Duy Tân VI
Tác giả: Tôn Thất Bình
NHỮNG MẪU ĐỐI THỌAI NGẮN
Thấy vua Duy Tân đứng nhìn trời, sau khi cuộc khởi nghĩa bị bại lộ, Le Folt đến giở mũ chào và nói một cách mỉa mai:
- Et bien, Sir! Vous avez fini cette randonné ! ( Thế nào, Hoàng Thượng ngự giá đến đây là hết rồi chứ ? )
Vua Duy tân nhún vai và cũng đáp lại bằng tiếng Pháp:
- Vous ne pouvez pas comprendre ! ( Các người chẳng hiểu được đâu ! )
Ngay lúc ấy tên Trứ phản trắc cùng đi với bọn thực dân xuất hiện, tiến đến trước mặt vua:
- Tâu bệ hạ, tôi là người được bệ kiến Ngài ở Sông Lợi Nông đêm 3 - 5, chẳng hay bệ hạ còn nhớ mặt không?
Nhận ra tên Trứ, nhà vua không tỏ vẻ giận dữ mà chỉ khinh bỉ ra mặt. Người đáp:
- Phải ta nhớ mặt mi. Đồ phản quốc!
Nói xong, vua Duy Tân nhìn sang chỗ khác. Tên Trứ cụp mặt quay ra. Lúc bấy giờ con mắt của tên trùm mật thám Sogny thấy dưới áo vua có một vật gì còm cộm rất khả nghi. Sogny nghi là súng, nên nhìn hau háu vào đó. Biết ý, vua Duy Tân nói:
- Mấy ông tưởng cái ni là súng hả? Không phải mô, tui mà có súng thì tôi bắn các ông chết hết rồi. Đây là cục lương khô thôi ! ( 1 )
Thực chất đó không phải là lương khô mà là hai cái ấn vàng của nhà vua. Tên chánh mật thám lúc ấy mới yên tâm . Le Folt sai người tìm một cái kiệu và một cái lọng để rước vua xuống xe hơi đã chờ sẵn dưới chân đồi. Nhà vua lặng thinh khoát tay từ chối kiệu và lọng vàng. Người bước xẳng xái xuống đồi , không tỏ ra sợ sệt gì.
Buổi trưa hôm ấy về đến Toà Khâm Sứ Charles nở nụ cười đắc thắng, bắt tay vua Duy Tân và nói:
- Eh bien ! Sir, vous êtes content de votre équipée? ( Bệ Hạ bằng lòng cuộc du ngoạn chứ? )
Vua Duy Tân điềm nhiên cũng trả lời bằng tiếng Pháp :
- Non, puisqu' elle n'a pas réussi ! ( Không , bởi vì nó không thành công ! )
Từ đó vua Duy Tân giữ thái độ lãnh đạm cho đến khi bị đưa vào nhà giam Mang Cá.
( Theo Thái Văn Kiểm )
------------------------
(1) Có tài liệu thuật vua Duy tân noí: " Ông tưởng tôi giấu súng hả? Ông đừng sợ. Tôi làm việc đại sự lỡ bị thất bại còn cần chi làm việc tiểu nhân ".
NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG Ở QUÊ HƯƠNG
Khâm sứ Pháp Le Marchant de Trigon đến thay Khâm Sứ Charles, buộc triều đình Huế luận tội vua Duy Tân rất khắc nghiệt :
- Vua một nước dưới quyền bảo hộ của Pháp đang chiến đấu với kẻ thù là Đức, mà khởi loạn chống lại Pháp là phản bội , phải tội tử hình.
Pháp giao cho triều đình thuyết phục nhà vua, nếu nhà vua biết ăn năn hối cải thì tha, còn không phải mang trọng tội.
Mọi lời thuyết phục của triều đình đều chẳng có ý nghĩa gì đối với nhà vua. Hai bà Hoàng Mẫu ( Nguyễn Thị Vân Anh và Nguyễn Thị Định) được mời từ Khiêm Lăng về Mang Cá thuyết phục vua, nói điều lợi hại để vua thay đổi ý kiến, nhưng nhà vua xin hai bà được từ chối mọi lời khuyên nhủ.
Cuối cùng, Tòa Khâm Sứ điện ra Hà Nội mời Toàn Quyền Đông Phương vào giải quyết. Vua Duy Tân trả lời một cách thẳng thắn:
- Các ngươi muốn cưỡng ép ta làm vua nước Nam thì phải coi ta như một ông vua trưởng thành, bất tất phải đặt phụ chánh và phải giao cho ta quyền hành của một vị vua được trực tiếp với nước Pháp và Ngoại quốc.
Toàn quyền Pháp cũng bất lực. Không thuyết phục được vua Duy Tân, thực dân Pháp ra hạn trong một tuần lễ phải đưa vụ Duy Tân ra sử công khai. Thượng Thư bộ học Hồ Đắc Trung được ủy nhiệm thảo bản án.
Các vị lãnh đạo Quang Phục Hội Thái Phiên, Trần Cao Vân đang ở trong ngục chờ ngày ra pháp trường, viết vào một miếng giấy vấn thuốc một bức thư nhờ người bí mật đưa tận tay ông Hồ Đắc Trung . Đó là một câu đối:
- Trung là ai? Nghỉa là ai? Cân đai vỏng lọng là ai,Thà để có thần tử biệt !
Trời còn đó, đất còn đó ! Xã tắc sơn hà còn đó ! Mến ( 1 ) cho thánh thượng sinh toàn .
Ông Hồ Đắc trung làm án đổ hết tội cho hai ông Thái Phiên, Trần Cao Vân cùng Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu. Thi hành bản án, bốn ông đều bị chém đầu. Vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion .
( Theo Nguyễn Văn Mại, Thái Văn Kiểm và Phạm Khắc Hòe )
---------------------
( 1) Mến: Miển sao
KHÍ TIẾT VÀ KHÍ PHÁCH DUY TÂN
Khi bị giam ở Mang Cá, nhà vua rất khó chịu vì không được sống như ý mình. Lúc ở trong Hoàng Cung, nhà vua ưa đọc sách, tập thể dục, đánh đàn và nghe hòa nhạc. Nhưng nhà vua không đòi Pháp một sự chiếu cố nào.
Đến ngày nhà vua sắp bị dẫn lên tàu để vào Nam, bắt đầu cuộc hành trình đi đày, một viên đại diện của Khâm Sứ đến thăm và hỏi:
- Nhà vua có một quỹ tiền riêng lưu trữ tại kho nội vụ. Ngài có cần lấy một ít để đi đường không?
Vua Duy Tân đáp:
- Tiền đó để cấp cho ông vua cai trị nước Nam, chứ không phải là của tôi, là một người tù. Hơn nữa chính phủ Bảo Hộ không chu cấp nổi cho một người tù hay sao mà còn phải lấy tiền mang theo ! Tôi không cần có tiền riêng.
Viên đại diện Toà Khâm thấy vua thèm đọc sách bèn hỏi:
- Ngài có một tủ sách quý giá đến mấy ngàn cuốn bằng Pháp Văn. Ngài có muốn lấy một bộ nào đem theo đọc cho khuây khỏa không?
Vua Duy Tân gật đầu nhận ngay và dặn thêm:
- Sách tôi rất thích. Nhờ ông lấy giúp bộ " Histoires de la Révolution Française ( Lịch sử Cách Mạng Pháp ) của Michelet, nhưng phải lấy cho trọn bộ.
Vị đại diện Toà Khâm nghe thế sợ quá, y không dám về báo cáo lại với Pháp
( Nguyễn Đắc Xuân )
NHỮNG NGÀY TRÊN ĐẢO LƯU ĐÀY
Sau khi đưa mẹ, vợ và em ( Hoàng Mẫu Nguyễn Thị Định, Bà Phi Mai thị Vàng và Công Chúa Lương Nhàn) trở về quê nhà, cựu hoàng Duy Tân cũng sớm chia tay với thân phụ để sống cuộc đời tự lập.
Tiếp tục việc học ở trường quốc gia mang tên Lecomte de List, chẳng bao lâu Cựu hoàng đỗ tú tài. Tuy tiếp tục học luật bộ và luật hình, nhưng rất tiếc ở đảo lúc ấy chưa có cấp bằng đại học nên cựu hoàng chỉ học cho biết chứ không có bằng.
Ngoài giờ học văn hóa, Cựu Hoàng rất thích thể thao, nuôi ngựa đua và trong các cuộc đua ngựa, Cựu Hòang tự cưỡi lấy ngựa của mình. Duy Tân rất thích âm nhạc, môn này Cựu Hoàng tỏ ra có năng khiếu ngay trong những ngày còn ở quê nhà. Cựu hoàng giỏi nhiều loại đàn tây, đặc biệt là cây violon. Do đó dân địa phương đã khẩn khoản mời Cựu Hoàng vào ban nhạc Cabrt ở Saint Denis.
Duy Tân cũng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, ảnh nghệ thuật của Cựu Hoàng đã từng đoạt giải của Viện Hàn Lâm Khoa Học- Nghệ thuật . Văn chương lại là môn sở trường, Duy Tân đã làm thơ, viết tùy bút, viết xã luận, bình luận văn học.
Những năng khiếu về nghệ thuật và văn chương đã đưa Cựu Hoàng trở thành Hội Viên những nhà khoa học, văn chương và nghệ thuật của đảo Réunion. Với uy tín ấy, Cựu Hoàng đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện thu hút người nghe rất đông. Các báo, cơ sở Xuất bản đặt nhiều bài cho Cựu Hoàng viết.
Vì cô lập trên đảo, thỉnh thoảng một đôi tháng mới nhận được báo chí, tin tức từ Pháp đưa sang, Cựu Hoàng bắt tay nghiên cứu nghành vô tuyến điện để tự chế ra máy móc liên lạc với bên ngoài. Không ngờ Cựu Hoàng rất say mê và có biệt tài về nghành kỹ thuật mới mẻ này, đã ráp được nhiều máy vô tuyến điện. Cựu Hoàng mở một phòng thí nghiệm vô tuyến ở Saint Denis, chính qquyền phải giao cho Cựu Hoàng ráp, xây dựng ở đảo một đài thu phát tín đầu tiên trên hòn đảo hẻo lánh này
( Theo Nguyễn Đắc Xuân )