CHƯƠNG I
Tác giả: Thích Thiện Hoa
N gày xưa, xưa lắm, ở vùng Tân Cương thuộc Trung Á, có một nước nằm giữa biên giớì Trung và Ấn Ðộ, gọi là Nhục Chi. Tuy là một tiểu quốc, nằm giữa hai đại cường quốc, nhưng Nhục Chi là một nước có một nền văn hóa tiến bộ và một nền kinh tế phồn thịnh. Kinh đô Nhục Chi nằm trên sườn núi lớn, cảnh trí rất đẹp, kiến trúc tân kỳ. Hoàng cung và đền đài nằm trên một vị trí cao nhất, rồi đến bộ viện, dinh thự của các công hầu khanh tướng, phía dưới chân núi là nhà dân chúng và phố phường buôn bán tấp nập quanh năm. Chính ở đây có một cái chợ lớn nhất. Cứ năm ngày lại có một phiên chợ, dân chúng từ các vùng lân cận đem hàng hóa vật thực thổ sản đến đây đổi lấy những vật dụng cần thiết. Hàng hóa không thiếu một thứ gì, từ ngũ cốc heo gà trâu bò đến hàng lụa, vải bô, quần áo; từ cày bừa, cuốc xuổng cho đến vàng bạc phấn son; từ trà rượu thuốc men cho đến hương hoa bánh trái ... người nào muốn cần thứ gì thì có thứ ấy. Ngoài ra còn có những khu dành riêng cho các cuộc giải trí: ca hát, ăn chơi, cờ bạc, ruợu chè. Chính ở đây là nơi phức tạp nhất, tụ tập đủ hạng người: nào Kinh, nào Thượng; nào giàu sang, nào nghèo đói, nào hảo hán giang hồ, nào lưu manh trộm cướp; nào văn chương nho nhã, nào vũ phu côn đồ ...
Hôm nay cũng như mọi ngày phiên chợ khác, người mua kẻ bán đông đảo tấp nập chen chúc khắp nơi. Nhưng đặc biệt là ở khu giải trí, thiên hạ vây quanh một ông già rao bán một bài học ngàn vàng với giá là một ngàn lượng vàng.
Ông già vào khoảng 70 tuổi, đầu tóc bạc phơ, chít một cái khăn điều, râu trắng như cước, chảy dài xuống quá ngực, da nhăn nhưng mắt trong xanh như con nít. Ông mặc một cái áo dài xanh lam, có thêu chữ thọ lớn và một cái quần điều. Chân Ông mang giày thêu và tay chống một chiếc gậy có chạm một đầu rồng. Trên đầu rồng có treo lủng lẳng một cái đãy bằng gấm màu tía, bề dài độ một gang tay có thêu một con phượng ngậm hạt châu.
Ông lão đưa chiếc gậy lên cao cho mọi người thấy, vừa đi qua đi lại, vừa rao với giọng rất trong trẻo:
- Ai muốn giàu, ai muốn sang, ai muốn mua may bán đắt, hãy mua bài học vô giá này! Ai muốn văn hay chữ tốt, ai muốn đỗ đạt làm quan, ai muốn trở thành công hầu khanh tướng, hãy mua bài học vô giá này! Ai muốn chồng hòa vợ thuận, ai muốn gia đình êm ấm, ai muốn xóm làng kính yêu, hãy mua bài học vô giá này! Ai muốn tu nhơn tích đức, ai muốn hưởng phước về sau, hãy mua bài học vô giá này! Hãy mua mau đi! Mua mau đi kẻo tiếc về sau!
Một bà tò mò chen vào hỏi thử:
- Cụ bảo bài học vô giá thì còn biết bao nhiêu mà mua?
Ông lão trả lời:
- Bà thử trả xem, được giá thì tôi bán.
- Năm tiền nhé!
Ông lão cười phì:
- Năm tiền thì bà để mua kẹo, mua bánh cho con cháu bà ăn!
Bà lão vẫn cố nài:
- Thì Ông muốn bao nhiêu?
- Ðắt lắm, chắc bà không mua nổi đâu.
Ông lão vừa nói vừa quay đi chỗ khác, nhưng vẫn nghe được bà già rủa mình ở sau lưng:
- Ông lão khinh người quá xá! Bà mà không mua nổi, thì có quỷ sứ mới mua cho ông!
Một chàng thanh niên, ăn mặc xốc xếch, sặc mùi rưọu, chếnh choáng rẽ đám đông tiến vào vòng trong. Anh ta gọi giật ngược Ông lão:
- Ê, Ông già! Ông bán gì đó?
- Bài học vô giá, muốn làm gì thì được nấy!
- Chà, bài học hay quá ta! Sao Ông không dùng cho Ông đi?
- Lão đã dùng cho lão rồi, và dùng rất có hiệu quả.
Anh chàng say rượu cười sặc sụa trước khi nói:
- Ông đã dùng cho Ông rồi à? Sao Ông vẫn nghèo?
- Vì lão không muốn giàu!
- Sao Ông không thi đỗ làm quan?
- Vì lão không muốn thi đỗ làm quan!
- Sao Ông không có gia đình con cái hòa thuận để Ông nhờ?
- Vì lão không muốn lập gia đình!
Anh chàng say rượu cáu tiết, chồm tới hỏi:
- Cái gì Ông cũng không muốn! Ông không muốn cái gì cả thật sao?
- Lão chỉ muốn một chuyện.
- Muốn gì?
Ông già nhìn quanh, chậm rãi trả lời:
- Lão muốn bán bài học vô giá này cho người đời dùng. Lão sanh ra đời chỉ để làm công việc này thôi.
Anh chàng thanh niên bực tức trả lời:
- Thế thì Ông già điên rồi! Ai mà thèm mua bài học của Ông làm gì. Người ta mua lúa, mua gạo, mua ruộng, mua vườn, mua nhà, mua cửa, chứ ai mua bài học vô giá của Ông làm gì? Không bài học của Ông thì thiên hạ cũng ăn uống no say, vui chơi phè phỡn, tạo nhà tạo cửa, giàu sang sung sướng cả đó kìa, Ông già thấy không?
Ông già vừa xoay qua phía khác vừa trả lời:
- Nhưng nếu có bài học của lão thì thiên hạ càng giàu sang hạnh phúc hơn! Mua đi, mua đi kẻo tiếc!
Bỗng có tiếng oang oang từ ngoài vọng vào:
- Có ta đây! Ðể đó ta mua cho!
Một anh chàng lực sĩ, vai u thịt bắp, xô đẩy đám đông tiến vào. Anh ta mặc một cái áo cụt đen, không gài nút, để hở ngực hở bụng, một cái quần đen, hai ống bó túm ở phía dưới. Ngay hông có mang một đoản đao, giắt vào thắt lưng màu đỏ. Anh ta đứng chống nạnh hai tay vào hai bên hông, hất hàm hỏi Ông lão:
- Biết ta là ai không?
- Biết làm gì?
Anh chàng lực sĩ cười gằn:
- Nhu vậy thì lão ngu thật! Lão vào buôn bán ở chợ này mà không cần biết đến ta, vậy thì đời lão tàn rồi. Chợ này là giang sơn của ta. Ta muốn cho ai buôn bán ở đây thì cho, bằng không thì phải lo mà chuồn đi; nếu lôi thôi thì ta sẽ đánh bỏ mạng.
Ông lão vẫn điềm nhiên hỏi:
- Anh là Quản thị hả? Hay là chàng thâu thuế?
Chàng lực sĩ cười mũi:
- Các thứ đó mà kể làm gì? Ta ... Ta là ... đệ nhất anh chị ở cái chợ phiên này.
Ông lão phì cười, tỏ vẻ khinh bỉ:
- Tưởng là gì! Ông Thiền Thừ mười tám mắt lão còn chưa sợ, nữa là ... đệ nhất anh chị ở đây!
Anh chàng lực sĩ mặt đỏ hầm hầm, nạt:
- Lão già đừng hổn mà ăn năn không kịp!
Nói vừa dứt lời, anh ta nhảy song phi đá vào mặt Ông lão. Nhưng Ông lão đưa gậy ra đỡ nghe một tiếng "rắc", và anh chàng lực sĩ té nhào vào đám đông. Ðám khán giả reo hò tán thưởng, vì không ngờ Ông lão võ nghệ lại cao cường đến đỗi hạ một cách dễ dàng anh chàng lực sĩ quán quân ở cái chợ Kinh đô này như vậy! Chàng lực sĩ bị hạ bất ngờ, vừa xấu hổ vừa đau đớn, hùm hổ đứng đậy rút đoản đao ỏ lưng quần ra, sấn tới phía ông lão, hăm dọa:
- Thằng già này to gan thật, dám chọc giận ta nhé! Ta cho một đao mà đi đầu thai kiếp khác đây!
Chàng ta lia một nhát dao như một làn chớp ngang đầu Ông lão. Ông lão lách đầu né kịp và thuận đà tống một đạp vào bụng anh chàng lực sĩ nghe một tiếng "ực". Anh chàng té ngửa, chổng hai chân lên trời. Ông lão lẹ làng nhảy tới, chống chiếc gây lên bụng anh ta. Tiếng reo hò tán thưởng reo dậy chung quanh. Nhiều thanh niên, ông lão, bà lão, con nít định xông vào đấm đá anh chàng lực sĩ kia để trả thù sự áp bức từ lâu của anh ta trong chợ này. Nhưng Ông lão bảo mọi người dang cả ra và cúi xuống nói với anh chàng lực sĩ đang nằm thẳng cẳng dưới chiếc gậy của Ông lão:
- Con ạ! Ðừng thấy lão già mà quen thói hiếp đáp nữa nhé! Trước khi đem "Bài học ngàn vàng" đi bán, lão cũng đã tập dượt võ bị để phòng thân chứ! Lão đâu có khờ khạo dẫn xác đến đây để cho con hiếp đáp. Thôi xin lỗi đi, lão tha cho.
Anh chàng lực sĩ miệng không ngớt chửi bới Ông lão, và cố vùng vẫy để đứng dậy được. Ông già bảo:
- Lão đếm ba tiếng mà không chịu xin lỗi thì lão ấn cái gậy này xuống, người con sẽ dẹp lép như con thằn lẳn bị kẹt trong cánh cửa con ạ! Này, Một ...
Anh chàng lực sĩ cảm nghe trên bụng mình như có một quả tạ trăm cân đè xuống, đè xuống ...
Ông lão đếm tiếp: - Hai.
Chàng lực sĩ lại cảm thấy nặng thêm như cả một phiến đá to tướng, nặng ngàn cân đè lên người mình. Chàng kinh hoàng kêu lên:
- Lạy ngài, tha cho con! Con xin chịu lỗi với ngài, từ nay con không dám hổn nữa.
Ông lão nâng chiếc gậy lên. Chàng lực sĩ bỗng nghe cả thân mình nhẹ nhõm, lâng lâng. Anh ta đứng dậy lạy tạ Ông lão hai lạy, rồi xấu hổ chuồn mất.
Bỗng từ xa có tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn, tiếng quyển dìu dặt khoan thai vọng lại. Mọi người ngước nhìn rồi bảo nhau: "Hoàng thượng đi săn trở về! Lui ra, lui ra cho đoàn ngự giá đi qua".
Mọi người kính cẩn đứng nép ra hai bên. Ðoàn ngự giá từ từ tiến đến. Ði đầu là một vị Tướng oai phong lẫm liệt, ngồi trên mình ngựa bạch, tay cầm một cái bảng vàng có 4 chữ: "Ðột Quyết đại vương". Theo sau vị tướng có hai hàng vệ sĩ mang giáo mác, cung tên. Tiếp theo là một đoàn nữ nhạc sĩ ca nhi, vừa đi vừa múa hát, hòa nhạc, rất vui tai đẹp mắt. Rồi đến xa giá của vua, chạm trổ long phụng, bốn phía rèm buông trướng rũ. Sau xa giá là một đoàn lực sĩ, cứ hai người khiêng một con thú rừng vừa săn được ... Dân chúng vừa kính cẩn, vừa sợ sệt, ngây ngất đứng nhìn ở hai bên đường. Nhưng Ông lão vẫn thản nhiên đứng nguyên chỗ cũ, vừa đưa cao chiếc gậy có treo chiếc đãy gấm, vừa rao:
- Bài học ngàn vàng! Bài học ngàn vàng! Mua mau kẻo hết!
Ðoàn vệ sĩ ra hiệu bảo Ông lão tránh ra bên đường để đoàn ngựa giá vua đi qua. Nhưng Ông lão có vẻ không lưu ý, càng rao to:
- Bài học ngàn vàng! Bài học ngàn vàng! Dịp may hiếm có, dịp may hiếm có!
Vị tướng đi đầu đưa cao tấm bảng, ra hiệu lịnh cho đoàn vệ sĩ vây bắt Ông lão, dẫn tới trước ngựa mình. Vị tướng dõng dạc hỏi:
- Lão là người ở đâu? Có biết luật lệ quốc gia không?
- Lão sống vô gia cư, chết vô địa táng. Lão đi đây đó để bán bài học vô giá mà chưa gặp kẻ thức giả biết giá trị của nó, nên chưa toại nguyện. Lão mỗi ngày mỗi già, đâm ra sốt ruột, sợ mình chết đi mà bài học vẫn chưa bán được. Hôm nay xa giá đi qua, lão nghĩ rằng đây là một dịp quý, may ra có người mua được, nên lão quên cả lễ nghi, xin thượng quan miễn chấp.
Vị tưóng tò mò hỏi:
- Ðâu, bài học gì đưa xem!
Ông lão đưa cao chiếc gậy trước đầu ngựa, chỉ vào chiếc đãy:
- Nó nằm ở trong chiếc đãy gấm này!
Vị tướng với tay định lấy chiếc đãy, nhưng Ông lão lanh lẹ rút chiếc gậy về, cười nói:
- Ðâu có được dễ dàng như vậy! Ngài muốn mua thì phải trả giá cả xong xuôi đã chứ!
- Bao nhiêu?
- Thưa, một ngàn lượng vàng!
Vị tướng bỗng phát lên cười:
- Lão có điên không? Suốt đời ta làm tướng, đánh Ðông dẹp Bắc, thí mạng sống để phò vua giúp nước, mà chưa bao giờ có được một trăm lượng vàng. Nay lão bán chiếc đãy to bằng bàn tay, không biết đựng gì ở trong mà đòi đến một ngàn lượng vàng, thì thật là điên khùng. Thôi lão hãy xê ra cho đoàn ngự giá đi. Ta không đùa nữa đâu!
Vua Ðột Quytế đang ngồi trong long xa không hiểu vì sao đoàn ngự giá dừng lại hơi lâu, vén rèm nhìn hỏi quan cận vệ:
- Có chuyện gì mà phải dừng lâu vậy?
- Tâu Hoàng Thượng, có một Ông lão đang rao bán một bài học mà Ông bảo là quý giá lắm.
Vua mỉm cười, truyền lịnh gọi Ông lão đến trước long xa của mình. Vua tự bảo đây là một cơ hội để mình giải trí. Cuộc đời bằng phẳng, ngày nào cũng yến ẩm tiệc tùng, ca hát, săn bắn, xử kiện đã làm cho Ngài chán ngấy lắm rồi. Cuộc đời đối với Ngài không còn có gì là mới lạ để mà nhìn ngắm, không còn có gì là cao siêu, kỳ bí để mà tìm tòi, học hỏi nữa cả. Thế mà nay lại có một Ông lão bảo rằng mình có một bài học quý giá đem đi rao bán cả cho vua nữa. Ngài có một cảm giác thích thú như khi đi săn gặp một con mồi hung hăng, quyết liệt đương đầu với mình.
Ông lão đến trước long xa, rạp mình vái lạy vua, rồi cúi đầu đợi lịnh. Vua Ðột Quyết lặng lẽ ngắm nhìn Ông lão, cảm thấy có một vẻ gì tiên phong đạo cốt tỏa ra từ người Ông lão. Hồi lâu vua cất tiếng hỏi:
- Trẫm nghe nói Ông lão có bài học gì hay lắm phải không?
- Tâu Hoàng Thượng, bảo rằng hay thì chưa đúng lắm; phải nói đây là bài học quý báu nhất đời.
Vua mỉm cười, có vẻ mỉa mai:
- Ông lão có chủ quan không? Nhưng trẩm cũng miễn chấp cho lão, vì thường tình ai bán món hàng gì cũng cho rằng món hàng của mình là nhất.
- Tâu Hoàng Thượng! Suốt đời lão chưa hề biết nói ngoa. Lão chỉ tiếc là không có một ngôn ngữ nào có thể diễn tả cho đúng cái giá trị cao cả của bài học này, nên tạm dùng danh từ là bài học vô giá.
Vua cười dễ dãi:
- Thôi thì ta cũng chấp nhận là vô giá đi! Nhưng đã là vô giá thì ta biết trả cho lão bao nhiêu?
- Tâu Hoàng Thượng, lão chỉ lấy giá tượng trưng là một ngàn lượng vàng thôi.
Có nhiều tiếng cười bật lên trong đám cận thần, tướng tá vây quanh Ông lão. Vua cố làm vẻ nghiêm trang, nhưng cũng không thể nhịn cười. Vạt áo cẩm bào trước bụng ngài rung chuyển một hồi, trước khi ngài cất tiếng phán bảo:
- Giá tượng trưng mà đến 1000 lượng vàng, còn nếu thật giá thì chắc trẫm phải bán cả giang sơn của trẫm cũng chưa đủ để trả cho lão.
Ông lão trả lời nhà vua một cách tỉnh khô:
- Tâu Hoàng Thượng! Thật quả đúng như vậy. Và lão tưởng như thế vẫn không phải là đắt; vì vói bài học này, Hoàng Thượng có thể gây dựng thêm mười giang sơn như thế này cũng được.
Bây giờ không còn ai cười nữa. Câu nói của Ông lão làm cho mọi người, từ vua đến quan chú ý, vì họ cảm thấy có một vẻ gì nghiêm trang chân thật trong lời nói của Ông lão.
Vua bỗng xoay câu chuyện qua một hướng khác:
- Lão có gia đình, vợ con gì không?
- Tâu Hoàng Thượng, lão tứ cố vô thân từ ngày sanh ra đời cho đến giờ.
Vẻ mặt vua trở nên rạng rỡ. Ngài nói mau:
- Vậy thì lão lấy 1000 lượng vàng dùng vào việc gì, để lại cho ai, nhất là những ngày cuối cùng của lão cũng không còn bao nhiêu nữa? Trẫm sợ lão lấy vàng mà không giữ được, lại còn mang họa vào thân nữa.
Ông lão cười một cách lém lỉnh:
- Lão xin đội ơn Hoàng Thượng đã lo nghĩ giùm cho lão. Nhưng lão đã có cách sử dụng số vàng bán được, xin Hoàng Thượng đừng lo.
Vua lại hỏi sang một vấn đề khác:
- Lão đối với trẫm như thế nào? Có đặc biệt hơn đối với những người khác không?
- Tâu, lão đặt Hoàng Thượng lên ngôi cao quý nhất, và bởi thế cho nên hôm nay lão mới đến chợ này, đợi Hoàng Thượng đi săn về để bán bài học, vì lão nghĩ, ngoài Hoàng Thượng ra chắc không ai mua nổi; vả lại không ai sử dụng bài học này một cách lợi ích lớn lao bằng Hoàng Thượng, nếu thật tình Hoàng Thượng muốn dùng đến nó.
- Lão đã biết nghĩ như vậy, sao lão còn muốn đòi cho được 1000 lượng vàng của trẫm?
- Tâu Hoàng Thượng, lão có thể dâng không, hay lấy vài lượng vàng của Hoàng Thượng cũng được, bởi thật tình lão cũng không cần đến số vàng nhiều như vậy, nhưng lão nghĩ rằng: những vật đem tặng hay bán rẻ thường bị xem thường xem khinh. Tục ngữ có câu "của rẻ, của hôi" Cho nên lão nhất quyết phải bán đúng giá 1000 lượng vàng, thì Hoàng Thượng mới quý bài học của lão.
Vua công nhận lời Ông lão nói là chí lý, nhưng vẫn tiếc số vàng phải bỏ ra. Vả lại Ngài cũng sợ đình thần cho mình quá giàu, và tiêu pha một cách quá xa xí. Ngài nói:
- Trẫm bằng lòng trả bài học 1000 lượng vàng, nhưng bây giờ trẫm trả trước 500 lượng, còn 500 lượng nếu trẫm thấy bài học hay và đem áp dụng có hiệu quả, thì trẫm sẽ trả nốt.
Ông lão có vẻ bực mình nói:
- Như vậy là Hoàng Thượng không dốc lòng mua. Thôi xin cho lão đi nơi khác để bán kẻo trưa lắm rồi.
Ông lão vái chào rồi rẽ đám quan quân, chống gậy rảo bước đi. Tánh háo kỳ của vua Ðột Quyết bị kích thích tột độ, nhất là trước cái hành tung và cốt cách lạ lùng của Ông lão. Vua truyền gọi Ông lão trở lại. Ngài nói có vẻ quở trách:
- Người thật ngạo mạn. Người đối với trẫm không có chút kính trọng nào cả. Giá cả chưa xong sao người lại bỏ đi như thế?
- Tâu Hoàng Thượng, xin Hoàng Thượng thứ cho lão. Nhưng lão thiết nghĩ, nếu ở địa vị của Hoàng Thượng, Hoàng Thượng xem 1000 vàng là trọng hơn bài học của lão, thì ở địa vị của lão, lão cũng thấy tiếc bài học của lão.
Vua nói hòa giải:
- Thôi thì ta bằng lòng trả cho Ông lão 1000 lượng vàng đó. Hãy đưa bài học ta xem.
Ông lão mỉm cười, như để xin lỗi:
- Tâu Hoàng Thượng lượng thứ cho! Tục ngữ có câu: "Tiền trao cháo múc". Lão sẽ dâng bài học cho Hoàng Thượng, sau khi nhận đủ 1000 lượng vàng.
- Ông lão thật khó chịu! Người không tin trẫm sao?
- Trước khi trả lời, xin Hoàng Thượng cho lão hỏi lại: Hoàng Thượng có tin lão không?
Vua do dự trước khi trả lời:
- Thật tình ta hơi nghi ngờ về giá trị của bài học mà người ca tụng.
- Hoàng Thượng không tin được lão, thì lão xin lỗi, làm sao lão tin được Hoàng Thượng? Thường thường dân tin lời nói của vua, nhưng vua lại không làm theo lời nói của mình, nên việc quốc gia thường đỗ vỡ. Lão nghĩ rằng: giữa vua và dân phải có sự công bằng, hoặc hai bên đều tin cậy nhau. Nếu bên này không tin bên kia, thì đừng bắt bên kia phải tin lại. Và nếu hai bên không tin nhau thì tốt hơn hết là làm theo khẩu hiệu "Tiền trao cháo múc".
Vua gượng cười, phán bảo:
- Thôi thì ta cũng làm theo ý của người.
Ngài xoay qua phía quan giữ kho bảo phải đem đến gấp 1000 lượng vàng. Quan giữ kho phi ngựa về cung, rồi chẳng mấy chốc trở lại với một tiểu đội binh mã gồm mười người, mỗi người mang một cái đãy đựng 100 lượng vàng y. Vua truyền đếm vàng giao cả cho Ông lão.
Ông ta trút hết tất cả 10 bao vàng vào một cái bao lớn. Mọi người tò mò chờ xem Ông lão làm thế nào để mang số vàng về nhà. Vua nghĩ thầm thế nào Ông lão cũng khó toàn tánh mạng với số vàng lớn lao kia. Ngài tỏ vẻ thương hại, hỏi Ông:
- Người có cần ta cho mượn mười lính thị vệ mang vàng về nhà cho người không?
- Xin đội ơn Hoàng Thượng, lão chẳng cần ai giúp đỡ! Lão đã có học được đôi chút võ nghệ từ hồi còn nhỏ, nên có thể mang nặng hàng trăm cân. Bây giờ xin kính dâng bài học lên Hoàng Thượng ngự lãm. Lão chỉ xin thưa một lời cuối cùng trước khi ra về và xin Hoàng Thượng nhớ cho là: "Bài học nào cũng vậy, có áp dụng mới biết hay hoặc dở ".
Ông lão nói xong, lấy cái đãy ở đầu chiếc gậy dâng lên vua Ðột Quyết, rồi cúi xuống quảy bao vàng lên vai, chống gậy đi thoăn thoắt. Toàn thể đoàn xa giá vô cùng ngạc nhiên về sức mạnh phi thường của Ông lão. Họ bảo nhau có lẽ Ông già này là một dị nhân, có người cho ông ta có tà thuật. Vua nắm cái đãy trong tay nhưng mãi nhìn theo hành tung của Ông lão, nên chưa kịp lấy bài học ra xem. Bấy giờ sực nhớ lại, ngài mới vội vã ngắm nghía, quan sát cái đãy gấm. Tất cả quan quân đều quay lại hướng nhìn nhà vua, hồi hộp chờ đợi cái phút vua mở bài học trong đãy gấm ra xem. Nhà vua cũng đâm lo lắng, và hồi hộp hơn tất cả mọi người. Ba lần ngài định mở sợi dây thắt miệng đãy, rồi lại dừng tay. Cuối cùng ngài giở tráp vàng để bên cạnh mình, bỏ cái đãy gấm vào, đậy lại cẩn thận và phán bảo:
- "Một bài học ngàn vàng" không thể mở ra đọc ở dọc đường dọc xá được.
Và ngài truyền lịnh cho đoàn ngự giá tiếp tục lên đường về cung. Mọi người đều tiu nghỉu thất vọng vì không được chứng kiến đoạn kết thúc của một câu chuyện mở đầu rất hào hứng, tân kỳ. Thực ra thì vua cũng rất sốt ruột muốn xem ngay bài học nói gì, nhưng càng bình tâm nghĩ lại, ngài cũng sợ mắc lừa Ông lão. Ngài không muốn giở ra xem trước mặt đình thần, vì nếu bị lừa thì thật là xấu hổ, còn gì là thể thống của một đấng quân vương ngồi trên thiên hạ? Cho nên ngài định về cung, đợi đến đêm khuya mở ra xem một mình, nếu có bị lừa cũng không ai hay biết. Trên đường về cung, ngài cứ băn khoăn, tự trách mình sao quá dễ dãi, mua một bài học đắt giá như vậy mà quên hỏi tung tích Ông già, quên cho người đi theo dò la hành động của Ông, và nhất là không truyền lịnh đem Ông già về cung để đợi xem xong bài học ra thế nào, rồi sẽ thả ra sau.
Vua tự bảo lần sau mình phải thận trọng hơn nữa mới được. Và ngài tự an ủi:
- Dù sao thì lão già ấy cũng không thể thoát khỏi tay ta. Nếu lão dám lừa phỉnh cả ta, thì lão sẽ mất đầu.