watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đứa con của đất-Chương 17 - tác giả Anh Đức Anh Đức

Anh Đức

Chương 17

Tác giả: Anh Đức

R õ là chị Tám Mây có ý muốn giữ tôi ở lại công tác nơi trạm giao liên của chị. Trưa ngày hôm ấy, sau khi ghé đón tôi ở nhà ông Cổ, dọc đường về trạm, chị rủ rỉ nói với tôi:



- Quyết à, hay là em ở lại đây với chị đi em?



Tôi ngạc nhiên hỏi:



- Em ở lại để làm gì?



- Để đi giao liên. Trạm của chị thiếu người quá. Một ngày phải đi năm ba mối đường, mà người thì không có.



Tôi kêu lên :



- Em không biết đi giao liên đâu, em không biết chữ làm sao coi thơ từ được!



Chị Tám choàng vai tôi nhỏ nhẹ bảo:



- Đi giao liên không khó đâu. Ăn thua là có chịu đựng được cực khổ với lại có gan hay không. Hễ không sợ cực, không sơ giặc thì đi giao liên được. Còn như em nói là em dốt không biết chữ, vụ đó cũng có trở ngại chút đỉnh, nhưng chẳng sao. Hễ dốt thì phải học, anh em trong trạm sẽ dạy cho, chớ đi làm cách mạng mà dốt thì hẻo lắm, mắc cỡ chịu gì thấu, nhất hạng là với mấy đứa con gái.



Tôi nghe chị Tám nói thì nín thinh. Mặc dù lúc ấy tôi những muốn nói lớn với chị Tám rằng tôi không có nhát đâu, với lại sự dãi nắng dầm mưa đối với tôi là sự thường rồi. Từ lâu tôi cực khổ nhiều rồi. Duy có điều chị Tám bảo tôi dốt là làm cho tôi thấm đau tới trào nước mắt.



Tôi không giận chị đâu, tôi chỉ tủi thân. Tôi những muốn nói với chị rằng khi tôi tới tuổi đi học thì tôi bị lùa chung với người lớn đi tố cộng đêm ngày, và thay vì dựng lên trường học người ta chở máy chém tới. Còn sau lúc cha tôi bị chúng nó mổ bụng, má tôi bị đâm chết thì tôi đi ở đợ cho tới bây giờ. Làm sao mà tôi lại không dốt cho được. Về chuyện chị Tám muốn tôi ở lại trạm, thiệt tình tôi không thích lắm. Là vì tôi bỏ đi vô đây cốt chỉ muốn được cầm súng. Nên lát sau, tôi nói nho nhỏ giọng như nài nỉ:



- Chị Tám ơi, em đi bộ đội thôi ... Em muốn đi bộ đội!



Đến lượt chị Tám lặng im. Chị nhìn tôi muốn nói gì rồi lại thôi. Tôi cảm thấy chị nhìn những vết sẹo trên mặt tôi. Có lẽ chị hiểu được quyết tâm của tôi. Nếu không quyết tâm đi bộ đội sao tôi dám lội suốt một ngày đường tới nơi này. Nếu không quyết tâm sao tôi dám chạy qua quãng rừng cháy, đến bỏng cả chân và trọn ba ngày liền nán đợi ở chòi. Tôi tưởng chị Tám sẽ thay đổi ý định. Nhưng không, lần này chính tiếng nói của chị đã bắt tôi phải suy nghĩ, đó là tiếng nói của một người từng sống chết cho những con đường.



- Em muốn được trực tiếp cầm súng đánh giặc chớ gì? Em ơi, làm cái nghề giao liên này cũng phải nổ súng với tụi nó liền liền đó em à. Nè, em có nhớ cái anh giao liên đi vo gạo nấu cháo cho em hồi chiều hôm qua không?



- Anh Hai Bình Toong?



- Ờ, Hai Bình Toong. Bị thương rồi. Không dấu em làm chi, đêm qua chị cùng Hai Bình Toong và cô Mịn qua lộ. Lượt đi không sao, lượt về đụng mìn tụi nó gài. Hai Bình Toong đi trước, bị thương bụng khá nặng. Cô Mịn phải lo đưa Hai Bình Toong vô quân y, rồi ở lại đó coi sóc ... Nên chị mới về có một mình.



- Trời, vậy hả chị?



- Ờ!



- Vậy mà em cứ ngỡ ...



- Em ngỡ sao. Đó, em thấy không. Giặc bây giờ ở đâu cũng có, chạm mặt với tụi nó hoài hoài thôi. Em nghĩ là ở bộ đội mới có giặc để đánh à. Không, ở đâu cũng có giặc để đánh hết. Cái gì chớ vụ đó em đừng lo. Sở dĩ chị muốn em ở lại trạm chị công tác mà không cần hỏi han chi là vì chị tin em. Vả lại, như chị đã nói, trạm thiếu người quá. Đó, mới đó mà trước mắt kẹt hết hai người rồi. Một thành hai ...



Sự việc chị Tám Mây vừa kể tác động rất mạnh tới tôi. Tôi không dè con đường giao liên lại quyết liệt đến như vậy. Chị Tám thiệt kín tiếng. Về gặp tôi ở nhà ông Cổ chị vẫn thản nhiên như không có gì xảy ra. Khi tôi hỏi hai người kia đâu thì chị bảo là còn mắc công chuyện sẽ về sau. Hóa ra anh Hai Bình Toong đã đổ máu trên đường. Nghe cái tin đó, đầu tôi nóng ran và bỗng dưng sốt ruột chịu không nổi. Nghĩ tới anh Hai Bình Toong, tôi thắc mắc:



- Sao lại kêu ảnh là Hai Bình Toong vậy chị Tám? Bộ ảnh nhậu dữ lắm hả?



- Không. Chú thứ Hai tên Bình thôi. Ngặt Hai Bình đi giao liên chuyến nào cũng không đem bình-toong nước theo, toàn uống nước của mấy đứa con gái, nên tụi nó đặt Hai Bình Toong để cho Hai Bình nhớ đem bình-toong nước theo.



- Nhắm anh Hai Bình Toong có sao không chị Tám?



- Cũng chưa biết chị hy vọng Hai Bình Toong không chết. Trên quân y có một anh bác sĩ mới về. Anh này rất giỏi, hôm trước đã mổ cho một chiến sĩ bị đạn bắn lủng ruột, khâu tới năm sáu chỗ. Anh chiến sĩ sống, trở về đơn vị chiến đấu như thường!



Suốt dọc đường, tôi cứ suy nghĩ mãi những lời chị Tám vừa nói về công tác giao liên, lại thấy rõ ràng trước mắt trạm thiếu người. Cho nên lúc gần về tới trạm, tôi nói khẽ:



- Chị Tám à.



- Cái gì?



- Được rồi, em nhận lời chị, em đi giao liên. Nhưng em đi giao liên một thời gian rồi chị cho em đi bộ đội được không?



Chị Tám hồ hởi:



- Vậy thì tốt lắm. Được rồi, về công tác ở trạm chị một thời gian rồi chị sẽ giới thiệu cho em đi bộ đội. Hứa chắc với em mà!



Đi một đỗi nữa, chị Tám trỏ cụm rừng trước mặt nói:



- Tới rồi!



Tôi ngó thấy một ngả rẽ bít bùng đủ một người đi lọt. Trên cái lối nhỏ hẹp đó có những cây rừng gác lên các cọc cắm như cầu bắc trên cạn. Chị Tám bảo tôi đi lên cây cầu đó. Chị dặn:



- Từ rày em nhớ đừng có lội đi ở dưới nghen. Đây là ngõ vô trong trạm, ở dưới có chông ngầm. Sở dĩ mình phải bắc cây để đi là vì vậy. Khi có giặc càn vô, mình rút bỏ cây. Lối đi không có dấu vết, giặc nó không biết.



Những thân cây gác thành cây cầu đó cứ nối nhau chạy đài tít tắp. Cho tới khi đi mút hết cây cầu đó, tôi ngó thấy nhà. Một mái nhà sàn rất lạ. Hầu như mọi thứ đều làm bằng tre, từ cột kèo, sàn nhà cho tới mái. Cái mái không lợp lá mà lại lợp toàn bằng những thân tre chẻ đôi, xếp chồng lên nhau thẳng tắp. Tôi láng máng nhớ hình như tôi có thấy một mái nhà lợp tre như vậy, nhưng chẳng nhớ ra ở đâu. (Không, tôi chưa gặp ở đâu cả mà là nghe ông Cổ kể lúc cha ông cõng ông vô rừng có lợp một mái nhà kiểu đó).



Tôi đang còn ngơ ngác dòm cái nhà thì chị Tám cất tiếng gọi



- Ê bà con nhà mình đâu hết rồi, bữa nay có lính mới về đây nè!



Tức thời sau đó có tiếng la dậy lên:



- Úi, chị Tám về rồi tụi bây ơi!



Ba bốn nam nữ thanh niên từ trong nhà túa ra. Họ lăng xăng đón mừng chị Tám về, và để ý dòm ngó tôi. Một chị mắt long lanh đầy vẻ tinh nghịch dòm tôi, rúc rích cười nói:



- Cha, đồng chí tân binh này ngó bộ cao quá hé, đây rồi dắu khách đi ào ào khách theo không kịp kêu trời như bộng cho coi!



Mọi người cười rộ lên. Tôi mắc cỡ đứng lựng xựng không biết bấu rớ vào đâu. May có chị Tám nạt vùa cô gái:



- Cái con nhỏ này, em nó mới tới chưa chi đã ...



Rồi nắm tay tôi chị kéo tôi lên sàn nhà. Chợt có ai đó lên tiếng hỏi:



- ủa, Hai Bình Toong với út Mịn chưa về tới à?



Chị Tám không đáp, lặng lẽ tháo cái xanh-tuya lựu đạn ở lưng ra. Cởi chiếc bồng ra khỏi vai đặt xuống sàn đàng hoàng, rồi chị mới nói:



- Đường 15 găng quá. Hai Bình Toong bị thương rồi, qua lộ trúng mìn. Cũng khá nặng, út Mịn nó phải theo vô quân y săn sóc. Găng thiệt, lóng rày cứ hở mối đường một chút là tụi nó gài bẫy mình rồi!



Báo xong cái tin đó, chị Tám vỗ vai tôi:



- Có tin buồn, nhưng cũng có tin mừng. Tôi xin giới thiệu đây là em Quyết, vừa ở ngoài Xà-bang vô. Em Quyết tính đi bộ đội, nhưng thấy trạm mình hẻo người, em ở lại trạm công tác. Em ở đợ cho người ta, bị đánh đập bỏ trốn vô tới suối Châu-pha nằm nhịn đói ba bốn bữa đợi bộ đội, rồi lại bị sốt. Tôi phân công em nhập vô tiểu đội của Ba Lúa, nhưng đề nghị cho em nghỉ ít hôm cho khỏe rồi hẵng giao công tác.



- Ba Lúa đâu, ra lãnh lính!



- Có



Anh Ba Lúa bước ra, cười khì khì nắm tay tôi. Anh trạc hơn ba mươi, hơi lùn mà chắc. Có lẽ anh là người lớn tuổi nhất sau chị Tám Mây. Ngó anh, tôi biết anh là dân ruộng. Anh nhìn tôi, nháy mắt:



- Đi liền theo tôi về chỗ ở, chú em nó!



Từ buổi chiều ấy, tôi bước vào một cuộc sống hoàn toàn mới. Ăn cơm cả trạm hai chục người cùng ăn. Nghe đọc tin, cả trạm cùng nghe. Tôi có phần bỡ ngỡ, ngượng nghịu nhưng đồng thời lại vui, vì cái trạm giữa rừng này coi vậy mà chẳng có lúc nào buồn cả, chẳng có lúc nào tôi cảm thấy lủi thủi đơn độc như hồi ở với Bảy Vàng cả. Tối đó, tôi ngủ trên vạt tre, cạnh anh Ba Lúa. Anh nói chuyện nghe vui lắm, nghe phát cười nôn ruột. Lần hồi đôi ba bữa, tôi mới hay anh không phải là dân ruộng mà lại là cu-ly vác gạo ở nhà máy xay. Quen rồi, anh nói chuyện với tôi xưng tao nhưng lại gọi tôi bằng em. Anh nói anh đi tham gia cách mạng bắt đầu từ một cuộc dụ dỗ:



- Ở xóm nhà máy tao vác gạo, có một thằng công an răng bạc nó tính dụ tao chớ. Biết nhà tao ở sát vùng giải phóng mình, nó biểu tao hễ tối nào thấy có bộ đội đóng trong xóm thì tức thời dông ra báo cho nó biết.



Vừa nói nó vừa móc bóp xỉa luôn cho tao một ngàn. Tao cầm một ngàn của nó, giả đò sợ sệt, rồi hứa sẽ làm theo lời nó dặn. Tao về gặp mấy anh an ninh giải phóng, kể đầu đuôi cho mấy ảnh nghe và giao số tiền một ngàn nói trên. Mấy bữa sau thằng công an gặp tao đang vác gạo từ nhà máy xuống bến, nó nhe răng cười hỏi tao có tin túc gì chưa. Tao nói có, có bộ đội về, mà họ rút đi liền rồi. Thằng công an hậm hực tiếc rẻ, xây qua chửi tao: "Đ. mẹ, tao đã dặn, hễ có tụi nó về là phải tức tốc ra báo tao ngay. Mày ngu quá, lần sau nhớ đừng có chậm trễ nghe. Mầy phải ráng mần có kết quả một cú thì tao mới tin, mới báo cáo lên trên xin thưởng số tiền lớn cho mầy được. Còn nếu mày cứ làm trậm trầy trậm trật hoặc phản phé thì a-lê, cái này không có giỡn với mày đâu!". Nói tới đó, nó kéo vạt áo xá xẩu lên đủ cho tôi vừa ngó thấy cây ru-lô úyt-xông 1 lòng ngắn treo trong nách.



Lẽ ra theo kế hoạch đã tính với các anh mình thì sẽ chờ dịp gài tụi nó vô bẫy, ngặt vì cái thằng công an răng bạc làm phách chó đó làm tao nóng mũi. Mấy bữa sau tao lận một cây búa thợ trong lưng, kiếm nó giả bộ rủ nó ra chỗ vẳng để báo tin và bàn bạc. Nó mắc lừa, khoái chí đi riết theo tao ra cầu sắt. Dòm trước ngó sau không thấy ai, tao rút búa la: "mẹ, có tin cho mầy đây nè!'' rồi đánh một búa thiệt mạnh vô óc o nó. Nó té nhào, dãy tê tê như một con cá lóc bị đập đầu. Tao tốc áo nó, chộp cây Uýt-xông bươn luôn.



Tôi khoái quá, hỏi anh Ba Lúa:



- Thằng công an đó chết luôn hả anh?



- Tao cũng không biết nó sống hay chết. Coi như chết. Thằng Quyết em tính, tao nện búa đó thẳng tay mà. Nói giả dụ như thằng đó còn sống chắc nó cũng khùng luôn.



Tôi nghe sướng rơn, cười vang.



Mấy hôm sau, thấy trong người khỏe rồi, tôi xin anh Ba Lúa giao công tác. Anh hỏi tôi:



- Sao, em nhắm bề dắt khách đi được không. Đi con đường chị Tám Mây đi hôm trước đó. Phải qua lộ 15 đó giặc thường hay kích lắm. Chỗ Hai Bình Toong bị thương đó!



- Anh Ba cứ giao, em đi được. Miễn là cho em lãnh kha khá lựu đạn một chút để đụng trận em đánh đậm tay một chút!



- Em muốn lãnh mấy trái?



- Bảy trái - Tôi đáp không do dự: - Mà cho em ra rừng liệng thử một trái!



Anh Ba Lúa cười:



- Bảy trái thì nhiều quá. Cho em hai trái thôi, nhưng sẽ giao em thêm cây súng, được không?



Được chớ, vậy thì được. Mà anh cho em thử ít phát!



- Ừ, cho em bắn thử vài ba phát, còn lựu đạn thì không được thử. Lựu đạn hẻo lắm, chỉ để thử với giặc thôi. Lát nữa tao giao súng rồi tao chỉ cho.


Anh Ba Lúa giao cho tôi một khẩu Mi-tuyn, và dắt tôi ra ngoài trảng. Đầu tiên anh chỉ cho tôi cách tháo lắp rồi cách ngắm bắn. Trong phút chốc, tôi đã tháo ra lắp vào được. Tôi cũng biết qua cách ngắm bắn, nghĩa là nhắm mắt trái nhìn qua lỗ chiếu môn, còn các tư thế đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn thì tôi bảo với anh Ba Lúa rằng không cần. Anh Ba Lúa ngạc nhiên ngó tôi. Tôi nói mấy vụ đó tôi sẽ tính khi gặp giặc, chớ bây giờ tập sẵn nó gò bó quá. Anh Ba Lúa vốn dễ tính, nên nói cũng được. Thấy mày theo khá nhậm lẹ, ảnh nghi tôi đã biết bắn súng, hỏi bộ trước đây tôi có bắn súng rồi sao. Tôi lắc đầu nói không. Kỳ thiệt là do tôi học mau. Làm như là tôi có duyên nợ với cây súng từ lâu rồi. Tôi cầm khẩu Mi-tuyn gọn hơ, nhẹ nhàng, không tốn sức gì hết. Anh Ba Lúa nói:



- Thằng em mày khá. Tao coi bộ em có hoa tay cầm súng lắm. Nhưng còn phải bắn khá mới được. Bây giờ chuẩn bị bắn thiệt, nhớ kỹ tao dặn cái này. Bữa nay tiêu chuẩn em được xài có ba viên đạn, riêng tao cho thêm em ba viên nữa là sáu. Với sáu viên đạn đó, em phải bắn sao thành hai loạt ngắn. Nghĩa là phải cắt chia ra làm hai lần chớ không được nhấn hết một lần. Bắn chia ra từng loạt ngắn mới giỏi, chớ đẩy hết ra-phan là coi như dở nghe không. Kỳ thực là ở chỗ đó đó em!



Anh Ba Lúa định dùng chữ kỹ thưật, nhưng lại nói sai đi.



Sau khi chọn một gốc cây dầu ở giữa trảng làm bia, anh cầm khẩu súng đặt ngón tay trỏ vào cò súng, dặn tiếp:



- Ăn thua là ngón tay mình phải bóp và thả cò thiệt lẹ, có vậy mới chia được loạt đạn ra. Trước khi bắn, em bóp cò thử tao coi.



Tôi đặt ngón tay trỏ vào cò súng, bóp và thả ra nhạy lia. Anh Ba Lúa khen được, bảo tôi chuẩn bị bắn đạn thiệt. Tôi chỉ đợi có lúc đó, cầm lấy súng nhằm mục tiêu trên thân cây dầu bắn luôn hai loạt ngắn. Anh Ba Lúa chạy tới cây dầu coi rồi la lớn:



- Ngon lành, thằng em mầy bắn ngon lành lắm!



Tôi cũng ngó thấy trên thân cây dầu, sáu viên đạn tôi bắn rất gom, để lại sáu vết chúm thụm vào nhau.



Sau buổi tập bắn đó, tôi trở nên mạnh dạn hơn. Các anh chị trong trạm cũng thôi không đem cặp giò cao như sếu của tôi ra đùa ghẹo nữa. Mặc dù vậy, cái tên Quyết giò đã thành danh.



Tôi được giao nhiệm vụ đi thư cho các cơ quan thuộc tỉnh ủy đóng ở vùng lân cận. Trở ngại đầu tiên mà tôi gặp phải là không đọc được các địa chỉ trên bao thư. Chị Tám Mây cũng không biết tính sao, vì bước đầu chỉ chưa muốn giao tôi dắt khách cán bộ. Sau đó, chị Tám Mây mầy mò tìm ra một cái cách ngộ nghĩnh để giúp tôi có thể đem thư đi được. Thư nào gởi cho chú Tám Ban Quân sự thì chị chiếu theo biệt danh của chú là Tám Đầu Rìu, vẽ lên bao thư hình một lưỡi rìu. Thơ nào gởi bác Tư Hậu cần có biệt danh là Tư Cá thì vẽ lên bao thư hình một con cá. Thím Ba Thu ở Hội phụ nữ có tên là chị Ba Đu Đủ thì vẽ trái đu đủ. Nói tóm lại, chị Tám Mây chế ra sáng kiến giúp tôi đi giao thư. Ai đời nhè ông Chín Bí thư Tỉnh ủy mà chị lại đặt tên ông Vua, bị ông Chín la cho một trận, về sau đôi lại thành ông Chín Thợ.



Nhưng đi thư theo kiểu đó cũng là đi tạm vậy thôi, chớ tôi phải học chữ. Tôi đi thư cách một bữa, nên bữa nghỉ, tôi ở nhà học. Mấy anh mấy chị dạy cho tôi học riết. Họ hạ quyết tâm dạy cho tôi biết đọc biết viết trong thời gian ngắn nhứt, vì để trong trạm còn có người dốt thì kỳ cục quá. Đâu chừng một tháng, tôi đã ráp vần đọc được.



Tới khi tôi đọc kha khá thì do thiếu người tôi được phân công sang tổ đưa khách. Tôi thấy nhiệm vụ đưa khách đi công tác là một nhiệm vụ rất quan trọng, nên hết sức cố gắng. Cứ đưa tốp khách từ trạm mình đi tới nửa đường thì đổi trực, đón khách của trạm khác dắt sang. Đường đi rất gian nan. Phải đưa dẫn khách qua lộ, qua sông, qua trảng. Bất cứ lúc nào cũng có thể gặp giặc phục kích. Tôi luôn đi trước, súng lên đạn cầm sẵn. Có quãng vượt qua, lựu đạn phải mở sẵn chốt. Với giặc là thế, mà với khách cũng không phải dễ. Cả đoàn mấy chục người cùng đi với nhau, mỗi người mỗi tánh, có người quá sức chủ quan, qua trảng trống không thèm ngụy trang. Có người dắt đi đường dài hoặc lầy lội, cực quá nổi nóng. Tôi thường im lặng khi họ nổi nóng, vì tôi biết chỉ sau đó một chốc tới chỗ đổi trực là họ vui vẻ lại ngay. Tuy vậy tôi rất nghiêm. Bao giờ trước khi dẫn khách xuất phát, tôi cũng tập họp kiểm danh kiểm số, coi từng người có đem đủ gạo ăn nước uống theo không. Bình-toong của khách nào chưa có nước, tôi dứt khoát bắt trở vô trạm lấy nước. Chừng nào lấy xong, tôi mới dẫn cả đoàn đi. Kinh nghịệm nhiều chuyến cho tôi thấy chỉ vì thiếu nước uống, khách cũng dễ càu nhàu nổi nóng.



Lần đầu tiên tôi lập được thành tích là lần ban ngày tôi dẫn một đoàn khách băng qua trảng trống. Lúc ra tới trảng, thình lình có một chiếc "đầm già" bay tới. Tui hô anh em chạy vào rừng, còn tôi chĩa súng bắn con "đầm già". Con đầm già bị tôi bắn, nổi khùng siết lấy tôi nhằm vào tôi mà phóng hỏa tiễn "cảo ... đùng". Nhưng mỗi trái hỏa tiễn phóng xuống, tôi đều nhanh chân chạy trớ, né khỏi hết. Phóng tới trái thứ sáu, con đầm già còn giả bộ cắm xuống phóng nữa. Tôi thừa biết nó hù dọa, chớ kỳ thiệt nó đã cạn túi. Hồi bấy giờ, theo sự phổ biến của anh Ba Lúa, thì mỗi con đầm già chắc chắn chỉ đem được có sáu trái hỏa tiễn mà thôi. Cho nên tôi vững tâm đợi nó cắm xuống thiệt thấp. Khi ngó thấy thằng Mỹ ngồi rõ ràng trên buồng lái, tôi nhè ngay đầu nó mà bắn hết trọn băng đạn. Con đầm già rú qua đầu tôi, cắm xuống trảng, bốc cháy, cách chỗ tôi đứng chừng năm công đất. Tôi không ngờ nó rớt dễ dàng, mau lẹ như vậy. Trong băng đạn tôi bắn lên có lẽ chỉ còn bảy tám viên đạn. Thế mà nguyên một con đầm già rớt nằm một đống, bốc cháy ngùn ngụt. Nói cho đúng, là do tôi bắn trúng ngay giữa đầu thằng giặc lái Mỹ. Việc này tôi xác minh được sau khi đoàn khách ở mí rừng túa trở ra trảng, phụ sức cùng tôi kéo xác tên Mỹ xuống. Tên Mỹ chết nầy chỉ mới bị cháy xém. Tôi lấy được của nó một khẩu ru-lô Uýt-xông, một cái bóp gồm nhiều tiền ngụy, đô la đỏ 2 và một xấp ảnh gái Mỹ ở truồng. Mấy anh trong đoàn khách hoan hô tôi, xúm lại khiêng tôi vô mí rừng, hò reo vang dậy. Mấy anh nói bữa nay tưởng bị thua lỗ hóa ra lời to. Mà thiệt, chúng tôi không bị trầy một chút da, mà cả một con đầm già và thằng Mỹ lái phải bỏ thây.



Ngày hôm đó, tôi còn được kiệu lên vai hai lần nữa. Một lần ở chỗ dổi trực, và một lần lúc trở về trạm. Tôi được cấp giấy chứng nhận dũng sĩ hạ máy bay. Có tin đồn sau đó máy bay trinh sát L19 tức con đầm già võ trang thêm tới chín trái hỏa tiễn là do vụ tôi bắn rớt nó. Tôi nghĩ chắc không phải do một mình tôi, mà do nhiều người biết rõ vốn liếng của nó và đã xử trí nó giống như tôi. Có người không bắn rớt nó, nhưng lại bắn lủng cánh, khiến nó hoảng quá bỏ chạy. ở vùng tôi, có một con đầm già mang một bên cánh lủng to bằng cái rổ bay rà rê hoài mà không chịu vá lại. Mỗi lần bắt gặp con đầm già tàn tật đó, chúng tôi cười rùm la lên: "Ê, có đầm già lủng cánh tới nghe!". Chúng tôi cũng thường hay vui cười chế nhạo nó mỗi khi gặp nó trên đường giao liên "Thôi, lo về vá cánh lại đi!".



Cuộc đời ở trạm, ở trên những chặng đường thiệt không phải phẳng lì như tôi tưởng. Không phải khi nào trạm cũng đủ gạo ăn. Có khi mấy tháng liền phải ăn toàn củ mì. Chúng tôi dắt khách đi suốt ngày mà chỉ lận theo mấy củ mì ăn đường. Cũng có lúc ăn thịt thừa mứa, ấy là lúc bắn được nai, mễn và đôi khi hạ được cả bò rừng và voi. Bắn hạ được voi, chính tôi thông báo cho các trạm bạn các cơ quan tự do tới xả thịt đem về. Thịt voi ăn không ngon lắm, nhưng nó nhiều ê hề, ăn không hết thì đem phơi khô để dành. Ở trong trạm rừng, chúng tôi thường gặp lúc no thì no dồn, đói thì đói góp. Anh em trong trạm là một cái tập thể gắn bó chặt chẽ với nhau, đói cùng đói no cùng no, sống chết có nhau. Chúng tôi bị sốt rét hành hạ riết rồi quen đi, vừa cất cơn sốt lại choàng dậy đi dẫn khách, có khi dẫn khách mà mình lại lên cơn sốt phải vừa run vừa đi.



Tôi đọc thạo viết thạo là nhờ thời gian ở trạm. Chi đoàn Thanh niên Nhân dâ đã tổ chức kết nạp tôi vào đoàn sau một chuyến đi công tác với anh Ba Lúa và kể từ đó tôi mất hẳn anh. Tôi vẫn thường đi với anh Ba Lúa nhiều chuyến, nhưng không chuyến nào gặp phải tình huống gay go như chuyến đó. Buổi chiều sau khi giao số khách mười bảy người cho trạm bạn, tôi với anh Ba Lúa quay về. Tới khuya, tôi và anh lọt vào ổ phục kích của giặc. Chúng nổ súng. Ngay ở loạt đạn đầu, anh Ba Lúa bị đạn xuyên qua lưng, cái bộ lưng nở nang của anh mà tôi biết rõ là trên đó đã chất lên không biết bao nhiêu bao gạo vác mướn. Giữa lúc đạn giặc bắn như mưa, anh Ba Lúa phều phào:



- Anh không sống đâu, bỏ anh chạy đi!



Nhưng tôi không bỏ anh. Cõng xốc anh lên vai, tôi bắn mở đường máu. Trong đêm tối, nghe có thằng giặc kêu rú. Chúng rượt theo tôi rất sát, nhưng nhờ tôi bỏ lựu đạn ngược lại phía sau nổ đùng đùng cản bước tiến của chúng mà tôi chạy thoát. Lát sau anh Ba Lúa gục đầu vào vai tôi. Gọi mãi không nghe anh nói gì nữa. Biết anh đã chết, tôi khóc ròng và cõng xác anh đi suốt đêm.



Thiệt ra tôi cũng có thể đặt anh dựa tạm nơi gốc cây nào đó để về trạm báo tin, nhưng tôi không làm như vậy. ở rừng chúng tôi có nhiều mối và kiến bù nhọt. Loại mối và kiến nầy có thể ăn sạch một con chồn lớn khi con chồn bị bẫy rập chết cách đêm. Tôi muốn thi thể anh Ba Lúa phải còn nguyên, nên mặc dù rất đuối sức, tôi cũng ráng cõng anh đi. Khi mệt quá, tôi dừng lại đặt anh nằm xuống cỏ, nghỉ một chốc rồi lại đi tiếp. Tới rạng sáng mới về tới trạm. Đứng vịn vào cổng trạm tôi gọi lớn, các anh chị vừa ra tới thì tôi cũng vừa khuỵu xuống, xỉu đi.



Đó là lần sau cùng tôi gặp nguy hiểm trên đường dây. Sau khi anh Ba Lúa hy sinh, tôi buồn nhớ anh hoài. Đêm đến, ngủ trên sàn tre mọi bữa vẫn có anh Ba Lúa nằm cạnh, tôi cứ chảy nước mắt. Nhưng cũng không phải vì cái chết của anh Ba Lúa mà tôi xin rời khỏi trạm giao liên. Tôi xin rời trạm để đi bộ đội là vì một lý do khác.



Một hôm tôi cùng chị Út Mịn đi công tác. Sáng sớm chúng tôi đi ngang qua ấp Long-tịnh thì ấp còn nguyên, tới chiều về ngang thì ấp đã bị máy bay liệng bom và bắn phá tan nát. Máy bay Mỹ vừa đi khỏi thì chúng tôi tới. Cả xóm ấp chìm ngập trong khói, có nhiều nhà còn đang cháy. Tụi Mỹ liệng nhiều bom xăng, nên bà con bị phỏng bị chết cháy khá nhiều. Có nhiều em bị đốt thành than, có cô bác bị cháy tuột hết da, nóng quá nhảy xuống biền rồi chết luôn ở dưới. Các em nhỏ bị thương kêu khóc vang xóm. Tôi và chị Út Mịn nhảy vô dập những đám cháy còn lại, xông vào cứu những bà con đang bị lửa vây. Tôi vào một nhà đem ra được hai vợ chồng chú thím nọ. Cả vợ lẫn chồng đều bị phỏng nặng, tóc tai cháy rụi. Người chồng chết trước, người vợ còn ngắc ngoải. Trong cơn oằn oại hấp hối, thím ta biểu tôi đem hai đứa con thím tới bên. Hai đứa nhỏ, một trai một gái, không hiểu vì sao lại còn nguyên. Nghe má nó kêu, hai đứa không dám lại, cứ ôm chặt lấy tôi. Nó biết là má nó, nhưng có lẽ nó sợ quá, vì má nó bị cháy coi rất thảm. Người mẹ kêu con tới khản giọng rồi chết, hai cánh tay ngòng ngoèo dơ về phía hai đứa con. Tôi đứng sững, hai chân như trồng xuống đất. Đau đớn quá, tôi đưa tay bụm mặt quay mình bỏ đi một nước, để mặc chị út Mịn đứng đó với hai đứa nhỏ. Thú thiệt là khi đó tôi hết chịu nổi, tôi như điên lên. Lúc chị Út Mịn đã giao lại hai đứa nhỏ cho địa phương và đuổi kịp theo, tôi hơi bình tĩnh lại, bảo chị:



- Chị Út ơi, cảnh chú thím đó chết giống cảnh ba má em lắm. Còn hai đứa nhỏ thì cũng y hệt như chị Hòa em với em hồi trước ...



Về tới trạm, suốt đêm đó tôi cứ trăn trở không ngủ được. Qua ngày hôm sau, tôi vẫn bị cảnh giặc tàn phá ấp Long-tịnh ám ảnh, làm tôi luôn bị dày vò, uất ức, đau đớn. Tôi nghĩ bụng đã đến nước nầy thì tôi sẽ xin đi bộ đội chớ không ở trạm giao liên nữa. Đành rằng công tác giao liên cũng là công tác cách mạng, nhưng dịp trả thù giặc rất hiếm. Tới tối, tôi đi riết lại nhà chị Tám Mây kêu:



- Chị Tám ơi!



- Quyết đó hả em? Nghe nói mấy bữa nay em muốn bịnh phải không?



- Em không có bịnh gì hết, em lên đây đề nghị cho em thôi đi giao liên!



- Sao, có chuyện gì vậy?



Chị Tám ngạc nhiên ngó tôi. Chị ngạc nhiên là phải. Hơn một năm về trạm, tôi công tác rất tốt. Từ một đứa trẻ không nơi nương tựa, tôi đã tìm được một mái nhà ấm cúng không đâu bằng là cái trạm nầy. ở trong trạm ai cũng thương tôi, ngược lại tôi quyến luyến tất cả mọi người. Nói tóm lại ở trạm tuy vất vả gian khổ, nhưng tôi rất sung sướng. Và nỗi sung sướng ấy tôi cũng để lộ rõ ra ngoài. Cho nên thình lình tôi xin rời trạm làm cho chị Tám chưa hiểu ra.



Sau một lúc lâu im lặng, chị nhỏ nhẹ hỏi tôi:



- Tập thể ở đây có điều gì làm em không được vừa ý à?



- Hay là có đứa nào nó ghẹo em?



- Đâu có.



- Vậy thì lý do tại sao em xin đi, em cứ nói đại ra!



Tôi không trả lời thẳng câu hỏi của chị Tám, mà chỉ nhắc lại gọn lỏn lời hứa của chị:



- Như chị đã hứa, bây giờ cho em đi bộ đội thôi, em phải đi bộ đội mới được chị Tám ơi!



Câu sau cùng tôi thốt lên như một lời van nức nở.



Điều đó có lẽ đã làm cho chị Tám phần nào hiểu được tâm trạng tôi. May mắn cho tôi là tôi gặp một chị trưởng trạm tuy vóc dạc to lớn, ăn nói đôi lúc bậm trợn, nhưng lại hiểu thấu hết thảy. Ngay lúc đó, chị không hỏi thêm tôi câu nào nữa, bảo tôi về ngủ. Ba hôm sau chị gọi tôi lên nhà, luộc một con gà, tự tay xé ra cho tôi ăn. Có miếng nào ngon chị đều dành cho tôi cả. Và bằng một giọng vừa trang nghiêm vừa xúc động, chị nói:



- Quyết à, nguyện vọng xin đi bộ đội của em là chánh đáng. Chị đã bàn vói Ban chỉ huy trạm, tất cả đều nhứt trí cho em đi. Vậy em về lo chuẩn bị để sáng ngày mốt lên đường. Trạm sẽ tổ chức buổi liên hoan tiễn em vào tối mai, và khi đi sẽ cử người đưa em tới tận nơi. Nơi em tới là D445, tiểu đoàn chủ lực tỉnh. Đó là tiểu đoàn dũng cảm nhứt của tỉnh nhà, em cần cố gắng. Nên nhớ trạm đưa em tới đó là đưa một chiến sĩ ra trận, chớ không phải đưa một người mà trạm không cần. Tức nhiên chị sẽ nói rõ điều đó trong thơ gởi cho đồng chí tiểu đoàn trưởng mà chị có quen. Em đi, chị tiếc lắm!




--------------------------------

1 Súng ngắn kiểu Mỹ.

2 Thứ đô la có kỳ hạn Mỹ phát hành cho 1ính Mỹ ở Miền Nam.
Đứa con của đất
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Chương 33
Chương 34
Chương 35
Chương 36