CHƯƠNG XX
Tác giả: Thích Thiện Hoa
Quan đề lao là một thanh niên cương trực, hoạt động, làm việc rất có kỷ luật, nhưng không phải là một người ác. Quan tên thực là Lê Minh, mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ đến nay chưa có vợ con, được quan đề đốc đem về làm con nuôi và nâng đỡ cho làm đề lao. Khi Lê Minh truyền bắt giữ Xuân, con gái bà Năm cây thị và bảo giam riêng hai mẹ con hai nơi, không phải vì chàng có ác tâm muốn chia rẽ mẹ con họ để thỏa lòng tức giận. Chàng muốn xem sức chịu đựng, lòng can đảm của nàng đến đâu, chứ không phải vì ác ý.
Sau hai ngày giam giữ Xuân, chàng truyền lịnh dẫn nàng đến văn phòng để chàng hỏi cung.
Xuân thấy chàng đang ngồi ở sau chiếc bàn rộng, liền chắp tay vái chào, nét mặt hơi buồn, nhưng không có vẻ oán giận gì chàng. Và Lê Minh hôm nay cũng không có vẻ nghiêm khắc như lần đầu. Chàng chỉ một chiếc ghế ở trước mặt, bảo nàng ngồi xuống. Xuân ngập ngừng hai ba lần mới ngồi ghé xuống.
Minh cất giọng hỏi:
- Ngươi hối lộ cho tên lính gác ngục bao nhiêu để vào thăm mẹ ngươi?
- Thưa ngài, tôi xin ngài đừng nghi oan cho bác ấy mà tội nghiệp. Bác chỉ vì lòng thương mẹ con tôi mà cho tôi được vào thăm mẹ tôi.
- Vì tình thương mà thôi? Vậy thì cả nhà lao này, sao lão ta không thương hết cả tù nhân cho bà con thân thích vào thăm?
Xuân liền thuật lại đầu đuôi chi tiết:
- Do nguyên do là bác ta ở gần tiệm tạp hóa của mẹ con tôi. Con gái nhỏ của bác ta thường đến mua hàng ở nhà tôi nên nó quen tôi. Một hôm nó thấy tôi đợi ngoài cửa công đường đang ngồi khóc vì không làm sao để được phép vào thăm mẹ tôi. Nó động lòng thương mách với cha, tức là bác ấy, để cho tôi được vào gặp mẹ tôi. Bác nghe con nói động lòng thương nên chờ lúc bãi sở, lén mở cửa lao cho tôi vào.
Lê Minh nghe câu chuyện, cười mai mỉa:
- Hàng của mẹ con nhà ngươi có tiếng là mua rẻ bán đắt, thế mà cũng gây được cảm tình của một đứa con gái nhỏ, thì thật là lạ!
Xuân ngập ngừng một lúc rồi đáp:
- Thưa, có lẽ nó có cảm tình đối với tôi thì đúng hơn là với cửa hàng của mẹ con tôi.
- Ngươi nói sao ta không được hiểu.
- Thưa nghĩa là mẹ tôi đối với khách hàng thì rất là khe khắt, nhưng tôi thì không có như vậy. Mỗi khi con bé của bác ấy đến mua hàng, tôi thấy nó nhỏ dại tôi nghiệp nên bao giờ cũng lén mẹ tôi đưa cho nó thứ hàng tốt với giá rẻ.
- Ngươi làm như ậy không sợ mẹ ngươi la mắng sao?
- Thưa, mẹ tôi thường la mắng tôi về chuyện ấy, nhưng tôi nghe luôn cũng thành quen. Vả lại mẹ tôi thương tôi nên không la mắng nhiều.
Lê Minh nghe nàng trả lời một cách đàng hoàng chân thật, nên cũng có thiện cảm với nàng. Chàng bảo:
- Ngươi đã phạm luật lệ của nhà lao, lén vào thăm tù nhân mà không có giấy phép của ta, đáng lẽ thì bị phạt giam một tháng. Nhưng ta nghĩ thương hại cho mẹ con ngươi, nên thả cho ngươi về. Từ nay về sau không được bén mảng đến đây nữa.
Cô gái nghe quan đề lao nói, không lộ vẻ vui mừng mà lại ra chiều hốt hoảng:
Nàng thưa:
- Thưa quan lớn, quan lớn tha tội mà không cho tôi từ nay được đến thăm viếng mẹ tôi, thì thà rằng quan lớn cứ bắt giam như cũ, để tôi được gần mẹ tôi còn hơn.
- Vậy nghĩa là ngươi không muốn được thả ra?
- Dạ muốn được thả, nhưng mong ước làm sao được vào thăm mẹ tôi, nếu không được như vậy thì thà ...
- ... thà là bị giam lại đây, phải không?
- Dạ thưa phải!
- Nhưng ngươi cũng đã biết dù ở đây ngươi cũng không được gặp mẹ ngươi kia mà.
- Thưa, dù bị giam giữ riêng, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng là được ở gần cạnh mẹ tôi, cùng chia sẻ với mẹ tôi những điều đau khổ.
Lê Minh lại nói nửa đùa nửa thực:
- Con có hiếu dữ a!
Chàng trầm ngâm một lát rồi nói:
- Thôi ta để cho ngươi về, và cho phép cứ hai hôm đến thăm mẹ ngươi một lần.
Mắt Xuân sáng lên, lộ vẻ hân hoan nhưng rồi nàng lại tỏ ra tư lự. Lê Minh nhận thấy vẻ tư lự của nàng, hỏi:
- Sao ngươi đã bằng lòng chưa?
- Da thưa, tôi xin đội ơn quan lớn đã thương mẹ con tôi mà cho tôi được toại nguyện. Nhưng tôi vẫn chưa thấy được yên lòng, vì nghĩ đến bác gác vẫn còn bị giam giữ.
Quan đề lao ôn tồn nói:
- Tên ấy phạm kỷ luật, ta không thể tha thứ được.
- Thưa tôi cũng biết như vậy. Nhưng chỉ thương cho bác ta vì rủi ro mà phải bị tù tội, để vợ con không ai nuôi.
- Sao ngươi lại bảo là rủi ro? Tên ấy không tuân luật lệ nhà lao, chứ có phải vì rủi ro đâu?
- Dạ thưa, tôi muốn nói rủi ro là đã gặp tình cảnh đáng thương của tôi không cầm lòng được, nên mới phạm kỷ luật của nhà lao. Nếu không gặp, thì đâu có phạm kỷ luật được? Cũng như quan lớn, nếu thi hành đúng kỷ luật thì phải giam giữ tôi một tháng, nhưng quan lớn đã thông cảm, tội nghiệp cho hoàn cảnh của tôi thì chỉ giam giữ có hai ngày. Nếu cấp trên mà biết được thì quan lớn cũng bị quở trách là đã vi phạm kỷ luật, bị nghi ngờ là đã ăn hối lộ nên mới thả tôi ra sớm, và cho tôi vào thăm mẹ tôi. Như vậy là quan lớn cũng ... rủi ro gặp một trường hợp khó xử phải lựa chọn giữa lòng nhân đạo và luật pháp: Thi hành đúng luật pháp thì trái với lòng nhân đạo, mà theo lòng nhân đạo thì phạm pháp! Nhưng một khi quan lớn đã chọn nhân đạo, tha tội cho tôi, thì tại sao lại còn giam giữ bác ấy làm gì, tội nghiệp bác!
Lê Minh ngầm thán phục trí thông minh và sự ăn nói lưu loát của cô gái mà lúc đầu chàng tưởng là ngây thơ khờ khạo. Chàng chăm chú nhìn Xuân một lát, nói pha trò:
- Ngươi có thể làm thầy kiện được lắm. Thôi ta cũng chiều theo ý ngươi mà tha tội cho tên lính ấy.
Nói xong, quan truyền lịnh mở phòng giam thả người lính gác ra và cho phép Xuân trở về nhà, sau khi đã cấp cho nàng một giấy phép được vào thăm bà Năm hai ngày một lần.