Chương 35
Tác giả: Anh Đức
S au trận đánh Mỹ ở đồng Long-phước, bà con đồn đại về tôi rất nhiều. Có người đi kiếm tôi để coi cho biết mặt. Lại nghe đâu tụi Mỹ ở Sư Anh Cả Đỏ cũng nói rằng trong trận đó có một tên Việt cộng đại liên rất khủng khiếp, và tụi Mỹ còn biết cả tên Quyết giò của tôi nữa. Về chuyện này, tôi e không có, nhưng anh em trong đại đội bảo chắc chắn có, vì họ nghe mấy anh cán bộ đâu trên tỉnh đọc thấy trong bản tin địch.
Khẩu đội tôi trở nên nổi tiếng. Đi tới đâu, chúng tôi cũng được cô bác ngợi khen, đãi đằng. Trẻ con trong xóm hễ thấy chúng tôi là kéo theo rần rần. Nhưng về phần tôi mất Khởi và Cần tôi buồn rười rượi. Rời Long- phước trở vô rừng, tôi cũng chưa hết buồn. Đi đâu đứng đâu tôi cũng nhớ tới Khởi, Cần. Đêm đến, tôi thao thức không ngủ được. Tới chừng ngủ được, lại chiêm bao thấy hai đứa nó, còn sống, vui vẻ nói cười. Sực tỉnh dậy, tôi nghĩ tới hai người mẹ của Khởi và Cần. Một người mẹ hãy còn trẻ, ngày nào gặp chúng tôi giữa đường hành quân, đã đem cho chúng tôi thuốc rê và rượu. Một người mẹ già, mắt bị mù mà chúng tôi tìm lại được rồi cõng đưa bà rời khỏi Chòm Cây Gáo về gởi ở Long- tiên. Hôm vào rừng, chúng tôi không kịp ghé qua Long- tiên để gặp má của Cần, nhưng có phân công Biếc ghé qua đó, vì Biếc và một số chị em thanh niên xung phong đưa tân binh về sau.
Chiều hôm qua về tới rừng ở sát Long-phước. Biếc đến gặp chúng tôi, ứa nước mắt kể:
- Khi em tới đó thì má đã hay tin anh Cần hy sinh rồi. Đương đan rổ, má buông ra, cầm lấy tay em. Má lặng thinh, lâu sau mới hỏi em có biết chỗ chôn anh Cần không? Lúc đó em mới nói ra. Má trách đó anh, má trách hỏi liệu em có thể nào đưa má tới mả anh Cần không? Anh Quyết ơi, lúc đó trời đã chiếu rồi, nhưng thiệt em không thể nào từ chối được. Em đã phải cầm gậy, dắt đưa má tới nhà anh Khởi, rồi cùng má anh Khởi đưa má ra mả. Má ngồi rờ rẫm giáp ngôi mả anh Cần, anh Khởi. Má nói má biết anh Khởi, vì hồi đưa má về đây, ảnh cũng có cõng má ... Má hỏi anh nữa má hỏi như vầy: "Còn một thằng cao cao, nó cõng má nhiều nhứt, thằng đó còn sống không?". Thì em biết ngay là anh, em nói anh còn sống. Anh Quyết ơi, má anh Cần lạ lắm, má không có khóc nhiều đâu, mà mình không để ý thì cũng không biết má khóc đâu. Hai hố mắt của má có lúc ráo hoảnh, có lúc lại ngập đầy. Má khóc, nhưng không có tiếng khóc nào. Chính mấy đứa em mới khóc dữ. Khi em nói với má trận vừa rồi Mỹ chết gần năm sáu trăm, và cánh đồng Mỹ chết nhiều nhất, chỗ anh Cần hy sinh, cũng ở kế đấy, thì má hỏi em: "Trời tối chưa con?". Em đáp rằng trời đã sụp tối. Má nói phải chi còn sớm thì làm ơn đưa má ra đó một chút ... Đêm hôm đó má nghỉ lại nhà anh Khởi. Ông nội với má anh Khởi ngỏ ý muốn má Cần ở luôn tại nhà ...
- Vậy má có chịu ở không?
Chưa thấy má vào, nhưng em chắc má đồng ý. Là vì có cánh đồng đó, có cái mả đó. Với lại gia đình anh Khởi tốt lắm. Ông nội và má anh Khởi đều nài nỉ ...
Tôi nói:
- Bà má ở luôn đó thì tốt quá. Má bị mù chớ đương đát giỏi lắm. Không những má đương rổ rá bán đủ sống mà còn bán lấy tiền cho bộ đội nữa kia.
Biếc nhỏ giọng, lo lắng:
- Em chỉ sợ ở Long-phước không yên.
- Sao lại không yên?
- Mình đánh tụi Mỹ chết ở đó nhiều quá, nên thế nào nó cũng trả thù. Tụi nó thù đất Long-phước dữ lắm!
Tôi cười gằn:
- Đất nước mình chỗ nào mà nó không thù, vì chỗ nào nó cũng có gởi xương gởi máu chớ đâu phải riêng gì Long-phước!
Biếc móc trong túi áo ra một tờ truyền đơn đưa tôi:
- Đây nè, tụi nó hăm hủy diệt Long-phước đây. Sáng nay em ở Long-phước sửa soạn đi về trên này thì máy bay C.47 rải giấy trắng đồng, kêu dân phải bỏ Long- phước chạy ra ấp chiến lược ...
Tôi cầm tờ truyền đơn coi, thấy lời lẽ đầy giọng hăm dọa, ngoài ra còn có vẽ hình máy bay trút bom bầy phá làng phá xóm. Tôi xé toạc tờ truyền đơn vụt bỏ, và hỏi Biếc:
- Em thấy cô bác có nao núng không?
- Cô bác hiện đang ra sức củng cố hầm núp, không có ai tính đi đâu hết!
- Phải rồi, ai dại gì chạy vô ấp chiến lược của nó. À, đoàn văn công của em Thắm bữa nay còn ở đó không?
- Hôm qua thì còn, bữa nay đi rồi. Cả đoàn gởi lời thăm mấy anh. Họ nói nếu bữa đó không có khẩu đội của anh thì nguy ... Cái con nhỏ Thắm nó cứ ghẹo em hoài. Trước lúc đi, nó còn dặn chừng nào anh với em có chuyện vui thì cấp tốc báo cho nó hay để nó rủ mấy đứa nữa về lãnh phần liên hoan văn nghệ ...
Biếc kể và bật cười nói thêm:
- Con nhỏ thiệt hết sức. À, nó dặn anh lâu lâu gởi thơ cho nó!
Tôi cũng cười. Cả tôi lẫn Biếc lâu nay chưa tính gì hết. Chúng tôi thương yêu nhau nhưng không tính gấp. Trước mắt chúng tôi chỉ mong sao được như thế này, cùng đi diệt Mỹ, trận nào cũng có mặt bên nhau là vui nhất rồi. Vả lại thực tế cứ mỗi một ngày qua là Mỹ lại đổ thêm quân vào ồ ạt. Cách đây mấy hôm, chúng tôi được phổ biến sẽ phải đánh thêm quân Úc, vì một trung đoàn quân Úc sắp đổ xuống đóng chốt Núi Đất.
Đội quân Úc ấy là một đội quân như thế nào, điều đó anh em chúng tôi chưa được biết rõ, chỉ có đợi giáp trận mới biết. Nhưng anh Ba Đấu có nói vỏn vẹn một câu: "Tụi Úc nầy là một tụi rất thiện chiến!". Anh Sáu Dũng thì có giải thích thêm cho chúng tôi biết rằng nước Úc hiện có một chánh phủ phản động làm tay sai cho Mỹ. Vì phải lệ thuộc Mỹ đủ thứ nên Mỹ khiển nó xâm lược nước mình như tụi Nam Triều Tiên, như tụi Phi Luật Tân, Tân Tây Lan. Anh Dũng bảo đây là điều đáng ghét nhưng cũng đáng mừng là vì Mỹ bị ta đánh phủ đầu nhắm bề không kham nổi nên phải kéo thêm tụi chư hầu tiếp tay. Tất cả những tin tức và những diễn biến mới này rốt cuộc càng làm cho tôi lo lắng về khẩu đội đại liên của mình. Bây giờ ngó khẩu đại liên, tôi muốn ứa nước mắt. Khắp trên thân súng, chỗ nào cũng có vết bom cào đạn cấu. Khẩu súng bị thương bấy cả mình mẩy, nhưng vẫn còn rất tốt. Tuy nhiên, sau trận ác chiến với Mỹ mới rồi, chúng tôi lại phải bỏ hẳn cái nòng đi. Như vậy là chúng tôi đã thay tới cái nòng thứ tám. Chẳng biết chúng tôi sẽ còn thay đến cái thứ mấy nữa.
Sáng nay, Lắm từ trên đại đội vác về cái nòng đại liên mới, và cùng đi về với Lắm có hai anh chiến sĩ mới:
- Mấy ảnh bổ sung hai "chư" này cho khẩu đội mình đây!
Tôi ngó thoáng qua thì đã biết ngay là hai tân binh người dân tộc Châu-ro. Để tranh thủ thời gian, ngay trưa hôm đó tôi gọi hai anh Châu-ro ra giới thiệu khẩu đại liên với họ. Vừa tập cho họ làm quen với khẩu súng, tôi vừa hỏi thăm. Được biết hai anh từ sóc Cà-ná lên. Một anh tên là Luông, một anh tên là Dên. Cả hai có cái cười hồn nhiên chân chất như hầu hết những người Châu-ro khác. Đặc biệt hai anh rất rành rừng, rành suối. Buổi chiều, họ nấu cho khẩu đội một món ăn Châu-ro rất lạ: cá nấu với ngó mây. Hai thứ bỏ một lượt vào ống tre non mà đốt thì do anh Luông bắt dưới suối. Còn ngó mây thì do anh Dên moi về.
Bọn Mỹ đã làm đúng cái điều tàn ác mà chúng đã báo trước. Vài ngày sau khi rải truyền đơn thúc dục bà con rời bỏ xóm làng, tập trung ra ấp chiến lược, chúng bắt đầu liệng bom xuống Long-phước. Ngay từ đầu, địch đã lộ rõ ý định hủy diệt cái xã rất trù phú này. Máy bay phản lực F.105 cùng với loại "Skai-rai-đơ" thay nhau oanh tạc từ sáng tới tối. Tiếng bom vang động đến tận khu rừng chúng tôi đóng quân. Nóng ruột quá, mấy lượt tôi xin với anh Đấu cho khẩu đội tôi bám ra Long-phước bắn máy bay, anh Đấu cương quyết không cho. Cả tiểu đoàn được lệnh phải nín im, tuyệt đối không được nổ một phát súng nào, mặc dù có lúc vòng đảo của máy bay đích lọt vào tầm súng. Thấy tôi chịu không nổi, rột rẹt chạy tới chạy lui hoài. Anh Đấu nói: "Đành chịu thôi em, mình cần thiết phải giữ sao cho nó tưởng mình không có ở đây!".
Đêm đến, một số chúng tôi được lệnh ra Long-phước để đưa tất cả bà con vào rừng, đề phòng ngày mai địch tiếp tục oanh tạc. Khẩu đội tôi ra tới Long-phước vào lối bảy giờ. Chúng tôi đau điếng ngó thấy xóm làng thân yêu bị bom đạn tàn phá dữ dội. Tứ bề đâu đâu cũng có khói và lửa. Trong ánh lửa cháy sáng, tôi thấy những ngọn tre oằn oại, những mái tranh bay tung lên trời.
Và tiếng các mẹ, các chị, các em kêu khóc lẫn trong tiếng tre nổ lốp bốp. Trâu bò lớp còn sống lớp bị thương tháo chạy, kêu rống thảm thiết đầy đồng.
Chúng tôi chạy tới nhà ông nội Khởi thì thấy ngôi nhà đã cháy trụi. Không còn có ai ở đó cả. Tim tôi như rớt đi đâu, cổ họng tôi nghẹn lại. Tôi hô anh em đi cõng các em nhỏ ra khỏi lửa, rồi đưa ngay các em đi. Trên đường vào rừng, tôi cõng xóc một lúc hai em mà chạy, để còn có thể mau mau trở lại, giúp đưa bà con khác đi. Chạy dọc đường, tôi chợt nghe có tiếng ông nội Khởi. Tôi bám tới, gặp ông đang bươn đi với má Khởi. Mừng quá. Tôi hỏi lớn:
- Nội đó hả nội?
- Thằng nào đó bây?
- Con, thằng Quyết đây?
Ông Chín dừng lại, mừng rỡ:
- ủa, mày đó hả Quyết? Tao không có sao đâu, nghe. Nhà thì cháy ráo trụi, mà điều tụi tao thì bình an vô sự ... Còn bà Tư má thằng Cần cũng không sao. Cái con nhỏ gì quen với mầy nó đương cõ bà Tư đi đằng trước kia kìa!
Tôi thở phào, nhẹ cả người. Ông Chín coi có vẻ chẳng tiếc rẻ gì cái nhà cháy cả. Còn Biếc thì tôi phải phục lăn cô ta. Chính cái nỗi lo ghê gớm nhất của tôi, Biếc cũng đã lo và gỡ trước. Tôi cúi người, xốc lại hai em bé gái lạ mặt trên vai, đi rấn tới. Gần đến bìa rừng, tôi bắt kịp Biếc đang cõng bà Tư. Tôi khẽ kêu:
- Biếc đó hả?
- Anh Quyết, anh cõng ai vậy?
- Hai đứa nhỏ, không biết là con ai.
Biếc nói với bà Tư:
- Má ơi, có anh này quen nè, má thử nhận ra coi?
Bà má ngước cặp mắt tối om, hỏi qua vai Biếc:
- Chú nào đó?
- Con đây, con cõng má hồi ở Chòm Cây Gáo đó má ...
Giọng bà má rất tỉnh:
- Má nhớ ra rồi. Con là thằng con cao nghều đó chớ gì!
- Dà.
Bà má mù ấy im lặng. Có lẽ bà còn định hỏi tôi câu gì, nhưng rồi không hỏi nữa.
Bây giờ tôi mới hết lo, và có cảm tưởng cái bàn tay vô hình từ trước bóp chặt tim mình, nay chợt nới lỏng ra.
Cả ngày hôm sau, máy bay Mỹ tiếp tục oanh tạc Long-phước và mấy xã kế cận. Trọng pháo mỹ từ các chiến hạm thuộc hạm đội Bảy gầm lên. Những quả đạn lớn không thua trái bom nổ tung giữa xóm, giữa đồng và trong rừng. Dưới sức tàn phá của bom và đại bác cỡ lớn, xã Long-phước hoàn toàn bị hủy diệt. Quân Úc với phương tiện trực thăng vân đã đổ ba tiểu đoàn xuống đóng chốt Núi Đất. Cái đội quân được chở từ xứ Úc đến là một đội quân được huấn luyện đặc biệt đánh rừng núi. Có lẽ chính vì vậy, nên ngay sau khi mới lập nên cứ điểm ở Núi Đất, quân Úc đã sục ngay vào rừng. Chúng tôi hân hạnh được đón tiếp chúng tại suối Lồ-O v một buổi sáng nắng hửng. Bây giờ trên những vành mũ tai bèo của chúng tôi đều cài khẩu hiệu:
"Kiên quyết lấy máu giặc rửa thù Long-phước" và "Quyết đánh thắng quân Úc trong trận đầu trả thù cho đồng bào Long-phước!".
Khẩu đội tôi vừa chiếm lĩnh bờ suối bên này thì địch xuất hiện. Lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy quân Úc qua những cành lá rừng. Bọn chúng vóc dạc rất đều nhau, mặt mày hao hao giống bọn Mỹ, nhưng trang bị khác hẳn. Chúng không đội nón sắt mà lại đội nón vải bẻ quặp vành trông như nón "com-măng-đô" Tây. Chúng tiến quân thận trọng, đội hình không dày, xen kẽ không đều, rõ ràng là rất khó cho thứ hỏa lực nào muốn diệt chúng ở một chỗ. Tôi thầm nghĩ: "Tụi nầy khôn thì tao bắn xé lẻ!" Ngay mấy loạt đầu, tôi chỉ cắt hai ba viên, nhằm vào những tên sắp sửa lội qua suối. Năm sáu tên xấu số nhất trong bọn đã ngả xuống bên bờ suối để không bao giờ có thể trở lại xứ Úc của chúng nữa.
Những tên Úc đi sau, hơi chựng lại, nhưng rồi tức khắc xông lên, tràn qua suối ào ào nhanh đến nỗi tôi có cảm tưởng như chính những viên đạn mình bắn ra đã đẩy chúng vọt tới. Bờ suối mấp mô nhiều tảng đá, vậy mà không có một tên Úc nào vấp víu hoặc trượt té.
Chúng vừa lội qua dòng suối cạn vừa chĩa súng bắn, nhịp tiến bình tĩnh, vững chắc: "Anh Đấu nói đúng, tụi Úc này khá đây!". Tôi nghĩ bụng và bỗng dưng thấy hào hứng. Gần đây tôi có tâm trạng đó, rất ham thích được chạm mặt với bọn địch có danh tiếng hoặc với bọn địch hung hăng ví dụ như Úc, hay Nam Triều Tiên.
Chỗ chúng tôi ở bờ suối bên này có thể cao hơn chừng một thân người, so với chỗ bọn Úc đang tiến lên. Chúng tôi ngó thấy tận mắt từng tên Úc. Phải nói là chúng được tuyển chọn rất khéo, tên nào cũng to lớn, mạnh khỏe y hệt như nhau. Nước da chúng đỏ hồng hào, mắt màu tro, mũi thấp hơn mũi lính Mỹ. Quần áo, súng ống của chúng còn mới tinh, bóng láng. Tóm lại đó là những tên lính coi rất ngon mắt.
Đại đội tôi nổ súng. Riêng tôi bắn xiết một tràng dài. Chỉ có ba tên Úc sống sót chạy tóe nước trở lại bờ bên kia. Chúng bắn trả lại nhiều loạt.
Tôi bỗng thấy đau nhói ở vai trái. Lắm nhìn máu chảy rỏ xuống tay tôi thì giành lấy súng:
- Đưa tao, lo băng
Tôi rờ coi, nhận ra viên đạn cũng chỉ lểu qua, nên nói:
- Không có gì, lát nữa hẵng tính!
ở phía sau, đại đội tôi đang chuẩn bị xung phong.
Anh Ba Đấu bò riết tới chỗ tôi hỏi:
- Sao, bị thương à?
- Nhẹ xều thôi anh!
- Vậy em xiết một giây nữa cho anh em qua!
Tôi gật đầu, bắn rất rát ở quá bờ suối bên kia, nơi bọn Úc đang nhấp nhổm muốn tràn sang. Đại liên tôi nổ vừa dứt, anh Đấu cầm súng ngắn dẫn đại đội ùa qua suối. Quân Úc bị đánh nột, chạy dùa ra cánh đồng ven rừng. Tại đây, chúng bắt dầu dở trò hèn hạ. Tất cả bọn chúng dừng lại giữa đồng mở túi lấy mặt nạ phòng độc ra đeo. Trước trông chúng còn là lính, giờ coi chúng hệt như một bầy heo biết đứng, biết cầm súng. Là vì những mặt nạ phòng độc nầy có cái mõm rất giống mõm heo. Cỡ một trung đội lính Úc sau khi đeo xong những cái mặt nạ kỳ cục ấy, liền dùng vòi mà xịt chất độc hóa học chứa trong các bình chúng mang trên lưng, Chất độc bắt đầu lan tỏa trên cánh đồng như một màn sương.
Đang cho đơn vị truy kích, anh Đấu hạ lệnh dừng lạị. Anh nói ta không dại gì mà quần nhau với chúng trong kiểu chơi trội dó. Chúng tôi bám giữ bìa rừng.
Quân Úc không vào nữa. Đợi hoài thấy chúng tôi không ra, quân Úc bỏ khu rừng mà chúng nhắm bề chưa thể vào được, bỏ lại cánh đồng vừa mới phun chất độc trắng tợ sương đó mà rút về Long-tân. Chúng tôi cũng được rời khỏi nơi đó. Trên đường rút, đại đội tôi bị quân Úc gọi pháo Núi Đất, Cây Cầy, Vườn Tiêu bắn tới. Những loạt pháo bầy nổ xé rừng. Chúng tôi nằm cả xuống. Dứt một loạt pháo, tôi bỗng nghe ở trước tôi có tiếng kêu:
- Quyết ơi! Tôi chạy tới thì gặp anh Sáu Dũng nằm nghiêng, hai chân đều bị mảnh pháo cắt đứt. Anh Sáu Dũng giương mắt nhìn tôi, rồi đưa tày rờ vai rò mặt tôi một cách âu yếm và nói:
- Em cất tài liệu, cất súng cho anh
Tôi tháo lấy cái xắc-cốt và khẩu súng ngắn của anh Dũng đeo lên vai, giao lại khẩu đại liên cho anh Dên, tôi cúi xuống định cõng anh Dũng. Nhưng anh lắc đầu, tỏ ý bảo tôi đừng cõng anh nữa. Trong phút đó, anh không muốn chúng tôi nấn ná lâu bên anh mà muốn chúng tôi vượt nhanh qua khỏi bãi pháo. Nhưng tôi không nghe, vẫn cúi khom lưng một mực kêu anh em đưa anh Dũng lên. Khi quàng hai cánh tay anh Dũng ra trước ngực mình, tôi biết anh khó sống, vì tay anh đuối quá cứ buông thõng thượt. Nhưng càng biết rõ điều đó tôi lại càng quyết đưa anh đi. Pháo vẫn chụp xuống rừng. Cây cối bị mảnh pháo chém sả, gãy rốp rốp. Lá rừng rụng lào xào. Tôị cõng anh Dũng chạy theo sau là Lắm Kèn, Đó, Luông và Dên. Chốc sau, pháo cắm phầm phập vào các thân cây nữa. Nhưng tôi nghe anh Dững nói bên tai, giọng tỉnh táo:
- Trong xắc-cốt có cái giấy trên quyết định chánh thức Đảng cho em, em nhớ nói với anh Ba Đấu để báo trong cuộc họp Chi bộ tới ...
Tự nãy giờ máu nơi chân anh Dũng chảy rất nhiều, chảy rỏ giọt xuống gót chân tôi. Dần dần máu bớt chảy, và tôi không còn thấy máu nhễu xuống gót chân tôi nữa.
Anh Dũng chết trên vai tôi giữa lúc pháo địch hãy còn gầm lên dữ dội.
Một lần nữa, tôi có cảm tưởng lập lại y hệt như lần tôi cõng anh Ba Lúa giao liên ba năm về trước. Cả anh Ba Lúa và anh Dũng đều trút hơi thở cuối cùng và rỏ giọt máu cuối cùng trên vai tôi. Đó là kỷ niệm căm thù, kỷ niệm thươmg yêu luôn trĩu nặng vai tôi suốt đường dài hành quân diệt giặc. Trong nỗi đau đớn mất một người anh, một người chỉ huy đã đánh giặc trước tôi hơn mười lăm năm, tôi lại thấy vinh dự và tự hào được cõng thân xác một con người như vậy trên vai.
Buổi chiều, chúng tôi chôn cất anh Dũng nơi cánh rừng đơn vị đóng tạm lại. Lúc anh Ba Đấu nói qua tiểu sử và quá trình tham gia cách mạng của anh Dũng, tôi mới biết anh thuộc thành phần tiểu tư sản chớ không phải nông dân. Nhờ đi theo cách mạng lâu, anh sống y như chúng tôi, dãi dầu mưa nắng riết rồi không còn màu tiểu tư sản gì nữa. Ngẫm nghĩ cái chỗ đó, tôi càng thêm thương anh. Trời sụp tối chúng tôi lại vội vã hành quân. Ngay trong đêm ấy, chúng tôi tới Long-tân. Và trong vòng nửa tiếng đồng hồ, cả tiều đoàn tôi không còn ở trên mặt đất nữa. Tất cả chiến sĩ và thanh niên xung phong đều xuống hết dưới địa đạo. Chúng tôi được lệnh ém mình dưới các con đường hầm đó cho đến khi nào có lệnh trồi lên xuất kích. Theo tin kỹ thuật thì hai tiểu đoàn quân Úc hiện gom về cụm hành quân dã chiến đóng tại các lô cao-su Long-tân, nhứt thiết ban ngày sẽ bung ra. Tin còn cho chúng sẽ hành quân càn quét trọn một tuần.
Dưới địa đạo hơi ngột ngạt khó thở và có nhiều muỗi. Chúng tôi lấy cơm vắt ra ăn, rồi cầm mũ tai bèo mà quơ muỗi. Trong đường hầm, chúng tôi nói chuyện không thành tiếng, nói như thở, lào xào. Thỉnh thoảng có tiếng cười rúc rích, tiếng thụp lưng, rồi tiếng một anh nào đó thở khì, nằm kềnh ra. Có quãng đường hầm được thắp sáng bởi những cây đèn cầy đỏ. Phần lớn đó là quãng địa đạo của các cô thanh niên xung phong.
Chỉ có các cô mới có sẵn đèn cầy như vậy. Nhờ sự chu đáo lo xa của các cô, mà những quãng hầm kế cận cũng được sáng lây. ấy là nhờ một vài cây đèn cầy của các cô tặng, hoặc các chiến sĩ bò tới xin. Tôi nhìn thấy Biếc ngay từ lúc Biếc thắp đèn cầy, ở tận quãng hầm trong. Đầu tiên tôi thấy cái bật lửa bật nháng lên, cây đèn cầy cháy, rồi khuôn mặt Biếc hiện ra. Tôi đang mệt đuối lại buồn ngủ, định dựa lưng vào vách địa đạo chợp mắt thì ngó thấy Biếc như thế, và tự nhiên hết buồn ngủ. Cuộc chiến đấu đổi hình đổi dạng thiệt mau.
Mới đánh nhau với quân Úc trên mặt đất, ở giữa rừng, bây giờ chúng tôi đã vùi mình xuống lòng đất sâu tới năm bảy thước. Đường hầm nằm trong vùng đất đỏ rói, nên không mấy chốc chúng tôi đều bị nhuộm hồng.
từ mặt mũi tới áo quần. Cái gì cũng hồng, kể cả thép súng, đôi dép cao su, ánh sáng ngọn đèn cầy đằng chỗ Biếc. Trong quãng hầm nầy còn tối, nên tôi ngờ đâu tôi có thể ngó thấy Biếc mà Biếc chưa nhìn thấy tôi. Không ngờ sau khi thắp sáng cho tiểu đội nữ của mình, Biếc còn đốt thêm một ngọn đèn cầy khác đem lại chỗ chúng tôi.
Lắm Kèn nhổm dậy:
- Thấy chưa, tao đã nói khẩu đội mình có phần, không cần gì lo mà!
Lắm Kèn đón nhận cây đèn cầy của Biếc, nhễu sáp cháy xuống đít cái ca Mỹ để cặm. Lắm đon đả mời Biếc ngồi chơi. Biếc ngồi xuống bên cạnh Lắm và hỏi:
- Sáng nay đụng tụi Úc mấy anh thấy sao?
Lắm chặc lưỡi:
- Riêng tôi thì chưa thấy gì. Công nhận nó mới tới mà đã khôn hơn Mỹ, nhưng cũng không xuất sắc lắm. Mới bị đánh đùa ra đồng đã xài chất độc, rồi thấy mình không chịu chơi thì dông
Tôi nói:
- Tụi nó vận động lẹ làng, đánh kỹ lắm, mình phải coi chừng ... Nhưng bữa nay mới đánh sơ sơ cũng chưa biết, để đụng thêm vài trận nữa coi sao ...
- Không biết mình ém ở đây rồi có đụng tụi nó không, chớ muỗi cắn quá xá!
Biếc nói:
- Tụi em ít bị muỗi cắn, coi như không bị cắn!
- Sao hay quá vậy?
Biếc cười, tiết lộ:
- Tụi em có thuốc muỗi mà!
- Trời đất - Lắm kêu lên: - Cho anh em xin một chút coi, bộ mấy cô này biết trước là sẽ xuống địa đạo hay sao mà thủ đủ thứ hết vậy ta!
Biếc đi về lấy đem lại một chai thuốc trừ muỗi, thứ của Mỹ hay dùng. Lắm mở nút chai, dốc ra xoa tay xoa chân rồi trao cho tôi. Tôi xoa xong chuyền cho Đó. Quả nhiên một lát sau, chúng tôi thấy muỗi không dám xáp vô nữa.
Lắm buột miệng khen:
- Mẹ, ba thằng Huê Kỳ chế thứ này khá thiệt. Muỗi dạt hết trơn!
Tôi bảo:
- Tao thấy đồ Mỹ thứ gì mầy cũng khen.
- Ủa, nó là thằng xấu, nhưng nó chế đồ tốt thì mình phải nhận nó chế đồ tốt chớ!
Tôi gạt ngang:
- Không, nó chế đồ tốt để đi phá xứ mình thì là xấu tao dứt khoát không khen!
Tôi và Lắm thường tranh cãi với nhau nhưng không khi nào ngã ngũ. Biếc cười, đi trở về quãng hầm của tiểu đội nữ rồi mà tôi và Lắm vẫn còn cãi mãi một lúc nữa mới trải ni lông, lăn ra ngủ. Đêm ấy, chúng tôi ngủ tuốt một giấc tới sáng và được đánh thức bằng tiếng pháo địch bay veo véo qua đầu. Sau gần nửa tiếng đồng hồ nã pháo, chúng tôi được biết quân Úc từ cụm đóng quân đã bắt đầu xỉa ra. Hướng xỉa ra của chúng lại nhè đúng vào vùng lô cao-su non mà chúng tôi hờm sẵn ở bên dưới, theo địa đạo hình vòng cung dài tới ba cây số. Trong suốt ba cây số đường hầm đó có rất nhiều miệng hầm trổ ngách mà bên trên mọc những cây cao su non mới ba tuổi. Vùng này tôi đã có lần đến. Đó là một vùng lô cao-su rất đẹp. Đất đỏ như trải thảm hồng, và từng hàng cao su xanh mướt, đều đặn, thẳng tắp.
Quân Úc đang tiến ra giữa những hàng cây cao-su non ấy. Chắc chắn là chúng yên chí cho rằng chúng tôi còn ở cách đó quá xa, ở tận trong khu rừng mà hôm qua chúng vừa rờ đụng. Còn ở đây, chúng chỉ mới rời cụm đóng quân có vài trăm mét mà thôi. Ngồi dưới đường hầm tôi nghĩ mà phục lăn mưu sâu do Ban chỉ huy tiểu đoàn sắp đặt. Lẽ ra thì nhử cọp khỏi rừng, đằng này lại đánh cọp gần hang.
Đại đội hai được lệnh đưa quân từ dưới đất trồi lên, vì trung đội xích hầu Úc đi găm ngay vào khu vực đó. Đại đội tôi vẫn ngồi im dưới địa đạo. Bấy giờ, tất cả chúng tôi đã chực sẵn ở các miệng địa đạo xương sống. Người này ngồi sát lưng người kia, đạn đều lên nòng lửa. Tôi ôm đại liên ngồi ngay sau anh Đấu, nghe súng đại đội hai nổ ran. Tôi nhận ra cả tiếng đại liên anh Bé, thầy đại liên cũ của tôi. Không đầy mười phút, anh Hòa, chiến sĩ thông tin mới điều về, nghe máy PRC10 rồi báo với anh Đấu:
- Trung đội xích hầu Úc đã bị C2 tiêu diệt, C mình chuẩn bị!
Anh Hòa nghe máy, truyền lệnh như gào:
- C1 sẵn sàng, địch đang tiến về phía các đồng chí!
Anh Đấu quay lại dặn tôi:
- Chừng lên, anh sẽ lên trước. Em đưa súng lên cho anh. Dặn chuyền anh em bình tĩnh, chưa phải địch ở ngay trên miệng hầm đâu!
Anh Đấu nói và thít chặt cái khăn rằn buộc đầu, quắc mắt nhìn anh Hòa, chỉ đợi anh Hòa mở miệng là đẩy nắp hầm tung lên. Anh Hòa vẻ mặt căng thẳng, chờ đợi. Bỗng anh áp sát tai vào ống nghe, hỏi giật giọng:
- Sao, thụt lại rồi à? ... Lên hết à?
Nh anh Đấu, anh Hòa nói nhanh:
- Báo cáo anh, tụi Úc đang tiến bỗng nhiên lùi lại. Lệnh của D tất cả lên khỏi địa đạo, đánh thẳng vô cụm đóng quân của tụi Úc. C1 mình có nhiệm vụ đánh thọc vô chỉ huy sở tụi nó ở khu nhà thiếc ...
- Chuyền lệnh: tất cả xuất kích theo tôi. Đại liên Quyết giò xé trước, rõ chưa?
- Rõ!
Anh Đấu xô bật cửa hầm, chỏi tay nhẹ nhàng nhảy phốc lên. Anh cúi xuống vớ khẩu đại liên của tôi. Chúng tôi lần lượt nhảy lên. ánh sáng bên trên làm tôi lóa mắt một chút. Nhưng rồi cảnh vật dịu dần. Trong buổi sớm mát mẻ, không khí đầy ắp, dễ chịu, tôi ngó thấy bóng quân Úc đang lom xom trong lô cao-su non. Xa tuốt trong kia, thấp thoáng những mái màu xám khu nhà thiếc, trước là của hãng Síp nay là chỉ huy sở hành quân của tụi Úc. Anh Đấu trỏ khu nhà thiếc, bảo tôi:
- Cắt vô đó nghe!
Tôi xốc đại liên, gật đầu. Anh Đấu rút "Côn 12" vung lên, dẫn đại đội chạy tới. Chúng tôi vọt theo, trong tiếng kèn của Lắm đã trỗi dậy, dồn dập: Lắm thôi bản "Tiến binh" ré lên, lảnh lót. Tôi nổ súng như mưa vào khu nhà thiếc, xé tan những tên ức lố nhố trên đường tiến của đại đội tôi. Nhưng bọn địch hai bên bắn chéo sườn và đại liên của chúng từ nhà thiếc đã nổ rộ. Đại đội tôi bị ghìm lại giữa vườn cao-su, không tiến tới dễ dàng như trước. May sao, chúng tôi chiếm được một quãng chiến hào cạn mà quân Úc vừa bỏ chạy.
Chiến hào ngổn ngang xác lính Úc. Chúng tôi kéo những thây lính Úc liệng dồn lại. Tôi đặt súng, bắn thẳng vào khu nhà thiếc cả một thùng đạn chiếc. Trong nhà thiếc, đại liên địch câm bặt. Tôi mừng rơn, tưởng đâu dập tắt được hoả lực đại liên địch là ổn. Nào ngờ, mới vừa nhổm dậy, tôi thấy có cả trăm tên Úc bò đầy trong các lô cao-su trước mặt. Hạ thấp nòng súng, tôi bắn thiệt cắm vào bọn Úc đó. Tiếng kèn của Lắm đang thổi dồn bỗng tắt ngang. Tôi ngó ngoái thấy người Lắm chợt cong lại. Một tay Lắm vẫn cầm kèn nhưng một tay ôm bợ lấy bụng. Biết Lắm đã trúng đạn vào bụng, nhưng tôi vẫn phải bấm môi tiếp tục bắn bọn Úc. Thình lình tôi lại nghe tiếng kèn trỗi dậy. Bản "tiến binh" vang xé hồi dục dã nhút. Dứt loạt đạn, nhân lúc chờ anh Dền kéo đạn trong thùng ra lắp, tôi quay ra sau. Bây giờ Lắm đã đứng thẳng, tay trái ấn nhét mớ ruột hồng hồng của mình trở vào, tay phải cầm kèn thổi. Trong hồi kèn ghê gớm ấy, anh em trong đại đội tôi lắp lê sáng lóe trên đầu súng, nhảy l khỏi chiến hào chạy tới đâm sần sật vào bọn Úc. Giữa những tiếng rú khủng khiếp của bọn Úc và hồi kèn vừa thổi dứt, tôi nghe một tiếng "phịch" ở sau lưng. Quay lại, tôi thấy Lắm vừa ngã xuống, tay vẫn còn cầm kèn.
Lắm đã té xuống chết ngay sau khi thổi dứt hồi kèn dữ dội đó. Đó nhảy tới đỡ Lắm lên. Tôi hổn hển nói:
- Vác Lắm theo tôi!
Tôi nhảy lên khỏi chiến hào, xông thẳng vào nhà thiếc. Trong cái nhà thiếc lớn nhất, có bốn năm tên Úc đang quờ quạng chạy ra. Tôi bắn chúng rồi xổ vào. Trên một cái bàn lớn cùng những chai rượu và ly cốc, có hai máy bộ đàm đang còn kêu rồ rồ. Tôi la:
- Đem Lắm vô đây!
Đó vừa vác Lắm vào, tôi quơ súng gạt đổ tất cả chai rượu, ly cốc, máy bộ đàm xuống đất và phụ với Đó khiêng Lắm đặt nằm ngay lên bàn. Lát sau, anh Đấu vào. Ngó thấy Lắm, anh nhảy tới ôm choàng ngang người Lắm, gục đầu trên ngực Lắm một lúc mà ngẩng dậy. Tôi nói với anh:
Mình chiếm luôn nhà nầy làm chỉ huy sở, anh Ba!
- Được, chiếm luôn!
Ngôi nhà thiếc mới đó còn là chỉ huy sở của quân Úc nay hoàn toàn lọt vào tay chúng tôi. Trước hết, nó được dùng làm chỗ quàn thi thể Lắm cho đến khi chị em Biếc tới đưa Lắm đi. Sau đó, ngôi nhà là nơi tiếp tục làm chết thêm mấy chục tên Úc khác. Bọn Úc này chưa biết chỉ huy sở của chúng đã bị chiếm, cứ nhè đó mà chạy vào. Tới chừng phát hiện được chỉ huy sở đã. bị mất, chúng dùng súng bắn pháo hiệu bắn liên tiếp lên trời mấy trái khói nổ lục bục mấy vầng khói đỏ lòm.
Vào lối mười giờ, cụm đóng quân Úc bị quân ta tràn ngập. Gần bảy trăm tên Úc bị tiêu diệt. Những tên còn lại chạy tháo về Núi Đất. Tới một giờ, có hai chiếc "cầu tiêu" lên quần trên trận địa một lúc rồi thả xuống những trái pháo điểm bốc khói màu da cam.
Chúng tôi được mệnh lập tức rút ra khỏi trận địa, vì Ban chỉ huy nắm được trái khói mầu da cam là ám hiệu địch gọi hủy diệt.
Tối hôm ấy về đến chỗ đóng quân tạm, tôi được tin Biếc đã bị thương trên đường đưa thi thể Chị trung đội trưởng của Biếc nói:
- Tốp khiêng thương của Biếc bị trực thăng bắn ở trảng Ba Mặt. Đang khiêng một đầu võng của Lắm thì Biếc bị đạn ở đùi. Nó ráng sức khiêng gần vô tới bìa rừng mới khuỵu xuống. Tôi cõng nó chạy tới rừng, ngó lại thấy Mỹ nhảy giò đầy trảng ...
Thấy tôi lo lắng ra mặt, chị trung đội trưởng chụp tay tôi lắc:
- Không sao đâu ông ơi, đạn không có trúng xương đâu, nằm quân y ít bữa là lành trơn thôi!
Tôi gỡ tay chị ra, nghĩ bụng: "Sao chị ta lại biết không trúng xương? Chị ta có phải là bác sĩ đâu!".
Lát sau, anh Đấu gặp tôi hỏi:
- Hay tin Biếc bị thương chưa?
Tôi gật. Anh Đấu tiếp:
- Biếc được đưa lên quân y tiểu đoàn rồi. Bác sĩ Quang ở trạm phẫu thuật nói vết thương của Biếc, chắc chắn không chạm xương, vì nếu chạm gẫy xương thì không thể khiêng cáng được ... Đưa mắt nhìn tôi, anh Đấu nói:
- Em ăn cơm chưa, đi ăn cơm đi rồi ngủ một giấc, vì sáng mai em cũng phải đi rồi!
- Đi đâu anh?
- Trên khu mở đại hội chiến sĩ thi đua và dũng sĩ diệt Mỹ. Tiểu đoàn mình cử năm anh, trong đó có em. Ngày mai phải lên đường rồi, vì chỉ còn có một tuần nữa đại hội khai mạc!
- Đi bao lâu anh?
- Bao lâu anh cũng chưa biết Cầm chắc một tháng nhưng cũng có thể hai tháng. Vì sau khi bầu ra chiến sĩ và dũng sĩ tại khu, những anh nào xuất sắc nhất sẽ đi dự đại hội anh hùng toàn miền Nam lần thứ hai ...
Tôi lo lắng kêu lên:
- Cha cha, đi gì mà đi lâu dữ vậy. Thôi mấy anh làm ơn viết giấy kể rõ tụi em đánh Mỹ ra sao, gửi lên trên cũ chớ gì!
- Em nói giỡn hoài. Các em đi đại hội lần này là rất vẻ vang, như đi đánh giặc. Không phải đi cho riêng mình, mà cho cả tiểu đoàn. Thôi lo thu xếp, sáng mai lên tiểu đoàn nghe mấy ảnh nói chuyện. Chiều mai, em có thể tranh thủ ghé qua thăm Biếc, rồi đi luôn. Nói anh dặn Biếc yên tâm điều trị cho lành vết thương. Nay mai anh sẽ tới thăm nó ...
Trưa hôm sau, ở văn phòng Ban chỉ huy tiểu đoàn ra, tôi thương lượng với anh cán bộ chính trị làm trưởng đoàn chiến sĩ đi dự đại hội cho phép tôi ghé vào quân y thăm Biếc. Anh trưởng đoàn đồng ý, nói họ ra trạm giao liên trước và sẽ đợi tôi ở đó.
Tôi rẽ vào ngõ rừng dẫn tới trạm quân y. Vừa thoáng thấy những mái ni-lông, bụng tôi đã hồi hộp không yên.
Đêm qua tôi chỉ chợp mắt có một chốc. Suốt đêm, tôi lo cho Biếc, và nghĩ hoài về cái chết của Lắm. Trong nhịp võng đưa lắc, tôi cứ nghe tiếng kèn vang xé, và Lắm đứng sau lưng tôi đang đưa tay bụm ruột mà thổi tiếp hồi kèn xung trận. Hình ảnh Lắm trong tư thế đó bắt tôi mường tượng Lắm giống như một vị thần, trong số những vị thần hồi nhỏ tôi ngó thấy đứng sừng sững trong đình làng Phước-lai. Nhưng cái khuôn mặt của Lắm hiện ra với tôi bao giờ cũng là một khuôn mặt có in vết sẹo, vết sẹo để đời vì những cái bánh mì. Còn Biếc, tôi rất lo cho vết thương của Biếc, nhưng cũng rất sung sướng vì Biếc đã không phụ lòng tin cậy của chúng tôi, đã khiêng Lắm tới cùng, lúc bị thương rồi vẫn còn khiêng xác Lắm mà chạy ...
Anh bác sĩ trực nhận ra tôi ngay. Chưa cần hỏi tôi đi đâu, anh chụp tay tôi, nhìn ngó:
- Cậu bắn đại liên trứ danh thiệt. Tụi Mỹ tụi Úc nó chạy mặt cậu rồi đó. Anh em mừng lắm. À kỳ này nghe nói cậu đi dự đại hội anh hùng chiến sĩ gì đó hả?
Ê có đi ráng báo thành tích cho tỉ mỉ rõ ràng nghe. Kinh nghiệm là anh em mình làm thì hay mà báo cáo thì dở.
Cha cha, lần này anh hùng toàn Miền hội ngộ đây. Bà- rịa mình có cậu, coi như vững tâm ...
Tôi sốt ruột:
- Dạ anh làm ơn cho tôi vô thăm cô ... cô thanh niên xung phong bị thương hôm qua đưa vô đấy
- Cô nào, phải cô Biếc không?
- Dà ...
- Có, có cô Biếc nằm ở đây! Và nhìn tôi, anh bác sĩ cười hỏi:
- Sao, cô ta ... là gì, với cậu đó?
- Là em tôi.
- Thiệt chơi? Có gì nói thiệt để tụi tôi phụ lo cho. Cha, cái thời đánh Mỹ nầy thiệt ngon lành quá, trai anh hùng sánh gái thuyền quyên ... Thôi mà, dấu tôi chi cậu, tụi tôi biết ráo trọi rồi mà!
Tôi đỏ rừ từ mặt tới vành tai:
- Anh làm ơn cho tôi vô thăm cô ta một chút, bởi tôi phải đi gấp. - Được được, đi theo tôi?
- Nhắm cô ta có sao không anh?
- Không sao. Tụi tôi đã coi, may mà đạn không trúng xương ... Nhưng máu ra bộn. Đêm qua, chúng tôi đã chuyền máu tươi. Bây giờ thì cô ta đã khá hơn. Nhưng tôi cũng chỉ cho phép cậu gặp cô ta mười lăm phút thôi nghe!
Anh bác sĩ đưa tôi vào một cái nhà lợp ni-lông màu rêu. Trên chiếc giường tre sơ sài, Biếc nằm như đang ngủ. Da mặt Biếc xanh nhợt, nhưng khuôn mặt thì coi bình yên, thanh thản. Nghe tiếng động, Biếc khẽ cựa mình và mở mắt. Trông thấy tôi, Biếc nhoẻn cười, làm như dã biết trước rằng thế nào sáng nay tôi cũng đến.
Nụ cười hồn nhiên của Biếc liền xua tan mọi nỗi lo lắng của tôi. Anh bác sĩ trở ra đến cửa, bỗng day lại nói:
- Hồi nẫy tôi nói chơi thôi, chớ cậu muốn ngồi đây tới lúc nào cũng được. Đó, cậu thấy rõ rồi đó, cô ta có làm sao đâu. Nhứt định cô ta sẽ về đơn vị trước cậu.
- Nè, tôi dặn lại, lên trên đại hội cậu cần báo thành tích cho rành rẽ nghe. Anh em hy vọng ở cậu ...
Anh bác sĩ đi ra rồi, Biếc liền hỏi:
- Anh đi đâu vậy, anh Quyết?
Tôi nói lại cho Biếc nghe. Mặt Biếc chợt bừng sáng, như có nắng dọi. Biếc nằm im, rạng rỡ ngước mắt nhìn lên nóc ni-lông nhảy nhót bóng những cành lá. Không rõ Biếc đang nghĩ gì mà vẻ mặt thì vẫn như đang cười nhưng hai bên khóe mắt chợt chảy lăn xuống hai giọt nước mắt lớn trong veo. Tôi đoán chắc Biếc nhớ lại những ngày đã qua. Thiệt ra chúng tôi cũng không nói chi nhiều, chỉ nói chút ít, và lặng thầm nhớ lại rất nhiều thứ: đau đớn, khổ cực, căm thù, vui sướng. Tất cả hiện dài trên một con đường, khi máu chảy, khi lửa khói mịt mù. ấy là con đường chúng tôi đã đi qua và còn đi tiếp. Con đường có ngày mưa tầm tã, có lúc đông nghịt mặt thù, nhưng rồi con đường sáng trưng hiện lên lớp lớp khuôn mặt đồng đội thương yêu người còn, kẻ mất. Tôi lặng lẽ cầm lấy bàn tay xanh xao vừa mới trút bớt nhiều máu của Biếc, bỗng nhiên nhớ lại một ngày đã xa, nơi chòi trâu bốn bề lộng gió.
Lâu lắm, Biếc mới từ từ rút tay khỏi tay tôi. Biếc chậm rãi với tay tháo chiếc kim băng nơi túi áo mình, lấy ra một cái túi vải dù nhỏ đặt vào tay tôi:
- Anh cầm cái này!
Tôi hỏi:
- Cái gì đây?
Biếc tủm tỉm cười nói:
- Em để dành được năm trăm, anh đem theo đường mà xài!