé tí tẹo để ghẹo những kẻ ngủ say... Kiểm lại đồ đạc, thấy chẳng mất thứ gì ngoài một hộp thư, vợ tôi hú hí bảo: "Thằng trộm này rồi đến phát điên vì tình! Tiếc là không còn thư , để lúc buồn đọc cho anh khỏi nuốt chuyện cũ". Tôi cười: "Bây giờ anh quen nói bằng... tay rồi. Em liệu liệu đấy !". Vợ tôi nguýt dài một cái: "Be bé cái mồm chứ... U đang ngoài sân . Cụ cười thối mũi đấy !"

Cái cậu Đỗ thế mà tệ! Về quê, mất mặt. Lên đơn vị cũng chẳng một lời. Tôi giận và cố quên cậu ta; cái thằng đến thế là tệ!

Dưng mà Nụ nhắc tôi nhớ đến Đỗ. Mấy hôm nay, mặt cô tươi hơn hớn. Cô thì thọt qua lại, rầm rì, khúc khích với vợ tôi. Cô khoe dạo này Đỗ chăm viết thư lắm ! Cứ giục cưới !Thư nào cũng giục cưới chị ạ ! Chả hiểu ra làm sao cái cánh đàn ông. Chị bảo họ là người thế nào?...

Vợ tôi ruột để ngoài da, đưa cả thư Nụ để lại góp ý cho tôi xem: "Rõ là anh em nhà sáo ! Cậu ấy ở với anh có một năm mà văn hoa ra dáng chững lắm... Caí Nụ có vẻ chịu rồi..."

Tôi cầm bức thư đọc. Bỗng giật thót người. Y như thư tôi đã viết cho vợ tôi nửa năm về trước chỉ đổi có cái tên. Âẩu quá, đến ngày này, tháng này thì đúng mà năm thì vẫn để nguyên không chịu sửa...

Tôi mỉm cười. Thế là Đỗ cũng sắp cưới vợ. Một cô gaí làng duyên dáng, tính tuềnh toàng hơn cả vợ tôi. Vì vậy, cô sẽ không bao giờ biết được chồng mình - vì tình yêu - có lần đã dám liều lĩnh làm một tên trộm kỳ lạ...
Mùa hoa điệp vàng
Sới vật
Chị Mơ xóm Ruối
Lão ăn mày
Bà cháu
Lễ vật máu
Câu cá mùa hè
Xuất xứ tập thơ "Gà gáy"
Phiên chợ tuổi thơ
Em gái một nhà văn
Cậu Còng đơm đó tép
Bắc và Tân
Chén tình
Đậu xanh đậu đỏ
Người làng hoa
Di chúc
Dao sắc
Bông gạo
Bức tranh
Thằng người trời
Mùa hoa điệp vàng
Thuật câu cá
Pho tượng Phật
Huyền thoại cà phê
Ông hạ hỏa
Gà trống
Cây cao su cụt ngọn nhiều cành
Ngôi nhà năm cửa
Tên trộm kỳ lạ
Chuyện từ bầy kiến
Thần làng muà lũ