watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bóng Nước Hồng Kông-Chương 3 - tác giả Đặng Hoàng Văn Đặng Hoàng Văn

Đặng Hoàng Văn

Chương 3

Tác giả: Đặng Hoàng Văn

Tiếng còi của viên quản giáo đã kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc. Gần một trăm người đàn ông già trẻ ngưng tay, đứng ngắm thành quả một ngày của mình, một vạt đồi rộng mấy trăm thước vuông trước mặt. Sáng nay nơi đây là đồi hoang, bây giờ là một vạt nương, không một ngọn cỏ dại, đất mới xới lên đang khô trắng dần ra.


Một ngày Đông trên vùng sơn cước quả là ngắn, chưa kịp cởi bộ quần áo bảo hộ ra thì trời đã như sập xuống, tối đen. Hôm nay cuối tháng, phải tới khuya mới có trăng, trời rét đến mờ cả mắt, gió Bấc(38) vẫn rít lên từng cơn ghê rợn.


Kiên tự cười cợt sự thay đổi của mình, từ lâu y đã quen với mặt trăng, những ngày mới vào trại còn thỉnh thoảng hỏi văn phòng là hôm nay ngày bao nhiêu, thứ mấy. Bây giờ thì hoàn toàn không quan tâm, Kiên chỉ nhìn mặt trăng mặt trời, nghĩ cũng chẳng hại gì, chuẩn bị lên đường cho kịp, trước mỗi chuyến đi lén lút như thế này chẳng ai tránh khổi bồi hồi lo lắng.


Kiên lên nhà ăn như thường ngày, cùng hưởng chung ánh sáng lờ mờ từ ngọn đèn bão(`, mọi người đang chuyện trò râm ran. Thấy đủ mặt, y yên tâm ăn vội rồi về trại sớm. An nghỉ phép về quê tận Thái bình, không thấy nàng mấy ngày nay kể cũng nhớ, Kiên bồn chồn, không biết bao giờ nàng trở lại, nếu không gặp lại nhau thì... ?


Rốt cuộc rồi Kiên cũng bỏ qua được những điều băn khoăn về An, chuẩn bị sẵn sàng, tất cả mọi tư trang quan trọng đều bó vào người, y cầm một bó giấy báo cũ vò vò như sắp đi ra nhà vệ sinh, trăng vẫn chưa lên.


Trăng hôm nay sao lên chậm thế, chẳng rọi rõ được mặt đường thì cũng có tý sáng lờ mờ cho dễ đi, tối quá! Y lầu bầu.


Sau khi đã trầy trật vượt qua mấy ngọn đồi đầy cây cối đủ loại, Kiên mệt lử, mấy bát cơm mới ăn hồi tối bây giờ biến đâu mất. Lúc ra khỏi trại hắn mong trời tối bao nhiêu thì bây giờ lại mong có trăng bấy nhiêu, quả thật là vượt mấy ngọn đồi không còn bao nhiêu sức lực, nghỉ mệt bên một gốc thông rồi lại xuyên rừng mà chạy.


Phía trước là một con suối nhỏ, đó cũng là biên giới Việt-Trung. Dừng lại, Kiên núp vào lùm cây lắng nghe, phía trước là tiếng nước róc rách, rồi tiếng bước chân người. Một toán bộ đội biên phòng đi tuần tra, họ dừng lại rồi một người nhắc nhở, vùng này có cọp, các đồng chí cẩn thận, tắt đèn pin đi.


Một lúc lâu sau, trăng lên, ánh trăng lờ mờ từ trong những đám mây rọi ra, cũng đến nửa đêm rồi. Kiên thản nhiên đi ra bờ suối, chắc là không có ai theo dõi mình giờ này.


Mùa đông khô lạnh, dòng suối chỉ còn là một lạch nước nhỏ róc rách. Bên cạnh lối mòn qua suối cạn là một cột mốc to, chắc chắn mặt bên kia phải khắc là “Việt Nam”. Một nỗi buồn vô cớ dồn về u ám như đêm Đông, một kẻ bị cầm tù trên quê hương mình, đang sắp được tự do, cái giá phải trả là cuộc sống bấp bênh trên đường đời vô định, cuộc viễn du không hẹn ngày trở về.


Kiên lưu luyến thận trọng ôm ấp, sờ nắn cả hai mặt của cột mốc, bỗng có tiếng động từ xa, y áp tai vào cột mốc nghe ngóng, tiếng chân người, lại một toán biên phòng nữa, phải đi thôi.


Hết biên phòng Việt nam là đến bọn biên phòng Trung quốc, ở biên giới bao giờ cũng vậy, không biết chúng thế nào, nghỉ mệt đã. Đoạn vượt đồi vừa qua đã làm Kiên thấm mệt, bây giờ mình được quyền nghĩ về An, về nụ cười nồng nàn, thái độ âu yếm mà kín đáo, nước da trắng mịn, cái mũi thẳng thanh tú của nàng.


Anh Đức có thể bị kỷ luật, mang tội đồng lõa hay tạo điều kiện cho mình trốn trại. Ôi, toàn những chuyện đau đầu, nằm ngoài khả năng kiểm soát của mình.


Chắc là An đang ngon giấc bên mẹ già rồi, có mẹ mà chăm sóc phụng dưỡng được là hạnh phúc nhất đấy, mẹ mình ra đi lâu lắm rồi, chiến sỹ Việt cộng đấy chứ. Mẹ có biết con trai mình đang nằm đây chăng? Con đã về quê mẹ bằng một con đường mà các đồng chí của mẹ đã chọn cho con, bây giờ thì con đang chạy trốn quê mẹ, chờ con nghỉ mệt tí đã nhé.
- Trần Trung Kiên, giơ tay lên.


Nghe tiếng lên đạn khô khốc rồi tiếng quát. Bị bất ngờ bứt ra khỏi những hoài niệm rất đẹp về mẹ mình, về An, Kiên hoảng hốt thực sự trước tình huống vô tiền khoáng hậu này.
- Đứng lên, áp mặt vào cây.


Nòng súng lạnh toát dí sát vào gáy rồi từ từ trườn xuống vai và “cách”, không nổ. Một vòng tay ôm chặt ngang lưng Kiên. Chỉ chờ có thế, hắn vờ khuỵu xuống rồi xoay nửa vòng và đưa chân phải lên, bỗng nghe “ấy, em mà”, nhưng đã muộn.


An văng ra xa tới năm sáu mét, đầu chạm vào một gốc cây, ngất đi. Vất vả lắm mới làm cho nàng tỉnh lại được, nhưng người cứ mềm nhũn, rũ ra. Kiên băn khoăn buồn vui lẫn lộn, nụ hôn đầu tiên mà nàng được hưởng cũng là hơi thở của sự hô hấp nhân tạo. Bây giờ nằm trong vòng tay Y trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh.


Số phận thật trớ trêu, khi mới vào đời Kiên may mắn bao nhiêu thì bây giờ hắn lại xui xẻo bấy nhiêu. Trời gần sáng thì An tỉnh hẳn, hai người quấn lấy nhau không muốn rời, nàng khuyên Kiên đủ điều, nàng không quên đưa cho Kiên một gói đủ thứ đồ ăn thức uống, vài bộ quân phục, tư trang, sau cùng là một mảnh giấy nhỏ ghi địa chỉ của một người họ hàng, lấy chồng ở Trung Quốc.


Họ âu yếm nhau lần cuối trên một dải đất nhỏ hẹp không thuộc quốc gia nào, nằm giữa hai cột mốc biên giới.


Kiên thoát ra khỏi vùng biên nguy hiểm, việc đầu tiên mà y cần làm là tìm chỗ kín đáo giải quyết “nỗi buồn” của mình và tranh thủ đọc bức thư mà anh Đức đưa cho trước khi lên đường.


Cứ như đọc bí kíp Khổng MInh không bằng, y bật cười nghĩ đến bí kíp trong truyện Tam Quốc, nhưng thực ra ở trong trại không thể có cơ hội nào đọc được, hơn nữa rất nguy hiểm, anh Đức dặn dò như vậy là có lý. Sau khi qua khỏi biên giới, sẽ phải đến một địa chỉ nhà bạn thân của anh Đức, ông A Sáng, cách biên giới chừng 10 cây số, trong đó còn có một vài dòng hướng dẫn cách hỏi đường, mua thức ăn bằng tiếng Quảng, phiên âm ra tiếng Việt cho dễ đọc.


Gói nhỏ kia có vẻ hơi nặng, chắc là vàng, y thận trọng dỡ lần lượt từng lớp giấy bọc ra. Quả có vậy, bên trong là 5 cái nhẫn hai chỉ, đúng như anh Đức đã nói cho biết khi nhận được từ trước. Gói lại như cũ, thay quần áo cho giống người địa phương rồi lại lên đường, và việc tìm nhà A Sáng cũng không khó khăn gì.


Kiên thích nghi với cuộc sống mới khá nhanh, vừa phụ việc đồng áng, việc nhà, Kiên còn học tiếng Quảng, hắn có năng khiếu về ngoại ngữ nhưng thực ra cũng do nhu cầu cấp bách nữa. Nếu không biết tiếng mà bị phát hiện ra mình là Việt nam thì không thoát được, từ Quảng Đông đi Hồng Kông xa lắm, y luôn tự nhủ như vậy, nên cố mà học.


______________________
Chú thích:
(38) Gió từ hướng Bắc thổi về, mang theo khí lạnh nhất là vào mùa Đông.
(39) Ý nói đèn có thể chịu được gió bão, nhiên liệu là dầu kerozen, những nơi còn nghèo đèn này được dùng cho mọi việc, mọi nơi .



VÀO ĐỜI


Thế là một lần nữa Kiên ra khỏi biên giới Việt Nam, lần trước là đi hợp pháp có Xuân Lan bên cạnh, còn bây giờ thì khác. Phía trước là cả một quãng đường dài không gia đình, không bạn bè, người thân, chưa kể là phải tự lo cơm ăn áo mặc.


Thực ra ở trong trại cải huấn của Việt cộng, việc chịu đựng cuộc sống khổ sở, cơm ăn không đủ no là chuyện thường. Còn với Kiên cái hành hạ hắn nhiều nhất là không biết trước được tương lai của mình, chẳng ai bảo họ là cải tạo, nói đúng hơn là tù đến bao giờ.


Việc không được viết cũng làm Kiên khó chịu, thư cho vợ chỉ có mấy chữ cũng phải rất cẩn thận về lời lẽ, người ta kiểm soát tất cả. Trong số “người ta” đó có An, bữa nào viết thư cho vợ ngọt ngào một chút là hôm sau nàng có thái độ rất lạnh, Kiên hiểu điều đó nên nhiều khi hắn cũng lợi dụng hoàn cảnh để trêu tức nàng.


Là con trai duy nhất trong gia đình một cán bộ Việt cộng nằm vùng, cả bố mẹ Kiên đều bị mất tích ở rừng Sác trong một trận càn năm 1969, hồi ấy còn là sinh viên năm cuối của đại học Văn khoa Sài gòn. Rơi vào cảnh không nơi nương tựa, y được một bạn cùng lớp giúp đỡ học hết đại học. Không ai may mắn như y, tốt nghiệp kèm thêm một thành tựu khác là tình yêu và hôn nhân.


Lễ cưới được tổ chức ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp loại ưu, cô dâu là Xuân Lan, con gái độc nhất ông trung tá thuộc trung đoàn bảo vệ thủ đô Sài gòn, họ quen biết và có quan hệ gần gũi với ba mẹ y từ lâu.


Năm 1970 là một năm với nhiều sự kiện đáng nhớ nhất đời Kiên, nào là tốt nghiệp đại học, rồi lại cưới được vợ đẹp con ông to.
Trước sức động viên quá cấp bách trong tình hình chiến sự sôi sục, ba Xuân Lan cũng động viên con rể đăng lính.


Ngay sau khi nhập ngũ Kiên được tuyển vào không quân, ông Trung Tá gửi gắm cho thân hữu rất cẩn thận, ông yêu con gái lắm. Bây giờ thằng rể còn quan trọng với con Xuân Lan hơn cả tôi-ông vẫn tâm sự với bạn bè như vậy.


Tháng đầu tiên ở trại huấn luyện người ta chỉ quan tâm đến sức khỏe của học viên, không phải học hành nhiều, Kiên ngày đêm bám lấy phòng tập. Ngày thứ 15, ngày kiểm tra các bài tập thể lực cơ bản, không ai có thể phủ nhận khả năng trở thành phi công của Kiên, nhưng ông bác sỹ đã ngăn cản điều đó.
- Anh có vấn đề về tim mạch, tôi cần kiểm tra lại ngay bây giờ.
Kiểm tra ngay sau khi rời phòng tập? Chắc cũng chẳng có gì đặc biệt! Kiên thoáng nghi ngại điều gì nhưng lại thôi.


Quả là có sự can thiệp, sáng hôm sau nhận được kết luận của bác sỹ là Kiên không thể trở thành phi công tốt, nhất là phi công không quân, vì thế phải chấm dứt chương trình luyện tập, chờ quyết định khác. Y ngầm hiểu có bàn tay của ông bố vợ nên tỏ ý không phục. Biết chuyện, ông đến thăm và động viên, rồi cuối cùng thỏa thuận cho đi học trường hải quân, Kiên vẫn không chịu đi học nên rốt cuộc ông phải đồng ý cho nhập ngũ bình thường rồi huấn luyện ở Nha Trang.


Sau một năm trong hải quân, con gái ông trung tá cảm thấy không yên tâm nên lại vòi vĩnh. Rồi cả bố và chồng cô cùng phải thỏa hiệp. Cũng may cho họ, sắp có khóa đào tạo sỹ quan tâm lý chiến ở Phi-lip-pin, thế là chuẩn bị lên đường, chắc chắn là sẽ bỏ lại ông trung tá một mình.


Vốn bản chất thông minh hơn người, lại vững kiến thức cơ bản và giỏi ngoại ngữ, Kiên được tốt nghiệp đặc cách và phong quân hàm trung úy rồi điều thẳng về miền trung Nam Bộ vào cuối năm 1972 chỉ sau 8 tháng đào tạo, việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của ông bố vợ.


Xuân Lan và cha mình rút lui cùng với những người Mỹ cuối cùng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong khi Kiên vẫn đang trên đường về Sài gòn. Mặc dù bản chất chân thật nhưng y vẫn phải trình diện chính quyền quân quản với quân hàm thiếu tá, thực ra hắn mới được phong trung tá vài tháng trước. Điều không phải này cũng có lợi đôi chút vì sỹ quan cấp tá “được gọi” là “ác ôn”, nên “ác ôn” cấp thiếu tá còn nhẹ tội hơn trung tá một ít.


Sau khi trình diện chính quyền quân quản, y bị đưa ra Cao Bằng để học tập cải tạo. Cuộc sống tù đầy đắng cay, vật chất thiếu thốn, nhất là lại bị đối xử không ra gì, mặc dù bọn Kiên chỉ là nạn nhân chiến tranh, nạn nhân của những bộ máy khổng lồ. Nhưng dầu sao cũng phải đối mặt với thực tế, trách ai bây giờ đều còn quá sớm hay quá muộn màng.


Kiên chấp nhận sự chà đạp của bọn quản giáo như một người tù thực thụ. Rồi một hôm xuất hiện một ông xếp quản giáo quê Bắc Ninh, hiền từ, hay chuyện trò và tìm hiểu hoàn cảnh mọi người. Xem ra sự khác nhau giữa người này với người kia không đơn thuần chỉ ở vẻ bề ngoài như màu sắc chính trị hay quê quán, sự sang – hèn, mà còn ở chỗ cái nhân bản và cái nhận thức vốn có trong họ.


Nghĩ lại tiếc, nếu bố mẹ Kiên còn sống, có lẽ Kiên không ở trong hoàn cảnh này, cả hai ông bà đều là những cán bộ Việt cộng xuất sắc. Dù sao thì sự chết, theo bất kỳ cách nào, đều là sự ra đi, thậm trí là sự ra đi của tất cả những gì có thể đi theo họ, đơn giản thế thôi, luyến tiếc cũng không giải quyết được gì, y vẫn tự lý giải về hoàn cảnh của mình như vậy.


Cuối năm 1976 Kiên được chuyển từ các đội lao động về làm phụ việc trong các văn phòng của trại, Y thầm cám ơn anh Đức về sự thuyên chuyển này. Rồi cũng từ đó Y liên lạc được với gia đình vợ ở Hoa Kỳ, cuộc sống của Y ngày càng đỡ khổ hơn.


Gần một năm làm việc vặt cho văn phòng, người ta quen dần với sự có mặt của Kiên như một nhân viên chính thức của trại, trong số các cô gái trẻ ở đơn vị quản lý có An, dáng người thấp bé nhưng rất hoạt bát, khuôn mặt tròn trịa, nụ cười hồn nhiên, có thể chinh phục bất kỳ chàng trai nào.


An quý Kiên, nhiều lúc còn nhờ y chỉ bảo đôi điều về nghiệp vụ văn phòng, hướng dẫn cách sử dụng máy móc trong trại v.v. An thổ lộ rất thẳng thắn là tiếc vì Kiên là người đang cải tạo, nếu không thì hẳn “không thoát được”.


Xuân Lan thường xuyên gửi tiền về cho Kiên thông qua những kênh bí mật, y không thể giữ bên mình nên phải băn khoăn suy tính, nếu không thì khi cần đến sẽ trông cậy vào ai.


Thực ra ở đây không tâm sự được với ai ngoài anh Đức, anh ấy lại là người lãnh đạo cao nhất ở trại, khó quá, nhưng dầu sao cũng phải làm. Một hôm nhân lúc mang nước trà lên phòng anh Đức, y mở lời:
- Em có việc muốn phiền, không biết anh có thời gian nghe không-Y thận trọng thăm dò.
- Hàng ngày chuyện gì cũng nói được, hôm nay lại có chuyện khó nói, chắc là hay đấy, nói đi! - Đức khuyến khích.
- Em muốn gửi cho chị món quà - Kiên quyết định nói một chuyện rất quen trước đã, thường hắn hay gửi quà cho vợ Đức mỗi khi nhận được bưu phẩm từ Mỹ gửi về.
- Thôi, cậu cho quà luôn thế, để mà dùng, nếu đồ phụ nữ thì cho cái An ấy-Đức đùa.
- An có phần của An mà, hơn nữa em cũng muốn nhờ chị giữ cho mấy thứ tư trang, không tiện giữ ở đây anh ạ - Kiên giãi bầy.
Cuối cùng Đức đồng ý giúp, còn chuyện giữ cái gì là chuyện của Mùi (vợ Đức). Đầu tuần Đức trở về trại, gọi Kiên lên văn phòng mắng cho một trận, căn văn đủ điều vì “tư trang” mà người nhà hắn mang từ Sài gòn ra là cả một gia tài, gồm 5 cái nhẫn mỗi cái 2 chỉ. Chưa kể bao nhiêu là quà bánh, quần áo cho gia đình Đức. Nhưng dầu sao Đức vẫn phải giúp vì Kiên là em họ, còn gần lắm, điều này chỉ có Đức biết, không dám nói với ai kể cả Kiên.


Một đất nước trải qua mấy chục năm chiến tranh, cái hậu của cuộc chiến không biết kéo dài đến bao giờ. Người người nói về chiến tranh, và ai cũng tự cho mình là có hiểu biết về thời sự, ai ai cũng muốn bình luận. Không biết sự thể sẽ ra sao nếu người ta biết được Đức lại có một người em họ là Kiên, một sỹ quan thuộc hạng ác ôn của chính quyền Sài gòn.




KHÔNG THOÁT


Từng đoàn quân lầm lũi ngày đêm, hướng ra biện giới Việt Trung, cùng với các đoàn quân là xe tăng, thiết giáp, đủ loại, họ trông giống hệt các đoàn quân của Việt cộng hồi trước, khó mà phân biệt đâu là Việt đâu là Trung. Kiên bồn chồn trước cảnh tượng chuẩn bị cho một cuộc chiến, hơn nữa đằng kia còn là nơi có An, có anh Đức.


Đây là một cuộc chiến tranh xâm lược có quy mô vô cùng to lớn, cứ nhìn quân đội và vũ khí của họ là đánh giá được tầm vóc của sự kiện sắp diễn ra. Lịch sử quan hệ Việt Trung đã chứng kiến biết bao cuộc chiến cam go ác liệt. Bọn chúng là thế, đời vua nào chẳng sang Việt nam một lần, mà lần nào chả ôm quần bò về quê mẹ. Nhưng không đánh thì không giải tỏa nổi sự bực bội trong lòng, không những ở các chính khách mà ngay cả trong dân thường, không lẽ quan hệ láng giềng nào cũng có kết cục thế này sao?! Mới nghĩ tới đã thấy nan giải, chắc phải là một phạm trù không nhỏ.


Tối về Kiên rủ A Sáng mở đài Bắc Kinh nghe. Quả vậy, quan hệ của họ đã từng là răng với môi, là anh em chung một dòng suối, và còn biết bao nhiêu là mỹ từ hiếm hoi đều được mang ra dùng chỉ để nói về tình hữu nghị cao cả ấy. Nhưng bây giờ thì ngược lại hẳn, chính phủ Việt nam được coi là kẻ vô ơn bạc nghĩa, kẻ qua sông vỗ sóng(40), v.v và v.v.


Người ta tìm đủ mọi từ ngữ xấu xa để chỉ trích Việt nam, họ dọn đường cho một cuộc chiến tranh. Bây giờ biên giới đã khép chặt hoàn toàn, mình vẫn còn may mắn, Kiên tự nhủ, nhưng bắt đầu lo lắng cho số phận của An, anh Đức.


Quả là không dễ dàng nếu cứ tiếp tục ở với A


Sáng thế này. Kiên thăm dò đường đi đến nhà Chị A Lìn (chị họ của An), kể cũng xa, chị ở mãi tận Nanning, có thể gần với Lạng Sơn hay Móng Cái hơn, như vậy tình trạng của Y có lẽ ngày càng gay go. Nếu đi Hồng Kông bây giờ thì chưa chắc đã thoát được, trong khi An vẫn còn ở trại, nếu quân Trung Quốc tấn công, An sẽ ra sao.


Lòng Kiên càng ngày càng rối bời. Phía bên kia gia đình Xuân Lan cũng đang hàng ngày hàng giờ ngóng trông tin mình, hắn chao đảo như con nhạn lạc bầy, hình ảnh Xuân Lan khôn ngoan sắc sảo dần dần nhạt nhòa nhường chỗ cho An hiền lành quê mùa mà nồng nàn, lòng hắn như lửa đốt. Kiên đã bắt đầu nói chuyện được bằng tiếng Quảng đông, có thể hỏi đường, mua vé xe, vé tàu...quyết định trở về Việt nam.


______________________
Chú thích:


(40) ”Qua sông vỗ sóng” là cách nói khác ý là vô ơn bạc nghĩa




RA QUÂN


Đã 6 ngày rồi, ngày mai nữa sẽ là một tuần kể từ “ngày ấy”. Dáng mảnh mai nhưng nhanh nhẹn, cử chỉ nhẹ nhàng ân cần, nói năng có duyên và hóm hỉnh, đó là chàng của nàng. Những ấn tượng về chàng, nỗi nhớ da diết trong đêm lạnh, tất cả như đang vò xé lòng thôn nữ. Những thay đổi trong lòng, trong cơ thể đàn bà đang dồn An vào thế bí tưởng như không ai có thể giải cứu.


Không thể về quê với bụng mang dạ chửa, nàng tìm đến anh Đức để tâm tình. Mới đặt chân vào văn phòng, đã nghe anh Đức lên tiếng:
- Anh biết, thế nào cô cũng phải tìm đến anh, chờ sẵn đây.
- Dạ, anh biết em đến ạ?
- Đêm thì Kiên mất tích, sáng sớm đã thấy em ở đây trong khi còn phép. Anh không hiểu chuyện thì anh còn làm thủ trưởng được không?! Làm thủ tục xuất ngũ, làm đi rồi bàn sau cô em dâu ạ. Thôi nhé.
Đây là điều không ngờ nhất, lúc chia tay anh Đức gọi mình là em dâu?! Không biết đây là niềm vui hay nỗi buồn, An hoang mang lo lắng, nhưng chỉ còn con đường duy nhất là nó-liều. Hãy liều đi, nàng tự nhủ.


An là người yêu của Kiên, không cưu mang thì không xong, nhưng giữ cô ta ở lại thì sẽ xử thế nào?! Suy tính mãi cũng chẳng có cách nào hay hơn là cho An xuất ngũ. Đức dường như đã quyết định trước chuyện của An, chỉ còn việc thu xếp cuộc sống tương lai của cô ta là nan giải. Trong hoàn cảng ấy, Mùi-vợ Đức lại có cách vẹn tòan hơn, thế là mọi sự an bài, Đức thầm cảm ơn vợ về điều đó.


An ra quân và về ở với chị Mùi, vợ anh Đức. Trong hoàn cảnh kinh tế cả nước sa sút, An bương trải ngoài chợ nhằm bớt gánh nặng cho họ, mỗi ngày một gánh rau ngót, không lời lãi nhiều nhưng cũng đủ bữa rau bữa cháo.


Mùi cũng là người dễ tính, có thêm bạn nhất là những lúc chồng vắng nhà là có thêm niềm vui, sự chia sẻ, chị vẫn nói thế. Đức cũng nghĩ vậy, anh là bộ đội, ít khi về thăm nhà, có mỗi mụn con lại cho đi học mãi tận Hà Nội, An về ở cùng Mùi thì yên tâm hơn, nhiều lúc Đức cũng ghen vì Mùi quá hồn nhiên trong giao tiếp.


Kiên trốn trại, Đức bị cấp trên gọi về Hà nội, nghe nói bị khiển trách rất nặng. Khi Đức từ Hà nội về trại, có thêm 2 người nữa đi theo, An là cấp dưới, không được phép biết chuyện mà chỉ thấy sau đó họ hay đi ra ngoài bằng xe commăngca(41) và họp bàn liên miên. Cô thầm lo lắng nhưng người ta đã không nói gì đến mình. Hôm làm thủ tục xin ra quân, có một cán bộ nhân sự cùng Đức giải quyết việc giấy tờ, hỏi An:
- Đồng chí cho biết lý do cụ thể - Hắn hỏi.
- Mẹ em bắt về lấy chồng-An rụt rè trả lời.
- Mẹ tôi chứ, thôi được. À, thế ra chuyến về phép vừa rồi đồng chí đã chọn rồi à? Thế chính sách hay kỷ luật quân đội ngăn cản đồng chí lấy chồng à?-Hắn lạnh lùng chất vấn.
- Mẹ đồng chí có viết thư lên không - Hắn tiếp.
- Dạ không, không...mẹ em không biết viết ạ -An lại rụt rè trả lời.
- Thôi được, đồng chí ký vào chỗ này, chỗ này của thủ trưởng-Hắn cũng muốn cho xong việc sớm.


An ra quân với mức phụ cấp một lần cho 1 năm tuổi quân ít ỏi, kể ra cũng coi như họ cho tiền mua vé xe về quê. Khi còn chưa vướng bận gia đình, tuổi trẻ luôn có ước vọng được thử thách những gì khó khăn ngoài sức chịu đựng của mình, cũng một phần tò mò muốn biết những gì mới lạ trong đời quân ngũ. Nhưng khi đã quyết thuộc về ai như An bây giờ, còn gì đáng được quan tâm hơn đứa con trong lòng mình.


Nhà An ở tận Thái Bình, một mẹ một con, bố mất sớm. Lòng cô cũng rối bời không biết đi đâu về đâu khi ra quân với đứa con trong bụng mới vài tuần thế này, rồi làm gì sinh nhai...


Trên đường về nhà chị Mùi mà lòng vẫn chưa yên với những đắn đo rất đời thường của một thiếu phụ.


Một hôm Mùi về qua nhà khá muộn rồi lại đi, chị nói lên thị xã thăm bà cô, mai mới về, An ở nhà một mình. Sáng hôm sau chị mang về một số quần áo vải vóc đắt tiền, có cả thư từ mang những con tem rất lạ, nàng hỏi, chị vui vẻ kể lại chuyện gặp người nhà của vợ Kiên từ miền Nam ra thăm, đang ở thị xã. Nghe nói tới vợ Kiên, nàng cảm thấy nhột nhạt. Đàn bà mà, ai chẳng ghen.


Với Mùi, An là vợ một chiến sỹ của Đức, không tiện về quê nên anh gửi về ở với chị cho tiện, tính chị phiên phiến nên không căn vặn An bao giờ, chỉ cười vì nghĩ chồng mình ghen nên tính toán như thế. Chị cũng giữ ý với An, không muốn cho nàng biết nhiều về chuyện riêng tư của mình.


Gần 40 nhưng phong độ của Mùi cứ như chưa tới 30, nền nã lắm, buổi sáng đưa An ra chợ, suốt dọc đường ai ai cũng chào hỏi chị rất vui vẻ. Từ ngày có An lo việc chợ búa, trông chị càng trẻ đẹp ra.


Tính từ ngày Kiên đi đến nay đã là 2 tháng 6 ngày, bây giờ thì cái bụng đã lùm lùm lên. An về tới nhà vừa nghỉ mệt, vừa suy tư, chị Mùi lại đi vắng chỉ để lại vẻn vẹn mấy chữ là đi Hà nội với con, có thể chị ấy chờ lĩnh lương của Đức luôn thể.


Cảm thấy buồn nôn, chắc chỉ là nghén thôi, nàng chạy thẳng vào sau bếp nôn ọe một lúc lâu. Vừa tắm rửa, An vừa nghĩ miên man, hết lo đến ngày sinh nở lại nhớ Kiên. Khi nghĩ về chàng là lúc nàng cảm thấy thư thái nhất, nàng yêu chàng và những cảm xúc mãnh liệt về chàng đang tuôn trào không gì ngăn được.


Chẳng nhớ được đêm ấy hai đứa nằm trên lá khô hay trên đất trống, chỉ biết khi tỉnh hẳn nàng đang nằm trong vòng tay chàng, và sau đó là những trận mây mưa điên cuồng, nàng cười một mình soi bóng trong chậu nước. Cứ tưởng để thoát hắn, ai ngờ..., đã nói rồi mà, nàng lại cười, sau đó là những gáo nước liên tục xối xả giội lên đầu như để trôi đi nỗi nhớ.


Cóc-cóc, tiếng gõ cửa bất chợt kéo An ra khỏi dòng cảm xúc ngọt ngào, nàng hơi bực mình, không biết ai đó. Với một cái vỏ chăn bọc kín từ đầu đến chân, An rón rén ra cửa lên tiếng:
- Chị hả, chị quên chìa khóa à?
- Tôi từ đơn vị anh Đức về-Người kia trả lời.


Nghe giọng Kiên, An cảnh giác nhìn qua khe cửa, rồi nghe ngóng xem có ai rình mò không, nhưng không sao, chàng bây giờ là một chú bộ đội. Nàng mở cửa, quên là mình đang khoác chăn, ùa ra ôm chầm lấy Kiên.


Trước những cơn mây mưa sau mùa hạn hán, nàng phải báo cho chàng biết là hãy cẩn thận vì đang có sự chứng kiến của thiên thần mới vài tuần tuổi. Bỏ mặc những âu lo về tương lai hay số phận, quên cả việc lo bữa ăn nước uống cho nhau, họ chỉ biết tận hưởng niềm hạnh phúc riêng tư do trời cao ban tặng, cả không gian nhỏ bé chìm vào cõi thiên thai.


Sau một giấc ngủ sâu, và sau một bữa ăn đơn giản mà hạnh phúc, bữa ăn đầu tiên của một gia đình mới, có sự chứng kiến âm thầm của một thiên thần. Họ bắt đầu tính tới chuyện tương lai.
- Em, lại đây, mặc dù không có bàn thờ tổ tiên, nhưng đây là quê hương anh, đâu cũng là bàn thờ cả, quê cha đất tổ mà.
Kiên lặng lẽ ôm chặt lấy An, một lúc sau lấy cái nhẫn 2 chỉ duy nhất còn sót lại trong số năm cái mang theo sang Trung Quốc, đeo vào ngón nhẫn của An.
- Anh sẽ yêu em suốt đời, anh sẽ lo lắng cho em và con-Y trịnh trọng và tự nguyện thẳng thốt, rồi tiếp.
- Mà thời gian chúng ta ở bên nhau cũng không còn được bao lâu...
- Sao? Em chưa hiểu, ở đây anh có tất cả họ hàng nội ngoại, đây là quê cha đất tổ, và có em, anh vẫn ra đi à? An bất ngờ khi nghe Kiên nói sẽ lại ra đi, nàng rất gay gắt và kiên quyết giữ Kiên ở lại lập nghiệp.
- Em hãy bình tĩnh, em yêu, từ từ anh sẽ nói cho em hiểu.
Kiên cố hết sức dỗ dành cơn phẫn nộ của An. Không trách nàng được, vì nàng sắp phải một mình chống lại bao nhiêu là áp lực từ nhiều phía, hơn nữa nàng mới 20 tuổi, trường đời chưa trải bao nhiêu.
- Bình tĩnh là thế nào, để nhìn anh khuất theo hàng cây đằng kia rồi chờ thư vợ chồng anh gửi về cho tôi chắc?-An càng quyết liệt hơn.
- Thôi nào, anh yêu em mà-hắn vẫn kiên nhẫn dỗ dành.
- Yêu gì tôi, vợ anh đang chờ ở bên ấy mà. Thôi được, em sẽ nhận họ hàng ở đây đấy, nhận trong khi anh ở đây, rồi muốn ra sao thì ra-Không biết ai nói nhưng nàng đã biết nguồn gốc xuất thân của Kiên.
- Ấy đừng, để anh nói, em sẽ hiểu tại sao.-Cựu sỹ quan tâm lý chiến xuất sắc cũng phải nao núng trước hoàn cảnh éo le của chính cuộc đời mình.
Giận dữ và đắm say, An là thế, ngay cả trong cơn giận dữ cũng gục đầu vào Kiên khóc nức nở. Khóc mãi rồi lại cãi, nửa đêm mới dịu xuống mà nghe Kiên nói.
- Em biết không? Sau lũy tre làng là cả hai dòng họ có truyền thống kháng chiến giữ nước từ thời Hoàng Hoa Thám.-Hắn bắt đầu ngọt ngào như bài giảng về tâm lý.
- Và cũng sau lũy tre kia là đất lề quê thói, là vương quốc của những người thích hướng về quá khứ, tự hào về những gì do cha ông mình tạo nên và ra sức bảo vệ nó.
- Em không biết đâu, em ít học mà, em bắt đền anh-An dịu dần, không hiểu hết cái triết lý trong Kiên, nàng bắt đầu đuối lý và đi vào mông lung.
- Thôi nào, bây giờ em hãy hình dung điều này nhé: Anh sẽ bị bắt, em hàng ngày phải nuôi con một mình, hiện nay em biết rằng việc kiếm sống khó khăn thế nào.
- Em còn nghe không, hay ngủ đi nhé-Thấy An im lặng, hắn thăm dò.
- Em đang nghe, khổ cũng được, miễn là có anh-An vẫn rất quyết tâm.
- Còn nữa, nghe anh nói đã. Dòng họ nội ngoại nhà anh bị bội nhọ vì anh, tất nhiên em cũng bị xấu theo và thỉnh thoảng phải lên trại thăm anh.
- Anh ơi, sao mình khổ thế hả anh, nhưng cũng được, miễn là có anh-An nức nở.
- Đúng là sẽ khổ, khổ hơn nữa cơ. Em sẽ không bán được một mớ rau ngót nào nữa, không được chị Mùi cho ở nhờ nữa, và...
- Và sao cơ anh?-An dù nức nở nhưng vẫn lắng nghe.
- Con chúng ta sẽ là con của một thằng tù, thằng ngụy quân, thằng phản động. Em còn nghe anh nói không ?


Biết đã dứt điểm được vấn đề, nhưng Kiên vẫn hỏi, vừa để che đi nỗi đau của mình, vừa như kiểm chứng lại cái logic trần trụi của cuộc đời.
Y ôm chặt An vào lòng, cả hai cùng nức nở, từ khi bố mẹ hắn mất tới bây giờ, hắn mới lại khóc.


Họ đã hiểu được nhau, cùng ôm ấp chia sẽ sức mạnh cho nhau trong tĩnh lặng, tận hưởng những giây phút pha trộn giữa hạnh phúc tột đỉnh và đau khổ khôn cùng.


Khi đã yêu, hãy nói lời yêu từ trái tim mình, hãy tin và sẻ chia để tình yêu còn mãi nồng nàn. An nhẩm đi nhẩm lại câu nói ấy, không biết ai sáng tác, nhưng Kiên đã nói như thế, nghe phóng khoáng và bớt ích kỷ hơn những gì trước đây nàng vẫn nghe về tình yêu lứa đôi. Dù không giữ được anh nhưng có con anh trong lòng, đó là tình yêu dành cho em mãi mãi. Nàng dịu dần rồi thỏa hiệp.


Sáng hôm sau Kiên ra bưu điện gửi một bức điện khẩn vào Sài gòn. Chuyện ra đi của Y phải được dàn xếp sớm. Hai ngày sau An tiễn Kiên ra tàu thủy đi Hải Phòng. Trên tàu từ Hải phòng ra Cửa Ông, có kẻ phỗng(42) mất ba lô của Y, thế là những ngày sau đó có thêm một kẻ vô gia cư, “vô sản” lẫn vào vùng than hùng vỹ.


______________________


Chú thích:
(41) Loại xe của Nga, giống Jeep của Hoa Kỳ, dùng cho quân đội.
(42) Phỗng: là ăn cắp, lấy đi bất thình lình- his luggage was stolen
Bóng Nước Hồng Kông
Lời Giới Thiệu
Lời Nói Đầu
Chương 1
Chương 1 (2)
Chương 1 (3)
Chương 1 (4)
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24 ( Kết)