watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Người Trung Quốc xấu xí-Đời Sống, Văn Học Và Lịch Sử - tác giả Bá Dương Bá Dương

Bá Dương

Đời Sống, Văn Học Và Lịch Sử

Tác giả: Bá Dương

Cái chủ đề tôi được giao phó hôm nay đối với tôi quá lớn, tôi cảm thấy hầu như không đảm đương nổi và sợ không đủ tư cách để đề cập đến một chủ đề lớn như thế. Tôi chỉ tình nguyện cố gắng đóng góp cảm tưởng riêng tư về những gì mà 5.000 năm lịch sử Trung Quốc gợi ý cho tôi.
Trước khi bắt đầu, tôi xin nói đến một cảm tưởng khác về người da đỏ châu Mỹ (chủ nhân nước Mỹ, cư dân nguyên thủy và chân chính của châu Mỹ).
Tôi đã được đi tham quan những vùng đất hoang phế của dân da đỏ ở Mỹ. Tôi cũng đã đến thăm những khu biệt lập dành riêng cho người da đỏ và gặp một số người da đỏ. Thời gian tuy rất ngắn, không nói được nhiều chuyện, nhưng ấn tượng đối với tôi rất sâu sắc. Tôi khám phá ra rằng các sản phẩm thủ công của người da đỏ ngày nay so với các sản phẩm của người da đỏ sáu trăm năm trước, không nói về hình thức và hoa văn, chỉ nói về những thủ pháp đan dệt và chất liệu sử dụng thì không có gì thay đổi. Chỉ từ cái sự kiện nhỏ đó, tôi suy nghĩ và tự hỏi rồi không biết số mệnh của dân tộc này sẽ đi về đâu ?
Chúng ta không thể tưởng tượng được một dân tộc lớn với lịch sử lâu đời như thế lại có thể đang thoi thóp, ngắc ngoải trong các khu biệt lập tại Mỹ hiện nay. Cảnh ngộ của chính những người da đỏ này sau khi bị lừa gạt, tàn sát và sỉ nhục, so với cái lịch sử bi thương của người Trung Quốc chúng ta thì nên nghĩ thế nào cho phải?
Riêng tôi có một ý nghĩ và nó làm cho tôi rất chán nản. Đó là vấn đề trước mắt của người da đỏ chẳng phải vấn đề đạo đức hoặc kinh tế gì cả nhưng đơn thuần là một đe dọa diệt chủng. Tôi không phải là một nhà tiên tri hoặc tướng số, tôi chỉ dùng sự suy đoán riêng tư và căn cứ trên những điều bạn bè cho tôi biết. Chúng ta có thể đoán rằng 100, 500, 1.000 năm sau, có thể sớm hơn hoặc chậm hơn, một ngày nào đó người da đỏ có thể hoàn toàn bị diệt chủng. Bởi vì họ không tiếp thu được văn minh hiện đại.
Đương nhiên trước mắt, họ vẫn có những khu vực riêng họ không xâm phạm người khác, người ngoài cũng không xâm phạm họ. Nhưng những khu này lại là đất của nước Mỹ, có thể nói là do những người da trắng ban phát cho. Dĩ nhiên, trên vấn đề lý luận hoặc tình cảm chúng ta có thể nói không phải là ban phát cho, mà do họ tự tranh đấu mới có được một ít đất cũ vốn của họ. Nhưng nếu cái tình cảm của ta không dính dáng gì đến văn học, thơ ca nhưng đơn thuần về lý tính thì chúng ta sẽ thấy rằng vài vùng đất riêng này là do ân huệ của nước Mỹ da trắng. Cho nên, nếu có một ngày nào đó, nước Mỹ đông dân hơn cần lấy lại những khu vực này thì cái kết cục của người da đỏ sẽ vô cùng thê thảm.
Phải chăng chúng ta cần phải có cách nhìn như thế này : Sự hủy diệt của một dân tộc là một điều vô cùng lớn lao, nhưng không phải không có thể xảy ra ?
Những lúc tôi nhìn thấy những khu hoang phế của dân da đỏ, và cái sự trì trệ về văn hóa của chúng ta là trong lòng tôi như dao cắt; không thể nào không nghĩ rằng một ngày nào đó dân tộc Trung Quốc cũng chẳng khác gì dân tộc da đỏ.
Có một người bạn bảo tôi : " Không thể thế được, dân tộc Trung Quốc có một lịch sử lâu đời, dân lại đông như thế ". Tôi nghĩ đấy chẳng qua chỉ là một cách an ủi về mặt tinh thần. Vì đem 5.000 năm lịch sử ra để bảo chứng cho sự bất diệt của một dân tộc thì không hiểu căn cứ trên cơ sở nào ? Vũ trụ mênh mông, 5.000 năm chỉ là một khoảnh khắc, nhân loại sẽ còn tồn tại đến cả 5.000 ức năm nữa là ít. So với 5.000 ức năm thì 5.000 năm có là bao ! Còn nói về dân số nhiều ít, đó là một điều chẳng quyết định gì trong vấn đề hưng vong của một dân tộc. Thời đầu, lúc người châu Âu đổ bộ lên châu Mỹ, dân số người da đỏ còn rất lớn, lớn hơn nhiều so với người da trắng.
Cái ý nghĩ hồ đồ này làm tôi rất buồn và thấy rằng người Trung Quốc chúng ta đang gặp rất nhiều vấn đề. Một vấn đề nổi bật thật khó hiểu là tại sao đến bây giờ người Trung Quốc không thể hùng mạnh ? Trong khi chúng ta thật ra có đủ các điều kiện để trở nên hùng mạnh. Thế thì nhất định các điều kiện cản trở sự hùng mạnh của ta phải vượt xa các điều kiện giúp chúng ta hùng mạnh.
Tôi xin nói trước tôi nghiên cứu lịch sử không có bài bản gì cả, cũng giống kiểu luyện thép thô sơ mà người Trung Quốc làm trong " Bước nhảy vọt lớn ", nhưng luyện rất chuyên cần nên bây giờ rất tâm đắc, xin đóng góp một ít suy nghĩ sau đây để mọi người tham khảo.
Tôi bắt đầu bằng một câu chuyện thế này : ở Mỹ có một công ty phái nhân viên của mình đi Âu châu khảo sát. Sau mấy tháng người ấy trở về làm báo cáo dầy cả 200 trang cho công ty, nói rằng về phương diện kỹ thuật cũng như quản lý châu Âu đều lạc hậu kinh khủng, không thể nào bì được với Mỹ.
Khi ban giám đốc đọc xong bản báo cáo liền ra lệnh khai trừ nhân viên này. Tổng Giám đốc nói : " Chúng tôi gửi anh đi châu Âu để tận mắt khai thác những sở trường của họ chứ không phải tìm những sở đoản của họ. Chúng tôi không cần anh phát hiện những gì mình đã làm tốt rồi. Chúng tôi cần biết những điểm họ mạnh hơn mình và thấy được những khuyết điểm của mình để sửa chữa. Chúng tôi không cần nghe những lời tự ca tụng, cái đó nghe nhiều sẽ bị ru ngủ, làm cho phẩm chất sản phẩm của chúng ta xuống thấp, công ty chẳng mấy lúc mà đóng cửa ".
Câu chuyện này có thể xem là một chuyện ngụ ngôn vì từ nó chúng ta rút ra được một bài học lớn. Cái chúng ta cần hôm nay không phải là phát hiện những thứ hay ho của mình mà tìm ra những cái ngăn chặn sự tiến bộ của dân tộc Trung Quốc, cho chúng ta thấy được nguyên nhân đang cản trở sự hùng mạnh của đất nước.
Lúc nãy ăn cơm trưa, có vài người bạn quan tâm đến việc học tập của con cháu chúng ta, sự tốn kém của học phí đại học. Tôi cũng thấy được rằng người Trung Quốc dù khổ sở nghèo khó thế nào đi nữa cũng đều cố gắng cho con cháu mình được học hành. Đó là một điểm mạnh, một ưu điểm của dân tộc Trung Quốc, tôi không cần các bạn nhắc lại quá nhiều nữa. Cái tôi muốn nói hôm nay là những khuyết điểm của dân tộc chúng ta. Vì chỉ nói ưu điểm thì không thể tự cứu được mình, muốn tự cứu được mình phải biết nói lên những khuyết điểm của mình.
Điểm thứ nhất :
Trung Quốc có lịch sử 5.000 năm. Trong 5.000 năm ấy, lực lượng phong kiến chà đạp lên phẩm giá, nhân tính con người không phải ngày càng giảm thiểu mà ngày một gia tăng.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, vua và quan còn gần như cùng ngồi ngang hàng nhau, có thể nói nằm cùng gường ăn cùng mâm. Đến thời Tây Hán, thế kỷ thứ II trước Công nguyên (206 BC-AD 25), Thúc Tôn Thông đặt ra nghi lễ triều đình dưới triều hoàng đế Lưu Triệt vào lúc học phái Nho gia đang nắm quyền. Nghi thức này biến đế vương thành một thứ quyền uy, không những rất trang nghiêm, cung kính mà còn làm cho mọi người khiếp sợ.
Khi Đại thần vào triều kiến Hoàng đế có vệ sĩ kè kè bên cạnh, bất kỳ ai có thái độ không hợp quy cách, như kiểu vô tình ngẩng đầu lên nhìn một cái cũng có thể bị xử phạt. Những thay đổi này làm cho vua chúa xa cách nhân dân, lúc nào cũng giữ một khoảng cách, nhưng dưới trướng Hoàng đế các Đại thần vẫn còn có chỗ ngồi.
Đến thế kỷ thứ X dưới triều Tống (960- 1279) thì cái địa vị này cũng không còn nữa. Việc Tể tướng cùng ngồi với Hoàng đế để luận đạo đã vĩnh viễn mất. Cái cải cách rất nhỏ này nhưng ý nghĩa rất lớn. Nghĩa là giữa vua tôi, quan dân khoảng cách càng ngày càng lớn.
Đến thế kỷ XIV dưới triều Minh (1368 - 1644), cái nhân phẩm còn bị chà đạp đến độ không tưởng tượng được. Nhà vua đối với thần dân của mình khinh thị như cừu thù. Triều Minh này lập ra cái quan niệm " vua cha ". Vua là cha, Hoàng đế là bố của tất cả mọi người trong nước. Cái quan niệm này khi được thiết lập rồi lại sinh ra các hủ tục khác không kể xiết. Trong những thứ ấy, cái đáng sợ nhất là " đình trượng ". Từ Tể tướng đến tiểu quan, chỉ cần bị xem là phạm pháp đều có thể bị nọc ra giữa cung điện, giữa công đường, hoặc ngay tại một chỗ công cộng, dùng gậy đánh cho đến thịt rơi máu vãi. Cái chế độ " đình trượng " kết hợp với tư tưởng " vua cha " làm cho lòng tự trọng của người Trung Quốc gần như mất hẳn, làm cho nhân cách của họ hầu như không còn gì . Cách duy nhất để giữ được lòng tự trọng là cố gắng không kêu la khi bị đánh. Để khỏi kêu la thường những viên quan kiên cường đã chà xát mặt xuống đất mạnh đến nỗi sau đó râu rụng không còn sợi nào. Thời đó, phản ứng duy nhất có thể làm được là như vậy, không có cách phản kháng nào khác.
Chúng ta thường bảo rằng dân Trung Quốc là một dân tộc có sức đồng hóa phi thường, và cho đến ngày nay vẫn đúng như vậy. Chúng ta có thể thấy bao lần trong lịch sử, sau khi chiếm được Trung Quốc, những dân tộc ngoại xâm cuối cùng cũng đều bị đồng hóa. Sớm nhất là thời Bắc Ngụy (368 - 534), Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoành (Hoằng) sau khi chiếm được Trung Quốc lại sử dụng hệ thống chính trị của Trung Quốc để cải cách, canh tân. Triều Mãn Thanh cũng thế. Hai lần bị xâm lược lớn nhất này lại là hai lần thắng lợi lớn nhất của văn hóa Trung Quốc.
Nhưng ta phải chú ý điều này : Những kẻ xâm lược cố nhiên đều hấp thụ và kế thừa văn hóa Trung Quốc, nhưng lại tiếp thu cái phần kém nhất của văn hóa Trung Quốc, nên kết cục cũng chẳng ra gì. Thay vì trở nên hùng mạnh thì cả dân tộc họ lẫn dân tộc Trung Quốc lại càng suy thoái. Ví dụ như hoàng đế Bắc Ngụy là Thác Bạt Hoành tuyên bố cấm người Tiên Bi (Ty) nói tiếng Tiên Bi, nhất loạt đều dùng tiếng Trung Quốc, ngoài ra lại đổi tên họ mình thành tên họ Trung Quốc, áp dụng chế độ cung đình phong kiến, chế độ gia thế, quý tộc Trung Quốc mà họ không hề có. Trước kia họ là dân du mục trên các thảo nguyên, đầu óc khoáng đạt. Tôn ty trật tự, khoảng cách giữa các giai tầng xã hội không lớn lắm. Những thứ tốt đẹp đó đều bị phá hoại cả.
Thính giả: - Xin hỏi " đình trượng " là thế nào?
" Đình trượng " là " đánh đít ". Người bị đánh nằm sấp, bốn hoạn quan giữ tay chân buộc chặt vào cọc, sau đó dùng bao tải trùm đầu, hai hoạn quan đè đùi sát xuống đất. Vua ra lệnh đánh 100 trượng là đánh 100. Thông thường không đánh quá 100 trượng, vì 100 là cũng đủ chết rồi. Bọn tay sai chấp hành lệnh quan sát sắc mặt vua. Nếu vua chỉ ghét thôi mà không muốn giết, thì đánh xong 100 trượng, kẻ bị đánh vẫn còn có thể sống được. Nhưng nếu ý ông con trời kia lại muốn giết, thì chỉ cần ba bốn mươi trượng là đủ toi mạng.
Nói chung các quan viên hay người có chức phận khi bị đánh phải đút lót cho bọn hoạn quan, bọn này sẽ dùng thủ pháp đánh kêu rất to, trông rất đau, máu thịt tơi bời, nhưng lại không phạm vào gân cốt, không chết người. Bọn này đều được huấn luyện đến độ có thể dùng giấy bọc một bó rơm, đánh cho rơm bên trong nát mà tờ giấy không hề rách. Ngược lại họ có thể đánh làm sao không để lại thương tích gì trên da thịt mà bên trong gân cốt đều nát bấy. Chế độ đánh đòn này làm nhân phẩm hoàn toàn bị phá sản. Thế kỷ XIV, XV tại châu Âu đã là thời Phục Hưng nhưng tại Trung Quốc, hỡi ôi ! vẫn còn là thời kỳ đánh đít.
Xin quay lại vấn đề. Dân Mông Cổ là một dân tộc rất kỳ quái, sau khi đã xâm nhập vào Trung Quốc vẫn giữ một thái độ chống đối văn hóa Trung Quốc. Trong vòng 180 năm, lúc đến thế nào thì ra đi thế ấy, không hề bị nhiễm văn hóa Trung Quốc.
Còn nhà Thanh, sau khi được thành lập lại thừa kế cấu trúc xã hội và hệ thống chính trị của triều Minh, thời kỳ hắc ám nhất, làm cho chính quyền mới đã có mầm mống bị đục ruỗng để cuối cùng không thể nào cứu vãn được nữa.
Nhân quyền bị chế độ phong kiến, xã hội phong kiến chà đạp trong một thời gian lâu dài như vậy cơ hồ chẳng còn gì. Cái ảnh hưởng của việc này rất lớn đối với người Trung Quốc, nó làm người Trung Quốc không giữ được lòng tự trọng nữa.
Cái tự trọng còn lại chẳng qua cũng chỉ là cái tinh thần tự dối mình như A Q trong truyện của Lỗ Tấn. Cái tinh thần đó và cái lòng tự trọng chân chính khác nhau một trời một vực. Ví dụ tôi đến thăm anh, thấy anh nhà cao cửa rộng, học vấn uyên bác, trong lòng tôi kính phục, hâm mộ anh. Trên đường về đáng lẽ tôi nghĩ phải cố gắng phấn đấu, làm việc, học hành để có thể được như anh. Đằng này lúc ra khỏi nhà anh tôi lại bảo: ở nhà đẹp thế! Không biết ăn cắp hay ăn cướp ở đâu ra lắm tiền! Cầu trời cho ngày mai có đám cháy thiêu trụi cái nhà nó đi cho rồi !
Tâm lý dân tộc ta bị ức chế lâu ngày chỉ biết dùng cái tinh thần đó để tự thỏa mãn.
Điểm thứ hai :
Trong suốt 5.000 năm lịch sử, Trung Quốc chỉ có ba thời đại hoàng kim. Thời đại đầu là Xuân Thu Chiến Quốc (770 - 476 trước Công nguyên) - thời này có rất nhiều trường phái tư tưởng, nhiều lối sống khác nhau cùng xuất hiện. Thời đại thứ hai phải là đời Đường (618 - 907) - từ Đường Thái tông Lý Thế Dân đến Đường Minh Hoàng Lý Long Cơ khoảng 100 năm (650 - 756). Thời kỳ thứ ba là 100 năm đầu của nhà Thanh (1644 - 1911).
Trong 5.000 năm lịch sử Trung Quốc chỉ có ba thời đại hoàng kim này. Còn hơn 4.000 năm kia, cơ hồ mỗi năm, thậm chí mỗi ngày đều có chiến tranh.
Một học giả Tây phương đã làm thống kê chứng minh rằng từ khi nhân loại có lịch sử đến giờ, không năm nào không có chiến tranh. Hiện tượng này đối với lịch sử Trung Quốc cũng chẳng khác.
Riêng tôi cũng đã làm qua thống kê, lại còn viết thành một bộ sơ cảo : " Lịch biên niên những thời đại chiến loạn của sử Trung Quốc " (Trung Quốc sử đại chiến loạn biên niên lịch) cho thấy ở Trung Quốc năm nào cũng có chiến tranh. Nhưng không thể đem Trung Quốc so sánh với thế giới được. Thế giới là một đơn vị quá lớn so với Trung Quốc, nhất là vào đời nhà Minh thì bản đồ Trung Quốc chỉ bằng thời Tần ở thế kỷ thứ II trước Tây lịch, nghĩa là bằng khoảng một nửa bản đồ hiện nay.
Thế mà trong một bản đồ nhỏ như thế, mỗi năm đều có chiến tranh ! Chỉ căn cứ trên những chiến tranh lớn được ghi chép lại, các chiến sự nhỏ không thuộc phạm vi thống kê này, thì cũng có thể thấy rằng loạn lạc, chiến tranh ở Trung Quốc đáng sợ vô cùng.
Khi một triều vua này thay thế một triều vua khác, cái thời kỳ quá độ đầy hỗn loạn có thể kéo dài từ 30 đến 50 năm. Từ lúc đoạt chính quyền đến lúc ổn định, lại cần khoảng 20 năm nữa. Rồi tiếp đó là cái vòng luẩn quẩn bắt đầu bằng sự thối nát của chính quyền vừa đoạt được, các lực lượng phản kháng lại trỗi dậy, rồi kéo đến những hỗn loạn lớn. Chiến tranh lại bắt đầu, rồi cái vòng trị loạn, tranh giành, chém giết cứ tiếp diễn.
Có thể nói rằng người Trung Quốc trường kỳ, thậm chí vĩnh viễn, sinh ra và lớn lên trong tham ô, hỗn loạn, chiến tranh, giết chóc, bần cùng, cho nên chẳng bao giờ có cảm giác được an toàn, lúc nào cũng hoảng hốt, lo âu.
Chúng ta có lịch sử lâu đời, lại có đất nước mênh mông, đầu óc tất phải khoáng đạt, lớn lao, cởi mở, tự tin. Thế mà ngược lại chỉ vì bần cùng, giết chóc, đố kỵ một cách lâu dài thành ra lòng dạ chúng ta thành hẹp hòi.
Chỉ cần ngày hôm nay có thể qua đi là được rồi, ngày mai thế nào không cần biết. Chiến tranh sẽ còn kéo dài đến mức độ nào, ai mà thấy trước được ! Chiến tranh ảnh hưởng đến thủy lợi, thủy lợi bị phá hủy rồi thì đến hạn hán lớn, sau hạn hán là đến nạn châu chấu.
Những tai họa này, hạn hán, ngập lụt, châu chấu, rồi đất hoang nghìn dặm. Trong lịch sử, cái câu " Người ăn thịt lẫn nhau " không biết đã xuất hiện đến mấy chục lần hay mấy trăm lần. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta là một dân tộc có văn minh cao, sao lại có thể có cái hành vi dã man ấy ? Cũng chỉ vì những tai nạn đối với chúng ta quá nhiều, lại bị tai nạn quá lâu !
Chẳng cần nói quốc gia dân tộc gì cả, chỉ nói từng cá nhân, một con người nếu bần cùng quá lâu ngày, quá ư khổ sở, người ấy rồi đối với bất cứ sự việc gì cũng đều sinh ra cái tâm lý nghi ngờ.
Mấy hôm trước khi ra tù, một quan chức kêu tôi ra bảo : " Tôi báo cho anh một tin mừng, anh sắp được thả rồi! ". Tôi nói: " Tôi chán thịt thỏ lắm rồi! ". Anh ta bảo: " Anh không tin tôi à? Tôi nói dối anh làm gì? ". Tôi phải yêu cầu anh ta đem giấy đến cho tôi xem.
Bởi vì tôi đã từng quá tin, từng bị gạt quá nhiều, mỗi lần như vậy đều thất vọng. Một người bị nạn quá lâu có quyền không tin vào những tin tức tốt. Một dân tộc cũng vậy. Bị đày đọa lâu ngày, mọi người cho rằng sang một triều đại mới có thể rồi sẽ như thế này, thế nọ. Kết quả gần như không có một lần nào là không hụt hẫng.
Có người hỏi: tại sao Trung Quốc không có kiến trúc lớn mà nước ngoài lại có? - ấy là vì các kiến trúc Trung Quốc thường làm bằng gỗ, dễ bị mục. Tôi cho rằng đó không phải là câu trả lời đúng mà nguyên nhân là vì cứ sau mỗi một
triều đại mới lên là chúng lại bị đem đốt đi.
Nhà Tần để lại những cung A Phòng đẹp như thế, nhưng Hạng Vũ cho rằng đó là mồ hôi nưới mắt của dân, do chính trị bạo ngược làm ra, bèn cho một mồi lửa. Chỉ mấy hôm sau, Hạng Vũ lại cho xây một cung điện khác. Rồi qua mấy hôm nữa sẽ có một kẻ khác phê bình cho rằng đấy là bạo chính, là mồ hôi nước mắt nhân dân, lại thiêu rụi đi. Cứ như thế mà đi đến chỗ mãi mãi nghèo xơ xác, không có cách nào mở mang được đầu óc, xây dựng được lòng tự tôn.
Lại có câu cách ngôn " Đa nạn hưng bang " (nhiều nạn thì dựng được nước). Trước tiên chúng ta cần hiểu rằng cách ngôn thuộc về cảm tính, trong một điều kiện đặc biệt nào đó, nó là chân lý, nhưng nó không hề có tính khoa học. Nếu " nạn " mà quá nhiều thì làm cách nào " hưng bang " được ? Đối với cách ngôn nhất định cần có nhận thức.
Lại lấy một ví dụ nói " Ai binh tất thắng " (Quân lính đau buồn thì sẽ thắng trận), điều này có thể không có gì là chắc chắn. Ai binh chẳng đã từng thất bại đầy rẫy! Một đội quân dù lớn mà rốt cuộc bị tiêu diệt, lúc đó không phải thành ai binh thì là gì ? Giống như khi Carthage (Các-ta-giơ ở Bắc Phi) chống lại La-Mã, đến lúc cuối cùng cơ hồ cả nước đều là quân binh, có thể nói " vừa khóc vừa đánh ", kết cục vẫn bị La-Mã tiêu diệt. " Ai binh " chưa chắc đã thắng. " Nạn " mà quá nhiều chắc gì đã dựng được nước ? Phải nói rằng " nạn " nhiều đúng mức, đúng thời may ra mới có thể " hưng bang " được.
Còn Trung Quốc thì sao ? Dường như cái " nạn " lại quá nhiều. Cũng may là cái quá nhiều đó chưa đạt đến độ tiêu diệt cả chúng ta, nhưng cũng đã đến cái chỗ đủ nhiều để làm cho chúng ta mất cả linh tính.
Điểm thứ ba :
Chúng ta phát hiện được trong lịch sử Trung Quốc một hiện tượng kỳ quái mà các nước khác không có, đó là chế độ khoa cử, hay gọi tắt là " Quan trường ".
Nhật Bản hấp thụ văn hóa Trung Quốc một cách toàn diện. Không cái gì Trung Quốc có mà họ không từng tiếp nhận, từ cái nhỏ như manh chiếu (Tatami), đôi guốc (Geta), đến cái lớn như chế độ, tổ chức chính trị, v.v.., nhưng chỉ có một điểm mà họ không tiếp nhận, mà điểm này đã giúp họ trở thành một nước hùng cường rất nhanh chóng trong thời Minh Trị Duy Tân, đó là chế độ khoa cử.
Chế độ khoa cử Trung Quốc cũng có những tác dụng tốt, nhưng lại đẻ ra " vấn đề quan trường ". Quan trường là một cái mạng nhện kỳ quái, nhìn thì không thấy, sờ không đụng, nhưng lúc bị rơi vào rồi mới biết. Ta không thể dùng chữ Bureaucrats tiếng Anh để dịch chữ " quan liêu " trong tiếng Trung Quốc được, bởi chữ này không lột tả hết được cái đặc trưng của nó. Quan liêu chẳng trung thành với quốc gia, lãnh tụ gì cả, chỉ tận tâm tận lực với kẻ cất nhắc nó lên làm quan. Các triều đại Trung Quốc có thể thay đổi, song quan trường vẫn thế.
Người Mãn Thanh sở dĩ thống trị được người Tây Tạng, người Mông Cổ, người Hán vì biết nhắm vào nhược điểm của các dân tộc này.
Đối với người Tây Tạng họ dùng đạo Lạt-ma, mời những tăng lữ lạt-ma đến Bắc Kinh và đối xử với họ cực kỳ cung kính.
Đối với người Mông Cổ thì họ dùng thủ đoạn hôn nhân, gả những công chúa cho những hoàng tử Mông Cổ, con cái lai sinh ra thành ra con cháu của mình, đem chúng nuôi dưỡng ở cung đình nhà Thanh. Các vương tử đó một khi lớn lên không thể nào phản lại chú bác cô dì của chúng.
Trong khi đó công chúa Mãn Châu không bao giờ lấy người Hán. Người Mãn Châu trị người Hán bằng phương pháp khoa cử. Họ biết người Trung Quốc có cái khuyết điểm là thích làm quan. Nếu tôi cho anh cái hy vọng được làm quan thì anh có thể ngoan ngoãn đem giao ngay hết cả ý thức dân tộc lẫn phẩm giá con người.
Sở dĩ " Quan trường " có cái bộ mặt của các xã hội thần bí vì nó mang những tiêu chuẩn cư xử và những quan niệm về giá trị rất đặc thù.
Nó không trung thành với vua, vua thay thì nó vẫn làm quan. Nó cũng không sợ mất nước, nước mất, chỉ cần nó vẫn được làm quan thì nó vẫn làm. Cái xã hội ăn chơi, phù hoa là nơi các quan ra oai, tự nhiên hình thành một hệ thống tương hỗ bao che giữa các quan với nhau - một quan hệ vô cùng phức tạp.
Quyển sách " Quan trường hiện hình ký " là một quyển sách phân tích cái cấu trúc của chế độ quan trường Trung Quốc dưới cặp mắt nghiên cứu những vấn đề xã hội. Bởi vì từ khi quan trường được thiết lập, những quan hệ giữa người với người tại Trung Quốc càng trở nên tinh xảo. Các vị ở Mỹ lâu năm có thấy rằng cái quan hệ giữa con người ở Mỹ so với Trung Quốc thì quá đơn thuần không ?
ở Trung Quốc có một câu nói: " Làm việc thì dễ, làm người thì khó! ". Làm người là thế nào nhỉ ? Tức là làm sao cho cái quan hệ giữa con người với nhau được tốt đẹp.
Có một vở Kinh kịch (kịch Bắc Kinh) nhan đề " Thẩm đầu thích thang " (khám đầu tìm kẻ giết ông Thang) trong đó có một quan tòa, một vị bồi thẩm và một góa phụ nhan sắc xinh đẹp mà chồng vừa bị mưu sát. Trong phiên tòa người đàn bà góa ôm một đầu người đứng khóc. Nhiệm vụ của tòa là phải xác minh xem đấy là đầu của ai. Nếu đúng là đầu của chồng bà ta thì vụ án xem như có thể kết thúc. Nhưng nếu là đầu của một người khác thì vụ án này còn liên quan đến rất nhiều người, và có thể sẽ còn nhiều người khác sẽ chết. Ông bồi thẩm có ý thích người đàn bà góa trẻ đẹp này, và bà này cũng ra ám hiệu cho ông ta biết là bà ta sẽ ưng thuận tái giá với ông ấy, nên ông này một mực rằng đấy là đầu của chồng bà ta. Nhưng sau khi xem chừng vụ án có vẻ xong xuôi, bà góa bèn tỏ ý không muốn lấy ông bồi thẩm nữa. Ông này cũng lập tức quay phắt ra nhất quyết bảo cái đầu ấy lại không phải là của chồng bà ta nữa. Vở kịch này tiêu biểu cho cái phản phúc trong quan hệ quan trường của người Trung Quốc chúng ta. Đầu thật, đầu giả cho đến phút cuối cùng cũng không ai có thể biết như thế nào.
Tôi nghĩ rằng trong chúng ta nhiều người đã về làm việc ở Trung Quốc hoặc sẽ về làm việc trong tương lai, tôi tin chắc khó khăn các vị gặp phải thường không dính dáng đến bản thân công việc, mà dính đến những người cùng làm việc với các vị.
Nói ví dụ anh làm việc ở một lò nguyên tử. Anh có biết gì về nguyên tử hay không, đó là một vấn đề thuộc công việc. Nhưng sẽ rầy rà to nếu một hôm anh cần một đinh ốc cho lò phản ứng mà người quản lý ốc vít lại nghỉ việc. Anh ta bị ốm, đương nhiên xin nghỉ, anh không thể cấm người ta ốm được. Nhưng sự thật anh ta lại không hề cảm cúm gì cả, chỉ nghỉ để đi đánh mạc chược? Tại sao?
Bởi vì quan hệ giữa anh và người ấy không được tốt đẹp. Cái lò nguyên tử của anh có hoạt động được hay không, thậm chí có bị nổ tung đi nữa, cái việc ấy người đó cũng cóc cần. Nếu anh bảo nước nhà bị thiệt hại thì cũng kệ, tôi cứ việc quan tôi làm.
Đó là cái đầu óc quan trường tích lũy từ mấy nghìn năm, một chứng bệnh vẫn còn duy trì đến cuộc Bắc Phạt của quân Cách mạng Quốc dân năm 1928.
Về mặt quân sự, trong khi quân đội đánh dẹp các sứ quân ở miền Bắc, thì về mặt chính trị cái chất độc của quan trường lại tràn xuống miền Nam. Trước kia giữa những đồng chí cách mạng tình cảm rất trong sáng, nhưng khi đã bị cuốn hút vào giới quan trường bỗng trở thành phức tạp ghê gớm, phức tạp đến độ một người lành mạnh không thể nào chịu nổi.
Cái quan hệ giữa con người với nhau trở thành một loại keo dính đến độ hễ dán vào rồi là không thể nào gỡ ra được nữa. Có ai trong các vị thấy điều đó khi về nước không?
Lấy một ví dụ khi anh về nước, bạn bè mời anh đi ăn cơm, anh dám cả gan từ chối thì tình bạn sẽ từ đó bị sổ toẹt ngay. Đó là đặc tính của quan trường, nó làm cho quan hệ con người trở nên khúc mắc ghê gớm. Tại sao lại như thế ? Tại sao anh ta phải xử sự như vậy ? Bởi vì làm như thế thì cái địa vị của anh ta mới càng thêm vững chắc.
Tôi có một người bạn về Đài Loan được một người chưa hề quen mời ăn cơm. Sau khi ăn xong, người này mới nhờ anh đem dùm về Mỹ một món đồ. Người này làm ra vẻ nhờ vả rất tự nhiên, như thể bạn bè vẫn thường giúp đỡ nhau chứ không phải đánh đổi một bữa cơm để lấy chuyện đưa đồ.
Cái hiện tượng quan trường là như vậy, giống kiểu anh làm lò nguyên tử, cái lò phản ứng hạt nhân này rất nguy hiểm không phải ai cũng mó vào được. Nhưng người nọ lại cho rằng đã là bạn bè với nhau cho anh ta sờ đến một cái thì đã sao.
Thường thường một người trước khi làm quan và sau khi được làm quan là hai loại người khác nhau. Thật ra nói như vậy không lô-gíc. Chỉ có thể nói rằng hễ cái " quan tính " của một người càng hưng thịnh thì cái nhân tính của người đó càng biến mất đi. Không còn nhân tính nữa, chỉ còn cái quan tính lúc làm quan. Cho đến một ngày tất phải về hưu, lúc đó cái nhân tính may ra mới hồi phục.
Sự tồn tại của quan trường làm cho cách làm việc tại Trung Quốc trở thành rất đặc biệt, khiến cho quỹ đạo của sự phát triển văn hóa đi lệch hướng.
Điểm thứ tư :
Tôi cho rằng Khổng Khâu (Khổng Tử) là một nhân vật vĩ đại, tri thức uyên bác, lại có một tấm lòng nhân hậu và những cống hiến lớn đối với xã hội. Cái Nho giáo do Khổng Khâu cùng những học phái Nho gia sau này lập ra đều đã ảnh hưởng đến người Trung Quốc một cách sâu rộng, và còn ảnh hưởng ngay cả đến chúng ta ngày nay. Nhưng tinh thần nhà Nho là một tinh thần bảo thủ, nói một cách nghiêm túc hơn thì nhà Nho không những rất bảo thủ mà còn phản tiến bộ.
Chữ " Nho " này vào thời Xuân Thu Chiến Quốc chỉ được dùng theo nghĩa sử dụng trong nghi lễ cúng tế. Một nhà Nho là một người hiểu biết cái trình tự cúng tế. Gặp lúc quốc gia cần các nghi lễ mới cần loại người này đóng góp ý kiến. Bản chất loại người này vốn nệ cổ. Thời đó chưa có lễ nhạc mới, phải dùng lễ nhạc thời cổ. Để có miếng cơm nhà Nho phải giữ gìn sao cho nghề nghiệp của họ được ổn định nên sinh ra thói nệ cổ. Nếu chúng ta không dùng từ nệ cổ, sùng bái những cái cũ, vì cho rằng nó có nghĩa xấu thì cũng phải bảo là họ rất bảo thủ.
Cái tinh thần bảo thủ này ở Trung Quốc đã trở thành một ý thức bền bỉ, làm cho xã hội mất hết sức sáng tạo, mất tập quán tự tìm hiểu, tự phê phán.
Bạn bè lúc nói chuyện về nước Mỹ (xin lỗi, tôi cứ múa búa trước cửa Lỗ Ban, tôi muốn nói chơi thôi, xin quý vị cứ nghe chơi chứ đừng tin thật! ), có người nói về việc đàn áp chủng tộc, nào tàn sát dân da đỏ, ngược đãi da đen, kỳ thị da vàng. Tôi đã từng đi tham quan đảo Angel (En-giơn), đã được nhìn thấy chữ và những dòng thơ người Trung Quốc để lại nói lên những sầu thảm và đau khổ của đời họ.
Những khuyết điểm này của nước Mỹ có thật không ? Dĩ nhiên là có thật, thậm chí còn hơn sự tưởng tượng của chúng ta nữa. Nhưng chúng ta phải lưu ý thêm một vấn đề khác, đó là đối với các khuyết điểm kia họ có khả năng sửa đổi không? Tự họ có ý thức được vấn đề không ? Tình hình hiện nay so với trước có khá hơn không ? Nếu không thì tiền đồ của nước này chắc chắn cũng không sáng sủa gì. Nếu có thì chúng ta phải thấy rằng đấy là một quốc gia vĩ đại, có một sức sống dồi dào.
Trước kia nước Mỹ có " cây treo cổ người ", bây giờ không còn nữa. Xưa kia nước Mỹ đối với tù nhân có dùng " nhà lao nước ". Bây giờ khi bắt bớ người, họ phải đọc điều thứ 9 của Hiến pháp cho người ấy. Nước Mỹ đã có những điều sai lạc, nhưng lại có năng lực sửa sai.
Nhưng dân tộc Trung Quốc chúng ta lại hoàn toàn không có năng lực này. Tình trạng nệ cổ lâu dài, không cầu tiến, bảo thủ, đã làm cho cái năng lực này tiêu tan.
Nhìn lại lịch sử chúng ta sẽ thấy Thương Ưởng - một nhà tư tưởng đời Tần - đã dùng luật pháp biến đổi nước Tần như thế nào. Trước đó dân chúng sinh hoạt trong gia đình, bố mẹ, con cái, anh chị em, lớn nhỏ đều nằm chung trên một giường gạch lớn ( cái kháng, một loại giường xây bằng gạch hoặc đất, ở dưới có bếp lửa vừa để nấu ăn vừa sưởi ấm vào mùa đông).
Thương Ưởng dạy họ cách sống văn minh bằng cách bắt bố mẹ, con cái không được ngủ chung phòng, anh trai, em gái cũng vậy. Điều này cho thấy vào thời đó chúng ta là một quốc gia man rợ và lạc hậu đến dường nào.
Thương Ưởng chẳng phải đã phát minh ra bom nguyên tử, cũng không phải đã cải cách về mặt vật chất, nhưng đã dùng pháp chế để tạo ra một chế độ mới, một xã hội mới, giáo dục con người về mặt văn hóa. Và cải cách đó của ông cơ bản đã thành công.
Thương Ưởng là người của thế kỷ thứ IV trước Tây lịch. Hơn 2.000 năm sau đó chưa có ai đột phá thêm một lần nữa, làm được những cải cách cơ bản như vậy. Cứ mỗi lần có người muốn đột phá, cuối cùng đều thân bại danh liệt, cửa nhà tan nát, tính mạng không còn. Chính số phận Thương Ưởng rồi cuối cùng cũng bị ngũ mã phân thây. Nho gia học phái thường thường vẫn lấy cái kết cục bi thảm của Thương Ưởng để răn đe những kẻ muốn cải cách và uy hiếp sự tiến bộ của người Trung Quốc.
Trong lịch sử Trung Quốc còn có một nhà cải cách lớn nữa là Vương An Thạch, một người mà đạo đức, học lực cùng sức làm việc đều không có chỗ nào có thể chê được. Nhưng những cải cách của ông toàn gặp trắc trở lớn. Trương Cư Chính cũng vậy, ông cũng gặp một kết cục thê thảm như Thương Ưởng, lúc vừa mất thì nhà bị niêm phong, con bị bỏ đói cho chết. Rồi đến cuộc cải cách năm Mậu Tuất (1898) của Khang Hữu Vi cũng chẳng khác gì, tất cả đều thất bại !
Nho gia học phái có một cách nói : " Nếu không có lợi mười phần thì không cần cải cách ! " (Lợi bất thập, bất biến pháp). Đại ý muốn nói rằng nếu lợi ích không đạt 100 % thì không nên cải cách. Cái quan niệm này là một nguyên nhân lớn nhất làm cho dân tộc Trung Quốc chúng ta không thể tiến bộ, không thể hùng mạnh được. Vì bất cứ một cải cách nào cũng không thể đem lại mười phần mười lợi ích cả. Chỉ cần đạt lợi ích lấy năm phần rưỡi của mười phần cũng là lớn lắm rồi.
Tối hôm qua có vài vị nói chuyện về vấn đề phiên âm tiếng Hán, có người đề cập đến khuyết điểm này, có người nói đến khuyết điểm khác, nhưng trên đời này thử hỏi có cái cải cách nào mà không có khuyết điểm ? Cái thì có vấn đề về mặt tình cảm, cái thì về mặt lý luận. Nếu anh muốn 100 % không có vấn đề thì trên đời này làm gì có được cái chuyện quái dị đó.
Vì tinh thần nhà Nho vốn bảo thủ nên có lần một vị hoàng đế triều Tống hỏi Tư Mã Quang: " Có nhất định cần cải cách không? Ví như cứ giữ được luật pháp của Tiêu Hà từ triều Tây Hán mà không thay đổi gì có được không? " Tư Mã Quang đáp: " Đương nhiên là được, bởi vì có quá nhiều kẻ ngông cuồng, bọn hiếu sự cứ muốn sửa đổi lăng nhăng chỉ tổ tạo dịp may cho đạo tặc hoành hành. Nếu không muốn thay đổi gì thì những phong tục tốt đẹp từ thời Nghiêu Thuấn cũng có thể giữ đến ngày nay ".
Tư Mã Quang là một kiện tướng trong giới quan trường thời bấy giờ. Cái loại sâu mọt hại nước, hại dân này là một trở lực cực lớn cho sự tiến bộ của Trung Quốc.
Lúc vừa lên Tể tướng, việc đầu tiên Tư Mã Quang làm là xóa sạch toàn bộ những luật pháp mới của Vương An Thạch, gồm cả đạo luật rõ ràng mười phần hiệu quả về cách tuyển người (Mộ dịch pháp). Tô Đông Pha và con của Phạm Trọng Yêm là Phạm Thuần Nhân đều đứng ra phản đối. Tư Mã Quang liền trở mặt ngay với họ.
Điều này cho thấy ở thời đại Bạn Cước Thạch bọn quan trường chẳng kể thị phi, chẳng nghĩ đến lợi ích nhân dân, chẳng trung thành gì với nguyên thủ quốc gia, mà chỉ trung thành với lợi ích bản thân.
Tư Mã Quang thật ra cũng chẳng phải là một nhà chính trị gì cả, bất quá chỉ là một tên quan trường dơ bẩn thế thôi.
Điểm thứ năm :
Vấn đề cuối cùng tôi muốn nói là cái tác hại của nạn dân số quá đông. Cứ sau các cuộc nội chiến, thay đổi triều đại là dân số nổ bùng. Thế rồi cái vòng luẩn quẩn bi thảm lại bắt đầu : chiến tranh, tàn sát, tử vong.
Có người bảo cái đất Mỹ sướng quá, mức sống cao thế ! Không biết các vị có chú ý một điều là dân số Mỹ chỉ có 260 triệu người. Giả sử dân số Mỹ tăng lên một tỷ người hoặc tất cả dân Trung Quốc lại dọn sang Mỹ ở thì tình hình sẽ ra sao ?
Vấn đề dân số là một vấn đề nguy ngập. Nếu Trung Quốc muốn trở nên giàu mạnh tất phải liều mạng giảm dân số.
Có câu nói " Nhiều người thì làm băng băng, ít người thì ăn bánh mì hấp " (một loại bánh rẻ nhất). Thời xưa thì có thể như thế thật nhưng thời nay thì không. Người nhiều quá chỉ tổ thất nghiệp. Một trăm người làm chẳng bằng một cái điện não (máy vi tính).
Câu " ít người thì ăn bánh mì hấp " là một chân lý đã lỗi thời. Thu nhập gia đình nuôi hai, ba đứa con thì còn đủ để duy trì một mức sống tương đối khá. Nhưng nếu chẳng may không để ý mà có 200 đứa, thì lấy gì mà nuôi chúng nó ? Tiền ăn, ở, tiền học, tiền quần áo,... lấy đâu ra ?
Trung Quốc người quá đông, nghèo khổ quá lớn, quan trường quá mạnh, cạnh tranh quá khắc nghiệt, những lý do này sinh ra nơi người Trung Quốc cái hiện tượng bẩn, loạn , ồn, xâu xé lẫn nhau. Người Trung Quốc có câu " Khí thế hung hăng " (lai thế hung hung) để nói việc chúng ta không biết đối xử với nhau một cách có lễ độ.
Lúc tôi ở Los Angeles (Los Angeles) có người hỏi tôi cảm tưởng về nước Mỹ. Tôi bảo nước Mỹ là một nước trọng lễ nghĩa. Lại hỏi thế Trung Quốc có phải là một nước trọng lễ nghĩa không ? Tôi cho là Trung Quốc là một nước tuyệt đối không trọng lễ nghĩa. Người Trung Quốc thật thô lỗ, hầu như lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một đòn để đánh phủ đầu đối phương.
Các vị chắc chắn có thể thấy người Trung Quốc rất ít cười. Phải chăng vì quá nhiều hoạn nạn, đau khổ, sầu não quá lâu làm cho họ không thể cười nổi nữa ? Cho nên tôi mới thấy dân Mỹ thật là rất vui sướng, ít nhất đó là nước Mỹ mà tôi gặp, tôi tiếp xúc. Một nước rất hạnh phúc, lương thiện, hay giúp đỡ người khác. So sánh với người Mỹ thì người Trung Quốc lúc nào cũng lo âu, lòng đầy những ý tưởng hận thù, chỉ sợ người khác làm cho mình thiệt hại. Trong cuộc sống lúc nào cũng lo ngay ngáy, đôi mắt để tự vệ lúc nào cũng sẵn sàng long lên sòng sọc.
Có người nói ở Mỹ người ta kỳ thị chủng tộc. Dĩ nhiên là có, nhưng sự thật là không phải chỉ riêng ở Mỹ. ở nước nào mà không có kỳ thị chủng tộc ? Nhưng ít nhất nước Mỹ cũng còn bao dung chúng ta, không những bao dung con người mà còn dung túng cả những cái bất lịch sự, dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào và sự xâu xé lẫn nhau của chúng ta nữa.
Đấy là những điều tôi đã " khảo sát " được khi đến Mỹ. Tôi rất tâm đắc và nói ra thành thực không dấu diếm. Còn những ưu điểm của chúng ta, không cần nhắc lại làm gì, vì có nói đi nói lại nó vẫn còn đó, không nói nó cũng chẳng đi đâu mất. Tôi chỉ nhắc đến khuyết điểm để chúng ta có thể tự phản tỉnh. Những khuyết điểm này vô cùng nghiêm trọng. Cái hũ tương văn hóa của chúng ta chứa đựng biết bao vấn đề phức tạp. Phải làm sao bây giờ ?
Tôi xin có vài ý kiến sau đây :
Những vấn đề này - nếu là vấn đề - thì đối với chúng ta cái phản ứng đầu tiên như một con người là phải tự mình tìm tòi, suy nghĩ. Từ mấy nghìn năm nay, toàn những người khác - thánh nhân, các quan lớn hoặc những loại người như thế - đã thay chúng ta suy nghĩ. Tự mình, chúng ta thấy không cần suy nghĩ hoặc không dám suy nghĩ xem nên làm thế nào mới đúng. Người Trung Quốc tựa hồ cứ như kẻ có nhu cầu luyện tập cho mình thành người ngốc đi.
Sau khi báo chí Đài Bắc đăng tin con trai tỷ phú Rockefeller (Rốc-cơ-phê-lơ) đi thám hiểm New Guinea (Tân Ghi-ne) bị thổ dân ăn thịt, tức thì có nhiều người bảo : " Có phúc mà không biết hưởng, mình mà như nó thì đi Ghi-nê làm khỉ gì ! "
Khi ở Phoenix (Phê-nic) tôi trú chân lại nhà một gia đình Mỹ khoảng năm, sáu ngày. Con gái chủ nhà tên là Margaret (Ma-ga-rét), 16 tuổi đã đi Honduras (Ôn-đu-rát) để dậy cho người bản xứ hiểu được cách giữ gìn đôi mắt. Trình độ vệ sinh ở nước này còn tệ hơn ở Trung Quốc nữa, nghĩa là một nơi rất bẩn. Thế mà đúng lúc tôi ở đó thì cô ta về nhà, kể chuyện cho mẹ nghe, mặt mày hớn hở bảo rằng sang năm cô sẽ lại đi nữa, vì cô thấy cần giúp đỡ những người nghèo và lạc hậu ở nơi đó. Mẹ cô không những đồng ý mà còn khích lệ cô.
Người Trung Quốc chúng ta có lẽ sẽ nghĩ rằng nếu là mình chắc chẳng cần đi đến cái nơi khỉ ho cò gáy đó làm gì. Nhưng người mẹ ở nước Mỹ kia lại ca ngợi con gái mình, cho rằng con gái mình có ý thức, có lòng tốt, biết tỏ ra có thể xả thân vì người khác, và vì vậy rất lấy làm hãnh diện. Thật ra đối với tôi bà ta cũng chẳng có nhu cầu khoe khoang cái lòng tốt của cô con gái làm gì. Mà tôi cũng không thể cho cô ta làm quan hay tiền bạc gì cả. Dưới mắt của bà ta chẳng qua tôi cũng chỉ là thành viên của một dân tộc lạc hậu mà thôi. Cái động cơ trong thâm tâm người mẹ ấy chỉ là lòng chân thành.
Trong những hoàn cảnh tương tự người Trung Quốc lúc nào cũng sẽ quá thông minh. Bởi tôi nghĩ rằng trên thế giới này không dân tộc nào, kể cả dân tộc Do Thái, có thể thông minh như kiểu người Trung Quốc được. Nếu một đối một, người Trung Quốc tất phải thắng. Nhưng nếu từ hai trở đi, người Trung Quốc không thể nào không thua, bởi tựa hồ như thiên tính của người Trung Quốc là không đoàn kết được với nhau. ý nghĩa của đoàn kết là mỗi người đều phải hy sinh một phần quyền và lợi của mình. Ví dụ, có hai vật hình tròn muốn dính sát lại với nhau thì phải gọt ra thành hai hình vuông bé hơn một tý. Nhưng chả ai muốn mình bị gọt cả, chỉ muốn người khác bị gọt thôi, kết cục làm sao đoàn kết được ?
Người Trung Quốc thông minh đến mức nào ? Đến độ khi bị đem đến lò sát sinh, còn cố cò kè về giá cả của mình, nếu kiếm thêm được vài đồng thì chết rất hả hê.
Cái kiểu thông minh quá cỡ này nhất định sẽ thành kiểu ích kỷ quá cỡ. ở Trung Quốc người nào mà không suy nghĩ một cách ích kỷ, cư xử một cách ích kỷ đều bị chế diễu là ngu ngốc.
Người Trung Quốc không khoan dung, hễ ai có tâm địa tốt, rộng lượng với người khác, tán dương người khác đều bị chửi là đồ ngốc. Có người tát anh mà anh lại phản kháng, có người phạm pháp mà anh lại can ngăn thì anh đúng là ngốc. Hễ cứ làm một việc mạo hiểm để sau đó không thể làm quan, hoặc không thể phát tài, là mọi người đương nhiên cho anh là thằng ngốc.
Tôi cho rằng để cứu dân tộc mình, mỗi người Trung Quốc cần có ít nhiều cái ngốc đó, nếu không rồi cũng sẽ dần mòn suy đồi như dân da đỏ.
Tục ngữ có câu : " Người không ích kỷ thì trời tru đất diệt " (nhân bất tự tư, thiên tru địa diệt), nghĩa là ai mà không ích kỷ thì bị người khác xem là không có cách gì cứu chữa được. Chúng ta không thể nào tự mình bắt đầu, không cần dựa vào chính phủ hoặc người khác mà vào chính bản thân mình để làm một vài điều mà mọi người cho là ngốc nghếch chăng ?
Để kết luận, tôi cho rằng chúng ta đừng nên làm cho cái quan hệ con người trở thành phức tạp. Phải bắt đầu bằng sự rèn luyện bản thân mình, con cái mình. Ví dụ trẻ con ở Mỹ được mẹ chúng dạy cách thu dọn, lau chùi bàn ăn, vứt rác vào thùng sau khi ăn xong. Những thứ giáo dục đó phải bắt đầu từ bản thân, bắt đầu từ tấm bé. Sự huấn luyện này phải bắt đầu như một khởi điểm cũng như một lịch trình.
Người Trung Quốc có rất nhiều đức tính, nhưng đáng tiếc chúng chỉ ở trên sách vở. Bây giờ chúng ta mong rằng chúng sẽ xuất hiện trên hành động. Hãy thử xem chúng ta có làm nổi hay không ?
Tôi xin dứt lời vì đã lạm dụng quá nhiều thì giờ của quý vị, xin thứ lỗi và xin chỉ giáo.
?@
Phần thảo luận
Thính giả : Ông vừa nói đến chế độ phong kiến dày xéo nhân quyền, cụ thể trong thời nhà Minh. Thực ra tình hình phương Tây thì có khác gì ? Tôi nghĩ văn hóa hóa Tây phương cũng trải qua những thử thách của thời đại quân chủ chuyên chế như vậy, nhưng tại sao họ lại có thể đẻ ra được quan niệm nhân quyền và chủ nghĩa tự do mà Trung Quốc cho đến ngày nay vẫn không làm được ?
Bá Dương : Rất tiếc tôi không thể trả lời vấn đề này. Cứ cho rằng chúng ta không thể hiểu được vì sao người phương Tây lại ăn bằng dao nĩa mà người Trung Quốc lại ăn bằng đũa. Văn hóa phát triển dần từng bước, hai nền văn hóa này từ thuở xa xưa không có gì dính dáng với nhau, không có khả năng ảnh hưởng lẫn nhau, mỗi cái phát triển theo mô hình riêng của nó. Sinh hoạt của từng cá nhân và vận mệnh của mỗi dân tộc thường bị những yếu tố rất lớn hoặc đôi khi rất nhỏ làm chuyển đổi phương hướng. Nhưng chúng ta lại không hiểu cái nhân tố lớn, nhỏ ấy là cái gì và ở đâu.
Thính giả : Những điều ông vừa nói làm chúng tôi cảm thấy buồn về cái thời trẻ tuổi lạc quan của chúng tôi. Tôi thuộc vào thế hệ những người lớn lên sau chiến tranh, và từ trước đến giờ tôi vẫn cho rằng thế hệ chúng tôi từ cách suy nghĩ cho đến nếp sống xã hội đều nhất nhất không giống thế hệ đàn anh.
Nói ví dụ, hiện giờ tôi không làm quan chức gì, nhưng biết đâu có một ngày nào đó tôi lại chẳng có một chức vị, để rồi chỉ có quan tính mà mất nhân tính. Nhưng dù có rơi vào trường hợp đó, tôi tin rằng cái quan tính của tôi so sánh với quá khứ vẫn ít hơn một tý, mà nhân tính nhiều hơn một tý. Tuy nhiên hôm nay ông nói vậy, tôi lại thấy không giống cách nghĩ của tôi.
Bá Dương : Tôi nghĩ tôi chỉ nói lên sự thực lịch sử. Nhưng vì thời đại và hoàn cảnh vẫn đổi thay, giáo dục tiến triển, có thể ngày nay rồi sẽ không như thế nữa. Vả lại tôi tin tưởng vào sự thành tâm của anh và tin rằng anh sẽ làm được chuyện ấy.
Thính giả : Tôi vẫn thấy cách giải thích của ông khác tôi.
Bá Dương : Tôi cần nhấn mạnh thêm rằng cái chuyên chế chính trị ở Trung Quốc với cái chuyên chế chính trị của Tây phương về nồng độ và kích thước hoàn toàn không giống nhau.
Tôi học sử phương Tây không nhiều, nhưng nếu đem so sánh thì chuyên chế Trung Quốc rất cực đoan.
ở cung đình phương Tây chỉ quỳ một gối, trừ phi đối với thượng đế thì mới quỳ hai gối. ở Trung Quốc không những phải quỳ cả hai gối mà còn phải khấu đầu, thậm chí đập đầu xuống đất cho kêu thành tiếng (Khải hưởng đầu).
Cuối đời nhà Thanh có câu : " Đập đầu nhiều, nói ít " (Đa khải đầu, thiểu thuyết thoại). Cái khái niệm nội tại cùng trình độ của chuyên chế Trung Quốc e rằng Tây phương không thể so sánh nổi.
Tôi được thấy một bức tranh sơn dầu vẽ Louis XIV (Lu-is XIV) của Pháp. Ông này ngồi giữa, các đại thần và hoàng hậu ngồi chung quanh. Cái cảnh này không thể nào có ở Trung Quốc được, các đại thần ở Trung Quốc nhất định phải nơm nớp lo sợ, lấm la lấm lét quỳ mọp chung quanh.
Thính giả : Xin ông cho biết ý kiến về chữ giản thể (chữ Hán đơn giản hóa, dùng ở lục địa, so với chữ cũ nhiều nét vẫn dùng ở Đài Loan).
Bá Dương : Tôi tán thành chữ giản thể, lại càng tán thành việc phải phiên âm tiếng Trung Quốc. Tối hôm qua nhiều bạn tụ tập nói chuyện về vấn đề này, đại khái không ai nhất trí. Cái tâm lý bị bế tắc của những người phản đối chữ phiên âm cần phải được giải tỏa.
Lấy ví dụ, lúc gọi điện tôi hỏi anh họ gì? - Tôi họ Lưu! Chữ Lưu này viết thế nào có lẽ trên điện thoại khó mà giải thích cho rõ ràng được. Nếu tôi bảo anh đi tra từ điển, dĩ nhiên không phải tra được ngay, tra đến lần thứ hai, thứ ba vẫn không thấy chắc phải nổi điên lên.
Ngày xưa chúng ta trách cứ cổ văn không có dấu chấm câu, không biết ngắt câu thế nào và hiểu làm sao. Có ai đọc qua " Sử đời Nguyên " chưa ? Tên Mông Cổ như mớ bòng bong, dài lòng thòng không biết là mấy người. Ngày nay tuy đã có dấu chấm câu, nhưng những khuyết điểm lớn của cái loại chữ vuông này lại càng lộ rõ.
Vấn đề đầu tiên là tách chữ. Vì tiếng Trung Quốc có nhiều từ ghép, dù biết hết các chữ đơn ở trong câu cũng chưa chắc đã hiểu.
Sau đó là không thể phiên âm. Loại chữ vuông này thông thường chữ nào đọc riêng chữ đó, không thể dính liền âm tiết lại với nhau, nên phải phí rất nhiều sức lực để tập trung mới hiểu được ý từ những âm tiết rời rạc đó. Ví dụ tôi nói " Tôi từ Mã-lai-xi-a đến " (Ngã tòng mã lai tây á lai), ở đây chữ Malaisia phải liên âm và cách âm với chữ lai sau đó. Nếu không " Mã lai " (ngựa đến), " Tây á lai " (Tây á đến), và nếu có em bé nào lại lấy tên là Tây á thì câu nói này lại thành vấn đề lớn.
Ngày nay máy chữ, điện não (máy tính điện tử) đánh nhanh biết bao, tôi chỉ sợ rằng cái thứ chữ vuông này không thể nào bắt kịp bước tiến. Tôi chỉ mơ ước có được một cái máy đánh chữ tiếng Trung Quốc để khỏi phải ngày ngày làm cái loại động vật bò lên trang giấy.
Nhưng phiên âm tiếng Trung Quốc không phải dễ, chủ yếu vì cái trở ngại tâm lý nơi chúng ta, vì chúng ta cho rằng dùng ABCD là dùng mẫu tự tiếng Anh, chữ phiên ra là tiếng Anh. Kỳ thực không phải như vậy. Chúng ta phải hiểu là chữ ABCD này là mẫu tự Trung văn. Chữ phiên ra là chữ Hoa, không đến nỗi có cảm giác nhục nhã vì bị đồng hóa. Đúng vậy, nó là tiếng Trung Quốc, tiếng Hoa chứ không phải tiếng Anh, tiếng Đức. Nếu dùng ABCD mà lại thành tiếng Anh thì người Đức, người Pháp có thể tức chết được.
Văn tự hoàn toàn là công cụ, giống như cái xe, anh mua nó thì nó là của anh, ai mua nó thì nó là của người đó. Kỳ thực nếu chúng ta dùng văn tự phiên âm ngay hôm nay, người chết đói đầu tiên sẽ là tôi vì tôi đang dùng cái loại chữ vuông này để kiếm cơm. Nhưng tôi cảm thấy sinh mệnh của riêng mình rất ngắn ngủi, những lý do chính trị cũng rất ngắn ngủi, chỉ có văn hóa dân tộc là quan trọng, rất quan trọng. Nhất là các vị tại Mỹ, các vị có thể thấy con cháu đời thứ hai nói được tiếng Trung Quốc mà không viết được. Khó như thế thì làm sao mà dậy chúng ?
Cứ như chữ Quốc ( ) [ nước ] viết thế nào ? Muốn biết nó chỉ có cách học thuộc lòng, không có phương pháp nào khác. Ngay cả lúc trẻ con gào lên : " Tôi ghét tiếng Trung Quốc! " mà chúng ta vẫn còn chưa thức tỉnh sao? Chúng ta không thể làm cho những khó khăn trên đường tiến bước của Trung Quốc tăng thêm, không thể tự xích tay, cùm chân được.
Tại sao lại phải sống cho quá khứ, cho tổ tiên thay vì sống cho con cháu mình? Nếu chỉ vì phiên âm mà rồi không đọc được sách cổ nữa thì cũng chả sao. Hiện giờ chưa phiên âm mà anh đọc cũng đã chẳng hiểu rồi còn gì !
Việc quá khứ, việc tổ tiên, chúng ta có thể nhờ một số người để chuyên đi quét dọn miếu đường. Chúng ta phải vì con cháu, vì thế hệ sau này, vì tương lai của nước nhà và dân tộc. Một ngày nào đó, nếu tiếng Trung Quốc bỗng nhiên trở thành tiếng quốc tế, chắc chắn nó không thể phổ cập được trừ phi dùng phiên âm.
Hôm nay tôi nhai đi nhai lại những khuyết điểm của Trung Quốc chắc có người nghe bị mất tinh thần. Nhưng tôi thấy rằng cần như vậy, vì nếu cứ lải nhải khoe khoang những ưu điểm, đức hạnh, sự thông minh của mình, rồi sẽ chẳng còn ai tôn trọng mình nữa, vì chính mình đã không tôn trọng mình gì cả.
Các bạn nên biết, những hoạn nạn của người Trung Quốc, không phải là chỉ của riêng người Trung Quốc mà còn là của cả thế giới. Một chiếc thuyền nhỏ chìm thì không sao, một chiếc tầu lớn bị chìm có thể cuốn theo vào vòng xoáy nước của nó những chiếc thuyền nhỏ xung quanh.
Tại sao Nhật Bản lại đến xâm lược chúng ta ?
Chính vì sự yếu đuối của chúng ta đã dụ dỗ họ ra tay. Chúng ta phải tự cứu lấy mình. Điều đầu tiên để tự cứu là phải biết được những khuyết điểm của mình. Nếu không tự biết những khuyết điểm của mình thì chẳng khác gì suốt ngày chỉ nghĩ đến những chuyện đắc ý, chỉ sợ rồi cũng như Giả Bảo Ngọc (một nhân vật trong Hồng Lâu Mộng) suốt ngày luẩn quẩn với những ý tưởng dâm dật.
Thính giả : Tôi thường nghe được hai câu này - " Dĩ bất biến ứng vạn biến " (Lấy sự không thay đổi để ứng phó với mọi thay đổi), và câu " Báo thiện bất báo ưu " (Đáp lại bằng điều thiện, không đáp lại bằng sự lo buồn).
Bá Dương : Đối với câu " Dĩ bất biến ứng vạn biến " thì tôi không dám có ý kiến gì, còn câu " Báo thiện bất báo ưu " tôi cho rằng đấy chỉ là một đặc trưng của giới quan trường.
Thính giả (người Mỹ) : Hôm nay hình như ông chỉ nói về khuyết điểm của người Trung Quốc, tôi muốn xin ông cũng nói về những cái xấu của người Mỹ. Qua những sách ông đọc, những việc ông nhìn, ông thấy được những điều gì nước Mỹ cần phải học hỏi ở năm nghìn năm lịch sử Trung Quốc ?
Bá Dương : Về những điều xấu của nước Mỹ, chính người Mỹ đã nói lên nhiều rồi, đó là chỗ tôi rất khâm phục. Vì nước Mỹ có cái khả năng tự cân đối, tự phản tỉnh và tự điều chỉnh. Tự mình có chỗ sai trái đều dám tự nói ra, tự mình có thể tiếp thu, đánh giá. Đấy là những điểm mà người Trung Quốc chúng tôi không có được. Dĩ nhiên nước Mỹ không phải mười phần toàn mỹ, vì trên thế giới này chưa có gì như vậy, mà nước Mỹ nếu như vậy chỉ sợ rồi nó sẽ xơ cứng mất.
Thính giả : Lúc ở đại học tôi có đọc qua vài tác phẩm của ông, tôi rất thích cái ngòi bút châm chọc, cay chua, mỉa mai những điều không hợp lý trong xã hội. Hôm nay, được nghe ông nói về những khuyết điểm của người Trung Quốc, tôi rất cảm động mà cũng rất khổ tâm, chán nản, buồn rầu. Nhưng tôi cho rằng cũng giống như một con bệnh, nếu đã biết mình bị bệnh tất phải tìm cách cứu chữa, thuốc thang. Tôi không biết trong các tác phẩm của ông có những gì mách bảo chúng tôi làm chuyện đó ? Ngoài ra tôi muốn ông nói một tý về tình hình trên văn đàn Đài Loan, giới thiệu cho chúng tôi những tác giả và những tác phẩm hay.
Bá Dương : Tôi xin nói về vấn đề thứ hai trước. Trần ánh Chân, Vương Tháp, Tam Mao, Ai Quỳnh Quỳnh, Trần Minh Bàn, Dương Thanh toàn là những nhà văn hạng nhất. Tôi không đọc được nhiều vì ngồi tù mắt bị yếu đi, đọc chữ bé quá không được, mà sách báo Đài Loan chữ quá bé. Vấn đề này có lẽ phải xin nhà tôi đáp hộ.
Nói đến khuyết điểm, đến bệnh tình của người Trung Quốc, tôi biết các bạn rất buồn và tôi cũng rất buồn. Bởi vì trước kia tôi toàn nghe nói đến những vinh quang của Trung Quốc, như kiểu Chu Nguyên Chương là một vị anh hùng dân tộc. Sau này tôi mới khám phá ra rằng không phải vậy. Trong lúc những người khác chiến đấu với quân Mông Cổ, thì y ở tại hậu phương mở rộng địa bàn của mình, đánh triệt hậu những người khác để chiếm đất, cuối cùng cướp chính quyền, hoàn toàn tính toán cho ý đồ riêng tư, chờ cho mọi người khác đánh xong quân Mông Cổ rồi y tọa hưởng kỳ thành.
Phát hiện được chuyện này tôi rất lấy làm chán nản. Tôi nghĩ nếu muốn phục hưng dân tộc phải bắt đầu bằng việc thừa nhận các khuyết điểm, những sai trái của mình. Nếu không thừa nhận thì làm sao cải cách được ? Không cải cách thì làm sao tiến được ? Thời trước mình đã không thừa nhận vì không biết phân biệt phải trái, dù có thấy khuyết điểm cũng không dám nói. Nếu có kiểm thảo thì chỉ toàn thấy những điều hay. Cho nên chúng ta toàn bị người ta bắt nạt, lúc thì người này, lúc người nọ.
Mỗi người Trung Quốc phải tự xét mình trước khi oán thán, kêu ca, trách cứ người khác. Tại Đài Bắc có cặp vợ chồng cãi nhau tìm tôi phân bua. Người chồng hùng hổ bảo : - " Vợ tôi không yêu tôi ". Tôi nói rằng nếu muốn người khác yêu anh, điều kiện đầu tiên là tự anh phải là người khả ái. Nếu tự mình không khả ái làm sao người khác có thể yêu mình. Nếu mình muốn người khác tôn trọng, thì trước hết phải có cái điều kiện để được tôn trọng. Cái điều kiện này không thể cứ chửi bới hoặc hô khẩu hiệu là có được. Ví thử nơi này là nơi không thể tùy tiện khạc nhổ mà anh cứ khạc nhổ ; tiểu tiện phải vào nhà xí, anh lại cứ ở trên đại lộ mà làm, thì hỏi rằng làm sao người ta tôn trọng anh được ? Vì vậy, để được tôn trọng chúng ta phải có những điều kiện tiên quyết, phải biết chúng ta khác người ở điểm nào, phải biết cái dở của ta, cái hay của người.
Nếu anh bảo người Mỹ tốt, người ta sẽ bảo anh là sùng bái Tây phương. Sùng bái thì đã sao ? Hệ tư tưởng của chúng ta ngày nay, về kinh tế, học thuật, dân chủ, chính trị, nhân quyền có cái nào là do cha ông chúng ta tryền lại không ? Chế độ xã hội, hình thái ý thức, phương thức sinh hoạt đều do từ nước ngoài đến, có cái nào là truyền thống không ? Những sinh hoạt vật chất của chúng ta như xe ô-tô, máy bay, kính mắt, cách cắt tóc, cạo râu, nhà ở,v.v... đều chẳng phải do người Trung Quốc phát minh ra. Cho nên tôi thấy không phải là vấn đề sùng bái mà là vấn đề học tập. Hiện nay ở Đài Bắc người ta thích ăn gà ta, mà tôi cũng rất thích, không ai thích ăn gà tây, không ngon thành ra không ai ăn cả. Tóm lại cái gì hay thì người ta thích.
Cái tinh thần người Trung Quốc không hiểu thế nào mà hễ cứ tôn sùng Tây phương là họ nghĩ tất yếu phải nịnh bợ nước ngoài. Không hiểu vì sao lại đưa đến cái kết luận đó ? Sùng bái ở đây chẳng qua là học những ưu điểm của họ. Ví dụ có một ngày nào đó người Mỹ đều hút thuốc phiện tự sát, chẳng nhẽ chúng ta cũng lại bắt chước họ sao ? Chúng ta phải có cái tiền đề là làm sao cho người ta tôn trọng mình, phải có khả năng tự tìm hiểu mình. Đó là điều kiện tối cần để dân tộc mình có thể tồn tại và phát triển.
Trách tới trách lui rồi chung quy cũng chỉ đi trách người khác thì không thể nào cứu được dân tộc. Dân da đỏ nói mãi là người da trắng giết hại họ, họ thù hận đến xương tủy, nhưng thù họ thì làm được gì ? Phải tự mình mạnh lên mới được. Không tự ngoi lên được, trong tương lai có thể còn bị giết nhiều hơn nữa. Không nên trách cứ oán thán ai cả, mà phải thấy được cái sai, khuyết điểm của mình thì mới có khả năng khá lên được.
Thính giả : Trong quyển " Những con trùng dậy sớm " ông lên án những tiểu thuyết huyền ảo, khuyên mọi người không nên xem tiểu thuyết kiếm hiệp. Trên nguyên tắc tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Nhưng Nghê-Khuông lại bảo : " ở trên đời nếu không đọc tạp văn của Bá Dương đã là một sự mất mát lớn, nếu không xem được chuyện kiếm hiệp của Kim Dung lại là một sự mất mát lớn khác nữa ". Không hiểu ông nghĩ gì về câu nói này ? Vấn đề thứ hai là nghe nói lúc ở Lục Đảo ông đọc rất nhiều sách về tướng số. Tôi cho rằng môn tướng số là một bộ phận của văn hóa Trung Quốc rất thần bí, ông nghĩ sao ?
Bá Dương : Khi tôi viết quyển sách đó tôi chưa đọc tác phẩm của Kim Dung, bởi vì thời đó tiểu thuyết của Kim Dung chưa xâm nhập vào Đài Loan (từ Hồng Kông). Sau khi đọc Kim Dung rồi thì không thể đọc các loại truyện kiếm hiệp khác. Tôi đọc qua Vương Độ Lư, Bất Tiêu Sinh và rất nhiều kiếm hiệp khác. Nhưng sau khi đọc Kim Dung rồi, thấy chẳng ai sánh kịp. Cái trình độ văn tự, cảnh ý của Kim Dung đều cực giỏi, thêm nữa tiểu thuyết kiếm hiệp của ông ta lưu hành ở nước ngoài nên ý nghĩa lại càng lớn. Nó làm mọi người say mê, giúp phổ cập hóa tiếng Trung Quốc. Ông ta viết quả là hay, bút pháp thật tài tình, đúng là không tiền khoáng hậu, tôi rất khâm phục.
Lúc ngồi tù tôi cũng đã đọc nhiều sách tướng số. Vì 12 năm vừa qua, thời cuộc đổi thay, có khả năng tôi không kiếm được cách sinh nhai, định ra ngồi lề đường bốc quẻ. Tôi đọc được hơn một năm. Sau đó có người bảo tôi là một chính trị phạm không được phép làm thầy bói, cho nên tôi cũng bỏ luôn. Nói đến vận mệnh thì tôi tin là có. Các bạn trẻ thường không tin số mệnh, tôi thời trẻ cũng thế. Tăng Quốc Phiên có một lần nói với Lưu Thứ Thanh rằng : " Đừng tin sách, tin số mệnh ". Lưu Thứ Thanh bảo : " Lời nói đúng, truyền vạn thế ". Đời người có những thứ mình không thể khống chế, nếu không dùng số mệnh để giải thích thì dùng cái gì để giải thích được ? Những hiện tượng không thể điều khiển được, chúng ta gọi là vận mệnh, anh gọi là " bất vận mệnh " cũng được, miễn là đặt cho nó một cái tên. Tối hôm qua, phi cơ của Đài Bắc Viễn Đông Hàng Không bị nổ. Trước đó tôi có hay dùng phi cơ từ Đài Bắc đi Cao Hùng để khám mắt, nhưng bình thường vẫn chỉ ngồi viết bài tại tòa soạn " Đài Loan thời báo ", còn chủ báo là Ngô Cơ Phúc và Tổng biên tập Tô Đăng Cơ rất hay đi đi về về giữa Cao Hùng và Đài Bắc bằng phi cơ, nên hiện nay tôi rất lo cho họ. Đấy chỉ là một dẫn chứng. Anh có thể cho phi cơ bay được, nhưng không thể làm cho phi cơ tránh được những chuyện xảy ra ngoài ý muốn.
Thính giả : Hôm nay là lần đầu tôi được gặp ông tại nước ngoài sau những năm ông bị tù đày. Tôi có một chuyện nhỏ muốn hỏi là sau bao năm khổ ải ấy bây giờ đứng trước mọi người đây, cái tâm tình của ông như thế nào, ông có gì để nói về những gian truân ấy ?
Bá Dương : Tôi cho rằng riêng tôi chẳng có gì thay đổi cả. Trong nhà lao cái gì phải khóc thì tôi đã khóc, lúc phải cười thì tôi cũng đã cười. Có người bảo ở trong tù thì mặt ủ mày ê, đó là chưa thật ở tù. Nếu 10 năm mà lúc nào cũng sầu não thì sống thế nào được ? Lúc được vui thì cứ vui, đó là cách nhìn của tôi. Nhất là đời người mà gặp hoạn nạn như tôi, thậm chí nghiêm trọng tưởng có thể bị tử hình, sau bị xử 12 năm tù.
Mười hai năm là một khoảng thời gian rất dài chả lúc nào thích ứng được. Gia đình lại xảy ra biến cố, nào vợ xa chồng, chồng xa vợ, dù hẹn biển thề non lúc này đều hoàn toàn thay đổi.
Ngoài ra lại còn tác động đến tình bè bạn, đột nhiên rất nhiều bạn đâm ra sợ tôi. Có những bạn, bình thường có thể phó thác tài sản tính mạng được, bây giờ bỗng dưng thay đổi hẳn. Có những người chẳng thân thiết gì lại nhờ vả được. Cho nên tôi quan niệm rằng không thể khái quát hóa vấn đề này được, nó tùy theo mỗi trường hợp riêng.
Tôi ngồi tù được hai tháng thì vợ tôi bỏ tôi, chưa được hai năm sau thì chính thức ly hôn. Tôi ký giấy ly hôn gửi cho vợ tôi, cô ta hỏi còn đồ đạc của anh thì sao ? Tôi hỏi đồ đạc nào? Đồ đạc trong nhà vốn tất cả là của tôi. Tôi bảo cho cô ấy toàn quyền định đoạt, những cái gì thuộc về tôi thì cứ vứt hết ra đường, vì ở Đài Loan tôi không có người thân, chẳng có chỗ nào để cất giữ.
Tôi nghĩ đấy là một trường hợp cá biệt, chẳng phải người đàn bà nào cũng như vậy. Đàn ông cũng thế, cũng có người thay lòng đổi dạ, nhưng không phải tất cả đàn ông trong thiên hạ này đều như vậy.
Bạn bè thì cũng chẳng khác mấy, có bạn lại sợ tôi mượn tiền, có người thì dậu đổ bìm leo, chờ người ngã xuống giếng để ném đá theo, có người chẳng đoái hoài đến mình nữa, có người lại lên án kịch liệt, chỉ muốn tôi bị xử bắn đi cho rồi.
Cái này cũng chỉ là vài trường hợp cá biệt và cũng chỉ có dăm ba người nào đó như vậy thôi. Vẫn còn những người khác sẵn sàng giúp đỡ mình. Sự thật là như vậy.
Tôi hoàn toàn không cảm thấy bị mất mát, có mất chăng, đó là những kẻ không phải là bè bạn.
Phần Ii - Các Bài Viết
Phô bầy bệnh già nua, lẩm cẩm. Cái Triết học bắt đầu bằng kính và sợ. Chỉ trừ tôi ra. Tại sao không có thể mưu lợi được?. Giữ mình là thượng sách. Loài động vật không biết cười. Nước có lễ nghĩa. Ba câu nói. Cả nước xếp hàng. Rút cuộc là cái nước gì ? (Đám cưới, đám ma, quán ăn). Chẳng kể thị phi, chỉ nói đến chính đạo. Phố Tầu, một động quỷ nuốt tươi người Trung Quốc . Nói chuyện về người Trung Quốc xấu xí . Kiêu ngạo hão. Noi gương Tây phương nhưng không làm nô lệ. Kỳ thị chủng tộc. Lấy hổ thẹn làm vinh dự



Cái chủ đề tôi được giao phó hôm nay đối với tôi quá lớn, tôi cảm thấy hầu như không đảm đương nổi và sợ không đủ tư cách để đề cập đến một chủ đề lớn như thế. Tôi chỉ tình nguyện cố gắng đóng góp cảm tưởng riêng tư về những gì mà 5.000 năm lịch sử Trung Quốc gợi ý cho tôi.
Trước khi bắt đầu, tôi xin nói đến một cảm tưởng khác về người da đỏ châu Mỹ (chủ nhân nước Mỹ, cư dân nguyên thủy và chân chính của châu Mỹ).
Tôi đã được đi tham quan những vùng đất hoang phế của dân da đỏ ở Mỹ. Tôi cũng đã đến thăm những khu biệt lập dành riêng cho người da đỏ và gặp một số người da đỏ. Thời gian tuy rất ngắn, không nói được nhiều chuyện, nhưng ấn tượng đối với tôi rất sâu sắc. Tôi khám phá ra rằng các sản phẩm thủ công của người da đỏ ngày nay so với các sản phẩm của người da đỏ sáu trăm năm trước, không nói về hình thức và hoa văn, chỉ nói về những thủ pháp đan dệt và chất liệu sử dụng thì không có gì thay đổi. Chỉ từ cái sự kiện nhỏ đó, tôi suy nghĩ và tự hỏi rồi không biết số mệnh của dân tộc này sẽ đi về đâu ?
Chúng ta không thể tưởng tượng được một dân tộc lớn với lịch sử lâu đời như thế lại có thể đang thoi thóp, ngắc ngoải trong các khu biệt lập tại Mỹ hiện nay. Cảnh ngộ của chính những người da đỏ này sau khi bị lừa gạt, tàn sát và sỉ nhục, so với cái lịch sử bi thương của người Trung Quốc chúng ta thì nên nghĩ thế nào cho phải?
Riêng tôi có một ý nghĩ và nó làm cho tôi rất chán nản. Đó là vấn đề trước mắt của người da đỏ chẳng phải vấn đề đạo đức hoặc kinh tế gì cả nhưng đơn thuần là một đe dọa diệt chủng. Tôi không phải là một nhà tiên tri hoặc tướng số, tôi chỉ dùng sự suy đoán riêng tư và căn cứ trên những điều bạn bè cho tôi biết. Chúng ta có thể đoán rằng 100, 500, 1.000 năm sau, có thể sớm hơn hoặc chậm hơn, một ngày nào đó người da đỏ có thể hoàn toàn bị diệt chủng. Bởi vì họ không tiếp thu được văn minh hiện đại.
Đương nhiên trước mắt, họ vẫn có những khu vực riêng họ không xâm phạm người khác, người ngoài cũng không xâm phạm họ. Nhưng những khu này lại là đất của nước Mỹ, có thể nói là do những người da trắng ban phát cho. Dĩ nhiên, trên vấn đề lý luận hoặc tình cảm chúng ta có thể nói không phải là ban phát cho, mà do họ tự tranh đấu mới có được một ít đất cũ vốn của họ. Nhưng nếu cái tình cảm của ta không dính dáng gì đến văn học, thơ ca nhưng đơn thuần về lý tính thì chúng ta sẽ thấy rằng vài vùng đất riêng này là do ân huệ của nước Mỹ da trắng. Cho nên, nếu có một ngày nào đó, nước Mỹ đông dân hơn cần lấy lại những khu vực này thì cái kết cục của người da đỏ sẽ vô cùng thê thảm.
Phải chăng chúng ta cần phải có cách nhìn như thế này : Sự hủy diệt của một dân tộc là một điều vô cùng lớn lao, nhưng không phải không có thể xảy ra ?
Những lúc tôi nhìn thấy những khu hoang phế của dân da đỏ, và cái sự trì trệ về văn hóa của chúng ta là trong lòng tôi như dao cắt; không thể nào không nghĩ rằng một ngày nào đó dân tộc Trung Quốc cũng chẳng khác gì dân tộc da đỏ.
Có một người bạn bảo tôi : " Không thể thế được, dân tộc Trung Quốc có một lịch sử lâu đời, dân lại đông như thế ". Tôi nghĩ đấy chẳng qua chỉ là một cách an ủi về mặt tinh thần. Vì đem 5.000 năm lịch sử ra để bảo chứng cho sự bất diệt của một dân tộc thì không hiểu căn cứ trên cơ sở nào ? Vũ trụ mênh mông, 5.000 năm chỉ là một khoảnh khắc, nhân loại sẽ còn tồn tại đến cả 5.000 ức năm nữa là ít. So với 5.000 ức năm thì 5.000 năm có là bao ! Còn nói về dân số nhiều ít, đó là một điều chẳng quyết định gì trong vấn đề hưng vong của một dân tộc. Thời đầu, lúc người châu Âu đổ bộ lên châu Mỹ, dân số người da đỏ còn rất lớn, lớn hơn nhiều so với người da trắng.
Cái ý nghĩ hồ đồ này làm tôi rất buồn và thấy rằng người Trung Quốc chúng ta đang gặp rất nhiều vấn đề. Một vấn đề nổi bật thật khó hiểu là tại sao đến bây giờ người Trung Quốc không thể hùng mạnh ? Trong khi chúng ta thật ra có đủ các điều kiện để trở nên hùng mạnh. Thế thì nhất định các điều kiện cản trở sự hùng mạnh của ta phải vượt xa các điều kiện giúp chúng ta hùng mạnh.
Tôi xin nói trước tôi nghiên cứu lịch sử không có bài bản gì cả, cũng giống kiểu luyện thép thô sơ mà người Trung Quốc làm trong " Bước nhảy vọt lớn ", nhưng luyện rất chuyên cần nên bây giờ rất tâm đắc, xin đóng góp một ít suy nghĩ sau đây để mọi người tham khảo.
Tôi bắt đầu bằng một câu chuyện thế này : ở Mỹ có một công ty phái nhân viên của mình đi Âu châu khảo sát. Sau mấy tháng người ấy trở về làm báo cáo dầy cả 200 trang cho công ty, nói rằng về phương diện kỹ thuật cũng như quản lý châu Âu đều lạc hậu kinh khủng, không thể nào bì được với Mỹ.
Khi ban giám đốc đọc xong bản báo cáo liền ra lệnh khai trừ nhân viên này. Tổng Giám đốc nói : " Chúng tôi gửi anh đi châu Âu để tận mắt khai thác những sở trường của họ chứ không phải tìm những sở đoản của họ. Chúng tôi không cần anh phát hiện những gì mình đã làm tốt rồi. Chúng tôi cần biết những điểm họ mạnh hơn mình và thấy được những khuyết điểm của mình để sửa chữa. Chúng tôi không cần nghe những lời tự ca tụng, cái đó nghe nhiều sẽ bị ru ngủ, làm cho phẩm chất sản phẩm của chúng ta xuống thấp, công ty chẳng mấy lúc mà đóng cửa ".
Câu chuyện này có thể xem là một chuyện ngụ ngôn vì từ nó chúng ta rút ra được một bài học lớn. Cái chúng ta cần hôm nay không phải là phát hiện những thứ hay ho của mình mà tìm ra những cái ngăn chặn sự tiến bộ của dân tộc Trung Quốc, cho chúng ta thấy được nguyên nhân đang cản trở sự hùng mạnh của đất nước.
Lúc nãy ăn cơm trưa, có vài người bạn quan tâm đến việc học tập của con cháu chúng ta, sự tốn kém của học phí đại học. Tôi cũng thấy được rằng người Trung Quốc dù khổ sở nghèo khó thế nào đi nữa cũng đều cố gắng cho con cháu mình được học hành. Đó là một điểm mạnh, một ưu điểm của dân tộc Trung Quốc, tôi không cần các bạn nhắc lại quá nhiều nữa. Cái tôi muốn nói hôm nay là những khuyết điểm của dân tộc chúng ta. Vì chỉ nói ưu điểm thì không thể tự cứu được mình, muốn tự cứu được mình phải biết nói lên những khuyết điểm của mình.
Điểm thứ nhất :
Trung Quốc có lịch sử 5.000 năm. Trong 5.000 năm ấy, lực lượng phong kiến chà đạp lên phẩm giá, nhân tính con người không phải ngày càng giảm thiểu mà ngày một gia tăng.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, vua và quan còn gần như cùng ngồi ngang hàng nhau, có thể nói nằm cùng gường ăn cùng mâm. Đến thời Tây Hán, thế kỷ thứ II trước Công nguyên (206 BC-AD 25), Thúc Tôn Thông đặt ra nghi lễ triều đình dưới triều hoàng đế Lưu Triệt vào lúc học phái Nho gia đang nắm quyền. Nghi thức này biến đế vương thành một thứ quyền uy, không những rất trang nghiêm, cung kính mà còn làm cho mọi người khiếp sợ.
Khi Đại thần vào triều kiến Hoàng đế có vệ sĩ kè kè bên cạnh, bất kỳ ai có thái độ không hợp quy cách, như kiểu vô tình ngẩng đầu lên nhìn một cái cũng có thể bị xử phạt. Những thay đổi này làm cho vua chúa xa cách nhân dân, lúc nào cũng giữ một khoảng cách, nhưng dưới trướng Hoàng đế các Đại thần vẫn còn có chỗ ngồi.
Đến thế kỷ thứ X dưới triều Tống (960- 1279) thì cái địa vị này cũng không còn nữa. Việc Tể tướng cùng ngồi với Hoàng đế để luận đạo đã vĩnh viễn mất. Cái cải cách rất nhỏ này nhưng ý nghĩa rất lớn. Nghĩa là giữa vua tôi, quan dân khoảng cách càng ngày càng lớn.
Đến thế kỷ XIV dưới triều Minh (1368 - 1644), cái nhân phẩm còn bị chà đạp đến độ không tưởng tượng được. Nhà vua đối với thần dân của mình khinh thị như cừu thù. Triều Minh này lập ra cái quan niệm " vua cha ". Vua là cha, Hoàng đế là bố của tất cả mọi người trong nước. Cái quan niệm này khi được thiết lập rồi lại sinh ra các hủ tục khác không kể xiết. Trong những thứ ấy, cái đáng sợ nhất là " đình trượng ". Từ Tể tướng đến tiểu quan, chỉ cần bị xem là phạm pháp đều có thể bị nọc ra giữa cung điện, giữa công đường, hoặc ngay tại một chỗ công cộng, dùng gậy đánh cho đến thịt rơi máu vãi. Cái chế độ " đình trượng " kết hợp với tư tưởng " vua cha " làm cho lòng tự trọng của người Trung Quốc gần như mất hẳn, làm cho nhân cách của họ hầu như không còn gì . Cách duy nhất để giữ được lòng tự trọng là cố gắng không kêu la khi bị đánh. Để khỏi kêu la thường những viên quan kiên cường đã chà xát mặt xuống đất mạnh đến nỗi sau đó râu rụng không còn sợi nào. Thời đó, phản ứng duy nhất có thể làm được là như vậy, không có cách phản kháng nào khác.
Chúng ta thường bảo rằng dân Trung Quốc là một dân tộc có sức đồng hóa phi thường, và cho đến ngày nay vẫn đúng như vậy. Chúng ta có thể thấy bao lần trong lịch sử, sau khi chiếm được Trung Quốc, những dân tộc ngoại xâm cuối cùng cũng đều bị đồng hóa. Sớm nhất là thời Bắc Ngụy (368 - 534), Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoành (Hoằng) sau khi chiếm được Trung Quốc lại sử dụng hệ thống chính trị của Trung Quốc để cải cách, canh tân. Triều Mãn Thanh cũng thế. Hai lần bị xâm lược lớn nhất này lại là hai lần thắng lợi lớn nhất của văn hóa Trung Quốc.
Nhưng ta phải chú ý điều này : Những kẻ xâm lược cố nhiên đều hấp thụ và kế thừa văn hóa Trung Quốc, nhưng lại tiếp thu cái phần kém nhất của văn hóa Trung Quốc, nên kết cục cũng chẳng ra gì. Thay vì trở nên hùng mạnh thì cả dân tộc họ lẫn dân tộc Trung Quốc lại càng suy thoái. Ví dụ như hoàng đế Bắc Ngụy là Thác Bạt Hoành tuyên bố cấm người Tiên Bi (Ty) nói tiếng Tiên Bi, nhất loạt đều dùng tiếng Trung Quốc, ngoài ra lại đổi tên họ mình thành tên họ Trung Quốc, áp dụng chế độ cung đình phong kiến, chế độ gia thế, quý tộc Trung Quốc mà họ không hề có. Trước kia họ là dân du mục trên các thảo nguyên, đầu óc khoáng đạt. Tôn ty trật tự, khoảng cách giữa các giai tầng xã hội không lớn lắm. Những thứ tốt đẹp đó đều bị phá hoại cả.
Thính giả: - Xin hỏi " đình trượng " là thế nào?
" Đình trượng " là " đánh đít ". Người bị đánh nằm sấp, bốn hoạn quan giữ tay chân buộc chặt vào cọc, sau đó dùng bao tải trùm đầu, hai hoạn quan đè đùi sát xuống đất. Vua ra lệnh đánh 100 trượng là đánh 100. Thông thường không đánh quá 100 trượng, vì 100 là cũng đủ chết rồi. Bọn tay sai chấp hành lệnh quan sát sắc mặt vua. Nếu vua chỉ ghét thôi mà không muốn giết, thì đánh xong 100 trượng, kẻ bị đánh vẫn còn có thể sống được. Nhưng nếu ý ông con trời kia lại muốn giết, thì chỉ cần ba bốn mươi trượng là đủ toi mạng.
Nói chung các quan viên hay người có chức phận khi bị đánh phải đút lót cho bọn hoạn quan, bọn này sẽ dùng thủ pháp đánh kêu rất to, trông rất đau, máu thịt tơi bời, nhưng lại không phạm vào gân cốt, không chết người. Bọn này đều được huấn luyện đến độ có thể dùng giấy bọc một bó rơm, đánh cho rơm bên trong nát mà tờ giấy không hề rách. Ngược lại họ có thể đánh làm sao không để lại thương tích gì trên da thịt mà bên trong gân cốt đều nát bấy. Chế độ đánh đòn này làm nhân phẩm hoàn toàn bị phá sản. Thế kỷ XIV, XV tại châu Âu đã là thời Phục Hưng nhưng tại Trung Quốc, hỡi ôi ! vẫn còn là thời kỳ đánh đít.
Xin quay lại vấn đề. Dân Mông Cổ là một dân tộc rất kỳ quái, sau khi đã xâm nhập vào Trung Quốc vẫn giữ một thái độ chống đối văn hóa Trung Quốc. Trong vòng 180 năm, lúc đến thế nào thì ra đi thế ấy, không hề bị nhiễm văn hóa Trung Quốc.
Còn nhà Thanh, sau khi được thành lập lại thừa kế cấu trúc xã hội và hệ thống chính trị của triều Minh, thời kỳ hắc ám nhất, làm cho chính quyền mới đã có mầm mống bị đục ruỗng để cuối cùng không thể nào cứu vãn được nữa.
Nhân quyền bị chế độ phong kiến, xã hội phong kiến chà đạp trong một thời gian lâu dài như vậy cơ hồ chẳng còn gì. Cái ảnh hưởng của việc này rất lớn đối với người Trung Quốc, nó làm người Trung Quốc không giữ được lòng tự trọng nữa.
Cái tự trọng còn lại chẳng qua cũng chỉ là cái tinh thần tự dối mình như A Q trong truyện của Lỗ Tấn. Cái tinh thần đó và cái lòng tự trọng chân chính khác nhau một trời một vực. Ví dụ tôi đến thăm anh, thấy anh nhà cao cửa rộng, học vấn uyên bác, trong lòng tôi kính phục, hâm mộ anh. Trên đường về đáng lẽ tôi nghĩ phải cố gắng phấn đấu, làm việc, học hành để có thể được như anh. Đằng này lúc ra khỏi nhà anh tôi lại bảo: ở nhà đẹp thế! Không biết ăn cắp hay ăn cướp ở đâu ra lắm tiền! Cầu trời cho ngày mai có đám cháy thiêu trụi cái nhà nó đi cho rồi !
Tâm lý dân tộc ta bị ức chế lâu ngày chỉ biết dùng cái tinh thần đó để tự thỏa mãn.
Điểm thứ hai :
Trong suốt 5.000 năm lịch sử, Trung Quốc chỉ có ba thời đại hoàng kim. Thời đại đầu là Xuân Thu Chiến Quốc (770 - 476 trước Công nguyên) - thời này có rất nhiều trường phái tư tưởng, nhiều lối sống khác nhau cùng xuất hiện. Thời đại thứ hai phải là đời Đường (618 - 907) - từ Đường Thái tông Lý Thế Dân đến Đường Minh Hoàng Lý Long Cơ khoảng 100 năm (650 - 756). Thời kỳ thứ ba là 100 năm đầu của nhà Thanh (1644 - 1911).
Trong 5.000 năm lịch sử Trung Quốc chỉ có ba thời đại hoàng kim này. Còn hơn 4.000 năm kia, cơ hồ mỗi năm, thậm chí mỗi ngày đều có chiến tranh.
Một học giả Tây phương đã làm thống kê chứng minh rằng từ khi nhân loại có lịch sử đến giờ, không năm nào không có chiến tranh. Hiện tượng này đối với lịch sử Trung Quốc cũng chẳng khác.
Riêng tôi cũng đã làm qua thống kê, lại còn viết thành một bộ sơ cảo : " Lịch biên niên những thời đại chiến loạn của sử Trung Quốc " (Trung Quốc sử đại chiến loạn biên niên lịch) cho thấy ở Trung Quốc năm nào cũng có chiến tranh. Nhưng không thể đem Trung Quốc so sánh với thế giới được. Thế giới là một đơn vị quá lớn so với Trung Quốc, nhất là vào đời nhà Minh thì bản đồ Trung Quốc chỉ bằng thời Tần ở thế kỷ thứ II trước Tây lịch, nghĩa là bằng khoảng một nửa bản đồ hiện nay.
Thế mà trong một bản đồ nhỏ như thế, mỗi năm đều có chiến tranh ! Chỉ căn cứ trên những chiến tranh lớn được ghi chép lại, các chiến sự nhỏ không thuộc phạm vi thống kê này, thì cũng có thể thấy rằng loạn lạc, chiến tranh ở Trung Quốc đáng sợ vô cùng.
Khi một triều vua này thay thế một triều vua khác, cái thời kỳ quá độ đầy hỗn loạn có thể kéo dài từ 30 đến 50 năm. Từ lúc đoạt chính quyền đến lúc ổn định, lại cần khoảng 20 năm nữa. Rồi tiếp đó là cái vòng luẩn quẩn bắt đầu bằng sự thối nát của chính quyền vừa đoạt được, các lực lượng phản kháng lại trỗi dậy, rồi kéo đến những hỗn loạn lớn. Chiến tranh lại bắt đầu, rồi cái vòng trị loạn, tranh giành, chém giết cứ tiếp diễn.
Có thể nói rằng người Trung Quốc trường kỳ, thậm chí vĩnh viễn, sinh ra và lớn lên trong tham ô, hỗn loạn, chiến tranh, giết chóc, bần cùng, cho nên chẳng bao giờ có cảm giác được an toàn, lúc nào cũng hoảng hốt, lo âu.
Chúng ta có lịch sử lâu đời, lại có đất nước mênh mông, đầu óc tất phải khoáng đạt, lớn lao, cởi mở, tự tin. Thế mà ngược lại chỉ vì bần cùng, giết chóc, đố kỵ một cách lâu dài thành ra lòng dạ chúng ta thành hẹp hòi.
Chỉ cần ngày hôm nay có thể qua đi là được rồi, ngày mai thế nào không cần biết. Chiến tranh sẽ còn kéo dài đến mức độ nào, ai mà thấy trước được ! Chiến tranh ảnh hưởng đến thủy lợi, thủy lợi bị phá hủy rồi thì đến hạn hán lớn, sau hạn hán là đến nạn châu chấu.
Những tai họa này, hạn hán, ngập lụt, châu chấu, rồi đất hoang nghìn dặm. Trong lịch sử, cái câu " Người ăn thịt lẫn nhau " không biết đã xuất hiện đến mấy chục lần hay mấy trăm lần. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta là một dân tộc có văn minh cao, sao lại có thể có cái hành vi dã man ấy ? Cũng chỉ vì những tai nạn đối với chúng ta quá nhiều, lại bị tai nạn quá lâu !
Chẳng cần nói quốc gia dân tộc gì cả, chỉ nói từng cá nhân, một con người nếu bần cùng quá lâu ngày, quá ư khổ sở, người ấy rồi đối với bất cứ sự việc gì cũng đều sinh ra cái tâm lý nghi ngờ.
Mấy hôm trước khi ra tù, một quan chức kêu tôi ra bảo : " Tôi báo cho anh một tin mừng, anh sắp được thả rồi! ". Tôi nói: " Tôi chán thịt thỏ lắm rồi! ". Anh ta bảo: " Anh không tin tôi à? Tôi nói dối anh làm gì? ". Tôi phải yêu cầu anh ta đem giấy đến cho tôi xem.
Bởi vì tôi đã từng quá tin, từng bị gạt quá nhiều, mỗi lần như vậy đều thất vọng. Một người bị nạn quá lâu có quyền không tin vào những tin tức tốt. Một dân tộc cũng vậy. Bị đày đọa lâu ngày, mọi người cho rằng sang một triều đại mới có thể rồi sẽ như thế này, thế nọ. Kết quả gần như không có một lần nào là không hụt hẫng.
Có người hỏi: tại sao Trung Quốc không có kiến trúc lớn mà nước ngoài lại có? - ấy là vì các kiến trúc Trung Quốc thường làm bằng gỗ, dễ bị mục. Tôi cho rằng đó không phải là câu trả lời đúng mà nguyên nhân là vì cứ sau mỗi một
triều đại mới lên là chúng lại bị đem đốt đi.
Nhà Tần để lại những cung A Phòng đẹp như thế, nhưng Hạng Vũ cho rằng đó là mồ hôi nưới mắt của dân, do chính trị bạo ngược làm ra, bèn cho một mồi lửa. Chỉ mấy hôm sau, Hạng Vũ lại cho xây một cung điện khác. Rồi qua mấy hôm nữa sẽ có một kẻ khác phê bình cho rằng đấy là bạo chính, là mồ hôi nước mắt nhân dân, lại thiêu rụi đi. Cứ như thế mà đi đến chỗ mãi mãi nghèo xơ xác, không có cách nào mở mang được đầu óc, xây dựng được lòng tự tôn.
Lại có câu cách ngôn " Đa nạn hưng bang " (nhiều nạn thì dựng được nước). Trước tiên chúng ta cần hiểu rằng cách ngôn thuộc về cảm tính, trong một điều kiện đặc biệt nào đó, nó là chân lý, nhưng nó không hề có tính khoa học. Nếu " nạn " mà quá nhiều thì làm cách nào " hưng bang " được ? Đối với cách ngôn nhất định cần có nhận thức.
Lại lấy một ví dụ nói " Ai binh tất thắng " (Quân lính đau buồn thì sẽ thắng trận), điều này có thể không có gì là chắc chắn. Ai binh chẳng đã từng thất bại đầy rẫy! Một đội quân dù lớn mà rốt cuộc bị tiêu diệt, lúc đó không phải thành ai binh thì là gì ? Giống như khi Carthage (Các-ta-giơ ở Bắc Phi) chống lại La-Mã, đến lúc cuối cùng cơ hồ cả nước đều là quân binh, có thể nói " vừa khóc vừa đánh ", kết cục vẫn bị La-Mã tiêu diệt. " Ai binh " chưa chắc đã thắng. " Nạn " mà quá nhiều chắc gì đã dựng được nước ? Phải nói rằng " nạn " nhiều đúng mức, đúng thời may ra mới có thể " hưng bang " được.
Còn Trung Quốc thì sao ? Dường như cái " nạn " lại quá nhiều. Cũng may là cái quá nhiều đó chưa đạt đến độ tiêu diệt cả chúng ta, nhưng cũng đã đến cái chỗ đủ nhiều để làm cho chúng ta mất cả linh tính.
Điểm thứ ba :
Chúng ta phát hiện được trong lịch sử Trung Quốc một hiện tượng kỳ quái mà các nước khác không có, đó là chế độ khoa cử, hay gọi tắt là " Quan trường ".
Nhật Bản hấp thụ văn hóa Trung Quốc một cách toàn diện. Không cái gì Trung Quốc có mà họ không từng tiếp nhận, từ cái nhỏ như manh chiếu (Tatami), đôi guốc (Geta), đến cái lớn như chế độ, tổ chức chính trị, v.v.., nhưng chỉ có một điểm mà họ không tiếp nhận, mà điểm này đã giúp họ trở thành một nước hùng cường rất nhanh chóng trong thời Minh Trị Duy Tân, đó là chế độ khoa cử.
Chế độ khoa cử Trung Quốc cũng có những tác dụng tốt, nhưng lại đẻ ra " vấn đề quan trường ". Quan trường là một cái mạng nhện kỳ quái, nhìn thì không thấy, sờ không đụng, nhưng lúc bị rơi vào rồi mới biết. Ta không thể dùng chữ Bureaucrats tiếng Anh để dịch chữ " quan liêu " trong tiếng Trung Quốc được, bởi chữ này không lột tả hết được cái đặc trưng của nó. Quan liêu chẳng trung thành với quốc gia, lãnh tụ gì cả, chỉ tận tâm tận lực với kẻ cất nhắc nó lên làm quan. Các triều đại Trung Quốc có thể thay đổi, song quan trường vẫn thế.
Người Mãn Thanh sở dĩ thống trị được người Tây Tạng, người Mông Cổ, người Hán vì biết nhắm vào nhược điểm của các dân tộc này.
Đối với người Tây Tạng họ dùng đạo Lạt-ma, mời những tăng lữ lạt-ma đến Bắc Kinh và đối xử với họ cực kỳ cung kính.
Đối với người Mông Cổ thì họ dùng thủ đoạn hôn nhân, gả những công chúa cho những hoàng tử Mông Cổ, con cái lai sinh ra thành ra con cháu của mình, đem chúng nuôi dưỡng ở cung đình nhà Thanh. Các vương tử đó một khi lớn lên không thể nào phản lại chú bác cô dì của chúng.
Trong khi đó công chúa Mãn Châu không bao giờ lấy người Hán. Người Mãn Châu trị người Hán bằng phương pháp khoa cử. Họ biết người Trung Quốc có cái khuyết điểm là thích làm quan. Nếu tôi cho anh cái hy vọng được làm quan thì anh có thể ngoan ngoãn đem giao ngay hết cả ý thức dân tộc lẫn phẩm giá con người.
Sở dĩ " Quan trường " có cái bộ mặt của các xã hội thần bí vì nó mang những tiêu chuẩn cư xử và những quan niệm về giá trị rất đặc thù.
Nó không trung thành với vua, vua thay thì nó vẫn làm quan. Nó cũng không sợ mất nước, nước mất, chỉ cần nó vẫn được làm quan thì nó vẫn làm. Cái xã hội ăn chơi, phù hoa là nơi các quan ra oai, tự nhiên hình thành một hệ thống tương hỗ bao che giữa các quan với nhau - một quan hệ vô cùng phức tạp.
Quyển sách " Quan trường hiện hình ký " là một quyển sách phân tích cái cấu trúc của chế độ quan trường Trung Quốc dưới cặp mắt nghiên cứu những vấn đề xã hội. Bởi vì từ khi quan trường được thiết lập, những quan hệ giữa người với người tại Trung Quốc càng trở nên tinh xảo. Các vị ở Mỹ lâu năm có thấy rằng cái quan hệ giữa con người ở Mỹ so với Trung Quốc thì quá đơn thuần không ?
ở Trung Quốc có một câu nói: " Làm việc thì dễ, làm người thì khó! ". Làm người là thế nào nhỉ ? Tức là làm sao cho cái quan hệ giữa con người với nhau được tốt đẹp.
Có một vở Kinh kịch (kịch Bắc Kinh) nhan đề " Thẩm đầu thích thang " (khám đầu tìm kẻ giết ông Thang) trong đó có một quan tòa, một vị bồi thẩm và một góa phụ nhan sắc xinh đẹp mà chồng vừa bị mưu sát. Trong phiên tòa người đàn bà góa ôm một đầu người đứng khóc. Nhiệm vụ của tòa là phải xác minh xem đấy là đầu của ai. Nếu đúng là đầu của chồng bà ta thì vụ án xem như có thể kết thúc. Nhưng nếu là đầu của một người khác thì vụ án này còn liên quan đến rất nhiều người, và có thể sẽ còn nhiều người khác sẽ chết. Ông bồi thẩm có ý thích người đàn bà góa trẻ đẹp này, và bà này cũng ra ám hiệu cho ông ta biết là bà ta sẽ ưng thuận tái giá với ông ấy, nên ông này một mực rằng đấy là đầu của chồng bà ta. Nhưng sau khi xem chừng vụ án có vẻ xong xuôi, bà góa bèn tỏ ý không muốn lấy ông bồi thẩm nữa. Ông này cũng lập tức quay phắt ra nhất quyết bảo cái đầu ấy lại không phải là của chồng bà ta nữa. Vở kịch này tiêu biểu cho cái phản phúc trong quan hệ quan trường của người Trung Quốc chúng ta. Đầu thật, đầu giả cho đến phút cuối cùng cũng không ai có thể biết như thế nào.
Tôi nghĩ rằng trong chúng ta nhiều người đã về làm việc ở Trung Quốc hoặc sẽ về làm việc trong tương lai, tôi tin chắc khó khăn các vị gặp phải thường không dính dáng đến bản thân công việc, mà dính đến những người cùng làm việc với các vị.
Nói ví dụ anh làm việc ở một lò nguyên tử. Anh có biết gì về nguyên tử hay không, đó là một vấn đề thuộc công việc. Nhưng sẽ rầy rà to nếu một hôm anh cần một đinh ốc cho lò phản ứng mà người quản lý ốc vít lại nghỉ việc. Anh ta bị ốm, đương nhiên xin nghỉ, anh không thể cấm người ta ốm được. Nhưng sự thật anh ta lại không hề cảm cúm gì cả, chỉ nghỉ để đi đánh mạc chược? Tại sao?
Bởi vì quan hệ giữa anh và người ấy không được tốt đẹp. Cái lò nguyên tử của anh có hoạt động được hay không, thậm chí có bị nổ tung đi nữa, cái việc ấy người đó cũng cóc cần. Nếu anh bảo nước nhà bị thiệt hại thì cũng kệ, tôi cứ việc quan tôi làm.
Đó là cái đầu óc quan trường tích lũy từ mấy nghìn năm, một chứng bệnh vẫn còn duy trì đến cuộc Bắc Phạt của quân Cách mạng Quốc dân năm 1928.
Về mặt quân sự, trong khi quân đội đánh dẹp các sứ quân ở miền Bắc, thì về mặt chính trị cái chất độc của quan trường lại tràn xuống miền Nam. Trước kia giữa những đồng chí cách mạng tình cảm rất trong sáng, nhưng khi đã bị cuốn hút vào giới quan trường bỗng trở thành phức tạp ghê gớm, phức tạp đến độ một người lành mạnh không thể nào chịu nổi.
Cái quan hệ giữa con người với nhau trở thành một loại keo dính đến độ hễ dán vào rồi là không thể nào gỡ ra được nữa. Có ai trong các vị thấy điều đó khi về nước không?
Lấy một ví dụ khi anh về nước, bạn bè mời anh đi ăn cơm, anh dám cả gan từ chối thì tình bạn sẽ từ đó bị sổ toẹt ngay. Đó là đặc tính của quan trường, nó làm cho quan hệ con người trở nên khúc mắc ghê gớm. Tại sao lại như thế ? Tại sao anh ta phải xử sự như vậy ? Bởi vì làm như thế thì cái địa vị của anh ta mới càng thêm vững chắc.
Tôi có một người bạn về Đài Loan được một người chưa hề quen mời ăn cơm. Sau khi ăn xong, người này mới nhờ anh đem dùm về Mỹ một món đồ. Người này làm ra vẻ nhờ vả rất tự nhiên, như thể bạn bè vẫn thường giúp đỡ nhau chứ không phải đánh đổi một bữa cơm để lấy chuyện đưa đồ.
Cái hiện tượng quan trường là như vậy, giống kiểu anh làm lò nguyên tử, cái lò phản ứng hạt nhân này rất nguy hiểm không phải ai cũng mó vào được. Nhưng người nọ lại cho rằng đã là bạn bè với nhau cho anh ta sờ đến một cái thì đã sao.
Thường thường một người trước khi làm quan và sau khi được làm quan là hai loại người khác nhau. Thật ra nói như vậy không lô-gíc. Chỉ có thể nói rằng hễ cái " quan tính " của một người càng hưng thịnh thì cái nhân tính của người đó càng biến mất đi. Không còn nhân tính nữa, chỉ còn cái quan tính lúc làm quan. Cho đến một ngày tất phải về hưu, lúc đó cái nhân tính may ra mới hồi phục.
Sự tồn tại của quan trường làm cho cách làm việc tại Trung Quốc trở thành rất đặc biệt, khiến cho quỹ đạo của sự phát triển văn hóa đi lệch hướng.
Điểm thứ tư :
Tôi cho rằng Khổng Khâu (Khổng Tử) là một nhân vật vĩ đại, tri thức uyên bác, lại có một tấm lòng nhân hậu và những cống hiến lớn đối với xã hội. Cái Nho giáo do Khổng Khâu cùng những học phái Nho gia sau này lập ra đều đã ảnh hưởng đến người Trung Quốc một cách sâu rộng, và còn ảnh hưởng ngay cả đến chúng ta ngày nay. Nhưng tinh thần nhà Nho là một tinh thần bảo thủ, nói một cách nghiêm túc hơn thì nhà Nho không những rất bảo thủ mà còn phản tiến bộ.
Chữ " Nho " này vào thời Xuân Thu Chiến Quốc chỉ được dùng theo nghĩa sử dụng trong nghi lễ cúng tế. Một nhà Nho là một người hiểu biết cái trình tự cúng tế. Gặp lúc quốc gia cần các nghi lễ mới cần loại người này đóng góp ý kiến. Bản chất loại người này vốn nệ cổ. Thời đó chưa có lễ nhạc mới, phải dùng lễ nhạc thời cổ. Để có miếng cơm nhà Nho phải giữ gìn sao cho nghề nghiệp của họ được ổn định nên sinh ra thói nệ cổ. Nếu chúng ta không dùng từ nệ cổ, sùng bái những cái cũ, vì cho rằng nó có nghĩa xấu thì cũng phải bảo là họ rất bảo thủ.
Cái tinh thần bảo thủ này ở Trung Quốc đã trở thành một ý thức bền bỉ, làm cho xã hội mất hết sức sáng tạo, mất tập quán tự tìm hiểu, tự phê phán.
Bạn bè lúc nói chuyện về nước Mỹ (xin lỗi, tôi cứ múa búa trước cửa Lỗ Ban, tôi muốn nói chơi thôi, xin quý vị cứ nghe chơi chứ đừng tin thật! ), có người nói về việc đàn áp chủng tộc, nào tàn sát dân da đỏ, ngược đãi da đen, kỳ thị da vàng. Tôi đã từng đi tham quan đảo Angel (En-giơn), đã được nhìn thấy chữ và những dòng thơ người Trung Quốc để lại nói lên những sầu thảm và đau khổ của đời họ.
Những khuyết điểm này của nước Mỹ có thật không ? Dĩ nhiên là có thật, thậm chí còn hơn sự tưởng tượng của chúng ta nữa. Nhưng chúng ta phải lưu ý thêm một vấn đề khác, đó là đối với các khuyết điểm kia họ có khả năng sửa đổi không? Tự họ có ý thức được vấn đề không ? Tình hình hiện nay so với trước có khá hơn không ? Nếu không thì tiền đồ của nước này chắc chắn cũng không sáng sủa gì. Nếu có thì chúng ta phải thấy rằng đấy là một quốc gia vĩ đại, có một sức sống dồi dào.
Trước kia nước Mỹ có " cây treo cổ người ", bây giờ không còn nữa. Xưa kia nước Mỹ đối với tù nhân có dùng " nhà lao nước ". Bây giờ khi bắt bớ người, họ phải đọc điều thứ 9 của Hiến pháp cho người ấy. Nước Mỹ đã có những điều sai lạc, nhưng lại có năng lực sửa sai.
Nhưng dân tộc Trung Quốc chúng ta lại hoàn toàn không có năng lực này. Tình trạng nệ cổ lâu dài, không cầu tiến, bảo thủ, đã làm cho cái năng lực này tiêu tan.
Nhìn lại lịch sử chúng ta sẽ thấy Thương Ưởng - một nhà tư tưởng đời Tần - đã dùng luật pháp biến đổi nước Tần như thế nào. Trước đó dân chúng sinh hoạt trong gia đình, bố mẹ, con cái, anh chị em, lớn nhỏ đều nằm chung trên một giường gạch lớn ( cái kháng, một loại giường xây bằng gạch hoặc đất, ở dưới có bếp lửa vừa để nấu ăn vừa sưởi ấm vào mùa đông).
Thương Ưởng dạy họ cách sống văn minh bằng cách bắt bố mẹ, con cái không được ngủ chung phòng, anh trai, em gái cũng vậy. Điều này cho thấy vào thời đó chúng ta là một quốc gia man rợ và lạc hậu đến dường nào.
Thương Ưởng chẳng phải đã phát minh ra bom nguyên tử, cũng không phải đã cải cách về mặt vật chất, nhưng đã dùng pháp chế để tạo ra một chế độ mới, một xã hội mới, giáo dục con người về mặt văn hóa. Và cải cách đó của ông cơ bản đã thành công.
Thương Ưởng là người của thế kỷ thứ IV trước Tây lịch. Hơn 2.000 năm sau đó chưa có ai đột phá thêm một lần nữa, làm được những cải cách cơ bản như vậy. Cứ mỗi lần có người muốn đột phá, cuối cùng đều thân bại danh liệt, cửa nhà tan nát, tính mạng không còn. Chính số phận Thương Ưởng rồi cuối cùng cũng bị ngũ mã phân thây. Nho gia học phái thường thường vẫn lấy cái kết cục bi thảm của Thương Ưởng để răn đe những kẻ muốn cải cách và uy hiếp sự tiến bộ của người Trung Quốc.
Trong lịch sử Trung Quốc còn có một nhà cải cách lớn nữa là Vương An Thạch, một người mà đạo đức, học lực cùng sức làm việc đều không có chỗ nào có thể chê được. Nhưng những cải cách của ông toàn gặp trắc trở lớn. Trương Cư Chính cũng vậy, ông cũng gặp một kết cục thê thảm như Thương Ưởng, lúc vừa mất thì nhà bị niêm phong, con bị bỏ đói cho chết. Rồi đến cuộc cải cách năm Mậu Tuất (1898) của Khang Hữu Vi cũng chẳng khác gì, tất cả đều thất bại !
Nho gia học phái có một cách nói : " Nếu không có lợi mười phần thì không cần cải cách ! " (Lợi bất thập, bất biến pháp). Đại ý muốn nói rằng nếu lợi ích không đạt 100 % thì không nên cải cách. Cái quan niệm này là một nguyên nhân lớn nhất làm cho dân tộc Trung Quốc chúng ta không thể tiến bộ, không thể hùng mạnh được. Vì bất cứ một cải cách nào cũng không thể đem lại mười phần mười lợi ích cả. Chỉ cần đạt lợi ích lấy năm phần rưỡi của mười phần cũng là lớn lắm rồi.
Tối hôm qua có vài vị nói chuyện về vấn đề phiên âm tiếng Hán, có người đề cập đến khuyết điểm này, có người nói đến khuyết điểm khác, nhưng trên đời này thử hỏi có cái cải cách nào mà không có khuyết điểm ? Cái thì có vấn đề về mặt tình cảm, cái thì về mặt lý luận. Nếu anh muốn 100 % không có vấn đề thì trên đời này làm gì có được cái chuyện quái dị đó.
Vì tinh thần nhà Nho vốn bảo thủ nên có lần một vị hoàng đế triều Tống hỏi Tư Mã Quang: " Có nhất định cần cải cách không? Ví như cứ giữ được luật pháp của Tiêu Hà từ triều Tây Hán mà không thay đổi gì có được không? " Tư Mã Quang đáp: " Đương nhiên là được, bởi vì có quá nhiều kẻ ngông cuồng, bọn hiếu sự cứ muốn sửa đổi lăng nhăng chỉ tổ tạo dịp may cho đạo tặc hoành hành. Nếu không muốn thay đổi gì thì những phong tục tốt đẹp từ thời Nghiêu Thuấn cũng có thể giữ đến ngày nay ".
Tư Mã Quang là một kiện tướng trong giới quan trường thời bấy giờ. Cái loại sâu mọt hại nước, hại dân này là một trở lực cực lớn cho sự tiến bộ của Trung Quốc.
Lúc vừa lên Tể tướng, việc đầu tiên Tư Mã Quang làm là xóa sạch toàn bộ những luật pháp mới của Vương An Thạch, gồm cả đạo luật rõ ràng mười phần hiệu quả về cách tuyển người (Mộ dịch pháp). Tô Đông Pha và con của Phạm Trọng Yêm là Phạm Thuần Nhân đều đứng ra phản đối. Tư Mã Quang liền trở mặt ngay với họ.
Điều này cho thấy ở thời đại Bạn Cước Thạch bọn quan trường chẳng kể thị phi, chẳng nghĩ đến lợi ích nhân dân, chẳng trung thành gì với nguyên thủ quốc gia, mà chỉ trung thành với lợi ích bản thân.
Tư Mã Quang thật ra cũng chẳng phải là một nhà chính trị gì cả, bất quá chỉ là một tên quan trường dơ bẩn thế thôi.
Điểm thứ năm :
Vấn đề cuối cùng tôi muốn nói là cái tác hại của nạn dân số quá đông. Cứ sau các cuộc nội chiến, thay đổi triều đại là dân số nổ bùng. Thế rồi cái vòng luẩn quẩn bi thảm lại bắt đầu : chiến tranh, tàn sát, tử vong.
Có người bảo cái đất Mỹ sướng quá, mức sống cao thế ! Không biết các vị có chú ý một điều là dân số Mỹ chỉ có 260 triệu người. Giả sử dân số Mỹ tăng lên một tỷ người hoặc tất cả dân Trung Quốc lại dọn sang Mỹ ở thì tình hình sẽ ra sao ?
Vấn đề dân số là một vấn đề nguy ngập. Nếu Trung Quốc muốn trở nên giàu mạnh tất phải liều mạng giảm dân số.
Có câu nói " Nhiều người thì làm băng băng, ít người thì ăn bánh mì hấp " (một loại bánh rẻ nhất). Thời xưa thì có thể như thế thật nhưng thời nay thì không. Người nhiều quá chỉ tổ thất nghiệp. Một trăm người làm chẳng bằng một cái điện não (máy vi tính).
Câu " ít người thì ăn bánh mì hấp " là một chân lý đã lỗi thời. Thu nhập gia đình nuôi hai, ba đứa con thì còn đủ để duy trì một mức sống tương đối khá. Nhưng nếu chẳng may không để ý mà có 200 đứa, thì lấy gì mà nuôi chúng nó ? Tiền ăn, ở, tiền học, tiền quần áo,... lấy đâu ra ?
Trung Quốc người quá đông, nghèo khổ quá lớn, quan trường quá mạnh, cạnh tranh quá khắc nghiệt, những lý do này sinh ra nơi người Trung Quốc cái hiện tượng bẩn, loạn , ồn, xâu xé lẫn nhau. Người Trung Quốc có câu " Khí thế hung hăng " (lai thế hung hung) để nói việc chúng ta không biết đối xử với nhau một cách có lễ độ.
Lúc tôi ở Los Angeles (Los Angeles) có người hỏi tôi cảm tưởng về nước Mỹ. Tôi bảo nước Mỹ là một nước trọng lễ nghĩa. Lại hỏi thế Trung Quốc có phải là một nước trọng lễ nghĩa không ? Tôi cho là Trung Quốc là một nước tuyệt đối không trọng lễ nghĩa. Người Trung Quốc thật thô lỗ, hầu như lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một đòn để đánh phủ đầu đối phương.
Các vị chắc chắn có thể thấy người Trung Quốc rất ít cười. Phải chăng vì quá nhiều hoạn nạn, đau khổ, sầu não quá lâu làm cho họ không thể cười nổi nữa ? Cho nên tôi mới thấy dân Mỹ thật là rất vui sướng, ít nhất đó là nước Mỹ mà tôi gặp, tôi tiếp xúc. Một nước rất hạnh phúc, lương thiện, hay giúp đỡ người khác. So sánh với người Mỹ thì người Trung Quốc lúc nào cũng lo âu, lòng đầy những ý tưởng hận thù, chỉ sợ người khác làm cho mình thiệt hại. Trong cuộc sống lúc nào cũng lo ngay ngáy, đôi mắt để tự vệ lúc nào cũng sẵn sàng long lên sòng sọc.
Có người nói ở Mỹ người ta kỳ thị chủng tộc. Dĩ nhiên là có, nhưng sự thật là không phải chỉ riêng ở Mỹ. ở nước nào mà không có kỳ thị chủng tộc ? Nhưng ít nhất nước Mỹ cũng còn bao dung chúng ta, không những bao dung con người mà còn dung túng cả những cái bất lịch sự, dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào và sự xâu xé lẫn nhau của chúng ta nữa.
Đấy là những điều tôi đã " khảo sát " được khi đến Mỹ. Tôi rất tâm đắc và nói ra thành thực không dấu diếm. Còn những ưu điểm của chúng ta, không cần nhắc lại làm gì, vì có nói đi nói lại nó vẫn còn đó, không nói nó cũng chẳng đi đâu mất. Tôi chỉ nhắc đến khuyết điểm để chúng ta có thể tự phản tỉnh. Những khuyết điểm này vô cùng nghiêm trọng. Cái hũ tương văn hóa của chúng ta chứa đựng biết bao vấn đề phức tạp. Phải làm sao bây giờ ?
Tôi xin có vài ý kiến sau đây :
Những vấn đề này - nếu là vấn đề - thì đối với chúng ta cái phản ứng đầu tiên như một con người là phải tự mình tìm tòi, suy nghĩ. Từ mấy nghìn năm nay, toàn những người khác - thánh nhân, các quan lớn hoặc những loại người như thế - đã thay chúng ta suy nghĩ. Tự mình, chúng ta thấy không cần suy nghĩ hoặc không dám suy nghĩ xem nên làm thế nào mới đúng. Người Trung Quốc tựa hồ cứ như kẻ có nhu cầu luyện tập cho mình thành người ngốc đi.
Sau khi báo chí Đài Bắc đăng tin con trai tỷ phú Rockefeller (Rốc-cơ-phê-lơ) đi thám hiểm New Guinea (Tân Ghi-ne) bị thổ dân ăn thịt, tức thì có nhiều người bảo : " Có phúc mà không biết hưởng, mình mà như nó thì đi Ghi-nê làm khỉ gì ! "
Khi ở Phoenix (Phê-nic) tôi trú chân lại nhà một gia đình Mỹ khoảng năm, sáu ngày. Con gái chủ nhà tên là Margaret (Ma-ga-rét), 16 tuổi đã đi Honduras (Ôn-đu-rát) để dậy cho người bản xứ hiểu được cách giữ gìn đôi mắt. Trình độ vệ sinh ở nước này còn tệ hơn ở Trung Quốc nữa, nghĩa là một nơi rất bẩn. Thế mà đúng lúc tôi ở đó thì cô ta về nhà, kể chuyện cho mẹ nghe, mặt mày hớn hở bảo rằng sang năm cô sẽ lại đi nữa, vì cô thấy cần giúp đỡ những người nghèo và lạc hậu ở nơi đó. Mẹ cô không những đồng ý mà còn khích lệ cô.
Người Trung Quốc chúng ta có lẽ sẽ nghĩ rằng nếu là mình chắc chẳng cần đi đến cái nơi khỉ ho cò gáy đó làm gì. Nhưng người mẹ ở nước Mỹ kia lại ca ngợi con gái mình, cho rằng con gái mình có ý thức, có lòng tốt, biết tỏ ra có thể xả thân vì người khác, và vì vậy rất lấy làm hãnh diện. Thật ra đối với tôi bà ta cũng chẳng có nhu cầu khoe khoang cái lòng tốt của cô con gái làm gì. Mà tôi cũng không thể cho cô ta làm quan hay tiền bạc gì cả. Dưới mắt của bà ta chẳng qua tôi cũng chỉ là thành viên của một dân tộc lạc hậu mà thôi. Cái động cơ trong thâm tâm người mẹ ấy chỉ là lòng chân thành.
Trong những hoàn cảnh tương tự người Trung Quốc lúc nào cũng sẽ quá thông minh. Bởi tôi nghĩ rằng trên thế giới này không dân tộc nào, kể cả dân tộc Do Thái, có thể thông minh như kiểu người Trung Quốc được. Nếu một đối một, người Trung Quốc tất phải thắng. Nhưng nếu từ hai trở đi, người Trung Quốc không thể nào không thua, bởi tựa hồ như thiên tính của người Trung Quốc là không đoàn kết được với nhau. ý nghĩa của đoàn kết là mỗi người đều phải hy sinh một phần quyền và lợi của mình. Ví dụ, có hai vật hình tròn muốn dính sát lại với nhau thì phải gọt ra thành hai hình vuông bé hơn một tý. Nhưng chả ai muốn mình bị gọt cả, chỉ muốn người khác bị gọt thôi, kết cục làm sao đoàn kết được ?
Người Trung Quốc thông minh đến mức nào ? Đến độ khi bị đem đến lò sát sinh, còn cố cò kè về giá cả của mình, nếu kiếm thêm được vài đồng thì chết rất hả hê.
Cái kiểu thông minh quá cỡ này nhất định sẽ thành kiểu ích kỷ quá cỡ. ở Trung Quốc người nào mà không suy nghĩ một cách ích kỷ, cư xử một cách ích kỷ đều bị chế diễu là ngu ngốc.
Người Trung Quốc không khoan dung, hễ ai có tâm địa tốt, rộng lượng với người khác, tán dương người khác đều bị chửi là đồ ngốc. Có người tát anh mà anh lại phản kháng, có người phạm pháp mà anh lại can ngăn thì anh đúng là ngốc. Hễ cứ làm một việc mạo hiểm để sau đó không thể làm quan, hoặc không thể phát tài, là mọi người đương nhiên cho anh là thằng ngốc.
Tôi cho rằng để cứu dân tộc mình, mỗi người Trung Quốc cần có ít nhiều cái ngốc đó, nếu không rồi cũng sẽ dần mòn suy đồi như dân da đỏ.
Tục ngữ có câu : " Người không ích kỷ thì trời tru đất diệt " (nhân bất tự tư, thiên tru địa diệt), nghĩa là ai mà không ích kỷ thì bị người khác xem là không có cách gì cứu chữa được. Chúng ta không thể nào tự mình bắt đầu, không cần dựa vào chính phủ hoặc người khác mà vào chính bản thân mình để làm một vài điều mà mọi người cho là ngốc nghếch chăng ?
Để kết luận, tôi cho rằng chúng ta đừng nên làm cho cái quan hệ con người trở thành phức tạp. Phải bắt đầu bằng sự rèn luyện bản thân mình, con cái mình. Ví dụ trẻ con ở Mỹ được mẹ chúng dạy cách thu dọn, lau chùi bàn ăn, vứt rác vào thùng sau khi ăn xong. Những thứ giáo dục đó phải bắt đầu từ bản thân, bắt đầu từ tấm bé. Sự huấn luyện này phải bắt đầu như một khởi điểm cũng như một lịch trình.
Người Trung Quốc có rất nhiều đức tính, nhưng đáng tiếc chúng chỉ ở trên sách vở. Bây giờ chúng ta mong rằng chúng sẽ xuất hiện trên hành động. Hãy thử xem chúng ta có làm nổi hay không ?
Tôi xin dứt lời vì đã lạm dụng quá nhiều thì giờ của quý vị, xin thứ lỗi và xin chỉ giáo.
?@

Phần thảo luận

Thính giả : Ông vừa nói đến chế độ phong kiến dày xéo nhân quyền, cụ thể trong thời nhà Minh. Thực ra tình hình phương Tây thì có khác gì ? Tôi nghĩ văn hóa hóa Tây phương cũng trải qua những thử thách của thời đại quân chủ chuyên chế như vậy, nhưng tại sao họ lại có thể đẻ ra được quan niệm nhân quyền và chủ nghĩa tự do mà Trung Quốc cho đến ngày nay vẫn không làm được ?
Bá Dương : Rất tiếc tôi không thể trả lời vấn đề này. Cứ cho rằng chúng ta không thể hiểu được vì sao người phương Tây lại ăn bằng dao nĩa mà người Trung Quốc lại ăn bằng đũa. Văn hóa phát triển dần từng bước, hai nền văn hóa này từ thuở xa xưa không có gì dính dáng với nhau, không có khả năng ảnh hưởng lẫn nhau, mỗi cái phát triển theo mô hình riêng của nó. Sinh hoạt của từng cá nhân và vận mệnh của mỗi dân tộc thường bị những yếu tố rất lớn hoặc đôi khi rất nhỏ làm chuyển đổi phương hướng. Nhưng chúng ta lại không hiểu cái nhân tố lớn, nhỏ ấy là cái gì và ở đâu.
Thính giả : Những điều ông vừa nói làm chúng tôi cảm thấy buồn về cái thời trẻ tuổi lạc quan của chúng tôi. Tôi thuộc vào thế hệ những người lớn lên sau chiến tranh, và từ trước đến giờ tôi vẫn cho rằng thế hệ chúng tôi từ cách suy nghĩ cho đến nếp sống xã hội đều nhất nhất không giống thế hệ đàn anh.
Nói ví dụ, hiện giờ tôi không làm quan chức gì, nhưng biết đâu có một ngày nào đó tôi lại chẳng có một chức vị, để rồi chỉ có quan tính mà mất nhân tính. Nhưng dù có rơi vào trường hợp đó, tôi tin rằng cái quan tính của tôi so sánh với quá khứ vẫn ít hơn một tý, mà nhân tính nhiều hơn một tý. Tuy nhiên hôm nay ông nói vậy, tôi lại thấy không giống cách nghĩ của tôi.
Bá Dương : Tôi nghĩ tôi chỉ nói lên sự thực lịch sử. Nhưng vì thời đại và hoàn cảnh vẫn đổi thay, giáo dục tiến triển, có thể ngày nay rồi sẽ không như thế nữa. Vả lại tôi tin tưởng vào sự thành tâm của anh và tin rằng anh sẽ làm được chuyện ấy.
Thính giả : Tôi vẫn thấy cách giải thích của ông khác tôi.
Bá Dương : Tôi cần nhấn mạnh thêm rằng cái chuyên chế chính trị ở Trung Quốc với cái chuyên chế chính trị của Tây phương về nồng độ và kích thước hoàn toàn không giống nhau.
Tôi học sử phương Tây không nhiều, nhưng nếu đem so sánh thì chuyên chế Trung Quốc rất cực đoan.
ở cung đình phương Tây chỉ quỳ một gối, trừ phi đối với thượng đế thì mới quỳ hai gối. ở Trung Quốc không những phải quỳ cả hai gối mà còn phải khấu đầu, thậm chí đập đầu xuống đất cho kêu thành tiếng (Khải hưởng đầu).
Cuối đời nhà Thanh có câu : " Đập đầu nhiều, nói ít " (Đa khải đầu, thiểu thuyết thoại). Cái khái niệm nội tại cùng trình độ của chuyên chế Trung Quốc e rằng Tây phương không thể so sánh nổi.
Tôi được thấy một bức tranh sơn dầu vẽ Louis XIV (Lu-is XIV) của Pháp. Ông này ngồi giữa, các đại thần và hoàng hậu ngồi chung quanh. Cái cảnh này không thể nào có ở Trung Quốc được, các đại thần ở Trung Quốc nhất định phải nơm nớp lo sợ, lấm la lấm lét quỳ mọp chung quanh.
Thính giả : Xin ông cho biết ý kiến về chữ giản thể (chữ Hán đơn giản hóa, dùng ở lục địa, so với chữ cũ nhiều nét vẫn dùng ở Đài Loan).
Bá Dương : Tôi tán thành chữ giản thể, lại càng tán thành việc phải phiên âm tiếng Trung Quốc. Tối hôm qua nhiều bạn tụ tập nói chuyện về vấn đề này, đại khái không ai nhất trí. Cái tâm lý bị bế tắc của những người phản đối chữ phiên âm cần phải được giải tỏa.
Lấy ví dụ, lúc gọi điện tôi hỏi anh họ gì? - Tôi họ Lưu! Chữ Lưu này viết thế nào có lẽ trên điện thoại khó mà giải thích cho rõ ràng được. Nếu tôi bảo anh đi tra từ điển, dĩ nhiên không phải tra được ngay, tra đến lần thứ hai, thứ ba vẫn không thấy chắc phải nổi điên lên.
Ngày xưa chúng ta trách cứ cổ văn không có dấu chấm câu, không biết ngắt câu thế nào và hiểu làm sao. Có ai đọc qua " Sử đời Nguyên " chưa ? Tên Mông Cổ như mớ bòng bong, dài lòng thòng không biết là mấy người. Ngày nay tuy đã có dấu chấm câu, nhưng những khuyết điểm lớn của cái loại chữ vuông này lại càng lộ rõ.
Vấn đề đầu tiên là tách chữ. Vì tiếng Trung Quốc có nhiều từ ghép, dù biết hết các chữ đơn ở trong câu cũng chưa chắc đã hiểu.
Sau đó là không thể phiên âm. Loại chữ vuông này thông thường chữ nào đọc riêng chữ đó, không thể dính liền âm tiết lại với nhau, nên phải phí rất nhiều sức lực để tập trung mới hiểu được ý từ những âm tiết rời rạc đó. Ví dụ tôi nói " Tôi từ Mã-lai-xi-a đến " (Ngã tòng mã lai tây á lai), ở đây chữ Malaisia phải liên âm và cách âm với chữ lai sau đó. Nếu không " Mã lai " (ngựa đến), " Tây á lai " (Tây á đến), và nếu có em bé nào lại lấy tên là Tây á thì câu nói này lại thành vấn đề lớn.
Ngày nay máy chữ, điện não (máy tính điện tử) đánh nhanh biết bao, tôi chỉ sợ rằng cái thứ chữ vuông này không thể nào bắt kịp bước tiến. Tôi chỉ mơ ước có được một cái máy đánh chữ tiếng Trung Quốc để khỏi phải ngày ngày làm cái loại động vật bò lên trang giấy.
Nhưng phiên âm tiếng Trung Quốc không phải dễ, chủ yếu vì cái trở ngại tâm lý nơi chúng ta, vì chúng ta cho rằng dùng ABCD là dùng mẫu tự tiếng Anh, chữ phiên ra là tiếng Anh. Kỳ thực không phải như vậy. Chúng ta phải hiểu là chữ ABCD này là mẫu tự Trung văn. Chữ phiên ra là chữ Hoa, không đến nỗi có cảm giác nhục nhã vì bị đồng hóa. Đúng vậy, nó là tiếng Trung Quốc, tiếng Hoa chứ không phải tiếng Anh, tiếng Đức. Nếu dùng ABCD mà lại thành tiếng Anh thì người Đức, người Pháp có thể tức chết được.
Văn tự hoàn toàn là công cụ, giống như cái xe, anh mua nó thì nó là của anh, ai mua nó thì nó là của người đó. Kỳ thực nếu chúng ta dùng văn tự phiên âm ngay hôm nay, người chết đói đầu tiên sẽ là tôi vì tôi đang dùng cái loại chữ vuông này để kiếm cơm. Nhưng tôi cảm thấy sinh mệnh của riêng mình rất ngắn ngủi, những lý do chính trị cũng rất ngắn ngủi, chỉ có văn hóa dân tộc là quan trọng, rất quan trọng. Nhất là các vị tại Mỹ, các vị có thể thấy con cháu đời thứ hai nói được tiếng Trung Quốc mà không viết được. Khó như thế thì làm sao mà dậy chúng ?
Cứ như chữ Quốc ( ) [ nước ] viết thế nào ? Muốn biết nó chỉ có cách học thuộc lòng, không có phương pháp nào khác. Ngay cả lúc trẻ con gào lên : " Tôi ghét tiếng Trung Quốc! " mà chúng ta vẫn còn chưa thức tỉnh sao? Chúng ta không thể làm cho những khó khăn trên đường tiến bước của Trung Quốc tăng thêm, không thể tự xích tay, cùm chân được.
Tại sao lại phải sống cho quá khứ, cho tổ tiên thay vì sống cho con cháu mình? Nếu chỉ vì phiên âm mà rồi không đọc được sách cổ nữa thì cũng chả sao. Hiện giờ chưa phiên âm mà anh đọc cũng đã chẳng hiểu rồi còn gì !
Việc quá khứ, việc tổ tiên, chúng ta có thể nhờ một số người để chuyên đi quét dọn miếu đường. Chúng ta phải vì con cháu, vì thế hệ sau này, vì tương lai của nước nhà và dân tộc. Một ngày nào đó, nếu tiếng Trung Quốc bỗng nhiên trở thành tiếng quốc tế, chắc chắn nó không thể phổ cập được trừ phi dùng phiên âm.
Hôm nay tôi nhai đi nhai lại những khuyết điểm của Trung Quốc chắc có người nghe bị mất tinh thần. Nhưng tôi thấy rằng cần như vậy, vì nếu cứ lải nhải khoe khoang những ưu điểm, đức hạnh, sự thông minh của mình, rồi sẽ chẳng còn ai tôn trọng mình nữa, vì chính mình đã không tôn trọng mình gì cả.
Các bạn nên biết, những hoạn nạn của người Trung Quốc, không phải là chỉ của riêng người Trung Quốc mà còn là của cả thế giới. Một chiếc thuyền nhỏ chìm thì không sao, một chiếc tầu lớn bị chìm có thể cuốn theo vào vòng xoáy nước của nó những chiếc thuyền nhỏ xung quanh.
Tại sao Nhật Bản lại đến xâm lược chúng ta ?
Chính vì sự yếu đuối của chúng ta đã dụ dỗ họ ra tay. Chúng ta phải tự cứu lấy mình. Điều đầu tiên để tự cứu là phải biết được những khuyết điểm của mình. Nếu không tự biết những khuyết điểm của mình thì chẳng khác gì suốt ngày chỉ nghĩ đến những chuyện đắc ý, chỉ sợ rồi cũng như Giả Bảo Ngọc (một nhân vật trong Hồng Lâu Mộng) suốt ngày luẩn quẩn với những ý tưởng dâm dật.
Thính giả : Tôi thường nghe được hai câu này - " Dĩ bất biến ứng vạn biến " (Lấy sự không thay đổi để ứng phó với mọi thay đổi), và câu " Báo thiện bất báo ưu " (Đáp lại bằng điều thiện, không đáp lại bằng sự lo buồn).
Bá Dương : Đối với câu " Dĩ bất biến ứng vạn biến " thì tôi không dám có ý kiến gì, còn câu " Báo thiện bất báo ưu " tôi cho rằng đấy chỉ là một đặc trưng của giới quan trường.
Thính giả (người Mỹ) : Hôm nay hình như ông chỉ nói về khuyết điểm của người Trung Quốc, tôi muốn xin ông cũng nói về những cái xấu của người Mỹ. Qua những sách ông đọc, những việc ông nhìn, ông thấy được những điều gì nước Mỹ cần phải học hỏi ở năm nghìn năm lịch sử Trung Quốc ?
Bá Dương : Về những điều xấu của nước Mỹ, chính người Mỹ đã nói lên nhiều rồi, đó là chỗ tôi rất khâm phục. Vì nước Mỹ có cái khả năng tự cân đối, tự phản tỉnh và tự điều chỉnh. Tự mình có chỗ sai trái đều dám tự nói ra, tự mình có thể tiếp thu, đánh giá. Đấy là những điểm mà người Trung Quốc chúng tôi không có được. Dĩ nhiên nước Mỹ không phải mười phần toàn mỹ, vì trên thế giới này chưa có gì như vậy, mà nước Mỹ nếu như vậy chỉ sợ rồi nó sẽ xơ cứng mất.
Thính giả : Lúc ở đại học tôi có đọc qua vài tác phẩm của ông, tôi rất thích cái ngòi bút châm chọc, cay chua, mỉa mai những điều không hợp lý trong xã hội. Hôm nay, được nghe ông nói về những khuyết điểm của người Trung Quốc, tôi rất cảm động mà cũng rất khổ tâm, chán nản, buồn rầu. Nhưng tôi cho rằng cũng giống như một con bệnh, nếu đã biết mình bị bệnh tất phải tìm cách cứu chữa, thuốc thang. Tôi không biết trong các tác phẩm của ông có những gì mách bảo chúng tôi làm chuyện đó ? Ngoài ra tôi muốn ông nói một tý về tình hình trên văn đàn Đài Loan, giới thiệu cho chúng tôi những tác giả và những tác phẩm hay.
Bá Dương : Tôi xin nói về vấn đề thứ hai trước. Trần ánh Chân, Vương Tháp, Tam Mao, Ai Quỳnh Quỳnh, Trần Minh Bàn, Dương Thanh toàn là những nhà văn hạng nhất. Tôi không đọc được nhiều vì ngồi tù mắt bị yếu đi, đọc chữ bé quá không được, mà sách báo Đài Loan chữ quá bé. Vấn đề này có lẽ phải xin nhà tôi đáp hộ.
Nói đến khuyết điểm, đến bệnh tình của người Trung Quốc, tôi biết các bạn rất buồn và tôi cũng rất buồn. Bởi vì trước kia tôi toàn nghe nói đến những vinh quang của Trung Quốc, như kiểu Chu Nguyên Chương là một vị anh hùng dân tộc. Sau này tôi mới khám phá ra rằng không phải vậy. Trong lúc những người khác chiến đấu với quân Mông Cổ, thì y ở tại hậu phương mở rộng địa bàn của mình, đánh triệt hậu những người khác để chiếm đất, cuối cùng cướp chính quyền, hoàn toàn tính toán cho ý đồ riêng tư, chờ cho mọi người khác đánh xong quân Mông Cổ rồi y tọa hưởng kỳ thành.
Phát hiện được chuyện này tôi rất lấy làm chán nản. Tôi nghĩ nếu muốn phục hưng dân tộc phải bắt đầu bằng việc thừa nhận các khuyết điểm, những sai trái của mình. Nếu không thừa nhận thì làm sao cải cách được ? Không cải cách thì làm sao tiến được ? Thời trước mình đã không thừa nhận vì không biết phân biệt phải trái, dù có thấy khuyết điểm cũng không dám nói. Nếu có kiểm thảo thì chỉ toàn thấy những điều hay. Cho nên chúng ta toàn bị người ta bắt nạt, lúc thì người này, lúc người nọ.
Mỗi người Trung Quốc phải tự xét mình trước khi oán thán, kêu ca, trách cứ người khác. Tại Đài Bắc có cặp vợ chồng cãi nhau tìm tôi phân bua. Người chồng hùng hổ bảo : - " Vợ tôi không yêu tôi ". Tôi nói rằng nếu muốn người khác yêu anh, điều kiện đầu tiên là tự anh phải là người khả ái. Nếu tự mình không khả ái làm sao người khác có thể yêu mình. Nếu mình muốn người khác tôn trọng, thì trước hết phải có cái điều kiện để được tôn trọng. Cái điều kiện này không thể cứ chửi bới hoặc hô khẩu hiệu là có được. Ví thử nơi này là nơi không thể tùy tiện khạc nhổ mà anh cứ khạc nhổ ; tiểu tiện phải vào nhà xí, anh lại cứ ở trên đại lộ mà làm, thì hỏi rằng làm sao người ta tôn trọng anh được ? Vì vậy, để được tôn trọng chúng ta phải có những điều kiện tiên quyết, phải biết chúng ta khác người ở điểm nào, phải biết cái dở của ta, cái hay của người.
Nếu anh bảo người Mỹ tốt, người ta sẽ bảo anh là sùng bái Tây phương. Sùng bái thì đã sao ? Hệ tư tưởng của chúng ta ngày nay, về kinh tế, học thuật, dân chủ, chính trị, nhân quyền có cái nào là do cha ông chúng ta tryền lại không ? Chế độ xã hội, hình thái ý thức, phương thức sinh hoạt đều do từ nước ngoài đến, có cái nào là truyền thống không ? Những sinh hoạt vật chất của chúng ta như xe ô-tô, máy bay, kính mắt, cách cắt tóc, cạo râu, nhà ở,v.v... đều chẳng phải do người Trung Quốc phát minh ra. Cho nên tôi thấy không phải là vấn đề sùng bái mà là vấn đề học tập. Hiện nay ở Đài Bắc người ta thích ăn gà ta, mà tôi cũng rất thích, không ai thích ăn gà tây, không ngon thành ra không ai ăn cả. Tóm lại cái gì hay thì người ta thích.
Cái tinh thần người Trung Quốc không hiểu thế nào mà hễ cứ tôn sùng Tây phương là họ nghĩ tất yếu phải nịnh bợ nước ngoài. Không hiểu vì sao lại đưa đến cái kết luận đó ? Sùng bái ở đây chẳng qua là học những ưu điểm của họ. Ví dụ có một ngày nào đó người Mỹ đều hút thuốc phiện tự sát, chẳng nhẽ chúng ta cũng lại bắt chước họ sao ? Chúng ta phải có cái tiền đề là làm sao cho người ta tôn trọng mình, phải có khả năng tự tìm hiểu mình. Đó là điều kiện tối cần để dân tộc mình có thể tồn tại và phát triển.
Trách tới trách lui rồi chung quy cũng chỉ đi trách người khác thì không thể nào cứu được dân tộc. Dân da đỏ nói mãi là người da trắng giết hại họ, họ thù hận đến xương tủy, nhưng thù họ thì làm được gì ? Phải tự mình mạnh lên mới được. Không tự ngoi lên được, trong tương lai có thể còn bị giết nhiều hơn nữa. Không nên trách cứ oán thán ai cả, mà phải thấy được cái sai, khuyết điểm của mình thì mới có khả năng khá lên được.
Thính giả : Trong quyển " Những con trùng dậy sớm " ông lên án những tiểu thuyết huyền ảo, khuyên mọi người không nên xem tiểu thuyết kiếm hiệp. Trên nguyên tắc tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Nhưng Nghê-Khuông lại bảo : " ở trên đời nếu không đọc tạp văn của Bá Dương đã là một sự mất mát lớn, nếu không xem được chuyện kiếm hiệp của Kim Dung lại là một sự mất mát lớn khác nữa ". Không hiểu ông nghĩ gì về câu nói này ? Vấn đề thứ hai là nghe nói lúc ở Lục Đảo ông đọc rất nhiều sách về tướng số. Tôi cho rằng môn tướng số là một bộ phận của văn hóa Trung Quốc rất thần bí, ông nghĩ sao ?
Bá Dương : Khi tôi viết quyển sách đó tôi chưa đọc tác phẩm của Kim Dung, bởi vì thời đó tiểu thuyết của Kim Dung chưa xâm nhập vào Đài Loan (từ Hồng Kông). Sau khi đọc Kim Dung rồi thì không thể đọc các loại truyện kiếm hiệp khác. Tôi đọc qua Vương Độ Lư, Bất Tiêu Sinh và rất nhiều kiếm hiệp khác. Nhưng sau khi đọc Kim Dung rồi, thấy chẳng ai sánh kịp. Cái trình độ văn tự, cảnh ý của Kim Dung đều cực giỏi, thêm nữa tiểu thuyết kiếm hiệp của ông ta lưu hành ở nước ngoài nên ý nghĩa lại càng lớn. Nó làm mọi người say mê, giúp phổ cập hóa tiếng Trung Quốc. Ông ta viết quả là hay, bút pháp thật tài tình, đúng là không tiền khoáng hậu, tôi rất khâm phục.
Lúc ngồi tù tôi cũng đã đọc nhiều sách tướng số. Vì 12 năm vừa qua, thời cuộc đổi thay, có khả năng tôi không kiếm được cách sinh nhai, định ra ngồi lề đường bốc quẻ. Tôi đọc được hơn một năm. Sau đó có người bảo tôi là một chính trị phạm không được phép làm thầy bói, cho nên tôi cũng bỏ luôn. Nói đến vận mệnh thì tôi tin là có. Các bạn trẻ thường không tin số mệnh, tôi thời trẻ cũng thế. Tăng Quốc Phiên có một lần nói với Lưu Thứ Thanh rằng : " Đừng tin sách, tin số mệnh ". Lưu Thứ Thanh bảo : " Lời nói đúng, truyền vạn thế ". Đời người có những thứ mình không thể khống chế, nếu không dùng số mệnh để giải thích thì dùng cái gì để giải thích được ? Những hiện tượng không thể điều khiển được, chúng ta gọi là vận mệnh, anh gọi là " bất vận mệnh " cũng được, miễn là đặt cho nó một cái tên. Tối hôm qua, phi cơ của Đài Bắc Viễn Đông Hàng Không bị nổ. Trước đó tôi có hay dùng phi cơ từ Đài Bắc đi Cao Hùng để khám mắt, nhưng bình thường vẫn chỉ ngồi viết bài tại tòa soạn " Đài Loan thời báo ", còn chủ báo là Ngô Cơ Phúc và Tổng biên tập Tô Đăng Cơ rất hay đi đi về về giữa Cao Hùng và Đài Bắc bằng phi cơ, nên hiện nay tôi rất lo cho họ. Đấy chỉ là một dẫn chứng. Anh có thể cho phi cơ bay được, nhưng không thể làm cho phi cơ tránh được những chuyện xảy ra ngoài ý muốn.
Thính giả : Hôm nay là lần đầu tôi được gặp ông tại nước ngoài sau những năm ông bị tù đày. Tôi có một chuyện nhỏ muốn hỏi là sau bao năm khổ ải ấy bây giờ đứng trước mọi người đây, cái tâm tình của ông như thế nào, ông có gì để nói về những gian truân ấy ?
Bá Dương : Tôi cho rằng riêng tôi chẳng có gì thay đổi cả. Trong nhà lao cái gì phải khóc thì tôi đã khóc, lúc phải cười thì tôi cũng đã cười. Có người bảo ở trong tù thì mặt ủ mày ê, đó là chưa thật ở tù. Nếu 10 năm mà lúc nào cũng sầu não thì sống thế nào được ? Lúc được vui thì cứ vui, đó là cách nhìn của tôi. Nhất là đời người mà gặp hoạn nạn như tôi, thậm chí nghiêm trọng tưởng có thể bị tử hình, sau bị xử 12 năm tù.
Mười hai năm là một khoảng thời gian rất dài chả lúc nào thích ứng được. Gia đình lại xảy ra biến cố, nào vợ xa chồng, chồng xa vợ, dù hẹn biển thề non lúc này đều hoàn toàn thay đổi.
Ngoài ra lại còn tác động đến tình bè bạn, đột nhiên rất nhiều bạn đâm ra sợ tôi. Có những bạn, bình thường có thể phó thác tài sản tính mạng được, bây giờ bỗng dưng thay đổi hẳn. Có những người chẳng thân thiết gì lại nhờ vả được. Cho nên tôi quan niệm rằng không thể khái quát hóa vấn đề này được, nó tùy theo mỗi trường hợp riêng.
Tôi ngồi tù được hai tháng thì vợ tôi bỏ tôi, chưa được hai năm sau thì chính thức ly hôn. Tôi ký giấy ly hôn gửi cho vợ tôi, cô ta hỏi còn đồ đạc của anh thì sao ? Tôi hỏi đồ đạc nào? Đồ đạc trong nhà vốn tất cả là của tôi. Tôi bảo cho cô ấy toàn quyền định đoạt, những cái gì thuộc về tôi thì cứ vứt hết ra đường, vì ở Đài Loan tôi không có người thân, chẳng có chỗ nào để cất giữ.
Tôi nghĩ đấy là một trường hợp cá biệt, chẳng phải người đàn bà nào cũng như vậy. Đàn ông cũng thế, cũng có người thay lòng đổi dạ, nhưng không phải tất cả đàn ông trong thiên hạ này đều như vậy.
Bạn bè thì cũng chẳng khác mấy, có bạn lại sợ tôi mượn tiền, có người thì dậu đổ bìm leo, chờ người ngã xuống giếng để ném đá theo, có người chẳng đoái hoài đến mình nữa, có người lại lên án kịch liệt, chỉ muốn tôi bị xử bắn đi cho rồi.
Cái này cũng chỉ là vài trường hợp cá biệt và cũng chỉ có dăm ba người nào đó như vậy thôi. Vẫn còn những người khác sẵn sàng giúp đỡ mình. Sự thật là như vậy.
Tôi hoàn toàn không cảm thấy bị mất mát, có mất chăng, đó là những kẻ không phải là bè bạn.

Phần Ii - Các Bài Viết
Phô bầy bệnh già nua, lẩm cẩm. Cái Triết học bắt đầu bằng kính và sợ. Chỉ trừ tôi ra. Tại sao không có thể mưu lợi được?. Giữ mình là thượng sách. Loài động vật không biết cười. Nước có lễ nghĩa. Ba câu nói. Cả nước xếp hàng. Rút cuộc là cái nước gì ? (Đám cưới, đám ma, quán ăn). Chẳng kể thị phi, chỉ nói đến chính đạo. Phố Tầu, một động quỷ nuốt tươi người Trung Quốc . Nói chuyện về người Trung Quốc xấu xí . Kiêu ngạo hão. Noi gương Tây phương nhưng không làm nô lệ. Kỳ thị chủng tộc. Lấy hổ thẹn làm vinh dự
Người Trung Quốc xấu xí
Lời Người Dịch
Thay lời tựa của Bá Dương
1. Người Trung Quốc xấu xí
Người Trung Quốc Và Cái Vại Tương
Đời Sống, Văn Học Và Lịch Sử
Cái Triết học bắt đầu bằng KÍNH và Sợ
Chỉ trừ tôi ra
Tại sao không thể mưu lợi được?
Giữ mình là thượng sách
Loài động vật không biết cười
Nước có lễ nghĩa
Ba câu nói
Cả nước xếp hàng
Rút cuộc là cái nước gì?
Chẳng kể thị phi, chỉ nói đến chính đạo
Phố Tàu - một động quỷ nuốt tươi người Trung Quốc
Nói chuyện về " Người Trung Quốc xấu xí "
Kiêu ngạo hão
Noi gương Tây Phương nhưng không làm nô lệ
Kỳ thị chủng tộc
Lấy hổ thẹn làm vinh dự
Cái vại tương
Làm sao sửa chữa
Năng lực suy luận bị trục trặc
Nhảy ra khỏi hũ tương
Cần dấu cái ác phô trương cái thiện
Người Trung Quốc hèn hạ
Không hiểu được hài hước
Có văn hóa không có văn minh?
Không thể bôi nhọ văn hóa Trung Quốc
Văn hóa Trung Quốc : bôi nhọ hay đánh phấn
Người Trung Quốc Vĩ đại