Ngôi nhà năm cửa
Tác giả: Nguyễn Quốc Văn
T ôi đang kể chuyện mẹ tôi khóc mãi vì để rơi cái cơi trầu lúc đi sơ tán thì có tiếng bom rít lên như lụa xé. Vừa kịp đẩy Nhân xuống công sự chốt, một luồng hơi nóng rát đã hất tôi nhào lên người bạn. Cùng lúc đó, đất đá tung lên trời rào rào rơi xuống, phủ một lớp mỏng lên trên người hai đứa. Nhân lấy tay cào cào đất, gạt tôi sang một bên, òa khóc. Theo như Nhân kể lại, lúc ấy người tôi mềm oặt như lá lúa gặp úng, mặt trắng như sáp, hai mắt mở trừng trừng, miệng đầy đất... Rồi Nhân sờ khắp thân thể tôi xem có vết thương nào không. Mặt gần như áp sát tôi, Nhân thấy lạ quá, bây giờ chỗ nào cũng ướt máu. Nhân khóc, nước mắt mờ cả mắt, ròng ròng chảy xuống. Nhân thương tôi vì anh mà chết. Rồi anh đưa tay lên gạt nước mắt. Bỗng Nhân thấy nhói đau nơi miệng... Anh nhận ra máu của mình chảy xuống người tôi. Một mảnh bom nổ nhỏ nổ gần đã xé rách môi trên của anh rồi...
Lúc tôi tỉnh lại, Nhân lại rũ xuống. Tôi xé áo băng cho bạn. Một vết xé rách môi. Hai vết khác, một ở bụng, một xén gọn nửa vành trên của tai trái... Đến lúc ấy, tôi ngất đi một lần nữa. Sự việc sau đó thế nào tôi không biết. Chỉ biết sau đó mấy ngày, tôi và Nhân đều được chuyển vào quân y viện dã chiến ở Vĩnh Linh. Hai đứa đã coi nhau như anh em cùng sinh đôi lại từ cái công sự trên trận địa chốt cháy nắng và đẫm máu kia. Tôi đã khóc khi Nhân được xếp hạng là thương binh và trở về hậu phương học đại học. Mừng cho Nhân và buồn phải xa Nhân. Tôi đã trở lại chiến trường sau một lớp đào tạo sĩ quan ngắn... Từ đấy chúng tôi mất hút tin nhau...
Sau này, khi đã trở thành một người làm báo, tôi có nhiều dịp đi đây đi đó. Trong những lần ra Hà Nội, tôi đều có ý tìm Nhân. Cuộc tìm kiếm khắc khoải quá vì có lúc tôi gần như tìm được bạn, dấu vết lại mất hút. Âu đó là số phận chăng? Hay đó chỉ là do tôi tìm kíếm theo kiểu chuồn chuồn đạp nước của một anh phóng viên tối mặt tối mũi vì văn chương?
Năm ngoái, bố tôi ốm nặng. Tưởng không qua khỏi, người cho gọi tôi đến và nhìn tôi với ánh mắt tin cậy: "Việc này ông nội giao cho bố. Tiếc là bố không làm nổi. Nay bố truyền lại cho con. Đời con không làm được thì sau này giao cho các cháu. Nhớ chọn mặt mà gửi vàng..."
Kể lại thì rất dài, tôi chỉ tóm lược việc hệ trọng kia. Ông nội tôi vốn là một công chức trong sở Điền Đạc. Tình cờ thế nào đấy, ông tìm được một bảo vật quí mà cụ tằng tổ tôi để lại. Vật ấy nhà nước bảo hộ biết là họ thu trắng. Ông cụ đã cho cất tại nhà và bí mật chôn vật quí vô giá kia ở một góc để chờ thời. Bao nhiêu biến loạn, hết Tây rồi Nhật, rồi lại Tây... Hòa bình lập lại, ngôi nhà bị trưng thu làm nhà tập thể, cấp cho ba hộ là cán bộ nhà nước. Trước lúc theo tôi vào Nam, bố tôi cũng không biết rõ ngôi nhà cổ của ông nội tôi bây giờ ra sao...
Tôi về Hà Nội, lần theo chỉ dẫn của bố, tìm được ngôi nhà. Đó là tòa biệt thự khá sang trọng trên đường Quan Thánh. Cánh cửa sắt sơn trắng khóa im ỉm báo cho tôi biết nhà này giờ do một người chủ khác ở.
Tôi bấm chuông. Một người phụ nữ chừng bốn mươi ra mở cửa. Tôi nhanh chóng tự giới thiệu về mình. Nào là nhà báo. Nào là tôi đang viết một loạt bài về các khu phố cổ... Thấy vẻ nghi ngờ lộ rõ trong đôi mắt trong veo, tôi đang định rút thẻ nhà báo ra để người đàn bà yên tâm thì bà ta đã như thấu cả ruột gan tôi, bảo: "Bác không phải trình thẻ. Nhà em cũng là nhà báo mà !" Nói nhưng không mời tôi vào nhà. Rồi có tiếng người đàn ông : "Mẹ Aăi mời bác ấy vào chơi". Tiếng chân đi dần ra phía cổng. Lộ sau khóm dừa nước là khuôn mặt hồng hào béo tốt. Người đàn ông đến gần, đứng sững lại, ớ lên một tiếng. Tôi chưa kịp nhận ra ai thì ông ta đã ôm chầm lấy tôi trước đôi mắt tròn xoe của người vợ. Tôi tưởng mình nghe lầm: "Ôi anh ! Ôi Dũng... Thế mà cứ tưởng anh chết rồi !" Vừa nói, vừa thở , Nhân ôm lấy lưng tôi, đẩy vào nhà. Anh ấn tôi ngồi xuống ghế, hồn nhiên như lúc còn lính tráng: "Sau hòa bình, tôi đi tìm anh, đến đơn vị cũ thì chúng nó bảo anh mất tích. Giờ thì lù lù ở đây... Kể cho nghe xem nào... Giờ ở đâu? Vợ con ra sao... Thôi, trời xui đất khiến cho anh em mình gặp nhau rồi. Anh ở đây với vợ chồng tôi vài ngày..." Tôi rơm rớm nước mắt, gật đầu.
Sau bữa ăn trưa, Nhân dẫn tôi ra xem nhà anh. Anh khoe nhà này trước đây đã nát lắm, về tay anh, bỏ đâu ra có bao nhiêu tiền mà lộng lẫy là thế. "Giỏi, vợ chồng anh giỏi thật ! Nhà này mua dễ đến vài trăm lượng...". "Đâu ra mà có nhiều tiền thế anh. Mà tiền có nhiều như vỏ hến cũng không mua nổi cơ mà.". Tôi hỏi vì sao vậy, Nhân cười hề hề: "Vì thằng chủ cũ là một thằng giàu sụ. Aà, anh có nhớ thằng Chữ lùn không". Chữ thì tôi nhớ. Cậu ta là trinh sát đại đội, bị thương; tôi và Nhân đã cáng về tuyến sau. Nghe nói sau được cử đi học ở nước ngoài, lúc về giàu lắm lắm. "Chữ nó dùng tiền để đuổi mấy hộ ở đây đi đấy. Nó mua cuả từng người rồi chạy chọt hóa giá". "Chữ mua cho anh à?". "Nó mua cho nó chứ. Ơở đời sướng quá hóa rồ, thằng này ăn chơi bạt tử. Tôi cho nó vay tiền, quá cả tiền nhà này. Nó vỡ nợ, gọi tôi cầu cứu. Chỗ bạn bè, tôi đành lấy nhà cho nó... Cũng là chỗ đã bỏ thóc trước thôi ! Rồi cho thêm vài cây để cu cậu biến..."
Đêm hôm ấy Nhân nhất quyết ngủ chung với tôi. Nhân khoe đường làm ăn và chê tôi lơ ngơ nên giờ vẫn còn ở một căn hộ chung cư ọp ẹp. "Nói vậy thôi chứ tôi cũng nên người nhờ chung cư đấy", Nhân nói.Biết tôi mấy lần đến địa chỉ của Nhân mà không gặp, Nhân cười và kể rằng anh rất láu cá. Anh chuyển cơ quan liên tục. Lợi dụng sơ hở trong quản lí, mỗi lần chuyển, anh đều được cơ quan mới cấp tạm cho một căn hộ. Rồi thì nhượng. Lại chuyển. Tất cả bốn lần. Ngoạn mục nhất là vụ anh chuyển vợ vào quân đội. Cũng vì một suất đất thôi... Một ông bạn ưng, thì sang. Mảnh đất cuối cùng dư sửa tòa biệt thự này. "Anh Dũng thấy đấy. Kỉ niệm về năm vụ làm ăn, khi xây lại nhà, ngoài ba cái cửa ở dưới trệt, tôi chỉ cho làm thêm hai cửa ở tầng lầu. Năm cửa, tương ứng với sinh, lão, bệnh, tử, sinh đấy...". Tôi cười. Rồi lạnh cả sống lưng khi Nhân nói: "Tôi đang định trổ thêm một cửa nữa. Cũng là để nhớ một vận may và để có thêm chữ lão anh ạ. Mới rồi, lúc sửa lại cái cống, tôi đào được một cái thạp bằng đồng, trong đựng mấy lạng vàng ròng... Nghe nói anh thích đồ cổ, mai tôi bảo mẹ Aăi đưa cho. Mà anh không thích thì đem về cho bác gái đựng trầu cau... Chỉ tiếc là nó đã bị thủng mấy lỗ..."
Nhân giữ đúng lời hứa. Khi chia tay, vợ chồng anh đã đưa cho tôi một gói giấy, nói là có cái thạp trong đó. Tôi không ngờ, về đến Sài Gòn, lúc tôi mở lớp giấy báo ra, trông thấy nó, bố tôi đã lặng đi. Là một người bình thường tôi cũng biết đó không phải là một cái thạp hay là một cái cơi trầu. Những nét hoa văn chim lạc quanh vành thạp như đang kể về tuổi mấy ngàn năm của một chiếc trống đồng nhỏ vô giá.
Bố tôi đã bình tĩnh lại, vừa gõ gõ vào mặt trống vừa nhắm nghiền hai mắt lại. Rồi cũng thật bất ngờ, người từ từ khuợu xuống, nâng vật báu lên đầu. Tôi trân chối nhìn bảy cái lỗ thủng trên mặt và hai bên tang trống. Trời ơi, đôi tai, đôi mắt, hai lỗ mũi và cái miệng trên một khuôn mặt ngườí !... Tôi bỗng nhớ đến vợ chồng Nhân. Có lẽ họ đã trổ cái cửa thứ sáu rồi. Nếu vậy vẫn thiếu một cái tai...