CHƯƠNG XXV
Tác giả: Thích Thiện Hoa
Mấy hôm sau khi được cha cho tự ý áp dụng hay không “Bài học ngàn vàng” của vua, Ðoàn Tín vẫn sống theo nếp cũ của mình, nghĩa là bất luận sắp làm một việc gì quan trọng cũng đi hỏi trước mấy ông thầy bói khoa tướng số. Hể nghe ở đâu có ông Thầy bói hay, tướng số giỏi, thì dù khó khăn mấy, anh chàng thư sinh ấy cũng tìm đến xem cho được. Cho nên tất cả các ông thấy tướng số đều biết danh cậu Ðoàn Tín, không những biết cậu bao nhiêu tuổi, con ai, cháu ai, tánh tình ra sao, mà còn biết cả đến những chi tiết trong nhà cậu: tánh quan Tham thế nào, bà Tham ra sao, nhà xây về phía nào, có mấy cây cau, bao nhiêu con chó, con mèo ... Tiền cậu bỏ ra để xem khoa tướng số, dồn lại, có thể thành một cái gia tài nho nhỏ. Thầy bói ăn tiền của cậu nhiều, nên thường tâng bốc cậu để giữa mối. Cho nên đi đâu, cậu cũng nghe nói số cậu sang giàu, tánh mạng vững, con đông, vợ giỏi. Cậu tin lời họ nói, tin ở số mạng của mình, và đi đâu cũng khoe mình tốt số.
Thời ấy ở triều đình vua Ðột Quyết vì cần nhiều nhân tài nên năm nào cũng có mở khoa thi. Ðoàn Tín đã 22 tuổi, Ðoàn Danh 20 tuổi, và Ðoàn Hiệp 18 tuổi đều có đủ điều kiện để dự thi cả.
Ðoàn Tín đã hai lần ứng thí, nhưng đều trợt vỏ chuối. Chàng không lấy thế làm buồn, vì chàng tin chắc thế nào chàng cũng sẽ vinh hiển, chỉ vì thời chưa đến, nên phải ẩn nhẫn đợi chờ đó thôi.
Lần này, trước kỳ thi 5, 6 tháng. Chàng lại đi bói để xem kết quả ra làm sao. Ông thầy bói này tiếng đồn hay nhất kinh đô, nói đâu trúng đó. Tại nhà ông, khác hàng vô ra nườm nượp, nếu không hẹn trước, thì phải đợi chờ suốt buổi chưa chắc đã đến phiên mình. Có cái kinh nghiệm như vậy, nên Ðoàn Tín đã cho gia nhân đến nhà ông Thầy Mạnh – vâng tên ông là Mạnh - để hẹn trước ngày mai đến bói. Nhờ đó thầy Mạnh có thì giờ điều tra thêm những sự việc vừa xảy ra trong nhà quan Tham họ Ðoàn, và biết trước Ðoàn Tín sẽ đến bói về chuyện gì.
Hôm ấy, Ðoàn Tín mời cả bà Tham, mẹ mình, đi theo nữa. Bà Tham cũng muốn biết trước kết quả của việc thi cử cửa con nên không từ chối lời mời của con. Vả lại, bà cũng là một “con sâu mê bói toán”.
Thầy Mạnh sau khi chào hỏi hai mẹ con Ðoàn Tín, ngồi trầm ngâm có vẻ buồn. Hai mẹ con tôn trọng sự im lặng của thầy Mạnh, nhưng không khỏi bồn chồn trong bụng vì đoán biết chắc sẽ có việc chẳng lành xảy ra. Hồi lâu, thầy Mạnh mới cất tiếng nói, vẻ buồn bã:
- Thật là bất hạnh! Gia đạo của bà mấy hôm nay không được yên. Và điều đó có ảnh hưởng không tốt đến việc thi cử của cậu tín. Ðáng lẽ năm nay cậu thi đỗ mà đỗ cao nữa là khác nhưng chỉ vì một câu nói phạm thượng của cậu em út, xúc phạm đến các đấng trên đầu trên cổ mà cậu phải hiển đạt trễ đi một năm.
Hai mẹ con nghe nói tái người, không ngờ quẻ bói linh thiêng, nói trúng phong phóc đến thế. Ðoàn Tín vừa buồn vừa giận: Buồn vì sẽ hỏng thi, giận vì có thằng em ngỗ nghịch không tin trời tin đất, ăn nói ngạo mạn để di họa cho chàng.
Bà Tham ngồi xích lại bên thầy Mạnh, phân trần:
- Tôi đã có la mắng thằng Út rồi. Tôi biết nó nói bậy, nhưng không bịt miệng nó kịp. Tôi bực ông nhà tôi hết sức, cứ nuông chiều, khuyến khích nó, nên nó được trớn, nói càn nói dở. Thiệt khổ cho thằng Tín. Nhưng lỗi ai nấy chịu, chứ sao lại bắt họa lây? Nhờ thầy có cách gì, chỉ bảo để cho nó khỏi phải thiệt thòi, tội nghiệp.
Thầy Mạnh trầm ngâm đếm đi đếm lại mấy đốt ngón tay, rồi tuyên bố:
- May ra thì cũng có còn có thể cứu vãn được.
- Thưa Thầy, còn cứu vãn được à? May quá. Nam Mô A Di Ðà Phật! Nam Mô A Di Ðà Phật! Xin ngài cứu độ cho con tôi được nhờ!
Thầy Mạnh nghe bà cầu cứu lộn cửa, tỏ vẻ không bằng lòng. Thầy dạy:
- Ðức Phật cũng chẳng làm được gì trong vụ này. Cậu Út đã lỡ lời phạm thượng vị nào thì phải cầu xin với vị ấy.
Bà tham vội vã đính chính:
- Dạ vâng, dạ vâng, tôi nói lộn. Ðáng lẽ phải cầu khẩn với Ngọc hoàng Thượng đế, với Nam Tào Bắc Ðẩu, với mười hai mụ bà, mười ba mụ bóng, với với ...
Thầy Mạnh cản lại:
- Thôi thôi, chừng ấy cũng đủ rồi. Bà về, cứ đêm đêm thắp hương giữa trời mà khấn vái vói các vị ấy, may ra câu Tín có thể đỗ được kỳ này. Nhưng nếu không đỗ kỳ này, thì còn kỳ sau. Không đỗ kỳ sau nữa, chứ số cậu Tín là số khoa bảng, ít ra cũng giựt được cái Tiến sĩ, Phó bảng về cho bà.
Lời an ủi của thầy Mạnh làm hai mẹ con hài lòng. Họ trả thầy một số tiền lớn hơn mọi lần bói trước, rồi ra về.
Từ đó, đêm nào bà Tham cũng thắp hương lâm râm ra giữa sân nhà, khấn vái trời đất qủy thần cho đứa con đầu lòng của mình sớm dỗ đạt. Và cậu Tín thì trái lại, cứ phây phây ngủ sớm dậy trưa, không thiết gì học hành, vì cậu nghĩ có siêng năng học hành thì số hỏng kỳ này cũng không làm sao cải số được “Nhứt ẩm nhứt trát, giai do tiền định”.
Nhưng một hôm, cậu đi ra phố chơi với một người bạn, hai người rủ nhau vào giải khát ở một tửu lầu bên đường. Hai người đang chén tạc chén thù, ngà ngà say thì có một ông già đầu bạc phơ, mặc áo lụa trắng, chân đi hài nhung, chống gậy bước vào. Sau lưng ông già, có một đứa tiểu đồng bưng một cái tráp sơn đen. Ông già đứng dừng lại ngắm hai chàng thanh niên rồi gật gù cái đầu, tỏ vẻ đắc ý. Ðoàn Tín và bạn thấy bộ điệu ông già khả kính nên đứng dậy ,mời ông ngồi vào bàn mình. Ông già không từ chối, ngồi xuống một cái ghế ở trước mặt Ðoàn Tín, và chăm chú nhìn chàng. Một hồi lâu, ông cất tiếng nói với chàng:
- Cậu đang có chuyện buồn, phải không?
Ðoàn Tín ngạc nhiên hỏi lại:
- Sao ông già biết được, giỏi thế?
- Lão xem tướng. Nhưng cậu buồn về chuyện gì, có thể cho lão biết chăng?
Ðoàn Tín ngập ngừng một lúc rồi trả lời:
- Quả thật tôi đang có chuyện buồn, vì kỳ thi này tôi sẽ hỏng.
Ông già phát lên cười, nắm chén rượu mà Ðoàn Tín đã rót sẵn để trước mặt mình lên uống một hơi, rồi gật gù cái đầu, nhìn chàng một hồi nữa. Ông nói:
- Tướng cậu như thế mà hỏng thi? Ai đoán vậy, đem ra căng nọc đánh một trăm roi.
- Một ông thầy bói có tiếng hay nhất ở Kinh đô. Nhưng ông già không cần biết làm gì cho mệt.
- Lão cần biết để đập mu rùa hắn cho rồi. Thầy bói thấy khoa gì mà ngu thế! Tướng cậu mà năm nay hỏng thi thì tướng nào mới đậu? Lão nói cho cậu biết, tướng cậu hưng vượng lắm. Tướng này mà không đỗ ít nhất là Tiến sĩ, Phó bảng trong năm nay, thì cậu hãy chặt cái đầu của lão đi. Lão làm thầy tướng đã 50 năm nay chưa gặp một người nào có được cái tướng phát hiện về khoa bảng như cậu. Lão cam đoan với cậu, cậu cứ về đắp chăn ngủ, đừng cần học hành gì cả, đến kỳ thi, vẽ rồng vẽ rắn trong giấy, rồi cũng cứ đậu cho mà xem.
Ðoàn Tín nghe ông già nói, mừng như mở cờ trong bụng, nhưng cũng cứ tỏ vẻ nghi ngờ:
- Người ta bảo số tôi phát đạt chậm mới tốt. Nên tôi không tin năm này có thể đỗ được.
Ông già tỏ vẻ bất bình, lúc lắc cái đầu rồi đứng dậy:
- Tôi nói vậy đó mà cậu không tin tôi thì thôi. Nhưng nếu năm nay cậu đỗ thì xin đến cái địa chỉ này cho tôi biết nhé.
Ông già vừa nói vừa mở tráp ra đưa cho Ðoàn Tín và bạn chàng mỗi người mỗi cái thiếp màu hồng có ghi địa chỉ và mấy chữ: “Ðại chiêm tinh gia, đại tướng số gia Huỳnh Sổ”
Ðoàn Tín nắm tấm thiếp cất kỹ vào túi áo và trao cho ông già một nén bạc. Ông già thối thác một hồi, nhưng cuối cùng cũng bỏ nén bạc vào tráp và lễ phép cáo từ.
Từ hôm đó, Ðoàn Tín trở thành vui vẻ, không đắp chăn nằm ngủ li bì như trước nữa. Chàng ăn nói hoạt bát, tự tin hơn, đi chỗ này, chỗ khác, khoe khoang với bạn bè thế nào kỳ thi này mình cũng đỗ, mà đỗ cao.
Mẹ chàng cũng vui lây vì nghe tin con mình sẽ đỗ. Tuy bà không nói ra, nhưng bà đinh ninh rằng sỡ dĩ Ðoàn Tín mà được cải số như vậy là vì lòng thành của bà, đêm đêm khấn vái trời đất quỷ thần, nam tào bắc đẩu, mười hai mụ bà, mười ba mụ bóng của bà mà ra.
Thấy lòng thành của mình đã có hiệu quả, bà càng phấn khởi, mỗi đêm thắp hương khấn vái lâu hơn, nhiều hơn. Trong khi ấy thì Ðoàn Tín cũng tin ở số khoa bảng của mình, không cần phải chăm lo đèn sách làm gì cho mệt xác. Trước kia chàng thường tự bảo: “Số hỏng thi thì dù có chăm chỉ học hành cũng cứ hỏng”.
Bây giờ chàng lại tự bảo: “Số thi đỗ thì dù có vất sách vào bụi, nằm ngáy khò khò cả ngày, cũng cứ đỗ, mà đỗ cao nữa”.
Thành ra trong hai trường hợp, trường hợp nào chàng thấy cũng chẳng cần học hành chăm chỉ làm gì cả.