watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đứa con của đất-Chương 2 - tác giả Anh Đức Anh Đức

Anh Đức

Chương 2

Tác giả: Anh Đức

H ai hôm sau, cô Tám tôi ngoài Phước-kiển vào. Cô Tám tôi trạc ngót bốn mươi, vẻ mặt hiển lành và sự khổ cực lộ ra trên khuôn mặt áng chừng còn vượt quá số tuổi. Quần áo cô mặc trên người đầy những miếng vá.



Gặp chị em tôi ở nhà dì Sáu Xích, nước mắt cô chảy ròng ròng. Cô ôm lấy hai chị em tôi mà khóc, rồi nghẹn nói:



- Dì Sáu à, được dì nhắn tin tôi mới biết ... Bữa nay tôi vô đây đón hai đứa nó về ngoài tôi. Thiệt tôi đâu có dè ba má tụi nó bỏ tụi nó mà đi sớm như vầy ...



Nói chưa dứt câu, cô Tám tôi đã khóc lịm. Dì Sáu Xích đợi cho cô nguôi nguôi chút ít rồi mới thong thả



- Cái quân ác nhơn thất đức nó sát hại chú thím Năm, tôi tính rồi đây Phật Trời cũng không dung nó. Còn bây giờ, sự đã dĩ lỡ, thôi cô Tám đừng khóc nữa. Với lại dẫu sao chú thím nó cũng được cô bác đặt nằm ở nơi cao ráo. Tôi nhắn cô vô đây là để bàn tính coi sao. Tôi thì tính lãnh nuôi con Hòa. Không phải riêng tôi nuôi, mà bà con cả xã nuôi. Còn thằng Quyết thì để nó về ở với cô trên Phước-kiển. Không biết ý của cô thế nào?



Cô Tám tôi nghe nói thì lặng thinh, nước mắt lại rơm rớm. Cô nói:



- Tôi đội ơn cô bác ở đây nhiều lắm ... Thiệt ra tôi xuống đây là tính đón hai chị em nó về. Dì Sáu ơi, ba má nó mất đi, tụi nó chỉ còn có tôi là ruột thịt ... Dẫu có nghèo cách gì, tôi cũng không thể làm ngơ cho được ...



- Cô Tám nói phải ... Ngặt cô bác ở đây có bàn soạn rồi, cô bác thấu hiểu hoàn cảnh của cô. Ngày trước, chú Tám đi đánh Tây đã vị quốc vong thân, vậy mà thằng Biện Tư nó còn đo� mấy công đất của cô chú. Cô lo nuôi một đứa đã mệt, giờ lãnh thêm tới hai đứa tôi e hơi khẳm. Hồi hôm này tôi có nhóng hỏi thử, con Hòa nó cũng ưng chịu. Tội nghiệp, con nhỏ nó có ý muốn nhơn tiện coi sóc dẫy cỏ mả ba má nó. Con nhỏ thiệt có hiếu ...



Cô Tám tôi nghe lời bày tỏ của dì Sáu Xích thì ngồi lặng im, lát sau mới thốt:



- Thiệt tôi đội ơn dì Sáu với bà con ở đây biết để đâu cho hết!



- Ơn nghĩa gì cô Tám ... Thôi, cứ vậy nghen. à, mà cô Tám tính chừng nào thì trở về trển?



- Dạ tôi đi thăm mả anh chị tôi rồi chừng xế xế thì tôi về.



- Được, để rồi tôi đưa thím ra ngoài mả.



Trưa đó, sau khi đi thăm mả ba má tôi, cô Tám và dì Sáu về nói có gặp con Phèn nằm ngoài đó. Mới thoáng thấy hai người, con Phèn đã bỏ chạy, kêu mấy nó cũng không quay đầu lại. Tôi nghe thế liền bật ngay dậy, chạy u ra gò mả. Ra đến nơi, tôi chẳng thấy con Phèn đâu cả.



Tôi bèn sục sạo khắp lùm bụi, tặc lưỡi gọi mãi mà cũng không nghe con Phèn hực. Hổi giờ chưa hề có chuyện như vậy. Cuối cùng tôi thất vọng lui thủi ra về. Tôi biết chỉ một chốc nữa tôi phải ra đi, mà nếu không có con Phèn cùng theo thì thiệt là đau lòng. Bởi vì nếu như vậy thì tôi đâu còn có gì. Không có cái gì ở đây cùng đi với tôi đến Phước-kiển cả. Con Phèn, ôi, con chó già sắp rụng răng đó đã có mặt trong cái chòi này trước cả tôi nữa kia. Con chó ấy đã cùng ba má tôi xẻ chia bao nỗi khổ cực đắng cay. Nghe má tôi kể, trong cái năm má tôi về sống với ba tôi, con Phèn bấy giờ là một con chó nhỏ, ốm nhong. Ngoài con Phèn thì trong chòi ba tôi lúc ấy chẳng có gì đáng giá. Có lần con Phèn đã suýt bị ba tôi bán đi để kiếm chút tiền chạy thuốc cho chị Hòa tôi bị lên ban nóng. Nhưng lúc ba tôi trói con Phèn thì con Phèn chảy nước mắt. Nó không vùng vẫy để chạy, mà cứ yên chịu cho ba tôi trói. Khi vòng dây càng thít chặt, nước mắt con Phèn vụt chảy tuôn tuôn. Đến nỗi má tôi oà khóc theo, rồi la lên thét bảo ba tôi cởi trói, và đổi ý khăng khăng không chịu bán con Phèn nữa.



Trời xế chiều thì cô Tám giục tôi sửa soạn lên đường. Chị Hòa trì níu, ôm tôi khóc mùi. Tánh tôi gan lì mà nước mắt cũng phải rưng rưng. Lâu nay, chị em tôi gần gũi nhau, có miếng gì ngon chị Hòa cũng nhường cho tôi, có bực gì chị cũng nhịn tôi. Bây giờ tôi ra đi một mình, còn chị Hòa ở lại, tôi nghĩ thương chị quá. Chị Hòa lớn hơn tôi hai tuổi, nhưng gầy gò, đen xạm, chỉ có đôi mắt là to. Bây giờ đôi mắt chị lại càng to hơn nữa, và ngập đầy nước mắt. Chừng như chị rất muốn nói gì đó với tôi, nhưng không thốt nên lời, cứ cầm chặt tay tôi có vẻ như sợ lần này mất nốt cả tôi vậy.



Trước khi đi, dì Sáu Xích dắt cô Tám ghé qua nhà tôi để coi còn có thứ gì đem theo được không. Nhưng đâu có cái gì đáng giá, ngoài con gà mái đang ấp, hũ gạo đã cạn với cái lu chứa nước uống. Cô Tám tôi đều giao hết mấy thứ đó cho dì Sáu. Con gà mái và cái lu, ấy là cái gia sản duy nhứt mà cô tôi đưa kèm khi chị Hòa ở lại đây.



Tôi đứng nơi sân, ngó cái nhà trân trối. Cho dù ở làng Phước-lai, nhà tôi là loại nhà đá 1, nhỏ hẹp và nghèo nàn nhứt, nhưng trong giờ phút này cái nhà ấy làm cho bụng dạ tôi chết điếng. Ngày thường, sao cái nhà đối với tôi cũng là thường. Vậy mà nay mỗi cái gì thuộc về túp nhà ấy cũng đều gây nên sự xao xuyến giữa lòng tôi. Trái tim tôi se thắt khi tôi nhìn cái ly nước màu da lươn quen thuộc trên miệng có đặt chiếc gáo múc nước vì quá lâu ngày nên lớm rớm rêu xanh. Kia là bức vách đất đắp đã bệch màu bởi năm tháng. Rồi thì những cọng rơm xước trên mái nhà run rẩy trước hơi bấc lùa về.



Chỉ với những cái đó thôi cũng đủ khiến cổ họng tôi nghẹn lại. Trong giây phút cuối cùng, tôi vẫn thấp thỏm ngóng đợi con Phèn. Nhưng tôi vẫn không thấy con Phèn đâu.



Trời đã nhạt nắng. Thế là tôi đành phải theo cô Tám tôi đi về Phước-kiển. Chị Hòa chạy theo sau lưng, miệng cứ gọi:



- Quyết ơi! Quyết ơi!



Chị đi theo miết ra tận ven đồng. Nếu không có dì Sáu Xích ra giữ lại, chắc chị cũng chưa chịu rời tôi.



Làng Phước-kiển, ôi cái tên làng nghe sao mà xa vời vợi. Tôi chỉ có nghe tên làng ấy, chớ chưa đến đó bao giờ. Ngay như con của cô Tám là thằng Cồ, tôi cũng chưa biết mặt. Ba má tôi thì có lên Phước-kiển vài lần.



Nghe nói trên đó cũng có ruộng có sông như ở Phước- lai, nhưng lại còn có rừng, và nhà cô tôi ở



Hai cô cháu tôi băng qua hết cánh đồng thuộc Phước lai thì trời tắt nắng. Chim trao trảo, chim áo già, chim dòng dọc bay về từng bầy đông nghịt. Tôi bây giờ chẳng buồn ngó tới chim, mặc dù xưa nay kêu chim là nghề của tôi, hễ tôi muốn kêu giống chim nào là nó đều kéo tới hết. Cô Tám tôi tất tả đi trước, tôi ôm bọc áo quần theo sau. Hôm nay lần đầu tiên tôi ăn mặc có khá hơn. Nghĩa là ngoài cái quần xà lỏn bằng vải bồng bột vẫn mặc quanh năm suốt tháng, thì bữa nay tôi mặc thêm cái áo vải xiêm má tôi may mà bấy lâu tôi không dám mặc tới. Tôi vừa đi vừa ngoái lại nhìn. Thoạt đầu tôi còn thấy bóng dáng nhỏ bé gầy guộc của chị Hòa đứng nơi bờ ruộng. Đi một đỗi nữa, tôi quay lại thì bóng chị Hòa đã nhòa đi, và mái rơm nhà tôi chỉ còn hiện loáng thoáng sau rặng lau thưa. Thế rồi không lâu sau, cả chị Hòa cùng mái nhà tôi đều chẳng còn trông thấy nữa. Bóng chị tôi đã chìm khuất dưới chân đồng rạ. Túp nhà nhỏ thân yêu của tôi mất dạng dưới rặng cau xanh ngắt cuối làng. Trên những chòm cau, vài cọng khói bay lên, lơ lửng.



Cánh đồng mới gặt phơi đầy những gốc rạ trải dài từ ven đồng Phước-lai tới chỗ tôi đang đi bỗng mát dịu hẳn xuống. Khoảng cách ven đồng bây giờ đối với tôi sao mà xa xôi, nhuộm đầy vẻ ly biệt và nỗi xao xuyến xa lìa cái nơi máu mẹ cha vừa chảy khiến cho tôi cảm thấy rụng rời tới tận các đốt ngón tay. Thấy tôi cất bước không được nhậm lẹ, cô Tám ngỡ tôi mệt, bảo tôi hẵng ngồi nghỉ một chút.



Tôi ngồi bệt xuống bên gốc rạ. Trời đổ bóng tối rất nhanh. Mới đó mà giặng cây Phươc-lai đã mờ mịt, cánh đồng rạ phút chốc nhòa đi. Mấy con vạc lên đường đi ăn đêm bay ngang kêu lên những tiếng lẻ loi. Tôi ngồi cắn nhá bâu áo, nghĩ tới cái chết của ba má tôi, nghĩ tới chị Hòa.



Tim tôi nhói đau như bị kim châm khi tôi nhớ sực cái áo đang mặc là do má tôi cắc củm chắc mót từng đồng bạc để may cho tôi, mà lại may giữa lúc bụng đã mang thai.



Trời ơi, má tôi chết đi chưa kịp ăn trái bần của chị em tôi hái về. Lúc bóng đêm đổ xuống là lúc tôi nghĩ ngợi miên man, nhớ tới chuyện nào cũng thấy thương, thấy đau. Bất ngờ, tôi chợt nghe sau lưng tôi có tiếng lụi đụi.


Tôi ngoảnh lại thì nhác thấy trên khoảng đồng rạ lờ mờ trước mặt có vật gì lông lốc lăn tới. Rồi tôi nghe tiếng "hực hực". Tức thì tôi vùng đứng phắt dậy la:



- Trời! con Phèn, con Phèn nè cô Tám ơi!



Thì cũng vừa lúc ấy, con Phèn đã xổ tới quấn ngay vào chân tôi. Con chó thè lưỡi liếm chân liếm tay tôi lia lịa, kêu lên ăng ẳng. Tôi mừng quýnh, cúi xuống ôm lấy nó. Tôi và con vật quấn quýt lấy nhau. Cô Tám cũng lấy làm mừng rỡ, chặc lưỡi khen con chó khôn quá là khôn.



Cuộc gặp gỡ bất ngờ này khiến cho tôi vui lên được một phần. Có con Phèn, tôi không cảm thấy bị mất hết những gì tôi có được trong mười mấy năm tuổi nhỏ. Hai cô cháu tôi lại tiếp tục lên đường. Con Phèn bám sát gót chân tôi, kêu ư ư. Bóng tối dường như mỗi lúc một đặc sệt lại.



Hai cô cháu tôi cứ nhắm cái lối mòn thoáng hiện phía trước mặt mà đi mải miết. Thiệt lâu sau mới ngó thấy có ánh đèn nhà le lói phía trước. Cô Tám day lại bảo:



- Tới xóm rồi!



Nói là tới, vậy chớ khi tới xóm nhà có đèn đỏ, tôi còn phải theo cô Tám đi qua một cây cầu khỉ bắc ngang sông. Qua sông rồi lại vượt một cái trảng mọc đầy gai găng hết sức vất vả. Hết trảng găng, trước mặt tôi lù lù hiện ra một cánh rừng đen nghịt. Cô Tám lại bảo:



- Tới nhà rồi!



Thiệt lạ, nghe nói tới nhà mà tôi chớ có thấy nhà đâu. Tôi chỉ thấy cánh rừng giăng ngang đen sẫm đó mà thôi. Tôi bước rấn lên theo cô Tám, đi quá chừng cả công đất mới ngó thấy một cái nhà tối om om, không có đèn đuốc chi hết. Thì ra nhà ở sát bìa rừng nên lúc nãy tôi chỉ trông thấy rừng chớ không thấy nhà.



Cô Tám tôi lên tiếng gọi:



- Cồ ơi!



Không nghe tiếng trả lời. Cô tôi nói:



- Cha ... Thằng Cồ chắc còn chơi ở đằng xóm. Tối nó không dám ở nhà một mình mà ...



- Sợ ma hả cô?



Tôi hỏi.



- Không, ma cỏ gì ...



- Ở đây chắc có hả cô?



- Không có đâu!



Cô tôi đáp như gạt ngang, rồi tiến lên, sờ mó, lục đục mở cửa. Tôi ngó thấy một cánh cửa lạ đời, ken toàn bằng những cái cây lớn cỡ bắp chân. Bốn bên thì cũng là vách đất như ở nhà tôi, nhưng cánh cửa sao lại kiên cố ghê gớm quá. Thôi rồi rồi, chắc là ở đây có cọp rồi. Tôi nghĩ tại cô tôi dấu tôi đấy thôi. Chớ có rừng thì làm gì không có cọp. Được, đề gặp thằng Cồ, tôi sẽ gặng hỏi cho ra mới thôi. Vừa lúc cô tôi đẩy cánh cửa, tôi với con Phèn luồn theo cô tôi vào trong nhà. Cô tôi sờ soạng, bật lửa.



Cái đèn bánh ú được thắp, dọi ánh sáng vàng mù. Tôi đảo mắt nhìn gian nhà mà từ nay tôi sẽ ở. Cái nhà không rộng gì hơn nhà tôi ở Phước-lai. Trong nhà thứ gì cũng đều làm bằng cây rừng để nguyên vỏ sù sì, từ cột kèo rui mè, từ giàn bếp tới bộ vạt ngủ lót cây con ken bện lại. Thứ chi coi cũng khác dưới nhà tôi, coi có bề chắc chắn và gồ ghề. Đất nền nhà thì nổi cục nổi u chớ không phẳng, báo hại tôi không quen cứ khập khễnh bước thấp bước cao. Con Phèn cũng ngơ ngác đi quanh, hết vào rồi lại ra.



Cô Tám lục lọi đem ra một rá khoai lang luộc, kêu tôi ăn kẻo đói. Tôi đến ngồi ở mép bộ vạt, bốc khoai ăn nghiến ngấu. Hôm nay tôi chỉ ăn có bữa sáng, lại đi đường xa, nên đói bụng. Tôi vừa ăn vừa liệng vỏ khoai cho con Phèn. Con chó nghếch mõm táp không để một cái vỏ khoai nào rớt xuống đất. Nó cũng đang đói.



Chợt bên ngoài có tiếng chân ai thình thịch. Thằng Cồ đã về chạy a vô nhà la lớn:



- Má về rồi hả má?



- Ờ ... Có anh Quyết con mợ Năm mày về nữa đây nè!



Thằng Cồ reo: "Anh Quyết" rồi nhào tới ôm lấy tôi không chút bỡ ngỡ. Nhác thấy con Phèn, nó lại kêu lên



- Ủa, có con chó nữa?



- Con chó của anh Quyết mày dắt về đó!



Ngay phút đầu tiên, tôi đã thấy mến thằng Cồ. Thằng nhỏ mới chín tuổi, coi thiệt dễ thương. Nó cứ ôm ngang eo ếch tôi, ngẩng mặt lên dòm tôi mà cười hoài. Nó chưa hề gặp tôi, nhưng coi tuồng như nó đã quen với tôi từ lâu rồi. Thành ra đang lúc buồn bã, tôi cũng thấy dịu bớt nỗi buồn. Bụng dạ tôi bây giờ không đến nỗi rã rời như lúc lên đường về đây nữa. Tối đó tôi với thằng Cồ ngủ chung trên bộ vạt. Một cảnh sống khác đã đến với tôi, bắt đầu từ cái đêm hôm ấy, cái đêm ngủ lạ chỗ khiến tôi cứ hay thức giấc, mà mỗi lần thức giấc là lại nghe thấy mùi khét nắng từ đầu tóc xơ rơ của thằng Cồ, và tôi cứ day trở luôn vì bộ vạt lót bằng cây rừng cồm cộm cấn dưới lưng.





--------------------------------

1 Tiếng gọi chua chát, chỉ những cái nhà của cố nông, đá một cái là sập.
Đứa con của đất
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
Chương 35
Chương 36