watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đứa con của đất-Chương 10 - tác giả Anh Đức Anh Đức

Anh Đức

Chương 10

Tác giả: Anh Đức

T hằng Quyết mày tưởng tao là người ở Xà-bang này hả? Không phải đâu, tao là người Châu-ro đó chớ. Tao sanh đẻ trong sóc Chùm-đuông, lớn gần bằng tuổi mày thì mới bỏ sóc. Tao đâu phải tên Hai, tao tên Cổ ...



Vào một đêm ấm trời và lặng gió, ông già thốt nói với tôi như vậy. Đêm ấy ông ít ho. Ông đã ngồi xổm dậy khi bắt chợt nghe có tiếng tù và văng vằng nổi lên từ đâu xa lắm. Ông già Cổ cả quyết với tôi rằng tiếng tù và đó là từ trong sóc Châu-ro vọng tới. Khi tiếng tù và đã tắt lịm trong đêm trường, ông Cổ vẫn cứ ngồi im lìm trên góc phản. Tôi đang nằm cũng ngồi nhổm dậy, nhích lại gần ông già mà mãi cho tới đêm nay tôi mới biết là người Châu-ro. Mấy bữa mới tới đây tôi cũng thấy ông có cái nét khang khác, nhưng tôi không phân biệt được.



Khi ông nói ra rồi, tôi mới bắt đầu để ý. Ông nói rất sõi, tuy hãy còn lơ lớ. Tóc ông đã bạc trắng mà xoăn, ngọn tóc cứ xoắn xít cắm vào gáy. Cái khiến tôi tin ông là người Châu Ro hung, là ở nơi hai dái tai ông còn có vết xỏ lỗ để đeo khoen. Tôi ngồi bên, len lén dòm ông. Lát sau, tôi khẽ hỏi:



- Ông ơi, vậy chớ sóc Chùm-đuông của ông cách đây có xa lắm không?



- Đi từ lúc có mặt trời tới lúc hết mặt trời mới tới.



- Sao ông không ở đó mà lại về ở đây?



Nghe tôi hỏi câu ấy, ông già im bặt. Thiệt là lâu, ông mới thở dài nói:



- Quyết à, tao mà còn ở đó thì chắc chết



Còn không chết thì bây giờ hóa thành con xà-niên già rồi!



- Con xà-niên là con gì hả ông ? Tôi hỏi.



Thế là ông già Cổ lại im đi một chập nữa. Có vẻ như ông chưa biết lựa lời nói sao để tôi hiểu được thế nào là con xà-niên. Hoặc cũng có thể hai tiếng xà-niên chính từ miệng ông vừa nói ra đó đang gợi lại cái cảnh bi thương mà bây giờ nghĩ tới ông hãy còn ghê sợ. Dường như đấy là tấm thảm kịch đã trùm phủ tâm hồn ông và tất cả tâm hồn dân tộc Châu-ro ông, và có thể là của dán tộc Xê-tiêng nữa. Nhưng rồi ông Cổ không nín im được ông bắt đầu kể cho tôi nghe chuyện con xà-niên, mà ông bảo ấy là chuyện của chính ông. Bởi vì, theo ông nói thì suýt nữa ông đã trở thành con xà-niên.



- Thăng Quyết mầy không biết chớ trong sóc hồi đó không còn có cái chi ăn nữa ... Con nít chết riết muốn hết. Lính tráng ngoài Xà-bang này vô bắt người trong sóc đem về đi khẩn đất, mở đồn điền. Thằng Quyết mầy không biết chớ người Châu-ro tao chết thì chết chớ không ai chịu đi. Không ai muốn bỏ sóc mà đi. Ông già tao cũng vậy, sau khi bà già tao chết đói rồi, ông cũng không chịu đi khẩn đất. Nửa đêm, ông xách xà-gạt 1, xách ná, cõng tao cùng mấy người nữa bỏ trốn vô rừng sâu. Hồi đó tao còn nhỏ hơn mày chút ít, ông già tao cõng tao đi suốt đêm, tới hừng đông mới dùng lại bên một con suối. Khu rừng đó cũng là rừng Hắc-dịch, mà sâu lắm, không có dấu chân người, chỉ có dấu chân thú. Đêm ngày gì cũng nghe con cọp nó gầm, con beo nó kêu. Cọp ở kế bên chòi mình, ỉa đống cứt nào cũng có lông, lông con thú nhỏ hơn bị nó ăn thịt như con nai con mễn.



Nhờ có cây ná, ông già tao bắn được con dọc, con chồn đem về ăn. Chỉ biết lấy thịt nướng, rồi ăn lạt chớ đâu có muối. Cái chòi của cha con tao lợp bằng lá mây, chịu mưa không xiết. Hễ ban đêm trời đổ mưa là ông già tao thức đậy ngồi ôm tao mà chịu. Mùa khô thì đỡ hơn, nhưng con ve con mò 2 nhiều quá, nó cắn bấy mình ngứa ngáy chịu không nổi. ở lâu ngày, mấy cái khố của cha con tao rách hết, rách như xơ mướp mà không đám bỏ. Tới khi rã rệu, mới đành đóng khố bằng lá, chỉ còn giữ lại sợi giây khố buộc ngang lưng. Để chịu đựng mùa mưa lại tới, ông già tao đi chặt tre về chẻ đôi ra lợp chòi, nhờ vậy không bị ướt ngoi ngóp như trước. Cha con tao còn lột vỏ cây trải trong lều, vạt cây nhọn cắm quanh chòi cho cọp sợ không dám vô. Trời ơi, cọp đầy rừng vậy đó mà nó động tới cha con tao. Con cọp nó còn cho cha con tao sống. Chớ người, người như tụi lính thì nó lại bắn ra hòn đạn giết chết cha tao. Cũng vì cha tao không muốn chết đói, mới phá rừng đốt cây để làm rẫy.



Chắc tại ngọn khói bay lên nên lính nó ngó thấy. Mấy bữa sau, lính vô vây chòi. Cha tao cõng xốc tao chạy vọt ra khỏi chòi. Súng nổ đùng đùng. Đương chạy, bỗng cha tao vấp ngã. Tao tưởng cha tao bị vấp rễ cây. Ngờ đâu một hòn đạn đã bắn trúng bụng cha tao. Vậy mà cha tao còn cố gượng nhổm dậy cõng tao tính chạy nữa. Chạy thêm được mấy bước, cha tao ngã xấp xuống. Tụi lính chạy tới. Thấy cha tao đã chết, tụi lính gỡ tao ra khỏi lưng cha tao, rồi bắt tao về.



Thằng Quyết mầy biết tụi nó nói sao không? Tụi nó nói: "Bắt được con xà-niên con rồi!". Con xà-niên, trời ơi, tao nghe cái tiếng đó là từ buổi chiều đó. Quyết ơi, con xà-niên là vậy đó cháu. Con xà-niên là người Châu-ro, người Xê-tiêng bị đói, bị đuổi rượt bỏ sóc trốn vô rừng. Chừng nào người đó rách khố, phải đóng khố bằng lá, rồi tóc tai mọc dài gần chấm chân thì người đó thành con xà-niên. Nghe nói đâu con người ta là từ con thú mà trở thành người, còn như con xà-niên thì lại từ con người trở thành thú. Lần đó tao bị bắt đem về sớm như vậy là may mắn lắm. Tao nghe người ta bảo là may mắn chớ tao đâu biết. Thiếu chút nữa, Tây sở đã nhốt tao vô chuồng sắt nuôi như nuôi con vật để coi chơi. May có người bảo với Tây sở là tao chưa thành xà-niên. "Xà-niên sao còn biết nghe, biết nói tiếng người?". Họ bảo tao là thằng nhỏ Châu-ro mới theo cha bỏ sóc trốn vô rừng chưa tới một năm. Chớ nếu là con xà-niên thì phải ăn lông ở lỗ đôi ba chục năm, quên hết tiếng người, chỉ có giữa xà-niên với xà-niên mới rú rí cho nhau nghe được.



Thiệt tình tao nghe họ nói mà ớn óc. Họ nói nếu để chậm thì bề gì tao cũng thành xà-niên. Nên tao phải cảm ơn những người lính, mặc dù họ bắn cha tao té xuống như cái cây đổ. Sau khi khỏi bị nhốt vô chuồng để chưng coi, tao được tha ra cho làm lụng. Tao làm khỏe, làm xấp đôi xấp ba người ta. Đầu tiên tao chăn bò, rồi lớn lên một chút tao đi phá rừng dọn cây, trồng cao su thành lô. Tao làm đủ thứ chuyện, làm như con trâu, suốt trong hơn ba chục năm.



Tới chừng già không cầm được xà-gạt hạ nổi cây nữa, tao còn đi cạo mủ. Rồi mới quày về đây chăn bò cho cậu Bảy Vàng. Cũng đã năm bảy năm nay rồi. Từ ngày nầy qua tháng khác, tao sống với bầy bò, bạn bầu với nó riết đến nỗi bị nó lây bịnh. Người ta nói cái bịnh của tao là do con bò lây, Quyết ạ. Tao chăn bò chớ tao buồn lắm. Buồn nhất là khi cậu Bảy chở bò cũ đi bán rồi dắt them bò mới về. Bò cũ bò mới gì cũng đâu phải của cậu Bảy. Chắc thằng Quyết mày ngỡ bò đây là của cậu Bảy hả? Không, bò của bà con hết. Cứ lâu lâu, tụi lính biệt kích ruồng vô sóc. Trận nào cũng có lùa bò về, ghé tạt qua đây bán cho cậu Bảy. Bán rẻ lắm. Tỉ như bốn ngàn một con thì bán chừng một ngàn rưỡi hai ngàn. Mà ở đây chỉ có cậu Bảy mới mua được. Vậy là bò lấy của bà con Châu-ro tao lại đưa về đây cho tao chăn dắt. Thiệt mấy con bò đó làm tao đau thắt cái ruột. Có điều là ngó thấy nó tao tưởng như thấy lại buôn sóc. Tao ôm từng con bò đó, ngửi mình nó coi thử có chút ít mùi khói, mùi cây ngải hoặc là mùi lá bép gì không. Tao dòm những con mắt bò ướt rượt đậu đầy những con bù mắt, trong cái bụng tao cứ nghĩ là bầy bù mắt đã đeo theo bò từ trong sóc. Rồi tao chăm chút cho mấy con bò đó, nuôi nó mập lên.



Khổ nỗi, bò cũng không ở lại với tao lâu. Hễ bò lớn mập là cậu Bảy lại đem bán. Bò mới dắt về hay bò đem đi bán đều làm tao đứt ruột. Bây giờ tao coi bò cũng hết nổi nữa rồi. Tao gần nằm xuống rồi. Không biết từ giờ tới chết tao có được về sóc một lần không.



- Ông cứ xin với cậu Bảy Vàng mà về thăm! – Tôi nói.



- Không được đâu. Ông Cổ lắc đầu, rồi ngập ngừng một chốc, ông tiếp, giọng lưỡng lự:



- Ờ, mà bây giờ có khi cậu Bảy cho tao về cũng nên ... Chớ trước đây không được đâu. Trước tao có trốn về mấy lần, đều bị bắt lại, cậu Bảy kêu lính bắt ...



- Cháu như ông thì cháu trốn tuốt. Trốn về tới sóc rồi có bị bắt lại cũng được!



Ông Cổ trố mắt, kêu lên:



- Thằng Quyết mầy nói nho nhỏ chớ, cậu Bảy nghe được cậu đánh rồi niệt chung với bò. Lần tao trốn rồi bị bắt về, tao bị nhốt chung với bò tới ba đêm.



- Ông có đi về sóc thì đi cho sớm đi. Chớ vài bữa



nữa cháu về rồi, chừng đó ông mắc coi bò rồi! Tôi nói.



Ông Cổ chưng hửng:



- Ủa, vài bữa nữa thằng Quyết mầy về đâu?



- Cháu về Phước-kiển chớ về đâu?



- Sao tao cậu Bảy nói mầy ở đây coi bầy bò luôn?



- Cậu Bảy nói với ông như vậy à?



Tôi hỏi lớn, và đang ngồi trên phản, tôi nhảy xuống đất:



- Cháu phải đi hỏi thằng chả liền mới được. Bộ thằng chả tính xí gạt cháu hay sao chớ? Nói với cháu là xuống đây phụ giúp năm mười bữa rồi về, bây giờ tính bắt luôn. Thằng cha này thiệt tráo trở!



Thấy tôi nổi nóng hầm hừ, ông Cổ chộp giữ tôi lại:



- Cháu đừng nóng, để rồi hỏi sau, gấp gì. Ngày mai hỏi cũng được mà. Bây giờ cậu Bảy có còn thức đâu ...



Ông Cổ hỏi tôi:



- Hôm rày cháu xuống ở đây được mấy bữa?



- Năm bữa. Đáng lẽ cháu về rồi. Cháu tính ở tới tám bữa là về. Được rồi, ba bữa nữa mà thằng chả êm rơ không nói gì thì cháu cũng về.



Ông Cổ buông tay tôi ra, đôi mắt ông ngó xuống một cách buồn bã. Nghe tôi tính tới chuyện về, hình như ông già đó lại thấy mình trơ trọi. Nếu như tôi đi, có nghĩa là một nỗi cô đơn mới lại đến với ông già đáng thương này. Như vậy, ông sẽ sắp phải chia tay nốt với tôi. Trong năm ngày qua, có tôi ông cũng đỡ buồn. Ông đã trò chuyện, giành phần cơm, và mỗi chiều lại nổi khói ngóng đợi tôi về. Có tôi, đêm đêm gian xép nầy ấm hơn, đỡ trống trải hơn và mấy bữa tôi tới hình như trời đỡ gió. Tui ngó thấy điều đó, thấy cái nguồn vui bé mọn của ông Cổ thế là sắp mất nốt. Bảy Vàng gạt tôi mà như gạt gẫm cả ông già.


Ông Cổ lặng đi một lúc rồi chợt ngẩng lên:



- Nè, thằng Quyết sao mày không ở đây với tao? Về trên Phước-kiển thì mầy cũng đi coi trâu mà?



Tôi thấy thương tội ông già hết sức. Nhưng tôi không biết nói sao cho ông hiểu được là cái gì đang chờ tôi ở Phước-kiển. Tôi đang hy vọng và đành chịu để ông thất vọng. Phải chi không có sự hứa hẹn gì cho tôi ở Phước-kiển, tôi cũng dám ở đây luôn cùng ông.



Mới rồi, nghe chuyện đời ông muốn chảy nước mắt. Cảnh tôi tưởng đã khổ, ngờ đâu cảnh của ông lại còn quá đỗi thương tâm. Ông nói thời may ông chưa kịp hóa thành con xà-niên, nhưng tôi nghĩ sau đó, cảnh ông còn hơn con xà-niên nữa. Ông đã ngả rừng, trồng cây cao su, chung sống với bò trong bốn mươi năm. Ông làm như con vật, và bây giờ sắp chết như con vật. Gào xé gan ruột tôi là cái tiếng kêu: "Bắt được con xà-niên con rồi!". Nhức nhói trái tim tôi là cái cảnh ông già ngửi tìm hơi hướng mùi vị của buôn sóc nơi mình những con bò mà nay tôi mới biết là bò của bà con Châu-ro. Hèn chi hôm nọ, mấy bác cu-ly cạo mủ nói cứ cái mửng này thì ít lâu nữa dân Châu-ro hết sạch bò với Bảy Vàng. Mới hay họ nói đúng. Dân Châu-ro đã mất bò rồi sẽ còn bị mất thêm nữa. Bảy Vàng sẽ bán bò cũ rồi sẽ có thêm bò mới.



Chừng nào còn Ngô Đình Diệm thì bọn lính còn len lỏi vô các sóc Châu-ro miệt rừng Hắc-dịch cướp giựt bò. Và nếu không phải là tôi thì sẽ là ông Cổ, phải chăn dắt đàn bò ấy. Dẫu cho sức ông Cổ đã kiệt tới đâu đi nữa, rồi đây ngày ngày cũng vẫn phải lùa bò đi ăn, cho tới lúc nào đó ông chết giữa đàn bò thì thôi. Tôi nghĩ nếu tôi mà rời đây trở về Phước-kiển thì chắc ông Cổ sẽ chết giữa đàn bò thiệt. Tự nhiên tôi mường tượng ra một buổi chiều tất nắng, ông già Cổ nằm lại nơi bìa trảng không tài nào gượng dậy lê theo đàn bò nổi. Thế rồi những con bò Châu-ro đứng quanh sẽ nhìn ông bằng những cặp mắt ướt. Tôi hình dung từng con một sẽ cúi xuống thè lưỡi ráp nóng hấm khắp người ông. Lần lượt cho tới hết con bò cuối cùng, sau đó cả đàn bò lẳng lặng đi về chuồng trại Bảy Vàng trong bóng đêm từ từ đổ xuống.



Ông già Châu-ro đã có lúc suýt biến thành con xà-niên ấy nay như cúi gập đôi người xuống. Sau khi thốt lên lời van nài tôi ở lại, ông cứ ngồi xổm bất động. Cái đầu tóc bạc xoắn tít dường như không bao giờ cắt, to sù sụ nặng nề như ấn khổ người nhỏ thó của ông xuống chiếc áo bành tô lính đã vàng xỉn và có không biết bao nhiêu chỗ rách dược khíu vá rất thô vụng.



Việc xảy ra không giống như những điều tôi dự tính. Chẳng bao giờ tôi có thể trở về Phước-kiển được nữa. ông Cổ cũng không chết như sự hình dung của tôi.



Mấy hôm sau tôi có lên gặp Bảy Vàng để nói chuyện tôi trở về Phước-kiển. Tôi nói rằng tôi đã coi bò được tám ngày rồi. Hôm ấy vào buổi sáng sớm có cả Bảy Vàng và vợ ở nhà. Hai vợ chồng đang ăn. Vợ Bảy Vàng mặc áo hở nách ngồi xổm trên ghế xa-lông, nhồm nhoàm cạp nhai một cái đùi gà quay. Còn Bảy Vàng thì đã ăn xong, đang ngồi bên một tách cà phê bốc hơi nghi ngút.



Tôi nói đã lâu, mà hắn vẫn điềm nhiên, chậm rãi khoắng muỗng trong tá châm một điếu thuốc. Hắn nhấp nháp cà phê, chép miệng một cách khoan khoái. Bỏ mặc tôi đứng chỗ ngưỡng cửa một lúc khá lâu, bỗng thình lình hắn liệng cái muỗng đánh keng xuống đĩa, nói gọn lỏn:



- Không về trên Phước-kiển được đâu, mầy nhỏ ơi!



Rồi hắn đứng dậy, đi đến trước mặt tôi, hạ thấp giọng hẳn xuống:



- Anh Tư tao chết rồi, anh Biện Tư của tao ấy ... Tao mới được tin là trển Việt cộng nổi dậy dữ lắm. Việt cộng bắt giết anh Tư tao với một số người khác trong nhà. Bây giờ không về trển được đâu!



Tôi sửng sốt khi nghe Bảy Vàng báo cái tin đó. Vậy là Biện Tư chết rồi sao. Có lý nào tôi mới xuống đây ít bữa mà trên Phước-kiển lại xảy ra chuyện long trời lở đất như vậy. Hay Bảy Vàng lại đặt điều nói gạt để bắt giữ tôi ở đây luôn. Không, chắc Biện Tư chết thiệt rồi. Chuyện đó có thể xảy ra lắm. Nhưng sao Bảy Vàng còn bảo có một số người ở trong nhà Biện Tư cũng bị giết. Không, vụ đó tôi không tin. Chắc vụ này Bảy Vàng nói thêm, cốt dọa cho tôi sợ không dám về. Còn nếu Biện Tư đã bị đằng mình giết chết tôi còn mừng nữa chớ có can gì tới tôi. Điều đó có nghĩa là lời chú Chín nói với tôi đã xảy ra. Bà con Phước-lai đã nổi dậy. Vậy thì chú Chín hoặc anh Đấu có thể cho người đến đón tôi và chị em con Biếc. Trời, phải chi tôi có cánh bay về Phước-kiển. Phải chi hôm rồi tôi không nghe theo Bảy Vàng đi xuống đây có hơn không. Đứng tại ngưỡng cửa, bụng dạ tôi như có lửa đốt. Tôi nói với Bảy Vàng:



- Tôi phải về Phước-kiển thôi!



- Tao đã nói anh Tư tao chết rồi, chủ của mầy chết rồi, mầy về trên đó ở với ai?



- Ông Tư chết thì chết, tôi về nhà cô tôi!



Bảy Vàng chưa kịp nói thì mụ vợ bỏ cái đùi gà đang gặm xuống đĩa, bỏ chân khỏi ghế xa-lông, lạch bạch tới nói như xỉa xói vô mặt tôi:



- Thằng này nói sao, nói lại tao nghe coi mậy. Mầy nói ông Tư chết thì chết, mày cứ về à? Á, thằng nầy nói nghe ngon lành ta. Mầy ở với ông Tư, ông Tư nuôi mầy mà dám nói vậy hả?



Day về phía Bảy Vàng bây giờ đã lại ngồi xuống uống nốt tách



- Nè mình, hay là nó muốn về thì cứ cho nó về. Về trển để tụi Việt cộng mần thịt nó cho rồi?



Tôi nói:



- Tôi làm gì mà Việt cộng mần thịt tôi?



Mụ Bảy Vàng xây lại chỏi đôi cườm tay trắng múp vô hông, ré lên:



- A, thôi tao biết rồi. Hay mầy muốn về trển đặng nhập theo Việt cộng thì cứ nói phứt rồi tụi tao cho về mà nhập bọn?



Mụ nói và cười gằn, để lộ hai hàm răng khít rịt. Mụ tiếp:



- Mà chừng nào mầy về nhà cô mầy được ... Mình à, vậy chớ nó ở coi trâu cho anh Tư đã hết hạn chưa vậy hả mình?



- Đã hết đâu!



Bẩy Vàng đáp. Uống tiếp cho hết cà-phê trong tách, hắn nháy mắt ra hiệu bảo mụ vợ đừng nói nữa. Hắn đến bên, vỗ vai tôi, giọng nhỏ nhẹ:



- Nói vậy chớ bây giờ ở trên đó động lắm, thằng em mày về trển làm chi. Cứ ở đây với tao, coi bầy bò cho tao, rồi tao sắm thêm quần áo cho mà bận. Chừng nào nhắm mòi trên đó êm, tao cho mầy về luôn với cô mầy. Tao nói thiệt!



- Thôi, cứ cho tôi về trển thôi!



Bảy Vàng cuời:



- Về dễ ợt chớ có khó chi. Thằng em mầy biết đó, xe đò chạy một tiếng đồng hồ là tới, đâu có lâu la gì. Mà điều như tao đã nói, ở trên đó bây giờ lộn xộn lắm, với lại thằng em mầy nghĩ coi thằng em mày đi rồi bỏ bầy bò cho ai. Không lẽ bắt ông Hai Cổ chăn, ổng gịà rồi, lại mắc bịnh ho lao nữa. Tức nhiên không có mầy thì rồi phải tới ổng, mà như vậy cũng bằng như là giết ổng, thằng em mầy không tội nghiệp cho ông sao?



Bảy Vàng đã thôi cười. Cùng lời lẽ ấy, bộ mặt hắn đổi khác, trông rất đỗi ảo não và thương tâm. Tuồng như trong những nguyên cớ cầm giữ tôi ở lại đây còn là vì hắn nghĩ tới ông Cổ nữa. Tôi thừa biết hắn chẳng thương gì ông Cổ. Nhưng tôi không thể không nghĩ tới ông già Châu-ro đáng thương mà cuộc đời khốn khổ của ông lúc nào cũng bóp nhức trái tim tôi kể từ lúc ông kể cho tôi nghe chuyện đời ông. Sau cái đêm thổ lộ đời mình cho tôi nghe, hầu như ông nằm liệt luôn trên bộ phản, chỉ trừ hai bữa cơm ông gắng gượng thổi nấu và chiều đến thì vẫn phải đốt khói un cho bò. Ông cũng ho nhiều hơn. Cho nên tôi đã lấy làm đau đớn khổ tâm. Không phải bây giờ nghe Bảy Vàng nói mà tôi đâm khó nghĩ.



Tôi đã khó nghĩ từ mấy bữa nay. Vì nếu tôi bỏ về Phước-kiển, thì thế nào Bảy Vàng cũng lại bắt ông Cổ coi bò, dẫu ông có yếu đau bệnh tật gì đi nữa, miễn là ông chưa chết.



Trong lúc nầy, tình thương đối với ông già còm cõi sắp chết kia tràn lấn tất cả. Không nói thêm một lời với Bảy Vàng, tôi xây lưng bước khỏi nhà. Tôi định về chỗ gian xép kiếm chút.


Trong lúc nầy, tình thương đối với ông già còm cõi sắp chết kia tràn lấn tất cả. Không nói thêm một lời với Bảy Vàng, tôi xây lưng bước khỏi nhà. Tôi định về chỗ gian xép kiếm chút cơm ăn, rồi sẽ đi lùa bò. Nhưng mới ra khỏi nhà Bảy Vàng chừng mươi bước, tôi bỗng thấy một toán lính mặc đồ rằn ri từ ngoài cổng kéo vào. Cả bọn chừng một trung đội, mình mẩy lấm lem bùn đất. Trên vài bộ đồ trổ vằn da beo, thấy rây nhiều vết máu. Những tên đi sau cùng đang khiêng hai tên dường như bị thương và kè dắt tên chỉ huy mặt mày nhăn nhó. Tôi thấy Bảy Vàng chạy ra. Hắn có vẻ như biết hết mọi sự, đợi cả bọn vào hết hắn liền ra đóng kín cổng ngoài.



Tôi nghe tên chỉ huy cà nhắc tới bên Bảy Vàng nói:



- Nguy lắm rồi. Tụị Châu-ro trong sóc theo Việt cộng hết rồi!



Tên chỉ huy chỉ nói vậy, rồi lại nhăn mặt, lê cái chân cà nhắc đi tới. Hắn ngồi phịch xuống bậc thềm xi măng. Thừa lúc chộn rộn lính tráng, tôi khựng lại nghe ngóng. Bảy Vàng sai vợ rót đem ra cho tên chỉ huy một ly rượu chi đó. Tên chỉ huy uống cạn, rồi gạt cái ly sang bên nói với Bảy Vàng:



- Như mọi lần là tụi tôi tràn vô sóc nổ súng, ai bắn cứ bắn ai lùa bò cứ việc lùa bò đi. Lần này mới nhào vô chưa kịp nổ súng thì tôi bị sụp chông trước tiên. Đ.mẹ mấy thằng Châu-ro chơi ác thiệt. Tôi bị trúng chông chưa kịp rút chân lên là đã nghe tiếng ná lải bật tanh tách, rồi tên bay nghe vù vù. Trời tối như mực, biết đâu mà tránh, tôi cứ bò mọp sát đất ... May là tôi đi giầy trận, mũi chông lụi vô không sâu. Hai thằng kia thì một thằng bị sụp hầm chông tới háng, còn một thằng chết rồi. Thằng đó bị tên bắn trúng sơ sài ở cùi chỏ tay, vậy mà chạy có một đỗi thì té chết. Tôi nghi chắc bị tên thuốc ...



Bảy Vàng gật đầu



- Như vậy chắc đúng là bị tên thuốc độc rồi!



Tên chỉ huy nghe Bảy Vàng xác định, hắn hoảng quá chồm lên:



- Trời trời ... Không biết tụi nó có tẩm thuốc ở chông không? Nếu có thì bỏ bà tôi?



Bảy Vàng lắc đầu:



- Thường nó chỉ tẩm ít tên độc thôi. Tên của tụi Châu-ro mười mũi cũng chỉ có một mũi là có tẩm thuốc. Gặp thú dữ như cọp tụi nó mới xài tới. Cái chân của anh tôi bảo đảm không hề gì đâu. Bởi vì đụng chông thuốc thì anh làm gì về tới đây nổi.



- Không biết sao chớ nhức dữ quá anh Bảy?



- Thôi được, muốn chắc ăn để tôi kêu ông Hai tới coi. Ổng là dân Châu-ro, coi qua một cái là biết thôi ...



- Vậy hả, vậy anh Bảy kêu ổng tới coi dùm tôi lẹ lẹ đi!



Bảy Vàng bước ra, gặp tôi, hắn bảo:



- Mầy xuống kêu ông Hai lên đây cho tao, Quyết!



Tôi chạy xuống kêu ông Cổ. Tôi nói:



- Không biết hồi hôm lính tráng nó đi đâu vô sóc, bị chết bị thương kéo về đây. Ông Bảy Vàng kêu ông lên hỏi gì đó.



Tôi cùng theo ông Cổ lên nhà. Tên chỉ huy đã trụt giầy ra khỏi chân. Hắn dơ cái bàn chân bị chông đâm ra. Mũi chông đã được nhổ, để lại một lỗ sâu hút rỉ máu giữa gan bàn chân. Bảy Vàng ngoắc ông Cổ lại, trỏ bàn chân tên chỉ huy:



- Ông thiếu úy đây đi vô sóc bị đạp chông. Ông Hai à, ông coi vết thương này có phải là bị chông tầm thuốc độc không?



Ông Cổ nghe nói thì lừ lừ dưa mắt ngó tên thiếu úy. Hình như đối với tên này, ông Cổ không lạ. Có lẽ nhiều lần hắn đã tới đây, dắt theo bò cướp ở các sóc Châu-ro, đem đến cho ông những nỗi đau lòng. Tôi nghe ông nói bọn nầy bao giờ cũng đi xuôi về lọt. Thế mà hôm nay chúng không được một con bò nào về, lại còn bị đánh khỏi sóc. Sự việc trái ngược ấy làm cho ông Cổ ngạc nhiên. Ông chăm chú nhìn vết thương nơi gan bàn chân tên thiếu úy, mắt mở trố ra, đầy vẻ kinh ngạc như lần đầu tiên ông trông thấy một điều kỳ dị. Vết thương đó đối với ông quả là một sự bất ngờ. Vết thương đó báo tin với ông rằng buôn sóc Châu-ro đã đánh trả bọn cướp bò, không cho chúng lùa bò đi một cách dễ dàng như trước nữa.



Vẫn với cái dáng của một người quen nhẫn nhục, ông già day lại cóm róm nói với Bảy Vàng:



- Thưa cậu Bảy, chỗ bị chông xốc nầy không có sao đâu. Cây chông đó không có ngâm thuốc đâu!



Nhưng khác với mọi khi, ông còn hỏi:



- Có ai bị nữa không, để tôi coi thử?



- Có, còn một người nữa.



Bảy Vàng dắt ông sang thềm nhà bên hông. Hắn trỏ tên lính nằm rên rỉ trên cái áo mưa:



- Người nầy bị thương ở háng!



Ông Cổ cúi xem, rồi cũng nói:



- Thưa cậu, chỗ xốc chông này nặng hơn, mà cũng không phải bị chông thuốc đâu!



Sau cùng, Bảy Vàng trỏ tên lính phủ vải bạt nằm ở cuối thềm:



- Người kia thì chết rồi, nghe nói bị tên bắn ...



Ông Cổ dở tấm vải bạt. Mùi hôi thối từ cái thây tên lính chết xông hắt lên, khiến ông Cổ phải buông tấm vải bạt ngay xuống. Ông không xem nữa mà nói:



- Thưa cậu, người nầy bị tên thuốc bắn rồi đó cậu. Con thú dữ như con cọp con beo bị trúng tên thuốc còn ngã tại chỗ chớ đừng nói chi người ta. Mà thứ nầy mau thúi lắm, cậu biểu mấy ông lo chôn liền đi, để đó lát nữa thúi chịu không nổi đâu!




--------------------------------

1 Một loại dao.

2 Một loại con nhỏ như con mạt, cắn rất ngứa.
Đứa con của đất
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
Chương 35
Chương 36