Chương 24 ( Kết)
Tác giả: Đặng Hoàng Văn
“Chính phủ Hà Nội bây giờ dùng chủ nghĩa cộng sản làm danh hiệu, dùng bài “Tiến quân ca “ làm quốc ca…”
Đã gần cuối Đông, mấy hôm nay trời như rét hơn. Mây thấp, đặc quánh lang thang quanh những hiên nhà, chen chúc nhau qua những lối đi hẹp rồi dồn về thung lũng dưới chân đồi. Gần 2 giờ chiều, những tia nắng đầu tiên mới chịu ló ra. Miền Bắc xứ này đâu cũng thế, 2 tháng nữa mới hết tuyết, rồi xuân sang, cái tuần tựấy như lặp đi lặp lại hàng bao năm qua, một giai điệu buồn.
Ở Việt nam, Trung Quốc chắc là cũng rét lắm. Mặc dù không có băng tuyết, nhưng Lào Cai, Cao Bằng hay Hồng Kông đều rét hơn Glasgow nhiều.
Những năm tháng tù đầy gian khổ ê chề, những đêm lạnh lẽo trong trại tỵ nạn; những triền đồi rực rỡ của Hồng Kông và những mảnh đời trong những khoảng tối phía sau ngọn đồi. Tất cả như đang dội về tới tấp trong Kiên, đôi chút ngọt bùi, mà vô vàn đắng cay.
Nhìn lại cái giường của hai vợ chồng, ông không nén được cười, hai cái gối hai màu nằm mỗi cái một góc, giữa là cái chăn gấp dọc, thẩm mỹ của Xuân Lan là thế, ông ít quan tâm, không can thiệp, không phê bình mà chỉ suy ngẫm rồi cười. Bỗng có tiếng ồn ào từ ti vi phát ra, những tiếng reo hò cuồng nhiệt chương trình thể thao đang phát lại tư liệu về trận Pháp - Ý mùa giải Worldcup 1998.
Trước trận đấu mỗi đội đều được nghe và hát quốc ca của nước mình, Kiên giảm bớt âm thanh lại cho vừa đủ nghe, một nỗi buồn từ sâu thẳm dâng lên trong lòng ông, tâm trạng này đã bị trấn áp từ lâu lắm rồi nhưng nay vẫn trở lại. Bất lực vì không kìm nén được cảm xúc của mình, ông đứng lên đi đi lại lại cho nhẹ bớt rồi tự hỏi: Nếu như Thằng Dũng nhà mình là cầu thủ thì nó hát quốc ca nào nhỉ? Ông tự trả lời rồi bâng khuâng trong vô định.
Bài hát ấy trở thành quốc ca của Việt Minh từ hồi mình chưa ra đời, và sau này là của Việt cộng. Hồi còn là sỹ quan tâm lý chiến, Kiên cũng nghe quốc ca của Việt Nam cộng hòa, kể cũng được, nó do một nhạc sỹ quê ở Cần Thơ sáng tác, nếu còn sống chắc là già lắm rồi. Kể ra ông Diệm, ông Thiệu cũng là những người yêu nước, quốc ca mà họ chọn cũng gây được cảm xúc.
Nghĩ cũng lạ, tại sao 2 bài quốc ca khác nhau ấy lại mang lại cho mình một cảm xúc giống nhau? Phải chăng mình mang dòng máu của một dân tộc nhỏ bé, nghèo nàn lạc hậu? Phải chăng tính dân tộc nằm ngoài sựả nh hưởng của màu sắc chính trị?
Chính phủ Hà Nội bây giờ dùng chủ nghĩa cộng sản làm danh hiệu, dùng bài “Tiến quân ca” làm quốc ca. Có thể họ cho rằng 80 triệu dân Việt Nam vẫn cần sỹ khí của một cuộc chiến, họ cũng có lý của họ. Dăm bẩy chục triệu người, cả đời chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà không đủ ăn, thiếu sỹ khí ấy thì họ sẽ quỵ xuống hết. Trình độ sản xuất của họ còn rất thấp. Hết thế kỷ 20 rồi, tội nghiệp thật!
Gặp lại Xuân Lan sau nhiều năm xa cách, với bao sự kiện khốc liệt trong cuộc đời, họ không thể có con mặc dù đã cố gắng rất nhiều. May mà có mẹ con thằng Dũng!
Vừa nghĩ tới An và con, ông liền cảm thấy quay cuồng, chóng mặt nên nhẹ nhàng ngồi xuống đi văng, tay đập liên hồi vào cái đĩa trên bàn. Yes, I am coming, What's up? Oh my God! Mom.… t. (em đây, gì thế? Ôi, lậy chúa, chờ tí...) Xuân Lan hoảng hốt chạy vào.
- Cho... anh viên thuốc! - Kiên chỉ tay về phía cái tủ nhỏ treo trên tường. OK, you' ll be alright shortly, man (được rồi, sẽ khỏi ngay thôi mà, anh yêu) Xuân Lan cho Kiên uống thuốc xong định nói gì nhưng lại thôi.
Kiên tỉnh lại thì trời đã gần tối, ông thấy bụng đã đói cồn cào, thế là ổn rồi, sau mỗi lần bị sốc mà thấy đói là tốt, ông tự nhủ như vậy.
Hai vợ chồng già không con cái, gia đình nhiều lúc khá nhạt nhẽo. Xuân Lan thì còn soạn bài, viết lách, bà ấy thỉnh thoảng vẫn có bài nói chuyện ở một vài trường đại học của Hoa Kỳ. Còn ông, chẳng biết làm gì hơn ngoài việc chăm sóc cây cảnh. Đọc mãi, viết hoài rồi cũng chán, nỗi khao khát thì vẫn chẳng vơi bớt tý nào.
Thử đứng dậy, kể cũng thấy tạm được, rồi ông đi đóng gói đồ đạc hành lý để chuẩn bị bay đi Hà nội, chuyến đi mà ông mong chờ từ lâu. Bây giờ chắc là thủ tục đơn giản, ông thầm nghĩ vậy.
- Oh, good, are you really alright, man (ồ, tốt, anh thật sự tỉnh hẳn rồi à)? Xuân Lan tỏ ra hồ hởi, quan tâm hơn.
- À đúng rồi, anh khỏe ngay ấy mà, có em ở nhà thích thật.
Trước lúc đi xa ông luôn dễ chịu như thế.
- Yes, H...m tell me truth please! In 1988 on the flight from Hong Kong to England, you knew that I'd be at Heathrow airport waiting for you. Did you forget it? (Vâng, h...m mà ông nói thật với tôi đi, hồi năm 1988, trên chuyến bay từ Hồng Kông sang đây, ông biết là tôi sẽ ở sân bay Heathrow đón ông. Không quên chứ?)
- Tất nhiên là nhớ rồi. Đã 12 năm rồi nhỉ. Then, had you got such a heart attack as what you do thi smorning? Come on, man (Thế ông có bị đau tim như sáng nay không? Nói đi chứ!) Thấy chồng bị sốc trước khi bay Hà Nội, bà so sánh với cuộc gặp gỡ của bà với ông hồi 1988 rồi ghen.
- Tất nhiên là...h'...m có rồi, nhưng gần như thôi, à nhưng sao? Kiên tảng lờ. Oh, my man, you... are... trying... to be...a... liar... but...you fail to be! (Ôi chồng tôi, ông... đang muốn nói... dối, nhưng không... xong rồi) - Nhấn mạnh mấy chữ nhưng Kiên làm như không nghe, Xuân Lan lắc đầu cười nhạt, rồi tiếp - your lovely woman, An, now is a nun of a pagoda, do you know that? (Ông biết không, người đàn bà yêu quý của ông, con An ấy, bây giờ là ni cô?)
- I looked for your ticket this morning but couldn't find it. You did pretend to call airline office to cancel your flight? Don’t fool me, man! (Sáng nay tôi đã tìm vé máy bay của ông nhưng không thấy. Ông đã giả vờ không bay nữa. Lừa tôi đấy chắc!)
- Không thể, anh có nói với em vậy sao? Your son is… OK, but... any how some body told me that a guy who loves a nun become sagay very soon, jerk. Man! (Con ông thì…tôi phải chịu, nhưng...nhưng thôi, có nhiều người nói với tôi là thằng nào yêu phải ni cô thì sẽ bị “lại cái” nhanh lắm đấy, khốn nạn.)
- Gì thế em, lại nói nhiều rồi, chắc sắp phải nói chuyện ở trường nào nên hôm nay thực hành hả, tiếp đi, nữa đi nào em yêu! - Kiên giả vờ như không thấy thái độ của vợ.
- No, no... Just tell you: be cautious, that's it! (không, không...chỉ bảo ông hãy cẩn thận, thế thôi) Bà không thể kiềm chế được cơn ghen của mình.
- Thôi nào mình, lại đây phụ cái này tý, thế, rồi, được rồi. Anh bay tối nay, hơn 15 giờ bay đấy, ôm anh đi, có thế chứ. Sau 6 tuần nữa, đúng không, anh sẽ ở New York với em, khi ấy em đang có một số bài giảng ở đó mà. Em thật là tuyệt, cô giáo của anh. Anh rất yêu em.
- H...m, mean time, sorry for my mindless, The Temple University asks me to give a talk about Vietnamese Boat people in Hong Kong from 1975 to 1997, but you are to be better than me on that, aren't you (À, suýt quên, trường đại học Temple ở Mỹ nói tôi đến giảng về những thuyền nhân Việt tị nạn ở HK từ 1975 đến 1997, nhưng ông làm việc này tốt hơn tôi, đúng không?) Keep your mind to the issue, man (chuẩn bị cho việc ấy đi là vừa)! Xuân Lan muốn đưa Kiên về lại với công tác giảng dậy.
- Ừ, cũng có lý, chúng mình sẽ nói chuyện với họ khi anh ở đó, mà nhớ chuẩn bị tài liệu cho anh nhé.
Họ vẫn thế, khi làm việc cùng với bọn Tây thường Kiên cũng nói tiếng Anh với vợ, nhưng ở nhà thì luôn là vậy. Mỗi người nói một thứ tiếng, họ vẫn hiểu nhau, vừa trong vừa đục dòng nước vẫn trôi, ông vẫn tự lý giải như vậy.
Cuộc đôi co nóng lạnh song ngữ rất ngẫu hứng và đầy kịch tính như khởi đầu cho một chuyến đi dài mà không có Xuân Lan bên cạnh. Khát vọng về thăm quê, thăm lại An và gặp mặt con trai mình, khát vọng được nhìn lại hình ảnh cha mẹ mình và nơi ch ôn cấthọ không ngừng thôi thúc Kiên bao năm qua đang dần dần trở thành hiện thực.
Sự đóng góp của dòng họ Trần Trung cho lịch sử dân tộc từ thời Hoàng Hoa Thám đã hòa lẫn vào tiến trình lịch sử bình thường của hàng triệu người Việt, chắc là Trần Trung Kiên bây giờ sẽ không làm hổ danh dòng họ nữa, ông cười chua chát khi nghĩ về những hư danh đó.
Hồi cha mẹ qua đời, Kiên còn quá trẻ để quan tâm tới hai mặt trắng đen trong môi trường chính trị, sau này học rộng hiểu nhiều nhưng vẫn chưa giải thích được mối quan hệ hy hữu giữa bố mẹ mình và bố mẹ vợ.
Ông đại tá bố vợ luôn tảng lờ chuyện ấy, có thể chính ông cũng không lý giải cặn kẽ được. Hôm qua mới nói chuyện, ông cảm thấy tiếc vì không đi cùng được, hơn nữa bố mẹ Kiên không còn nên về Việt Nam ông không biết chuyện trò với ai. Ông là người kín đáo tới mức đáng nghi ngờ.
Khi nhớ lại mẹ mình có nhắc đến mẹ Xuân Lan một cách rất kính nể, thậm chí có chút kỳ vọng, Kiên từng chất vấn ông “đại tá” thì ông tỏ ra hết sức bất bình. Ấy là chưa kể, ông Tài, cậu ruột Xuân Lan là một người rất tài ba, thích sống kiểu Tây nhưng vẫn ở lại Việt Nam sau 30 tháng 4. Hay Bà cũng là Việt cộng?
Ông “đại tá” sống bằng tiền trợ cấp, không thiếu thốn gì nhưng không có bạn bè, buồn tênh. Là sỹ quan cao cấp của quân đội quốc gia, ông lại có quan hệ mật thiết với vợ chồng Việt cộng nằm vùng, mối quan hệ của họ quả là hy hữu. Trong khi những quan hệ giữa người Việt với nhau, dưới mắt công chúng, còn chịu ảnh hưởng rất nhiều của phe cánh và mầu sắc chính trị.
Một người Mỹ có thể đứng lên tuyên bố chỉ trích một đồng chí trong đảng của mình, và ủng hộ một người trong đảng đối lập, miễn là có lợi cho Tổ Quốc mình. Người Việt kể cả trong cũng như ngoài nước, ít thấy ai làm được như thế.Vậy chính trị có vai trò lớn đến mức nào, còn tính dân tộc thì lớn tới đâu?
Xuân Lan vốn là một tay lái rất khá nhưng vẫn chỉ giữ 50 dặm/giờ và bám sát lề đường mặc dù đường Great Western hôm nay vắng xe. Mấy chục năm là vợ chồng, chưa bao giờ bà muốn Kiên đi xa một mình, kể cả khi ông học sỹ quan tâm lý chiến ở Phillippine, nay phải tiễn ông đi Việt nam, mà ở đó lại có An, bà bồn chồn rồi giảm tốc độ:
- Kien, I think of flying Vietnam with you. (Kiên, em đang nghĩ có thể bay với anh đi Việt Nam).
- Ừ cũng được đấy, nhưng bay bây giờ ấy à?
- Certainly, but... Oh, my God! my visa... no, no, I can't fly.(Tất nhiên rồi, Ôi, lậy chúa, còn thị thực nhập cảnh chứ...thôi, thôi, em không thể bay đâu).
- Ừ đúng rồi, thị thực của em hết hạn rồi, hay là bay sau cũng được. Xuân Lan tăng tốc độ 50, rồi 60, và dần dần lên nữa, bà đang cố kìm nén cảm xúc hỗn độn của mình. Bất chợt bà quay sang Kiên:
- Tell me truth, Kien (Nói thật với tôi nhé Kiên).
- Gì thế em? - Kiên hiểu bà xã lại sắp nổi cơn nên nhẹ nhàng mà em đang lái xe.
- No problem, don't mess about. How many times did you, damn, make love with that woman? (Không lo, đừng lảng lung tung. Ông làm tình với con đó bao nhiêu lần?).
- Thôi nào, chuyện này nói cả chục năm rồi mà. Yeah, but you tell a lie. Bastard! (Ừ, nhưng ông nói dối, khốn kiếp) Bà chửi thề và đập tay vào vô lăng làm còi xe kêu inh ỏi.
And money, you left with her only a little gold ring, as you said, but I sent you more than 10 grands. Where is the rest? where? where?(Còn tiền, ông nói chỉ để lại cho nó một cái nhẫn, nhưng tôi gửi cho ông tất cả hơn 10 nghìn Đô. Đâu hết rồi? Đâu?)
“K...ét...Rập”, “B...ụp”,
Bốn cái gối hơi nổ bung ra cùng một lúc ôm lấy hai người, tai nạn!
Xuân Lan đã không làm chủ được tay lái, xe đâm sầm vào hàng rào chắn bên đường. Bà đạp phanh gấp, mùi cao su cháy khét lẹt. Hai vợ chồng ngồi giữa bốn cái gối hơi tự thổi.
Bà tắt máy xe, bình tĩnh kéo phanh tay cẩn thận, con quỷ ghen tuông trong Xuân Lan đã “trốn mất”. Bà quay sang Kiên:
- Kien, Oh, what a man! Push them out and sit back. (Này anh, anh làm sao thế, đẩy gối ra, ngồi dậy đi chứ).
Bà toài người sang giúp Kiên, ông mềm nhũn như bột, lỏng lẻo trong dây an toàn. Hai gối hơi vẫn còn dính trên mặt đang từ từ rơi ra.
- Kiên! Trời ơi! Em đã giết anh rồi, em vẫn yêu anh mà!
Kiên đã ra đi, siêu thoát trong tiếng nức nở, tiếng khóc than, tiếng nói yêu bằng tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của vợ.
Mắc bệnh suy tim lâu ngày, ông không thể chịu nổi cú sốc từ cả hai phía tâm hồn và thể xác như vậy. Xuân Lan nhẹ nhàng đỡ ông dậy rồi bà gọi cho luật sư của mình.
Trong khi chờ xe cứu trợ và cứu thương đến, bà quay số điện thoại của ông Tài(70), cậu ruột của bà ở Việt Nam, nhắn cho gia đình An về cái chết bất đắc của Kiên. Bà định bụng sẽ gửi ngay 2 khăn tang khẩn cho hai mẹ con An, sau đó đi Việt Nam cùng luật sư của mình.
Còi xe cứu thương và cảnh sát ngày một gần. Họ đã đến, bà toài sang ôm lấy Kiên, giơ tay chào họ, tiện dịp cài chốt cửa xe, bà muốn có thêm thời gian với ông.
Hai hàng lệ ứa ra, Xuân Lan muốn giữ mãi khoảnh khắc này, mặc cho cảnh sát và bác sỹ cứ đập vào cửa xe liên hồi. Bà lại giơ tay chào nhưng vẫn quay lại với ông trong vòng tay. Mấy chục năm qua, hết là bạn ấu thơ rồi bạn học, lại làm chồng, không ai có thể thay thế ông trong lòng bà. Là tiến sỹ giáo sư, nói tiếng Anh, tiêu tiền Mỹ nhưng bà vẫn yêu bằng trái tim người Việt.
______________________
Chú thích:
70. Tài tức Tài 48, là người vẫn nhận quà và tiền của Xuân Lan rồi chuyển ra cho Mùi, vợ anh Đức, sau đó chuyển cho Kiên khi anh còn ở trại cải huấn Lào Cai
HẾT