CHƯƠNG XXIX
Tác giả: Thích Thiện Hoa
Trời đã về chiều. Các đám mây trên đỉnh núi cuối chân trời đỏ rực lên như những tấm lụa đào. Những tia nắng cuối xòe ra như những nan quạt lớn rồi chìm dần xuống bên kia rặng núi. Ðàn quạ bay nhanh về phía chân trời. Xa xa từ trên các nóc nhà tranh của xóm nhỏ, những làn khói thổi cơm chiều vươn cao trên nền trời xám.
Ðoàn người dưới sự hướng dẫn của quan Ðề Ðốc Lê Bảo chăm chú bước nhanh. Ðoàn bộ hành gồm 7 người: quan Ðề Ðốc, cô con gái con ngài, ông chánh quản và 4 người lính hộ vê. Chuyến đi thật vất vả thiếu thốn mọi tiện nghi. Nhưng đó là ý muốn của quan Ðề Ðốc. Nguyên ở vùng biên cương thuộc ranh giới hai nước Nhục Chi và Sơn Ðiền này, từ mấy năm nay thường xảy ra những cuộc khởi loạn của dân địa phương. Triều đình đã sai quan lãnh binh Trần Sơn thống lĩnh 500 quân đến đây để dẹp loạn.Nhưng từ đó đến nay đã ba năm, quan lãnh binh vẫn không làm sao trấn an được vùng này. Mà trái lại, có tin mật báo về triều là tình hình ở đây mỗi ngày mỗi đen tối. Do đó triều đình vua Ðột Quyết mới truyền lịnh quan Ðề Ðốc Lê Bảo, một viên võ tướng thanh liêm và có nhiều mưu chước, lãnh nhiệm vụ đi điều tra và cải thiện tình hình nội loạn ở vùng này.
Quan Ðề Ðốc Lê Bảo lãnh mệnh lệnh của triều đình, trở về tư thất hội ý với vị phụ tá thân tín của mình là chánh quản Lành để vạch kế hoạch. Theo hai người, thì vụ đi điều tra này phải có tánh cách mật, chứ không thể rần rộ kéo theo nhiều binh mã được. Họ dự đinh chỉ đem theo độ 4, 5 người thân tín, giả làm một đoàn người lái buôn, đem hàng lụa từ Kinh đô Nhục Chi vượt biên cương sang bán ở nước Sơn Ðiền. Sau khi chuẩn bị xong hành lý định khởi hành vào sáng sớm hôm sau, thì một việc bất ngờ xảy ra làm quan Ðề Ðốc Lê Bảo bối rối khó xử.
Nguyên quan Ðề Ðốc góa vợ từ lâu, nhưng vì thương cô gái độc nhất của người vợ quá cố nên chưa lập vợ kế. Cô gái bây giờ đã 18 tuổi, có nhan sắc, nhưng vì luôn luôn ở bên cạnh cha là võ tướng, nên cô không thích học nghề kim chỉ vá may, cầm kỳ thi họa như các cô tiểu thư khác, mà lại thích luyện tập võ nghê cung kiếm. Quan Ðề Ðốc vì nuông chìu con gái, nên cũng không cản ngăn mà lại ra chiều khuyến khích sở nguyện của người con yêu quý độc nhất của mình. Cô Lệ Thanh, - vâng chính tên cô là Lệ Thanh, - từ trước đến nay không rời cha một bước, nay nghe tin cha mình sắp sửa đi xa trong một thời gian vô hạn định, thì rất đỗi đau buồn. Cô khóc lóc đòi xin đi theo cha. Nhưng quan Ðề Ðốc thấy trước cuộc ra đi của mình rất mạo hiểm, chắc chắn sẽ gặp nhiều gian nguy, nên không muốn cho con đi theo. Nhưng Lệ Thanh một mực cương quyết đòi đi cho được; nàng bảo nếu không được đi thì nàng sẽ tuyệt thực cho đến chết. Rõ biết tánh bướng bỉnh của con gái, hễ nói là làm, quan Ðề Ðốc đành buộc lòng cho Lệ Thanh đi theo, nhưng bảo nàng phải cải trang thành một thiếu niên. Lệ Thanh được cha bằng lòng cho đi, lại còn ăn mặc giả trai, thì vô cùng sung sướng.
Hôm ấy, nàng thức đến canh ba sửa soạn hành lý, để sáng hôm sau lên đường sớm.
Thế là đoàn lữ hành gồm 7 người cải trang thành lái buôn, âm thầm rời kinh đô lên đường trong khi gà chưa gáy sáng.
Họ dùng mọi phương tiện di chuyển, khi bằng ngựa, khi bằng thuyền, tùy theo địa thế; nhưng càng gần đến biên cương; đường đi càng hiểm trở, và không còn phương tiện nào khác hơn là đôi chân. Ngày đi đêm nghỉ, họ phải mất gần 15 ngày mới đến địa đầu vùng biên cương, là nơi mà quan Ðề Ðốc có nhiệm vụ điều tra.
Từ đây, họ phải vô cùng cẩn thận, cảnh giác đề phòng mọi mưu mô đen tối của địch thủ cũng như bọn gian phi có thể làm hỏng kế hoạch của quan Ðề Ðốc và làm nguy đến tánh mạng của họ nữa.
Hôm nay họ phải đi hết đoạn đường dài trên một bãi cát mênh mông, dưới một sức nóng kinh khủng. Họ vừa đói vừa khát, nên sức đi càng lúc càng chậm, nhưng họ còn phải đi gần 5 dặm nữa mới đến một thị trấn nhỏ, trong khi ấy thì trời sụp tối rất nhanh, như muốn chụp bọn họ trong một cái lồng đêm hắc ám. Họ phải tranh thủ với thời gian để vào thị trấn trước khi gà gáy đầu. Mặc dù mệt nhọc, họ cố gắng vừa đi chạy, để khỏi phải nằm ngủ ở giữa đường, làm mồi cho ác thú hay bọn gian phi.
Sự cố gắng của họ đã có kết quả: Họ vào thị trấn trước canh hai. Nhưng có điều lạ là họ nhận thấy, mặc dù mới canh hai, thị trấn đã chìm lặng trong một bầu không khí ngột ngạt bất thường. Họ đi tìm một quán trọ để nghỉ, nhưng không thấy đâu cả. Các nhà tư gia thì mười nhà chỉ còn vài nhà còn thắp đèn. Nhưng khi họ đến gõ cửa xin vào thì đèn trong nhà vụt tắt, và im lặng bao trùm tất cả. Ðoàn người vừa đói vừa khát, vừa mệt, đâm ra bực tức và mất hết thiện cảm với dân chúng trong thị trấn. Cuối cùng, họ chỉ còn một cách là dùng vũ lực, xông đại vào một nhà nào đó để nghỉ đêm. Họ lựa một nhà có vẻ khá giả ở ngã ba đường mà bên trong đèn đóm vẫn còn sáng. Họ gọi cửa. Liền sau đó, đèn đóm trong nhà lại vụt tắt. Quan Ðề Ðốc ra lịnh cho mấy người tùy tùng xô cửa mà vào, vì ngoài sự cung cấp chỗ ăn nghỉ, ngài còn muốn khám phá vì sao có sự sợ hãi vô lý như vậy.
Ðoàn người vào được trong nhà, lấy đá đánh lửa thắp đèn, nhìn khắp trong ngoài không thấy một ai. Họ càng thêm nghi hoặc, vì trước đó, trong nhà vẫn còn nghe có tiếng nói lao xao. Quan Ðề Ðốc thân hành nắm đèn đi soi tìm tất cả mọi nơi, cả trong các phòng ngủ. Cuối cùng ngài bắt gặp hai ông bà già đầu bạc phơ, một thiếu phụ và ba đứa bé ngồi run cầm cập trong một xó buồng. Quan Ðề Ðốc bảo họ đứng dậy, nhưng tất cả đều sụp xuống lạy lia lịa xin tha mạng. Quan Ðề Ðốc trấn an họ, bảo cho biết mình là một bọn lái buôn muốn đến xin ở trọ một đêm, nhưng vì đi đến đâu cũng bị từ chối, nên phải đường đột phá cửa mà vào. Nghe xong hai ông bà già và người thiếu phục mới hoàn hồn, đứng dậy niềm nở tiếp rước đoàn lữ hành.
Họ đi múc nước cho đoàn người tắm rửa, nấu cơm, làm gà vịt và sắp đặt chỗ ngủ cho mọi người.
Sau khi ăn uống xong, quan Ðề Ðốc muốn tìm hiểu vì sao họ sợ hãi khi nghe có người đến nhà như vậy, ông già bèn tâm sự:
- Chẳng giấu gì các ông, vùng này từ mấy năm nay không được yên ổn, giặc cướp mổi lên như trấu; quan quân thì bất lực, còn phụ họa thêm vào sự tham nhũng, cướp bóc, ức hiếp. Dân chúng không còn biết tin vào ai, mạng ai nấy giữ. Của cải dân chúng bị vơ vét hết sạch, nhiều khi còn bị đánh đập giết chóc kinh hồn. Cho nên, mỗi khi đêm hôm, nghe có người lạ đến là dân chúng hồn xiêu phách lạc, tìm cách lẫn tránh để khỏi mang họa vào thân.
Nghe ông lão nói, quan Ðề Ðốc chau mày than thở:
- Chúng tôi không ngờ tình hình ở đây lại đen tối như vậy. À hình như triều đình có phái đến đây một vị lãnh binh và 500 quân lính để lập an ninh trật tự kia mà?
Ông lão mỉm cười một cách chua chát:
- Lập lại an ninh trật tự! Phá thêm cho tan nát thì có! Các ông là người ở xa không biết rõ, chứ trước kia đâu đến nỗi như vầy? Nhưng từ ngày có binh lính của triều đình tới thì lại càng thêm đại loạn. Họ ỷ thế quân của triều đình, hống hách, ngạo mạn, xem mạng gnười như cỏ rác, muốn bắt ai thì bắt, giết ai thì giết. Có khi họ còn gây thêm rối loạn, để dễ bề đục nước buông câu. Chính thằng con trai độc nhất của vợ chồng tôi cũng bị họ bắt đi đâu mất từ hai năm nay, viện cớ là nó theo phiến loạn. Họ thấy nhà cửa vợ chồng tôi có bề ngoài khá giả, tưởng là có tiền của nhiều, họ cho người đến gạ là nếu có 300 lượng bạc thì được tha ra, nhưng với một số tiền như vậy làm sao chúng tôi có được, nên đành mất đứa con!
Ông lão vừa nói vừa đưa tay áo lên quẹt nước mắt.
Quan Ðề Ðốc vô cùng tức giận bọn quan quân triều đình, nhất là quan lãnh binh Trần Sơn, người có sứ mệnh đi dẹp loạn lại gây thêm đại loạn. Nhưng quan Ðề Ðốc hiện đang đóng vai một lái buôn nên phải nén sự tức giận, mà chỉ biết chau mày than thở với hai vợ chồng chủ nhà mà thôi.
Ông già lại nói, nét mặt tỏ vẻ lo ngại:
- Các ông ở lại đây thì chúng tôi không tiếc gì, nhưng chỉ sợ bọn gian phi hay bọn quan quân mà biết các ông là những kẻ lái buôn thì chắc các ông khó thoát được tay họ quá. Nhưng đêm khuya khoắc như thế này mà đi ra đường lại còn nguy hiểm! Vậy các ông cứ ở lại đây, nhưng phải cẩn thận cất giấu hành lý cho kỹ, nếu họ có vào thì liệu đường mà nói cho xuôi, còn không thì khó mà toàn tánh mạng.
- Ông già nói rất phải, chúng tôi xin cảm ơn ông đã nghĩ đến chúng tôi, chúng tôi may nhờ có học được đôi chút võ nghệ để phòng thân, nên cũng chẳng lo lắm. Thôi ông già đi nghỉ đi. Chúng tôi cũng cần tĩnh dưỡng để sáng mai lên đường.
Nói xong, chủ khách chia tay mỗi người về phòng riêng của mình.