Chương 13
Tác giả: Đặng Hoàng Văn
“Ông ta “ đầy ải “ một người “ nhiều năm, rồi bù đắp bằng một nụ cười khi chia tay, một nụ hôn trong gió.”
Cuộc đời mỗi người là một phần của dòng đời bất tận. Hàng ngày có rất nhiều người trở về với cát bụi, nhưng thay vào đó, vô số trẻ thơ vẫn ra đời. Lẫn vào tiếng khóc than tiễn biệt là tiếng o oe bên nôi trẻ thơ, là tiếng máy reo, tiếng người lao động gọi nhau íới. Loài người nhờ thế mà chẳng bao giờ lo bị vơi đi.
Khi còn đang bị đầy ải trên dương gian, thì người ta còn phải gặp đủ thứ hỷ nộ(29) ở đời. Trại tị nạn cũng là một góc, một nơi tiêu biểu trên thế gian với đủ mặt hỷ nộ ái ố của cuộc đời.
Tối thứ bẩy, khá nhiều người đến thăm Nguyệt, chia buồn và thắp cho Minh nén hương vĩnh biệt. Đám tang mấy hôm trước do ban quản lý trại tổ chức, không có cộng đồng người tỵ nạn tham gia.
Mặc dù đã nghe đồn đại nhưng mọi người vẫn không khỏi ngạc nhiên khi thấy Hùng Nguyệt cùng đứng đáp lễ(30) khách viếng. Còn có kẻ ác mồm ghen tị
“Anh nó chết tai nạn, bảo hiểm cao, người ta đền một đống tiền, không có một thằng đàn ông bên cạnh thì sống sao yên!”
Giữa 2 cái giường cá nhân là bàn thờ dựng tạm trên cái hòm gỗ. Bứcảnh của Minh được lồng trang trọng, không quên ghi rõ chi tiết cá nhân:
Trần Lê Minh
Sinh 02 tháng 5 năm 1950 tại Hải Phòng.
Mất 15 tháng 7 năm 1986 tại Hồng Kông.
Hưởng dương 36 tuổi.
Những người cuối cùng ngồi lại buổi tối hôm ấy là những “cựu chiến binh” có thâm niên cao nhất ở trại. Kiên và Ba Sơn là những người lớn tuổi nhất, sau là Dương, rồi đến Út Thường và Hà Còi. Oanh thuộc lớp em út, còn Ngân, tuổi ngoài 20 nhưng trông như thiếu nhi, luôn bám lấy Dương như cha con.
Nghe nói Ngân được cho đi định cư ở Úc lâu rồi, nhưng vì Dương không được đi đợt ấy nên nó từ chối. Người ta mong mỏi mắt không được nhưng với Ngân thì như không luyến tiếc gì. Người đời ngầm hiểu là Ngân vì mồ côi, cha mẹ chết ngay trên thuyền trước mắt nó nên bị ám ảnh, chỉ có Dương là thân cận dựa dẫm được nên mang ơn hắn.
Út Thường như phát hiện ra điều gì ở Ngân, cứ như hút hồn vào con bé, Dương thấy vậy lừ mắt rồi nhắc: Cháu về trước đi, mày có việc gì ở đây đâu. Chú về sau.
Thực ra 2 lều cách nhau chừng 50 mét, nhưng tính Ngân vẫn thế, luôn chờ về cùng Dương. Nhóm này vẫn hay tụ tập, trước còn có Minh, ít nói nhưng hay có trà ngon, thuốc thơm.
Oanh vẫn như phát ngôn viên mà hôm nay lặng như câm, chỉ Kiên hỏi mới nói, thỉnh thoảng lại đưa mắt về phía Hùng Nguyệt. Cơn ghen trong ả chắc là khi hạ khi tăng. Trước vong linh của một người mà khi xưa cũng có một chút gì để nhớ, Oanh hiền tạm, đau vội bên cạnh cái bóng của ghen tuông và mất mát.
Trời vào khuya, Kiên bảo mọi người giải tán rồi vẫy Hùng ra để nói chuyện riêng. Hai người khoác vai nhau dạo quanh một vòng trại rồi chia tay.
Cuộc đời mỗi người thường vẫn gặp những chuyện xẩy ra ngoài dự định của mình, từ việc kiếm sống cho đến tình yêu và hôn nhân. Minh khi còn đương thời chắc là muốn lo cho Nguyệt yên bề gia thất rồi mới tính tới chuyện riêng của mình. Thế rồi anh ra đi bất ngờ để mọi việc dở dang, Nguyệt sau đó sẽ tự lo được cho mình và cả cho Hùng nữa, chẳng ai dám mong kết cục tốt đẹp này.
Các con cùng cha khác mẹ trong đời thường, rất ít khi giao tiếp. Họ sợ đủ thứ, nào là sự chia sẻ tình cảm, nào là sự khó xử, chưa kể là phải chia gia tài. Việc chia nhau miếng bánh, chung nhau một cái chăn mỏng là sự sẻ chia rất nhân bản, nhưng việc chia nhau trái tim một người mình yêu thì lại lọt vào phạm trù tranh giành hay nội chiến hoặc huynh đệ tương tàn.
Tuy vậy, dù sự xào xáo nội bộ có cam go tới đâu thì họ vẫn là những người ruột thịt thân thiết của nhau, cùng chung huyết thống.
Trong văn hóa Việt Nam, những người có chung huyết thống còn gọi nhau là có họ hay trong dòng tộc. Gia đình là một phần của dòng tộc. Dòng tộc là một phần của dân tộc. Bất chấp những bất hòa trong nội bộ, mỗi dân tộc đều lo phấn đấu, thúc đẩy sự tăng trưởng không ngừng. Nền văn minh của mỗi dân tộc vì thế mà luôn theo kịp với dòng lịch sử vĩ đại của nhân loại.
***
Suốt mấy năm qua, hình ảnh gầy gò, lêu nghêu, lặng lẽ của Minh đã trở nên thân quen ở khu này. Nguyệt nhìn qua ngó lại mấy lần cho quen với cảm giác mới mà cũng chẳng thay đổi được gì, trong đôi mắt nàng vẫn là một khoảng trống vắng mênh mông. Nước mắt dành cho người đã khuất như chưa vơi, chẳng thể tuôn mãi ra nhưng vẫn chảy vào trong khi khoan khi nhặt. Sự mất mát lớn lao ấy không thể mong được bù đắp trong ngày một ngày hai(31).
Những người dùng chung cái giếng này đã quen thấy cảnh Minh pha nước cho Nguyệt tắm gội vào sáng thứ bẩy. Thế mà hôm nay, Thứ Sáu, cô ta đã ở giếng, bây giờ người pha nước là Hùng. Oanh không cam lòng với thất bại bất ngờ và vô lý như vậy, nên hàng ngày vẫn theo dõi từng cử chỉ của họ. Thấy lịch của Nguyệt bất thường, Oanh ra bờ giếng thăm dò.
Cả tuần không chuyện trò với Oanh nên khi nhìn thấy nàng, Hùng mừng quá, bắt chuyện ngay:
- Ê nhóc, dậy sớm nhỉ, cần gì không?
- Ê, ông Minh bàn giao cho ông “ngôi báu” này, trông cũng oai đấy nhỉ? Mà hôm nay mới Thứ Sáu, đổi lịch à?
- “Bà” nhiều chuyện quá. Trưa nay đến văn phòng của Di trú(32) nhé, đáng ra phải nhắn từ hôm qua nhưng tôi bận nên quên.
- Người ta nhắn chứ không phải “ ông Sẹo” lệnh cho tôi hả? Đến hay không thì tùy, hỏi nhiều thế.
Dù sao thì cũng nói chuyện được vài câu với Hùng, Oanh cảm thấy như nhẹ đi phần nào. Hắn thuộc loại không sợ “vợ”! Vẫn chuyện trò với mình thanh thản như không, tên Sẹo cũng “bản lĩnh đàn ông đấy”. Vừa nghĩ ả vừa rảo bước đi nhưng rồi quay lại tính trêu chọc Nguyệt cho bõ tức, mà chẳng thấy ai nói gì tới mình, ả mất hứng nên bỏ đi thẳng.
Nguyệt thấy vậy trách Hùng tại sao không nói chuyện với Oanh sớm, Hùng không cãi lại, cứ lặng im, giống như Minh vậy.
Đúng 10.30 như đã hẹn, Oanh đến văn phòng trại, Nguyệt Hùng đang ở đấy, thấy Oanh đến Hùng tỏ ra xốn xang như trẻ trông mẹ đi chợ về. Chứng kiến cảnh ấy Kiên bật cười:
- Các cậu đừng có đụng chân đụng tay ở đây nhé.
Nghe Kiên giễu cợt, Nguyệt cũng cười theo, rồi lườm chéo sang Kiên, “anh đúng là một người đàn ông hóm hỉnh, dễ mến”. Nàng vẫn tranh thủ lúc chỉ có hai người gọi Kiên bằng anh ngọt lịm.
Kiên bất chợt cảm thấy mình thăng hoa, xốn xang lạ thường, phải nói với nàng điều gì bây giờ, anh lúng túng thấy rõ!
Ối, anh ơi! Nguyệt lấy tay bưng một bên má. Gì thế cưng? Con muỗi ác quá, nó chíc vào đây này anh.
Nguyệt xoa tay vào cằm mình, xoay mặt về phía Kiên, anh lấy tay xoa nhẹ lên nơi Nguyệt đã chỉ vào. Kiên đã bắt được cử chỉ âu yếm làm duyên của nàng. Sự an bài của Thượng đế thật diệu kỳ và huyền hoặc, nhưng thường rất bất công. “Ông ta” đầy ải “một người” nhiều năm, rồi bù đắp bằng một nụ cười khi chia tay, một nụ hôn trong gió.
Cán bộ của trại gồm một luật sư người Mỹ, một người Hoa đại diện cho người bảo lãnh và một người đại diện cho chính phủ Úc:
- Cô Nguyệt đồng ý chấp nhận sự bảo lãnh của người này không? - Luật sư hỏi Nguyệt.
- Tôi đồng ý.
- Cô cũng đồng ý cho em mình là anh Hùng đi cùng đến định cư ở Australia?
- Vâng, đúng như thế.
- Người ta bảo lãnh cho cô với điều kiện cô phải tiếp tục làm việc cho họ ở Australia, cô có đồng ý không.
- Tôi đồng ý.
Nguyệt tự trả lời. Luật sư tỏ ý vừa lòng với cách nói ngắn gọn, phát âm chuẩn, dễ nghe.
- Mời cô ký vào đây!
Luật sư như muốn làm cho nhanh, thực ra đây chỉ là thủ tục.
Oanh đang còn chờ đến lượt mình, nàng ngơ ngác như chưa hiểu chuyện gì xẩy ra giữa họ. Đây là đợt xét định cư đặc biệt, chỉ có 3 người, mà tại sao lại có mình. Kiên hiểu sự băn khoăn của Oanh nhưng cứ im lặng, đang làm việc nên anh vẫn nghiêm nghị thế.
- Ông Hùng, ông được bảo lãnh theo bà Nguyệt, kèm theo các điều kiện sau đây... Luật sư làm việc với Hùng thông qua Kiên, Hùng cũng nhanh chóng ký vào đơn từ.
Đến lượt Oanh, sau những câu thủ tục khác, người ta hỏi:
- Cô Nguyệt nhận cô là em kết nghĩa, bảo lãnh cho cô theo sang Australia kèm theo điều kiện là tiếp tục làm việc dưới sự bảo trợ của côấy trong vòng 5 năm.
Oanh im lặng như muốn nghe thêm, thế là người ta lại phải gợi ý.
- Cô có đồng ý không? Cô có quyền từ chối, chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của cô.
Ngọn lửa ghen tuông đang âm thầm nhen lên lại, nó đang làm Oanh mất hết minh mẫn. Một hồi sau nàng mới trấn tĩnh mà vẫn chưa hiểu lắm, nhưng nghĩ được đi Úc là tốt rồi. Cô đồng ý rồi ký vào đơn, cám ơn rồi đi ra. Thế là một chương trong cuộc đời mình đã khép lại ở đây, tạm biệt Hồng Kông kiều diễm mà gian truân, ngày mai sẽ là một trang hoàn toàn khác, “Oanh Chợ Con” hay “Oanh đồ tể Oanh mổ lợn” thì cũng phải có ngày đổi đời chứ. Thấy Nguyệt còn chưa về, Oanh nén cơn ghen xáp lại hỏi:
- Này, cám ơn, nhưng cho hỏi ai xin bà bảo lãnh tôi thế, mà tại sao lại phải làm việc dưới sự giám sát của bà 5 năm, không phải “mẹ chồng” chứ? -À… Hỏi xem, tôi không rõ lắm.
Hai người này gần như không bao giờ trò chuyện hay tâm tình với nhau. Nguyệt rất bực về câu hỏi không tế nhị này, nàng nhìn qua, ngó lại, tỏ ra không muốn tiếp chuyện.
Oanh vẫn phải cố nén cảm xúc khó hiểu trong mình, “mày tưởng Chợ Sắt(33) vờn Chợ Con được à?” Nhưng dù sao vẫn nên chờ xem. Nghe Nguyệt trả lời theo cách ấy, Oanh càng mông lung hơn, định hỏi Kiên nhưng lại thôi. Thừa nhận đây là lòng tốt, cho theo đi định cư mà thắc mắc làm gì?
Hàng ngày Oanh vẫn đanh đá thế mà hôm nay như ngọng nghịu, chẳng nói được câu nào ra câu nào cả. Về tới trại là đi thẳng về khu của Nguyệt Hùng, bất chấp sự có mặt của ai, Oanh kéo hắn ra hỏi vội vàng:
- Sẹo, nói nghe đi, chuyện gì.
- Chuyện gì là chuyện gì? -Hùng giả vờ như không hiểu, và y chợt nhận ra là “nàng” hôm nay rất tuyệt.
- Cậu sao thế? - Nguyệt nghe thấy nên sốt ruột chen vào - ngọng à?
- À, tại sao lại làm thuê 5 năm cho…? Đơn giản thôi, nếu không thì đẻ cho tôi 5 đứa con rồi thôi.
Oanh chợt hiểu, mừng quýnh, ôm chặt lấy Hùng, đấm vào vai hắn liên hồi. Nguyệt thấy vậy nhắc khéo:
- Đừng đụng chân đụng tay ở đây nhé.
Nói xong nàng cảm động, rưng rưng khóc, hết nhìn vào bàn thờ Minh, lại nhìn Oanh Hùng đang xoắn lấy nhau. Chàng khen nàng thẳng thắn, chân chất, duyên dáng; nàng khen chàng kín tiếng, khôn ngoan, trầm tính…
Một gia đình lưu vong nho nhỏ, một góc trại thân quen có 3 cái giường đơn quây quần lại
Từ ngày đến Hồng Kông, Nguyệt luôn lo lắng cho anh mình như một người con lo cho cha, nhưng nàng cũng không bao giờ quên để mắt tới Hùng, vì chỉ có nàng mới biết hắn là em mình. Hồi mới ổn định trong trại, thấy Hùng hay để ý mình, nàng cũng định nói cho nó biết nhưng nghĩ lại thấy nếu cứ để mặc nó như thế có lẽ lại hay nên thôi.
Bây giờ mình đã có một gia đình, được đi định cư cùng nhau, đó là điều mà gia đình nào cũng thèm muốn. Còn bản thân mình thì cũng cần một tình yêu, chứ không phải chỉ hết đắm đuối với “nàng tiên trắng” rồi đến “ ông bố bụng phệ”(34) lắm tiền này!
Ô mà tình ư? Cái thứ ấy như đồ quý hiếm, mơ làm gì. Người như anh Kiên thì cũng có nơi có chốn rồi, còn những người khác thì khác gì “bát phở”, thà rằng dành hết cho ai yêu mình.
Cuộc đời thường khá sòng phẳng, muốn được cái gì thì cũng phải trả bằng một cái gì đó. Mặc dù luôn nghĩ về Kiên trìu mến và tiếc nuối, nhưng nàng đã như con sáo tung cánh sang sông. Thế này cũng đủ làm cho nhiều người phải ghen tỵ rồi.
______________________
Chú thích:
29 Hỷ Nộ nghĩa Hán–Việt là Vui vẻ Buồn bực, trong bộ 4 trạng thái con người gồm hỷ, nộ ái ố, nghĩa là vui-buồn-yêu-ghét.
30. Người nhà đáp lễ khách đến viếng
31. Ngày một ngày hai cách nói về tâm tình của con người, ý rằng trong thời gian một vài ngày.
32. Phòng di trú chuyên lo việc tái định cư cho người tỵ nạn.
33. Những người sinh ra và lớn lên ở hai khu chợ này vốn thường đanh đá, cứng cỏi hơn người khác, đôi khi họ còn hung dữ nữa. Hai người họ sinh ra và lớn ở đó.
34. Người chủ thầu đã bảo lãnh cho chị em Nguyệt đi Úc, là bạn trai của Nguyệt.