CHƯƠNG II
Tác giả: Thích Thiện Hoa
Hôm nay trong cung điện vua Ðột Quyết không có yếm ẩm, ca nhạc như các đêm khác. Sau mấy ngày đi săn bắn mệt nhọc, vua truyền lệnh cho các quan thị vệ, cận thần và cung nữ được nghĩ ngơi cho lại sức. Riêng ngài cũng cần được yên tĩnh để xem "Bài học ngàn vàng" vừa mua được. Thâm ý của ngài là không muốn cho ai khác được xem bài học, lý do thứ nhất là một vật qúy báu như vậy không nên để cho một ai hay biết; lý do thứ hai, là nếu bị lừa phỉnh, thì lại càng không nên để tiết lộ ra ngoài.
Cho nên hôm nay, ngài đi nghỉ sớm. Ðến 3 giờ sáng, ngài lặng lẽ thức dậy, đóng kín các cửa phòng, mở tráp vàng lấy cái đãy đựng bài học ra. Ngài mở dây gút trên miệng đãy, hồi hộp rút bài học đựng trong một cái phong bì dán kín. Ngài rất cẩn thận xé phong bì, rút ra một tờ giấy màu vàng tươi. Trên trang giấy chỉ vỏn vẹn có một câu, viết với một nét chữ rất đẹp như rồng bay phượng múa: "Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó".
Vua bật ngửa người, ném mạnh trang giấy xuống bàn. Sự tức giận của ngài lên cực độ, làm cho người nghẹt thở. Nếu không sợ quan thái giám và cung phi mỹ nữ biết được, thì ngài đã đập đổ tất cả bình vàng chén ngọc để trước mặt ngài trên chiếc án chân quỳ nạm ngọc. Ngài càng nghĩ càng căm giận lão già. Không ngờ hắn lại đám phỉnh gạt cả vua. Bài học như vậy mà nó dám bảo là vô giá, đòi cho được 1000 lượng vàng, mà lại còn làm ra vẻ không cần. Nó thật quá ngạo mạn, dám cho đó là một bài học, trong khi chỉ là một câu nói tầm thường, chỉ để khuyên bọn trẻ con. Ta là một ông vua, trị vì thiên hạ, quyền uy cái thế, đâu có cần một bài học như vậy. Ta muốn làm gì thì ta làm, ta ban sự sống, ta truyền lệnh chết. Ta là thiên tử, ta muốn là trời muốn. Ta hô một tiếng là có thể dời sông, lấp biển. Ta đâu cần nghĩ đến hậu quả làm gì? Ta muốn hậu quả như thế nào, thì hậu quả phải như thế ấy!
Nhà vua định xé tờ giấy của Ông già viết ra làm muôn mảnh và vứt vào ống phóng cho mất tang tích. Nhưng ngài dừng tay lại vì chợt nghĩ rằng: nên để nó lại chờ ngày bắt được lão già sẽ trả lại cho lão, đòi 1000 lượng vàng lại trước khi hành quyết. Cần có đủ bằng cớ, tang tích để lão già mồm mép kia không thể chối cãi được. Vua dằn sự tức giận, xếp tờ giấy bỏ vào chiếc đãy gấm và buộc giây lại như cũ. Ngài bỏ vào tráp vàng để ở trên án thư. Nhưng một lát sau, nghĩ thế nào không biết, ngài lấy chiếc tráp, đem bỏ vào tủ bằng cẩm thạch dùng để đựng các thứ thất bảo quý nhất và khóa lại cẩn thận. Không phải ngài liệt cái bài học của Ông già vào hàng quốc bảo, nhưng chỉ vì ngài sợ để ra ngoài, có người xem trộm được, sẽ chê ngài khờ dại, đã để cho một ông già phỉnh gạt, và tin ấy sẽ đồn đãi ra, sẽ làm ngài mất uy tín, khó trị vì thiên hạ.
Công việc đầu tiên ngài phải làm là truyền lệnh tìm bắt cho được Ông già. Nhưng đây là một việc mật, cần phải giao phó cho người thân tín thi hành. Vua định kế hoạch xong xuôi đâu đó, thì trống canh trên hoàng thành đã thúc tan canh. Ngài đánh một giấc cho đến chiều tối. Không ai dám thức ngài dậy, vì ai cũng nghĩ rằng bài học chắc phải cao siêu lắm nên làm cho ngài mỏi mệt, không thể dậy sớm được.
Sau khi thức dậy, Ngài truyền lệnh cho quan thái giám mở tiệc khoảng đãi đình thần vào tối hôm ấy, lấy lý do là để mừng Hoàng Thượng vừa có hồng phúc mua được bài học quý giá.
Vì đã quen tổ chức tiệc tùng yến ẩm, cho nên trong vài giờ sau, quan Thái Giám đã bày biện xong một đại tiệc trên năm trăm thượng khác tại ngự uyển. Văn võ bá quan trong triều không ai thiếu mặt, vì được vua ban đại yến là một vinh dự không thể bỏ qua; hơn nữa mọi người đều nóng lòng muốn biết bài học vô giá mà vua vừa mua được, nó quý giá cao siêu như thế nào.
Diện mạo của vua hôm nay không khác mọi ngày. Ngài vẫn vui vẻ nói cười, nhưng nếu ai để ý nhìn kỹ thì thấy ngài uống rượu nhiều hơn mọi hôm trước. Cuối bữa yến, ngài tuyên bố rất hài lòng về bài học của Ông già, và có thể xem như là một quốc bảo. Có quan Ðại thần đánh bạo đứng dậy tâu vua có thể nói cho biết nội dung và tánh cách bài học như thế nào không. Vua cười gượng gạo bảo rằng bài học có tánh cách cơ mật, không thể nói ra cho tất cả triều thần biết được. Tuy thế, ngài hứa sẽ tùy theo địa vị của các đình thần và tùy theo hoàn cảnh mà tiết lộ cho một số các thượng quan biết.
Câu chuyện bài học không còn ai buồn nhắc nhở nữa, khi đoàn vũ nữ đẹp tuyệt trần với những xiêm y rực rỡ kéo nhau ra sân khấu. Nhưng chính trong lúc mọi người đang say mê xem múa nhảy thì vua cho gọi quan Ðề Ðốc vào hậu cung để ngài dạy bảo.
Quan Ðề Ðốc Thanh Phong là một vị võ tướng thân tín của ngài, thường thường những việc mật vua đều giao phó cho vị quan này thi hành. Vua tỏ thật ra cho vị Ðề Ðốc biết chuyện mình bị gạt và truyền cho vị này phải tìm bắt cho được Ông già đã bán bài học. Quan Ðề Ðốc xin hứa trong một tuần sẽ đem nạp Ông già trước bệ rồng. Là một con người nhiều mưu chước, quan Ðề Ðốc đề nghị với nhà vua là tuyên bố cho mọi người biết rằng bài học rất quý báu, nên vua muốn trọng thưởng thêm vàng bạc cho Ông già, nhưng không biết Ông ở đâu. Vậy nếu ai tìm được chỗ ở của Ông già và báo tin cho ông biết cũng sẽ được trọng thưởng.
Và sau khi cuộc yến ẩm, ca vũ, chấm dứt, mọi người ai ai cũng hy vọng đi tìm kiếm Ông già để lãnh thưởng.
Từ hôm ấy, ngày nào vua Ðột Quyết cũng trông ngóng tin tức về Ông già; nhưng biệt vô âm tín. Gần đến kỳ hạn một tuần vua càng sốt ruột. Vua sợ để lâu, Ông già sẽ trốn ra khỏi nước, sang nước Quý Lâm, là một lân bang thù nghịch và phao tin đồn vua bị gạt, thì thật là làm trò cười cho thiên hạ.
Nhưng nếu vua sốt ruột một phần, thì quan Ðề Ðốc Thanh Phong lại sốt ruột mười phần. Quan sẽ mất uy tín biết bao đối với sự tin cậy của vua, khi không tìm ra được Ông già. Một ông già lọm khọm, tứ cố vô thân, mang theo một bao vàng nặng trĩu như vậy, mà có thể trốn thoát ra khỏi nước một cách dễ dàng, thì làm sao nói chuyện giữ an ninh trật tự cho trăm họ và giữ yên bờ cõi chống xâm lăng? Quan huy động tất cả lính tráng dưới quyền mình đi lục soát từng nhà một trong đêm khuya, và ban ngày chận đón tất cả các ông già để khám xét. Ngoài ra quan còn sai bọn mât thám rất đông đảo dưới tay mình giả làm người đi mua heo, đi bán chiếu, người lỡ đường đi ăn xin, ngủ trọ để dò xét. Tất cả quán xá ở các ngã tư, ngã bài học đường cái đều có người của quan Ðề Ðốc dòm ngó. Nhưng Ông già vẫn biệt vô âm tín!
Kỳ hạn một tuần đã hết, quan Ðề Ðốc với vẻ người tiều tụy, trông già đi đến 10 tuổi, vì sự lo nghĩ và mất ăn bỏ ngủ, khúm núm vào quỳ trước long sàng để chịu tội về sự bất lực của mình.
Bao nhiêu sự giận dữ của vua đối với Ông già đều trút lên đầu lên cổ quan Ðề Ðốc. Người ta có cảm tưởng lưng quan Ðề Ðốc mỗi lúc mỗi còng thêm xuống vì những danh từ nặng nề mà quan phải gánh chịu thay cho Ông già. Ông già khi vác bao vàng 1000 lượng đâu có vẻ nhạc nhằn như vậy.
Nhưng có một lúc, như con ngựa chở quá nặng, bất kham đâm liều, đã trút đổ tất cả đồ vật mang trên lưng, quan Ðề Ðốc dứng thẳng dậy, nói thẳng ý mình:
- Tâu Hoàng Thượng, thần không xứng đáng nhận lãnh tất cả các lời quở trách nặng nề của Hoàng Thượng. Từ trước đến nay Hoàng Thượng đã tin dùng thần, thì chắc Hoàng Thượng cũng đã xét đến lòng tận trung của thần như thế nào rồi. Nhưng trong vụ Ông già này, thần xin thú thật, thần chịu bất lực. Ông già đã phỉnh gạt cả Hoàng Thượng thì chắc cũng không phải tay vừa ...
Vua nghe câu nói cuối cùng của quan Ðề Ðốc giận đến xám mặt. Ngài hất đổ tất cả đồ đạc để trên án thư, vùng đứng đậy, nạt:
- Ngươi nói gì? Trẫm bị phỉnh gạt hả? Ngươi đã nhục mạ trẫm. Tội khi quân của ngươi đáng chém đầu!
Nói xong, vua truyền quan Thái Giám đem bỏ quan Ðề Ðốc vào ngục thất để chờ ngày ra pháp trường vì tội khi quân.
Thật ra câu nói của quan Ðề Ðốc không đến nỗi phải bị kết vào trọng tội như vậy. Nhưng nhà vua muốn trừ quan Ðề Ðốc để dập tắt luôn vụ mình bị lừa phỉnh, không cho nó lan ra ngoài; vì ngoài quan Ðề Ðốc, ra chưa có một ai rõ biết về sự thật của bài học ngàn vàng kia.
Khuya hôm ấy, quan Ðề Ðốc bị xử uống thuộc độc chết ở trong ngục thất.
Ba ngày sau, tin đồn ra cho biết rằng quan Ðề Ðốc đã bị xử tử vì tội âm mưu giết vua để chiếm ngôi.