Chương 26
Tác giả: Anh Đức
T ới xế chiều hôm sau, tôi về tới căn cứ tiểu đoàn ở Hắc-dịch. Từ ngoài luồn vào ngõ rừng dẫn tới cứ, tôi hồi hộp thấp thỏm sợ tiểu đoàn đã xuất quân. Cách đấy ba hôm tôi được biết tiểu đoàn hãy còn ở đây. Càng đi sâu vào rừng chiều tứ bề im phăng phắc không một tiếng động, tôi càng thất vọng. Khi tôi đã vào đến giữa khu vực doanh trại thì mọi lán mọi nhà đều vắng ngắt. Buồn tình quá, tôi để nguyên bồng trên vai ngồi vật xuống, vấn thuốc hút. Vừa hút thuốc tôi vừa vẩn vơ nghĩ tiếc công một ngày đêm ra sức đi riết về đây, dọc đường cơm cũng không dám ngồi ăn lâu. Nhưng giữa lúc đang rít thuốc, chợt tôi nghe thấy có tiếng soong khua từ hướng nhà bếp. Tôi vụt đứng dậy, đi về phía bếp. Mới bước vào tôi thấy có hai anh ở C.2 trang lúi húi nhóm lửa.
Một anh nhận ra tôi, la lên:
- A, học trò đi học về rồi đó hả?
Tôi cởi bồng liệng lên sạp, rồi đứng chống nạnh giữa nhà hỏi:
- Đơn vị đi lâu chưa?
- Mới đi hồi khuya.
- Vậy hả, vậy sao hai anh còn ở đây?
- Tụi tao sốt, đòi đi mấy ảnh không cho, bắt ở lại để vô nằm quân y. Sốt bảy bữa rồi, nhưng bữa nay coi mòi không lên cơn. Đơn vị vừa đi là nó lại cắt cơn, ức quá!
Tôi nói chọc:
- Ức gì, sốt rét vừa đi đặng vừa run à, thôi hai anh cứ yên tâm vô quân y đi!
- Mày thì cũng vậy thôi, cũng yên tâm nằm lại đây giữ cứ đi!
Tôi lắc đầu:
- Không, tôi đi!
- Đi đâu?
- Đi theo đơn vị chớ đi đâu?
- Đơn vị đi xa lắm rồi, mày có cánh cũng không bay theo kịp!
- Nhất định tôi theo kịp. Hai anh cứ tin tôi đi, tôi sẽ có mặt trước giờ đơn vị nổ súng cho mà coi?
Tôi dõng dạc tuyên bố một cách dứt khoát. Rồi tôi chạy đến bên bếp, ngó vào nồi cơm chưa sôi.
- Mới bắc cơm hả? Tốt, gạo đâu chỉ tôi vo đổ vô thêm hai lon nữa coi. Ăn cơm xong là tôi quất ngựa dông liền.
- Ê, bộ mày tính đi thiệt sao Quyết, anh em sốt rét mà đi sao Quyết?
Tôi vừa xúc gạo vừa cười khì khì:
- Sốt rét thì nằm ở đây làm chi, vô trong quân y có mấy chị mấy cô người ta săn sóc cho!
Vo gạo đổ thêm vô nồi rồi, tôi ngồi coi cơm. Ngó hai anh C.2 mặt mày xanh xao vàng, vọt, tôi liền đi lại mở bồng lấy cho hai anh một gói chuối khô, hai gói trà "Con cọp":
- Đây là quà tôi đem về cho mấy thằng trong khẩu đội, thấy hai anh ở đây cũng hẻo, tôi chiết cho một ít.
Riêng chỗ me tươi, tôi cũng vốc ra cho hai anh một túm:
- Thứ này mấy anh sốt ưa dữ hả?
Nói vậy chớ tôi không quên chừa lại trong bồng một mớ me kha khá dành cho Biếc. Hai anh C.2 cầm lấy mấy thứ tôi cho. Lát sau ăn cơm xong, một anh khều tôi lại, rỉ tai:
- Nếu mày quyết lòng rượt theo đơn vị thì tao chỉ cho. Chuyến này tiểu đoàn lên đánh Quán Chim. Bây giờ mầy ra suối Châu-pha mà đi tới Xà-bang, rồi từ Xà-bang tốc theo. Đơn vị mới đi hồi khuya, còn cơm nước dọc đường, mầy đi nước rút thế nào cũng theo kịp
- Được rồi!
- Mày có đèn pin không?
- Không, nhưng không sao, đêm nay có trăng.
Tôi hăm hở nói và lập tức khoác bồng lên vai. Hai anh C.2 tần ngần ngó tôi, bỗng một anh nói:
- Hay là tụi tao ráng bươn theo mày, Quyết!
Thôi, bịnh mà đi gì. Hai anh lội ẩu bị kỷ luật chết chớ bộ giỡn!
Tôi nghiêm giọng cản họ, rồi quẩy bồng đi luôn. Nghe tin đơn vị đi đánh Quán Chim, tự nãy giờ trống ngực tôi đập thình thịch. Bây giờ, trái tim tôi là thế. Là khi nghe nói đến một trận đánh mới, nó cứ nhảy lia lịa lên như thế. Mừng quá cũng dễ hóa nên hồi hộp. Tôi chưa từng biết Quán Chim, mà chỉ nghe nói tới cái nơi đó. Anh Bé dạy đại liên cho tôi vốn sanh đẻ ở Quán Chim. Nghe anh bảo đó là một cái xóm ở cặp đường đi Ô-cấp, gồm có rất nhiều quán bán chim. Theo lời anh Bé thì ở miệt đó có nhiều chim cu xanh đến nỗi vào tháng mười, tháng mười một ta đi đâu cũng nghe tiếng cu gù gáy. Còn các tay đánh bẫy chim thì suốt ngày ở ngoài đồng giăng lưới, chụp rào rào. Trong mùa dậy gió chướng báo hiệu năm sắp hết, anh nói các quán chim đêm ngày hết sức nhộn nhịp. Chỉ nghe anh kể, cũng đủ phát mê.
Chim cu xanh còn sống nhốt đầy lồng, treo đầy quán. Bất cứ lúc nào quán cũng có chim quay vàng. Mùa chim đi liền với mùa nấm giẽ hồng. Nhưng anh Bé bảo mấy năm nay ở Quán Chim có mấy đại đội ngụy trấn đóng thành ra Quán Chim mất vui. Chúng ở đó giữ cầu, giữ đường, giữ ấp chiến lược. Lần này tiểu đoàn tôi sẽ lên đánh đuổi bọn ấy. Tôi nghĩ chắc anh Bé phải là người vui hơn hết. Phần tôi, tôi cũng vui khấp khởi, vì không ngờ trên đường đi Quán Chim tôi sẽ được đi ngang Ngãi- giao, Xà-bang, rồi may ra sẽ được ngó thấy rặng cau quê nhà Phước-lai, Phước-kiển.
Tôi ra đi một chốc thì rừng nhòa tối. Nhưng vào những đêm có trăng, rừng không tối lắm. Trăng chưa lên, nhưng bầu trời ràng rạng. Tôi đi nhanh vùn vụt. Chỉ một lát sau, tôi gặp lại những đồi cỏ trúc. Con đường thân thiết quá. Chính là con đường tôi đã theo chị Tám Mây về ở trạm giao liên. Và sau đó là con đường tôi đi thư, dẫn khách cả năm ròng. Cũng trên quãng đường này, trong một đêm tối mịt, tôi đã cõng xác anh Ba Lúa về. Sóc Chùm-đuông và các sóc Châu-ro khác cũng ở cách đây không xa. Nhưng tôi không đi ngang qumà theo đường tắt dẫn ra suối Châu-pha nhanh hơn. Lúc vầng trăng từ từ nhô lên khỏi một triền đồi thấp, bỗng tôi chợt nghe từ xa vẳng tới tiếng đờn chình-kha-la. Cây đờn Châu-ro thô sơ bất thần bật lên trong cảnh yên tĩnh của đêm rừng những tiếng tre thánh thót nghe tợ tiếng tơ tiếng đồng. Mới đầu điệu đàn nghe buồn u uất, mơ hồ như có như không, chắc người đờn đang gõ vào những lỗ thấp nhứt trong mấy mươi lỗ khoét nơi ống tre. Nghe như đời người Châu-ro ngày xưa. Ông Cổ có lần nói cây đờn bằng tre ấy ngày xưa chỉ có mấy lỗ. Mãi về sau mới có thêm nhiều lỗ khác. Cho nên sau này đờn chình- kha-la mới hát được những điệu vui. Cái điệu đờn vui ấy dần dần trỗi dậy, theo vầng trăng từ từ lên cao ở giữa trời, đờn vui đùa như lá reo như suối chảy. Chẳng hiểu sao, tôi cứ mường tượng người đờn đâu như là ông Cổ, hoặc nếu không phải ông Cổ thì cũng phải là một ông già Châu-ro nào đó. Tôi cứ nghĩ người đờn là một ông già.
Vào lối nửa đêm thì tôi tới suối Châu-pha. Lần này, cũng giống như lần tôi bỏ trốn khỏi nhà Bảy Vàng, tôi tìm thấy trên bờ suối những bếp còn ấm lửa. Chỉ khác là lần này tôi biết rõ các bếp kê bằng đá tảng ấy là của chính đơn vị mình. Tôi sờ tro bếp thấy còn ấm, chứng tỏ đơn vị tôi đã nấu cơm ăn cơm dỡ ở đây. Có thể đơn vị tôi vừa rời khỏi nơi đây hồi chiều, vì đường đi Xà- bang rất trống, không hành quân lúc trời còn sáng được.
Trước khi lội ngang suối Châu-pha, tôi đứng lặng nhìn dòng suối loang loáng ánh trăng, lòng bồi hồi nhớ lại cái buổi chiều năm nào tôi đã đến đây, bơ vơ và trần trụi. Mặt suối trong buổi chiều nhá nhem đó rắc đầy những tàn lá cháy. Rồi mấy ngày đói lả, những cây ngải ré ăn tạm cầm hơi, những con cá đỏ mang ... Rồi trận sốt đầu tiên trong cái chòi lợp vỏ cây, kế đó cơn sốt nóng bỏng rãy đưa đến những ác mộng ...
Hai năm qua, không mấy khi tôi gặp ác mộng nữa. Từ ngày nhập vào đội ngũ, cực khổ có lúc còn hơn ngày đi ở nhưng đêm nào tôi cũng ngủ ngon. Có gặp gì trong chiêm bao, cũng là gặp sự vui vẻ tốt lành, phần nhiều là gặp Biếc.
Qua khỏi suối, tôi bắt gặp cánh rừng dạo trước bị cháy giờ đã đâm chồi cao. Trăng gieo ánh sáng trên lá biếc, trên đất rừng mát rượi sương đêm. Ấy vậy mà tôi vẫn còn cảm giác mới nguyên ở đôi chân nóng bỏng, cái hồi tôi chạy dẫm qua than lửa rồi té ùm xuống suối. Vẫn còn bùng lên trong đầu tôi cảnh rừng cháy kinh hoàng, bầy chim chạy trốn, và cơn lửa chiều đỏ rực khi ngày hết ...
Con đường mòn xuyên qua cánh rừng chồi vẫn như trước, vẫn có những mảng trống sáng tuồng như rừng sắp hết. Đêm nay tôi lại đi trên con đường đó có một mình, như nào tôi đã ra đi. Nhưng bây giờ tôi thấy vững tâm chớ không thấy bơ vơ lẻ chiếc. Bây giờ tôi đi một mình mà vẫn thấy đồng đội kề bên, lúc nào tôi cũng nghe tiếng cười nói lao xao, tiếng súng đạn va chạm lách cách, và những khuôn mặt thân yêu của anh Đấu, anh Dũng, chú Chín Thắng, của Khởi, Cần, cùng đôi mắt to đen ngời sáng của Biếc hiện lên.
Chừng ba giờ sáng thì tôi đuổi kịp đơn vi. Lúc tiểu đoàn vừa ra khỏi rừng chồi là lúc tôi vừa đến mé rừng. Cả tiểu đoàn tôi đã vắt mình ra đồng trảng như một con trăn dài. Cái đuôi của con trăn mới huốt khỏi rừng mà cái đầu đã sắp cất vào tới xóm Xà-bang dưới đó, mờ mờ trong ánh trăng lu và sương khuya. Tôi mừng rỡ chạy như bay ra đồng trảng. Chỉ một lát sau tôi đã bám vào được đội hình của đại đội tôi, trên một bãi cỏ ngày trước tôi đã thả bò. Tôi nhảy cỡn lên không khác nào một con bê gặp lại bày, ôm chầm lấy anh Đấu, anh Dũng, húc đầu vào bụng Cần và Khởi. Chỉ một loáng sau, cả đại đội đều hay tin tôi mãn lớp về tới và vừa bám kịp đơn vị. Khởi và Cần lào thào báo cho tôi biết một số tin tức sốt dẻo. Thứ nhất là lần này hành quân tới nơi sẽ đánh liền. Thứ hai là tiểu đội nữ thanh niên xung phong của Biếc vừa được điều về đại đội. Thứ ba là trong khấu đội đại liên của tôi được ghép thêm một người, đó là Lắm. Hai đứa không gọi Lắm suông như mọi lần mà lại gọi là Lắm Kèn. Khởi cho biết từ nay Lắm Kèn sẽ cùng ở trong khẩu đội tôi nhưng làm nhiệm vụ thổi kèn. Bấy giờ Lắm đang đi trước mặt tôi, đeo lủng lẳng trên lưng cây kèn Mỹ có bao. Tôi chưa gặp Biếc, vì Biếc đi ở đàng sau, nhưng chắc chắn Biếc đã biết tôi về tới.
Đơn vị đi qua ngang Xà-bang không dừng lại. Ấp chiến lược Xà-bang mới vừa bị phá cách đây mươi hôm. Trời gần sáng. Chó sủa rộ lên ngoài đầu ngõ. Gà trong xóm cũng đã te te gáy. Tôi vừa đi vừa mở to mắt cố nhận ra cảnh cũ. Nhưng bóng tối hãy còn mờ mịt chưa cho tôi nhìn thấy tận tường cái nơi mà từ đó bà con đã đùm bọc, đưa tôi ra đi. Chỉ nghe tiếng bà con trở dậy, nói chuyện lào xào trong nhà. Rồi những tiếng gọi nhau cuống lên:
- Bộ đội mình, bà con ơi, bộ đội mình!
Thế rồi có rất nhiều bóng người chạy nhào ra đường. Bà con đứng nhìn bộ đội. Có tiếng cười reo, mà lại có tiếng một thím nào đó sụt sịt khóc. Một bà già lom khom đưa hai bàn tay già nua rờ chạm vào lưng từng đứa chúng tôi. Trẻ con chạy nghe đụi đụi. Tức thì tôi thấy mắt mình cay sè, rân rấn. Cầm lòng không đậu, tôi nghẹn ngào kêu lên với bà con bên đường:
- Cô bác ơi, có tôi là Quyết đây. Tôi là thằng Quyết hồi đó ở Bảy Vàng, cô bác có còn nhớ tôi không?
Tôi kêu lên như vậy, rồi không ngăn được nước mắt trào ra. Ngay khi đó, có mấy thím đứng bên đường vụt la lên táng hoáng:
- Trời đất ôi, có chú Quyết ở trong hàng nữa kìa mấy người ơi!
- Quyết nào, Quyết nào?
- Thằng Quyết coi bò cho Bảy Vàng chớ Quyết nào nữa!
- Á, á, ông Cả Quyết, ông Cả Quyết!
Đang lúc nước mắt ứa ra, tôi không nhịn được cười khi nghe bà con nhắc lại cái tên đó. Bà con đã nhận ra tôi, liền xúm lại. Tôi không thể nói gì hơn, chỉ đành nói với lại:
- Cháu xin kính chào hết cô bác, khi nào rảnh cháu sẽ ghé thăm cô bác!
Đơn vị chúng tôi đã kéo qua khỏi xóm mà bà con còn bịn rịn đi theo không muốn rời. Thình lình giữa lúc ấy có một bóng người chạy vượt lên, kêu lớn:
- Quyết ơi, bớ Quyết!
Tôi ngoái nhìn lại trong buổi sớm còn mờ mịt, tôi ngó thấy một bóng người vạm vỡ khoác súng giống tợ anh Vững đang vừa chạy vừa nhảy qua những cây cọc rào giây thép gai bị cuộn rối tung mà rướn lên gọi:
- Quyết ơi, Quyết ơi?
Đến giữa trưa, tiểu đoàn chúng tôi dừng lại ở một địa điểm dự bị. Nơi này có những lùm gáo và trâm bàu um tùm mọc lên giữa đất đồng khô cỏ cháy. Chúng tôi được lệnh chuẩn bị cơm nước cho xong, đúng hai giờ tiếp tục hành quân. Anh Ba Đấu phổ biến cho tôi nghe kế hoạch, phương án tác chiến rồi anh gọi Biếc tới. Tôi lấy chuối khô và me đưa cho Biếc. Chúng tôi mừng mừng rỡ rỡ, nhung chẳng kịp nói gì với nhau, vì Biếc cũng phải trở về tiểu đội lo cơm nước.
Sau mấy ngày đêm đi như chạy theo đơn vị, tôi mệt nhoài. Lắm Kèn tuyên bố cho tôi giăng võng ngủ một giấc. Nhưng tôi làm sao mà ngủ được. Khởi ngồi nhóm bếp, bảo tôi:
- Vừa rồi anh Quyết đi dự lớp, anh ở nhà tập thổi được nhiều bản kèn ác lắm!
- Vậy hả, vậy lúc nào thổi tao nghe coi!
- Thì lúc nào nữa, chạng vạng bữa nay nhất định anh Lắm phải thổi rồi.
Lắm cũng khoe với tôi là cây kèn của Lắm đã có gắn cờ rồi mở túi lấy kèn ra cho tôi coi. Cây kèn Mỹ giờ đã có đính lá cờ Mặt trận hình đuôi nheo, kết tua phơ phất coi rất đẹp. Lắm cười nói:
- Của bồ mày may đó. Tưởng anh Đấu nhờ ai, nhè nhờ ngay con Biếc!
Tôi không dè Biếc may cờ khéo đến thế, lại càng vui thêm trong bụng. Một tiếng đồng hồ dành cho bước chuẩn bị cuối cùng đối với chúng tôi không đến nỗi eo hẹp. Ăn cơm, dỡ cơm xong; chúng tôi vẫn còn có thể uống trà với chuối khô do tôi đem về. Lắm Kèn tỏ ra là một tay giỏi giang tháo vát. Lắm pha trà bằng cái bi- đông Mỹ úp chụp vào cái ca. Đó là lối pha trà mới nhất mà trước khi đi học, tôi chưa thấy. Nước sôi từ bi-đông rỏ xuống vừa nửa ca là Lắm gọn lẹ nghiêng ca rót đều ra các chun nhựa làm bằng vỏ đạn M.79.
Đúng hai giờ, chúng tôi tiếp tục hành quân giữa trời nắng chang chang. Khẩu đại liên ngày thường tôi coi không thấm tháp, nhưng bữa nay nó làm tôi thấm mệt. Khởi và Cần dành vác, nhưng tôi không chịu. Tôi vác đại liên đi suốt hai giờ nắng nhứt rồi mới giao cho Khởi. Đường đồng đã hơi dịu nắng. Anh Đấu từ phía sau đi rấn lên bên tôi, trỏ tay về phía ven cây mù mù trước mặt:
- Em biết đó là đâu không?
- Em không biết!
- Rặng cây Phước-lai, Phước-kiển đó!
- Ủa, thiệt sao anh?
Anh Đấu gật đầu. Tôi đưa mắt ngó miết về phía bóng cau dừa lơ thơ ló dạng, chưng hửng không ngờ.
Tôi đâu có dè bấy lâu mình đi chỗ này nơi nọ, nay lại tạt gần về chốn quê nhà. Anh Đấu rành vùng này lắm, anh không nói chơi đâu. Mà quả đích thị là Phước-lai, phước-kiển rồi, giờ tôi nhận ra rồi. Cho dù ở trong tỉnh Bà-rịa này có vô vàn những rặng cây như vậy, nhưng tôi không thể nhận lầm. Trong bóng chiều đã ngả, tôi điếng lòng ngó những cụm dong thả trôi qua trên làng có rặng lau thưa phơ phất nửa gần nửa xa. Mới đó mà đã hơn sáu năm, kể từ buổi chiều cô Tám Àng dắt tôi rời Phước-lai đi về Phước-kiển. Trong bóng chiềụ đổ xuống hôm nay, tôi vọng nhìn về phía quê nhà mà ngỡ như chị Hòa tôi hãy còn đứng dưới chân đồng kêu khóc không nỡ rời. Tiếng kêu khóc của chị Hòa đã đuổi theo tôi trên bảy năm nay, khi nổi lên văng vẳng, khi khuất chìm trong cơn gió bạt. Còn túp nhà nhỏ bé, nơi ghi dấu tuổi thơ và cũng là nơi chảy ướt máu mẹ cha, giữa chiều hành quân chiến đấu nầy hiện lên sao mà rõ rệt hơn tất cả mọi khi. Như in như khắc trong tâm trí tôi, dáng mẹ ngồi chết như ngồi nấu cơm chiều, dáng cha nằm chết giữa sân hai tay nhổ rời những bụi cỏ cú. Và mùi máu xen lẫn mùi rơm khô, tiếng đuốc cháy xì xèo, những thuổng đất đỏ rờ rỡ màu máu; vút lên từ huyệt mả cùng với tiếng tru thê thiết của con Phèn. Tất cả đều xảy ra từ đó, từ dưới ven cây xanh mù đó.
Trận đánh của chúng tôi bắt đầu đúng vào lúc trời vừa nhập nhoạng, lúc các quán chim vừa mới lên đèn mà bót địch thì chưa rọi qua một vệt đèn pha nào. Hành quân tới là chúng tôi uà lên nổ súng ngay, trong tiếng kèn xung phong của Lắm thổi vang. Bọn bảo an biệt lập và bọn dân vệ cả thảy có chừng hai đại đội bị đánh bất ngờ, chúng im nín chừng mấy phút rồi bắn trả kịch liệt.
Một số lính địch đầu hôm đã vào đóng lẫn lộn trong nhà dân. Sự thay đổi bất ngờ nầy, ngay từ phút đầu đã gây khó khăn cho ta, vì không thể nào bắn thẳng vào các nhà bán chim đó được. Từ trong các nhà, tiếng đàn bà và trẻ con khóc thét. Bót địch đóng ở đầu cầu và mấy cái tua ở cặp lộ bắn rà sát khiến cho anh em không sao lên được. Mỗi lần Lắm thổi dứt một hồi kèn, anh em lại nhổm dậy, nhưng đều bị đại liên và trung liên địch bắn rát, ghìm lại. Mấy anh ngã vật trên đường. Anh Dũng nhảy lên cũng bị một phát trúng chân, khuỵu xuống.
Tôi chồm tới hỏi:
- Có sao không anh?
- Không sao.
Thấy để tình thế nầy kéo dài rất bất lợi, tôi đề nghị anh Đấu cho tôi lên mặt đường bắn dập tắt hỏa lực địch.
Anh Đấu đang băng giúp anh Dũng, hỏi tôi:
- Nhắm đảm bảo không?
- Được
- Vậy em lên, cẩn thận nghe?
Tôi nói với Lắm:
- Để tao lên bịt miệng tụi nó lại rồi mầy hẵng thổi kèn!
Cõng khẩu đại liên lên lưng, tôi bò trườn dưới ruộng sình cặp theo mé lộ. Khởi và Cần bám sát theo tôi. Mặc đạn địch kêu chít chít như chuột cắn ở chung quanh, chúng tôi vẫn im lặng trườn tới từng chút từng chút. Tôi nhằm hướng cái tua đang khạc đạn dữ dội nhứt mà bò tới. Khi đã đến thiệt gần, tôi nhoài lên mặt lộ lôi vật khẩu đại liên trên lưng xuống chĩa vào lỗ châu mai bắn một loạt. Ổ đại liên địch im bặt. Biết chắc mình đã bắn chết tên địch, tui đợi tên thứ hai, bắn chết luôn nó rồi mới trở họng đại liên quét rọc bọn nằm núp cặp theo đường. Vừa bẳn dứt loạt nầy, tôi đã thấy anh em tràn lên trong tiếng kèn xung phong inh ỏi. Anh Đấu tay cầm "Côn" khoát mạnh. Cái khăn buộc trên đầu anh bay bay. Để thiệt yên tâm, tôi thọc đại liên vào lỗ chậu mai, quét ngoáy. Khởi nhảy vô lôi ra được khẩu đại liên của địch. Nhưng chúng tôi chỉ mới diệt bọn ở tầng dưới tua. Bọn địch ở tầng trên bắn xả xuống. Tôi chĩa họng đại liên lên. Bọn ở tầng trên chịu không nổi, nhảy ùm ùm xuống sông. Bây giờ chúng tôi mới leo lên tầng trên, bắn bọn còn nằm ở cặp mé lộ bên nầy. Bắn một lúc thấy đã hết sạch sẽ không còn một tên nào bắn đọt đẹt nữa, tôi day ra phía gậm cầu bắn từng phát một, nhận chìm luôn mấy tên giặc nhảy xuống sông giờ đặng cố bơi tắp vào. Xác mấy tên nầy đều bị dòng sông Lòng- tàu chảy xiết cuốn trôi đi.
Lắm Kèn đã leo lên nóc tua, đứng trên đó thổi kèn thúc tới. Anh em chạy ào lên như nước vỡ bờ. Bỗng anh Chánh tiểu đoàn trưởng từ mặt đường chạy xồng xộc tới lăm lăm trong tay khẩu súng ngắn, hỏi lớn:
- Vừa rồi ai bắn đại liên?
Nghe câu hỏi như thét đó của anh Chánh, tôi hốt hoảng nghĩ bụng: "Thôi chết rồi, không khéo mình bắn lầm anh em rồi!". Tự nhiên tôi bủn rủn cả tay chân. Chưa có khi nào tôi có cái cảm giác ghê sợ và đau đớn như khi đó. Tôi đi ra, đứng thẳng người trước anh Chánh đáp:
- Báo cáo, tôi bắn!
- Đồng chí Quyết C.1 hả?
Anh Chánh vừa nhận ra tôi, kêu lên như thế rồi nhảy tới ôm chầm tôi mà hôn chùn chụt, rồi nói:
- Đồng chí bắn hay lắm. Bắn tụi đề kháng bên mé đường nằm la hệt hết. Thay mặt Ban Chỉ huy tiểu đoàn, tôi biểu dương khẩu đội đại liên của đồng chí!
Anh Chánh còn ôm ghì tôi một lần nữa mới buông ra. Từ chỗ đang lo lắng đến phát run, tôi mừng rỡ nhẹ nhõm cả người. Anh Đấu cững chạy tới thụi vào sườn tôi:
- Thằng em mày vừa rồi bắn ngon. Đi học "cua" về bắn khác liền thấy chưa?
- Anh Dũng đâu rồi anh?
- Khiêng đi rồi, Biếc với ba đứa nữa đã khiêng Sáu Dũng đi rồi. Thấy Lắm vẫn còn ở trên nóc tua thổi kèn, anh Đấu nói vọng lên:
- Thôi mình chiếm ráo trọi rồi, đừng thổi "Tiến binh" nữa chú em. Tấu bản "Giải phóng miền Nam" lên!
Lắm kèn hạ xuống lấy hơi rồi, thổi ngay bản "Giải phóng miền Nam" Tiếng kèn dạo vô một cách hùng tráng. Kèn không mang theo lời hát mà tôi thấy hệt như trước mặt có một đội binh hùng đang xông lên và khắp nơi đang rùng rùng chuyển động. Đồng bào trong các nhà bán chim vụt đổ ra đầy đường. Ánh lửa đốt đồn bùng dậy sáng rực. Tôi thấy khuôn mặt của các ông lão bà lão một đời sống về nghề chim đó ràn rụa nước mắt. Chắc có một phần bởi tiếng kèn trỗi lên bài hát mà bấy lâu sống giữa vòng kềm kẹp của địch, bà con chỉ nghe láng máng đôi câu. Chắc bà con còn khóc vì nhìn thấy chúng tôi nữa. Người nào cũng chăm chú ngó nhìn chúng tôi, dường như bộ đội giải phóng đối với bà con phải như thế nào kia, đằng này chúng tôi bình dị quá từ bộ quần áo nhuộm màu khói cho tới vắt cơm đeo bên hông, từ cách ăn nói dạ thưa lễ phép của chúng tôi khác hẳn với bọn lính ngụy cách đây chừng non tiếng đồng hồ còn vô quán ăn quịt và đập phá.
Xóm quán dọc đường lộ bây giờ lao xao đỏ đèn đỏ bếp. Khói súng tan dần, các quán chim lại thắp đèn măng- sông sáng trưng. Một lát sau, bỗng có một ông già cùng đi với anh Bé đến gặp anh Đấu. Ông già run run nói:
- Tôi là ông của thằng Bé đây. Xóm Quán chúng tôi bao đời nay sống nhờ con chim trên ruộng. Từ ngày tụi bảo an tới đóng đồn tua, tụi nó cướp bà con cô bác chúng tôi thiệt không kể xiết. May mà đêm nay trời xui đất khiến anh em về đánh tụi nó tang hoang hết, nên cô bác đội ơn anh em trượng lắm mới cử tôi mời hết anh em đình đãi nán lại ăn miếng thịt chim, uống hớp rượu rồi sau đó hẵng lên đàng.
Anh Đấu cầm lấy tay ông già:
- Cha ... anh em tụi cháu đông lắm bác. Với lại bác thông cảm, tụi cháu đâu có ở lại lâu được ...
- Không có gì bày biện lâu lắc đâu chú. Chim, rượu đà có sẵn!
Anh Đấu kéo anh Bé lại, nói nhỏ:
- Để tôi hỏi Ban Chỉ huy tiểu đoàn cái đã!
Anh Bé nói ngay:
- Mấy ảnh cho phép rồi, anh Chánh biểu em đi kêu anh đây!
Anh Đấu theo anh Bé và ông già đi, chốc sau anh trở lại bố trí cảnh giới ở đầu cầu và mặt đường, rồi gọi một số anh em chúng tôi tới quán chim. Mới bước vô một cái quán, tôi đã nghe mùi chiên xào thơm ngát bắt đói bụng ngay.- Và tôi ngó thấy nhà treo đầy những cái lồng tre, trong đó chim cu xanh con nào cũng gù rúc, tạo nên một điệu nhạc êm ái lạ thường. Ánh đèn măng-sông trong quán rọi sáng mấy tấm đệm lớn trải đất đã bày sẵn những chai rượu đế và những ly thủy tinh.
Thể tình bà con, mỗi C cử một số anh em đến vui với bà con. Chúng tôi đến một chốc đã thấy mấy má mấy chị lẹ làng từ trong bếp bưng các dĩa chim quay chim xào ngút khói. Anh Bé đóng vai trò chủ nhà. Anh lăng xăng chạy tới chạy lui, khi thì bày thêm ly, khi thì trải thêm đệm. Chưa có khi nào chúng tôi thấy anh Bé vui vẻ hồ hởi như đêm nay. Anh trỏ vào các đĩa, tươi cười xoa xoa tay giới thiệu:
- Báo cáo các đồng chí mình đây là chim cu quay, còn đây là chim cu xào với nấm giẽ ...
Dường như anh còn định nói: "Cái món này là món đặc biệt ở xứ tôi đó!". Nhưng một bà má đã vỗ nhẹ vào lưng anh giục:
- Còn thằng Bé nầy cũng ngồi vô luôn đi!
Anh Bé
-Con mà lo gì má!
Coi bộ anh Bé không thiết lo ăn uống gì nữa thật. Hình như đêm chiến thắng tại quê nhà đã khiến anh no nê. Và được đứng tại cái xứ đầy chim béo của mình mà ngó nhìn đồng đội nếm miếng ngon là anh thấy sung sướng mãn nguyện lắm rồi. Riêng tôi, mỗi lần cầm đũa gắp một miếng thịt chim tôi lại hình dung ra quãng đường đồng tối om lồi lõm lỗ chân trâu và chạnh nghĩ: "Tội nghiệp, không biết giờ nầy Biếc với mấy đứa nữ khiêng anh Sáu Dũng về tới đâu rồi!".