Chương 3
Tác giả: Anh Đức
T ới sáng, khi tôi bừng mắt tỉnh dậy thì cô Tám tôi đã đi đâu rồi. Hỏi thằng Cồ, nó bảo má nó vô rừng hái củi. Ngày nào má nó cũng đi hái củi như thế. Mới biết cảnh nhà cô tôi còn neo túng hơn cả nhà tôi. Trời sáng bửng, tôi mới nhìn thấy rõ nhà cô tôi ở đây như bị hất ra ngoài rìa làng, cùng với năm ba cái nhà khác nằm rải rác cặp bìa rừng. Còn ở phía trong kia, ở quá cái trảng lởm chởm gai găng mà tôi đi qua hồi đêm thì có một xóm nhà đông đúc, nhô lên hàng chục nóc ngói đỏ au. Tôi gẫm thấy nhà tôi ở Phước-lai và nhà cô tôi giống nhau ở chỗ là đều ở nơi rìa làng cuối làng, ở chỗ những miếng đất đầu thừa đuôi thẹo chớ không được ở giữa làng như người ta. Mà nơi đây coi còn quạnh quẽ hơn trong nhà tôi nhìều. Sát bên nhà là rừng, và rừng thiệt là dầy, trùng trùng lớp lớp. Hồi hôm tôi chỉ thấy đại khái cánh rừng giăng ngang như một tấm màn đen lớn, giờ thì tôi thấy rừng rậm rạp, thẳm sâu. Muôn ngàn thân cây lớn nhỏ mọc ken nhau không tài nào đếm xuể. Càng nhìn rừng, tôi càng thương cho cô tôi đang một mình bẻ củi trong đó.
Cho tới lúc mặt trời đứng bóng, cô tôi mới về. Một bó củi to tướng đè nặng xuống một bên vai gầy của cô.
Tôi đến, tôi nói với cô:
- Mai cháu cũng theo cô vô rừng kiếm củi!
- Cháu còn nhỏ, chưa đi được đâu!
- Cháu đi được, cô cứ để cho cháu đi!
Tôi biết rõ cây củi bây giờ chính là sự sống. Có củi mới đong được gạo. Cho nên tôi quyết theo cô tôi vào rừng kiếm củi. Tuy mới mười hai tuổi nhưng tôi có sức, giỏi chịu cực. Hôm sau, lần đầu tiên vô rừng, tôi đã vác về một bó củi to bằng gấp đôi bó củi của cô tôi. Cái nghề bẻ củi khô này tôi thấy cũng không có gì là khó, điều chủ chốt là phải kiếm ra được nhiều vùng cây chết. Tôi vốn leo trèo bất cứ một nhánh củi khô nào trên cao cũng không lọt khỏi tay tôi. Tìm ra được một cái cây chết nào, tôi thoăn thắt leo lên đạp gẫy nhánh khô rôm rốp, và cô Tám tôi lúc đó ở dưới chỉ có việc gom lại thành bó.
Thế là trong vài ngày đầu, tôi tỏ rõ là tay lao động chánh. Cái nhà ở ven rừng từ buổi có tôi bỗng như vui hẳn lên.
Tôi quen rừng khá mau và cảm thấy thích thú vì cứ mỗi một ngày tôi lại phát hiện ra nhiều điều hay ho mới lạ của rừng. Ngoài sự kiếm củi, tôi còn làm bẫy bắt chim, bắt cheo. Tôi tóm được nhiều con thú hay lắm. Những con trĩ mầu sắc rực rỡ, những con cheo vàng rợi có đôi mắt ướt sợ sệt ngây thơ. Tôi với thằng Cồ làm siêng đan lồng nuôi những con trĩ đẹp nhất. Khi cần cô tôi có thể đem bán được món tiền khá. ở rừng, tôi thấy tự do thoải mái hơn ở Phước-lai nhiều. Rừng thời vắng vẻ thiệt đó, nhưng không bị ai bó buộc, nhất là không bị ai đuổi nhà như ở Phước-lai. Năm ba cái nhà ở cặp bìa rừng đây đều nghèo như nhà cô Tám tôi, nhưng ai ai cũng thiệt thà, đối xử với nhau như chén nước đầy. Còn như về vụ cọp, sau khi gặng hỏi thằng Cồ và bà con cô bác trong xóm, tôi được biết là ở đây cũng có cọp, nhưng nó ở đâu ấy chớ ít khi lởn vởn ra đây. Hồi đó tới giờ ở đây chưa có ai bị cọp chụp cả. Vậy nên tôi không lấy gì lo ngại thấp thỏm nữa. Phải nói là nỗi buồn về cái chết của ba má tôi day dứt tôi khá lâu, rồi sau đó cũng nguôi bớt, trừ cái ý định báo thù thì chẳng những không nguôi bớt chút nào giữa lòng tôi, mà ngược lại ngày càng thêm nung nấu. Không lúc nào tôi quên cảnh ba má tôi bị đâm bị mổ bụng, cứ vài đêm tôi lại chiêm bao thấy má tôi.
Trong chiêm bao, không bao giờ má tôi hiện ra trong cảnh chết. Má tôi hiện ra trong cảnh sống, lúc còn sống, đi đứng, làm lụng, bắt chí cho chị Hòa, vá áo cho tôi ... ấy là những giấc chiêm bao ấm cúng, dịu dàng nhất. Cũng chính vì vậy mà khi tỉnh giấc, giữa tiếng rừng xào xạc, tôi càng đau đón và căm uất, vì thực tế trả tôi lại cảnh mất mẹ, thực tế là tôi không còn một người mẹ bằng xương bằng thịt nữa. Đời sống tuy khổ cực nhưng đầy tự do thoải mái ở rừng khiến tôi có ý nghĩ rằng phải chi trước đây ba tôi lên rừng có hơn không. ở Phước-lai, ba má tôi chuyên đi gặt thuê, cấy mướn, hoặc không nhằm ngày mùa thì đi câu rê, câu nhắp. Ba tôi cũng đã từng có lúc bỏ đồng ra biển, nhưng biển lại đánh giạt ba tôi trở về đồng. Tôi nghĩ nếu ba tôi lên đây, với sức vóc của ba tôi, lo gì mà không no đủ. Song, tôi đã lầm. Dẫu sao tôi cũng hãy còn là một đứa trẻ dại, cho nên ý nghĩ của tôi ngờ nghệch lắm. ở nhà cô tôi chưa đầy một tháng, vào một buổi trưa nọ, lúc tôi vác củi về trước thì thằng Cồ chạy ra đón đường, lào thào:
- Có ông Tư, có ông Tư tới!
Tôi chẳng biết ông Tư là ông nào, mà coi bộ thằng Cồ nhớn nhác sợ sệt ra mặt. Tôi liền rùn chân, đặt bó củi trên vai xuống sân, đưa mắt ngó vào nhà. Thì tôi thấy một người không trẻ mà cũng chưa già, mặt tròn và trắng bệnh như cái bánh bao, râu cằm mọc lún phún như có rắc tiêu. Người này đầu tóc chải lật ngược láng mướt, mặc bộ quần áo bằng lụa màu mỡ gà. Y ngồi tréo ngoáy trên bộ vạt, tay cầm cây "ba-toong" mun, đầu bịt bạc.
Y vừa xoay tít cây ba toong vừa niểng đầu ngó tôi. Cha cha, cái con mắt của y coi thiệt ớn. Y ngồi yên chớ con mắt đảo lia. Vừa lúc cô Tám tôi vác củi về tới. Mới đặt bó củi xuống, thoạt nhìn thấy y, cô tôi liền chắp tay khum chào như vái. Y cất giọng lè nhè như ngủ mới thức:
- Thím Àng đi bẻ củi được khá bộn ha?
- Dạ, ông Tư mới vô chơi ...
- Chơi bời gì, tôi có rãnh đâu mà chơi. Bữa nay vô mục đích là hỏi thím coi bốn giạ lúa tôi cho mượn hồi ra giêng năm nay thím tính chừng nào mới hườn lại cho tôi, bộ tính kéo nhầy qua năm mới sao? Sự đó không nên, tánh tôi hễ cái chi thuộc về trong năm thì tính trong năm cho nó yên. Tết nhất tới nơi rồi!
Cô Tám tôi còn đang ấp úng chưa đáp sao thì y hươi ba-toong vụt đứng dậy, chậm rãi bước ra sân. Giữa lúc đó, chéo áo lụa y bay phất ngang, để lộ cho tôi ngó thấy một cái báng súng ngắn chìa ra ở bụng. Y ngó tôi, ngắm nghía tôi từ đầu tới chân rồi hất hàm hỏi cô tôi:
- Thằng nhỏ này ở đâu mới tới đây?
- Dạ nó là cháu kêu tôi bằng cô, ba má nó ở Phước- lai mới chết, nên tôi đem nó về ở với tôi ...
Nghe cô tôi nói, y ngó tôi châm bẩm, đôi mầy rậm nhíu lại như để hồi nhớ việc chi, rồi hỏi:
- Có phải con của vợ chồng cái thằng biểu đập tên Việt cộng nằm vùng mà không chịu đập đó phải không?
- Dạ, chuyện đó thì tôi không đặng rõ
Cái bộ mặt béo xị của y đang hơi cau có bỗng tươi cười trở lại. Y dịu giọng: - Nó tên gì?
- Dạ cháu tên Quyết.
Y gục gặc đầu, rồi đặt bàn tay múp míp lên vò tóc tôi, chép miệng:
- Tội nghiệp chưa, nói từng tuổi nầy mà đã mồ côi ... ở Phước-lai à? Vậy chớ nó về đây hồi nào mà tôi không hay?
Cô Tám tôi vội chắp tay:
- Dạ cháu nó lên đây mới được non tháng ...
Qua lời lẽ và cung cách của y, tôi cầm chắc y chính là Biện Tư, người đã đoạt mấy công ruộng của cô tôi. A, té ra hiện giờ cô tôi vẫn còn thiếu của y bốn giạ lúa. Tôi cứ ngỡ đâu sau khi bị mất nốt những công đất cuối cùng, thì cô tôi chẳng còn có cái gì để bị người ta bó buộc nữa.
Nào ngờ cho tới nay cũng chưa rứt ra được. Vậy mà mới lên đây ít bữa, chưa chi tôi đã thấy thảnh thơi hơn ở dưới Phước-lai. Khi lão Biện Tư ra về rồi, tôi cảm thấy rất khó chịu, như đang có một sợi dây vô hình vướng quấn ở chân. Tôi cũng hết sức lấy làm lạ, không biết tại sao khi cô tôi bảo ba má tôi chết thì y tỏ ra biết liền mọi sự. Mà sao y lại còn có súng dấu nơi bụng nữa. Tôi nghĩ lão Biện Tư chém chết cũng là tay sai Mỹ - Diệm, cũng một duộc với lũ ác ôn đã sát hại ba má tôi đây. Có thể việc đi đòi nợ cô Tám tôi chỉ là một cái cớ. Đâu như là y đi rõn coi cái xóm nhà thưa thớt ở bìa rừng này thì phải. Nhưng tôi nghĩ dẫu y có đi một công đôi ba chuyện, thì chuyện cô tôi thiếu y bốn giạ lúa y cũng chẳng bỏ qua.
Hồi đó tới giờ, tôi đã ngó thấy rất nhiều chủ nợ đặt chân tới nhà tôi hoặc bà con lối xóm mà chưa thấy có chủ nợ nào bỏ qua món nợ của họ. Tôi tính phải làm thế nào giúp cô tôi tháo gỡ ra mới được. Tôi tính mọi cách, rốt cuộc chỉ thấy có cách là bắt đầu từ ngày mai tôi phải vùi thân vô rừng cật lực kiếm củi bán lấy tiền góp nhóp trả nợ bốn giạ lúa cho cô tôi là hơn cả. Khi tôi đem cái ý định ấy thổ lộ với cô tôi thì cô tôi ứa nước mắt và không nói chi cả.
Sáng hôm sau, tôi dậy rất sớm, một ngày đi về tới ba bốn chuyến củi. Tối đến, tôi mệt nhọc ngủ mỏi mê, không còn thức trò chuyện trửng giỡn với thằng Cồ như mọi đêm nữa. Tôi làm lụng cật lực như vậy suốt sáu bẩy hôm liền. Tuy mệt nhưng tôi vui vẻ, vì cái hy vọng trả dứt được món nợ cho cô làm tôi không hề nản chí.
Nhưng lại một lần nữa, tôi đã lầm. Sự đời đâu có dễ dãi như tôi tưởng. Biện Tư nào đợi tôi làm củi xong, có món tiền để trả. Khi tôi với cô tôi làm ra được một số tiền đủ trang trải cho phân nửa số nợ thì Biện Tư tới.
Lần này, y lại khăng khăng đòi bốn giạ lúa, và kỳ hạn cô tôi phải trả trong nội nhựt hôm đó. Y hăm nếu không trả, sẽ có chuyện lôi thôi, ví dụ y sẽ cào nhà dỡ nhà chẳng hạn. Y vừa nói vừa quơ quơ ba toong, bộ tịch rất dữ dằn. Cô tôi đứng xếp re, cúi mặt xuống đất không dám ngó y.
Sau khi cà xốc cà táp một lúc, bỗng dưng y từ từ quơ ba-toong một vòng, rồi thu ba-toong về, chỏi xuống đất Y đứng chân tréo, cầm gá lên cán ba-toong bịt bạc, lặng thinh nhịp nhịp chân. Lát sau, y nhắc cầm lên, lè rè nói:
- Thôi không có trả thì tôi bày cho thím một cách. Cho thằng nhỏ này về coi trâu cho tôi ít lâu đi!
Miệng nói, tay y vít ba toong xỉa về phía tôi. Bấy giờ tôi mới hiểu. Hóa ra y muốn bắt tôi gán vô khoản nợ.
Có lẽ y nhắm tướng tôi về ở đợ cho y là rất tốt sao. Hèn gì hôm nọ y cứ ngắm nghía tôi hoài. Nghe y nói trắng ra cái điều đó, tôi đứng sững, chưa biết tính sao. Tôi thương là thương cho cô tôi với thằng Cồ. Nếu tôi không nhận chịu coi trâu cho Biện Tư, e cô tôi phải đi. Ngay lúc đó giữa đầu tôi bỗng lóe ra một ý định, hay là nhơn cơ hội này tìm biết coi kẻ nào đã giết ba má tôi. Tôi rất tức, thấy chỉ vì có bốn giạ lúa mà Biện Tư cứ xỉa xói cô tôi hoài. Thành ra tôi không chịu nổi, nghĩ bụng: "Được, tao sẽ đi coi trâu cho mày, chớ không để mày xài xể mắng mỏ cô tao!".
Tôi mạnh bạo bước tới trước mặt Biện Tư nói:
- Nè ông, tôi chịu về coi trâu cho ông đó!
Biện Tư nghe tôi nói ra cái quyết định ấy một cách chóng vánh thế đó thì hơi ngạc nhiên. Y liền cười và vui vẻ ra mặt. Trời đất, cái cười hể hả nở ra trên bộ mặt của Biện Tư sao mà đáng ghét. Thiệt tình tôi muốn sẵn trớn thoi vô mặt y một cái quá. Vừa cười, Biện Tư vừa bảo cô tôi:
- Thằng cháu thím Àng còn nhỏ mà biết điều, tôi khen nó đa!
Y khen tôi tới đâu, cô Tám tôi chảy ròng nước mắt tới đó. Cô ngó tôi với đôi con mắt thiệt đau đớn, nửa có ý như cản tôi đừng đi, nửa như bản thân cô cũng bất lực đành cam. Thằng Cồ thì nhào tới ôm tôi chặt cứng:
- Đừng đi, đừng đi anh Quyết!
Tôi dỗ dành nó:
- Em Cồ đừng lo, anh đi ít bữa rồi anh về với em!
- Hông, đừng đi, đừng đi anh!
Biện Tư thấy để tình hình này kéo dài quá thì bất tiện, liền từ từ thọc cây ba-toong tới, để tách thằng Cồ ra. Nhưng tôi hất mũi ba-toong, quàng tay ôm giữ thằng Cồ, rồi nói với Biện Tư:
- Tôi chịu ở coi trâu cho ông, mà ông phải cho tôi biết là coi bao lâu thì trừ hết bốn giạ lúa!
- Sáu tháng. Y trả lời ngay:
- Sáu tháng là coi như đứt bốn giạ lúa luôn. Đó là tôi lãnh phần thiệt, không tính cơm gạo bỏ ra ... Thím Àng à, không phải tôi làm thắt ngặt. Thím cũng biết, trâu tôi tới mấy chục con mà chẳng có ai coi, kẹt quá thể!
Giọng Biện Tư tức thì dìu hẳn xuống. Y phân trần để cho cô tôi thấy điều lợi là thuộc về cô, còn bao nhiêu sự thiệt hại dường như y lãnh hết. Tự bé tới giờ, tôi chưa hề gặp người nào như y. Đang hầm hứ dữ tợn, đột nhiên y đổi ra vẻ hiền từ hết sức mau lẹ. Quả thiệt, tôi chưa gặp mặt người nào như vậy. Nhớ lại hôm mới theo cô tôi về đây, tôi những thấp thỏm e ở sát rừng thì thế nào cũng có cọp. Cọp đâu không gặp lại gặp thằng cha Biện Tư này còn quá hơn cọp nữa. Mà thôi, tôi nghĩ miễn sao cô tôi với em Cồ tôi thoát nạn là được rồi. Chớ thân tôi, tôi không sá. Từ lúc ba má tôi chết tới nay, tôi đâm liều lĩnh ra. Tuy trí lực của tôi còn non nớt, nhưng tôi nghiệm thấy không có gì khác hơn là phải có gan chống chọi với đau thương, hờn tủi. Cách đây chỉ mới hơn một tháng, ba má tôi chết thì tôi về ở với cô tôi. Lần này rời cô tôi tôi sẽ về nơi không có ai là ruột thịt. Nhưng tôi nghiến răng tự bảo: "Thây kệ, tới đâu thì tới!".
Biện Tư nói:
- Thôi bữa nay nhơn tiện có tôi, chú nhỏ gói ghém quần áo đi luôn, để tôi khỏi tới lui mất công!
Thiệt ghê gớm quá chừng. Bắt tôi, y muốn bắt liền tay vậy đó. Tôi tức quá, nhưng cố dằn, nghĩ rằng bữa nay không đi thì mai mốt cũng phái đi, vì mình đã ưng chịu rồi. Tôi liền day qua nói với cô tôi:
- Cô cứ để con đi qua coi trâu cho người ta trừ nợ, ít lâu con về?
Cô Tám tôi nước mắt lại chảy tuôn. Rõ ràng cô không nỡ để tôi đi. Biện Tư lại giục:
- Coi có áo quần chi đó thâu tóm đặng sửa soạn đi!
- Đi thì đi, tôi khỏi có chi mà sửa soạn! Tôi nói.
Cô Tám tôi gạt nước mắt, đi lấy cái áo vải xiêm ra mặc thêm cho tôi. Cô cài cúc áo cho tôi nữa. Thằng Cồ kêu khóc, và vẫn ôm tôi chặt cứng. Nhưng lần này Biện Tư cương quyết gạt nó ra.
Biện Tư chống ba toong đi trước, vạt áo "pi-gia-ma" lụa màu mỡ gà của y bay phần phật. Tôi đi đằng sau, thấy Biện Tư quả là tên mập mỡ. Bộ tướng y gợi tôi nhớ tới ông địa ở đội lân làng Phước-lai mỗi lần Tết đến. Nhưng y không phải là ông địa đem lại những trận cười.
Tôi chửi lầm bầm trong bụng: "Tổ cha mày, tao theo mày là vì cô tao, chớ tao không ham về ở nhà mày đâu!". Tôi thầm rủa Biên Tư suốt dọc đường y dẫn tôi về nhà y.
Con Phèn chạy theo bén gót tôi. Ngặt vì sợ Biện Tư lại kiếm chuyện bắt tới con Phèn, nên tôi khoát đuổi nó trở lại. Lúc gần tới cổng nhà Biện Tư, nó mới dừng lại không chạy theo tôi nữa. Con chó thân yêu đó nó ve vẫy đuôi, tru lên mấy tiếng não ruột, và đôi mắt nó ướt rượt nhìn mãi theo tôi.