watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đứa con của đất-Chương 29 - tác giả Anh Đức Anh Đức

Anh Đức

Chương 29

Tác giả: Anh Đức

N ăm nay mùa mưa đến sớm. Mới bước sang tháng tư những con ve và những con mò mùa khô còn bám đầy cả mình mẩy chúng tôi mà cắn làm hết sức ngứa ngáy thì mấy trận mưa đầu mùa đã đổ xuống như trút trong rừng Hắc-dịch. ấy là bây giờ còn lúc mưa chiều sớm tạnh chớ chưa tới tháng mưa dầm. Như buổi sớm hôm nay tôi cùng khẩu đội ra suối mò cá thì rừng đầy nắng, nhưng vào buổi chiều lúc tôi đi gác thì trời đã âm âm u u. Tôi còn đang trên đường đi tới chỗ gác, bỗng rừng bắt đầu dậy gió. Từ cái cây nhỏ như cây tài nghé cho đến cái cây lớn như cây cầy trong phút chốc đều lả lay, nghiêng ngả. Lá rừng bay vẫy như chim, rồi mưa rắc hạt. Tôi tới điểm gác thay cho Cần. Điểm gác nằm trên một triền đồi có dốc thoai thoải đổ xuống con đường mòn bên dưới. Tôi cầm lấy khẩu AK của Cần giao lại, ngồi xuống một tảng đá. Loại súng AK này đơn vị tôi mới được trang bị, nhưng chưa đủ. Đại đội ưu tiên phân về khẩu đội tôi một cây. Tôi ngồi mân mê coi cây AK thì mưa lọt vào cổ áo. Nhưng thấy trời còn mưa lâm râm chớ chưa mưa to, tôi không vội lấy tấm ni-lông bên thắt lưng ta che. ở rừng, tôi thích mùa nắng hơn. Mùa nắng là mùa có nhiều quả rừng và vui hơn. Mùa mưa thì buồn.



Giá không có đông anh em, giá phải ở rừng một mình giữ kho hoặc coi cứ thì chắc tôi buồn chết đi được. Từ sau trận đánh vào trung tâm chiêu hồi, rồi tiếp sau đó là trận Đá Giăng, tiểu đoàn tôi trở về rừng tính tới bữa nay đã được năm hôm. Nghe nói nhiều lắm là một tuần nữa, chúng tôi lại về đồng bằng, và lần này rất có thể về Đất Đỏ. Tôi cũng như anh em trông riết rời rừng cho sớm, trước lúc mưa già.



Mưa vẫn lâm râm rơi đều, nhưng vẫn chưa to hạt hơn. Rừng dần dần tối sầm lại, mặc dù chưa đến bốn giờ. Trời bắt đầu gầm gừ. Trên ngọn rừng, ánh chớp ì nhằng lóe dậy. Đoán trời sẽ mưa to, tôi rút tấm ni-lông ra. Mới vừa hất tung ni-lông định che người và súng thì trời lại chớp. Trong ánh sáng của làn chớp ấy, tôi bỗng giựt mình nhìn thấy như có bóng người đang từ dưới con đường đi lên dốc đồi. Đang lúc chưa tin chắc ở mắt mình, thì tiếp đó trời lại lóe sáng. Lần này, tôi trông thấy rõ ràng có một người đang đi lên dốc thật. Tôi cầm chặt khẩu AK, định thần nhìn kỹ. Bóng người vẫn cứ đi lên. Nhờ tia chớp liên tục, tôi nhìn thấy khá rõ đó là một người hầu như trần truồng. Tóc người đó xõa quá vai, tay người đó cầm vật gì giống như một con dao. Trên tấm thân con người kỳ lạ kìa, ngoài một túm lá che ở phần dưới, chỉ có thêm một sợi giây buộc ngang thắt lưng nữa mà thôi. Giặc thì chắc không phải rồi. Mặc dù gần đây, đơn vị tôi có được thông báo trinh sát phát hiện thấy nhiều dấu giầy của biệt kích Mỹ. Nhưng Mỹ gì lại thế kia. Còn nếu đây là một người dân Châu-ro, Châu-mạ thì càng không có lý, vì các sóc của bà con dân tộc ở cách đây rất xa. Bỗng dưng tôi nổi gai ốc khắp người. Thế rồi, phản ứng một cách tự nhiên, tôi đứng bật dậy, chĩa súng thét lớn:



- Ai, đứng lại!



Bóng người đang đi chợt dừng sững rồi vụt quay đầu bỏ chạy. Tôi bóp cò bắn bổng luôn ba phát. Người đó vẫn chạy, tóc bay xõa. Tôi lập tức xách súng rượt theo.



Nhưng muộn rồi, chỉ loáng sau, người đó đã lẩn biến vô rừng. Trước mắt tôi không còn tăm hơi bóng người lạ lùng ấy nữa. Chỉ còn lại tứ bề là rừng đang rập vã lá cành dưới cơn mưa ngày một lớn. Tôi đành quay lại.



Dọc đường tôi nhìn thấy trên lối cát còn in những dấu chân mới nguyên. Dấu những bàn chân này lún xuống cát coi cũng như bàn chân người thường nhưng hơi rộng bè ra.



Chiều tối về đến nhà, tôi đem chuyện này kể lại với anh em. Trong trung đội 1, có anh Krô là một chiến sĩ người Châu-ro nghe chuyện thì nhíu mày đăm đăm một chốc rồi thốt:



- Tui nghi là xà-niên!



Anh bảo tôi thuật lại tỉ mỉ lần nữa. Nghe xong, Krô vỗ đùi đánh đét kêu lên:



- Thôi đúng là xà-niên rồi!



- Sao biết chắc là



- Tui có ngó thấy xà-niên mà. Tóc con xà-niên lâu ngày không hớt ra dài xõa lưng vậy đó. Xà-niên không có quần áo như mình đâu, chỉ có khố bằng lá cây thôi. Còn cái sợi giây buộc ngang lưng xà-niên là cái gì các đồng chí có biết không? Sợi giây lưng quân còn sót lại đó. Hồi còn ở sóc, tui nghe người già nói xà-niên cũng là người, họ bị lạc hoặc trốn vô rừng không biết đường về. Lâu ngày quần áo họ rách tơi hết, chỉ còn lại sợi giây lưng quần đó. Bây giờ họ đóng khố vỏ cây lá cây chớ cứ để hoài sợi giây lưng ...



Dừng lại, trầm ngâm một chút, anh Krô đưa tay chỉ bao quát ra ngoài rừng:



- Ở vạt rừng này chắc có xà-niên. Đêm trước tui nghe có mấy tiếng hú thiệt xa ...



Nghe anh Kia nói, tôi chợt nhớ dường như tôi cũng có nghe tiếng hú trong một phiên gác đêm hôm trước. Nhưng lúc bấy giờ tôi không chú ý, vả lại cái tiếng hú đó nghe xa lắm, nghe nửa vời, như có như không. Nay nghe anh Krô nói, tôi mới ngờ ngợ nhớ lại.



Sau cuộc hội ý của khẩu đội, đến giờ ngủ tôi lên võng nằm nghĩ ngợi hoài không ngủ được. Trận mưa ban chiều kéo dài tới giờ vẫn chưa ngớt hẳn. Nằm nghe mưa rơi tí tách lên nóc tăng ni-lông, tôi lại nghĩ tới chuyện xà- niên. Nếu đúng như lời anh Krô, thì con xà-niên bị tôi rượt hồi chiều đó bây giờ đã chạy đến đâu, trú lại ở đâu? Cũng có thể vì quá sợ hãi, cái con người đã biến thành xà-niên ấy không biết chừng hiện hãy còn đang lang thang chạy ở giữa rừng cũng nên. Hoặc nếu như nó có thể trú, thì chỗ trú ấy liệu có thể che mưa được không. Tự nhiên tôi mường tưởng ngó thấy một cái chòi lợp bằng lá mây, cái chòi của cha con ông Cổ mà ông Cổ đã kể cho tới nghe. Tội nghiệp biết chừng nào cái cảnh hai cha con ôm chặt lấy nhau trong những đêm mưa rừng đổ trút xuống cái chòi mong manh kia. Thảm thương thay cho người cha ấy, rốt cuộc bị một phát đạn xô ngã té xấp xuống. Tôi nghĩ rằng tôi không thể nào bắn ra được một phát đạn như vậy. Chính vì vậy mà hồi chiều tôi đã nghếch nòng súng lên trời. Chớ nếu đành bắn ắt hẳn tôi đã bắn chết người nọ tại triền dốc rồi. Tôi bỗng muốn đi kiếm anh Đấu để hỏi anh rằng tạỉ sao mình không đem xà-niên trở về, tại sao mình không tìm cách đưa họ từ con xà-niên trở lại thành con người như mình.



Cái ý nghĩ đó như một tia sáng lóe dậy trong đầu tôi, và tôi cứ miên man nghĩ ngợi quanh ý tưởng định giải thoát cho những con người bất hạnh nay đã biến thành những con thú ấy. Giữa tâm can tôi bây giờ đang bùng lên một ngọn lửa, mỗi lúc một thêm nóng nảy, giục giã.



Thế rồi tôi trỗi dậy, nhảy xuống võng. Nhưng tôi không đi lại chỗ anh Đấu mà đi lay võng của Lắm, Khởi và Cần. Cả ba đứa đều hãy còn thức. Tôi nhắc câu chuyện hồi chiều, nói ra ý định của tôi:



- Tao tính như vầy ... Ngày mai còn nghỉ quân ở đây, tụi mình sục sạo thử coi. Theo như anh Krô nói thì ở vạt rừng nầy chắc chắn có xà-niên. Nếu gặp, tụi mình ráng bắt sống một hoặc hai con đem về. Tao tin là mình đem xà-niên về gởi trong sóc ít lâu, thế nào xà-niên cũng dần dần trở thành người ...


Lắm hăng hái:



- Ừ, đâu mình cứ đi thử coi. Lâu nay tao cũng có nghe nói mà chưa biết ra sao!



Khởi hỏi:



- Có phải báo cáo cho mấy ảnh không?



Tôi gạt:



- Khỏi, mình đi vụ này như đi bẻ măng mò cá thôi mà, có gì đâu! Mình sẽ đem khẩu AK theo. Ba đứa đi thôi. Tao, thằng Lắm, thằng Khởi, còn thằng Cần ở nhà coi súng, coi đồ đạc ...



- Tôi cũng muốn đi quá. Cần tha thiết bảo.



- Thôi thằng Cần ở nhà, phải có một đứa ở nhà chớ đâu đi hết được!



Mấy đứa tôi ngồi bàn bạc tính toán mãi một lúc nữa mới trở lên võng. Lên nằm trên võng rồi, một lát tôi còn ngóc đầu dậy đưa thêm ý kiến là nhất thiết phải đem giây dù theo, để có bắt được xà-niên thì trói, chớ mặc dù có súng, xà-niên nó vẫn cứ chạy nhào. Ý kiến đó của tôi được Lắm và Khởi tán thành. Đêm hôm đó, tôi ngủ thiếp đi với nỗi hào hứng khấp khởi, với cái ý định nhiệt thành bùng cháy sáng rực trong lòng.



Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy rất sớm. Mưa đã dứt hạt từ khuya. Tuy trận mưa đêm còn đẫm ướt lá rừng, nhưng bình minh đã chiếu ánh nắng lên những chiếc lá ướt nước đó, lóng lánh báo hiệu ít ra cũng có được hơn nửa ngày tạnh ráo.



Ăn cơm xong, chúng tôi đem theo cơm vắt và đổ nước đầy bi-đô rồi đi ngay. Ra khỏi khu vực đóng quân tôi trỏ con đường mòn dưới chân đồi nói:



- Mình cứ đi theo đường một đỗi rồi cắt qua tay phải. Chiều hôm qua, xà-niên chạy theo lối này, mà mấy đêm hôm trước tao nghe cái tiếng hú cũng từ hướng này vọng lại.



Trận mưa đêm đã xóa mất dấu chân người rừng chiều qua in trên lối cát. Đôi quãng, tôi thấy có dấu chân nai đi cặp đường, và một bầy heo vượt qua để lại những dấu chân heo lún sâu xuống cát. ở rừng, tôi thấy thường là thế. Lúc mưa hơi ngớt, ấy là lúc thú đi kiếm mồi đông đảo hơn bất cứ lúc nào. Con heo rừng hoặc con nhím đi bươi bật các thứ củ rễ cũng dễ dàng hơn, bởi đất đã được mưa làm cho mềm xốp. Con thú lớn đi tầm con thú nhỏ. Vì vậy nên mưa ngớt là lúc thú rừng dễ kiếm sống, nhưng cũng lại là lúc chúng dễ dàng chuốc lấy cái chết. Kìa kìa là dấu chân cheo, con vật nhỏ bé đáng thương suốt đời chỉ trông cậy ở đôi chân chạy lẹ để thoát khỏi nanh vuốt của cọp, của rắn hổ mây. Tôi ngó thấy hình như là cả một cặp vợ chồng cheo mới chạy qua, để lại trên lối cát những móng chẻ đôi gọn sắc, coi hệt những móng nai thu nhỏ lại. Đi theo con đường mòn một chốc, tôi ra hiệu cho Lắm và Khởi dừng lại. Đây là chỗ mà chiều qua, người xà-niên đã lẩn mất. Tôi đi đi lại lại xem xét kỹ quãng này. Sau rốt tôi thấy ở một bìa đường có vẻ khang khác. Những bụi cây nhỏ ở đây bị dẫm đạp, vẹt ra một lối nhỏ. Tôi đưa tay ngoắc Lắm và Khởi lại. Chúng tôi theo dấu đó, bắt đầu luồn rừng. Nhưng chúng tôi bươn đi một quãng thì không còn dấu vết gì nữa. Bỗng liền đó, Khởi phát hiện có một nhánh cây xương cá bị rập gẫy. Tôi xem chỗ gẫy, thấy dấu còn mới. Thế là chúng tôi lại tiếp tục lủi tới. Chỉ một lát sau, chúng tôi lại thấy hiện ra những bụi cỏ và cây con bị dẫm. Cứ thế, chứng tôi phăng theo. Cả tiếng đồng hồ, chúng tôi phải lần mò, khi mất dấu, khi thì tìm lại được, mãi cho đến lúc chúng tôi nhác thấy rừng trước mặt chợt trống sáng. Rừng thưa dần. Thì ra đó là trảng. Một cái trảng không lớn lắm, mọc đầy cỏ khấu, cỏ chỉ và những cây sâm đất nở hoa giống như những nụ hồng. Một con đường không mòn lắm nằm vắt ngang qua trảng. Chúng tôi đứng sựng nhìn cái trảng không biết có nên theo con đường mòn xuyên trảng kia không, vì vừa đến đây thì dấu chân cũng biến mất.



Dừng một lúc, tôi quay trở lai đoạn đường vừa đi. Đó là tôi vừa sực nhớ lại lời chị Tám Mây. Hồi còn ở trạm giao liên, chị Tám có lần dặn tôi nếu khi nào cảm thấy lạc lối thì điều tốt hơn hết là không nên tiếp tục đi tới mà nên quay lại lối cũ, rà coi, rồi hẵng đi. Trong trường hợp nầy tuy có khác hơn, vì đây là lối tôi chưa từng đặt chân tới, nhưng việc coi kỹ lại dấu cũ vẫn có hy vọng xác định được người xà-niên về hướng nào. Quả nhiên, sau khi cúi nhìn cẩn thận tại mí đường mất dạng dấu chân, tôi đã nhận thấy sở dĩ dấu chân mất hẳn là vì tại đó đã tiếp giáp với cát. Nếu có dấu chân thì mưa cũng đã xóa đi rồi. Lúc tôi trở về chỗ bìa trảng giáp với con đường mòn đi qua trảng, tôi chợt nhìn thấy một mảnh lá chuối rừng. Mảnh lá chuối nầy đã héo quăn lại. Tôi nhặt mảnh lá chuối đưa cho Lắm và Khởi coi, rồi nói:



- Mình băng qua trảng thôi. Tao chắc là họ cũng băng qua trảng bằng con đường mòn này! Họ làm rớt chuối đây nè!



Lắm bàn:



- Đồng ý qua trảng, nhưng đừng đi đường đó. Đi giữa trảng trống dễ lộ lưng lắm, cứ cặp bìa rừng mà đi qua mối đường bên kia, có vòng một chút nhưng bảo đảm ...



- Ừ, phải đó!



Chúng tôi liền đi bọc theo bìa trảng. Chừng mươi phút sau, chúng tôi đã tới mí tráng bên kia, chỗ con đường mòn chấm tới. Quả nhiên, tại đây chúng tôi tìm thấy lại dấu chân đã mất. Dấu chân đó giờ xuất hiện trên những tảng đá đóng rêu cặp theo bờ một con suối đang ào ào chảy. Con suối này có lẽ bị cạn vào cuối tháng ráo, nay bắt đầu có nước, nhờ những trận mưa đầu mùa. Chúng tôi nhảy trên những tảng đá lớm rớm rêu xanh, đi ngược dòng suối. Dấu chân trên rêu đi tới chừng nửa tiếng đồng hồ thì đột nhiên rẽ chếch lên, rồi bỏ suối. Lên quá khỏi bờ suối một chốc, chúng tôi lọt vào một cánh rừng lười ươi ... Trái lười ươi rụng đầy dưới gốc.



Trận mưa hồi đêm làm cho trái lười ươi nở lè ra, nhầy nhợt. Tôi cúi xuống vốc lên một vốc lười ươi, gạt bỏ vỏ rồi cho vào miệng ăn. Lắm và Khởi cũng ăn theo.



Trái lười ươi mát rượi khiến tôi thấy rất đã khát. Giữa lúc cả ba chúng tôi đang lúm xúm ăn lười ươi thì chợt từ đâu vẳng tới tiếng gì như tiếng khóc. Tôi liệng nhúm lười ươi còn lại, ra hiệu cho Lắm và Khởi chú ý lắng nghe. Lắm lào thào:


- In như có tiếng cơn nít khóc!



- Ờ tao cũng nghe vậy! Tôi nói và khoác tay, hạ thấp giọng:



- Đi lại đó đi đi cho thiệt êm



Ba đứa chúng tôi rón rén tiến về phía có tiếng khóc. Chúng tôi đi quá khỏi cánh rừng lười ươi, tới một vùng mọc nhiều cây trâm sắn phơi thân đỏ sẫm. Tiếng con nít khóc nghe đã rõ, mỗi lúc một gần hơn. Và khi tiếng oa oa của đứa trẻ vẳng lên rõ mồn một thì chúng tôi bỗng nghe còn có tiếng nói rú rí. Tôi liền đứng lại, dơ tay ra dấu bảo Lắm và Khởi bước thiệt nhẹ chân. Khi chúng tôi bước rấn lên thêm mấy bước nữa, thì chúng tôi chợt nhìn thấy ở ngay trước mặt mình hiện ra một cái chòi thấp lợp lá chuối rừng rủ xuống. Bị một cành cây xòa phủ, tôi chưa nhìn thấy trong chòi có gì. Nhưng khi ngồi thụp xuống, tôi vô cùng kinh ngạc suýt bật lên tiếng kêu. Trong chòi đang có hai người mà không giống hẳn như người. Cả hai đều trần truồng hệt như người mà tôi gặp chiều hôm qua. Tóc họ xõa dài, vàng khè và rối đanh lại. Có cái khiến tôi phân biệt ngay ra được, đó là một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn bà có bầu vú căng đang bế đứa nhỏ đong đưa, dỗ dành. Tôi không còn nghi ngờ gì nữa, tin đó đúng là xà-niên. Một cặp vợ chồng xà-niên, với một đứa con, chắc là mới đẻ không lâu. Lắm và Khởi cùng đều trố mắt sửng sốt như tôi. Thiệt là từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ chúng tôi nhìn thấy cái cảnh lạ lùng như vậy. Chợt Khởi mở khóa súng. Có lẽ Khởi sợ và đó là một động tác rất bản năng của Khởi. Tôi vội vàng đưa tay đè nhẹ nòng khẩu AK trong tay Khởi xuống, lắc đầu ngăn Khởi tuyệt đối không được bắn. Hình như Khởi cũng không hề có ý định bắn. Kỳ thiệt, chúng tôi không thể nào bắn cho được. Thoạt đầu tôi thấy lạ lùng, nhưng rồi liền đó thấy trào lên giữa lòng mình cả một niềm trắc ẩn thương tâm. Cặp xà-niên không có gì che thân kia đang dỗ con, và đứa con đang oa oa khóc ấy cũng trần trụi nốt. Bỗng dưng, tôi thấy mắt mình cay xốn khó chịu. Tôi hầu như quên cả việc đốc thúc anh em xông vào vây hắt. Tôi sực nghĩ tới ông Cổ, sực nghĩ tới mình, chị em Biếc, Cần, Lắm, chú Chín Thắng cùng bao nhiêu số phận khác, và có cảm tưởng như đời mình và mọi người đó đều có chút gì in bóng xà-niên. Tất cả đềư như có lâm vào một phần cảnh ngộ của xà-niên. Rồi hai chữ xà-niên giờ đây đối với tôi không phải chỉ là cặp vợ chồng xà-niên thật sự đang dỗ con đó mà thôi. Xà-niên, ấy là tiếng gọi chung cho mọi số phận bị dồn đuổi trên đời. Xà-niên như là sự tước đoạt, sự vứt bỏ, sự cùng cực bi thảm nhứt của con người.



Trong giữa lúc lòng tôi đang rúng động trước cảnh ngộ bi thương đó thì Khởi vô ý để chạm báng súng đánh "cách" vào cái bi-đông bên sườn. Tiếng động gây ra không lớn, nhưng cặp xà-niên trong chòi đã nghe thấy, cả hai nhớn nhác thô lố ngó ra. Biết đã lộ, tôi thúc nhẹ khuỷu tay vô mạn sườn Khởi, Lắm rồi vụt chạy về phía lều. Không may, một nhánh gai mây móc vướng vào áo tôi. Tôi vừa gỡ được thì đôi vợ chồng xà-niên đã chạy vụt ra khỏi chòi. Tôi trông thấy rõ ràng người giống đực bế thốc đứa con đỏ hỏn trên tay vợ mà chạy rất nhanh. Còn người xà-niên cái hớt hải chạy đàng sau, tóc bay xõa trên những nhánh lá. Biết tình thế nguy khốn, cặp vợ chồng xà-niên chạy như bay. Không để lỡ cơ hội, tôi gấp rút rượt theo. Chỉ có mỗi mình tôi là bám sát theo được cặp xà-niên, chớ Lắm và Khởi thì bị rớt lại phía sau. Nhưng rồi chính tôi cũng bị cặp xà-niên bỏ xa dần. Cặp xà-niên chạy rất nhanh, không mắc vướng cây cối chi cả. Điều làm cho tôi ngạc nhiên nhứt là cái dáng chạy của cặp xà-niên coi rất lạ. Cả hai chạy bần bật, thân người hơi ngả về phía sau, hai tay hơi đưa về phía trước.



Còn người xà-niên chồng bế đứa con chạy trước lát lát lại ngó ngoái, coi vợ mình có theo kịp không. Cái con người đã hóa thành thú ấy vừa đảm nhiệm đứa con, vừa không bỏ quên vợ.



Quãng cách giữa tôi và cặp xà-niên cứ xa dần. Không phải tại tôi chạy chậm hơn, mà tại tôi bị cây cối cản trở. Ngược lại, cặp xà-niên thì không bị một rễ cây gốc cây nào làm vướng bước. Tôi thầm mong cho cặp xà-niên bị vấp một cái, nhưng cặp xà-niên không bị vấp cái nào cả. Cứ thế, cặp xà-niên bỏ tôi xa ra mãi. Có lúc xà-niên khuất mất sau những lùm lá, rồi lại hiện ra. Ban đầu tôi còn trông thấy, dần dần chỉ thấy loáng thoáng màu da đen xạm, mớ tóc bay xõa của xà-niên, thế rồi sau cùng tôi chẳng còn thấy gì nữa. Cặp vợ chồng xà-niên đã biến mất trong rừng cây dày bịt trước mặt. Chỉ nghe tiếng oa oa văng vẳng. Tiếng khóc của con xà-niên sơ sinh. Chạy rấn tới một chặng nữa, tôi từ từ đứng lại thở dốc. Mặc dù hãy còn nghe thấy tiếng khóc kia, tôi cũng không muốn đuổi theo nữa. Một nỗi thất vọng, một nỗi buồn bã kỳ lạ bỗng nhiên dâng tràn, khiến tôi không thể nào nhấc chân lên đuổi theo nữa. Rõ ràng cặp xà-niên nọ cố chạy cho thoát. Dẫu rằng anh em chúng tôi rượt theo với một ý định tốt, nhưng xà-niên không biết vậy. Chúng tôi khó mà kêu, khó mà nói sao cho xà-niên biết được rằng anh em chúng tôi không phải loại người làm cho xà- niên kinh khiếp. Tôi buồn bã nghĩ bụng: "Chắc mọi con xà-niên ở rừng Hắc-dịch bây giờ đều như vậy cả. Cũng thời là người, nhưng xà-niên sợ người tới cái mức ghê gớm vậy đó!".



Lắm và Khởi chạy tới, hổn hển hỏi tôi:



- Đâu rồi, xà-niên đâu rồi?



Tôi thẫn thờ đáp:



- Chạy mất rồi! Lắm dậm chân:



- Tiếc quá. Tại thằng Khởi làm , chớ không thì hồi nãy mình áp vô chòi bắt được rồi!



Khởi nói như nhận lỗi:



- Nó chạy lẹ thiệt!



Tôi đứng ngẫm giây lâu rồi khoát tay:



- Thôi, đi về!



Chúng tôi quay lại con đường cũ. Gần tới chỗ cái chòi lúc nãy, tôi bàn nên ghé vô chòi. Bấy giờ đã quá trưa. Trời bỗng tắt nắng, tối sầm lại. Chừng như sắp chuyển mưa. Cảnh rừng vụt trở nên buồn bã, lặng lờ. Cái chòi của cặp vợ chồng xà-niên vẫn còn đó, nhưng trống vắng và trơ trọi. Tôi khom lưng bước vô chòi, đứng đảo mắt ngó nhìn cái nơi xà-niên trú ngụ. Giữa khu rừng già đầy những đe dọa bất ngờ, cái chòi coi thiệt mỏng manh đáng thương. Chòi dựng trên một gò hơi cao hơn đất xung quanh. Những cây tai nghé nhỏ dùng làm cột chống đỡ cái mái chòi lợp bằng các tàu lá chuối rừng thuôn dài đã héo quắt lại. Trên nền chòi lồi lõm không được phẳng, chúng tôi bắt gặp mấy vật còn sót lại. Một cái bếp kê bằng ba tảng đá lớn còn ấm hơi lửa. Cạnh bếp là một đống củ mì và một con dao đã cùn gần hết lưỡi. ở giữa chòi có một ổ lá bện lót cẩn thận. Thoạt trông tôi đã đoán biết ngay là chỗ cặp xà-niên dành cho con. Chiếc nôi bện kết bởi lá rừng đó làm cho chúng tôi không cầm được nước mắt. Lát sau, chúng tôi rời khỏi túp chòi với nỗi thương tâm trĩu nặng trong lòng. Đi về chưa được nửa đường, trời đã đổ mưa giông. Rừng dậy gió ào ào. Chẳng mấy chốc, mưa bắt đầu rớt hạt.



Tôi nói:



- Sớm mai mình sẽ trở lại chòi!



Lắm hỏi:



- Chi vậy, chắc xà-niên bỏ chòi đi luôn chớ không dám về đâu?



Tôi bảo:



- Ừ, không chắc gì xà-niên quay về chòi. Tao tính mình cũng không rình bắt nữa, nhưng tính đem vô cho xà-niên một ít gạo, một cái hộp quẹt với một con dao hay cây rựa càng tốt ...
Đứa con của đất
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
Chương 35
Chương 36