Chương 1 (4)
Tác giả: Đặng Hoàng Văn
“Cháu có duyên với nghề này lắm, được con cá con tôm nó yêu là sống được, nó mà ghét ai thì người đó lên bờ ngay. Có cháu mới có chú hôm nay”, mỗi khi có dịp là Ba Lu lại khen Thường như thế, anh cũng vừa lòng với cách đối xử của ông. Hàng tháng ông tự gửi tiền về cho ba mẹ Thường ngoài Đà Nẵng.
Từ khi có Thường, ông Ba Lu vui vẻ, nhàn hạ thấy rõ, trông ông mãn nguyện lắm, ông vẫn nói nhờ số đỏ nên gặp Thường. Ông quý anh như con mình.
Nhưng ngặt nỗi gần đây, những gì thấy ngoài khơi làm Thường lo lắng, đôi khi còn sợ hãi nữa. Không lo, không sợ sao được khi thấy xác người cứ từ ngoài khơi xa trôi về. Có đêm vừa mới tắp( 25 ) vào một hòn đảo nhỏ tính nghỉ ngơi, tránh gió, thì phải vội vã tăng hết tốc độ chuồn thẳng.
Người ta hỏi thì anh chỉ trả lời chỗ ấy có âm khí nặng nề. Nhiều người đi biển lâu ngày nhưng không phân biệt được sự khác nhau giữa mùi cá chết với mùi xác người, nhưng anh thì phân biệt rất rõ.
Càng ngày Thường càng băn khoăn, không hiểu chuyện gì xẩy ra, tại sao lại tự tử ngoài khơi nhiều như thế. Bỗng dưng anh thấy lo cho gia đình, lo cho Ngọc Lan, rồi quyết định nghỉ vài ngày về thăm nàng.
Ngọc Lan mừng quýnh vì đã gần 6 tháng không gặp Thường, anh đen giòn ra, gầy đi nhiều nhưng vẫn khỏe mạnh và rắn chắc như ngày nào.
Ba mẹ Ngọc Lan đều vắng nhà, các em cũng ở trên rẫy hết, chắc cũng còn lâu mới về tới.
Ngọc Lan ở nhà vì hôm ấy có việc của xã, biết Thường đi xa về có thể đói bụng nên nàng luộc khoai mỳ mời Thường, còn thêm món tôm luộc, tôm lấy từ mớ tôm do Thường mang về biếu ba mẹ Lan. Sau rồi nàng nhận ra rằng khoai mỳ ăn với tôm luộc thì quả là một sự phỉ báng vào cái tinh tế của ẩm thực, dù đây là gia đình. Nhưng loay hoay mãi cũng chẳng nghĩ thêm được món gì, nàng đành luộc (26 )bo-bo lên cho Thường.
Đã lâu không về đất liền, cuộc sống với sông nước làm anh xa cách với những hiện thực đời sống xã hội hiện tại. Người Việt xưa nay nói đến bữa ăn là người ta nghĩ ngay đến cơm, đến cháo chứ không phải bo-bo. Bữa bo-bo với tôm luộc chấm mắm Phan Thiết đã góp phần làm bùng lên ngọn lửa giận dữ trong con người vốn chưa đủ chín chắn và kiên nhẫn của Thường.
Buồn! Thật buồn nhưng rồi cũng ăn cho qua bữa. Lâu ngày gặp lại nhau mà vui chẳng được bao lâu, lại phải suy tư, đắn đo cho số phận. Chưa ăn xong bữa mà đã như no tận cổ, nỗi xót xa, ấm ức từ đâu dồn về không có cách nào nguôi được. Sẵn có cây sào tốt đang dựng ở sân nhà( 27 ), Thường xuống bếp lấy cây rựa giắt vào lưng quần, cầm đầu cây sào nhún thử, rồi thoắt một cái anh đã ngồi trên ngọn một cây dừa.
Với cây rựa trên tay, anh ra sức chặt, hết quả già, quả non rồi lá dừa rơi xuống ào ào. Ngọc Lan còn nhỏ tuổi nhưng cũng hiểu Thường đang cần xả bớt sự căng thẳng, sự bức xúc trong người mình, nàng chỉ ngồi bưng mặt khóc nức nở trong khi Thường còn đang ngồi trên ngọn cây dừa trơ trọi. Một lúc sau, Thường nhẩy xuống, khắp người trầy xước, máu chảy, Ngọc Lan áp mình vào Thường rồi hai người cùng khóc mãi không nguôi.
Họ đã sinh ra nhằm thời loạn lạc, yêu nhau trong cảnh nghèo nàn, muốn có hạnh phúc có thể phải quên đi những nhu cầu vật chất thông thường, phải vượt qua những rào cản về văn hóa trần tục, để hướng tới một khát vọng mang tính siêu thực, một trạng thái phồn thực của duyên tình.
______________________
Chú thích:
(25) Tạm ngừng (stop over), hay có ý định dừng ở một nơi nào đó.
(26) Bo-bo là lúa mì chưa chế biến, các nước châu Âu viện trợ trong thời gian này để cứu đói cho toàn quốc.
(27) Thường biết võ thuật nên dùng sào nhẩy lên cây dừa, không dùng thang để leo.