watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hitler Và Trận Đánh Normandie-- 11 - - tác giả Hans Speidel Hans Speidel

Hans Speidel

- 11 -

Tác giả: Hans Speidel

Ngày 24 tháng 7 khi bộ chỉ huy tối cao Quân lực xác nhận rằng quyết định ở Miền Tây tùy thuộc vào sự ngăn chặn mũi tấn công của địch trong vùng bán đảo Cotentin, điều này đưa lại hậu quả là một sự khôi hài cay đắng cho Bộ Chỉ huy, bởi vì chính cơ cấu ấy cùng lúc cấm chỉ mọi sáng kiến trong các cuộc hành quân.
Tướng Patton, Tư lệnh hùng tráng, tính khí phong phú, của Đệ III Lộ quân Hoa Kỳ, người vừa được đẩy lên Cotentin, và trong khi Bộ Tư lệnh Đức chờ đợi cuộc đổ bộ tại một nơi khác, đã mau lẹ tiến sâu vào vùng đất không người. Rốt cuộc, chính mãi đến lúc đó, phía Bộ Tư lệnh Đức mới lấy các quyết định chiến lược quan trọng. Nhưng vì tất cả lực lượng trừ bị đều thiếu thốn, nhất là về Không quân, cho nên mọi mệnh lệnh bắt buộc bảo vệ từng tấc đất dù cho chuyện gì xẩy đến và công cuộc ngăn chặn mũi dùi tấn công của đối phương đều là những câu trống rỗng.
Điểm nguy kịch của phòng tuyến bị đánh chiếm đã chuyển đi về cánh phía tây của hai Lộ quân Mỹ. Chính tại đấy người ta phải phòng trước một sự xâm nhập về phía Nam và Đông Nam, một khi bán đảo vùng Bretagne đã bị chặn ngang. Cuộc điều quân này không những chỉ vạch đường cho một cuộc bao vây từ phía tây Lộ quân VII và Lộ quân V thiết kỵ Đức đóng tại Normandie, nó cũng còn khởi đầu cho cuộc hành quân quyết định nhắm vào khu vực Ba lê và quá hơn nữa, về phía Đức quốc: đấy là sự khởi đầu cho hồi chung cuộc. Lúc ấy chỉ có các quyết định cương quyết là có tính cách bắt buộc, đó là: bỏ mặt trận Địa Trung Hải, rút toàn thể Binh đoàn G[1] lui về phía Bắc, sau khi trích ra tất cả lực lượng trừ bị cơ động nhằm mục đích hành quân chiến thuật và sửa soạn tuyến sông Seine thành tuyến phòng thủ.
Nhưng không thể nào đưa Hitler và Bộ Tổng Tư lệnh Quân lực đến chỗ lấy một quyết định.
Khi được tin về sự chọc thủng phòng tuyến của mũi dùi Hoa Kỳ gần Saint-Lô, thống chế Von Kluge thoạt tiên sợ phải thấy cánh phía Tây của Lộ quân VII mất điểm tựa tại vịnh Saint Malot. Ngay lúc đó ông đã tiên liệu một cách hữu lý rằng Avranches sẽ là vị trí then chốt phải bảo tồn cho đến lúc mà các cuộc phản công hay các quyết định trọng yếu có thể can thiệp vào. Vả chăng ông cũng được biết rằng điều bó buộc ấy biểu tượng cho tối đa những gì có thể đòi hỏi, với tình trạng các đơn vị đã tham chiến từ 7 tuần qua trong một trận đánh thế thủ nhọc nhằn, nhất là dưới hiệu quả hủy diệt gây ra bởi Không quân đối phương. Chính Không quân, bằng sự phối hợp hữu hiệu với các lực lượng trên bộ của Hoa Kỳ, đã giúp cho mũi dùi tấn công tại Saint-Lô thành công.
Tất cả lực lượng trừ bị của Lộ quân VII đã được tập trung tại mặt trận Cotentin. Tuy nhiên, các lực lượng thiết kỵ phòng vệ mà Bộ Tổng Tư lệnh Tối cao Quân lực đã hứa hẹn, vẫn vắng bóng. Cuộc tiếp cứu của Quân đoàn XXV được yêu cầu nhiều lần (nó đã được đưa đến Bretagne với 5 Sư đoàn) đã bị Bộ Tổng tư lệnh Quân lực từ chối. Riêng về phần mặt trận giữa Caen và Saint-Lô, binh sĩ được trích bớt đi đến một mức có thể tạm thời chịu đựng được. Dây cung đã căng quá thẳng, Bộ Tổng tư lệnh Quân lực vẫn bất động: Miền Tây kể như đã mất.
Quân đoàn thiết giáp thứ XLVII với Sư đoàn 2 và Sư đoàn 116 thiết kỵ phải tập trung lại trong vùng phía Tây con sông Vire để được tung ra đánh vào cạnh sườn địch quân lúc đó đã thành công trong vụ chọc thủng tuyến phòng ngự.
Giữa lúc đó, Tư Lệnh Lộ quân VII quyết định thống nhất lực lượng để cắt ngang mũi dùi tấn công vào Saint-Lô tại cạnh sườn phía Tây hướng về phía Đông Nam, với sự dàn quân của Quân đoàn thiết giáp XLVII đang tập họp lại để phản công. Nhưng lệnh hành quân ấy của Lộ quân đã lập tức bị thống chế Von Kluge hủy bỏ ngày 29 tháng 7 bởi vì ông đã bỏ điểm trọng yếu Avranches mà không chiến đấu. Nhưng phản lệnh đã đến quá chậm, trước sự ào ạt của thiết giáp và không quân của đối phương. Ngày 30 và 31 tháng 7, các cánh quân thiết kỵ của Lộ quân Patton tràn ngập Avranches. Mũi tấn công của địch đã được vạch ra, cấp bách. Mọi người chờ đợi cao điểm của cơn khủng hoảng. Giữa khoảng Saint-Lô và Vịnh Saint-Malot tính cách liên tục của phòng tuyến đã bị phá vỡ. Những đơn vị chiến đấu đã được chỉ huy một cách can đảm vẫn còn đứng vững như các đập ngăn nước, nhưng sự tràn ngập bởi sóng biển chỉ còn là một vấn đề mỗi ngày và ngay cả mỗi giờ nữa. Von Kluge đích thân gọi điện thoại cho Đại tướng Jodl để nêu rõ giờ phút quan yếu đó và yêu cầu ông này làm ngay lập tức một báo cáo trình Hitler. Trong cuộc điện đàm ông cũng đã nhắc lại các giai đoạn hệ trọng của quân đội Pháp trong trận đánh sông Marne năm 1914. Hoài công vô ích! Thay vì lấy một quyết định đứt khoát hay ban ra các chỉ thị chiến lược thì ngày 01 tháng 8 năm 1944, Hitler lại ban hành mệnh lệnh sau đây cho Binh đoàn B:



“Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được để cho quân địch tổ chức hành quân như vào chỗ không người. Binh đoàn B phải chuẩn bị với tất cả các đơn vị thiết kỵ sẵn có một cuộc phản công để tạo mũi dùi chọc thủng cho đến Avranches để cô lập và tiêu diệt địch quân. Tất cả các lực lượng thiết kỵ đang sẵn có phải được rút khỏi các vị trí hiện tại mà không được thay thế, và phải được đặt dưới quyền chỉ huy của Tướng thiết giáp Eberbach. Kết quả quyết định của chiến trường tại Pháp tùy thuộc vào cuộc tấn công này.”


Von Kluge lập tức phản đối mệnh lệnh này, một mệnh lệnh mà theo ông chắc chắn sẽ kéo theo sự sụp đổ của phòng tuyến Normandie từ sông Orne cho đến phía nam Saint-Lô và sẽ làm cho thảm họa đến nhanh hơn nữa. Ông năn nỉ yêu cầu quan điểm của ông phải được trình bày lên Hitler ngay lập tức. Nhưng Fuhrer cho trả lời rằng ông ta vẫn giữ quyết định ban đầu. Chỉ nghe theo bổn phận của mình, Von Kluge nhấn mạnh một lần nữa các hậu quả thật sự của mệnh lệnh ấy: Trước hết là sự sụp đổ chắc chắn của phòng tuyến Normandie trước Lộ quân II của Anh trong trường hợp bắt buộc phải rút các đơn vị thiết giáp hiện đang tạo thành bộ xương của hệ thống phòng thủ. Một lần nữa ông đề nghị các biện pháp chiến lược nghĩa là sự rút lui về sau sông Seine, bỏ miền Nam và miền Trung nước Pháp. Tư lệnh tối cao Quân lực lại bác bỏ một cách dữ dội những ý tưởng được Binh đoàn B triển khai đối với vị Tổng tham mưu trưởng. Với cùng giọng điệu của “Ông lớn của ông ta”, ông Tổng tham mưu trưởng cũng vậy cũng nói về một cuộc tiêu diệt đối phương nhờ cuộc tấn công dự liệu bằng thiết giáp và về một “chiến thắng chắc như bắp”.
Các lực lượng tấn công, được đặt dưới quyền Tướng thiết giáp Eberbach gồm có Quân đoàn XLVII thiết kỵ, với sư đoàn 2 và sư đoàn 116 thiết giáp, và Quân đoàn I thiết kỵ với sư đoàn 1 và sư đoàn 2 thiết giáp S.S. Người ta cũng dự liệu sự can thiệp của Quân đoàn II thiết kỵ S.S (với sư đoàn 9 và 10 thiết giáp S.S) nhưng diễn biến của tình hình không còn dành cho thời gian để kịp can thiệp nữa. Không lực địch, nhờ các cuộc oanh tạc không ngừng nhằm vào các cuộc điều quân của lực lượng thiết giáp, đã luôn luôn làm cho giờ phút can thiệp bị hoãn lại.
Mãi đến đêm 6 tháng 8, sau không biết bao nhiêu là khó khăn không tưởng tượng được, công cuộc chuẩn bị rốt cuộc cũng được hoàn tất trong vùng phía đông Mortain: cuộc tấn công có thể bắt đầu một lúc sau nửa đêm, trước khi không lực địch có thể lâm trận để hủy diệt. Chính Von Kluge cũng lao mình vào trung tâm của cuộc chiến đấu. Cuộc tấn công thành công cho đến bình minh. Sư đoàn 2 đã xuyên thủng phòng tuyến địch sâu vào đến 10 cây số và đã nghiền nát các lực lượng bộ bình và thiết giáp Hoa kỳ tương đối đáng kể. Chính ngay từ lúc bình minh, các phi đội chiến đấu địch đã ào đến hết đợt này đến đợt khác, và ngăn cản mọi chuyển động của đối phương: Ba trăm phi cơ săn giặc Đức đã từ khắp nơi tập trung về phía tây để yểm trợ cho cuộc tấn công này. Nhưng không hề có một chiếc nào xuất hiện được trên các địa điểm tấn công: tất cả đều bị bao vây và tiêu diệt ngay khi cất cánh để tham chiến trên không. Như thế là cuộc hành quân thiết giáp đã hoàn toàn bị thất bại chỉ vì các lực lượng không quân đồng minh được hậu thuẫn bởi sự liên lạc vô tuyến tuyệt vời từ dưới đất. Với những tổn thất nặng nề, các sư đoàn thiết giáp tả tơi phải rút về điểm xuất phát trong đêm 7 tháng 8. Hitler chỉ thị tái phản công vào ngày 8. Cuộc tái phản công này do sư đoàn I thiết giáp S.S làm lực lượng chính, nhưng đã bị thiết giáp và không quân Hoa kỳ đẩy lui tổn thất nặng nề.
Nếu được không quân yểm trợ đầy đủ, cuộc phản công này, nhắm vào mục tiêu Avranches cách xa chứng 25 cây số có thể đưa đến một giai đoạn chiến thắng và ít ra cũng tạo được một sự trì hoãn cho phép lấy các quyết định chiến lược. Nhưng với tính khí của Hitler như thế, liệu có các quyết định nào được ban hành không? Không chắc. Một điều chứng tỏ ông ta hiểu tình hình đến mức nào, là mệnh lệnh ban hành ngày 7 hoặc ngày 8, sau cuộc phản công của Eberbach, bắt dàn rộng phòng tuyến của quân đổ bộ Đồng minh “từ phía Tây sang phía Đông”.
Ngày 5 tháng 8, các lực lượng Hoa kỳ đã gần như khóa chặt vùng Bretagne. Lúc ấy Tư lệnh quân đoàn XXV Đức, Tướng pháo binh Farmbacher, tại Renner, được chỉ định làm Tư lệnh khu vực Bretagne. Ông ta cũng thế, phải bắt đầu bằng “cuộc ngăn chặn kẻ thù với tất cả các lực lượng sẵn có”, rồi vừa chiến đấu vừa rút lui về các điểm phòng thủ mạnh, sau cùng “phòng vệ tại đấy cho đến giọt máu cuối cùng”; đấy là những điều được nhớ tại Cherbourg.
Tất cả những điều đó lại có kết quả là cô lập hóa Quân đoàn XXV cùng với các sư đoàn của nó; đạo quân này không còn làm được một hành động nào nữa trong sự phát triển của các biến cố về sau, nó cũng lại không cầm chân được một lực lượng địch nào cả.
Sau vụ thất bại của cuộc phản công, một lần nữa, Von Kluge đề nghị bỏ miền Nam nước Pháp và lập tức đưa binh đoàn G về lập một phòng tuyến Seine-Loing-Loire, từ Gien và Nevers cho đến biên giới Thụy Sỹ gần Gex. Về phần khu vực hạ lưu sông Seine, các biện pháp phòng ngự đã được nghiên cứu và quy định từ giữa tháng 7. Nhưng Tổng tư lệnh Quân lực vẫn trì hoãn không chịu quyết định. Cuộc phản công do Hitler ra lệnh bắt đầu từ vùng Mortain hướng về phía Avranches đã làm cho các đơn vị thiết giáp ở miền Tây bất động ở phía Nam sông Seine và bị tiêu hao nặng. Mệnh lệnh này không những trái ngược với quy luật chiến lược mà còn trái ngược với lý trí nữa. Làm như thế là cung cấp cho đối phương một lợi thế quyết định và ngoài sự mong ước của họ.
Đó là một cuộc trình diễn tuyệt vời nghệ thuật điều động thiết giáp của Tướng Patton, Tư lệnh Lộ quân III Hoa kỳ, trong ngày 9 và 10 tháng 8 tiến sâu từ Laval theo trục Alençon-Le Mans, và đẩy mạnh về hướng Ba lê. Trái với lệnh cấm triệt để của Hitler. Sư đoàn 9 thiết giáp Đức được tung vào vùng Alençon, ít ra cũng đã làm chậm đà tiến quân mãnh liệt của quân đội Hoa kỳ hướng về phía Đông. Nhưng một lần nữa người ta lại cảm thấy sự thiếu vắng Quân đoàn XXV đang chiến đấu một cách vô ích tại Bretagne. Nhiều lực lượng mới của Hoa kỳ, với ưu thế tuyệt đối về hỏa lực và về cơ động tính vẫn tiếp tục được đổ ào ạt vào chỗ bị chọc thủng. Binh đoàn B, khám phá được ý đồ của đối phương là bao vây Lộ quân V thiết kỵ và Lộ quân VII ở phía Tây vùng hạ lưu sông Seine, đã đòi hỏi phải được rút về phía sau sông Seine và gọi Binh đoàn G đến để tái thiết lập liên lạc về phía Đông.
Nhưng Hitler không tin vào sự ước tính của Von Kluge về lực lượng địch. Bộ Tổng tư lệnh quân lực chỉ muốn nói đến “các mũi thiết giáp địch” có thể bị loại ra khỏi vòng chiến bằng các “biệt đội” cảm tử đánh bất ngờ.
Và Hitler tiếp tục tìm cớ thoái thác. Ông ta bắt buộc rằng đạo quân thiết kỵ của Eberbach, vốn đã bị đánh tả tơi phải tái phát động cuộc phản công hướng về phía bờ biển: đều đưa đến kết quả là làm cho tình hình chiến lược trầm trọng thêm và làm giảm thiểu lực lượng chiến đấu của quân đội.
Để làm cho Hitler đổi ý định mở cuộc tấn công điên rồ ấy và để tranh thủ thời gian, ngày 10 tháng 8, Thống chế Von Kluge đề nghị với Bộ Tư lệnh tối cao quân lực “nếu biến chuyển sắp đến của tình hình cho phép”, mở một đợt tấn công của đạo quân thiết kỵ do Eberbach chỉ huy hướng về phía Nam, “để giải tỏa mạn sườn Địa Trung Hải”.
Nhưng kế hoạch này rồi cũng bị tình hình tổng quát vượt qua. Lúc đó Von Kluge dùng quyền Tư lệnh ra lệnh cho Lộ quân V thiết kỵ rút lui dần về phía sau sông Orne rồi sau khu vực sông Touques, trong khi Lộ quân VII che chở mạn sườn trên phòng tuyến Domfront-Alençon và hướng về phía Đông. Ngày 12 tháng 8, bất đắc dĩ Hitler phải chấp thuận và vẫn không có lấy một quyết định nào liên quan đến vấn đề binh đoàn G, vẫn còn nằm bất động với Lộ quân I và XIX, dọc theo vịnh Gascogne và bên bờ Địa Trung Hải.
Vả chăng, kể từ các biến cố ngày 20 tháng 7, Thống chế Von Kluge đã bị mất đà; chính nhiều khi ông trông thấy thảm họa không thể tránh được bằng cặp mắt hết sức bi thảm. Ông ta tự dằn vặt để đừng toan tính việc thoát hiểm nhờ mưu kế, kể từ ngày 20 tháng 7, ngày mà ông không muốn hành động. Nhưng vì các thỉnh nguyện mới cho nên ông không thể quyết định tự ý bỏ mặt trận phía Nam, gọi Binh đoàn G về, bắt đầu một chiến lược mới có thể cho phép sử dụng một cách tiết kiệm và hữu hiệu các lực lượng trừ bị như vậy. Khi các lực lượng hùng hậu của địch vượt qua tuyến Domfront-Alençon, rồi một cánh nghiêng về phía Bắc theo hướng Falaise để bao vây hai lộ quân tại Normandie, và các lực lượng khác vẫn tiếp tục tiến mạnh về phía Ba lê, ngày 12 tháng 8 Von Kluge đến vùng phía Nam Falaise để hội họp với các Tư lệnh Lộ quân. Nhưng hệ thống truyền tin tháp tùng ông đã bị lãnh ngay một quả trọng pháo nên mọi sự liên lạc đều bị cắt đứt. Đại tướng Jodl nhiều lần điện thoại nhân danh Hitler hỏi Tham mưu trưởng Binh đoàn B rằng liệu ông này có tin là có thể Thống chế Von Kluge đã thoát qua phòng tuyến của địch rồi không. Khi Thống chế trở về, một chỉ thị hỏa tốc của Hitler cũng được gửi đến: “Thống chế Von Kluge phải thoát ra khỏi “túi” Faleise và điều khiển cuộc chiến tại Normandie từ Bộ tư lệnh Lộ quân thứ V”. Mệnh lệnh này, thật điên khùng về mặt quân sự, đã cho thấy sự nghi ngờ và sự suy sụp tinh thần của vị Tổng Tư lệnh Tối cao. Niềm tin vào các cấp chỉ huy và vào các đơn vị quân đội đã bị chặt đứt bởi các mệnh lệnh mâu thuẫn bởi sự bối rối hỗn loạn mà họ tìm thấy nơi Hitler. Von Kluge không thể nào chỉ huy toàn thể mặt trận từ chính trong “túi Falaise”. Nhưng xung lực của ông có giá trị rất lớn đối với quân đội. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, ông có thể cho phép các tướng lĩnh dưới quyền sự tự do hành động để mở đường máu tiến về phía Đông, sau sông Seine.
Ngày 13 tháng 8, Bộ tham mưu của Đệ I Lộ quân được gọi từ vịnh Gascogue về phía Bắc để nắm quyền điều khiển “phòng tuyến” trải dài giữa cạnh Đông Nam của Lộ quân VII và sông Loire trong vùng Orléans. Nhưng về quân sỹ nó chỉ còn có các đơn vị ở hậu trạm và các bộ phận hành chính: hai sư đoàn của Lộ quân XV và hai lữ đoàn huấn luyện của S.S đã phải được gửi đến tăng cường.
Cùng ngày hôm đó, những tin tức đầu tiên về các hoạt động của quân Đồng minh được đưa lên tàu tại Alger cũng được loan truyền đến. Cuộc đổ bộ tại Địa Trung Hải sắp xảy ra. Thế mà chính ngay lúc đó Hitler và Tổng Tư lệnh Quân lực vẫn từ chối không cho rút Binh đoàn G với 9 sư đoàn cơ hữu về; quả thật cơ động tính yếu kém của chúng không tạo được một giá trị chiến đấu lớn lao nào. Các ông lớn ấy vẫn chưa muốn tin sẽ có cuộc đổ bộ, và sự nối kết giữa cuộc đổ bộ ấy với các cuộc hành quân Đồng Minh trong khu vực giữa sông Seine và sông Loire.
Ngày 14 tháng 8, Thống chế Von Kluge tập họp các Tư lệnh Hải quân miền Tây và Không đoàn 3, Tân Tư lênh quân đội tại Pháp, Tướng Không quân Kitzinger, viên Tư lệnh mới được bổ nhiệm của “Đại Ba lê”, Tướng Bộ binh Von Choltitz về Saint-Germain để thảo luận công việc phòng vệ thủ đô Ba lê. Hitler đã ra lệnh bảo vệ Ba lê cho đến người lính cuối cùng. Ông ta đã hạ lệnh chuẩn bị giật sập 68 chiếc tầu trên sông Seine và tất cả các công trình nghệ thuật có giá trị quân sự. Cuộc hội nghị cũng giải quyết vấn đề rút lui và di tản của quân đội: điều này đã được thực hiện suông sẻ. Trật tự ít được thấy trong việc rút lui của nhiều cơ quan của đảng Quốc Xã cũng như của số công chức. Những người này đã tạo nên một tình trạng tuyệt đối không thể kiểm soát được và thường hay không làm cho Đức quốc hãnh diện chút nào.
Riêng về phần các lực lượng vững chắc để phòng vệ khu vực thủ đô mênh mông, thì chẳng có lực lượng nào cả. Chỉ còn có các đơn vị bất ngờ, có khả năng bảo đảm công tác an ninh và tình báo, ngoài ra, đối với những người có tâm trí sáng suốt thì không thể nào giữ được Ba lê vì vấn đề tiếp liệu. Chính cũng vì các lý do lý thuyết và vật thể ấy đã làm cho người Pháo phải để cho Ba lê đầu hàng năm 1940.
Tuy nhiên áp lực tập trung của các lực lượng Mỹ đã tăng cường nhất là từ phía Nam và phía Tây của phòng tuyến Trun-Argentan-Putarges, trong khi các lực lượng của Anh vẫn đứng vững. Các lực lượng của Đức vẫn còn ở lại trong nồi “xúp de”, đang cố gắng mở rộng đường liên lạc về phía Đông. Thay vì các chỉ thị chiến lược hoặc các lực lượng tăng cường không bao giờ thấy đưa đến, ngày 15 tháng 8 chỉ thấy có một công điện hỏa tốc mang chữ ký của Hitler. Văn kiện ấy quy trách Thống chế Von Kluge về sự thất bại của cuộc phản công của Eberbach. Đấy là một mệnh lệnh trong ngày vẫn thường được thấy nơi Hitler, nhằm mục đích ghi vào “nhật ký hành quân”. Bản văn không có một giá trị quân sự nào, nhưng nó tỏ ra cần thiết để “viết lịch sử”.
Công điện ấy đã đến nơi cùng một ngày với cuộc đổ bộ của Đồng minh tại bờ biển Coted’Azur gần Saint-Tropez, Canne và Saint-Raphael. Sự suy đoán của Hitler như vậy đã tỏ ra sai lầm: phòng tuyến yếu kém tại Địa Trung Hải sụp đổ. Mãi đến ngày 17 tháng 8, Bộ Tư lệnh tối cao Quân lực mới tuyên bố sẵn sàng ra lệnh rút Binh đoàn G lui về phòng tuyến Orléans-Bourges-Montpellier. Nhưng cuộc điều quân này không thể thực hiện được bởi vì các mũi tấn công thiết kỵ thọc sâu, cứ mỗi lúc, mũi này vượt qua mũi kia trên cả hai mặt trận đổ bộ.
Người ta cũng còn ra lệnh cố thủ các “khu vực tăng cường”: khu vực sông Gironde phía Bắc và phía Nam, và khu vực La Rochelle; nỗ lực thoát ra khỏi vòng vây sắt thép càng ngày càng không ngừng thâu hẹp lại tại Falaise, của Lộ quân V thiết kỵ và Lộ quân VII, bị Hitler cấm chỉ ngày 15 tháng 8, trái với lời yêu cầu liên tiếp của binh đoàn B trong ngày 14. Chính lúc đó Thống chế Von Kluge quyết định tự mình ra lệnh.
Ngày 16 tháng 8, vào buổi chiều, không được Tổng Tư lệnh quân lực báo trước, Thông chế Model xuất hiện tại bản doanh La Roche-Guyon. Ông ta đã hành sử quyền Tư lệnh Binh đoàn Trung ương tại mặt trận miền Đông, sau khi toàn diện của mặt trận này sụp đổ vào ngày 20 tháng 6 và bị bắt buộc phải rút về Đông Phổ. Vào lúc ông ta được giao cho sứ mạng mới này, Hitler gắn lại cho ông chiếc huy chương thập tự sắt sáng loáng. Model đưa cho Von Kluge một bức thư do Hitler viết tay, trong đó ông ta tuyên bố rằng ông ta quyết định bổ nhiệm Thống chế Model làm Tư lệnh mặt trận miền Tây và Tư lệnh tối cao của Binh đoàn B. Thật vậy, ông ta có cảm tưởng rằng, tiếp theo các sự mệt nhọc quá sức trong các tuần lễ vừa qua, sức khỏe của Thống chế Von Kluge không còn thích nghi với trọng trách nữa.
Thái độ của Von Kluge trước mặt Model rất xứng đáng; trong cuộc bàn giao quyền hành, ông ta trình bày tất cả các sự câu thúc bao gồm trong chức vụ Tư lệnh. Điểm đau đớn duy nhất đối với ông là, ông ta nói, bị bắt buộc phải rời bỏ các chiến hữu, những người do lệnh của Hitler, đã đổ xương máu trong “nồi xúp de” Falaise. Ông cảm thông với sâu xa với họ cho đến hơi thở cuối cùng.
Ngày 18 tháng 8, lúc 5 giờ sáng, Von Kluge sau các cuộc từ biệt cảm động với bộ tham mưu chiến đấu thân yêu của ông, rời khỏi La Roche-Guyon, nơi đây cũng đã nằm trong tầm pháo binh và bích kích pháo của tiền phương lộ quân Hoa kỳ I. Đến giữa Verdun và Metz thống chế tự đầu độc chết. Một phiên tòa ngoạn mục, án tử hình bằng cách treo cổ chắc chắn là số phận sẽ dành cho ông. Người con trai và con rể của ông bị bắt tại gia đình và đưa đi mất.
Thống chế Von Kluge để lại một lá thư cho Hitler, đề ngày 18 tháng 8. Ông tóm tắt các nguyên nhân của sự sụp đổ không thể nào tránh được của mặt trận miền Tây. Ông ghi nhận, ngoài các sự kiện khác, rằng do ưu thế của các lực lượng đối phương, ông đã không có thể ngăn chặn địch quân chọc thủng phòng tuyến Avranches, bởi vì các lực lượng tiếp cứu đã được hứa, đã không bao giờ đến cả. Và các đề nghị chiến lược của ông đã bị gạt bỏ.
Riêng đối với cuộc phản công tại Mortain do Hitler ra lệnh, bất kể đến các sự phản kháng của ông, nó đã làm cho tình trạng binh đoàn B trầm trọng thêm vô phương cứu chữa. Von Kluge kết thúc bức thư bằng các lời lẽ sau: “nếu các vũ khí mới của ông không đạt được sự thành công nào, đặc biệt là trên không trung, thì ông phải chấm dứt chiến tranh… Dân tộc Đức đã đau khổ không thể tả xiết, đến nỗi, đã đến lúc phải chấm dứt các sự khủng khiếp này.”



Chú thích:

[1] 1. Gồm các đơn vị chiếm đóng tại phía Tây, Tây Nam và Đông Nam nước Pháp.
Hitler Và Trận Đánh Normandie
Lời Nói Đầu
- 1 -
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -
- 9 -
- 10 -
- 11 -
- 12 -
- 13 -
- 14 -
- 15 -