Thiệu Trị ( 1840 - 1847 ) II
Tác giả: Tôn Thất Bình
Năm Thiệu Trị thứ 7 ( 1847 ) , ông lâm trọng bệnh , các hoàng tử đều ngồi bên, duy có hoàng tử Hồng Bảo đang ngồi ở ca lâu. Vua Thiệu Trị thở dài, đòi Cố mạng lương thần Trương Đăng Quế và Đại thần Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương , Lâm Duy Thiếp vào chầu. Ông truyền đuổi mấy người tả, hữu rồi ban rằng:
-" Ta nối nghiệp lớn đã bảy năm nay, ngày đêm lo lắng không dám thong thả vui chơi, mấy lâu se mình, hôm nay mệt lắm! Ta lo nghiệp lớn Tổ tôn phó thác cho ta, nên ta phải lựa người nối nghiệp để yên xã tắc. Trong mấy người con ta, Hồng Bảo tuy lớn , nhưng vì xuất ( con bà hầu sinh ra - TTB) mà lại ngu độn ít học, chỉ ham vui chơi, nối nghiệp không được, con thứ hai là Phước Tuy Công thông minh, ham học giống in như ta, đáng nối ngôi làm vua; hôm trước ta đã phê vào tờ di chiếu để lại trong long đồng. Các ngươi phải kính nơi đó, đừng trái mệnh ta.
Các đại thần đều vâng mạng rồi lui ra.
Thiệu Trị liền gọi hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm trao cho ấn kiếm.
Bây giờ Phạm Thế Lịch làm chức Tham Tri Bộ Lại, phải vào túc trực ở nội điện, nghe có chiếu chỉ, đem 3000 quân Hổ Bôn Đóng ở cửa Ngọ Môn. Hồng Bảo biết tin, vội cưỡi ngựa đốc xuất thân binh đến tận nơi, thì có tiếng truyền loa:
-" Trong cấm điện, chỉ có một mình Hồng Bảo vào thôỉ.
Hồng Bảo vào bên giường vua, phục xuống đất tâu:
- Thánh thượng khi mới tức vị đã hứa cho con nối ngôi, khi ra Bắc tuần, con phải lưu giữ Kinh Thành, sau lại vâng mệnh đi tế Nam Giao, ai cũng công nhận con là Thái Tử. Nay con lỡ phạm tội bất hiếu, xin ơn trời lượng bể tha cho
Thiệu Trị phán:
- Thiên hạ là của đức Cao Hoàng , kế đến đức Thánh Tổ truyền lại cho ta, ta định truyền cho mi, thường khuyên mi tu tỉnh , thế mà mi cờ bạc, hát xướng. Thần khí rất trọng, ta không thể lấy tình riêng mà bỏ nghĩa chung được!
Lúc ấy Pham Thế Lịch ở trong cấm điện, thấy Hồng Bảo vẫn quì bên giường ngự, liền đưa mắt cho Vũ Văn Giải, Giải liền giải Hồng Bảo ra hậu cung cấm cố. Đến ngày Quý Mão, bệnh nặng lắm , vua Thiệu Trị mất tại điện Càn Thành . Liền ngày ấy, các Hoàng Thân và các quan văn võ hội đồng tuyên đọc di chiếu tại điện Cần Chánh. Hoàng Tử thứ hai là Phước Tuy Công khóc lạy lĩnh mạng.
Hồng Nhậm ( Phước tuy Công ) nối ngôi, lấy niên hiệu là Tự Đức, truyền đem tờ chiếu vời Tôn Nhơn và đình thần ký tên. Hồng Bảo không ký, thúc đầu vào tường máu chảy chan hòa. Phạm Văn Nghị đến nơi khóc:
- Xin điện hạ nghĩ kỹ lại, di chiếu của Đức Tiên Hoàng điện hạ không ký cũng không được, xin ký để cho yên xã tắc và để đức Tiên Hoàng yên ổn dưới cửu truyền.
Khuyên hai ba lần, Hồng Bảo mới chịu ký.
Mâu Thuẫn giữa Hồng Bảo và Hồng Nhậm phát sinh từ đấy
( Theo Lăng Nhân và Quốc Triều chính biên )